Virus lây lan, Trung Quốc và Nga chớp thời cơ tung tin sai lạc
Tác giả: Julian E. Barnes, Matthew Rosenberg và Edward Wong
Dịch giả: Carl Trần
28-3-2020
WASHINGTON — Trung Quốc và Nga đều đã lợi dụng virus corona mới để mở những chiến dịch thông tin sai lạc nhằm gieo rắc nỗi nghi hoặc về cách giải quyết khủng hoảng của Hoa Kỳ và đánh lạc hướng chú ý khỏi những cuộc vật lộn của chính các nước này với đại dịch, theo các giới chức tình báo và nhà ngoại giao Mỹ.
Các trang mạng đứng về phía điện Kremlin nhắm vào độc giả phương Tây không ngớt đưa ra những thuyết âm mưu nhằm làm lan rộng nỗi sợ hãi ở châu Âu và mối chia rẽ chính trị ở Hoa Kỳ, các giới chức cho biết. Họ cũng ghi nhận rằng giới ngoại giao và các phương tiện truyền thông nhà nước Nga có thể được nhìn nhận là kiềm chế hơn.
Trung Quốc hung hăng một cách công khai hơn. Nước này đã sử dụng một mạng lưới những trương mục truyền thông xã hội có liên hệ với chính phủ để truyền bá những giả thuyết vô căn cứ và đôi khi mâu thuẫn nhau. Và Trung Quốc đã áp dụng bài bản của Nga cho những hoạt động bí mật hơn, khi bắt chước những chiến dịch thông tin sai lạc của Kremlin và thậm chí sử dụng và khuếch đại cùng các trang mạng thuyết âm mưu ấy.
Các chiến dịch tuyên truyền này cho thấy cả hai nước đã chuyển sang chiến thuật điển hình của thể chế độc tài là tuyên truyền rộng để làm suy yếu đối thủ chung, Hoa Kỳ, thay vì đáp lại những chỉ trích công khai đối với những vấn đề của chính họ.
Các giới chức tình báo Mỹ cao cấp dự đoán trong những ngày tới, có lẽ Trung Quốc sẽ không còn truyền bá thông tin sai lạc qua Bộ Ngoại Giao và mạng lưới các tòa đại sứ của họ, mà sẽ tiếp tục sử dụng cách tiếp cận kiểu Nga tinh tế hơn, đó là dựa vào những cơ quan tình báo của mình để truyền bá thông tin sai lạc về nguồn gốc của virus và cách ứng phó của Trung Quốc.
Nhiều giới chức Mỹ khác có nhận định rằng Washington và Bắc Kinh đã đạt đến một trạng thái hòa hoãn tạm thời đòi hỏi cả hai bên chấm dứt công khai công kích lẫn nhau về virus, nhưng các giới chức nghi ngờ rằng cuộc hưu chiến bứt rứt này sẽ khó đứng vững.
Một giới chức Mỹ cấp cao cho biết, Trung Quốc đã ra hiệu cho Hoa Kỳ rằng họ sẽ ngưng trò thông tin sai lạc trước sự chỉ trích từ các nước châu Âu và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Nhiều giới chức khác cho biết, Trung Quốc chỉ đơn thuần là thay đổi chiến thuật, khi nhận ra chiến dịch thông tin sai lạc của mình kém hiệu quả hơn kỳ vọng. Và Tổng thống Trump đã tiến tới hòa giải, khi tổ chức một cuộc gọi điện thoại với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tối 26 tháng 3, trong đó hai nhà lãnh đạo “đã đồng ý hợp tác để đánh bại đại dịch virus corona”, theo một bản tóm tắt của Tòa Bạch Ốc về cuộc trò chuyện.
Nga và Trung Quốc, cũng như Iran đã tăng cường gieo rắc thông tin sai lạc về virus corona kể từ tháng 1, thậm chí lặp lại và khuếch đại những luận điệu tuyên truyền và giả trá của nhau, bao gồm những thuyết âm mưu chống Mỹ, theo lời bà Lea Gabrielle, một đặc phái viên kiêm điều phối viên của Trung Tâm Giao Tiếp Toàn Cầu tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ.
“Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã thực sự trao một cơ hội cho những phần tử xấu khai thác không gian thông tin cho những mục đích có hại”, bà Gabrielle nói với các phóng viên [hôm 27 tháng 3]. Bà cho biết nhiều nhóm tại Bộ Ngoại Giao đang làm việc để chống lại các thông điệp đó.
Phát biểu tại Tòa Bạch Ốc vào ngày 20 tháng 3, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã tố cáo Trung Quốc, Nga và Iran có “những nỗ lực phối hợp” trong việc truyền bá thông tin sai lạc.
Trung Quốc có một lịch sử lâu dài về tuyên truyền và những nỗ lực để lôi cuốn thế giới đi theo cách diễn giải của chính họ về những vấn đề địa chính trị như Đài Loan, Tây Tạng hay Hồng Kông. Trong khi thúc đẩy những chính sách và quan điểm của mình, một số trong đó chống Mỹ công khai, họ hiếm khi đặt những nguồn lực khổng lồ đằng sau những thuyết âm mưu bên lề.
Nhưng điều đó đã thay đổi trong cơn đại dịch này, theo nhiều giới chức tình báo và chuyên gia bên ngoài. Trong một chiến dịch được phối hợp chặt chẽ, nhiều giới chức và định chế của Trung Quốc đã lan truyền những luận điểm tập trung vào hai câu chuyện: rằng Hoa Kỳ là nguồn gốc của virus và rằng Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã ngăn chặn thành công virus sau một chiến dịch khó khăn, khẳng định sự vượt trội của hệ thống của họ.
Trong khuôn khổ cuộc chiến tranh thông tin, Trung Quốc cũng đang trục xuất nhiều nhà báo từ ba tờ báo lớn của Mỹ, bao gồm nhật báo New York Times.
Sau khi giữ yên lặng tương đối hồi đầu năm nay, các giới chức Bộ Ngoại Giao Trung Quốc trong mấy tuần gần đây khuếch đại những câu chuyện thuộc loại thuyết âm mưu trong khi dịch virus corona lan rộng trên toàn cầu và Trung Quốc tuyên bố đã kiểm soát dịch thành công ở thành phố Vũ Hán nơi khởi nguồn dịch.
Các giới chức Trung Quốc dường như đã dựa vào việc vay mượn những sự dối trá tung ra bởi những tổ chức chống Mỹ được Kremlin nuôi dưỡng vốn có sẵn một thính chúng ở các nước phương Tây. Một số trang mạng đó đã nhận tiền của Nga, theo nhiều chuyên gia.
Một ví dụ là vào ngày 12 tháng 3, Triệu Lập Kiên, một phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, đã đăng một đường dẫn trên Twitter tới cái mà ông mô tả là một bài “rất quan trọng” mô tả sai lạc về nguồn gốc ở Mỹ của virus corona.
Bài trên đến từ Global Research, một tổ chức có trụ sở tại Montreal tự nhận là một nhóm nghiên cứu nhưng chủ yếu lưu hành những thuyết âm mưu, nhiều thành viên trong nhóm có lập trường thân Nga và bài Mỹ.
Ít nhất hơn một chục tòa đại sứ Trung Quốc trên khắp thế giới đã đăng tải lại mẩu tuýt của ông Triệu. Tổng cộng, hơn 12.000 trương mục đã đăng lại tuýt đó và đã có hơn 20.000 người dùng Twitter thích nó.
Nhiều trang tin tức khác vốn thường phổ biến thông tin sai lạc sau đó đã nhặt lấy thuyết âm mưu ấy rồi thêm thắt những tình tiết của riêng họ. Một trong những người đóng góp chính cho trang mạng tài chính cực hữu ZeroHedge, người có bút danh “Tyler Durden” — tên nhân vật của Brad Pitt trong bộ phim “Fight Club” năm 1999 — nhắc đến mẩu tuýt của ông Triệu trong một bài dài đăng trên một trang mạng ít người biết đến hơn và trình bày loại virus corona mới là con “thiên nga đen mà những người theo chủ nghĩa toàn cầu đang chờ đợi (hoặc lên kế hoạch) từ bao lâu nay.”
Một trang mạng khác, Veterans Today, chuyên đăng tải các thuyết âm mưu, nhiều câu chuyện trong đó có nội dung bài Mỹ, tuyên bố họ là nơi đầu tiên đăng câu chuyện [không đúng sự thật] về một đội thể thao Hoa Kỳ đã đưa virus corona đến Vũ Hán hồi tháng 10. “Không có video hay hình ảnh nào về đội thể thao, không có hồ sơ nào được lưu giữ,” trang mạng này tuyên bố, và nói thêm rằng nhiều vận động viên từ cái gọi là đội thể thao đó thậm chí đã không tranh tài mà thay vào đó chỉ đi tung tăng ngoài chợ trời nơi virus được cho là đã xuất hiện lần đầu tiên ở con người.
Chiến thuật này là “một bước rẽ đáng kể so với cách hoạt động của người Trung Quốc trong quá khứ,” Laura Rosenberger, giám đốc Liên Minh Bảo Vệ Dân Chủ, một dự án thuộc Quỹ Marshall Đức của Hoa Kỳ, nhận định.
“Nga lâu nay lan truyền nhiều câu chuyện chứa thông tin sai lạc và có vẻ mâu thuẫn với nhau rồi nói, ‘Làm sao chúng ta có thể biết chắc chuyện gì đã xảy ra, làm sao chúng ta biết được sự thật?’” bà nói. “Chúng ta chưa bao giờ thực sự thấy Trung Quốc làm điều đó ở bên ngoài trước đây. Nhưng bây giờ chúng ta thấy các giới chức và truyền thông Trung Quốc đang thử những chiến thuật điển hình ấy của Nga.”
Vào hôm 30 tháng 3, Liên Minh Bảo Vệ Dân Chủ tiết lộ một công cụ để theo dõi thông tin sai lạc của Trung Quốc và tìm cách nắm bắt các câu chuyện mà Bắc Kinh đang muốn quảng bá. Trung tâm tin tức của tổ chức này ở Hamilton từ lâu đã theo dõi những trương mục Twitter người Nga và truyền tải dữ liệu về.
Trong mấy ngày trở lại đây, giới chức Trung Quốc đã điều chỉnh các tin nhắn của họ để tránh xa những lời nói dối hoặc sự giả trá trắng trợn, bà Gabrielle cho biết.
“Tôi cho rằng không gian thông tin không ngừng phát triển,” bà nói. “Nó biến thiên không ngừng, và cách tiếp cận của Trung Quốc đối với nó cũng vậy.”
Ví dụ như ở Châu Phi, các trương mục ngoại giao của Bắc Kinh trong vài ngày đã cố gắng khuếch đại các thuyết âm mưu do ông Triệu đưa ra. Nhưng kể từ ngày 15 tháng 3, tuyên truyền ở Châu Phi chỉ chủ yếu ca ngợi những nỗ lực của Trung Quốc. Bà Gabrielle cho biết, các nhóm của bà đã nhìn thấy đường hướng chung của sự chuyển dịch tương tự trong hoạt động tin nhắn của Trung Quốc tại Ý và các nơi khác ở phương Tây.
Matthew Kroenig là cựu giới chức C.I.A. và tác giả một cuốn sách mới về cuộc cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, “The Return of Great Power Rivalry” (“Cường quốc tái đối đầu”). Ông cho rằng những thất bại ban đầu của Trung Quốc trong việc chống lại virus đã ngăn chính phủ nước này tiến hành một chiến dịch tuyên truyền đơn thuần là để khoe khoang thành tựu của chính họ, buộc họ phải làm theo cách thông tin sai lạc kiểu Nga.
Ông Kroenig nói, “Một phần lý do khiến người Trung Quốc sao chép bài bản của Nga là vì họ đã quản trị sai trái khủng hoảng. Nhưng họ cũng đang học hỏi từ người Nga.”
Tin nhắn công khai của Nga về virus corona đến nay vẫn dè dặt, khiến một số giới chức và chuyên gia Mỹ kết luận rằng Moscow, không chắc chắn đại dịch sẽ diễn ra như thế nào, đã quyết định giới hạn thông điệp công khai của mình bằng cách tránh những thuyết âm mưu có thể quật ngược lại chính phủ Nga.
Tuy nhiên, Nga vẫn chuyển nỗ lực tuyên truyền của họ ở châu Âu và những nơi khác để tập trung vào virus, lan truyền những thuyết âm mưu về nó, theo đơn vị chống thông tin sai lạc của Liên Minh châu Âu, cơ quan đã theo dõi hoạt động của Nga.
Tổ chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) lâu nay là mục tiêu của Nga. Chính phủ Lithuania tin rằng, Moscow đứng sau câu chuyện giả tạo về một quân nhân Mỹ phục vụ trong lực lượng NATO ở nước này thử nghiệm dương tính với virus corona, một giới chức Lithuania cho biết. Kể từ đó, Nga đã lan truyền những thông tin sai lạc khác ở Lithuania và nhiều quốc gia khác trong liên minh Đại Tây Dương.
Chiến thuật của người Nga bao gồm cách đi vòng khôn khéo, bà Gabrielle nhận định. Họ đưa ra một thông điệp sai lạc, mà người Trung Quốc và Iran thu nhận và quảng bá, để rồi sau đó các phần tử Nga sẽ đăng lại những phiên bản Trung Quốc hoặc Iran của cùng thông điệp đó để làm cho nó có vẻ như là thông tin mới có nguồn gốc độc lập từ nơi nào khác.
_____
Julian E. Barnes: Là phóng viên an ninh quốc gia làm việc tại Washington, chuyên về các cơ quan tình báo. Trước khi tham gia báo New York Times năm 2018, ông đã viết về các vấn đề an ninh cho nhật báo Wall Street Journal. @julianbarnes
Matthew Rosenberg: Phóng viên làm việc tại Washington, là thành viên của một nhóm đã thắng giải Pulitzer năm 2018 cho việc tường thuật về Donald Trump và Nga. Trước đây ông đã có 15 năm làm thông tín viên nước ngoài ở châu Á, châu Phi và Trung Đông. @AllMattNYT
Edward Wong: Là thông tín viên ngoại giao và quốc tế đã làm việc cho báo New York Times trong hơn 20 năm, 13 năm ở Iraq và Trung Quốc. Ông đã được trao một giải thưởng Livingston và ở trong một nhóm vào chung kết giải Pulitzer cho việc đưa tin về Chiến tranh Iraq. Ông từng nhận học bổng Nieman Fellowship tại Harvard và là giáo sư Ferris ngành báo chí học tại Princeton. @ewong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.