Thứ Ba, 28 tháng 4, 2020

Hôm nay, tròn 40 năm trước, rất nhiều người lính Việt đã chết ở Takong Krao – Campuchia

Hôm nay, tròn 40 năm trước, rất nhiều người lính Việt đã chết ở Takong Krao – Campuchia

23-4-2020
Nếu không kẹt dịch Covid, năm nay thể nào anh em cựu binh Trung đoàn 4 Sư đoàn 5 (E4-F5) cũng tổ chức Giỗ Trận thật lớn cho anh em đồng đội mình, vì hôm nay là tròn 40 năm, ngày rất nhiều người lính trẻ chết ở Takong Krao 23-4-1980 — 23-4-2020.
Bốn mươi năm, nếu còn sống, những anh em đó giờ đã là những ông ngoại, ông nội cả rồi!
Tháng 4-2017 mình theo các cựu binh của E4 – F5 sang Cam, đi một vòng, qua gần 2/3 đất nước Chùa Tháp để cúng vọng đồng đội. Trong đó có ghé Takong Krao.
Khi chạy từ ngoài quốc lộ 5 vô Takong Krao trời sầm mây, chuẩn bị mưa, đường vẫn lầy và rất xấu, nếu vô đó cúng anh em xong mà mưa thì coi như hết đường ra. Hồi sáng đi vô phum Phnom Srok đã lầy mất một buổi sáng rồi.
Bọn tôi quay lại thắp nhang cho anh em đồng đội đây, sống khôn thác thiêng thì khoan mưa đã, đợi cúng xong ra tới quốc lộ rồi hẵng mưa nha”, anh Phạm Sỹ Sáu và mấy anh em cựu binh cứ khấn thầm như vậy trên chuyến xe từ quốc lộ 5 vào phum Takong Krao. Và quả vậy, khi vô tới Takong Krao, cúng xong ra tới đường lộ thì trời mưa tơi tả từ đó cho đến khi lên tận Poi Pet.
Anh Phạm Sỹ Sáu ghi lại trận này trong Nhật ký chiến trường: “23-4-1980/ 5 giờ sáng, thức giấc vì tiếng nổ của các loại súng hoả lực vọng về từ phum Tà-kong Krao. Điệu nầy thì chắc là trận đánh ác liệt lắm đây. Quả đúng như thế. Khoảng 8 giờ mình qua Ban tham mưu E nắm tình hình thì biết rằng bị mất liên lạc với D3 (tiểu đoàn 3) và địch đang phản kích, D3 đang gặp khó khăn.
Đến chiều thì liên lạc vô tuyến với D3 cũng được một lúc rồi mất luôn. Như thế là mọi phán đoán của ta đều không chính xác. Địch đông hơn ta tưởng và hoả lực cũng khá mạnh. Ta thì chủ quan, đánh giá địch thấp nên khi gặp phản ứng mạnh của địch thì không kịp trở tay. Thương vong khá cao. Một số vì trúng đạn và một số vì khát nước. Từ sáng đến giờ, anh em D3 có người nào được uống nước đâu, trong khi phải nằm chịu trận giữa rừng thưa với cái nóng bốc lửa trên đầu”.
Trận đó hơn 60 anh em của E4 hy sinh.
Anh Nguyên, một cựu binh sau này nhờ họa sĩ vẽ lại theo kí ức hình ảnh những người lính sống sót co cụm trong một cái hố, đang lả đi vì khát.
Vài tuần sau chuyến đi K về, anh em nhắn ngày 23-4 này anh em làm đám giỗ ở NT LS Thành phố, vậy là mình bay vào dự giỗ cùng anh em và hôm đó mới tận mắt nhìn thấy nhiều tấm bia mộ của anh em E4 ghi ngày hy sinh là 23-4-1980.
Bốn mươi năm qua rồi. Chắc hôm nay không có báo chí nào nhớ về trận đánh ấy trong hàng ngàn trận đánh. Không mấy ai biết có những trận chiến tổn thất đau thương như thế.
Nhưng đồng đội các anh thì không quên. Những bà mẹ, người vợ, con cháu các anh sẽ không quên. Và mình biên tút này như một nén nhang vọng về các anh, những người lính trẻ đã chết khi đang ở tuổi hai mươi. Máu tuổi 20 của các anh đã phải đổ ở bên ngoài Tổ quốc và những hy sinh này cũng ít khi được nhắc!
Và, nhớ đừng quên, đó là cuộc chiến mà kẻ đứng phía sau Pôn Pốt là Trung Quốc!
Một số hình ảnh của nhà báo Lê Đức Dục:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.