Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Mảnh giấy lộn của Churchill và số phận bảy nước Đông Âu

 

Mảnh giấy lộn của Churchill và số phận bảy nước Đông Âu

Trần Trung Đạo

29-11-2020

Hôm đó là ngày 9 tháng 10, 1944, Thủ tướng Anh Winston Churchill đến Moscow gặp Joseph Stalin để bàn về tương lai của các quốc gia vùng Balkans.

Bán đảo Balkans là khu vực địa lý bao gồm các quốc gia ở phía nam Châu Âu giữa Biển Adriatic và Địa Trung Hải trong đó có những quốc gia nằm hẳn hay nằm một phần trong bán đảo như Albania, Bulgaria, Hy Lạp, Romania, Thổ Nhĩ Kỳ v.v…

Chuyến viếng thăm lịch sử này được ghi lại trong cuốn thứ sáu của bộ sách về Thế Chiến Thứ Hai của Winston Churchill (The Second World War. Volume VI, Triumph and Tragedy by Winston Churchill).

Vào buổi tối ngày đầu sau khi đến Churchill nói với Stalin: “Cho đến nay, như Anh và Nga quan tâm, làm thế nào để Nga có được 90% ưu thế tại Romania, để chúng tôi có 90% Hy Lạp, và 50-50 Nam Tư?”

Trong khi chờ thông dịch viên dịch, Churchill viết ra những đề nghị đó chi tiết hơn trên nửa tờ giấy và đưa cho Stalin. Theo lời của Churchill: “Tôi chuyển mảnh giấy nhỏ cho Stalin. Ông ta cũng vừa nghe xong lời dịch. Có một khoảng im lặng ngắn. Sau đó, Stalin lấy cây bút chì màu xanh của mình và đánh một dấu lớn trên nó, và chuyển lại cho tôi. Tất cả đã được giải quyết trong thời gian không quá lâu. Sau đó là một khoảng lặng dài. Tờ giấy và cây bút chì nằm ở giữa bàn.”

Nội dung nửa tời giấy như sau:

Romania:

. Nga 90%

. Các quốc gia khác 10%

Hy Lạp:

. Anh (cùng với Mỹ): 90%

. Nga: 10%

Nam Tư: 50-50%

Hungary: 50-50%

Bulgaria:

. Nga 75%

. Các quốc gia khác: 25%

Ảnh: internet

Churchill cũng lo ngại một ngày mảnh giấy đó được tiết lộ ra ngoài sẽ tạo nên những hoài nghi trong những người mà số phận của họ đã bị những cường quốc bên ngoài quyết định. Nghĩ vậy, ông ta đề nghị với Stalin nên đốt mảnh giấy đó đi, nhưng Stalin không cho đó là quan trọng và đáp: “Không, ông cứ giữ mảnh giấy đó.”

Trong thời điểm 1944, các dân tộc vùng Balkans hoàn toàn không biết rằng dù có thắng Hitler, số phận của họ cũng đã bị ký thác vào tay một đồ tế khác độc tài và tàn bạo không kém là Stalin.

Tài liệu đó dưới góc nhìn của các dân tộc Romania, Bulgaria, Hungary, Nam Tư và các nước Đông Âu như Ba Lan, Tiệp Khắc bị tác động dây chuyền là một bằng chứng cho sự phản bội của đồng minh.

Tuy nhiên, trong quan điểm của Churchill, Romania là một thảm kịch không tránh khỏi sau Thế Chiến Thứ Hai. Trong nhãn quan của các nhà nghiên cứu địa lý chính trị, Romania trong vị trí vùng độn giữa hai khối thế lực CS và Tự Do, đã không có con đường nào thoát. Churchill dù không đổi chác thì quân đội Stalin cũng đã chiếm Romania trước đó rồi.

Không có tài liệu cho thấy Stalin dựa vào những điểm lợi nào để đồng ý Hy Lạp thuộc về Anh và các quốc nước vùng Balkans thuộc về Liên Xô. Tuy nhiên, về phía Churchill ý định của ông tương đối rõ ràng. Churchill đứng trước một chọn lựa: giữ các nước vùng Địa Trung Hải và hy sinh phần Đông Âu cho Stalin.

Anh và Mỹ ngoài một số nhân viên tình báo không có lực lượng quân sự nào đáng kể tại Đông Âu.

Nếu năm 1942, Đồng Minh đổ bộ Balkans thay vì đổ bộ Bắc Phi thì khuôn mặt thế giới sau Thế Chiến Thứ Hai đã khác, Bức Màn Sắt cũng như Chiến Tranh Lạnh có thể không có. Nhưng đó chẳng qua là bàn chuyện đã rồi.

Mảnh giấy mà chúng ta thường gọi là “giấy lộn” chỉ hơn mười chữ được Churchill giữ lại là một trong những tài liệu đổi chác lãnh thổ quan trọng nhất của Thế Chiến Thứ Hai.

Hành động đơn giản như trò chơi giữa hai đứa trẻ nhưng đã quyết định số phận của bảy quốc gia (Tiệp, Ba Lan, Romania, Albania, Bulgaria, Nam Tư, Hungary) chưa tính Đông Đức, suốt 46 năm với không biết bao nhiêu nghèo nàn, chết chóc, ngục tù và chịu đựng.

BÀI HỌC CHO VIỆT NAM

Về địa lý chính trị, vị trí Việt Nam cạnh Trung Cộng giống như vị trí của Romania cạnh Liên Xô trong Thế Chiến Thứ Hai.

Trong số mười xung đột nóng ở Á Châu hiện nay, Biển Đông và Đài Loan là hai điểm nóng nhất. Chiến tranh trong khu vực này sớm hay muộn cũng xảy ra.

Chính sách bành trướng bất chấp luật pháp quốc tế từ khi lên nắm quyền tới nay cho thấy Tập Cận Bình đang quyết tâm thôn tính vùng Biển Đông trù phú tài nguyên và kiểm soát đường hải hành huyết mạch của Á Châu. Y chạy đua với thời gian để thiết lập các “status quo” trên Biển Đông trước khi các liên minh quân sự trong vùng đủ mạnh để gây áp lực.

Theo tài liệu của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại (Council on Foreign Relations), một “think tank” chính trị đặt tại Washington D.C., cho tới năm 2018, Trung Cộng đã hoàn tất xây dựng bảy đảo nhân tạo, 20 căn cứ quân sự và chiếm 3,200 mẫu diện tích Biển Đông.

Mục đích chạy đua của Trung Cộng là Mỹ chứ không phải Nhật, Ấn hay các nước nhỏ trong vùng. Mặc dù miệng thỉnh thoảng đánh võ mồm, để đạt mục đích, Trung Cộng cần ổn định hơn quốc gia nào khác.

Nhưng trong tương lai nếu phải mở ra một cuộc chiến tranh giới hạn nhằm răn đe các nước nhỏ trong vùng, làm nguội chảo dầu Đại Hán tại lục địa và dập tắt các mâu thuẫn trong nội bộ đảng CSTQ như Mao đã làm trong Chiến Tranh Triều Tiên và Đặng đã làm trong Chiến Tranh Biên Giới Việt-Trung, Tập hay những kẻ cai trị kế y sẽ chọn kẻ thù nào?

Đài Loan chăng? Thôn tính Đài Loan, Tập không tiên liệu được hậu quả. Vì lý do có Mỹ đứng sau lưng và sẵn sàng can thiệp bằng các phương tiện chiến tranh hiện đại như đã được bảo đảm trong Đạo Luật Quan Hệ Đài Loan 1979, Trung Cộng chưa dám đụng đến quốc đảo này.

Đối tượng còn lại là CSVN.

Bài học Chiến Tranh Biên Giới 1979 cho giới cai trị Bắc Kinh biết dù chớp nhoáng và giới hạn, “trừng phạt” võ trang với CSVN trong lần tới phải xử dụng sức mạnh của không và hải lực. Khi Hội Đồng Bảo Anh LHQ nhóm họp để bàn về lá thư phản đối của CSVN thì Tập tuyên bố “cuộc trừng phạt giới hạn xong rồi”.

Ai sẽ cứu Việt Nam? Khỏi cần tìm hiểu gần xa, một người có nhận thức chính trị căn bản nào cũng trả lời được ngay là không ai cứu cả. Không ai cứu một người mà người đó không muốn tự cứu lấy chính mình.

Tạm gác qua bên cuộc chiến nhuộm đỏ Việt Nam, CSVN có hơn 45 năm để đưa đất nước vừa chấm dứt chiến tranh thành một quốc gia vững mạnh ở Á Châu. Nhưng bao thế hệ giới cai trị CS Việt Nam đã không làm được.

Lý do chỉ vì cơ chế. Một con tàu to lớn đầy ắp tài nguyên thiên nhiên, lực lượng lao động và tiềm năng kinh tế, kỹ thuật lại chạy bằng chiếc máy cũ được chế tạo tại Nga tròn 103 năm trước. Đầu máy xe lửa đó đang được đặt trong các bảo tàng viện Đông Âu, riêng tại Việt Nam vẫn còn khói tuôn mù mịt mỗi ngày.

Sở dĩ Churchill bảo vệ Hy Lạp vì ngoài vị trí chiến lược, ông tin phe cộng hòa tại quốc gia này đủ mạnh để có thể thắng CS. Nếu năm 1944, Hy Lạp đã là một nước CS và đặt dưới cai trị của một đảng CS chuyên chính, chỉ biết phục tùng đảng mẹ Liên Xô như đảng CSVN đối với Trung Cộng ngày nay, thì Churchill có thể đã phải tìm phương án khác.

Khi phân tích hoàn cảnh lịch sử thời Thế Chiến Thứ Hai, một số nhà sử học cho rằng nếu người dân Romania muốn đổ lỗi thì thay vì đổ lỗi cho Anh, Mỹ trước hết họ nên đổ lỗi lên đầu giới lãnh đạo Romania bán nước thời đó đứng đầu là Ion Antonescu.

Tên phản quốc Antonescu này là một tay sai trung thành của Hitler. Tháng Ba, 1944, y có cơ hội đầu hàng Anh trước khi Romania bị Liên Xô tấn công trên đường tiến qua Đức. Nhưng không. Tham vọng quyền lực đã làm Antonescu thành mù lòa và y đã theo lệnh Hitler để từ chối tối hậu thư của Anh.

Sau khi đánh bại Đức và chế độ Antonescu thân Đức, Liên Xô nắm toàn quyền sinh sát trên số phận của Romania. Antonescu bị bắt giữ và bị kết án xử bắn vì nhiều tội trong đó có trọng tội phản bội tổ quốc Romania. Trước khi trách người, dân tộc Romania nên tự trách mình đã để yên cho tên độc tài bán nước Antonescu “rước voi” Hitler “về giày mả tổ” Romania.

Romania chịu đựng dưới ách CS gần nửa thế kỷ là bài học cho người Việt quan tâm đến tương lai đất nước. Không chỉ sau Thế Chiến Thứ Hai mà cả Cách Mạng Hungary 1956, Mùa Xuân Prague 1968 đều bị Anh, Mỹ làm ngơ ngoài những lời tố cáo Liên Xô lấy lệ tại Liên Hiệp Quốc. Nhưng các dân tộc Đông Âu không tuyệt vọng, không nản chí, không ngồi chờ mà đã bằng nhiều cách vươn lên và cuối cùng đã thoát ra khỏi xích xiềng CS.

Ai bầu anh chứ tôi không có…

 

Ai bầu anh chứ tôi không có…

Nguyễn Thùy Dương

29-11-2020

Ảnh: QHVN

Trong cuộc đối thoại chiều ngày 27/11/2020, giữa dân Thủ Thiêm và Tổ Thanh tra liên ngành do Thanh tra Chính phủ chủ trì. Dù vô cùng đuối pháp lý với người dân nhưng đại diện các cơ quan, ban ngành vẫn nhất quyết dân 5 khu phố, 3 phường Bình An, Bình Khánh, An Khánh nằm trong ranh quy hoạch.

Kịch tính được đẩy lên cao, khi ông Đặng Công Huẩn đề nghị liên tục 3 cán bộ phát biểu và cả 3 đều thấy 5 khu phố, 3 phường nằm trong ranh quy hoạch dù họ chẳng đưa được chút pháp lý nào. Cảm nhận của tôi khi nghe lại cuộc đối thoại đó là họ như con vẹt nói cùng một bài. Tuy nhiên, lý lẽ của họ chỉ nói cho dân không biết gì nghe thì được chứ dân khiếu kiện lâu năm nắm chắc pháp lý thì không được.

Trong 3 cán bộ được ông Huẩn đề nghị phát biểu, ông Hoàng Anh Công – Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội có lẽ là người nhận về bài học thích đáng nhất. Vì ông Công là người phát biểu chốt vấn đề của hai cán bộ trước đưa ra rằng bà con nằm trong ranh. Phần phát biểu như sau:

– Chúng tôi là cơ quan dân cử, chúng tôi đến đây, thứ nhất được lắng nghe, được chia sẻ những tâm tư nguyện vọng của bà con. Chúng tôi thấy được rất nhiều. Thứ hai là cơ quan dân cử, chúng tôi theo dõi cùng với các cơ quan nhà nước khác cùng làm sao tháo gỡ các việc bà con chịu khổ mấy chục năm nay. Đó là thứ nhất. Thứ hai là (không biết có chứng nhận tâm thần chưa? ở trên thứ 2 rồi ba): Qua báo cáo của tổ công tác, qua ý kiến trao đổi với bà con thì tôi thấy rõ một cái việc này, ở đây cũng có anh Huẩn, ở đây, các câu chuyện trong cái gốc của nó là cái bản đồ. Mà bản đồ ở đây thì với các cơ quan đã sử dụng theo tôi thấy nó có tính hợp lệ, hợp lý. Tuy nhiên bà con không đồng ý. Nhưng bà con cũng không trưng ra được cái bản đồ để mà căn cứ vào đó để gửi cho tổ công tác để qua đó người ta có thể làm cơ sở so sánh…(nói năng lập từ ba lăng nhăng).

Cuối cùng ông Phó Ban Dân nguyện cho hay buổi đối thoại rất dân chủ, rất trách nhiệm. Và đây là câu trả lời của dân Thủ Thiêm cho ông Phó:

– Tôi là Nguyễn Văn Khương, tôi có ý kiến phản biện ngay với anh Công, phó ban Dân Nguyện. Tức là đại diện cơ quan dân cử, tức là chúng tôi cử anh đúng anh? Mà anh là người lắng nghe, mà anh cũng theo luôn hai cái hệ thống bản đồ mà tất cả các cơ quan ban ngành, đặc biệt là do anh Lập cung cấp ra đây, anh nói luôn là bản đồ mang tính HỢP LÝ, HỢP LỆ. Dân chúng tôi yêu cầu các anh cung cấp bản đồ mang tính HỢP PHÁP hay không? Có HỢP PHÁP LÝ, CÁI PHÁP LÝ để ra hai cái bản đồ này có thể để thực hiện, để lấy đất nhà chúng tôi hay không? Anh phải trả lời câu đó, chứ anh không phải trả lời cái câu HỢP LÝ, HỢP LỆ.

Lý gì? Theo anh là lý thế nào? Lệ gì? theo anh hợp lệ thế nào? Chúng tôi đây là nói căn cứ pháp luật đưa ra tất cả các điều khoản quy định của pháp luật. Và hệ thống bản đồ của quy hoạch Khu Đô Thị Mới Thủ Thiêm này phải tuân thủ theo tất cả văn bản, tờ trình được các cơ quan có thẩm quyền mà ra. Chứ không phải nó đẻ ra ba cái bản đồ này, ba cái bản đồ này không hề có nguồn gốc. Nó không có cha, không có ông, không có bố mẹ nào đẻ ra nó. Tự nhiên anh lại đưa ra anh nói nó có tính hợp lý hợp lệ. Tôi Xin lỗi anh, anh đại diện cho cơ quan dân cử hay không thì phải nói thẳng. Nếu mà để tôi bầu anh thì không bao giờ có đâu. (ở dưới rì rầm “chính xác, nói dân chủ mà phát biểu hông có dân chủ).

Theo như các ban ngành, dù bản đồ gốc không tìm thấy thì nhân chứng sống vẫn còn. Vậy ai tin nhân chứng sống có bị mua chuộc hay không? Trong khi dân Thủ Thiêm cũng có nhân chứng sống, nếu cần đối chất thì đối thoại tiếp.

Cho tới thời điểm này, dân Thủ Thiêm có trong tay tất cả văn bản, tờ trình, hệ thống pháp lý HỢP PHÁP. Trong khi cái Thanh tra Chính phủ và các cơ quan liên ngành có là Bản đồ không hợp pháp nhưng HỢP LÝ, HỢP LỆ theo cảm Tính. Đẩy qua đẩy lại, dân lại bắt giải trình chứng minh thì lấm lét nhìn nhau xong gục đầu, gầm mặt xuống. Hãnh diện thấy sợ vậy đó.

Phó Ban Dân nguyện Quốc hội mà kiến thức pháp luật như này thì nát rồi. Các vụ trưởng, vụ phó tham gia đều xử lý, trả lời cảm tính liên tục. Đất nước sẽ đi về đâu? Vận mệnh nhân dân sẽ đi về đâu?

_____

Ai bầu anh Phó Ban Dân nguyện Quốc hội thì tự thú trước bình minh đi nha! Chứ Dương là Dương khó có bầu lắm! Dương chỉ có bầu con Cò thôi!

Về truyền thuyết Kiến quốc phu nhân giúp vua Lê Thái Tổ

 

Về truyền thuyết Kiến quốc phu nhân giúp vua Lê Thái Tổ

Hồ Bạch Thảo

28-11-2020

Truyền thuyết về Kiến quốc phu nhân giúp vua Lê Thái Tổ đánh thành Cổ Lộng tại Nam Định không đúng với chánh sử. Tại sao?

Tạp chí Tri Tân, số 2, ngày 10/6/1941 có bài nghiên cứu của học giả Chu Thiên Hoàng Minh Giám với nhan đề “Một nữ anh hùng bị mai một! Bà Lương giết giặc Minh hạ thành Cổ Lộng. Trong bài viết, học giả trưng lên sự tích liệt nữ họ Lương, ghi trong U Linh Lục do Thượng thư Lê Tung, vị quan đời Lê Uy Mục [1505] soạn. Học giả thuật lại như sau:

Về khoảng cuối đời Trần, một gia đình họ Lương ở làng Chuế Cầu, tổng Tử Mặc, huyện Ý Yên nay thuộc Nam Định chỉ được một người con gái, có chí khí, có sức khỏe hơn người, lại thêm nhan sắc diễm lệ. Cha mẹ muốn kén những chỗ sang trọng xứng đáng để trao tơ. Song Lương thị xin với cha mẹ chỉ lấy người trong làng, dù hèn hạ cũng cam; miễn là được sớm hôm hầu hạ cha mẹ. Cha nghe nói cảm động, cũng chiều ý con, đem gả cho một người cùng làng là Đinh Tuấn. Hai vợ chồng ăn ở với nhau rất hoà thuận.

Thời ấy trong nước ta đã bị thuộc Minh, dân gian rất khổ sở vì chính trị hà khốc!

Bà Lương ở cách thành Cổ Lộng không xa, càng được mục kíck cái thảm trạng của đồng bào, trong lòng rắt căm tức. Bà thường bảo chồng: ‘Tang bồng hồ thỉ (1) là chí con trai, vải sồi tần tảo là phận con gái. Nhưng ngày xưa đã có hai bà Trưng và bà Triệu, vốn quần thoa mà vượt cả đàn ông, lưu danh trên sử đến nay còn truyền, ý chàng nghĩ sao?’

Ông Đinh đáp: ‘Nếu nàng quả có chí theo bà Trưng, bà Triệu, tôi may mắn cũng được thơm lây. Xin theo ý nàng.’

Bà Lương vốn là người đẹp, nên qua lại thành Cổ Lộng, thường bị quân Tàu bông đùa chòng ghẹo. Bà bèn bàn cùng chồng xin dọn hàng bán quà nước ở bên thành, lợi dụng sắc đẹp để dò tình hình quân giặc; một là lập cách đánh được thành, hai là giết mấy tay cừ khôi cho hả dạ.

Ý đã định, bà liền đi bán hàng. Còn ông Đinh thì bí mật củ hợp dân đinh các nơi.

Bà thấy tình hình quân giặc trễ biếng, tướng soái ham mê tửu sắc ngủ say trong trướng, việc canh phòng phó mặc quân thường. Da dĩ quân Tàu sợ rét, thường hay ngủ trong trong cái túi lớn, cứ tối thắt lại một nút, sáng dậy đạp tung buột nút ra. Bấy giờ bà ở đấy đã lấy lòng được hết các tướng sĩ, nên họ thường mượn bà thắt nủt.

Lúc ấy vua Lê đã khởi nghĩa ở Lam Sơn, xa gần đều biết tiếng. Bà Lương bèn mật vào tâu tình hình với vua Lê. Vua Lê sai quân gián điệp đi thám thính, quả nhiên thấy đúng như vậy. Bà liền cùng quân gián điệp tức tốc về yết kiến vua Lê xin đem quân đến đánh và giao cho ông Đinh dẫn dân đinh đốc chiến.

Vua Lê khen ngợi: ‘Ta không ngờ trong đám phụ nữ lại có người chí khí thế, mưu lược thế. Nếu mà đánh úp giết được giặc cho ta, để có lối ta tiến ra Bắc, tất có trọng thưởng!

Bà tâu: ‘Thiếp là một gái hèn, mong nhờ uy đức Đại vương may giết được giặc dữ, thiếp nào có công gì!

Vua Lê liền sai Lê Khôi, Đinh Liệt, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Bùi Hưng Nhân đem 5000 quân tinh nhuệ đi tắt đường rừng cùng bà thẳng đến thành. Bà về trước báo ông Đinh sắp soạn dân đinh đi tiên phong. Còn bà về theo lệ thường, mua rượu thịt mời tướng sĩ Tầu ăn uống, lấy cớ là đi lễ xa về ân mừng. Bà lại kén thêm một ít con gái ở xa về để quan Tầu say sưa mê mệt!

Rượu ngon, gái đẹp: quân Tầu nào có ngờ đâu! Đến nửa đêm, các tướng sĩ cao trật lại chui cả vào túi nhờ bà Lương thắt nút. Lần này bà thắt hai ba lượt cho rõ chặt.

Quân trong thành đã ngủ say, bà đem bọn con gái ra mở cửa thành, ông Đinh tức khắc đem quân vào; quân phục bốn nơi đều dậy, oà vào đánh giết. Quân Tầu nửa say, nửa tỉnh, không biết làm thế nào, chỉ đành chịu chết. Các tướng soái đều bị đánh chết ở trong túi. Sáng ra thành đã bình. Thây chết ngổn ngang, quân lính và dân đinh sở tại phải dọn vất xuống cái sông con liền đấy, mới khai để xác chảy ra sông Đáy.

Vua Lê được tin, mừng lắm, giao cho bà Lương và ông Đinh cờ kiếm để giữ Thành. Trong Thành vàng bạc châu báu đều để cho bà quản nhận. Lại sai Nguyễn Trãi ghi công, đợi khi đánh xong quân Minh, sẽ định thưởng.

Đến năm Mậu Thân [1428], tức là Thuận Thiên năm đầu, vua Lê hội quần thần ở điện Giảng Vũ để thưởng công lao đánh dẹp. Vua bảo mọi người rằng:

 Trẫm khởi binh tự Lam Sơn, dẹp quân Tầu, cứu sinh linh. Sở dĩ lâu ở Thanh Hóa, không thẳng ra lấy Đông Quan được là vì có thành Cổ Lộng ngăn lối. May có một người đàn bà bày mưu giúp sức, giúp ta phá được Thành, để quân ta có lối tiến ra Bắc. Thật là một kỳ công hiếm có. Vậy ý ta muốn thưởng trước, các khanh bàn thế nào?

Mọi bầy tôi đều tâu:

 Lũ tôi xin vâng.

Vua bèn gọi bà Lương đến, tỏ ý phong thưởng.

Bà phục xuống tâu:

 Thần thiếp phận hèn bồ liễu, vốn nơi thôn dã, may làm được thành công là nhờ ở mưu tính của nhà vua, chứ thần thiếp nào có sức gìVả tiện phu hiền lành, thực thà không dám lạm dự quan cao, chức trọng. Chỉ xin làm dân áo vải nước Nam được thấy cảnh tượng thái bình, thế là phỉ nguyện.

Vua phán:

 Con gái có công to, mà không khoe khoang, thật còn hơn con giai một bậc Nhưng khanh đã tự nhận là thảo dã, ta cũng lấy cảnh thảo dã mà thưởng lộc cho, lại phong thêm tước trật, ý khanh thế nào?

Bà xin vâng mệnh.

Vua bèn phong ông Đinh làm Kiến quốc công đại thần, bà làm Kiến quốc công?Trinh Liệt phu nhân, ngôi ở trên Hầu, Bá, lại cấp cho ruộng hơn 1000 mẫu, tùy ý kén chọn.

Phu nhân lạy tâu:

 Muôn tâu Bệ hạ, thần thiếp đội ơn hậu thưởng, ân đức vô cùng. Nay sinh quán thần đất hẹp dân nhiều, xin Bệ hạ cho mở rộng ruộng đất, miễn sai dịch cho chốn quê hương. Xin Bệ hạ rộng thương chuẩn y cho.

Vua bằng lòng, cho phu nhân cưỡi một con ngựa chạy khắp xa gần chỗ nào ruộng tốt thì lấy. Hễ chỗ nào chân ngựa dừng lâu là nêu lên làm ruộng của phu nhân, giao dân đấy cày cấy, nạp thuế cho phu nhân.

Đến năm Thuận Thiên thứ 5, mùa đông tháng 12 ngày 25 [16/1/1433], phu nhân mất, vua Lê nhớ công sắc phong tặng cả hai vợ chồng làm phúc thần, sai quan làm lễ quốc tế, theo lễ tước vương, cấp thêm 100 mẫu ruộng tốt làm tự điền, lập đền thờ ở làng. Đền quay hướng nam, xây mộ ở khu đất phía bắc đền, giao cho dân làng Chuế Cầu trông nom phụng sự. Đến nay hương khói vẫn còn”.

Ngoài sự tích liệt nữ họ Lương, học giả Chu Thiên còn trưng lên sắc truy phong của Vua Lê Thánh Tông vào năm Hồng Đức thứ nhất [1470], với bài minh như sau:

Vĩ tai Liệt phụ

Khí hùng vạn binh!

Ngô tặc thiết cứ

Cổ Lộng chi thành

Ngã Hoàng khởi nghĩa

Đốc chí hướng minh!

Thiết kỵ mãnh chiến!

Nang quát công thành!

Khởi sử bỉnh bút

Trưng Vương tề danh

Miếu mạo hướng tế

Thiên cổ phong thanh!

Theo âm Hán Việt xin tạm dịch như sau:

(Vĩ đại thay liệt phụ, 

Chí khí hùng mạnh như vạn binh!

Khi giặc Tàu trộm chiếm,

Thành trì Cổ Lộng.

Bấy giờ Hoàng đế ta khởi nghĩa,

Nàng quyết chí noi theo đường sáng.

Theo quân kỵ chiến đấu hăng, 

Nàng lập mưu buộc giặc trong túi, giúp thành công!

Khiến người viết sử trân trọng cầm bút,

Xếp nàng ngang hàng với Trưng Vương.

Lập đền miếu cúng tế,

Tiếng tăm truyền mãi đến ngàn năm!)

Học giả Chu Thiên phàn nàn rằng, các bộ sử Việt Nam chỉ chép một lần về thành Cổ Lộng, khi Mộc Thạnh bị Vua Giản Định đánh thua [1/1409] phải chạy vào thành này, ngoài ra không đề cập gì thêm. Ông viết như sau:

Ngày nay nói đến thành ấy ít ai biết. Bởi vì trong các sử trước đây đều không chép rõ ràng. Từ Việt Sử Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên đời Lê và Khâm Định Việt Sử của triều Nguyễn đến quyển Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim đều chỉ nhắc đến thành Cổ Lộng có một lần: Mộc Thạnh bị quân vua Giản Định đánh thua ở bến Bồ Cô (bến Gián Khẩu bây giờ), phải bỏ chạy về thành Cổ Lộng: Thế thôi! Như vậy thì còn ai quan tâm đến!

Thiết nghĩ học giả Chu Thiên chưa đọc kỹ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư và Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục nên bỏ sót các sử liệu sau đây:

Tháng 6 năm Bình Định vương thứ 10 [7/1247], tức 3 tháng trước khi Liễu Thăng bị phục kích giết tại ải Chi Lăng, Vua Lê Lợi sai tướng đánh thành Cổ Lộng; nhưng không hạ được:

Vương sai Tư mã Cao Ngự đánh thành Cổ Lộng. Người Minh đóng chặt cửa thành, liều chết cố giữ Cổ Lộng; quân ta bao vây, đánh mãi không hạ được.” Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Chính Biên, quyển 14.

Sau chiến thắng Chi Lăng, trong lãnh thổ nước ta, ngoại trừ thành Đông Đô chỉ còn có 2 thành Cổ Lộng và Tây Đô không chịu hàng, nhà Vua sai tướng đến dụ, nhưng chưa có kết quả:

Tháng 11, năm Đinh Mùi [12/1427], sai bọn Đại tướng Nguyễn Lôi mang thư dụ hàng hai thành Cổ Lộng [huyện Ý Yên, Nam Định] và Tây Đô [Thanh Hoá].” Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 42b.

Phải chờ đến sau ngày 22 tháng 11[10/12/1427] hội thề với Vương Thông, thoả thuận cho đem quân về; mới đem thư của Thông đến các thành này, rồi giải vây cho rút về thành Đông Quan, để kịp thời về nước:

Sai Đồng tri Nguyễn Mẫn, Đội trưởng Nguyễn Lôi mang thư đến hai thành Tây Đô và Cổ Lộng ra lệnh giải vây, vì hai thành này trước đây chưa hạ được.” Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 10, trang 45b.

Tìm hiểu những sử liệu học giả Chu Thiên trưng lên như những điều ghi trong U Linh Lục và bài Minh kèm theo sắc truy phong dưới thời Lê Thánh Tông; cũng đáng tin cậy. Riêng Toàn ThưCương Mục là những bộ chánh sử, sử dụng những sử liệu do triều đình cung cấp; việc làm được các quan Ngự sử lưu ý, sẵn sàng đàn hặc; quyết không thể phạm sai lầm đến độ một thành lớn như Cổ Lộng mất, dám bảo rằng còn! Huống chi, Ngô Sĩ Liên, tác giả Toàn Thư từng bị Vua Lê Thánh Tông miệt thị; vị sử quan này đã chép nguyên văn lời miệt thị tại trang 8a, quyển 12, Bản Kỷ (2); không một chút giấu giếm. Xem đó đủ biết ngòi bút sử nghiêm khắc biết là nhường nào!

Hãy xét sự việc một cách khoa học, theo mô tả của học giả Chu Thiên, thành Cổ Lộng nằm ven bờ sông Đáy, rộng hơn 100 mẫu (360.000 m2); nếu nó là hình vuông thì mỗi chiều là 600 mét. Trong trận chiến tại Bồ Cô vào ngày 14 tháng 12 năm Vĩnh Lạc thứ 6 [30/12/1408] quân Vua Giản Định chém được Binh bộ Thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn vào thành Cổ Lộng (3), mà không phá được, chứng tỏ thành Cổ Lộng vững chắc biết là nhường nào! Thành Cổ Lộng là thủ phủ của phủ Kiến Bình, thông thường phải do một vệ đồn trú; theo biên chế quân Minh, vệ tương đương với lữ đoàn hiện nay, vào khoảng 5.000 quân. Với một thành lớn, mỗi chiều 600 mét, tối thiểu phải cần 5.000 ngàn quân mới quản lý nỗi.

Trong một đại đồn, có viên Tuần phủ ngự trị “ Quan trên trông xuống, người ta trông vào”; thuộc hạ đâu có thể tự do dẫn gái vào bù khú, rồi cho buộc túi trước khi đi ngủ? Cho dù quân Tàu ngu ngốc làm như vậy; thì một mình bà Lương cũng cũng không buộc túi hết mấy ngàn quân Còn việc “bà đem bọn con gái ra mở cửa thành”, thì đại đồn này tối thiểu phải có thành, hào, cầu treo, lính đóng trước đóng sau, ba từng bảy lớp; dễ gì bọn con gái có thể mở cửa thành, như mở cửa ngõ?

Người viết cũng là một tên lính già, có chút hiểu biết về quân sự, mạo muội lý giải rằng cả hai nguồn sử liệu của học giả Chu Thiên và chánh sử đều có thể tin cậy. Truyền thống quân sự Đông, Tây; những đại đồn như thành Cổ Lộng ắt phải thiết lập những tiền đồn [outpost] chung quanh, để làm tai mắt. Sử lịệu học giả Chu Thiên nêu lên, có thể xãy ra tại một tiền đồn, cũng cùng mang tên với đại đồn Cổ Lộng. Tiền đồn thường đóng nơi heo hút, nguy hiểm, quan lớn ít khi dòm ngó tới; từ xưa tới nay, lính tiền đồn tự cho là bị đày, có cuộc sống bạt mạng, dẫn gái vào đồn rồi bị sa vào mỹ nhân kế là chuyện thường tình có thể xãy ra.

Như vậy có thể kết luận rằng  tiền đồn Cổ Lộng bị tiêu diệt, nhưng đại đồn Cổ Lộng thì vẫn tồn tại, cho đến khi quân Minh rút về. Sự việc tiền đồn Cổ Lộng nhờ mỹ nhân kế của bà Lương bị tiêu diệt,  đối với người địa phương thì cho là lớn, nhưng xét trên tầm mức quốc gia thì không đủ lớn, nên chánh sử không chép. Gần 50 năm sau đến đời Lê Thánh Tông, chiếu theo sự tích,  mới được truy phong.

_____

Chú thích:

1. Tang bồng hồ thỉ: Tức tang hồ, bồng thỉ có nghĩa cung làm bằng gỗ dâu, tên làm bằng cỏ bồng. Tục ngày xưa khi đẻ con trai dùng cung tên bắn lên trời, xuống đất và 4 phương; tượng trưng ý chí người con trai tung hoành 4 phương.

2. Lời Vua miệt thị như sau: “Vua dụ bảo Đô ngự sử đài là bọn Ngô Sĩ Liên và Nghiên Nhân Thọ rằng: ‘Ta mới coi chính sự, sửa mới đức độ, tuân theo điển cũ của Thánh tổ Thần tông, nên mới tế giao vào đầu mùa xuân. Các ngươi lại bảo tổ tông tế giao cũng không đáng theo! [8b] Các ngươi bảo nước ta đời xưa là hàng phiên bang, thế là các ngươi theo đạo chết, mang lòng không vua. Vả lại, khi Lệ Đức hầu [Nghi Dân] cướp ngôi, Ngô Sĩ Liên chẳng vì hắn trổ tài phong hiến đó sao? Ưu đãi trọng lắm! Nhân Thọ không vì hắn trù hoạch nơi màn trướng đó ư? Ngôi chức cao lắm! Nay Lệ Đức hầu mất nước về tay ta, các ngươi không biết vì ăn lộc mà chết theo hắn lại đi thờ ta. Nếu không nói ra, trong lòng các ngươi không tự hổ thẹn mà chết ư? Thực là bọn gian thần bán nước!”.

3. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 9, trang 10b “Tháng 12, ngày 14, quốc công Đặng Tất cả phá quân Minh ở Bô Cô hãn. 

Bấy giờ nhà Minh sai tổng binh Mộc Thanh mang tước Kiềm quốc công, đeo ấn Chinh di tướng quân, đem 5 vạn quân từ Vân Nam đến Bô Cô, vừa khi vua cũng từ Nghệ An tới, quân dung nghiêm chỉnh, gặp lúc nước triều lên gấp, gió thổi mạnh, sai các quân đóng cọc giữ, [11a] và lên hai bên bờ đắp lũy. Thạnh cũng chia quân thủy, quân bộ cùng cầm cự. Vua cầm dùi đánh trống, hạ lệnh, các quân thừa cơ xông ra đánh, từ giờ Tỵ đến giờ Thân, quân Minh thua chạy, chém được Binh bộ thượng thư Lưu Tuấn, Đô ty Lữ Nghị, cùng quân mới, quân cũ đến hơn 10 vạn tên. Chỉ một mình Mộc Thạnh chạy thoát trốn về thành Cổ Lộng.

Bản tin ngày 28-11-2020

 

Bản tin ngày 28-11-2020

BTV Tiếng Dân

Tin Biển Đông

Sự thận trọng của TQ khi nước Mỹ sắp đoàn kết trở lại và sẽ chống TQ đúng cách như cựu Tổng thống Obama từng làm: Trung Quốc ‘ném đá dò đường’ chính quyền Biden, VnExpress đưa tin. Ông Richard Boucher, chuyên gia tại Viện Watson thuộc ĐH Brown của Mỹ, chỉ ra: “Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao để xem liệu Biden có tập hợp thế giới chống lại họ hay không. Và đây thực sự là một mảnh đất màu mỡ. Châu Âu đã mong chờ điều này suốt nhiều năm… Đó là viễn cảnh mà Trung Quốc lo sợ nhất.

Tin cho biết, trường hợp Mỹ quay lại chính sách cô lập TQ về ngoại giao, như kế hoạch của cựu Tổng thống Obama trước đó, thì Bắc Kinh có thể tìm cách thông qua bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông đã bị trì hoãn từ lâu, để “làm suy yếu các nỗ lực của Lầu Năm Góc nhằm tập hợp một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương liên kết chặt chẽ hơn chống lại ảnh hưởng từ Bắc Kinh”.

Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Trông đợi gì từ chính sách ngoại giao của ‘Tổng thống tân cử’ Biden? Ông Biden được dự đoán sẽ chống TQ nghiêm túc và bài bản, chứ không phải kiểu nửa vời như ông Trump: “Ông Biden được dự đoán sẽ có chính sách nhất quán với Trung Quốc, trái ngược với cách tiếp cận không đồng nhất của Tổng thống Trump. Chính phủ của ông Biden cũng dự kiến sẽ thống nhất được sự ủng hộ từ các đồng minh để gây sức ép lên Bắc Kinh trên nhiều vấn đề như thương mại, Hồng Kông và Biển Đông”.

Trang Hành Tinh Titanic cung cấp một số ảnh vệ tinh cho thấy: Tình trạng các đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc tại Hoàng Sa sau khi bão Vàm Cỏ (cơn bão số 13 của Việt Nam) đi qua. Trước khi bão Vàm Cỏ đổ bộ vào VN, có người từng dự đoán nếu các công trình trên mấy đảo nhân tạo của TQ không được xây kiên cố, thì khó toàn vẹn trước sức mạnh của cơn bão mạnh nhất vào Biển Đông trong năm nay. Ảnh vệ tinh cho thấy, có tác động nhưng không nghiêm trọng như một số người hy vọng.

Ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng của bãi Xà Cừ trước và sau khi bão Vàm Cỏ quét qua. Ảnh: Vệ tinh Himawari-8/FB Hành Tinh Titanic

Trong các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa, bãi Xà Cừ vốn chỉ là một cồn cát trên rạn san hô, nhưng do TQ bồi đắp nên mới thành đảo. Ảnh vệ tinh chụp thực thể này trước và sau khi bão Vàm Cỏ đi qua, cho thấy rìa phía bắc của bãi Xà Cừ đã bị bào mòn. Nhưng với đảo Phú Lâm, căn cứ lớn nhất của TQ ở Hoàng Sa, quy mô gần như một thị trấn, thì ảnh vệ tinh dưới đây cho thấy hầu như không có thiệt hại.

Ảnh vệ tinh cho thấy tình trạng của đảo Phú Lâm trước và sau khi bão Vàm Cỏ quét qua. Ảnh: Vệ tinh Himawari-8/FB Hành Tinh Titanic

Trước đó, Facebooker Phạm Thắng Nam cho biết: Vào khoảng 5h40’ sáng hôm qua, tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 đã rời vùng biển phía nam Bãi Tư Chính để xâm nhập và quấy phá khu vực lô khai thác dầu khí 06.01 của VN. Đây là lần quấy phá thứ 30 của tàu này tại một trong các khu vực khai thác dầu khí nhạy cảm nhất của VN. Tàu Zhongguo Haijing 5204 dành cả buổi sáng để quấy phá, đến tận 2h28’ chiều cùng ngày mới quay lại khu vực phía nam Bãi Tư Chính.

Ông Nam xác nhận trước đó, trung bình cứ mỗi 3 ngày, tàu Zhongguo Haijing 5204 lại từ vùng biển phía nam Bãi Tư Chính tiến đến quấy phá lô khai thác dầu khí 06.01, hoạt động quấy phá lặp lại đều đặn đến mức lực lượng tuần duyên VN ở khu vực này không thể tác động hoặc ngăn cản “thói quen” này của tàu hải cảnh TQ.

Hải trình của tàu hải cảnh TQ Zhongguo Haijing 5204 trong lần quấy phá thứ 30 tại lô khai thác dầu khí 06.01 của VN. Ảnh: FB Phạm Thắng Nam

Mời đọc thêm: Vũ khí Mỹ bán cho Đài Loan nguy hiểm cho Trung Quốc đến mức nào? — Bước đầu xây dựng quan điểm của các học giả Việt Nam về vấn đề Biển Đông (TN). – Bloomberg: Cố vấn an ninh Mỹ bị coi là ‘đĩa thí nghiệm sinh học’ trong chuyến thăm VN(VOA). – Lập danh sách tàu cá bị cảnh báo nguy cơ cao vi phạm IUU (NNVN).  – Tàu hải quân Malaysia đối đầu tàu hải cảnh Trung Quốc ở Biển Đông (TĐ).

Tin nhân quyền

Trang Người Đà Lạt Xưa nhắc lại vụ bắt giữ và xét xử anh em cô Huỳnh Thị Tố Nga: Hôm nay cô ấy đã bị bắt giam đúng một năm 10 tháng. Ngày 28/11/2019, TAND tỉnh Đồng Nai đã xét xử sơ thẩm cô Nga và người anh ruột Huỳnh Minh Tâm về hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. HĐXX đã tuyên án cô Nga 5 năm tù giam và ông Tâm 9 năm tù giam.

Phiên tòa nói trên diễn ra đúng 10 tháng sau ngày công an Đồng Nai xông vào bắt giữ cô Nga ngay tại phòng làm việc thuộc khu xét nghiệm mẫu mô ung thư tại BV Nguyễn Tri Phương, Quận 5, thành Hồ. Còn ông Tâm đã bị công an bắt giữ trước đó 2 ngày tại nhà riêng ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Một số hình ảnh của cô Huỳnh Thị Tố Nga. Ảnh: FB Người Đà Lạt Xưa

Trang Báo Sạch có bài nhìn lại: Tròn một năm Hồ Duy Hải được minh oan. Ngày 22/11/2019, Viện trưởng VKSND tối cao đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị TAND Tối cao hủy bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm kết tội Hải giết người và cướp tài sản, để điều tra lại theo thủ tục chung. VKSND tối cao chỉ ra, bản án sơ thẩm và phúc thẩm “có nhiều nhận định và kết luận chưa phù hợp với tình tiết khách quan vụ án; việc thu thập, đánh giá chứng cứ, tài liệu chưa đầy đủ”.

Vụ bà Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nói, chưa rõ Hồ Duy Hải oan hay không oan, RFA đặt câu hỏi về vụ án Hồ Duy Hải: bà Kim Ngân chờ đợi cái gì? Theo đó, “lập luận của bà Chủ tịch Quốc Hội Kim Ngân án oan hay không chờ cơ quan chức năng báo cáo, là thiếu thành khẩn và đáng thất vọng. Điều rất rõ ràng và đáng lo ngại nhất của vụ án này là sự vi phạm pháp luật cố ý, trắng trợn của cả ba cơ quan tố tụng từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm đến tối cao”.

Tác giả truy vấn, phải chăng bà Ngân không dám nói thẳng vụ Hồ Duy Hải vì “con đường tiến thân tại Đại hội 13 của Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình”, chính là 2 kẻ đã từng ký quyết định đề nghị bác đơn ân xá, không kháng nghị bản án phúc thẩm, từng nhiều lần phát biểu trước QH với lời ngụy biện “có sai nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”.

Facebooker Phạm Thanh Nghiên cho biết: Nhà văn Phạm Thành bị chuyển từ nhà tù đến trại tâm thần. Bà Nguyễn Nghiêm, vợ ông Phạm Thành cho biết, chồng bà đã bị đưa từ nhà tù đến Viện Pháp y Tâm thần Trung ương để “giám định và kiểm tra sức khoẻ”. Bà nhận được tin trên hôm 25/11 từ công an điều tra và thông báo cho bà đến trại tâm thần tiếp tế cho ông Thành, thay vì đến nhà tù như mọi khi.

Bà nghiêm khẳng định: “Là vợ chồng sống với nhau bao nhiêu năm, tôi thấy anh hoàn toàn bình thường, không có biểu hiện gì về tâm thần nên không hiểu họ chuyển chồng tôi xuống đó làm gì?” Đây là một trong những chiêu trò rất tàn độc của an ninh CS, vì nhà tù thường chỉ tra tấn về thể xác, nhưng trại tâm thần có thể biến một người tỉnh táo trở thành nửa tỉnh nửa mê cả đời.

Mời đọc thêm: Vụ Thủ Thiêm ở TPHCM: Liệu Bí thư Nên có làm nên chuyện? (BBC). – TNLT Nguyễn Văn Hóa tuyệt thực sang ngày thứ 8 (RFA). – Hồng Kông: 12 nhà đấu tranh dân chủ có nguy bị giam 3 tháng ở Hoa lục (RFI). – Nói xấu 2 lãnh đạo huyện trên Facebook, 1 thanh niên bị đề nghị truy tố (NLĐ).

Tin kinh tế

Báo Đầu Tư thống kê thiệt hại của ngành du lịch VN do tác động của dịch bệnh: Du lịch Việt Nam thiệt hại 23 tỷ USD do đại dịch Covid-19. Số liệu này được xác nhận trong Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 do Bộ VH-TT&DL cùng với UBND tỉnh Quảng Nam, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, tổ chức sáng nay. Hội nghị tìm hướng đề ra giải pháp phục hồi ngành du lịch VN trong tình hình dịch Covid-19 đang hoành hành.

Những con số biết nói: “Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80%; khách nội địa đến hết tháng 11.2020 ước đạt 49 triệu lượt, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2019; khoảng 40 – 60% lao động bị mất việc làm hoặc cắt giảm ngày công; khoảng 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế đã ngừng hoạt động”.

Liên quan đến số liệu thiệt hại nói trên, RFA có clip: Ngành du lịch Việt thiệt hại 23 tỉ USD do Covid-19.

Nhìn lại ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đến ngành du lịch của VN trong năm qua, VnExpress có bài: ‘Đứa con rơi’. Tác giả kể chuyện một người bạn, từ một chủ doanh nghiệp du lịch có doanh thu khoảng 85 tỉ đồng mỗi năm, bây giờ “đã trắng tay, không còn nhân sự, không còn cơ sở kinh doanh, không còn tiền bạc và mất cả định hướng tương lai sau 2 đợt bùng phát dịch ở VN”.

Tác giả cho biết: “Chịu ảnh hưởng nhiều nhất là các đơn vị kinh doanh du lịch quốc tế outbound, inbound, đến 95% đã đóng cửa, sa thải toàn bộ nhân viên hoặc chuyển ngành nghề khác. Các doanh nghiệp lữ hành nội địa thì thoi thóp… Tôi không kể hết tên khách sạn, nhà hàng, công ty lữ hành vì không trả nổi tiền mặt bằng và chi phí cố định phải dời trụ sở về nhà riêng”.

Báo Lao Động bàn về tình hình thưởng tết tại các DN miền Trung: Nơi sụt giảm, nơi không có gì! Nơi từng được mệnh danh là “TP đáng sống”, ông Cao Chí Dũng, GĐ Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho biết, thời điểm này nói chuyện thưởng Tết thì quá sớm bởi các doanh nghiệp giờ chống phá sản được đã hay, “thưởng Tết nếu có, sẽ là chuyện cực kỳ hiếm. Ngay bản thân ông Dũng là giám đốc một đơn vị lữ hành với 80 nhân viên, nhưng hiện có đến 60 nhân viên đang cho nghỉ chờ việc, 20 người ở chế độ duy trì. Năm nay, lần đầu tiên DN của ông Dũng sẽ không có thưởng Tết”.

Tình hình của một tập đoàn nhà nước trực thuộc Bộ Xây dựng: TCty Xây dựng số 1 nợ Nhà nước hàng trăm tỷ đồng, theo báo Pháp Luật VN. Tổng Công ty xây dựng số 1 là một tập đoàn nhà nước quy mô lớn, đã từng thi công 2 nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Dung Quất, cùng với một số nhà máy thủy điện, nhiệt điện ở Đông Nam Bộ và Nam Trung Bộ, nhưng hiện “đang nợ số tiền phải nộp về Quỹ HT là hơn 198,5 tỷ đồng và gần 26,6 tỷ đồng số tiền phải nộp về ngân sách”, theo báo cáo của Bộ Tài chính. Công ty này đã đề nghị gia hạn nộp mấy khoản trên nhưng Bộ TC nói rằng việc đó quá thẩm quyền của Bộ.

Truyền hình Pháp Luật VN có clip: Tổng Công ty Xây dựng số 1 nợ Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.

Mời đọc thêm: Tác động của Covid – 19 đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNHN). – Hà Nội: Nợ bảo hiểm xã hội ảnh hưởng tới hơn 1 triệu lao động (BNews). – Cục Thuế TP.HCM “bêu” tên hàng loạt doanh nghiệp bất động sản nợ thuế (TNMT). – 580 doanh nghiệp tại TP.HCM nợ thuế hàng ngàn tỉ đồng (PLTP). – Hội nghị toàn quốc về du lịch năm 2020: Bàn giải pháp ‘cứu’ ngành du lịch (VTC). – Du lịch hậu đại dịch: Nguy cơ ‘đổ vỡ’ hàng loạt, tư duy lại để tồn tại trong tình thế mới(VNN). – Bộ Tài chính yêu cầu Tổng công ty Xây dựng số 1 giải quyết khoản nợ 225 tỷ(VNF).

Tin giáo dục

ĐH Đông Đô vẫn đang bị điều tra về vụ cấp hơn 600 văn bằng giả, nhưng mới chỉ xác định được 217 trường hợp. VTC đặt câu hỏi: 2 Vụ thuộc Bộ GD-ĐT tiếp tay cho Đại học Đông Đô cấp bằng giả thế nào?  Từ năm 2015 đến 2017, Vụ GDĐH và Vụ KHTC liên tiếp thông báo về việc đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh cho ĐH Đông Đô lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, trong đó có cả chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy, dù ĐH Đông Đô chưa được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo văn bằng 2.

Cơ quan An ninh điều tra xác định, các cá nhân thuộc 2 Vụ nói trên có dấu hiệu vi phạm quyết định của Bộ trưởng về đào tạo cấp bằng đại học thứ 2. “Cơ quan An ninh điều tra cho rằng những vi phạm này cần làm rõ trách nhiệm liên quan để xử lý theo quy định. Do đã hết thời hạn điều tra vụ án, Cơ quan An ninh đã tách nội dung này ra để xem xét, xử lý sau”.

Một tấm văn bằng 2 giả do ĐH Đông Đô cấp bị cơ quan công an thu giữ. Ảnh: CA/VNN

Báo Tiền Phong đưa tin: Có ấu trùng trong khay cơm của học sinh Trường Thực nghiệm. Sau khi tiếp nhận thông tin về suất ăn của một học sinh lớp 9 trường Tiểu học, THCS, THPT Thực nghiệm Khoa học giáo dục có giòi, Phòng Y tế UBND quận Ba Đình, TP Hà Nội, kiểm tra và xác nhận, “thiết bị, phương tiện vận chuyển, bảo quản suất ăn sẵn, thực phẩm dùng ngay không bảo đảm vệ sinh, gây ô nhiễm đối với thực phẩm”.

Công an thị xã Duy Tiên tạm giữ hình sự nam sinh đánh bạn tử vong ở Hà Nam, theo báo Giáo Dục và Thời Đại. HS Nguyễn Tiến Đạt, 13 tuổi, của trường THCS Châu Giang, bị tạm giữ để làm rõ hành vi “Cố ý gây thương tích dẫn đến chết người”. Vụ việc xảy ra khoảng 9h, ngày 26/11, trong giờ ra chơi, HS Nguyễn Văn V xảy ra mâu thuẫn với Đạt. Đạt đã “lao vào đấm hai, ba phát vào vùng đầu, gáy của V. khiến nạn nhân ngã khuỵu V. sau đó gượng dậy đi được vài mét thì ngã gục xuống đất”.

Báo Tuổi Trẻ có clip: Tạm giữ nam sinh lớp 9 đánh bạn tử vong.

VTC đặt câu hỏi: Nam sinh lớp 9 đánh chết bạn trong giờ ra chơi sẽ bị xử lý thế nào? LS Đặng Văn Cường phân tích: “Căn cứ vào quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 9, khoản 2, Điều 12 và khoản 4, Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì nam sinh này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ‘Cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người’ với khung hình phạt từ 7 năm đến 14 năm tù. Tuy nhiên, nam sinh này sẽ được áp dụng các quy định về người chưa thành niên phạm tội”.

Chuyện ở huyện Củ Chi, TP HCM: Trường trung học cơ sở Trung An có nhiều sai phạm về tài chính, theo báo Giáo Dục VN. Tổ kiểm tra huyện kiến nghị: “Thu hồi hoàn quỹ đơn vị với tổng số tiền hơn 516,9 triệu đồng do chi không đúng quy định, cụ thể là hơn 393,8 triệu đồng chi nhưng không có nội dung chi được xây dựng trong Quy chế chi tiêu nội bộ, hơn 123 triệu đồng chi không đúng mục đích của nội dung thu từ học sinh”.

Mời đọc thêm: Làm rõ trách nhiệm quản lý của Bộ GD&ĐT trong vụ việc trường Đại học Đông Đô (VOV). – Tiến sĩ dùng bằng giả của Đại học Đông Đô: Tư cách, đạo đức ấy còn dạy được ai? (VTC). – Công chức, viên chức khốn khổ thế nào vì bằng cấp, chứng chỉ?(GT). – Tự chủ đại học: Chưa chuyển biến đáng kể do nhiều vướng mắc (PLTP).

– Bữa ăn có giòi ở trường thực nghiệm: Giòi rơi từ…vết nứt? (ĐV). – Bữa ăn có giòi Trường Thực nghiệm Khoa học Giáo dục: “Kỷ luật” hiệu trưởng? (KT). – Vụ “ấu trùng” trong bữa ăn: đề nghị xử phạt hành chính trường Thực nghiệm (GDVN). – Nam sinh lớp 9 chết sau khi xô xát với bạn (VNE). – Tạm giữ hình sự nam sinh lớp 9 đánh bạn tử vong ngay trước lớp học (SS).

***

Thêm một số tin: Có bao nhiêu công trình đang lấp sông Hàn? (FB Báo Sạch). – Nam bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau 2 tuần xuất viện (TT). – Israel báo động sau khi Iran tuyên bố trả đũa vụ nhà khoa học bị ám sát (TN). – Tòa kháng án bác đơn kiện của phía Trump về bầu cử ở Pennsylvania(NV). – Cáo buộc gian lận bầu cử Mỹ : Tổng thống Trump lại thua kiện (RFI). – Huyện chi tiền hỗ trợ thiên tai từ 2018, sau 2 năm dân mới được nhận (NV).