Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Lãnh đạo CSVN cần thay đổi cách tiếp cận thế giới, các nhà hoạt động Việt Nam cũng vậy

 

Lãnh đạo CSVN cần thay đổi cách tiếp cận thế giới, các nhà hoạt động Việt Nam cũng vậy

BTV Tiếng Dân

27-11-2020

Ảnh: internet

Quan hệ Việt – Mỹ – Trung gây chú ý dư luận nhiều hơn trong những ngày qua, bắt đầu bằng sự kiện trên trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam dẫn lời ông David R.Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ, phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương, cho rằng, “Đảng Cộng sản Trung Quốc ngày nay có quan điểm thù địch với các nước láng giềng, Hoa Kỳ cũng như phần lớn các nước còn lại. Mục đích của ĐCS Trung Quốc không phải vì sự ổn định hoặc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia tôn trọng luật pháp“.

Ngay lập tức, trên trang Facebook của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đáp trả lại, trong đó dùng những ngôn từ “trịch thượng và cố chấp”, chỉ trích mạnh mẽ phát ngôn trên, xin trích: “Thời gian qua, một số chính khách và quan chức cá biệt của Mỹ liên tiếp chế tạo các loại lời nói dối và công kích ác độc đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc, cổ xuý đối đầu ý thức hệ, bộc lộ hoàn toàn thành kiến ý thức hệ nghiêm trọng và tư duy bá quyền ăn sâu bén rễ của một số người phía Mỹ. Trung Quốc kiên quyết phản đối”.

Trung Quốc “căm” ông David R. Stiwell lâu nay. Hồi tháng 9/2020, trong lời khai chuẩn bị cho phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, ông đã thẳng thừng tố cáo Bắc Kinh là một kẻ “bắt nạt vô pháp” và rằng, “Bắc Kinh muốn “xóa sổ” nền văn hóa Tây Tạng và Mông Cổ, sử dụng lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương và siết chặt kiểm soát đối với Hong Kong qua luật an ninh quốc gia mới.”

Sự việc hai cơ quan ngoại giao của hai cường quốc “chọn” Việt Nam làm nơi khẩu chiến chưa kịp lắng, thì ngày 22/11/2020, trên trang web của ĐSQ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho đăng nguyên văn bài phát biểu của Cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert C. O’Brien với sinh viên Học viện Ngoại giao.

Trong bài phát biểu, ông O’Brien nhân cơ hội này cũng cho rằng, “Từ biển Đông đến lưu vực sông Mê Kông, những nguồn tài nguyên phong phú dồi dào của đất nước các bạn thuộc về con cháu của các bạn. Quyền thừa hưởng những nguồn tài nguyên này không thể bị cướp mất chỉ đơn giản vì một nước láng giềng lớn hơn và thèm muốn những gì thuộc về các bạn”.

Bị “đụng chạm” lần nữa ngay tại nước “láng giềng hữu nghị”, cơ quan ngoại giao TQ tại Việt Nam lại lớn tiếng chỉ trích O’Brien, thậm chí còn “vứt” bỏ cả văn hóa ngoại giao tối thiểu để móc mỉa cá nhân. Phía Hoa Kỳ, như mọi khi, không có hành động đáp trả.

Ảnh chụp stt trên trang Facebook của Đại sứ quán TQ tại Hà Nội

Thế nhưng, trong một hành động hiếm thấy, chiều nay 27/11/2020, Tổng lãnh sự quán Hòa Kỳ tại TP.HCM đã có một phản hồi bài viết trên trang Tifosi: Độc lập, tự chủ, chọn Mỹ hay chọn Trung Quốc. Trong bài phản hồi có đoạn:

Cảm ơn bình luận của bạn và chúng tôi hoan nghênh quan điểm của các bạn. Hoa Kỳ không bắt buộc hay yêu cầu Việt Nam phải lựa chọn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Ngược lại, chúng tôi ủng hộ một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập có thể tự lựa chọn chính sách đối ngoại phù hợp nhất với lợi ích của chính mình. Hơn 1/4 thế kỷ qua, hai nước chúng ta đã xây dựng quan hệ đối tác và tình hữu nghị dựa trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và hệ thống chính trị của nhau”.

Phản hồi của Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP.HCM. Ảnh: FB Tifosi

Bình luận này của Cơ quan đại diện ngoại giao Hoa Kỳ cho câu hỏi trên trang Tifosi được Facebooker Đỗ Thiện nhận định, “có thể được hiểu là quan điểm của chính phủ Mỹ” và bình luận: “Việt Nam muốn độc lập thì phải mạnh lên và tự chủ; Việt Nam không có nhu cầu ‘đồng minh’ với Mỹ và ngược lại, Mỹ cũng không có nhu cầu thiết lập đồng minh với Việt Nam (theo kiểu Mỹ – Nhật hay Mỹ – Philippines).”

Một thực tế trớ trêu là, Hoa Kỳ có vẻ như muốn đồng nhất ý chí giữa nhân dân Việt Nam với Đảng Cộng sản, mặc dù Đảng này không được dân lựa chọn.

Câu hỏi đặt ra là, những nhà hoạch định chính sách hay những người có thẩm quyền quyết định tối cao ở Việt Nam sẽ lựa chọn điều gì, đảng phái hay lợi ích cốt lõi cho dân tộc?

***

Nền dân chủ và sức mạnh kinh tế của Đài Loan đáng để cho Việt Nam tham khảo, học hỏi. Những hành động gây hấn hay chỉ trích quan chức Hoa Kỳ viếng thăm Đài Loan của Trung Quốc không thể làm Việt Nam chủ quan, mất cảnh giác, mà cần phải chuẩn bị đầy đủ các kịch bản để có thể đối phó với Trung Quốc.

Theo RFA, trong một bài viết hồi năm 2019, nhà báo David Hutt cho rằng, nếu như xảy ra một cuộc chiến tranh tại khu vực Biển Đông thì Việt Nam sẽ là mục tiêu đầu tiên mà Trung Quốc tấn công. vì rằng: Việt Nam sẽ được Trung Quốc chọn để đánh như là một cách để “khởi động – làm nóng” trước khi lao vào một cuộc chiến lớn hơn với Mỹ trên vùng Biển Đông.

Cùng quan điểm với David Hutt, ông Derek Grossman, một nhà phân tích quốc phòng của RAND, một nhóm tư vấn tại Washington, cũng nhận định tương tự rằng, “nếu Trung Quốc tiến hành một cuộc tấn công quân sự ở Biển Đông, đối thủ được lựa chọn rất có thể sẽ là Việt Nam bởi vì Việt Nam chỉ là một quốc gia có sức mạnh cỡ trung bình, nên quân đội Trung Quốc dễ dàng chiến thắng, chứ Trung Quốc không dễ dàng gì chiến thắng quân đội Mỹ trên biển được.

Hôm nay, 27/11/2020, Facebooker Đặng Sơn Duân có bài viết tiết lộ, trong thời điểm Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ O’Brien thăm Việt Nam, thì Trung Quốc tập trận đổ bộ ở đảo Tri Tôn.

Trước đó, hôm 12/11/2020, theo tiết lộ của nhà báo David Hutt, việc Campuchia phá hủy căn cứ do Hoa Kỳ xây dựng, gây lo ngại không chỉ cho Hoa Kỳ, mà đặc biệt là Việt Nam. Đó có thể là một trong những lý do khiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải có cuộc trao đổi với Thủ tướng Hunsen hôm 24/11/2020.

***

Sự gia tăng ảnh hưởng của TQ đối với Campuchia và Lào, qua những nguồn vốn ưu ái khổng lồ, buộc Việt Nam phải có cách tiếp cận khác với hai nước láng giềng này. Thay vì can thiệp hay gây sức ép, cần có sự tôn trọng quyền tự quyết của người dân Campuchia và Lào. Bài học về sự đổ vỡ trong quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam còn đó.

Cách tiếp cận với Hoa Kỳ cũng như với thế giới trong tương lai, cũng cần thay đổi theo xu hướng bỏ qua ý thức hệ chuyên chế. Thay vào đó, cần hướng tới một tầm nhìn lấy giá trị tự do, dân chủ làm mục tiêu trung tâm, giúp giải phóng năng lượng trong xã hội, tăng tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của chính phủ, chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt quan điểm.

Không phải ngẫu nhiên mà Việt Nam đã thử thách quan hệ với Hoa Kỳ ngay khi tổng thống Donald Trump đắc cử, bằng vụ bắt giữ nhà hoạt động Trần Thị Nga ngay những ngày giáp Tết cổ truyền, trong khi bà đang có 2 con nhỏ, được cho là một hành động trả thù phi đạo lý, trái pháp luật.

Trước phản ứng chậm trễ và yếu ớt hơn thường lệ của Hoa Kỳ, chính phủ Việt Nam đã tuyên bà Nga mức án nặng nề, 9 năm tù giam, cuối cùng can thiệp để bà cùng gia đình sang Hoa Kỳ tị nạn hồi tháng 1/2020, tương tự như trường hợp của bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trước đó.

Sự thờ ơ của Hoa Kỳ đối với những vụ án lương tâm được ghi nhận qua phản ứng chậm chạp của Bộ ngoại giao, đặc biệt qua sự kiện Đồng Tâm, vụ bắt giữ ba thành viên trong gia đình anh Trịnh Bá Phương hay mới nhất là vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang. Những hình ảnh “ngoại giao” của Pompeo và O’Brien với tay trùm công an Tô Lâm khiến không ít người thất vọng.

Ảnh: ĐSQ Hoa Kỳ tại VN

Không giống như Nga hay Trung Quốc, đến nay Việt Nam vẫn chưa gửi lời chúc mừng đến tổng thống đắc cử Joe Biden. Hành động được cho là thận trọng của giới lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, GS Phạm Quang Tuấn cho rằng: “Không phải là tại họ (các nước độc tài CS) thích Trump hơn, dù chuyện đó có thể có. Mà tại họ sợ ‘hố’, làm mích lòng Trump nếu kết quả bị lật ngược.

Sớm hay muộn, Việt Nam cũng sẽ phải thay đổi cách tiếp cận với một thế giới đầy biến động. Các nhà hoạt động vì dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam cũng vậy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.