Thứ Hai, 30 tháng 11, 2020

Những câu chuyện có thật của người Việt hải ngoại bị nhiễm COVID-19 (Phần 2)

 

Những câu chuyện có thật của người Việt hải ngoại bị nhiễm COVID-19 (Phần 2)

Mẹ Nấm

27-11-2020

Tiếp theo phần 1

Nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ Lễ Tạ Ơn, đây sẽ là khoảng thời gian người ta gặp gỡ, thăm viếng nhau theo truyền thống. Tuy nhiên trong bối cảnh đại dịch đang bùng phát nghiêm trọng, các chuyên gia đã cảnh báo Hoa Kỳ sẽ chứng kiến “một mùa Đông đen tối” nếu những cuộc tụ tập vẫn tiếp tục diễn ra.

Từ trường hợp của ông Bửu Lê tại vùng Falls Church, tiểu bang Virginia, đến nay những người bị nhiễm COVID-19 cùng có mặt trong một bữa tiệc đều không thể xác định được mình bị lây từ nguồn nào.

Chủ nhân bữa tiệc này là một người đàn ông 65 tuổi, hiện vẫn đang điều trị tại bệnh viện nhưng chưa rõ lý do. Người vợ của ông được xác định nhiễm virus sau khi người bạn cùng sinh hoạt trong nhóm Phật tử tại chùa đã dương tính.

Câu chuyện thứ hai từ những nạn nhân của COVID-19 đến từ gia đình ông Tuấn Nguyễn, 63 tuổi, người có liên quan đến nhóm bạn cùng tham gia chung bữa tiệc với ông Bửu Lê. Hai vợ chồng ông Tuấn Nguyễn đã dương tính với COVID-19, tuy nhiên tình trạng sức khỏe không gặp phải nguy hiểm như bạn của họ.

Bà Hoa Nguyễn, vợ ông Tuấn, là nhân viên làm việc tại phòng cấp cứu (urgent care) đã đi xét nghiệm COVID-19 khi cảm thấy không khỏe, kết quả là âm tính.

Hai ngày sau, ông Tuấn Nguyễn bắt đầu sốt, xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, khó thở và ho. Ngày 4 Tháng Mười Một, ông Tuấn ghi danh xét nghiệm COVID-19. Đến ngày 7 Tháng Mười Một, kết quả là dương tính. Trong lúc này, bà Hoa cũng làm tiếp xét nghiệm lần 2 và kết quả là dương tính.

Chia sẻ câu chuyện của bản thân, ông Tuấn nói: “Bây giờ tuyệt đối không tin ai hết!”

Ông Tuấn, cũng như ông Bửu Lê trước đó, chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân và gia đình có thể trở thành nạn nhân của COVID-19. Mặc dù đã tuân thủ các hướng dẫn của CDC, nhưng việc gặp gỡ bạn bè và không kiểm soát được sự tiếp xúc trước đó của những người chung quanh nên kết quả là cả hai gia đình đều đã bị lây nhiễm.

“Virus là có thật, đây không phải âm mưu chính trị.” Ông Tuấn cho biết ông chỉ bị sốt một ngày nhưng cơ thể lại bị đau nhức và mệt mỏi kéo dài hơn một tuần sau khi nhận kết quả dương tính. Tuy nhiên bà Hoa vợ ông lại hồi phục nhanh hơn dù bị sốt đến ba ngày. “Cơ địa mỗi người là khác nhau, nhưng bác sĩ có giải thích cho tôi rằng những người bị bị sốt nhiều sẽ nhanh chóng hồi phục hơn.”

Ở thời điểm hiện tại, Hoa Kỳ đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, người ta thường chủ quan khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu mệt mỏi vì dễ lầm tưởng với triệu chứng của bệnh cúm.

Các chuyên gia y tế đã từng đưa ra lời cảnh báo cho những ai quan tâm đến COVID-19 rằng “hãy chú ý đến sức khỏe bản thân, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch và dịch cúm đang vào mùa. Hãy nhanh chóng liên lạc để được xét nghiệm virus ngay khi thấy cơ thể không khỏe, Đừng chủ quan cho rằng đây là bệnh cúm bởi bạn sẽ không biết mình bị lây nhiễm khi nào và từ đâu. Tự cách ly, thực hiện xét nghiệm càng sớm càng tốt chính là cách bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng khỏi lây nhiễm tốt nhất.”

“Một lần tôi muốn nói rằng, COVID-19 là có thật và rất nguy hiểm. Nó tuyệt đối không liên quan đến chính trị và nó không chừa bất cứ một ai,” ông Tuấn Nguyễn nhắc lại và mong muốn rằng kinh nghiệm từ câu chuyện của bản thân ông sẽ được phổ biến đến với cộng đồng để tất cả cùng đề phòng dịch bệnh.

Ngày 13 Tháng Mười Một, thống đốc tiểu bang Virginia, Ralph Northam đã ban hành lệnh cấm tụ tập trên 25 người. Đây là hạn chế nghiêm ngặt nhất tại khu vực này kể từ khi dịch bệnh bùng phát từ Tháng Ba tại Hoa Kỳ. Số ca nhiễm tăng cao mỗi ngày khiến các cơ sở y tế phải đối mặt với tình trạng quá đông bệnh nhân.

Câu chuyện thứ ba từ những nạn nhân của COVID-19 đến từ gia đình ông Minh Trần, 51 tuổi, hiện đang sinh sống tại vùng Falls Church, tiểu bang Virginia.

Bà Ngọc Trần, vợ ông Minh đã có cuộc hẹn với nhóm bạn tại một bữa tiệc sinh nhật hôm 30 Tháng Mười. Một người cùng tham gia buổi gặp này có triệu chứng như bị cảm và bị ho. Ngày 4 Tháng Mười Một, người này thông báo với bạn bè mình đã dương tính với COVID-19, khả năng đã bị lây nhiễm từ nhóm sinh hoạt Phật tử tại chùa trước đó. Đây là nhóm bị lây nhiễm mà bà Hoa, vợ ông Tuấn trong câu chuyện thứ hai, có liên quan.

Khi thấy cơ thể có dấu hiệu mệt mỏi, ớn lạnh, bà Ngọc đi xét nghiệm sau khi nhận tin từ người bạn của mình. Kết quả cho thấy bà dương tính với COVID-19, tuy không hề bị sốt nhưng cơ thể thường xuyên bị đau nhức, mất vị giác, mất khả năng tập trung và hay rơi vào trạng thái ngủ li bì.

Ông Minh cũng xuất hiện triệu chứng mỏi cơ, buồn ngủ và rối loạn tiêu hóa. Cô con gái của ông bà hiện chưa xuất hiện triệu chứng gì và đến nay các thành viên trong gia đình phải tự cách ly để bảo đảm sức khỏe.

Điều khó khăn nhất đối với gia đình ông Minh là các con ông sẽ từ trường đại học trở về nghỉ lễ.

Người bị nhiễm virus và người khỏe mạnh sẽ sống chung một nhà chính vì thế cần phải sắp xếp lại nếp sinh hoạt gia đình. “Sinh hoạt rất cực vì mọi thứ bị xáo trộn hết. Mọi người phải giữ khoảng cách và đeo khẩu trang thường xuyên trong nhà. Nấu ăn cũng phải đeo khẩu trang, đeo găng tay thường xuyên, vì hiện tại nhà đang có người bệnh và người chưa nhiễm. Mặc dù người ta nói rằng hai tuần sẽ hết nhưng không phải như vậy. Nó không như bị cảm, hệ thần kinh không thể tập trung như trước”.

Chia sẻ kinh nghiệm từ bản thân, ông Minh nói: “Điều quan trọng nhất có lẽ là tinh thần. Hãy cố giữ cho tinh thần suy nghĩ lạc quan, tích cực. Mọi người sống chung trong một nhà nếu chẳng may bị nhiễm thì nên bình tĩnh để chia sẻ, nâng đỡ nhau. Khi đã có người bệnh trong nhà thì không nên tập trung tìm kiếm nguyên nhân rồi đổ lỗi cho nhau mà hãy cùng nhau vượt qua. Người khỏe hãy đỡ đần cho người mệt. Chỉ có như vậy mới có thể cùng nhau vượt qua đại dịch.”

Bà Ngọc than: “Quá mệt mỏi rồi! Bây giờ mà có khỏe lại thì sẽ không tin ai hết. Sẽ không gặp gỡ bạn bè nữa. Virus thật sự rất nguy hiểm, nó không như mọi người nói.”

Với ba câu chuyện từ ba gia đình khác nhau tại vùng Falls Church cho thấy rằng, mỗi người sẽ có một trải nghiệm khác nhau với virus. Không ai giống ai, và không một ai biết trước điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Sẽ có người may mắn vượt qua vì sức đề kháng tốt, vì tuổi trẻ, vì cơ địa. Nhưng cũng sẽ có người phải vật lộn chống chọi với dịch bệnh và không thể hồi phục lại như xưa.

Nước Mỹ hiện tại phải đối diện với nguy cơ thiếu hụt trang thiêt bị bảo hộ y tế (PPE). Tại Texas, lời kêu gọi các cá nhân hãy hiến tặng hoặc bán lại PPE cho các nhân viên y tế tuyến đầu đã được đưa ra. Hiệp Hội Y Khoa Hoa Kỳ (AMA) đã phát đi lời kêu gọi giúp đỡ các thành viên đối diện với tình trạng thiếu hụt PPE. Khi số ca nhiễm mỗi ngày càng tăng cao, áp lực tạo ra cho hệ thống y tế, các nhân viên chăm sóc sức khỏe là rất lớn.

Trong ngày 19 Tháng Mười Một, Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) Hoa Kỳ đã khuyến cáo công dân hãy hoãn các chuyến du lịch, ngừng tụ tập trong dịp Lễ Tạ Ơn.

“Trong bảy ngày qua đã có hơn một triệu ca nhiễm COVID-19 được báo cáo. Khi số ca bệnh gia tăng nhanh chóng trên khắp nước Mỹ, cách an toàn nhất để tổ chức Lễ Tạ Ơn là ăn mừng tại nhà với những người bạn mà bạn đang chung sống. Họp mặt với gia đình và bạn bè, những người không sống cùng có thể làm tăng nguy cơ bị lây nhiễm COVID-19 hoặc cúm.”

“Rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên, hạn chế tụ tập không cần thiết và tuân thủ khoảng cách an toàn 6ft” chính là hướng dẫn từ các chuyên gia y tế.

Đây cũng chính là cách gìn giữ sự an toàn, đảm bảo sức khỏe mà mỗi người có thể dễ dàng thực hiện lúc này. Hãy lắng nghe và tuân thủ tuyệt đối những hướng dẫn từ các chuyên gia y tế, khoa học. Họ chính là những người chịu trách nhiệm và bảo vệ người dân trong đại dịch.

Chúng ta nợ họ, các nhân viên y tế đang ở tuyến đầu chống dịch một lời cảm ơn. Họ thực sự là những người anh hùng thầm lặng trong trận chiến này.

Chúng ta vẫn còn rất nhiều kỳ nghỉ và còn rất nhiều dịp để thăm hỏi, gặp gỡ nhau trong tương lai. Đại dịch chưa kết thúc, con người chưa thế chiến thắng virus và vẫn đang chờ đợi vaccine, Vì thế, hãy tuân thủ tuyệt đối các khuyến cáo từ những chuyên gia y tế từ những việc đơn giản như rửa tay thường xuyên, mang khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người.

Nguyện cầu cho nhau được bình an, vững vàng vượt qua đại dịch và chúc mùa Lễ Tạ Ơn tràn ngập an lành đến với muôn nhà.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.