Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Tấn bi kịch của những bà mẹ sống trong đất nước của Putin

 

Tấn bi kịch của những bà mẹ sống trong đất nước của Putin

Nguyễn Đức Thành

28-2-2022

Ngay từ mấy ngày đầu tiên của cuộc chiến, tôi đã ngạc nhiên sao những người lính bị bắt mặt lại trẻ và dại như vậy. Vì sao những đoàn quân tiên phong cho một chiến dịch lớn và quan trọng như thế lại không phải là những chiến binh lão luyện? Và vì sao số lính chết trận lại nhiều như vậy? Họ không có chút kinh nghiệm trận mạc nào hay sao? Thực lòng tôi thấy cảm thương cho họ.

Giờ đây biết thêm thông tin từ những cuộc hỏi cung chớp nhoáng các tù binh Nga của Ukraine, chúng ta mới nhận thấy một sự thật kinh hoàng và xót xa.

Qua đó mới biết Putin thật nham hiểm, hèn hạ và tàn nhẫn!

Hóa ra nhiều lính Nga tiến vào Ukraine vẫn tưởng là đang trong cuộc tập trận trước đó(những cuộc tập trận diễn ra rầm rộ vài tuần trước đó xung quanh Ukraine). Rồi họ bỗng nhiên phải đánh nhau thật, ngỡ ngàng bị chết ngay trong những chiếc xe bốc cháy mà không hiểu điều gì xảy ra. Hoặc nếu còn sống sót thì buộc phải chiến đấu với những đối thủ đang vô cùng căm hờn và quyết tâm tiêu diệt họ.

Nhiều người lính khi bị bắt đều khai như trên. Trong số họ có nhiều lính trẻ măng, như thể vừa mới nhập ngũ. Đặc biệt, trong số tù binh có cả lính dự bị được điều động ra trận, còn không nhớ nổi số đơn vị của mình. Khi bị hỏi cung, cậu ấy nói là không nhớ, người hỏi cung tưởng là nói dối. Sẵng giọng hỏi lại như chuẩn bị cho cái bạt tai. Thì một người đồng đội cùng bị bắt xác nhận là thằng này mới vào đơn vị được mấy hôm.

Trong hàng ngàn người lính đã bị chết cháy rụi trong xe, hay bị bắn chết trong đêm tối, có bao nhiêu người ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì xảy ra? Vì sao một cuộc tập trận lại như vậy?

Lý giải của tôi cho hiện tượng này là: Putin vừa không có tiền vừa không có chính danh. Không có tiền, nên không thể thuê đủ lính đánh thuê cho chiến dịch to lớn này. Không có chính danh, nên nếu lên kế hoạch trước cho quân lính là sẽ đánh vào Ukraine, theo một lộ trình bài bản, thì quân lính có khả năng phản chiến, làm loạn ngay lúc xuất binh.

Một tên cuồng điên bệnh hoạn, lãnh đạo một quốc gia đang suy kiệt, lại muốn mở một cuộc tấn công đẫm máu hao người tốn của, chỉ có thể nói dối. Và nạn nhân là những thanh niên Nga trẻ trung, mặt còn non sữa, đôi mắt hãi hùng, hay những người lính dự bị non kém chưa từng trận mạc. Mẹ của họ còn không biết con mình đã ra chiến trường!

Đau đớn thay cho những bà mẹ! Xót xa thay những người lính chết một cách tàn khốc mà còn chưa hiểu điều gì xảy ra với họ, và vì sao họ phải chết.

Nước Nga đau thương bị lừa dối đã quá nhiều! Giờ đây lại thêm một lần nữa từ tên bạo chúa bệnh hoạn và hèn hạ.

Chúng tôi sẽ không bao giờ nằm dưới lá cờ Nga!

 

Chúng tôi sẽ không bao giờ nằm dưới lá cờ Nga!

Cảm ơn Nataliya Zhynkina, đại biện lâm thời Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam nhiệt tình hợp tác. Đêm qua trước khi đi ngủ, tôi gửi câu hỏi. Sáng nay đã thấy hồi đáp. Mong các bạn chia sẻ rộng rãi để các bạn ấy thấy được sự quan tâm và ủng hộ của chúng ta. Xin cảm ơn các bạn nhiều. Tôi hy vọng sẽ có cuộc phỏng vấn trực tuyến để các bạn có thể trực tiếp đặt câu hỏi.

Chau Doan: Bạn nghĩ gì về những lý do Putin dùng để bắt đầu cuộc chiến.

Nataliya Zhynkina: Bạn biết đấy, Putin đã thay đổi những lời biện minh về lý do tại sao ông ấy bắt đầu chiến tranh rất nhiều lần rồi, mà tôi không chắc bạn muốn nói lý do nào khi hỏi.

Vụ gần đây nhất mà lý do là “sự diệt chủng của người dân Donbas”. Đó là một tuyên bố nghiêm túc và không ai nên nói điều đó nếu không có bằng chứng bởi kẻ ấy sẽ bị đưa ra tòa vì tội nói dối. Về vấn đề này, Ukraine đã gửi đơn kiện Nga lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).

Nga phải chịu trách nhiệm về việc thao túng khái niệm diệt chủng để biện minh cho hành động xâm lược. Chúng tôi đã yêu cầu ICJ ra quyết định khẩn cấp, ra lệnh cho Nga ngừng hoạt động quân sự ngay bây giờ và dự kiến các phiên xử sẽ được bắt đầu sớm nhất có thể, có thể là vào tuần tới.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau công nhận hai nguyên tắc cơ bản: bảo vệ các quốc gia có chủ quyền, chống lại sự xâm lược và bảo vệ người dân khỏi những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nga đang làm thay đổi trật tự quốc tế hiện đại. Họ đang lạm dụng trách nhiệm thiêng liêng trong việc ngăn chặn tội ác diệt chủng, tội ác quốc tế nghiêm trọng nhất, làm cái cớ để thực hiện tội ác xâm lược chống lại một quốc gia có chủ quyền và nhân dân của quốc gia đó.

Tuyên bố ngớ ngẩn của Nga, rằng họ đang hành động để ngăn chặn và trừng phạt tội ác diệt chủng khiến các hành động trái pháp luật của Nga nằm trong quyền tài phán của Tòa án Công lý Quốc tế theo Công ước về Diệt chủng năm 1948. Do đó, Ukraine đang viện dẫn Công ước Diệt chủng để tìm kiếm sự bảo vệ từ Tòa án chống lại hành vi bất hợp pháp của Nga.

Nga cho biết, việc họ công nhận cái gọi là DPR và LPR và cuộc xâm lược tiếp theo của nước này vào Ukraine, được chứng minh bằng việc bảo vệ người dân ở Donbas chống lại nạn diệt chủng. Ukraine sẽ cho thấy rằng không có tội diệt chủng, rằng những hành vi trái pháp luật này do đó chỉ dựa trên sự dối trá, và Tòa án phải ra lệnh cho Nga chấm dứt chúng ngay lập tức.

Ukraine đang theo đuổi mọi con đường để chấm dứt hành động xâm lược vô nghĩa của Nga: quân sự, ngoại giao và tư pháp. Tòa án Thế giới có thẩm quyền vạch trần hành vi dối trá mà cuộc xâm lược của Nga dựa vào để tiến hành và cần ra lệnh ngăn chặn hành vi đó.

Còn một câu chuyện nữa của Putin mà tôi muốn thu hút sự chú ý đặc biệt của các bạn. Có một bài báo trên hãng thông tấn nhà nước Nga RIA-News (РИА-Новости) ngày hôm qua, nói rằng “Putin đã nhận trách nhiệm lịch sử, quyết định không để lại giải pháp của câu hỏi Ukraine cho các thế hệ tương lai”. Đó là bằng chứng rõ ràng về việc Putin không còn giấu giếm rằng ông ta muốn hủy diệt cả đất nước và dân tộc Ukraine.

Câu chuyện này ngay lập tức đồng nghĩa Putin với Hitler, bởi vì cùng một “giải pháp cuối cùng cho câu hỏi Do Thái” là chính sách của chính phủ Đức Quốc xã đối với người Do Thái. Tất cả chúng ta đều biết ý định của Hitler đối với người Do Thái là gì và ông ta đã làm gì với quốc gia đó. Vì vậy, không quan trọng Putin dùng lý do nào để biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine – tất cả những lý do đó đều không phù hợp với thực tế. Lý do duy nhất cho cuộc chiến của ông là ông muốn quốc gia Ukraine không còn tồn tại.

Chau Doan: Nếu bạn đang ở Ukraine bây giờ, bạn cũng sẽ cầm súng và chiến đấu chứ?

Nataliya Zhynkina: Tôi nghĩ là không, nhưng cũng có thể là vậy nếu tôi không có một sự lựa chọn nào khác và những người lính của Putin đang ở trước mặt tôi và nhắm bắn vào tôi. Tôi không biết. Tôi chưa bao giờ cầm súng, chúng tôi có đủ những người đàn ông và phụ nữ dũng cảm, những người đã luyện tập để bảo vệ tổ quốc của chúng tôi trước sự xâm lược của Nga.

Tôi là một nhà ngoại giao, một người hỗ trợ. Nếu bây giờ tôi ở Kyiv, tôi cũng sẽ làm như những gì tôi đang làm ở Hà Nội: thu thập viện trợ, nhân đạo, quân sự, chính trị và hơn thế nữa, cho Ukraine từ khắp nơi trên thế giới. Sự khác biệt chỉ là tôi sẽ không làm việc ở nhà mà từ hầm trú ẩn – tầng hầm hoặc đường hầm tàu điện ngầm – như các đồng nghiệp của tôi từ MFA hiện nay.

Chau Doan: Bạn có thể mô tả tinh thần chiến đấu của mọi người ngay bây giờ không?

Nataliya Zhynkina: Trả lời câu hỏi này, tôi muốn trích dẫn lời nói của người bạn Ukraine của tôi:

“Người Ukraine là những người đặc biệt. Nồng ấm, vui vẻ, hay cười, trung thực, chăm chỉ và nhiều hơn thế nữa. Chúng tôi có khiếu hài hước khá đặc biệt, nhất là khi gặp nguy hiểm. Chúng ta cười vào sự nguy hiểm để lấy dũng khí. Chúng tôi chiến đấu với tất cả những gì chúng tôi có khi mà có thể cả thế giới nghĩ rằng Ukraine đầu hàng trong vòng bốn ngày. Người Ukraine không sợ kẻ thù. Chúng tôi cười vì thái độ kém cỏi của kẻ thù.

Putin sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được người Ukraine. Ông ta có thể chiếm được Ukraine nhưng ông ta sẽ không bao giờ có thể kiểm soát được 40 triệu người căm ghét ông ta. Mỗi người phụ nữ, những bà nội, bà ngoại trên đất nước này sẽ chiến đấu chống lại ông ta.

Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến người cuối cùng. Chúng tôi là quốc gia độc lập và tự do. Đó là vùng đất của chúng tôi, chúng tôi sẽ không bao giờ nằm dưới lá cờ Nga!”

Lý lẽ cục súc!

 

Lý lẽ cục súc!

Một số ý kiến nói rằng, Ucraina từng thuộc liên bang Xô Viết nên Nga đòi lại là hợp lý. Đừng ngạc nhiên vì họ là tiên sư giáo sĩ. Họ thuộc một bộ phận mà não trạng ở miền quá vãng, lấy sự sợ hãi làm lương thiện.

Đường lối chính trị thúc đẩy Ucraina tham gia vào một “siêu nhà nước” Soviet, Nga cũng vậy. Khi vỡ mộng tách ra, ai về nhà nấy, như một cuộc hôn phối tan vỡ. Lãnh thổ thì vẫn vậy, Nga là Nga mà Ucraina là Ucraina. Nhân danh Soviet để đòi lãnh thổ người ta là cục súc khi đã ly hôn rồi, còn nhân danh nước Nga mà đòi thì là du côn bặm trợn.

Câu chuyện cũng như liên bang Nam Tư, Tiệp Khắc. Hoặc cũng giống như Đông Đức bị Liên Xô quây bức tường ép lên XHCN ở chiều ngược lại, nó vẫn là nước Đức.

Còn nói Ucraina cùng dân tộc với Nga thì càng trớt quớt. Kể cả cùng dân tộc thì cũng chẳng sao cả. Dân tộc là yếu tố văn hoá, tập tục phi biên giới. Nếu luận kiểu Putin muốn khôi phục tộc Nga thời Sa Hoàng, thì Anh nên xua quân đánh Mỹ, đánh Úc.

Úc là một quốc gia trôi dạt giữa Thái Bình Dương, rất xa lục địa già. Người dân họ vẫn muốn duy trì thiết chế nữ hoàng tượng trưng, đó là dân tộc tính. Nhưng đụng vô lãnh thổ của họ, họ đánh cho trào máu.

Bán đảo Triều Tiên là một dân tộc, nhưng là hai quốc gia theo chế độ riêng biệt. Văn hoá truyền thống giống nhau nhưng định chế chính trị khác nhau. Chỉ có Triều Tiên tự huyễn về sự thống nhất và mang hạt nhân ra rạch mặt hoài, Đại Hàn Dân Quốc thì chẳng ngu gì ôm gánh nặng.

Đài Loan là người Hoa, nhưng ý chí họ rất khác. Họ không khác biệt người Trung Quốc về văn hoá, thậm chí họ còn… Hoa hơn cả Trung Quốc, vì khi ra đảo, ông Tưởng mang theo hầu hết bảo vật và văn hoá, chờ ngày quay lại đại lục, “văn hoá còn thì nước còn”. Đài Loan là người Hoa nhưng quốc gia họ độc lập, hổng có bà con chi với TQ. Cứ chọc giận chị đại Thái đi rồi thấy cái cảnh!

Dân tộc, hiểu đơn giản như một bộ phận người Việt ta, trong đó có con ông cháu cha ăn tết ở Tây phương nhưng bổn phận là sống và làm việc với tư cách công dân sở tại.

Cũng như một ít người Nga sống ở Ucraina, yêu đất nước mà họ sống. Ngay cả người Nga ở nước Nga cũng phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa này. Các sư sĩ ăn chực quá khứ và biếng lười đọc sách dùng khái niệm lãnh thổ và dân tộc để tìm sự hợp lý cho cuộc xâm lược này, nên đóng gói các ông bà ấy lại trưng bày trong bảo tàng di chứng của chương trình “đổi bò lấy tiến sĩ” của Liên Xô năm xưa!

Sự nông cạn của những kẻ không cầm súng

 

Sự nông cạn của những kẻ không cầm súng

Khải Đơn

28-2-2022

Câu chuyện của chúng ta được kể bằng mồm của những kẻ vấy máu. Có lẽ bạn không để ý điều đó, bởi chúng ta sống trong hòa bình và những thành phần như tôi lớn lên trong buổi không có cuộc chiến nào lướt qua sống mũi mình.

Vì vậy, chúng ta nghe chuyện kể, như đứa bé ngồi quanh đống lửa nghe ông bà kể chuyện cô Tấm cô Cám ngày xưa. Tôi biết về chiến tranh trong bài học sử ở trường, nơi cô giáo dạy sử nói thật to rằng, mấy em tưởng tượng một ngày kia đi học về, thấy khu phố mình có khói bùng lên và nhà mình ở đã tan nát ra sao.

Tôi đi bảo tàng chứng tích chiến tranh. Tôi ngồi quanh bàn nhậu nghe cha mình kể chuyện hồi chiến tranh, cha cõng bà nội chạy loạn ra sao. Tôi nghe mẹ kể về ngày mẹ theo ông ngoại về nước, xách dao đi học vì những đứa cùng trường chửi mẹ là “Tàu lai”, vì mẹ lỡ đẻ ra ở bên kia biên giới.

Không có trải nghiệm với chiến tranh có lẽ là một đặc ân trên đời. Nhưng đi kèm với nó, tôi luôn luôn phải nỗ lực cố gắng hiểu câu chuyện chiến tranh mình nghe kể từ mồm người khác có nghĩa là gì. Ví dụ như mấy bữa nay các bạn trên mạng rất nồng nàn với cảm hứng nước Nga, và diễn ngôn nước Nga với nước Ukraine là anh em mà, thằng em mất dạy thì thằng anh vả cho mấy cái, chuyện nhà người ta có gì mình phải làm to tát.

Chuyện kể kiểu dân gian này đa phần thoát ra từ mồm các anh làm tướng lãnh quân đội, những anh có quyền lợi trực tiếp với chính quyền đang không dám mở mồm nhổ nước bọt qua miệng anh Putin.

Nhóm người này có quyền lợi trực tiếp với anh Putin. Quân đội mà họ đang phục vụ có mua bán nhiều vũ khí từ Nga, tàu ngầm, máy móc, công nghệ. Sếp họ bảo chúng mày không được ghét Nga thì không ai sẽ hó hé. Cơ bản các anh tuy đeo quân hàm rất to nhưng thiếu sự can đảm làm đàn ông. Các anh được cho mở mồm nói gì thì nói đó. Tuy nhiên, quân hàm làm các anh có vẻ sáng sủa.

Chuyện này cũng giống như Ngô Hoàng Anh quấy rối tình dục vậy. Tuy quấy rối tình dục là việc hạ tiện, nhưng vì anh là nhà khoa học có đóng góp cho xã hội, nên Forbes vinh danh anh. Lý luận tương tự, tuy anh mở mồm nói chuyện rất hèn hạ ti tiện, nhưng vì anh là thiếu tướng, chuẩn tướng, có quân hàm, chắc anh biết mình đang nói gì.

Tất nhiên, các anh ấy biết đang nói gì, vì huân, huy hiệu chói lòa của các anh có chói được không đều nhờ đống nước bọt ấy, nhưng làm độc giả, chúng ta mà ngu đến nỗi đi ca hát theo các anh lại là chuyện khác.

Phần ca ngợi cuộc chiến của Nga khác đến từ các bạn trai yếu sinh lý cuồng Nga. Các bạn này ngày xưa đi du học ở Nga hồi xã nghĩa, thấy Lenin thì sì sụp khấn lạy như anh Kim Yong Un bên Bắc Hàn, có thể mấy anh xăm hình Stalin trên mông cũng không chừng.

Niềm tin này lớn như máu thịt, cơ thể, lớn đến nỗi các anh không có đủ não để suy nghĩ bất cứ họng súng nhắm vào cơ thể người nào cũng là giết người. Với các anh, người chỉ là vật thể. Ukraine là vật thể, là cái tên xa lạ chả liên quan đến quần lót của các anh. Vì yêu Putin, các anh hung hãn tháo cởi ngôn từ cổ võ cuộc chiến. Nếu lỡ đây là ngày xưa, các anh này sẽ làm thơ như anh Tố Hữu đẻ con ra hai tiếng Stalin gọi thật ngọt ngào máu lửa.

Chú thích ở đây, các bạn trẻ nào xem phim Hàn Quốc nhiều như tôi sẽ biết loại đàn ông này xếp hạng gì, đó là loại đi theo thằng trai hung hãn trong đám chuyên bắt nạt học trò, chùi đít cho nó hoặc vuốt mông nó, nhờ vậy cảm thấy thêm phần có động lực làm đàn ông trên đời, và nghĩ mình có giá trị.

Facebook các anh này đa phần để râu mõm chuột, nói chuyện dâm đãng, khề khà whisky và không bao giờ tập thể dục, nhưng rất tin tưởng cần có chiến tranh. Mấy anh này tất nhiên không biết nếu có chiến tranh thì mỗi người cần biết chạy, ít nhất 10km để thoát khỏi quân thù ném bom trên đầu hoặc sắp hãm hiếp các anh.

Sáng nay bạn chủ nhà của tôi người Mexico nói: “Phương ơi, tôi coi hình ảnh chụp hôm qua mà rùng mình. Thử tưởng tượng xem con tôi sáng ngủ dậy phải mặc quần áo ấm cả nhà phải lái xe đến biên giới xong ngồi cả đêm giữa hàng ngàn người. Từ xa bom nổ.”

Vậy đó, bạn tôi đã tưởng tượng về chiến tranh Ukraine bằng hình ảnh con gái của anh, trong một ngày không được đến trường. Đó là thấu cảm gần nhất mà một người ở rất xa có thể hiểu về chiến tranh. Sự thấu cảm của chúng ta có được nhờ những hiểu biết thật giản dị trong đời. Ta biết sợ căn bếp của mẹ mình với một quả pháo rơi xuống vỡ toang. Ta thấy đau xót khi nhìn cô gái trẻ đứng khóc giữa đường khi cả chung cư của cô trở thành đống đổ nát. Ta biết tưởng tượng nếu anh trai mình phải đi lính và ngoài xa có kẻ đang lê xe tăng vào thành phố mà anh đang đứng.

Hiểu biết về chiến tranh có thể cơ bản, gần gũi và bản năng như vậy. Như nhà thơ Naomi Shihab Nye viết trong bài thơ “Bức Tường Chia Cắt” về dải Gaza và cuộc chiến Israel – Palestine:

“Tôi hỏi nội liệu có bao giờ

nội cảm thấy được sống bình thường mỗi ngày,

không hiểm nguy, và nội nghĩ rất lung

đến khi mặt trời lặn và nội nói, có

nội luôn cảm thấy là người bình thường.

Chỉ là chúng không coi nội là người.”

“I ask my grandmother if there was ever a time

she felt like a normal person every day,

not in danger, and she thinks for as long

as it takes a sun to set and says, Yes.

I always feel like a normal person.

They just don’t see me as one.”

(Separation Wall – Naomi Shihab Nye)

Tôi biết chúng ta có quyền nhìn cuộc chiến Nga – Ukraine chính nghĩa như những anh thiếu tướng, chuẩn tướng ti tiện, hoặc có quyền coi đó là các trò vuôi và đơn giản như những người nói đây là chuyện anh em trong nhà.

Và tôi cũng biết chúng ta có quyền nhìn nó trên gương mặt hàng chục ngàn người Ukraine đứng xếp hàng ở biên giới, những đứa bé ôm gấu bông đứng ngơ ngác giữa hỗn loạn, những người đàn ông gương mặt hốc hác đổ xăng vào bình cocktail Molotov giữa Kiev, những người đàn bà ôm đầu máu òa khóc khi con phố trước mặt họ sụp đổ.

Hàng triệu người đó – là người. Và cho dù ta có bao nhiêu vỏ bọc xa xỉ và ngôn từ thượng thừa, ta cũng không thể nào chối bỏ sự thật rằng, nước Nga vĩ đại của anh Putin đang bắn vào ngực của những người bình thường và vô tội đó.

Hãy nhớ, mỗi người Việt Nam chúng ta chưa bao giờ gọi tên chiến tranh biên giới năm 1979 là anh cả Trung Quốc dạy cho đứa em hỗn láo bài học. Rất nhiều người ta biết đã mất người thân trong cuộc chiến ấy.

Ký ức người dân ta không gọi Trung Quốc là anh cả, và chúng ta không phải em. Người Ukraine cũng vậy, ký ức dân tộc họ không phải làm cậu em trai nhỏ được Nga Xô bảo bọc, họ bị hãm hiếp, họ bị bỏ đói trong nạn đói Holodomor chết 3,5 triệu người, họ liên tục bị nước Nga của anh Putin tấn công và giết chóc.

Họ không phải anh em.

_____

PS: Hình trong bài trích từ FB của anh Đại tá Lê Thế Mẫu, không biết anh làm đại tá bàn phím ra sao mà có cái tên Trung Quốc cũng éo dám viết ra mà để là “nước ngoài”. Đúng là mấy anh quen liếm a*** nước ngoài, a*** nào cũng liếm.

Nhìn Ukraina, nghĩ về Việt Nam

 

Nhìn Ukraina, nghĩ về Việt Nam

Hà Sĩ Phu

28-2-2022

Xung đột Nga – Ukraina làm nổi lên mấy điều cần phân biệt. Việt Nam gần gũi với Ukraina và Đài Loan hay gần gũi với Nga và Trung Quốc? Nền văn hóa Nga và Trung Hoa có đáng yêu không? Nhân dân Nga và nhân dân Trung Hoa có đồng nhất với nhà nước Nga và Trung Quốc không? Một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn thì nên và phải ứng xử thế nào?

1/ Tôi sống lại những năm 50-60 của thế kỷ trước, hồi tôi còn trẻ và hệ CS thế giới còn tạm thời cường tráng. Tôi nhớ thuộc lòng những bài hát tôi yêu về các xứ sở, các quê hương. Tôi yêu những bài Làng tôi của Văn Cao, Làng tôi của Chung Quân, Quê hương của Hoàng Giác… Cũng yêu Chiều Matxcova ( ПОДМОСКОВНЫЕ ВЕЧЕРА) của Nga, Kết đoàn là sức mạnh của Trung Quốc (团结就是力量 Tuán Jié Jiù Shì Lì Liàng), và bài Quê hương, dân ca Ukraina.  Tổ quốc của nước nào cũng đẹp và người dân nước nào cũng tha thiết mến yêu đất nước của mình!

2/ Nhưng sinh hoạt của loài người trên địa cầu lại phân bố không đều và phát triển không đều, có những nước lớn, có những nền văn hóa lớn, có những cường quốc. Và thói đời vốn tham lam chứ chẳng đạo đức quân tử như sách vở vẫn răn dạy đâu. Như con vật, cá lớn vẫn nuốt cá bé, chứ loài người phỏng đã hơn gì?

– Với các nước lớn như Nga, như Tàu, ta yêu mến nền văn hóa của họ, yêu mến và học tập nhân dân họ (vì nhân dân là hiện thân của những nền Văn hóa lớn đó), nhưng phải cảnh giác và chống lại cái “Thói nước lớn” của chính quyền và các nhân vật độc tài của các nước lớn ấy. Putin, Tập Cận Bình cũng cùng một giuộc với Stalin và Mao Trạch Đông thôi, dù những thể chế chính trị của họ có biến dạng ra sao mặc lòng.

Việt Nam, Ukraina, Đài Loan là các nước nhỏ, là bạn đồng minh CHUNG MỘT CHIẾN HÀO! Tôi thuộc như in từng điệu nhạc và lời ca của bài Dân ca Ukraina:

…Bạch dương tươi tốt lá xanh cành vươn bên bờ

Là nơi cố hương thân yêu mong chờ

…Giặc kia hung ác lấn xâm nơi quê hương

Đồng xanh mến yêu biến thành chiến trường

Làng quê yêu dấu tan hoang vì quân hung bạo

Bạch dương xác xơ lá rụng tiêu điều

…Dù ta có chết cũng không làm thân trâu ngựa 

Vùng lên đấu tranh vinh quang muôn đời!

Và trong cuộc xung đột hiện nay với Nga, từng lời ca thiết tha ấy hẳn đang vang lên trong lòng những người dân Ukraina.

3/ Nhưng đối sách của các nước nhỏ bên cạnh nước lớn không đơn giản chút nào. Nước lớn có mặt đáng yêu và nên thân thiện, lại có mặt đáng ghét nên phải đề phòng. Có lần tôi đã nói, phải biết học một lời khuyên “KÍNH, nhi VIỄN chi” (tức là kính trọng nhưng có khoảng cách, không để họ ôm vào lòng). Khôn ngoan nhất là phải đứng TRUNG LẬP, không theo nước lớn này để chống lại nước lớn khác. Nhưng muốn Trung lập thì phải Trung lập ngay từ đầu, trước sau phải NHẤT QUÁN. Không thể khôn ngoan kiểu ĐU DÂY, như kiểu cây tre, trước đã nghiêng hẳn bên này, sau lại nghiêng sang bên kia, vì các nước lớn đâu phải trẻ con để các nước nhỏ giỡn mặt?

Việt Nam trước đây đã trót chui vào gọng kìm Cộng sản, tự coi mình như đứa em ngoan trong tay “chị hiền Trung Quốc” rồi, thì nay muốn ra khỏi tay “chị hiền” để thân phương Tây cho cân bằng là rất khó. Chị hiền chẳng cho phép “đu dây” đâu. Muốn Trung lập phải tìm cách thế nào để ra khỏi cái quỹ đạo CS tai hại trước đây. Chứ vẫn ở tư thế đứa em ngoan trong tay “chị hiền” như trật tự Cộng sản đã an bài thì làm sao ra khỏi cái vòng ôm chết người của “bà chị hiền Đại Hán hậu CS” gian ác bậc nhất thế giới ấy? Tôi nói “Muốn THOÁT TRUNG thì buộc phải THOÁT CỘNG” chính là vì vậy.

Muốn có tấm lòng yêu nước, giữ nước hơn giữ ngai vàng, thì “vua tập thể” chỉ có một con đường duy nhất đúng ấy mà thôi!

Đất đai và tương lai, có thế nào thì vẫn… chưa sao!

 

Đất đai và tương lai, có thế nào thì vẫn… chưa sao!

Từ trước đến nay chuyện kích nền kinh tế qua xây dựng, bất động sản thường được ưu tiên nhiều vì qua đó, 1 loạt các vấn đề kinh tế được giải quyết. Hình minh họa. (Ảnh: Nguyễn Văn Châu)
Ông Bình không phê phán làm môi giới hay làm giàu từ bất động sản vì điều đó không xấu. Ông chỉ lo khi… “những nguồn lực tốt nhất lại đổ vào bất động sản”…

Thời báo Kinh tế Sài Gòn (KTSG) vừa có hai bài cùng đề cập đến hai khía cạnh liên quan đến đất đai tại Việt Nam: Thứ nhất là chính sách và năng lực, cung cách quản lý. Thứ hai là thị trường đất đai. Xưa nay, cả hai khía cạnh này đều là những vấn đề gây nhức nhối.

Trong “Sốt đất: Tội đồ và giải pháp” (1), qua KTSG, ông Phan Minh Ngọc nêu ra một số dẫn chứng để chứng minh, Nguyên nhân sâu xa của các cơn sốt đất trước đây, hiện nay và sắp đến, cũng được ngay cơ quan quản lý thừa nhận, chính là nguồn tiền quá dư thừa trong nền kinh tế mà chính phủ đã không thể kiểm soát được và để chúng chảy mạnh vào bất động sản. Thêm vào đó là sự yếu kém, thiếu trách nhiệm (và có thể cả lợi ích nhóm) từ chính quyền các cấp trong việc kiểm soát tình hình khi sốt đất đã nổ ra.

Còn trong Đấu giá đất hay đấu thầu chọn nhà đầu tư? (2), qua KTSG, một luật sư tên là Nguyễn Tiến Lập tiếp tục nêu những dẫn chứng khác để đề nghị: Những người cai quản đất nước, rất cần thôi cách nghĩ, cách nhìn đơn giản, thực dụng cho rằng đất đai trong tay mình là tài sản, từ đó luôn luôn tìm cách bán đất để được giá cao nhất. Thay vào đó, cần hiểu đất đai là không gian sống và không gian phát triển của tất cả mọi người, thậm chí của nhiều thế hệ và lịch sử.

***

Không chỉ có những người như ông Ngọc, ông Lập,… nêu ra những nhận xét, cảnh báo, khuyến nghị trên các cơ quan truyền thông chính thức như KTSG, từ vô số thông tin, diễn biến trên mạng xã hội, một doanh nhân – ông Mai Quốc Bình cũng mới lên tiếng…

Ông Bình điểm lại những câu chuyện cả trên hệ thống truyền thông chính thức lẫn trên mạng xã hội và cảm thán về những… “trò mèo”: Ca sĩ này khoe bán đất, diễn viên kia khoe kiếm được cả tỉ đồng nhờ đất, doanh nhân khác khoe mới bỏ ngàn tỉ mua đất….

Ông Bình thắc mắc: Hay ho gì từ chuyện đất ở thành phố được ví là kim cương, đất đồi, đất ruộng lên giá vùn vụt… Ngồi quán cafe chỉ nghe doanh nhân bàn về đất. Những giới khác, từ người làm văn phòng, ông chạy xe ôm, bà bán trà đá cũng râm ran bàn về đất, về cách làm giàu nhanh từ đất, về các chiêu trò giúp kiếm được mấy trăm triệu, mấy tỉ từ đất. Ông Bình nêu cảm nhận: Sự phi lý của thị trường bất động sản làm cho cộng đồng doanh nhân nản chí, muốn bỏ hết công việc để đâm đầu vào đất.

Dẫn những thành ngữ của tiền nhân liên quan đến đất. Ví dụ “cạp đất mà ăn” để chỉ trích những người lười học, nhác làm. “Đồ đầu đất” để chỉ những người chậm chạp, ngu ngơ… và so sánh với hiện tại đã khác hẳn ngày xưa: Giờ, “cạp đất mà ăn” hay “đồ đầu đất” là trào lưu thời thượng mà ai cũng muốn “đu trend”, ông Bình thú thật, chính ông cũng được hưởng lợi phần nào từ sự phi lý nói trên của thị trường bất động sản nhưng lại vừa buồn, vừa lo…

Buồn vì đất nước chúng ta đang có một nền kinh tế vận hành bằng hoạt động đầu cơ què quặt, người trước ăn của người sau. Lo vì người người, nhà nhà đổ tiền vào đầu cơ thay vì đổ tiền vào đầu tư, sản xuất kinh doanh để tạo ra công ăn việc làm, tạo giá trị gia tăng cho xã hội. Biết làm sao được, mấy năm nay, bản thân tôi và rất nhiều doanh nhân thường lỗ, cuối năm toàn phải bán đất để lo tết cho đội ngũ. Ai cũng muốn có miếng đất dự phòng để lỡ có chuyện gì…

Ông Bình đưa ra nhiều dẫn chứng: Một người bạn kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng cả chục năm, một thời từng nổi đình, nổi đám trong Forbes30 VN nhưng mấy năm nay trên facebook của người bạn này chỉ thấy… “đất Saigon rồi Phú Quốc, hết Phú Quốc lại Bình Thuận, xong đất là tiền kỹ thuật số. Một người bạn cùng quê từng kinh doanh dịch vụ du lịch và vé máy bay doanh thu hàng trăm tỉ mỗi năm nhưng ở Sài Gòn mười năm chỉ có căn chung cư nho nhỏ để chui ra chui vào, “cuối cùng về quê mua đất, bán cát, môi giớitrong gần một năm có được cả chục tỉ. Một người bạn khác kinh doanh trong lĩnh vực truyền thông, marketing vừa tuyên bố sẽ mở công ty môi giới bất động sản vì… “làm đất sáu tháng gấp mười lần làm truyền thông, marketing sáu năm”. Ông Bình còn có những người bạn là chuyên gia đào tạo nổi tiếng, kiếm không ít tiền nhưng cũng mới loan báo quyết định tự cho ông ta… “mất dạy” để chuyển qua làm “thằng đầu đất” vì… “một năm làm đất bằng 3 năm đi dạy”.

Ông Bình kể thêm, không chỉ doanh nhân mà các giới khác cũng thế. Anh trai ông vốn là giáo viên dạy trường chuyên của tỉnh – ngôi trường mà bất kỳ học sinh nào cũng muốn vào, năm nào cũng có học sinh đoạt giải quốc tế nhưng vẫn phải “ăn cá gỗ”. Cực quá, bí quá nên hai năm nay, anh ông đi dạy nửa ngày, nửa ngày còn lại đi làm… “cò đất” và “nhờ vậy mà giờ cơm có thịt”. Em họ ông Bình cũng ở tỉnh đó và phục vụ quân đội, trên vai có cũng có vài gạch, vài sao nhưng giờ… “cuộc sống của nó lại là đất ngày 3 bữa”…

Theo ông Bình, quanh ông, những người tay ngang gia nhập thị trường bất động sản đếm không xuể. Nếu những người đó chuyên tâm vào công việc của họ thì sẽ tạo ra hàng ngàn việc làm, mỗi năm đào tạo ra hàng chục ngàn người đủ chất lượng trí tuệ làm giàu cho quốc gia. Chỉ tiếc rằng áp lực của cuộc sống buộc họ phải lựa chọn thứ… KIẾM ĐƯỢC TIỀN bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải tự cứu lấy mình trước, tự giúp mình trước khi muốn giúp thiên hạ. Khó trách họ được!

Ông Bình không phê phán làm môi giới hay làm giàu từ bất động sản vì điều đó không xấu. Ông chỉ lo khi… “những nguồn lực tốt nhất lại đổ vào bất động sản” và: “Nếu không có biện pháp hợp lý cho bất động sản thì có lẽ tương lai con em chúng ta phần lớn sẽ sống bằng nghề đầu cơ”. Ông dự đoán: Lúc đó, có lẽ 70% giá thành một cuộn giấy vệ sinh là phí thuê đất, 30% còn lại là nguyên phụ liệu và nhân công. 60% chi phí cho một trái sầu riêng sẽ là tiền thuê đất, 40% còn lại là phân bón và nhân công…

Bứt rứt vì… “Trò mèo, diễn hoài”, vì… “nản thật sự” khi nhìn thấy “cộng đồng doanh nhân quanh mình bỏ bê đi buôn đất hết”, cho dù biết rằng… “Nếu siết, có lẽ bản thân tôi cũng sẽ bị ho sặc sụa” nhưng ông Bình mong muốn phải khác vì… “đổi lại, nếu Việt Nam chúng ta có những doanh nghiệp vươn mình khắp nơi như Samsung, LG, Huyndai… của Hàn Quốc; CP, Saim cement, Thai Corp, BJC… của Thái Lan thì cũng cảm thấy sung sướng và có thêm động lực mà chiến đấu vươn mình thành công ty tỉ đô” (3).

***

Đem những diễn biến kinh tế – xã hội liên quan đến đất trước kia và hiện nay so với tương lai, ngẫm các tâm sự, nhận xét, gợi ý như vừa giới thiệu, ắt không ít người sẽ tự hỏi: Liệu có thể sớm thay đổi không? Câu trả lời gần như là… không? Làm sao có thể khác khi hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dường như chỉ biết mỗi một cách để chứng minh năng lực trí tuệ, năng lực quản trị – điều hành là đặt ra các chỉ tiêu về tăng trưởng rồi dùng đất để hoàn thành những chỉ tiêu ấy!

Chú thích

(1) https://thesaigontimes.vn/sot-dat-toi-do-va-giai-phap/

(2) https://thesaigontimes.vn/dau-gia-dat-hay-dau-thau-chon-nha-dau-tu/

(3) https://www.facebook.com/mquocbinh/posts/2160806850740464

Putin trong cơn tuyệt vọng

 

Putin trong cơn tuyệt vọng

Một điều hy hữu trong lịch sử chiến tranh của nhân loại, là chưa đầy một tuần, hay có lẽ chính xác hơn là chưa đầy 100 giờ đồng hồ, cuộc chiến do một cường quốc quân sự (tôi xin không gọi là Nga là siêu cường quân sự nữa) phát động với một nước láng giềng nhỏ bé hơn nhiều lần, đã thấy được kết cục thảm bại nghiêng về phía quân xâm lăng.

Tôi có thể khẳng định việc chiến thắng là không thể, khi Nga đã mất toàn bộ quán tính và động năng cho cuộc chiến. Trong khi đó, toàn bộ phần phía Tây của Ukraine vẫn hoàn toàn tự do. Và đây là phần trực tiếp kết nối với lãnh thổ các nước láng giềng thân thiện. Họ đã mở toan biên giới để người tỵ nạn Ukraine di chuyển sang như không hề có đường biên giới. Đồng thời, theo chiều ngược lại, vũ khí của các nước NATO và Mỹ đi qua biên giới để vào Ukraine, với số lượng sẽ không còn giới hạn nào nữa. Điều này cho thấy hai đặc điểm quan trọng lúc này của cuộc chiến:

1. Ukraine có một hậu phương coi như vô hạn về phía Tây, trong khi đó, phía Đông chỉ đóng vai trò như mặt trận, mà quân Nga còn chưa làm chủ được.

2. Ukraine giờ đây không khác gì một nước quasi-NATO rồi. Tức là một nửa đã là NATO. Chỉ có người lính là người Ukraine (những người thiện chiến nhất Châu Âu), còn toàn bộ khí tài và nguồn lực cho cuộc chiến đã đồng nhất với NATO, chưa kể tới toàn bộ thế giới văn minh.

Với lý do này, Nga sẽ không còn cơ hội chiến thắng. Cứ thêm một ngày giao tranh, với chiến thuật như hiện nay, Nga sẽ mất thêm khoảng 1.000 quân và vô số khí tài quân sự. Đây là thiệt hại mà không một cường quốc hay siêu cường nào có thể chấp nhận được quá một tuần liên tục. Mà nếu chấp nhận được thì đó là sự lựa chọn hoàn toàn mất lý trí. Mà kẻ mất lý trí thì làm sao có cơ hội chiến thắng một đối thủ có lý trí?

Vấn đề của Putin bây giờ là làm sao rút được quân khỏi Ukraine, và làm sao GIẢM THIỂU thiệt hại về người và của mà thôi.

Trong cơn tuyệt vọng, Putin ra lệnh chuẩn bị sử dụng vũ khí nguyên tử. Đó thực sự là mất lý trí. Thứ nhất, cuộc chiến của Putin phát động tưng bừng ban đầu là với lý do lật đổ chính quyền “không được lòng dân”. Thế thì nhẽ ra nhân dân phải đồng lòng với Putin để lật đổ chính quyền. Cớ gì bây giờ lại phải dùng bom nguyên tử, để thảm sát nhân dân mà chưa chắc đã tiêu diệt được chính quyền đó.

Thứ hai, vũ khí hạt nhân theo quy định quốc tế là chỉ dùng để tự vệ, chứ không phải dùng để tấn công. Giả sử Putin có ngông cuồng phá vỡ quy ước này – ừ thì cũng không sao nếu muốn – thì phải đem sử dụng với những cường quốc hoặc siêu cường đối chọi chứ. Ai lại bây giờ cuồng loạn đem sử dụng với một nước nhỏ, hết sức gần gũi về lịch sử, mà lại đang được Putin “giải phóng” theo đúng như lời Putin nói.

Thôi thì nói một đằng làm một nẻo, vứt các cam kết quá khứ vào sọt rác, lừa dối nhân dân, vi phạm luật pháp quốc tế v.v… là chuyện mà chính trị gia khát máu hay cuồng điên với cuồng lực nào cũng có thể làm. Nhưng làm một cách không còn lý trí, tức là bản thân mình đã tự mất kiểm soát về ý thức, thì cá nhân ấy làm sao còn tồn tại được nữa? Nói gì đến đánh giá đúng hay sai, đạo đức hay vô đạo đức.

Thêm một lựa chọn mang tính tuyệt vọng nữa, là Putin muốn lôi kéo Belarus vào cuộc chiến với Ukraine. Một nước Nga hùng hậu về dân số và quân sự đến như vậy, và nước Belarus thì cho đến giờ có khác gì một tỉnh của Nga đâu, bảo gì nghe nấy, thì giờ đây muốn họ tuyên chiến với Ukraine thì được ích gì trên chiến trường? Có thay đổi được gì đâu nếu trên thực tế Belarus vẫn là một lãnh thổ mà Putin tùy nghi sử dụng cho các hoạt động quân sự của ông ta?

Lợi ích như vậy không khác là bao. Nhưng chi phí thì lại to lớn vô cùng. Đơn giản là nếu Tổng thống Lukashenko của Belarus, cái anh chàng to béo làm con bù nhìn cho Putin, đồng ý tuyên chiến với Ukraine, chính người dân Belarus có thể phẫn nộ mất hết giới hạn mà lật đổ ông ta. Vì bản chất ở cấp độ nhân dân, người dân Belarus, người Ukraine, người Nga, đều hòa bình, thân thiện, yêu quý nhau từ bao đời nay. Giờ đây lại đẩy họ đến đường tiêu diệt nhau, thì làm sao họ nhẫn nhịn mãi được.

Với kịch bản này, Putin có thể gặp rủi ro là mất luôn cả Belarus. Như những gì đã diễn ra vào năm 2014 ở Ukraine, khi vị tổng thống thân Nga bị người dân lật đổ (và xây dựng đất nước Ukraine mới cho tới hôm nay).

Một tính toán mà lợi ích không thêm được bao nhiêu, mà chi phí thì tăng lên đáng kể, thì không nên thực hiện. Nhưng vẫn cố thực hiện, thì không còn lý trí nữa.

Tóm lại, mọi hành động của Putin sau chưa đầy 100 giờ đồng hồ phát động cuộc chiến, cho thấy ông đã hoàn toàn tuyệt vọng và mất lý trí.

Bi kịch của những nhà độc tài hoặc bạo chúa là như vậy. Trong suốt lịch sử loài người từ khi có sử, từ Đông sang Tây, Nam chí Bắc, là tên bạo chúa đều chết một mình, vì chính sai lầm của mình. Lý do đơn giản là những người có thể nói chuyện được với họ về lý trí, luận bàn những việc đúng sai, để giúp cho tên bạo chúa một chút gì đó tốt đẹp hơn, đều đã bị hắn giết chết rồi.

Chiến tranh Nga – Ukraine: Bom đạn bên ấy, “khói lửa” bên này

 

Chiến tranh Nga – Ukraine: Bom đạn bên ấy, “khói lửa” bên này

RFA

Đinh Hoàng Thắng

27-2-2022

Hình chụp hôm 26/2/2022: Một xe thiết giám của Nga bị cháy trong trận chiến với quân Ukraine ở Kharkiv. Nguồn: AFP

Có cả đồng tình lẫn lên án Nga

Cuộc chiến bước sang ngày thứ ba. Thương vong từ hai phía không kiểm chứng được nhưng chắc là không nhỏ. Thế giới rúng động, các nước lên án Vladimir Putin, kể cả ngay trong lòng nước Nga. Một bộ phận lớn dân Ukraine bám trụ, cấm súng xuống đường.

Chiến trường bên kia cách Việt Nam 8.000 cây số, nhưng “khói lửa” của cuộc chiến bên ấy đang lan sang bên này, trên nền tảng các mạng xã hội ở Việt Nam cũng ác liệt không kém. Buổi Midnighttalks là một kiểm chứng (1). Sáng kiến của ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch HĐQT của Alpha Books thật đáng hoan nghênh. Sáng kiến giúp xã hội Việt Nam quen với văn hóa tranh luận, ý kiến đa chiều, nhiều nhận định khác nhau.

Thật ra, vấn đề phân biệt giữa chiến tranh phi nghĩa-chính nghĩa đã được đặt ra trong  chiến dịch “Bão táp Sa mạc” Mỹ đánh Iraq (1991). Đấy là chưa kể đến cuộc chiến tranh Trung-Xô trên sông sông Ussuri (1969) hay cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc (1979).

Bản thân cuộc chiến Ukraine sẽ vô cùng bi thảm, trước hết là đối với người dân Ukraine, nhưng cũng là đối với cả người dân Nga và trật tự toàn cầu nói chung.  Trước đây, anh em giết nhau vì ý thức hệ, giờ đây anh em giết nhau vì cái gì?

Những ngày qua, hàng vạn người Nga dũng cảm liều mình chịu bắt bớ, tù đày, đã xuống đường ở các thành phố lớn như St.Petersburg và Moscow để lên án cuộc chiến này, cho thấy sự phản đối sâu sắc đối với Putin và hành động của ông ta. Nhưng không chắc những động thái này sẽ làm lung lay quyết tâm của Putin trong việc nghiền nát nền dân chủ non trẻ Ukraine, ít nhất là trong tương lai gần. Cho đến khi Tổng thống Zalensky bị vô hiệu hóa (cầu Chúa cho điều này không xẩy ra), mấy ngày qua chúng ta chứng kiến quyết tâm của chính quyền và người dân Kiev dũng cảm tham gia vào một cuộc “trứng chọi đá” không ngang sức.

2022-02-27T120805Z_1698472033_RC2ASS9V98DW_RTRMADP_3_UKRAINE-CRISIS-KYIV.JPG
Người dân Kyiv, thủ đô của Ukraine chuẩn bị các chai nổ để chống quân Nga hôm 27/2/2022. Reuters

Rất nhiều ý kiến của người dân trong nước đã lên án Nga, nói rằng đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa. Luật sư Trần Đại Lâm, từ Hà Nội nói với RFA rằng, Nga đã ngang nhiên chà đạp lên luật pháp và các quy ước quốc tế khi phát động một cuộc chiến mà ông cho là có tính chất xâm lược Ukraine.

Ông phân tích, Ukraine là một quốc gia có chủ quyền lãnh thổ, có chính quyền, có mối quan hệ ngoại giao với các quốc gia khác và được thế giới công nhận là một quốc gia. Vì vậy, việc Nga thực hiện “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine, có nghĩa là Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Ông nói: “Quan điểm của tôi trong cuộc chiến này là Nga đã xâm lược Ukraine và đây là một cuộc chiến tranh phi nghĩa. Bởi vì Nga đã phá bỏ những luật lệ pháp luật và những điều ước quốc tế. Tôi cực lực lên án hành vi xâm lược của Nga và Ukraine vào thời điểm hiện nay”(2). Tất cả chúng ta, mỗi người hãy cứ giữ cái cảm quan, nhận xét và đánh giá của riêng mình về cuộc chiến, nhưng hãy cùng nhau suy nghiệm về những ảnh hưởng trực tiếp đến đất nước và khu vực chúng ta. Trước mắt, đó là những hệ lụy nhãn tiền sau đây:

Những tác động đối với Việt Nam

Một khi Nga bị cấm vận, phong tỏa, những nước mua vũ khí Nga có khả năng cao cũng bị ngăn chặn nguồn cung thiết bị bảo dưỡng và vũ khí đi kèm phương tiện chiến tranh. Việt Nam hiện nay phụ thuộc sâu vào vũ khí Nga. Máy bay chiến đấu, tên lửa, tàu ngầm đều cần có vũ khí chủ lực đi kèm và phụ tùng thay thế định kì, đi theo một hệ thống cố định. Không quân, hải quân và tàu ngầm… 90% vũ khí của ta mua của Nga. Các vũ khí cả mới lẫn cũ, các thiết bị, phụ tùng trọng yếu có thể vẫn còn dùng tốt. Tuy vậy, Việt Nam không chỉ cần nhập khẩu từ nhà sản xuất các thết bị bảo dưỡng, mà còn cần mua từ Nga các loại vũ khí đi kèm phương tiện chiến đấu này nữa (3)

Toàn bộ ngành công nghiệp dầu khí của Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời quan hệ mọi mặt Nga – Việt. Câu chuyện tranh chấp giữa Tập đoàn dầu khí VN (PVN) với Power Machines của Nga xảy ra trước cuộc xâm lăng vào Ukraine hiện nay. Nhưng nó báo trước những khó khăn trong ngành năng lượng của Việt Nam trong tương lai, nếu Hà Nội chưa kịp tìm được nguồn cung ứng thay thế. Lúc Putin gặp ông Tập trong thế vận hội, hai bên thỏa thuận hàng trăm tỷ USD qua các Gazprom và Rosneft. Nếu nay mai, hai tập đoàn này của Nga, vì bị cấm vận, họ bán lại cho các Tập đoàn Trung Quốc cổ phần của họ tại các mỏ trên Biển Đông thì Việt Nam tính sao? (4)

Quan hệ kinh tế nói chung cũng sẽ ảnh hưởng lớn. Nguyên nhân của việc này theo giáo sư Thayer, Nga xâm lược Ukraine như hiện nay thì bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế nặng nề. Bất cứ nước nào làm ăn với Nga đều bị cấm vận lây, do vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và xứ sở bạch dương. Chúng ta đang nói đến khả năng về một cuộc xung đột giữa những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với Hoa Kỳ và Châu Âu liên minh chống lại Nga, và nếu Trung Quốc quyết định ủng hộ Nga thì chắc sẽ dẫn đến thảm hoạ. Và với Việt Nam đó là viễn cảnh tồi tệ nhất có thể xảy ra. Việt Nam phụ thuộc vào nền kinh tế, an ninh, và sự ổn định toàn cầu. Nếu những điều đó bị gián đoạn thì sẽ làm trật bánh chiến lược kinh tế của Việt Nam, cụ thể là tham vọng đưa nước này trở thành quốc gia có thu nhập cao hơn (5).

Vấn đề Biển Đông sẽ trở nên nan giải hơn. Liệu Trung Quốc có kế hoạch mở một cuộc tấn công trên Biển Đông hay không, hay là họ sẽ cho Việt Nam thấy sự thay đổi về mặt tình hình thực tế, khi mà Hoa Kỳ sẽ không thể đóng vai trò quyết định ở khu vực nữa vì cuộc khủng hoảng ở Ukraine, hay nói cách khác là Việt Nam sẽ không thể dựa vào Mỹ để đối phó với Trung Quốc. Nếu vậy thì Việt Nam có phải nhượng bộ thêm và để Trung Quốc làm chủ tình hình, cũng như tránh đối đầu? Giáo sư danh dự chuyên về nghiên cứu chiến lược của Đại học Quốc gia Australia Hugh White cho rằng cách thức ứng phó của Mỹ đối với những tham vọng của Putin ở châu Âu sẽ định hình bước đi tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đối với Đông Á và Đông Nam Á (6).

Bất kỳ cuộc chiến nào trong thời đại toàn cầu hóa này đều sẽ gây ra những hệ quả tổng hợp sâu rộng đối với phần còn lại của thế giới, ngay cả đối với ASEAN. Sự kết nối của Đông Nam Á với thế giới rộng lớn hơn, trong đó sự phục hồi kinh tế xã hội Việt Nam sau đại dịch COVID-19 đòi hỏi các biện pháp ổn định toàn cầu. Cuộc chiến ở Ukraine sẽ là một bước thụt lùi đáng kể trong vấn đề này. Ngoài ra, cuộc xung đột nếu không làm giảm các nỗ lực của Mỹ trong việc tái can dự vào khu vực thì cũng sẽ gây sao nhãng. Và nếu hành động của Putin không bị ngăn chặn, điều gì có thể ngăn cản Trung Quốc không tìm cách thử thách Mỹ? (7)

______

Tham khảo:

1. https://youtu.be/ADiX97u6bT4

2. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/contradictory-views-of-vietnamese-people-on-the-situation-in-ukraine-02252022125741.html

3. https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/ReadersOpinions/how-does-russia-invasion-affect-vn-security-02242022071923.html

4. https://vnexpress.net/nga-trung-ky-thoa-thuan-dau-khi-hon-117-ty-usd-4424092.html

5. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-may-make-concessions-to-china-on-scs-issues-when-russia-ukraine-war-occur-02152022062355.html

6. https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/russia-invades-ukraine-experts-worry-scs-tension-02242022080148.html

7. https://www.project-syndicate.org/commentary/economic-consequences-of-ukraine-war-by-jason-furman-2022-02?barrier=accesspaylog

Trông người lại nghĩ đến ta – Nhìn Ukraina ngẫm ra nước mình

 

Trông người lại nghĩ đến ta – Nhìn Ukraina ngẫm ra nước mình

Mạc Văn Trang

27-2-2022

Putin tổng thống Nga đem quân đánh Ukraina – một nước độc lập, có chủ quyền và yêu cầu hạ vũ khí đầu hàng thì sẽ đàm phán! Rõ là lý lẽ của kẻ mạnh. Dù với lý do gì, đây cũng là cuộc chiến phi nghĩa, không thể chấp nhận. 

Cuộc xâm lăng này có lẽ kết thúc nhanh thôi, nhưng nó gây ra chết chóc đau thương, tàn phá cơ sở hạ tầng, phá hoại kinh tế, khủng hoảng xã hội không kể xiết. Nhưng nguy hiểm nhất là gây lòng hận thù sâu sắc giữa hai dân tộc láng giềng vốn từng là anh em; gây nên nỗi bất an cho cộng đồng thế giới.

Từ cuộc Nga xâm lăng Ukraina chớp nhoáng mà nhiều người, cả dân Nga, Ukraina cũng không ngờ tới, cho người Việt Nam ta bài học gì? Riêng tôi ngẫm ra đôi điều, xin được chia sẻ.

1. Lý do Putin đưa ra để tấn công Ukraina rất giống Đặng Tiểu Bình đưa ra để tấn công Việt Nam năm 1979, nhưng còn tinh vi hơn.

Putin tuyên bố chính quyền Ukraina là chính quyền “phát xít”, “khủng bố”, “đe dọa Nga”. Rồi Putin công nhận 2 vùng Donetsk và Lugansk của Ukraina ly khai, thành hai nước cộng hoà độc lập, và cấp hộ chiếu Nga cho cư dân 2 tỉnh đó. Vậy là tạo cớ để tấn công Ukraina “khủng bố dân Nga”…

Nhưng giới trí thức Nga chỉ rõ: “Không có lời biện minh hợp lý nào cho cuộc chiến này. Những nỗ lực sử dụng tình hình ở Donbass như một cái cớ để phát động một chiến dịch quân sự không gây được bất kỳ sự tự tin nào. Rõ ràng là Ukraine không gây ra mối đe dọa cho an ninh của đất nước chúng tôi. Cuộc chiến chống lại Ukraine là không công bằng và nói thẳng thắn là vô nghĩa”…(1).

Rất có thể kịch bản này cũng được Trung cộng áp dụng với Việt Nam và các nước nhỏ yếu xung quanh. 

Vậy thì Việt Nam phải cảnh giác cao độ để không bị sa vào cái bẫy “kịch bản Pu – Tập”.

2. Nếu Ukraina hùng mạnh, Nga có dám tấn công?

Sau khi Liên Xô tan rã, Ukraina là một cường quốc hạt nhân. Nhưng ngày 05/12/1994 tại Budapest, các nước Nga, Vương quốc Anh và Bắc Ailen, Mỹ, đã ký Bản ghi nhớ với Ukraina về Đảm bảo an ninh cho Ukraina để Ukraina từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ukraina lúc đó là cường quốc hạt nhân thứ 3 thế giới, chỉ sau Mỹ và Nga. Lực lượng hạt nhân của Ukraine lớn hơn lực lượng hạt nhân của cả 3 cường quốc Anh, Pháp, Trung Quốc cộng lại. Ukraina sở hữu khoảng 1/3 kho vũ khí hạt nhân của Liên Xô gồm 130 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) UR-100N với 6 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 46 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RT-23 Molodets với 10 đầu đạn hạt nhân mỗi tên lửa, 33 máy bay ném bom hạt nhân hạng nặng, tổng cộng còn hơn 1.700 đầu đạn hạt nhân….(2)

Ukraina tin tưởng vào cam kết của các nước lớn, mong muốn sống trong hòa bình… Nhưng đùng cái, tháng 2 năm 2014 Nga chiếm luôn bán đảo Crimea của Ukraina và sáp nhập vào Nga. Sau đó là chuyện Nga ủng hộ 2 vùng ly khai vũ trang chống lại Ukraina, rồi tiến tới công nhận 2 vùng ly khai là 2 nước cộng hoà độc lập…

Rơi vào thế yếu, cô lập, Ukraina muốn gia nhập NATO với hy vọng được bảo vệ… Nhưng lại rơi vào thế kẹt, thành quân bài của các cường quốc.

Trước cuộc xâm lăng “lấy thịt đè người” của Nga Tổng thống Ukraine Zelensky đơn độc giữa các quốc gia, tuyên bố: … “Vì vậy, tôi sẵn sàng đàm phán cả ở các cuộc đàm phán song phương lẫn các cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khác. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.” (3) Nhưng lời tuyên bố đó có nghĩa gì đối với những kẻ quen “cậy mạnh hiếp yếu”, muốn bá chủ thiên hạ!?

Vậy thì Việt Nam phải nhớ, đừng tin vào những lời hứa hẹn, cam kết của mấy nước lớn, mà phải tự mình hùng cường lên, đủ sức khôn khéo và sức mạnh đương đầu với mọi áp lực từ bên ngoài.

3. Làm sao cho đất nước hùng cường?

Đã có nhiều hiến kế rồi, tôi chỉ muốn nói thêm đôi điều.

Một là, Việt Nam theo đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ là đúng, nhưng làm sao thoát khỏi sự kìm kẹp, chi phối của Trung cộng, nhất là sự ràng buộc ý thức hệ giữa 2 đảng cộng sản, để thực sự độc lập, tự chủ, tự cường…

Hai là, phải cải cách thể chế. Bộ máy quản trị đất nước phải tinh gọn, được tuyển chọn từ tự do ứng cử, bầu cử, thu hút được nhiều người hiền tài. Thực tế cho thấy, chế độ độc tài, độc quyền khiến bộ máy nhà nước thối nát, xã hội suy đồi; những nhóm lợi ích lũng đoạn nhà nước, khiến bao nhiêu nguồn lực bị tham nhũng, lãng phí, huỷ hoại làm đất nước nghèo nàn, tụt hậu, lòng dân oán thán… làm suy yếu đất nước. 

Giờ đây phải từng bước dân chủ hoá xã hội, trước hết là thực hiện đúng, đủ những điều ghi trong Hiến pháp 2013; trên cơ sở một xã hội dân sự phát triển mạnh mẽ, mới có khả năng kiểm soát quyền lực, hạn chế bớt “tham nhũng, tiêu cực”; mới khuyến khích được những người thực tâm, thực tài tham gia vào việc nước, đưa ra được những chủ trương, chính sách phát triển kinh tế, xã hội hợp lý, hiệu quả; phải tôn trọng các ý kiến nhau, quan điểm khác biệt nhưng cùng chung ý chí vì Việt Nam hùng cường, có thế mới tạo nên sức mạnh “Đại đoàn kết toàn dân tộc” thực lòng, thực sự lớn mạnh.

Hãy nghĩ xem, nếu không có phản biện quyết liệt và nhân dân rầm rộ biểu tình phản đối “Luật về 3 đặc khu” cho nước ngoài thuê 99 năm, thì giờ đây 3 đặc khu Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc có khác gì 3 “nước cộng hòa tự trị” của “nước bên kia biên giới”. Rồi khi có chuyện thì “người ta” sử dụng kịch bản của Putin thật nhanh gọn. Lúc đó luật gì thì cũng thuộc về kẻ mạnh!

Vậy mà những người quyết liệt phản biện, xuống đường biểu tình phản đối “Luật Đặc khu” bị đàn áp đổ máu, quy kết là “phản động”, “thế lực thù địch”, trong đó nhiều người bị tù đày. Cách hành xử sai lầm đó mới là nguyên nhân gây chia rẽ xã hội, làm suy yếu đất nước.

Chính quyền phải phục vụ dân, phải “khoan sức dân”… Chính quyền hiện nay, nhiều nơi là “giặc nội xâm” gây oán thù cho dân. Tôi đã nghe một Cựu chiến binh nói: Giặc đến, tôi sẵn sàng cầm súng ra trận, nhưng trước khi đi giết giặc, tội phải bắn mấy thằng “giặc nội xâm” trước! Lòng dân như vậy thì sao nước mạnh được?

Ba là, phải củng cố quân đội. Quân đội ta từng rất hùng mạnh, khi có ít tướng, nhưng tướng sĩ một lòng; khi nhân dân tự hào tin tưởng gửi con vào bộ đội. Nay nhiều tướng tá vào bậc nhất thế giới, nhưng có mạnh? Nay tướng sĩ có một lòng không, khi hàng loạt tướng tha hoá, thối nát phải cách chức, ra tòa? Nay nhân dân có yên lòng cho con vào bộ đội, khi những lính trẻ “tự chết” một cách mờ ám như Trần Đức Đô, Nguyễn Văn Thiên?

Có vũ khí hiện đại, nhưng sức mạnh tâm lý – tinh thần mới quyết định; tướng sĩ một lòng mới giữ được nước. Việc củng cố quân đội phải làm mạnh mẽ, căn cơ, từ trên xuống đến từng đơn vị cơ sở. 

4. Làm sao để nhân dân Trung Quốc cũng thức tỉnh lương tri như nhân dân Nga?

Ngay khi Putin ra lệnh tấn công Ukraina thì lập tức nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng Nga đã lên tiếng phản đối cuộc chiến phi lý, Trong “THƯ NGỎ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC NGA PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH VỚI UKRAINE” đã lên án mạnh mẽ cuộc chiến vô nghĩa; có những cựu tướng lĩnh Nga lên tiếng phản đối chính sách phiêu lưu, nguy hiểm của Putin. (xem 1 và 4). Đặc biệt nhiều ngàn người đã biểu tình phản đối cuộc chiến này tại TP Saint Petersburg ngay trong đêm 23/2/2022 (5)…

Nhớ lại cuộc xâm lăng của hơn 60 vạn quân Trung cộng 1979 suốt 6 tỉnh biên giới Việt Nam, có người dân Trung quốc nào lên tiếng phản chiến? 

Và thế giới có mấy nước lên tiếng phản đối cuộc xâm lăng và trừng phạt Trung Quốc như họ trừng phạt Nga hiện nay không?

Đây cũng là điều rất quan trọng phải tính đến, xem tại sao? Và làm thế nào để người dân Trung Quốc cũng như nhân dân thế giới lên tiếng ủng hộ chính nghĩa của Việt Nam? Nhiệm vụ chính của Ban Tuyên giáo đó, lại không làm, đi nuôi đám dư luận viên, suốt ngày, đêm 24/24 giờ, rình mò, quy kết những người phản biện là “thế lực thù địch”!

Xin chia sẻ vài điều còn nông cạn nhưng tận đáy lòng, mong quý vị tiếp nối nghĩ suy để cùng bàn, lo cho đất nước hùng cường, thoát khỏi cảnh ngặt nghèo.

_______

Chú thích:

1. THƯ NGỎ CỦA CÁC NHÀ KHOA HỌC NGA PHẢN ĐỐI CHIẾN TRANH VỚI UKRAINE (Bản dịch của Lương Chi Mai): https://trv-science.ru/2022/02/we-are-against-war/

2. THOẢ THUẬN CỦA CƯỜNG QUỐC VÀ BÀI HỌC CHO VIỆT NAM: https://baotiengdan.com/2022/02/26/thoa-thuan-cua-cuong-quoc-va-bai-hoc-cho-viet-nam-phan-3/

3. https://www.rbc.ua/rus/news/zelenskiy-zapisal-ocherednoe-obrashchenie-1645564980.html, bản dịch của Nguyễn Hồng Giang

4. Thư ngỏ của tướng ba sao Ivashov Leonid Grigoryevich gởi tổng thống và toàn dân LB Nga “Đêm trước Chiến tranh”: https://dcvonline.net/2022/02/07/thu-ngo-cua-tuong-ba-sao-ivashov-leonid-grigoryevich-goi-tong-thong-va-toan-dan-lb-nga/

5. Daniel CornuAnarchist Film Group ★ (AFG)