Tại sao Nga chiếm Chornobyl?
26-2-2022
Ba mươi năm sau thảm họa, Chornobyl giờ là nơi hầu như vắng bóng con người. Chỗ các lò hạt nhân cũ người ta chụp lên những cái vòm để chống rò rỉ phóng xạ. Cạnh nhà máy có một cây cầu đường sắt, bên dưới có những con cá to một cách kỳ lạ, không biết do sống lâu hay do bị nhiễm phóng xạ rồi đột biến. Sau này mình xem tới cảnh mấy anh lính trẻ được giao nhiệm vụ đi bắn súc vật để tránh nguy cơ chúng chạy lung tung làm phát tán phóng xạ trong phim Chernobyl (2019), mình lại liên tưởng tới lũ cá ở đây.
Bên ngoài nhà máy Chornobyl là thành phố ma Prypiat đã chết từ sau vụ nổ năm 1986. Mình đã bắt gặp những chiếc móc áo còn treo trên dây, chiếc bàn ủi còn để trên bàn, những chiếc đồng hồ dừng lại ở một thời điểm nào đấy trong quá khứ, khi những người dân nhớn nhác rời đi hoặc bị lùa đi.
Những hình ảnh này cứ ám mãi vào mình như một dạng thức trauma, nhất là khi mình xem phim Chernobyl. Thành phố Prypiat trong phim giống thành phố ma mình đến một cách kỳ lạ, dù nó được quay ở Litva. Giống tới mức có lúc mình cứ mường tượng rằng mình cũng từng đứng ở đấy, gặp những con người ấy, hồn nhiên phơi nhiễm trong đêm đầu tiên khi bụi phóng xạ bay về.
Khi Nga tiến chiếm Chornobyl, câu hỏi hiện lên trong đầu mình trước tiên là chiếm cái chỗ trống trơn và đầy hiểm họa đó làm gì?
Mình đọc thấy mấy cha chuyên gia phương Tây bình lung tung không rõ ràng gì chả.
Mình nghi nước đi của Nga là nhằm tránh đòn ‘lưỡng bại câu thương’ một khi Ukraine bị dồn vào đường cùng. Ukraine mà cho nổ tung vòm chụp trên các lò phản ứng cũ, bụi phóng xạ lại bay ra thì không chỉ Ukraine mà cả Belarus, Nga và châu Âu mang họa. Giả thuyết này thoạt nghe rất vô lý, nhưng chiến tranh có bao giờ hữu lý đâu. Cá nhân mình nghĩ Ukraine sẽ không bao giờ chơi kiểu cùng đường ấy, nhưng xét phía Nga mà nói, phòng xa trong một chiến dịch mà họ chủ động triển khai cũng không phải là điều gì quá khó hiểu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.