Thứ Ba, 31 tháng 12, 2019

2019 – Một năm quyền tự do biểu đạt bị bóp nghẹt

2019 – Một năm quyền tự do biểu đạt bị bóp nghẹt

31-12-2019
Quyền tự do biểu đạt là một quyền căn bản của con người, nhưng cũng là một quyền dễ bị xâm phạm, bị chà đạp trong chế độ độc tài. Trong năm 2019, chúng tôi nhận thấy có 6 vấn đề nổi bật liên quan đến tự do ngôn luận, tự do biểu đạt như sau:
1. Quyền tự do ngôn luận không chỉ bảo đảm quyền được nói, được viết, mà còn phải bảo đảm cho các nhà báo được an toàn về thân thể và tính mạng khi thực hiện công việc của họ. Tuy nhiên, các nhà báo Việt Nam vẫn tiếp tục gặp nguy hiểm và bị tấn công khi tác nghiệp. Tính đến cuối năm nay, Việt Nam có tất cả 12 nhà báo đang bị cầm tù vì nghề nghiệp của họ. (1)
2. Năm 2019 là năm có nhiều facebooker bị bắt giữ và kết án chỉ vì livestream hoặc chia sẻ quan điểm trái chiều trên facebook. Thậm chí, có một tù nhân lương tâm đã bị chết tại trại giam. Việt Nam bị xếp vào nhóm nước không có tự do internet. (2)
3. Xuất hiện một số nhà xuất bản độc lập không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước, trong đó có chúng tôi (NXB Tự Do). Tuy đây không phải là những nhà xuất bản độc lập đầu tiên ở Việt Nam, nhưng lại là những nhà xuất bản tạo được hệ thống phân phối sách đến tận tay độc giả bất chấp việc bị đàn áp ngay từ trong trứng nước.
4. Nhiều nhà hoạt động bị sách nhiễu, bị câu lưu, thẩm vấn chỉ vì làm phim và các hoạt động nghệ thuật.
5. Cuộc chiến truyền thông giữa các phe nhóm lợi ích mượn tay báo chí ngày càng quyết liệt.
6. Lãnh đạo tiếp tục… gây cười với nhiều phát ngôn “đỉnh cao khó đỡ”.
Mời các bạn cùng NXB Tự Do nhìn lại từng vấn đề nêu trên.
1. NHÀ BÁO BỊ ĐÁNH, BỊ CẦM TÙ
– Theo BBC hiện nay Việt Nam có 12 nhà báo đang bị cầm tù vì công việc của họ. (1)
– Trường hợp mới nhất là vụ bắt giữ nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng. Ông Dũng sinh 66, là tiến sỹ kinh tế, là nhà văn, nhà báo độc lập, chủ tịch Hội nhà báo độc lập. Ông bị bắt ngày 21/11/2019 khi đang đi ngoài đường và bị dẫn về khám xét nhà. (4)
Ông Dũng bị khởi tố với tội danh “”Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117 – Bộ luật hình sự năm 2015.
Một số vụ các nhà báo bị đánh khi đi tác nghiệp:
– Ngày 28/01/2019, nhà báo Hoàng Đình Chiểu bị một nhóm đối tượng đánh khi ông đang điều tra về “đất tặc”. (5)
– Ngày 02/04/2019, hai nhà báo của báo Lâm Đồng và thông tấn xã Việt Nam tại Lâm Đồng bị đánh tại Madaguôi, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. (6)
– Ngày 26/09/2019, nhà báo Kiều Đình Liệu bị 3 người đàn ông đánh đến chấn thương sọ não phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Ông Liệu bị đánh khi đang điều tra về tham nhũng và chở gỗ lậu. (7)
– Chiều 03/11/2019, nhà báo KN của kênh VOV bị đánh ở quận 9 – Sài Gòn. (8)
2. CÁC FACEBOOKER BỊ BẮT, BỊ KẾT ÁN CHỈ VÌ VIẾT BÀI, SHARE BÀI HOẶC LIVESTREAM TRÊN FACEBOOK
Theo website the88project.org, hiện nay Việt Nam đang cầm tù 276 tù nhân lương tâm. Đặc biệt phải kể đến trường hợp của tù nhân lương tâm, thầy giáo Đào Quang Thực đã chết ngày 10/12/2019 khi vẫn đang thụ án tù giam trong trại tù số 6 – Thanh Chương, Nghệ An. Sau khi ông Thực qua đời, phía trại giam không cho phép gia đình đem về quê an táng mà buộc phải an táng tại nghĩa trang của trại giam. Điều này là cực kỳ vô nhân đạo và trái với truyền thống của người Việt. (9)
Riêng trong năm 2019, có rất nhiều facebooker bị bắt, bị kết án chỉ vì chia sẻ các bài viết hoặc livestream trên facebook. Cụ thể, chúng tôi thống kê được 22 trường hợp bị bắt, bị kết án về tội “Làm, tàng trữ, phát tán tài liệu chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 (điều 88 cũ), và tội “Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 52 và điều 331 (điều 268 cũ) Bộ luật Hình sự 2015.
– Đầu tháng 03/2019, ông Nguyễn Văn Quang sinh 1987, bị toà án tỉnh Thanh Hoá kết án 6 năm tù. Ông Quang bị bắt ngày 12/06/2018. (10)
– Ngày 20/03/2019, ông Lê Minh Thể sinh năm 1963, bị một toà án ở Cần Thơ kết án 2 năm tù. Ông Thể bị bắt ngày 10/10/2018. (11)
– Ngày 10/05/2019, toà án tỉnh Đồng Nai đã kết án bà Vũ Thị Dung (sinh năm 1965) 6 năm tù, và bà Nguyễn Thị Ngọc Sương (sinh năm 1968) 5 năm tù. Đến ngày 23/09/2019 toà phúc thẩm tuyên 2 bà y án. Cả hai bà bị bắt ngày 13/10/2019. (12)
– Ngày 06/06/2019, kỹ sư Nguyễn Ngọc Ánh sinh năm 1980, bị một toà án tại Bến Tre kết án 6 năm tù, 5 năm quản chế. Ông Ánh bị bắt ngày 30/08/2018. (13)
– Ngày 23/08/2019, bà Dương Thị Lanh sinh năm 1982, bị một toà án tại Đăk Nông kết án 8 năm tù giam, 2 năm quản chế. Bà Lanh bị bắt ngày 28/01/2019. (14)
– Ngày 21/08/2019, ông Huỳnh Đắc Tuý – giám đốc công ty xây dựng Tuý Nguyệt, sinh năm 1976, bị một toà án ở Quảng Ngãi kết án 6 năm tù giam, 3 năm quản chế. Ông Tuý bị bắt ngày 22/01/2019. (15)
– Ngày 05/09/2019, ông Lê Văn Sinh, sinh 1965, bị toà án tỉnh Ninh Bình kết án 5 năm tù. Ông Sinh bị bắt ngày 15/02/2019. (16)
– Ngày 17/09/2019, ông Nguyễn Văn Công Em sinh 1971, bị một toà án tại Bến Tre kết án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế. Ông Em bị bắt ngày 28/02/2019. (17)
– Ngày 18/09/2019, ông Trần Đình Sang sinh năm 1980, bị toà án thành phố Yên Bái kết án 2 tù. Ông Sang bị bắt ngày 09/04/2019. (18)
– Ngày 17/10/2019, bà Nguyễn Thị Huệ sinh năm 1968, bị một toà án ở Gia Lai kết án 2 năm 6 tháng tù. Bà bị bắt ngày 12/02/2019. (19)
– Ngày 29/10/2019, ông Nguyễn Văn Phước sinh năm 1979, bị một toà án tại An Giang tuyên án 5 năm tù. Ông Phước bị bắt ngày 10/12/2018. (20)
– Ngày 31/10/2019, kiến trúc sư Phạm Xuân Hào sinh năm 1965, thạc sỹ, giảng viên ĐH Cần Thơ, bị toà án Ninh Kiều – Cần Thơ kết án 1 năm tù. (21)
– Ngày 15/11/2019, thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh sinh năm 1976, bị toà án tỉnh Nghệ An kết án 11 năm tù, 5 năm quản chế. Thầy Tĩnh bị bắt ngày 29/05/2019. (22)
– Ngày 26/11/2019, ông Nguyễn Văn Điệp sinh năm 1968, song tịch Nga – Việt, bị một toà án ở Thanh Hoá kết án 9 năm tù, 5 năm quản chế. Ông Điệp bị bắt ngày 29/06/2019. (23)
– Cùng ngày 26/11/2019, ông Nguyễn Chí Vững sinh năm 1981, bị một toà án tại Bạc Liêu kết án 6 năm tù. Ông Vững bị bắt ngày 23/04/2019. (24)
– Ngày 27/11/2019, ông Trần Thanh Giang sinh năm 1971, một tín đố Phật giáo Hoà Hảo, bị toà án tỉnh An Giang kết án 8 năm tù. Ông Giang bị bắt ngày 23/04/2019. (25)
– Ngày 28/11/2019, một toà án ở tỉnh Đồng Nai kết án ông Huỳnh Minh Tâm (sinh 1978) 9 năm tù giam và bà Huỳnh Thị Tố Nga (sinh 1983) 5 năm tù giam. Ông Tâm bị bắt ngày 26/01/2019, bà Nga bị bắt ngày 28/01/2019. (26)
– Ngày 23/09/2019, anh Nguyễn Quốc Đức Vượng sinh năm 1991, bị bắt, bị khởi tố và tạm giam tại Lâm Đồng. (27)
– Ngày 05/11/2019, ông Nguyễn Văn Nghiêm sinh năm 1963, bị bắt, bị khởi tố và tạm giam tại Hoà Bình. (28)
– Ngày 19/11/2019, anh Phan Công Hải sinh năm 1996, bị bắt ở Hà tĩnh, bị công an Nghệ An khởi tố và tạm giam. (29)
Các thống kê trên đây là chưa đầy đủ, vì có nhiều trường hợp chúng tôi không thể tìm thấy thông tin.
3. XUẤT HIỆN CÁC NHÀ XUẤT BẢN ĐỘC LẬP
– Năm 2019 cũng là năm xuất hiện một số nhà xuất bản độc lập, không chịu sự kiểm duyệt của nhà nước như: Nhà xuất bản Tự Do, Nhà xuất bản Tên Lửa.
Tuy không phải là những nhà xuất bản độc lập đầu tiên tại Việt Nam, nhưng những nhà xuất bản này lại trở thành hiện tượng khi tổ chức được hệ thống phát hành độc lập và tạo được sự tương tác cao với độc giả trên cả nước.
Những hoạt động này đã khiến cho nhà cầm quyền Việt Nam tức giận và quyết tâm triệt phá đến cùng bằng cách: liên tục tìm cách gài bẫy và vây bắt các shipper – người vận chuyển sách; liên tục sách nhiễu, gây khó dễ cho độc giả bằng cách đe doạ, câu lưu, thẩm vấn, tịch thu sách, tịch thu điện thoại của độc giả… Họ cố tình tạo ra sự sợ hãi trên khắp cả nước để ngăn chặn việc phát hành sách của các nhà xuất bản độc lập này. (30)
Việc sách nhiễu độc giả và tấn công vào Nhà xuất bản Tự Do của lực lượng an ninh đã làm cho các tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty international) và Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) phải ra thông cáo gửi đến nhà cầm quyền Việt Nam. Thông cáo này yêu cầu Việt Nam chấm dứt ngay chiến dịch đàn áp độc giả của Nhà xuất bản Tự Do; cho phép Nhà xuất bản Tự Do và những người liên quan thực hiện quyền tự do ngôn luận. (31)
Tuy nhiên, cho đến nay, việc sách nhiễu độc giả và săn đuổi shipper vẫn tiếp tục diễn ra.
4. CÁC NHÀ HOẠT ĐỘNG LIÊN TỤC SÁCH NHIỄU VÀ CÂU LƯU THẨM VẤN, CÁC TÀI KHOẢN FACEBOOK CHÍNH TRỊ VẪN LIÊN TỤC BỊ ĐÁNH SẬP
– Năm 2019 cũng là một năm mà các hoạt động nghệ thuật, biểu đạt liên tục bị quấy nhiễu như việc nhóm Green Trees bị cấm chiếu bộ phim “Đừng sợ”, một bộ phim nói về thảm hoạ Formosa do Green Trees thực hiện. Các thành viên Green Trees như Cao Vĩnh Thịnh (32), Đặng Vũ Lượng(33), Nguyễn Trường Thịnh (34)… liên tục bị câu lưu, thẩm vấn để tra hỏi về bộ phim này.
– Buổi biểu diễn của nghệ sỹ dương cầm Phó An My về đề tài môi trường đã bị an ninh Hà Nội làm khó. An ninh đã hành xử thô bạo, gây sức ép, buộc khán giả phải quay về. Họ vu cáo rằng, đêm diễn “TỈNH” đã “nhận tiền của các tổ chức nước ngoài” thông qua Green Trees, nên “đã liên tiếp sách nhiễu, khủng bố tinh thần của ekip sản xuất và nghệ sĩ trong suốt ba tuần trước đêm diễn”. (35)
– Các tài khoản facebook chính trị vẫn liên tục bị khoá, bị mất… Bên cạnh tình trạng này, không ít chủ tài khoản Facebook tại Việt Nam còn bị nhiều hình thức hạn chế khác như: xoá bài, ẩn bài, hạn chế share, like… (36)
5. CUỘC CHIẾN TRUYỀN THÔNG CỦA CÁC TẬP ĐOÀN LỢI ÍCH
Trong năm 2019 này, chúng ta đã chứng kiến các cuộc chiến truyền thông của các tập đoàn lợi ích mượn tay báo chí như: vụ Asanzo, vụ Sungroup…
– Trong cuộc chiến giữa báo Tuổi trẻ và tập đoàn Asanzo, ban đầu, báo Tuổi Trẻ thực hiện một loạt phóng sự (37) “Điều tra lật tẩy Asanzo”. Loạt phóng sự này cho thấy Asanzo dùng linh kiện Trung Quốc để lắp ráp thành sản phẩm rồi dán mác hàng Việt Nam tung ra thị trường. Ngay sau đó thì Asanzo phản công(38) bằng cách kiện báo Tuổi trẻ ra toà vì cho rằng Tuổi trẻ xuyên tạc sai sự thật. Cuộc chiến càng lúc càng gay cấn khi có một số nhà báo đứng ra bênh vực cho Asanzo mà báo giới gọi đó là “giải cứu truyền thông”. Công chúng cũng chia ra hai phe: phe ủng hộ Tuổi trẻ và phe ủng hộ Asanzo, chiến nhau tưng bừng cả trên không gian mạng và ngoài đời thực. Kết quả đến nay vẫn chưa rõ ai đúng ai sai. Cuộc chiến này có thể coi là cuộc khủng hoảng truyền thông đối với cả hai phía vì nó làm vỡ lở ra những liên minh ma quỷ phía đằng sau.
– Cuộc chiến truyền thông thứ hai là giữa tờ “Phụ nữ online” và tập đoàn Sungroup, một tập đoàn lớn được che chắn từ địa phương đến Trung ương. Hai bài phóng sự điều tra của báo Phụ nữ nhằm vào hai dự án, Khu du lịch Bà Nà (39) và Vườn Quốc gia Tam Đảo (40), của Sungroup. Hai bài báo này tố cáo tập đoàn Sungroup tàn phá môi trường, phá rừng, san núi và cấu kết với những kẻ ma quỷ như Đại đức Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng, Vĩnh phúc. Tuy hai bài báo này ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận, nhưng khác với phản ứng của Asanzo, Sungroup chỉ im lặng đầy kẻ cả, mặc cho bao nhiêu đàm tiếu.
Báo “Phụ nữ online” trước đây cũng đã từng dám vuốt râu hùm khi dám chỉ trích tập đoàn Vingroup (41), một tập đoàn được xem là cấm địa của báo chí.
6. ĐIỂM QUA VÀI PHÁT NGÔN “KHÓ ĐỠ” CỦA LÃNH ĐẠO TRONG NĂM 2019
– Ngày 22/01/2019, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gây cười khi phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác năm 2018 của ngành nội chính: “không cho phép ai làm trái Cương lĩnh, quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng” (42).
– Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng còn hài hước hơn khi phát biểu tại buổi gặp gỡ các doanh nghiệp CNTT phía Nam vào ngày 15/07/2019:
• “Đã đến lúc chúng ta viết một mạng xã hội mới, nhân văn hơn, thực sự coi trọng khách hàng hơn và đưa người dân làm chủ thể tri thức. Đồng thời người dùng cũng phải được chia sẻ giá trị khi tham gia cuộc chơi đó”.
• “Mình phải thay đổi triết học của Facebook thì mới có giá trị. Tức là mạng xã hội của tôi giá trị được chia sẻ với tất cả mọi người, Mạng xã hội của tôi luật chơi được anh em mình hoàn toàn quyết định. Mạng xã hội của tôi được may đo theo luật pháp địa phương. Ra một mạng xã hội như thế thì may ra mới có cửa thắng, thế nên may được một cái áo giống người khác chưa hẳn là giỏi. May một cái áo với một triết học khác thì đấy mới là cửa thành công”.
– Ngày 08/11/2019, Bộ trưởng TTTT lại có phát biểu gây sốc tại Quốc Hội: “Hiện nay rất nhiều người nghĩ gì, nói gì, mua gì, thậm chí yêu ai đều thông qua mạng xã hội. Nếu như tất cả các thông tin đó ở trên một mạng xã hội nước ngoài có nghĩa là não người Việt Nam chỉ tập trung vào một chỗ và không nằm ở Việt Nam. Điều này là rất nguy hiểm đến an ninh quốc gia”.
– Ông Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ngày 26/12/2019, rất thật thà khi phát biểu tại Hội nghị quân chính Bộ tư lệnh TP: “Lực lượng 47 phải không ngủ để đấu tranh trên mạng”.
– Ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo Trung ương, ngày 28/12/2019, đã làm lộ bí mật nhà nước khi phát biểu tại Hội nghị báo chí toàn quốc: “Tỉnh táo trước việc dùng báo chí đấu đá nội bộ trước Đại hội”. (43)
Đa số các phát ngôn gây cười của giới lãnh đạo cộng sản đã bị xoá, bị sửa trên các trang báo mạng chính thống nên chúng tôi không còn tìm được link bài gốc. Tuy nhiên, những phát ngôn này vẫn được cộng đồng mạng lưu truyền.
***
Năm 2019, chính quyền Việt Nam đã thể hiện cho cả thế giới thấy rằng, họ là thể chế coi sách, coi livestream là kẻ thù. Và cũng không có gì là lạ bởi vì:
ĐỘC TÀI COI SÁCH VÀ MẠNG XÃ HỘI LÀ KẺ THÙ, ẤY LÀ SỰ THẬT TẤT YẾU.
_____
Nguồn tham khảo:

An ninh mạng Việt Nam nào phải để bảo vệ công dân!

An ninh mạng Việt Nam nào phải để bảo vệ công dân!

Jackhammer Nguyễn
31-12-2019
Video riêng tư của ca sĩ Văn Mai Hương bị hacker xâm nhập vào camera của cô rồi tung lên mạng. Đã gần một tuần mà không thấy kẻ gian bị bắt giữ. Thôi thì cứ cho là lực lượng “an ninh mạng” của Việt Nam kém cỏi (các vị lãnh đạo công an thì nói là công an Việt Nam giỏi nhất thế giới) không truy tìm được thủ phạm, nhưng nhà nước “do dân và vì dân” phải nói cái gì chứ! Chẳng thấy vị chức sắc nào lên tiếng kết tội bọn hacker, thông cảm với cô Mai Hương cả.
Mà Luật An ninh mạng đã hoạt động gần một năm nay rồi.
Khi luật này còn là dự luật, nó đã bị phản đối mạnh mẽ vì cho rằng nhà nước sẽ kiểm soát tự do Internet, nhưng cuối cùng thì nó cũng được đưa ra thực hiện. Nhưng liệu nó có ảnh hưởng gì đến tự do internet của người Việt Nam không?
Tôi cho rằng chẳng có ảnh hưởng gì cả, như một số nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến nói với tôi hồi năm ngoái (2018): “Họ có thiếu gì luật để bắt anh khi anh nói điều gì đó làm cho họ không hài lòng, có hay không có luật an ninh mạng thì họ cũng bắt”.
Tôi thì hiểu hơi khác một chút cái toan tính của những người cộng sản Việt Nam. Họ có hai mục đích khi đưa ra luật này: thứ nhất là họ làm tròng làm tréo với các hãng nước ngoài làm ăn trên mạng như Google, Facebook,… vốn có thói quen chơi theo luật, thứ hai là họ khỏi phải truy xét các luật định xa xôi để bắt một người nào đó vừa nói điều gì đó trên mạng.
Quan sát một năm qua, độc giả có thấy sự chỉ trích, thậm chí chửi bới Đảng Cộng sản có giảm đi không? Không. Tăng lên thì có. Và cách hành xử của Đảng thì cũng như trước thôi. Bây giờ thiên hạ ai cũng chửi thì cơ hồ nào mà bắt cho xuể! Họ chỉ bắt bạn khi bạn tổ chức thực sự một cái gì đó họ không kiểm soát được, hoặc là một vị nào đó bất thình lình nổi nóng. Nhưng cũng đừng cho họ quá giỏi giang rằng là ai tổ chức cái gì họ cũng biết. Anh sinh viên Nguyễn Lâm Duy Quí, linh hồn của tổ chức Nhật ký yêu nước, họ có biết đâu, cho đến khi anh qua đời vì bạo bệnh. Mà họ rất tức giận tổ chức này lắm lắm.
Mục đích làm tròng làm tréo với người nước ngoài họ chỉ đạt được một phần, khi bắt Facebook và Google gỡ một số nội dung mà họ không hài lòng, còn chuyện bắt các “đại gia” này đặt máy chủ tại Việt Nam thì họ thất bại hoàn toàn, vì nếu các đại gia này vì lý do bị bắt buộc mà rút ra khỏi Việt Nam thì chỉ khổ cho kinh tế Việt Nam thôi.
Nhưng điều tôi muốn nói ở đây liên quan đến cô Văn Mai Hương là Luật an ninh mạng của Việt Nam không nhằm bảo vệ công dân của mình chống bọn hacker xấu.
Đối với những người có suy nghĩ bình thường, thì khi nghe nói đến an ninh mạng, người ta nghĩ ngay đến chuyện bảo vệ công dân, bảo vệ các công ty của quốc gia chống bọn hacker. Có lẽ mọi người còn nhớ một buổi sáng đẹp trời tại sân bay Tân Sơn Nhất, cả hệ thống máy tính bị “kẻ lạ” nào đó kiểm soát trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Khi nói tới an ninh mạng, người ta nghĩ ngay đến việc chống bọn xấu như vậy. Nhưng luật an ninh mạng Việt Nam thì không thế.
Trong một bài viết gần đây của ông Justin Sherman, một người phân tích về an ninh mạng, thì Việt Nam giống Trung Quốc ở chỗ là “quan điểm an ninh mạng” của họ là ngăn cản công dân mình tiếp xúc với các “tin tức độc hại của các thế lực thù địch”, chứ đâu phải để bảo vệ thông tin cá nhân của công dân. Thành ra chuyện lên tiếng bảo vệ cô Mai Hương, kết án bọn xấu đã hack vào camera nhà cô ấy, hoàn toàn không có trong suy nghĩ của những người cộng sản Việt Nam.
Nhưng các bạn có thể nghĩ rằng an ninh mạng sẽ giúp những người cộng sản bảo vệ bí mật nhà nước của chính họ. Theo tôi họ cũng không nghĩ tới, vì bí mật của chính họ là do chính họ tiết lộ chứ ai đâu xa xôi. Các chức sắc tuyên truyền chính trị như ông Võ Văn Thưởng (Ban Tuyên giáo), ông Nguyễn Trọng Nghĩa (Tổng cục chính trị của quân đội), nói như vậy vào tháng 12/2019 đó thôi.
Cho nên, ý của tôi là, có hay không có luật an ninh mạng thì hiện trạng Việt Nam vẫn không có gì thay đổi, người bất đồng chính kiến vẫn có thể bị bắt bớ, hệ thống cơ sở hạ tầng viễn thông-tin học của quốc gia vẫn có khả năng bị tấn công.
Còn quyền riêng tư? Ôi bạn đừng đòi hỏi điều ấy ở những người cộng sản.
Jackhammer Nguyễn, từ San Francisco

Sóng ngầm trong chính trường Việt Nam trước thềm 2020

Sóng ngầm trong chính trường Việt Nam trước thềm 2020

BTV Tiếng Dân
30-12-2019
Tổng – Chủ nhìn lại một năm “đốt lò”
Sáng 30/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tham dự Hội nghị của Chính phủ với các địa phương và có bài phát biểu chỉ đạo dài gần 50 phút. Zing dẫn lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Lần đầu tiên xử được tội nhận hối lộ
Hàng đầu, từ trái qua: Trương Hòa Bình, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Võ Văn Thưởng được cho là đến dự Hội nghị. Ảnh: TTXVN
Ông Trọng nhận định về quá trình xử vụ Mobifone mua AVG: “Chưa bao giờ ta xử được tội hối lộ mà trước kia toàn là thiếu trách nhiệm, vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng. Trong vụ AVG cũng lần đầu tiên có người nhận hối lộ 3 triệu USD, VKS phải đề nghị tử hình. Nhưng khi người này nộp lại tiền đã được giảm xuống hình phạt tù chung thân”.
Về kế hoạch “đốt lò” trong năm 2020, VietNamNet dẫn lời Tổng bí thư, Chủ tịch nước: Tiếp tục xử lý tham nhũng, các đồng chí chờ xem. Về chuyện này thì ông Trọng không cần lo, không những mấy người cùng phe ông đang chờ xem, mà những người quan tâm tới hiện tình VN cũng chờ xem ông có mang được lửa tới “đốt lò” ở thành Hồ và Kiên Giang hay không?
Chiến dịch “đốt lò” diễn ra hơn 2 năm, mặc dù không ít quan chức đã vào lò, trong đó có các cựu bộ trưởng như Đinh La Thăng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, hay các đại gia “tư bản đỏ” như Trần Bắc Hà, Trầm Bê… Nhưng thực chất những người này chỉ là “cáo mượn oai hùm”, lúc còn đứng được trên vai “hùm” thì họ tác oai tác quái, nhưng khi bị bỏ rơi thì họ hiện nguyên hình là những con cọp giấy. Khi không còn giá trị sử dụng, Trần Bắc Hà đã phải chầu viêm dương trước khi nói ra bất cứ điều gì bất lợi cho “đồng chí X”.  
Hai “con hùm” thật sự mà đến giờ ông Trọng chưa làm được gì là anh Ba X và Hai Nhựt. Chuyến về Kiên Giang không biết có dọa được ai không mà cụ Tổng đột quỵ. Mặc dù các nguồn tin nội bộ CSVN khẳng định, vụ này không liên quan đến “đồng chí X”, nhưng Kiên Giang không phải mảnh đất lành để Tổng – Chủ muốn làm gì thì làm. Sau vụ đột quỵ đó, sức khỏe của Tổng – Chủ ngày càng sa sút, rất ít khi xuất hiện trước công chúng, báo hiệu những điều không lành cho toàn bộ phe “đốt lò”. 
Riêng chuyện ở thành Hồ, khoảng trung tuần tháng 11/2018, Ủy ban Kiểm tra Trung ương nhận định rằng, Tất Thành Cang sai phạm rất nghiêm trọng, phải kỷ luật thích đáng. Hiện chỉ còn một ngày nữa là bước sang năm 2020, nhưng vẫn chưa thấy Sáu Cang bị suy suyển gì. 
Tuy bị mất một số chức vụ trong đảng, nhưng Cang vẫn ngồi yên ở vị trí thành ủy viên thành Hồ. Dù về bản chất, Sáu Cang cũng chỉ là “cáo mượn oai hùm”, nhưng chưa bị bỏ rơi như mấy cựu bộ trưởng Thăng, Son, Tuấn, và chủ của Cang vẫn chưa trở thành “củi”, nên Cang vẫn bình yên vô sự. 
Hai diễn biến trên có thể thấy, đến thời điểm hiện tại, “lửa lò” chỉ “đốt” được mấy mục tiêu mềm. Còn các nhân vật như “đồng chí X”, vốn đã xây dựng mối quan hệ với lãnh đạo cấp cao ở cả quân đội lẫn công an để ngồi vững ghế Thủ tướng suốt 10 năm, hoặc như Hai Nhựt, nhân vật mà một số nguồn tin trong đảng cho rằng, sự an nguy của ông này gắn liền với Quân khu 7, thì “lửa lò” của cụ Tổng vẫn chưa bén tới. Cho nên, trong năm 2020 này, nếu thật sự phe cụ Tổng còn khả năng đốt được “khúc củi to” nào nữa thì nên làm nhanh, trước khi bị hai “con hùm” này phản công. 
Một chi tiết đáng lưu ý trong bài phát biểu của Tổng – Chủ là lời hứa sẽ tiếp tục xử lý vụ sai phạm ở nhà máy gang thép Thái Nguyên, vụ Thủ Thiêm và vụ Nhật Cường. Vụ gang thép Thái Nguyên không chỉ liên quan đến các quan chức ở trung ương, cơ quan quyền lực của đảng CSVN, nhất là Bí thư Hà thành Hoàng Trung Hải, mà còn đụng chạm đến cả Tập đoàn Luyện kim Trung Quốc.
Còn vụ Nhật Cường thì quyết định sinh mạng chính trị của Chủ tịch Hà thành Nguyễn Đức Chung. Riêng vụ Thủ Thiêm thì đã bế tắc suốt 2 năm nay bởi phe nhóm miền Nam không để cụ Tổng muốn làm gì thì làm. Thực tế, chính những người muốn đất nước thay đổi cũng mong Tổng – Chủ xử lý thích đáng cả ba vụ trên, để cụ Tổng buộc phải đụng đến những giềng mối ăn sâu vào tận cùng xương sống của chế độ CSVN.  
Phiên xử thứ ba vụ cựu Phó Chủ tịch thành Hồ giao “đất vàng” cho Vũ “nhôm”
Theo lịch làm việc dự kiến do TAND TP HCM thông báo từ trước, vụ án này lẽ ra đã kết thúc và HĐXX công bố các mức án vào ngày 30/12/2019. Nhưng phiên xử thứ ba này chỉ kết thúc với việc các bị cáo nói lời sau cùng chứ chưa nghe tuyên án. 
Báo Thanh Niên đặt câu hỏi: Bao giờ tuyên án cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín? Theo đó, do phần nghị án kéo dài nên HĐXX sẽ tuyên án vụ Nguyễn Hữu Tín và 4 đồng phạm giao nhà đất 15 Thi Sách cho Vũ “nhôm” vào ngày 31/12/2019. 
Trong buổi sáng 30/12, phần tranh luận đã kết thúc, đại diện Viện KSND TP HCM đánh giá, các bị cáo đều ăn năn hối cải và xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Đào Anh Kiệt, cựu GĐ Sở TN&MT TP HCM, khai nhận, đã “thực hiện đúng các hành vi như cáo trạng nhưng tất cả vì mục đích an ninh quốc phòng”.
VnExpress dẫn lời tự bào chữa của ông Nguyễn Hữu Tín: ‘Không ngờ bị kẻ khác trục lợi’. Ông Tín lặp lại quan điểm chấp nhận làm “Lê Lai cứu chúa”. Ông nói: “Bị cáo không đổ lỗi cho cấp trên, không đổ lỗi cho những tham mưu từ các bộ, sở, ban ngành. Bị cáo xin chịu mọi trách nhiệm với vai trò lãnh đạo của TP HCM vào thời điểm vụ án xảy ra”
Lưu ý, ông Tín không đả động gì đến “lãnh chúa thành Hồ” Hai Nhựt, nhưng lại nhắc đến “đồng chí X”: “Mục đích chuyển đổi nhà đất 15 Thi Sách nhằm phục vụ an ninh quốc phòng; chỉ thị của Thủ tướng nói các địa phương phải tạo điều kiện thuận lợi nhất về cơ sở vật chất, đất đai để Cục tình báo hoạt động”
VnExpress có clip ghi lại lời tự bào chữa của ông Tín:
Đến chiều 30/12, các bị cáo được nói lời sau cùng trước khi tòa tuyên án. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín xin lỗi toàn thể nhân dân TPHCM, theo báo Dân Trí. Tín phát biểu: “Dù biết rằng không phải động cơ vụ lợi, an ninh quốc gia hay bất chấp pháp luật mà vì nhận thức chưa đúng khiến hôm nay phải đứng đây với tư cách là bị cáo. Tài sản lớn nhất của tôi là niềm tin của nhân dân TPHCM nhưng chỉ vì một phút hiểu sai chủ trương mà tôi đã đánh mất đi niềm tin của nhân nhân TPHCM”.
Nhìn chung, vụ này quy mô nhỏ hơn vụ Mobifone mua AVG, không có án tử hình nào trong số các mức án đề nghị, lại xảy ra trên đất của “lãnh chúa thành Hồ”, nên các bị cáo tỏ ra “biết điều” hơn hẳn so với cựu Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son. Tín chỉ phủ nhận vai trò “cầm đầu” trong ngày xử đầu tiên, sau đó ông ta trở nên “ngoan ngoãn”, nhận hết trách nhiệm và không nói gì đến các lãnh đạo cấp cao của mình nữa, dù vụ sai phạm này diễn ra khi Hai Nhựt vẫn còn là Bí thư thành Hồ.
Chỉ có một đoạn ngắn trong phần tự bào chữa sáng 30/12, ông Tín nhắc đến “đồng chí X” để giải thích chuyện ưu ái cho “công ty bình phong” của nhóm quan chức tình báo công an. Nhưng nếu lời khai của Nguyễn Bắc Son không thể gây hại cho cựu Thủ tướng VN giai đoạn 2006 – 2016, thì lời khai của ông Tín càng ít tác động. 
Một yếu tố làm rõ tính chất “luật rừng” của phiên tòa này là sự vắng mặt của cả Vũ “nhôm” và cựu Thứ trưởng công an Trần Việt Tân. Mặc dù Vũ là người nhận “đất vàng” trong vụ này, còn Tân đã ký văn bản để thúc ép quan chức thành Hồ, nhưng đến giờ hai người này vẫn không bị triệu tập. Qua đó có thể thấy, phiên tòa này chỉ muốn xử và tuyên án nhanh các “con tốt thí”, không để lửa lan ra đến các thế lực có thực quyền ở miền Nam đã thúc đẩy các sai phạm “đất vàng”, cho thấy “lửa lò” ở miền Nam đã nguội lạnh như thế nào. 
Đồng Tâm lại nóng?
Ngày 29/12/2019, ông Trịnh Bá Phương, đại diện dân oan Dương Nội đưa tin“Chú Lê Đình Công con trai cụ Kình và các bác ở Đồng Tâm vừa điện cho tôi, nói rằng có thể ngày mai hoặc đêm nay sẽ đổ máu. Hiện lực lượng cưỡng chế trang bị vũ trang tối tân đã kéo về khu vực Đồng Tâm. Nhà cầm quyền cộng sản đã lăm le cướp đất Đồng Sênh từ tuần trước, công an liên tục có các động thái tuyên bố bằng miệng sẽ san phẳng Đồng Tâm bằng vũ lực”.
Sau đó, ông Phương cập nhật“Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an tổ chức Diễn tập phương án xử lý tình huống tập trung đông người khiếu kiện, gây rối an ninh, trật tự ở mục tiêu bảo vệ. Trung tướng Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ Công an dự và phát biểu chỉ đạo. Có thể lực lượng diễn tập này đã nhân tiện đưa quân về Đồng Tâm hòng thực hiện chiêu ‘rung cây dọa khỉ’ và thăm dò phản ứng của người dân”.
Về phía người dân Đồng Tâm, họ đã “lên kế hoạch chiến đấu và phát đi tuyên bố sẵn sàng tử chiến, chú Công con trai cụ Kình đã tuyên bố người dân Đồng Tâm sẽ tiêu diệt bất kỳ nhóm người nào đến cướp đất Đồng Sênh”.
_______