Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 17)

Lịch Sử Việt Nam Thời Tự Chủ (Phần 17)

Hồ Bạch Thảo
27-12-2019
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6 —  phần 7 —  phần 8 —  phần 9 —  phần 10 —  phần 11 — phần 12 — phần 13 — phần 14 — phần 15—  phần 16
17. Vua Lý Thánh Tông [1054-1072]: Ngoại giao, nội trị
Niên Hiệu: Long Thụy Thái Bình: 1054-1058; Chương Thánh Gia Khánh: 1059-1065; Long Chương Thiên Tự: 1066-1067; Thiên Huống Bảo Tượng: 1068; Thần Vũ: 1069-1071
Việc giao thiệp với Trung Quốc đã trình bày ở chương trên, riêng chương này đề cập đến các lân bang về phía tây và nam. Về phía nam, nước Chân Lạp sát nách với Chiêm Thành cho người đến cống:
Mùa xuân, tháng giêng, Lý Thánh Tông Long Thụy Thái Bình năm thứ 3 [1056]. nước Chân Lạp sang cống”. Toàn Thư (1), Bản Kỷ, quyển 3.
Tại miền đông nam xa xôi, có lái buôn Trảo Oa [Java thuộc nước Indonesia], ghé đến dâng ngọc:
Lý Thánh Tông, năm Long Chương Thiên Tự thứ nhất [1066]; lái buôn người nước Trảo Oa dâng ngọc châu dạ quang, trả tiền giá 1 vạn quan”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Về phía tây, các nước Ai Lao, Ngưu Hống (2) đều mang vàng bạc và các vật quí đến cống: “Ngày Đinh Mùi, Lý Thánh Tông Long Chương Thiên Tự năm thứ 2 [1067]. Mùa xuân, tháng 2, các nước Ngưu Hống, Ai Lao dâng vàng bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi và các thứ sản vật địa phương. Lễ cống gồm có vàng, bạc, trầm hương, sừng tê, ngà voi”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Riêng nước Chiêm Thành không chịu thần phục; tuy vào năm 1068 mang voi trắng đến cống, nhưng chẳng bao lâu lại mang quân đến cướp phá nơi biên giới: “Lý Thánh Tông năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ nhất [1068]. Chiêm Thành dâng voi trắng, sau lại quấy nhiễu biên giới”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Năm sau Vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, nhưng đánh mãi không được bèn mang quân trở về. Đến nửa đường, được tin Nguyên Phi coi việc nước yên ổn, nhà Vua nhận thấy một người đàn bà còn làm được như vậy; với tấm lòng phục thiện hướng theo điều phải, bèn quay trở lại quyết đánh cho kỳ được; bắt sống Vua Chiêm, mở rộng lãnh thổ đến tận tỉnh Quảng Trị:
Ngày Kỷ Dậu, Lý Thánh Tông năm Thiên Huống Bảo Tượng thứ 2 [1069], Mùa xuân tháng 2, Vua thân đi đánh Chiêm Thành, bắt được Vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người. Trận này Vua đánh Chiêm Thành mãi không được, đem quân về đến châu Cư Liên, nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá hoà hợp. Trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo, dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: 
‘Nguyên Phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao?’
 Bèn quay lại đánh nữa, thắng được.
Mùa hạ, tháng 6 đem quân về. Mùa thu, tháng 7, vua từ Chiêm thành về đến nơi, dâng tù ở Thái Miếu, đổi niên hiệu là Thần Vũ năm thứ 1. Chế Củ xin dâng ba châu Địa Lý [Quảng Bình] (3), Ma Linh [Quảng Trị] (4), Bố Chính [Quảng Bình] (5) để chuộc tội. Vua bằng lòng, tha cho Chế Củ về nước”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Sau trận này Chiêm Thành thần phục, lại sai Sứ sang cống như cũ:
Lý Thánh Tông, Thần Vũ năm thứ 3 [1071] Chiêm Thành sang cống”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Lý Thánh Tông thành công trong việc phạt Tống bình Chiêm là nhờ tổ chức quân đội có qui củ, tỏ ra hữu hiệu:
Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 1 [1059]. Định hiệu quân, gọi là Ngự Long, Vũ Thắng, Long Dực, Thần Điện, Bổng Thánh, Bảo Thắng, Hùng Lược, Vạn Tiệp đều chia làm tả hữu, thích vào trán ba chữ “Thiên tử quân“. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Lại dựa vào chính sách “Ngụ binh ư nông”, quân lính được cấp ruộng, thời bình làm nông, thời chiến đăng lính; nhờ vậy nhà nước ít tốn kém:
Chế độ binh lính của nhà Lý đại lược theo quân Phủ vệ của nhà Đường, quân Cấm sương của nhà Tống, mỗi tháng lên cơ ngũ một lần, gọi là đi canh, hết hạn canh lại về quê làm ruộng, quan không phải cấp lương, duy có người trưởng cấm quân theo hầu chực tức vệ, được cấp cho 10 bó lúa, 1 tấm vải, cho ăn gọi là đại hòa, cấp cho lúa mạch gọi là chiêm mễ. Không có phí tổn nuôi lính, mà có công hiệu dùng sức lính, cũng là chế độ hay”. Việt Sử Tiêu Án, Ngô Thời Sĩ, trang mạng 51
Sách Vân Đài Loại Ngữ của Lê Quí Đôn kê cứu tư liệu đời Tống, cho biết quân sự gia Thái Diên Khánh từng dâng binh pháp triều Lý nước Đại Việt cho vua Tống Thần Tông tham khảo, được Vua Tống khen và đem áp dụng:
“Lý Thánh Tông năm Chương thánh gia khánh thứ 1 (1059) Sách Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có trích dẫn truyện Thái Diên Khánh nhà Tống: “Diên Khánh từng phỏng theo phép hành quân của An Nam: bộ đội chia ra chín tướng, gồm có các binh chủng như chính binh (6), tay cung tên (7), đoàn người ngựa (8). Mỗi tướng, từ quân bộ đến quân kỵ và khí giới, đều như nhau. Lại chia ra bốn bộ là Tả, Hữu, Tiền, Hậu, gộp lại là 100 đội. Mỗi đội đều có quân trú chiến (9) và quân thác chiến (10). Còn người và ngựa của quân Phiên thì chia riêng làm đội khác, không cho lẫn lộn với quân khác để phòng sự biến loạn, gần đâu thì cho họ lệ thuộc vào đó. Hạng quân già yếu thì cho đóng ở thành trại. Diên Khánh đem binh pháp ấy trình bày tường tận trong bức thư dâng lên vua Tống. Tống Thần Tông (1068-1085) khen là hay”. Binh pháp triều Lý được Trung Quốc phỏng theo là thế đấy. Nhà Lý, phía bắc, phá được châu Ung, châu Liêm, phía nam, bình được Chiêm Thành, Chân Lạp, đánh đâu được đấy, thật là có cớ thế chứ!” Cương Mục, Chính Biên, quyển 3.
Với chính sách an dân, nhà Vua chăm lo cho dân no ấm, khuyến khích việc nông tang, thường ban chiếu nhắc nhở việc canh nông:
Lý Thánh Tông năm Long Thụy Thái Bình thứ 3 [1056]. Mùa hạ, tháng 4, xuống chiếu khuyến nông”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Bấy giờ lương bổng các quan, ngoài việc phát tiền, còn thưởng thêm nhu yếu phẩm lúa, cá, muối:
Lý Thánh Tông năm Long Chương Thiên Tự thứ 2 [1067], cho Viên ngoại lang là Ngụy Trọng Hoà và Đặng Thế Tư làm Đô hộ phủ sĩ sư (11), đổi mười người thư gia (12) làm án ngục lại (13). Cho Trọng Hoà và Thế Tư mỗi người bổng hàng năm là 50 quan tiền, 100 bó lúa và các thứ cá muối v.v… ngục lại mỗi người 20 quan tiền, 100 bó lúa để nuôi đức liêm khiết của họ”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Triều đình lập kho lúa tại các địa phương; gặp năm hạn hán thiên tai, cấp phát cho dân:
Lý Thánh Tông năm Thần Vũ thứ 2 [1070]. Mùa xuân, làm điện Tử Thần. Mùa hạ, tháng 4 đại hạn, phát thóc, và tiền lụa trong kho để chẩn cấp cho dân nghèo”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Về lãnh vực nhân văn, thời Vua Thánh Tông lưu ý đến ca nhạc, du nhập thêm nhạc khúc Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát, giúp cho nền âm nhạc nước nhà phong phú hơn:
“Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 [1060]. Tháng 8, phiên dịch nhạc khúc và điệu đánh trống của Chiêm Thành, sai nhạc công ca hát”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Buổi đầu nhà Lý dời đô từ Trường Yên đến Thăng Long là chốn ngàn năm văn vật; cho mở mang cung điện, đặt thêm quan chức trong triều và các địa phương, áo mũ y phục, đến nay lễ nghi đã đi vào nền nếp:
Lý Thánh Tông năm Chương thánh gia khánh thứ 1 (1059) tháng 8, mùa thu. Đặt ra kiểu mẫu triều phục. Nhà vua ngự ở điện Thủy Tinh, sai các quan đội mũ phốc đầu (14) đi giày và bí tất vào chầu. Tục đội mũ phốc đầu là trước từ đấy.
Sách Giao Chỉ di biên (không rõ họ tên người làm sách) chép: An Nam lúc mới dựng nước, mọi việc hãy còn đơn giản sơ sài; đến nhà Lý mới làm ra cung thất. Cung điện thì có điện Thủy Tinh, điện Thiên Quang. Quan trong và quan ngoài thì có những chức như phụ quốc thái uý, gián nghị đại phu, tả hữu ti lang trung, viên ngoại lang, xu mật sứ, kim ngô, lĩnh binh sứ. Lễ nhạc văn vật xem ra cũng đã đầy đủ”.Cương Mục, Chính Biên, quyển 3.
Lúc nhà Vua tuổi 40 vẫn chưa có con trai, một hôm đi kinh lý vùng Bắc Ninh, dân chúng nô nức đến xem, duy có một người con gái vẫn nép bên khóm lan; nhà Vua trông thấy, đưa vào cung, phong làm Ỷ lan phu nhân. Chẳng bao lâu Phu nhân sinh được Hoàng Tử, tức anh quân Lý Nhân Tông sau này. Buổi gặp gỡ Ỷ lan phu nhân, có lẽ mang nặng kỷ niệm trong lòng, nên Vua đổi tên làng quê Phu nhân là Thổ Lỗi thành làng Siêu Loại (15):
Ngày Quý Mão, Lý Thánh Tông năm Chương Thánh Gia Khánh thứ 5 [1063]. Bấy giờ vua xuân thu đã nhiều, tuổi 40 mươi mà chưa có con trai nối dõi, sai Chi hậu nội nhân Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa, sau đó Ỷ Lan phu nhân có mang, sinh hoàng tử Càn Đức tức Nhân Tông, (Tục truyền rằng vua cúng khấn cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, nhân đi chơi khắp các chùa quán, xa giá đi đến đâu, con trai con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy có một người con gái hái dâu cứ nép trong bụi cỏ lan. Vua trông thấy, gọi đưa vào cung, được vua yêu, phong làm Ỷ Lan phu nhân”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Việc học trước kia tổ chức trong chùa, nay nhà Vua cho lập văn miếu, tạc tượng các danh Nho, đưa Hoàng tử đến học:
“Lý Thánh Tông năm Thần Vũ thứ 2 [1070], mùa thu, tháng 8, làm Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công và Tứ phối (16), vẽ tượng Thất thập nhị hiền (17), bốn mùa cúng tế. Hoàng thái tử đến học ở đây”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Về phương diện pháp luật, sửa đổi luật chuộc tiền của triều trước, xét theo tội nặng nhẹ, cho phép mọi người chuộc tiền nhiều hay ít:
Lý Thánh Tông năm Thần Vũ thứ 3 [1071] Định tiền chuộc tội theo thứ bậc khác nhau.
Trước đó, Lý Thái Tông đặt ra pháp lệnh: phàm kẻ phạm tội, nếu là dân mà là người già hay trẻ con, nếu là người họ thân nhà vua mà còn phải để tang nhau từ 9 tháng trở lên, đều được nộp tiền chuộc cả. Đến đây, định lệ lại: phàm người được nộp tiền chuộc tội phải tùy theo tội nặng hay nhẹ mà bắt nộp tiền nhiều hay ít khác nhau”. Cương Mục, Chính Biên, quyển 3.
Tháng giêng năm Thần Vũ thứ 4 [1072] vua Thánh Tông mất tại điện Hội Tiên, Vua Tống bèn sai Sứ đến phụng điếu:
“Trường Biên quyển 231. Năm Hy Ninh thứ 5 [1072]
Ngày Giáp Ngọ tháng 3 [5/4/1072], Ty kinh lược Quảng Nam Tây Lộ tâu Nam bình vương Lý Nhật Tôn [vua Lý Thánh Tông] mất; con là Càn Đức [vua Lý Nhân Tông] nối ngôi. Chiếu ban Chuyển vận sứ Khang Vệ làm Điếu tặng sứ”.
(甲午,廣南西路【一】經略司言南平王李日尊卒,子乾德嗣。詔轉運使康衛為弔贈使。)
Xét ra lời bàn của Sử thần Ngô Sĩ Liên có thể tóm tắt được sự nghiệp vua Lý Thánh Tông, xin ghi lại như sau: “Sử thần Ngô Sĩ Liên nói: Xót thương vì hình ngục, nhân từ với nhân dân, là việc đầu tiên của vương chính. Thánh Tông lo tù nhân trong ngục hoặc có kẻ vô tội mà chết vì đói rét, cấp cho chiếu chăn ăn uống để nuôi sống, lo quan lại giữ việc hình ngục hoặc có kẻ vì nhà nghèo mà nhận tiền đút lót, cấp thêm cho tiền bổng và thức ăn để nhà được giàu đủ. Lo dân thiếu ăn thì xuống chiếu khuyến nông, gặp năm đại hạn thì ban lệnh chẩn cấp người nghèo, trước sau một lòng, đều là thành thực. Huống chi lại tôn sùng đạo học, định rõ chế độ, văn sự thi hành mau chóng bên trong; phía nam bình Chiêm; phía bắc đánh Tống, uy vũ biểu dương hiển hách bên ngoài. Tuy có việc lầm lỗi nhỏ khác cũng vẫn là bậc vua hiền. Hoặc có người bảo là vua nhân nhu có thừa mà cương đoán không đủ, ngu ý chưa cho là phải”. Toàn Thư, Bản Kỷ, quyển 3.
Chú Thích: 
  1. Toàn ThưĐại Việt Sử Ký Toàn Thư, tác giả Ngô Sĩ Liên.
2. Bản dịch Toàn Thư chú: Ngưu Hống: tộc người Thái ở vùng Sơn La, có thể là người Thái Đen. Ngưu Hống có thể là phiên âm tên Ngù Háu trong tiếng Thái, có nghĩa là “Rắn hổ mang”. Theo Quắm tố mướu (truyện kể bản Mường) của người Thái Đen thì chúa Lò Rẹt ở Mường Muổi (khoảng thế kỷ XIV) lấy hiệu là Ngù Háu. Nhưng Ngù Háu có thể là hình tượng của tộc Thái Đen từ trước.
3. Địa Lý: Xưa là đất Việt Thường; đời Hán, thuộc quận Nhật Nam; đời Tống, là châu Địa Lý thuộc Chiêm Thành; nhà Lý đổi là Lâm Bình, nhà Trần đổi là Tân Bình; khi thuộc Minh vẫn để tên như thế; nhà Lê đổi là Tiên Bình. Bấy giờ là đất phủ Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình. (Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, viết tắt Cương Mục, Chính Biên, quyển 3).
4. Ma Linh: Xưa là đất Việt Thường; đời Hán, thuộc quận Nhật Nam; đời Tống, là châu Ma Linh thuộc Chiêm Thành; nhà Lý đổi là Minh Linh; nhà Trần vẫn để tên như thế; thuộc Minh, đổi là châu Nam Linh; nhà Lê đặt làm huyện. Bây giờ là đất đai huyện Minh Linh và Do Linh thuộc tỉnh Quảng Trị. (Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, viết tắt Cương Mục, Chính Biên, quyển 3).
5. Bố Chính: Xưa là châu Bố Chính; đời Hán là đất huyện Thọ Lãnh thuộc quận Nhật Nam; đời Tống là châu Bố Chính thuộc Chiêm Thành; nhà Lý vẫn để tên như thế; thuộc Minh đổi là châu Trấn Bình; nhà Lê chia làm hai châu Nội Bố Chính và Ngoại Bố Chính. Bây giờ là đất ba huyện Bình Chính, Minh Chính và Bố Trạch thuộc tỉnh Quảng Bình. (Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, viết tắt Cương Mục, Chính Biên, quyển 3).
6. Chính binh: Quân chính quy.
7. Cung tên: Quân chuyên bắn cung.
8. Đoàn người ngựa: Đoàn quân kỵ.
9. Quân trú chiến: Chiến đấu trong khi đóng giữ.
10. Quân thác chiến: Chiến đấu trong khi tấn công.
11. Sĩ sư: tên chức quan coi việc hình pháp ở Đô hộ phủ (Đô hộ phủ vốn là tên gọi cơ quan cai trị cấp châu đời Đường, các triều đình Đinh, Lê, Lý vẫn giữ tên Đô Hộ Phủ, nhưng chỉ chuyên việc hình pháp) [Bản dịch Toàn Thưchú].
12. Thư gia: Theo Lê Quý Đôn, thư gia tức là ty lại (Kiến Văn Tiểu Lục, bản dịch, Nxb Sử học, 1962, tr. 129 – 130), có thể cũng như tên gọi “thư lại” đời sau. Phan Huy Chú ghi tên các thư gia như: Nội hỏa thư gia, Ngự khố thư gia, Chi hậu thư gia, Nội thư gia, Lệnh thư gia v.v … (Lịch triều hiến chương loại chí, bản dịch, T.2, Nxb Sử học, 1962, tr. 6) [Bản dịch Toàn Thưchú].
13. Án ngục lại: người giúp việc xét hỏi về công việc hình án. [Bản dịch Toàn Thư chú]
14. Phốc đầu: tên mũ, tức là mũ cánh chuồn, có hai dải cánh giương ra hai bên.
15. Làng Siêu Loại: nay thuộc địa phận huyện Thuận Thành tỉnh Hà Bắc. ( Chú thích của bản dịch Toàn Thư.)
16. Tứ phối: chỉ Nhan Uyên, Tăng Sâm, Tử Tư, Mạnh Tử là bốn học trò của Khổng Tử được thờ với thầy ở Văn Miếu.( Bản dịch Toàn Thưchú)
17. Thất thập nhị hiền: 72 học trò giỏi của Khổng Tử. (Bản dịch Toàn Thư chú)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.