Chủ Nhật, 29 tháng 12, 2019

Nếu làm đúng, phải cảnh cáo báo chí quốc doanh

Nếu làm đúng, phải cảnh cáo báo chí quốc doanh

Bá Tân
27-12-2019
Kể cả sau khi tuyên án, vẫn còn những “ẩn số “của đại án AVG chìm trong bóng tối. Cán cân công lý bị chi phối, ánh sáng sự thật bị chắn che, vì thế đúng với sai, thật với giả, vẫn còn lẫn lộn bởi ý thức chủ quan. Không phải cá biệt, đó là tình trạng “phổ cập” khi xét xử tội phạm là quan chức và bọn lợi ích nhóm lắm tiền nhiều của.
Để rồi xem, đến khi phúc thẩm, đại án AVG có “đột phá “gì không. Không phải không còn chuyện, thậm chí còn những tình tiết gai góc và thú vị hơn, nhưng thật khó lột hết mọi che đậy của mưu ma, chước quỷ.
Trong khi xét xử đại án AVG, kể cả sơ thẩm và phúc thẩm, nếu quan tòa thật sự nghiêm minh, phải triệu tập những người đứng đầu cơ quan báo chí quốc doanh với tư cách đối tượng có liên quan. Mọi người chưa quên, quan tòa càng phải nhớ, sau khi thanh tra chính phủ công bố kết luận thanh tra vụ việc Mobifone mua AVG, Bộ Thông tin Truyền thông lúc đó do Trương Minh Tuấn cầm đầu lập tức có văn bản phản bác. Quen thói ra lệnh và “dắt mũi “báo chí quốc doanh, Bộ Thông tin Truyền thông ép buộc báo chí quốc doanh đăng tải văn bản chống lại kết luận của thanh tra chính phủ. Đọc trên báo chí quốc doanh, nơi thường ngày phải tuân lệnh định hướng của thượng cấp, dư luận xã hội nghĩ rằng, thanh tra chính phủ nói bậy, và bên bán cũng như bên mua AVG không có gì sai phạm.
Khi đăng tải văn bản phản bác của Bộ Thông tin Truyền thông (đập lại bản kết luận của thanh tra Chính phủ), cho dù làm theo sự sai khiến của bề trên, báo chí quốc doanh vẫn phải chịu trách nhiệm về mặt pháp luật. Đăng báo nói sai sự thật, trong mọi trường hợp, báo chí không thể phủi tay chối bỏ trách nhiệm, báo chí không được phép ngồi xổm trên pháp luật. Báo chí quốc doanh đâu phải là con vẹt, chỉ quen mỗi việc ton hót những điều do chủ mớm cho.
Sai phạm của báo chí quốc doanh, liên quan trong vụ đại án AVG, quá rõ, không thể bác bỏ. Nếu cấp sơ thẩm bỏ qua, đến cấp phúc thẩm phải lôi ra để xử lý, ít nhất là cảnh cáo. Không xử lý đồng nghĩa với lọt tội, khi tái phạm, rất dễ xảy ra, đừng trách báo chí quốc doanh khinh thường pháp luật.
Gây ra sai phạm, nhất là hành vi cố ý, chủ và tớ đều phải chịu trách nhiệm, cho dù mức độ khác nhau. Trong vụ việc này, Bộ Thông tin Truyền thông làm chủ theo đúng nghĩa đen, cơ quan báo chí quốc doanh (đăng tải văn bản phản bác của Bộ Thông tin Truyền thông) lộ rõ nguyên hình là tớ.
Qua vụ việc này, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông cần “nghiêm túc rút kinh nghiệm” (chữ này thường bắt gặp trong kết luận xử lý cán bộ sai phạm) khi chỉ đạo báo chí quốc doanh. Sẽ là tai họa nếu biến báo chí quốc doanh thành con vẹt nhảy nhót trong lồng.
Đừng biến báo chí quốc doanh thành một họa sỹ tồi, cả đời chỉ biết tô vẽ một màu nhợt nhạt nhàm chán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.