Thứ Ba, 22 tháng 8, 2023

Trái ngược với tuyên bố, hợp tác quân sự Trung-Nga mang tính đối đầu

 

Trái ngược với tuyên bố, hợp tác quân sự Trung-Nga mang tính đối đầu

23/08/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc bắt tay Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tại hội nghị an ninh quốc tế Moscow lần thứ 11 ở Moscow, ngày 15/8/2023.

Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã đến thăm Nga và Belarus vào tuần trước để thể hiện sự ủng hộ khi phương Tây tìm cách cô lập hai quốc gia này vì Nga xâm lược Ukraine. Hoa Kỳ đã chế tài ông Lý vào năm 2018 vì Trung Quốc mua vũ khí của Nga.

Ngày 15/8, tờ Hoàn cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc dẫn hãng tin Sputnik của Nga trích lời ông Lý ca ngợi sự hợp tác quân sự Trung-Nga là cởi mở, minh bạch và có lợi cho hòa bình, ổn định:

“Quan hệ quân sự của hai nước đã thiết lập một mô hình hợp tác không liên kết, không đối đầu, không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào.”

Điều đó là sai.

Trung Quốc và Nga đang điều chỉnh các chính sách đối ngoại và chiến lược quân sự của mình để phá hoại trật tự thế giới dân chủ-tự do do phương Tây lãnh đạo. Với việc Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022 và Trung Quốc đang để mắt đến Đài Loan, liên kết của hai nước này mang tính đối đầu và nhắm vào các bên thứ ba.

Trung tâm Phân tích Hải quân (CNA), một tổ chức nghiên cứu quốc phòng do chính phủ Mỹ tài trợ có trụ sở tại Arlington, Virginia, đã lưu ý vào tháng 5 năm nay rằng lợi ích an ninh của Trung Quốc và Nga ngày càng chồng chéo.

“Tuyên bố chung Putin-Tập tháng 2 năm 2022, được đưa ra ngay trước khi Nga xâm lược Ukraine, đã chứng tỏ sự chồng chéo ngày càng tăng trong mối quan tâm an ninh của hai bên, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đều tập trung vào mối đe dọa do Hoa Kỳ và NATO gây ra đối với an ninh quốc tế nói chung và đặc biệt là đối với các quốc gia của họ,” CNA báo cáo.

Trong chuyến thăm đầu tiên của ông Lý tới Nga vào tháng 4 vừa qua, hai nước đã đưa ra tuyên bố cam kết đưa hợp tác quân sự “lên một tầm cao mới”.

Ông Lý đã gặp Tổng thống Belarus Aleksandr Lukashenko vào ngày 17 tháng 8. Hoàn cầu Thới báo đưa tin rằng trong cuộc gặp của họ, ông Lukashenko cho biết hợp tác quân sự giữa Bắc Kinh và Minsk “không nhắm mục tiêu vào bất kỳ nước thứ ba nào”.

Ukraine

Trái ngược với tuyên bố của ông Lý rằng Trung Quốc và Nga “đã thiết lập một mô hình hợp tác không liên kết, không đối đầu, không nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”, hai nước đang ủng hộ các động thái quân sự của nhau chống lại các nước thứ ba.

Nga đã xâm chiếm và sáp nhập bất hợp pháp Bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014, sau đó tiến hành cuộc xâm lược toàn diện Ukraine vào ngày 24/2/2022.

Dẫn lời các quan chức Mỹ giấu tên, nhiều cơ quan truyền thông tuần trước đưa tin rằng gần nửa triệu binh sĩ Ukraine và Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược.

Theo Cơ quan Tị nạn Liên hiệp quốc (UNHCR), hơn 11 triệu người Ukraine đã bị thất tán.

Trong khi việc Nga xâm lược Ukraine vấp phải sự lên án của quốc tế, Trung Quốc vẫn từ chối chính thức lên án Nga, nhấn mạnh rằng “đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng Ukraine”.

Vào tháng 2 vừa qua, Trung tâm Stimson, một cơ quan nghiên cứu ở thủ đô Washington, đã mô tả chiến lược của Trung Quốc là “trung lập thân Nga”, có nghĩa là Bắc Kinh không tích cực đứng về phía nào trong cuộc xung đột Ukraine, nhưng rõ ràng là thân Nga trong lời nói và tuyên truyền.

Tuy nhiên, tháng 3 năm ngoái BBC dẫn lời bà Maria Shagina, một chuyên gia về chế tài kinh tế tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế của Anh, nói rằng Trung Quốc đang khai thác “vùng xám” giữa các mục đích quân sự và dân sự bằng cách gửi các sản phẩm công nghệ cao, bao gồm cả các chất bán dẫn, để hỗ trợ Moscow trong nỗ lực chiến tranh.

Đầu tháng này, tờ Politico đưa tin rằng Trung Quốc “đang tiến tới ranh giới đỏ trong việc cung cấp đủ thiết bị không gây sát thương nhưng hữu ích về mặt quân sự cho Nga để có tác động vật chất đến cuộc chiến kéo dài 17 tháng của Tổng thống Vladimir Putin tại Ukraine”.

Tờ Politico nói thêm:

“Thiết bị bảo hộ sẽ đủ để trang bị cho nhiều người được Nga huy động kể từ cuộc xâm lược. Sau đó, có những máy bay không người lái có thể được sử dụng để hướng dẫn hỏa lực pháo binh hoặc thả lựu đạn và kính ngắm quang học nhiệt để nhắm vào kẻ thù vào ban đêm.”

Một phúc trình được giải mật của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 7 năm nay đã kết luận rằng sự hỗ trợ từ Trung Quốc là “rất quan trọng” đối với khả năng Nga tiếp tục tiến hành cuộc chiến chống lại Ukraine.

Đài Loan

Trong khi đó, không có gì bí mật về chuyện Trung Quốc đang để mắt tới láng giềng Đài Loan.

Vào ngày 19 tháng 8, Bắc Kinh đã tiến hành các cuộc tập trận quanh hòn đảo sau khi Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức dừng chân ở San Francisco và Thành phố New York trong khuôn khổ chuyến đi tới Paraguay.

Hãng thông tấn AP đưa tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết các cuộc tập trận là một “cảnh báo nghiêm khắc” về cái mà họ gọi là sự cấu kết giữa “các lực lượng ly khai và nước ngoài.”

Trung Quốc coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và thề sẽ thống nhất hòn đảo này bằng mọi cách. Đài Loan được cai trị độc lập từ năm 1949 và chính quyền hiện tại của Đài Loan cổ súy độc lập.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết vào năm 2022 rằng Trung Quốc sẽ nỗ lực thống nhất hòa bình, nhưng sẽ “không bao giờ hứa từ bỏ việc sử dụng vũ lực và bảo lưu lựa chọn thực hiện mọi biện pháp cần thiết”.

Trung Quốc đã và đang phô trương sức mạnh quân sự của mình bằng cách tiến hành các cuộc tập trận quanh Đài Loan, với việc Quân đội Giải phóng Nhân dân PLA đưa máy bay chiến đấu gần như hàng ngày vào Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Đài Loan.

Vào tháng 8 năm 2022, PLA đã tổ chức cuộc tập trận lớn nhất quanh Đài Loan trong những năm gần đây sau khi Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lúc bấy giờ đến thăm hòn đảo này.

Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật bao quanh Đài Loan kéo dài ba ngày và bao gồm việc bắn phi đạn đạn đạo qua hòn đảo này, một số trong đó đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Philippines. Các cuộc tập trận được tổ chức gần đất liền Đài Loan hơn nhiều so với các cuộc tập trận trước đây, trong đó một số cuộc tập trận tiến vào lãnh hải của Đài Loan.

Trong một tuyên bố chung Trung-Nga hồi tháng 3 năm nay, Moscow cho biết họ “tái khẳng định việc tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc, công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, phản đối bất kỳ hình thức độc lập nào của Đài Loan và kiên quyết ủng hộ các biện pháp mà Trung Quốc thực hiện để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mình.”

(Nguồn Polygraph.info)

Các nhà lãnh đạo BRICS họp ở Nam Phi cùng lúc khối cân nhắc mở rộng

 

Các nhà lãnh đạo BRICS họp ở Nam Phi cùng lúc khối cân nhắc mở rộng

22/08/2023
Chủ tịch Tập Cận Bình và các lãnh đạo BRICS tại Nam Phi ngày 22/8/2023.

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia BRICS – bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - đã hội tụ tại Johannesburg hôm 22/8 để họp thượng đỉnh, ở đó, họ sẽ cân nhắc việc mở rộng khối khi một số thành viên thúc đẩy việc đưa khối này trở thành một đối trọng với phương Tây, theo Reuters.

Căng thẳng toàn cầu gia tăng do chiến tranh Ukraine gây ra và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đã tăng thêm tính cấp bách cho nỗ lực củng cố khối, vốn đã có lúc bị chia rẽ nội bộ và thiếu tầm nhìn nhất quán.

Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc, theo thể thức chuyến thăm cấp nhà nước vào sáng ngày 22/8 trước các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo khác của nhóm vào tối cùng ngày. Ông Tập là người đi đầu ủng hộ mở rộng BRICS.

Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cũng tham dự hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22 đến 24/8.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đang bị truy nã quốc tế vì bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ở Ukraine, sẽ không tới Nam Phi và thay vào đó tham gia trực tuyến.

“Một BRICS mở rộng sẽ đại diện cho một nhóm các quốc gia đa dạng với các hệ thống chính trị khác nhau có chung mong muốn có một trật tự toàn cầu cân bằng hơn”, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa phát biểu trước các cuộc họp.

Việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên cũng nằm trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, các nhà tổ chức hội nghị thượng đỉnh Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra vào đầu năm nay như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng đôla.

BRICS vẫn là một nhóm còn có các khác biệt, từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới hiện đang vật lộn với suy thoái, đến Nam Phi, nước chủ nhà năm nay và một nền kinh tế nhỏ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng điện dẫn đến mất điện hàng ngày.

Ấn Độ ngày càng tăng tương tác với phương Tây, cũng như Brazil dưới thời nhà lãnh đạo mới, trong khi Nga đang bị phương Tây trừng phạt nặng nề vì cuộc chiến ở Ukraine.

Mở rộng khối từ lâu đã là một mục tiêu của Trung Quốc, nước này hy vọng rằng số lượng thành viên đông đảo hơn sẽ tạo ảnh hưởng cho một nhóm vốn đã có khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 GDP toàn cầu.

Các nhà lãnh đạo sẽ tổ chức một buổi họp kín quy mô nhỏ và ăn tối vào tối ngày 22/8, trong đó, họ có thể sẽ thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.

Nhưng việc mở rộng đã trở thành một điểm gây tranh cãi.

Nga rất muốn kết nạp các thành viên mới để chống lại sự cô lập ngoại giao sau cuộc xâm lược Ukraine. Nam Phi cũng đã lên tiếng ủng hộ.

Ấn Độ, quốc gia cảnh giác với sự thống trị của Trung Quốc và đã cảnh báo chống lại việc mở rộng ồ ạt, có “ý định tích cực và tinh thần cởi mở”,

Ngoại trưởng Ấn Độ Vinay Kwatra cho biết. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm giảm ảnh hưởng của nước này.

Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, gần hai chục nước chính thức đề nghị được kết nạp, với một số nước dự kiến sẽ cử đoàn đến Johannesburg.

Chia rẽ trong BRICS tái xuất hiện trước khi bàn về sự bành trướng

 

Chia rẽ trong BRICS tái xuất hiện trước khi bàn về sự bành trướng

23/08/2023
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh BRICS ngày 22/8/2023 ở Johannesburg, Nam Phi. 

Các nhà lãnh đạo BRICS họp vào ngày 22/8 để vạch ra lộ trình tương lai của khối các quốc gia đang phát triển nhưng sự chia rẽ lại xuất hiện trước một cuộc tranh luận gay gắt về khả năng mở rộng của nhóm nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu.

Căng thẳng gia tăng sau cuộc chiến Ukraine và sự đối đầu Mỹ-Trung ngày càng tăng đã thúc đẩy Trung Quốc và Nga tìm cách củng cố BRICS. 

Họ đang tìm cách sử dụng hội nghị thượng đỉnh ngày 22-24 tháng 8 tại Johannesburg để củng cố nhóm - gồm Trung Quốc, Nga, Nam Phi, Brazil và Ấn Độ - trở thành đối trọng với sự thống trị của phương Tây trong các định chế toàn cầu.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói trong bài phát biểu tại diễn đàn kinh doanh BRICS: “Ngay bây giờ, những thay đổi trên thế giới, ở thời đại chúng ta và trong lịch sử đang diễn ra theo những cách chưa từng có trước đây, đưa xã hội loài người đến một thời điểm quan trọng”.

“Tiến trình lịch sử sẽ được định hình bởi những lựa chọn của chúng ta.”

Ông Tập không dự diễn đàn kinh doanh BRICS, bất chấp sự hiện diện của người đồng cấp Cyril Ramaphosa của Nam Phi, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Phát biểu của ông được Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào chuyển tải, và vẫn chưa rõ tại sao ông Tập, người có cuộc gặp với chủ nhà Ramaphosa trước đó trong ngày, lại không tham dự sự kiện này.

Những bình luận từ ông Lula của Brazil chỉ ra sự khác biệt về tầm nhìn trong khối. Các nhà phân tích chính trị cho rằng BRICS từ lâu đã phải vật lộn để hình thành một quan điểm mạch lạc về vai trò của mình trong trật tự toàn cầu.

Ông Lula của Brazil ngày 22/8 nói trong một buổi phát sóng trên mạng xã hội từ Johannesburg: “Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với G7, G20 hay Hoa Kỳ.” “Chúng tôi chỉ muốn tự tổ chức mình.”

Ngoài vấn đề mở rộng, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch thương mại và tài chính nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh BRICS.

“Quá trình phi đô la hóa quan hệ kinh tế của chúng ta một cách khách quan, không thể đảo ngược đang đạt được đà tiến”, ông Putin nói trong một tuyên bố được ghi hình trước.

Nền kinh tế Nga đang vật lộn với các chế tài của phương Tây liên quan đến cuộc chiến của Moscow ở Ukraine. Ông Putin đang bị truy nã theo trát bắt quốc tế vì bị cáo buộc tội ác chiến tranh ở Ukraine và đang được đại diện tại hội nghị thượng đỉnh bởi Ngoại trưởng Sergei Lavrov.

Nước chủ nhà Nam Phi cho biết sẽ không có cuộc thảo luận nào về đồng tiền chung BRICS, một ý tưởng được Brazil đưa ra như một giải pháp thay thế cho sự phụ thuộc vào đồng đô la.

Điểm tranh cãi

BRICS vẫn là một nhóm không đồng nhất, từ Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đến Nam Phi, một quốc gia tương đối nhỏ nhưng vẫn là nền kinh tế phát triển nhất châu Phi.

Nga muốn cho phương Tây thấy rằng họ vẫn còn bạn bè nhưng Ấn Độ ngày càng vươn ra phương Tây, cũng như Brazil dưới thời lãnh đạo mới.

Ấn Độ và Trung Quốc cũng thường xuyên xảy ra xung đột dọc biên giới tranh chấp, làm tăng thêm thách thức cho việc ra quyết định trong một nhóm dựa trên sự đồng thuận.

Phát biểu với các phóng viên ở Washington ngày 22/8, cố vấn an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc Jake Sullivan cho biết ông không thấy BRICS trở thành đối thủ địa chính trị của Mỹ.

Ông nói: “Đây là một tập hợp rất đa dạng các quốc gia…có quan điểm khác nhau về các vấn đề quan trọng”.

Việc mở rộng từ lâu đã là mục tiêu của Trung Quốc. Nước này hy vọng rằng việc mở rộng số lượng thành viên sẽ tạo thêm ảnh hưởng cho một nhóm vốn là nơi sinh sống của khoảng 40% dân số thế giới và chiếm 1/4 tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu.

Nga cũng mong muốn mở rộng thành viên trong khi Tổng thống Nam Phi Ramaphosa lên tiếng ủng hộ ý tưởng này tại cuộc gặp với ông Tập.

Các nhà lãnh đạo BRICS tổ chức một cuộc họp nhỏ và ăn tối vào ngày 22/8, nơi họ có thể thảo luận về khuôn khổ và tiêu chí để kết nạp các quốc gia mới.

Ngoại trưởng Vinay Kwatra ngày 21/8 nói rằng Ấn Độ, vốn cảnh giác trước sự thống trị của Trung Quốc và đã cảnh báo không nên mở rộng nhanh chóng, có “ý định tích cực và tư duy cởi mở”. Trong khi đó, Brazil lo ngại rằng việc mở rộng BRICS sẽ làm suy yếu ảnh hưởng của nước này, mặc dù hôm 22/8 Tổng thống Brazil đã nhắc lại mong muốn được thấy nước láng giềng Argentina gia nhập khối.

Một nguồn tin chính phủ Argentina liên quan tới các cuộc đàm phán để Argentina gia nhập BRICS nói với Reuters rằng dự kiến sẽ không có thành viên mới nào được kết nạp vào khối trong hội nghị thượng đỉnh lần này.

Trong khi khả năng mở rộng BRICS vẫn còn chưa rõ ràng, cam kết của nhóm này trở thành nhà vô địch của thế giới đang phát triển và đưa ra một giải pháp thay thế cho trật tự thế giới do các quốc gia phương Tây giàu có thống trị đã tìm được sự đồng cảm.

Các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ quan tâm đến việc gia nhập BRICS. Trong số đó, gần hai chục nước đã chính thức xin gia nhập, một số dự kiến sẽ cử phái đoàn đến Johannesburg lần này.

Thứ Tư, 7 tháng 6, 2023

Thủ tướng đầu hàng nhóm lợi ích- Điện sẽ có trở lại nhưng ánh sáng sẽ không

  Thủ tướng đầu hàng nhóm lợi ích- Điện sẽ có trở lại nhưng ánh sáng sẽ không.


...............................


 Thủ tướng Phạm Minh Chính có kế hoạch thanh tra và chấn chỉnh lại ngành điện, phát hiện ra nhiều dự án thuỷ điện, điện mặt trời, điện gió có vấn đề. Chẳng hạn như nhiều dự án điện được ưu đãi cấp đất, tiền vốn lãi suất thấp và thủ tục cấp phép nhanh chóng, thuận lợi. Nhưng khi họ có giấy phép trong tay, vừa hoàn thành hoặc chưa kịp hoàn thành đã bán sang tay cho nước ngoài như Trung Quốc, Thái, Singapor chốt lời. Thậm chí có dự án thuỷ điện của Trung Nam khi đi vào hoạt động, bán điện cho EVN đến 7 năm trời cũng chẳng thèm khai báo với cơ quan quản lý bán được bao nhiêu, lời lãi thế nào.


Số lời đó từ đâu ra, từ những ưu đãi về đất, lãi suất và thủ tục nhanh chóng.


Nhà nước ưu đãi thế để các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng làm ra điện phục vụ nhân dân với giá tốt, vì chi phí được giảm nhiều thì giá thành bán ra cũng phải hợp lý.


Việc thanh tra là cần thiết, ví dụ một dự án điện bán cho nước ngoài giá 1000 tỷ.


Doanh nghiệp khai họ làm dự án đến 900 tỷ, bán giá vậy lãi 100 tỷ, đóng thuế theo tỷ lệ lãi.


Nhưng nếu họ chỉ làm hết có 300 tỷ và khai khống mọi thứ để đội giá lên thì sao, số tiền dư kia họ chia chác nhau thì sao, ai là người bị thiệt?


Tiến trình thanh tra các dự án điện mới bắt đầu thì khắp nơi nổ ra những dự đoán năm nay sẽ thiếu điện, từ tháng 4 năm 2023 báo chí liên tiếp đưa những bài dự đoán thiếu điện trầm trọng do nguyên nhân nọ, nguyên nhân kia.


Rồi đến tháng 5 năm 2023 khi thủ tướng ký quyết định số 500 phê duyệt quy hoạch điện lực quốc gia, nhằm bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp đủ để phát triển kinh tế xã hội...nói nôm na là thanh tra, kiểm tra làm sáng tỏ những bọn lôm côm, lợi ích nhóm lũng đoạn ngành điện. Sau đó đưa vào quy củ để ngành điện không còn bị lũng đoạn giá, không còn bị kiểu khủng bố cắt điện, không còn những bọn dựa vào chính sách ưu đãi, quan hệ maphia hưởng lợi.


Đặc biệt ông Chính nhấn mạnh - không hợp thức hoá những sai phạm.


Quyết định 500 vừa ký xong, lập tức khắp các nơi thiếu điện.


Nhóm lợi ích lũng đoạn ngành điện thật đáng sợ, đầu tiên chúng đưa ra cảnh báo sẽ thiếu điện, như một lời đe doạ rằng nếu chính phủ ông Chính đụng đến chúng, đất nước sẽ rơi vào khó khăn vì thiếu điện, ảnh hưởng đến an ninh, kinh tế.


Khi ông Chính không nghe, cứ thanh tra và ra quyết định, cảnh báo của chúng được thực hiện ngay lập tức. Điện cắt luân phiên các nơi, tạo thành khủng hoảng.


Cuối cùng thì ông Chính cũng biết sợ, hôm qua ngày 6 tháng 6 năm 2023 ông đành xuống nước nhân nhượng, chấp nhận chỉ đạo Bộ Công Thương đàm phán giá điện với nhóm lợi ích, tức hợp hoá những dự án của chúng. Việc này được giao cho ông phó thủ tướng Trần Hồng Hà đảm nhiệm.


Ông Hà là người được nhóm lợi ích đưa lên, mới đây trong buổi công bố quy hoạch Hà Tĩnh hôm 28 tháng 5, ông Hà đại diện chính phủ đi cùng ông Huệ dự. Trong buổi lễ này có sự tham dự và phát biểu của vài doanh nghiệp, chỉ vài doanh nghiệp như FPT, Formosa và BCG.


BCG là tập đoàn đang nắm nhiều dự án điện, chỉ vài ngày sau hội nghị Hà Tĩnh. EVN ký hợp đồng mua điện từ Nhà Máy Điện Mặt Trời, dự án của BCG. Đồng thời cũng mua điện dự án Thiên Tân của ông Đỗ Quang Hiển và dự án của Trung Nam ( mặc dù điều tra sai phạm chưa xử lý ).


Làn sóng nhóm lợi ích cản trở và phá hoại những chính sách của ông Chính không phải chỉ ngành điện hôm nay, trước đây đã xảy ra ở bộ y tế và nhiều nơi khác. Cứ đụng vào thanh tra, chấn chỉnh là sẽ thiếu thốn, khủng hoảng. Kịch bản bộ y tế thiếu thuốc men, vật tư y tế...khủng hoảng trầm trọng ảnh hưởng đến người dân, giờ cũng y chang thiếu điện sản xuất, sinh hoạt ảnh hưởng đến người dân.


Xin hỏi thực sự những bạn đọc.


Từ khi ông Chính làm thủ tướng đến nay, các bạn đã thấy vợ con ông và bản thân ông dính đến dự án tham nhũng, nhóm lợi ích, sân sau  nào chưa ?


Từ khi ông làm thủ tướng, ông có huênh hoang phét lác về những thành tích chưa, hay ông chỉ nhăn nhó nêu ra những khó khăn, trở ngại.


Nếu cho rằng ông dính đến bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong dự án bệnh viện Đồng Nai cách đây hơn mười năm là thật, một dự án làm thiêt hại hơn một trăm tỷ của nhà nước. So với các ông khác thì việc đó có ghê gớm hơn không ?


Từ khi ông làm thủ tướng, có Kols nào khen ông liêm chính, kiến tạo, đổi mới, năng động như các ông thủ tướng trước kia không ? Hay toàn dèm pha , dè bỉu ông ?


Cá nhân tôi quan sát ông Chính từ khi nhậm chức thủ tướng đến giờ , ông là người trung thực và tận tâm , trách nhiệm trên cương vị của mình hơn các đời thủ tướng trước. Ông không la cà lấy lòng bọn truyền thông, nhóm lợi ích. Không ba hoa bịp bợp về những thành tích. Tôi cũng đánh giá cao sự lựa chọn táo bạo của ông Trọng khi bất ngờ đưa ông Chính từ vị trí chưa có tiền lệ lên làm thủ tướng.


Nhưng thể chế xã hội chủ nghĩa do đảng CSVN cai trị không thể nào có được những phát triển như Trung Quốc đã đạt được. Bởi tính chủ nghĩa dân tộc của Trung Quốc rất cao, còn Việt Nam chỉ có chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa lợi ích nhóm. Trung Quốc có tham nhũng, có bè phái. Nhưng bọn tham nhũng Trung Quốc trước những chính sách phát triển của đất nước, chúng không vì lợi ích, quyền lợi cá nhân mà phá hoại những chính sách có lợi cho đất nước chúng.


Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính là những đốm sáng nhỏ nhoi muốn vực lại đất nước trong khuôn khổ của chế độ cộng sản lãnh đạo. Nhưng đó chỉ là đội đá vá trời, dã tràng xe cát. Thời gian của hai ông trên cương vị lãnh đạo không còn nhiều nữa. Mọi cố gắng thay đổi mà không đủ lực sẽ làm mọi thứ trở nên khủng hoảng hơn.  Cho dù các ông có xây dựng bằng kỷ cương sắt đá để có bộ máy quan chức tư cách đạo đức tốt, nhưng chả mấy rồi mọi thứ lại quay về như cũ.


Chủ nghĩa xã hội mà không đi cùng chủ nghĩa dân tộc, sẽ trở thành lạc loài trong thế giới này, sẽ là kẽ hở cho chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm phát triển. Gạt bỏ hay coi nhẹ chủ nghĩa dân tộc trong công cuộc chấn chỉnh và xây dựng đất nước, chỉ nhăm nhăm dùng học thuyết cộng sản và đạo đức, tư tưởng HCM làm kim chỉ nam là quá lỗi thời, quá bảo thủ và quá sai lầm.


Vận dụng chủ nghĩa dân tộc, tức sử dụng được nguồn chất xám trong nhân dân. Có vô vàn những trí thức muốn đóng góp sức mình để mong đất nước phát triển, họ không cần đến lợi ích hay quyền lực.


 Nếu như những trí thức này sẽ gây hại đến chủ nghĩa xã hội, đưa chủ nghĩa xã hội Việt Nam đến chỗ diệt vong, thì tương lai sau đó của đất nước sẽ vẫn có hy vọng sáng lạn hơn, vì còn ý thức của người dân về trách nhiệm với đất nước. Còn để bọn lợi ích nhóm lan tràn, chúng phát triển thành những tư bản đỏ, đưa chủ nghĩa xã hội Việt Nam đến diệt vong, tất nhiên tương lai đất nước này sau đó thê thảm hơn là điều tất nhiên, vì chúng đã ăn hết, bán hết mọi thứ. Bọn lợi ích nhóm khi ăn hết và phá xong CNXH, để lại cho người ý thức,lối sống ích kỷ, tư lợi...phải mất rất nhiều thời gian ý thức xây dựng đất nước mới quay trở lại trong đầu mỗi người dân. Nhiều lắm, có thể là hàng chục năm.


Đất nước này đến giờ còn có thằng lưu manh, vô học bỏ thời gian viết về vận nước, dù là động cơ xấu xa gì đi nữa cũng là may. May vì điều đó khẳng định rằng, nếu có thằng lưu manh, vô học quan tâm vận nước thì ắt phải có vô vàn những trí thức, những người có đầu óc, có tư chất tốt đang đau đáu với vận nước hơn nhiều. 


Đã đến lúc những nhà lý luận cộng sản rời bỏ sự độc tôn của mình, chấp nhận để chủ nghĩa dân tộc song hành, khơi dậy được những nguồn lực, chất xám ngoài đảng để đóng góp cho sự phát triển đất nước theo hướng văn minh, dân chủ và khoa học. Không nên dùng vòng kim cô  với lý do bảo vệ lý tưởng cộng sản mà trấn áp một cách mù quáng những ý kiến đóng góp khác biệt.


Bùi Thanh Hiếu 


Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Tổng bí thư tương lai- Vương Đình Huệ

  Tổng bí thư tương lai- Vương Đình Huệ.


Lợi thế người kế nhiệm ông Trọng ở chức vụ tổng bí thư đến nay không ai vượt được ông Vương Đình Huệ, trừ những yếu tố bất ngờ như việc ông Lê Khả Phiêu lên làm tổng bí thư, thì căn cứ theo những tiêu chí thông thường, ông Huệ chắc chắn đến 90% sẽ là người kế nhiệm ông Trọng.


Quy định chức TBT phải từ ba vị trí chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội đi lên. Trong khi hai kỳ trước chức TBT đều từ chức CTN đi lên, ông Huệ đã lợi thế rất lớn ở chuyện này.


Về sức quy tụ sức mạnh trong đảng, ông Huệ cũng lấn át vượt trội so với hai ông Chính và Thưởng.


Ông Huệ chỉ mất cơ hội nếu như ông Trọng tiếp tục làm TBT khoá 14, nhưng 90% điều này sẽ không xảy ra.


Ông Huệ được ông Trọng định đưa vào bộ chính trị bổ sung năm 2013, nhưng không thành, hai người bầu bổ sung lúc ấy là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân. Phải đến năm 2016 ông Trọng mới đưa được ông Huệ vào Bộ Chính Trị và sắp xếp cho ông Huệ đi theo lộ trình mà ông Trọng đã đi, tức làm bí thư Hà Nội rồi làm chủ tịch quốc hội.


Trong thân nhân ruột của ông Huệ có anh trai là liệt sĩ hy sinh năm 1973, bố ông bị dính bom Mỹ thương nặng rồi mất. Về lý lịch ông khá ổn.


Những tiêu chí vượt trội so với những người khác để đánh giá ông Huệ sẽ là tổng bí thư, cũng khớp với những tin đồn nội bộ bên trong cho biết ông Huệ sẽ làm người kế nhiệm ông Trọng. Tin đồn cũng cho biết ông Chính sẽ vững chức thủ tướng đến hết nhiệm kỳ, còn ông Tô Lâm sẽ về hưu khi hết nhiệm kỳ này.


Khi những uỷ viên BCT có quyền lực và có thời gian trong BCT nhiều về hưu, người ở lại sẽ có quyền lực lớn nhất, đó là trường hợp của ông Trọng. Ông Trọng mãi đến nhiệm kỳ 13 khi những người cùng vào bộ chính trị cùng khoá với ông là Trương Tấn Sang, Nguyễn Tấn Dũng về hưu, lúc đó quyền lực ông Trọng mới thực sự toả sáng và uy lực như bây giờ.


Vào năm 2026 khi khoá 14 của đảng diễn ra, đến 2/3 các uỷ viên BCT bây giờ đều đã quá tuổi tái cử. Những người có tuổi trong Bộ chính trị nhiều nhất và còn độ tuổi tái cử  đến lúc ấy chỉ duy nhất có ông Thưởng. Ông Thưởng vào BCT năm 2016 , đến năm 2026 ông 56 tuổi. Các ông khác như Trần Tuấn Anh, Trần Thanh Mẫn, Đinh Tiến Dũng nếu có tái cử trúng thì độ thời gian trong BCT vẫn kém ông Thưởng một nhiệm kỳ 5 năm.


Ông Huệ cũng quá tuổi, nhưng ông sẽ được xếp vào trường hợp đặc biệt được ở lại để giữ vị trí tổng bí thư lúc 69 tuổi.


Ông sẽ trở thành cây cao, bóng cả, có đủ uy để đảm nhiệm chức tổng bí thư.


Gần như 3 vị trí trong 4 vị trí tứ trụ khoá 14 đã được ngã ngũ ngay từ bây giờ.


Đó là ông Vương Đình Huệ làm tổng bí thư


Ông Trần Thanh Mẫn chủ tịch quốc hội


Ông Võ Văn Thưởng tiếp tục chủ tịch nước.


Vị trí thủ tướng và sự nghiệp của ông Phạm Minh Chính là đáng bàn nhất. Ông Chính sinh năm 1958, đến đại hội 14 ông 68 tuổi, quá tuổi tái cử.


Nếu ông Chính về, thì người kế nhiệm ông phải có một nhiệm kỳ trong BCT và còn đủ tuổi. Chiếu theo quy luật này thì chỉ còn ông Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh, Trần Cẩm Tú là có đủ tiêu chuẩn thay ông Chính.


Đương nhiên ở quyền trưởng ban kiểm tra trung ương, ông Tú sẽ có những chiến lược để hạn chế hai ông Đinh Tiến Dũng và Trần Tuấn Anh, phòng xa chức thủ tướng biết đâu đến lượt mình. Ông Chính làm bí thư Quảng Ninh rồi làm trưởng ban đảng tiếp đến làm thủ tướng, thì ông Mẫn cũng làm bí thư Thái Bình rồi sang làm trưởng ban đảng, có lý gì mà không được quyền nghĩ đến chức thủ tướng khi ông Chính về?


Những người Hà Tĩnh trong trung ương nhất định sẽ ủng hộ ông Tú, loại bớt 2 suất trong BCT này, chắc chắn sẽ có những người Hà Tĩnh đang mong thay thế. Không được 2 suất BCT thì ít cũng phải được một, suất còn lại để cho phe liên minh. Ông Tú là người được ông Trương Tấn Sang đưa từ Hà Tĩnh ra Thái Bình là bí thư tỉnh uỷ, rồi tiến về Hà Nội như cách đã làm với Đặng Quốc Khánh đưa từ Hà Tĩnh làm bí thư Hà Giang rồi tiến về Hà Nội.


 Ngay khi thấy ông Đinh Tiến Dũng, Trần Tuấn Anh lọt vào bộ chính trị và có thể thành đối thủ cạnh tranh, ông Tú đã ra đòn ngăn chặn trước. Ngày 30 tháng 9 năm 2021 đích thân ông Tú công bố sai phạm của Bộ Tài Chính thời kỳ ông Đinh Tiến Dũng làm bộ trưởng và sai phạm của Bộ Công Thương thời kỳ ông Trần Tuấn Anh làm bộ trưởng.


Việc ông Huệ mới đây về dự lễ công bố quy hoạch Hà Tĩnh, như chỉ dấu muốn nói ông ủng hộ những người Hà Tĩnh và đổi lại những người Hà Tĩnh sẽ ủng hộ ông khi ông làm tổng bí thư.


Nhìn thấy sự hoành tráng ăn mừng thiếu tướng Phạm Bá Hiền được phong tướng trong ngôi biệt thự xa hoa như cung điện của vương triều Châu Âu, các quan chức đầu tỉnh Hà Tĩnh chúc mừng một cách như phô trương thế lực....cảm thấy hậu Nguyễn Phú Trọng những điều ông mong muốn về tư cách, đạo đức của người cộng sản lãnh đạo chỉ là những mong muốn viển vông, nhất thời của một ông già lẩn thẩn. Người ta vì chiều người già mà để ông nói cho khuây khoả những ngày cuối đời.

Bùi Thanh Hiếu 

Làm khổ trẻ con

 

Làm khổ trẻ con

Nguyễn Thông

6-6-2023

Vẫn biết người càng ngày càng đông, học trò càng ngày càng nhiều, cơ sở vật chất trường lớp thì chưa đủ, nên nhà chức việc quản lý giáo dục phải bày ra trò thi tuyển.

Kỳ thi vào… lớp 10 cho năm học mới mà người ta bắt đầu sáng nay là vậy. Hàng mấy chục vạn đứa trẻ lứa tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” bị đẩy vào cuộc cạnh tranh, lo lắng, mất ăn mất ngủ, sợ sệt, chán nản, mà không chỉ riêng chúng, còn kéo theo cả cha mẹ, gia đình vào cuộc tranh đua vất vả vĩ đại ấy.

Ở xứ này, người ta có thể chi tiền tỉ tỉ để làm tượng đài, cổng chào, in sách không người đọc ra 7 thứ tiếng, chăng khẩu hiệu, lễ lạt linh đình, hội thảo hội nghị kỷ niệm ông này bà nọ ngày sinh ngày mất, thậm chí tổ chức cả hội nghị hoành tráng chỉ để tiễn một ông quan loại xoàng đến tuổi về hưu. Tiền ném qua cửa sổ, nhưng trường lớp cho trẻ con học hành vẫn thiếu kinh niên, khiến chúng và cha mẹ chúng bị đẩy vào cuộc tranh đua kỳ dị. Mà vất vả đâu phải để được làm ông nọ bà kia, chỉ để được đi học, được có kiến thức sau này có ích cho đời, cho dân cho nước, cho chính bản thân mình, không thành gánh nặng cho xã hội.

Những đứa trẻ nhà nghèo, học lực trung bình, rất dễ bị cuộc thi chọn vào lớp 10 đánh trượt (người ta ước tính khoảng 30% thí sinh bị trượt). Bố mẹ chúng tất nhiên không có tiền cho chúng học trường tư học phí cao, nên lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn “con sãi ở chùa lại quét lá đa”, thậm chí chúng được bổ sung cho đám thanh niên hư hỏng, phá phách. Nguyên nhân ban đầu là “búp trên cành” không được đi học, bị bộ máy cai trị gây khó dễ, gián tiếp cấm cửa, không cho tới trường.

Nhà nước có trách nhiệm phải xây đủ trường lớp cho tất cả trẻ em được đến trường, đi học, chứ không phải duyệt chi làm tượng đài, nhà lưu niệm. Quốc hội họp để bàn những chuyện này, chứ không phải đòi… thượng tướng.

Đứa cháu họ tôi sống ở bên Úc kể mấy đứa con của nó đi học không mất tiền, cứ học hết lớp này, cấp này thì học tiếp lên lớp khác, cấp khác, như sự đương nhiên, không phải thi thiếc gì cả, thi vào lớp 10 lại càng không. Trẻ con sướng, cha mẹ cũng sướng. Giáo dục không phải là thứ khổ nạn đổ lên đầu dân như ở xứ này.

Cuộc phản công của Ukraine sẽ dẫn đến vô số thương vong…

 

Cuộc phản công của Ukraine sẽ dẫn đến vô số thương vong…

New York Times

Cù Tuấn, biên dịch

6-6-2023

Tóm tắt: “Đằng nào bọn tôi chả chết”, một tân binh Ukraine nói thẳng thừng khi anh tham gia huấn luyện vào thứ Sáu cùng hàng trăm người khác tại một trại quân sự ở Yorkshire, Anh.

Khi các chỉ huy Ukraine chuẩn bị cho một cuộc phản công quan trọng nhằm đẩy lùi lực lượng Nga trong cuộc chiến ở Ukraine, Vadym, 23 tuổi, một tân binh từ Kiev, nói rằng anh muốn được ra tiền tuyến, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc có thể mất mạng.

“Đằng nào bọn tôi chả chết”, Vadym nói thẳng thừng khi anh tham gia buổi huấn luyện vào thứ Sáu tại một trại quân sự ở Yorkshire, Vương quốc Anh. Vadym là một trong số hàng trăm người Ukraine tình nguyện tham gia khóa huấn luyện cơ bản kéo dài 5 tuần, vì thời gian tới đây có thể là một trong những giai đoạn đẫm máu nhất trong cuộc chiến đã kéo dài 15 tháng. Giống như những tân binh khác, anh yêu cầu phóng viên chỉ nêu tên, không nêu họ của mình.

Vadym cho biết quan điểm bi quan về cơ hội sống sót của anh cũng không khác gì khi so với quan điểm của các tân binh khác, tất cả họ hiện đã đi được nửa chặng đường.

“Họ muốn chiến đấu, và việc ở trong địa ngục tiền tuyến là một phần của điều đó”, Vadym nói, khuôn mặt trẻ con của anh được phủ một lớp sơn ngụy trang. “Tôi đã thấy tất cả những nguy hiểm trong đó. Nó không quan trọng”.

Anh tự sửa lại: “Tất nhiên đó là vấn đề, nhưng dù sao, đó là cái giá mà chúng tôi phải trả”.

Có thể vẫn còn vài tuần, nếu không muốn nói là vài tháng, trước khi Vadym và những người khác hiện đang trải qua khóa huấn luyện cơ bản được tham gia chiến đấu thực sự. Thời gian của cuộc phản công như hứa hẹn của Ukraine đã được giữ bí mật chặt chẽ, mặc dù các nhà lãnh đạo Ukraine trong những ngày gần đây cho biết họ đã sẵn sàng làm việc này.

Việc những người Ukraine trẻ tuổi hiện đang nhập ngũ, đúng lúc để tham gia một chiến dịch quân sự có thể kéo dài vô thời hạn, gợi lên sự so sánh với những người đàn ông và phụ nữ Mỹ đã đăng ký nghĩa vụ quân sự sau vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt chính: Những người Mỹ sống sót sau cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan đã trở về quê hương tương đối an toàn. Những người Ukraine hôm nay phải bò qua các chiến hào đầy bùn và xông vào một khách sạn tạm thời trong các cuộc tập trận hôm thứ Sáu 2/6 có thể bị buộc phải chiến đấu vì tổ quốc họ trước nước láng giềng Nga trong nhiều năm tới.

Và trong khi các lực lượng phương Tây thường có nhiều năm huấn luyện, và nhiều người nhập ngũ là quân nhân chuyên nghiệp muốn biến quân đội thành sự nghiệp, thì người Ukraine lại có “tâm lý khác”, Trung úy Jordan Turton, một sĩ quan bộ binh người Anh từng làm việc với các tân binh này cho biết.

“Năm tuần trước, một trong số họ là phiên dịch viên, một người làm công việc bán hàng, một người làm thợ cắt tóc”, Trung úy Turton nói. “Cảm giác bao trùm là họ muốn bảo vệ đất nước của họ, bảo vệ những người thân yêu của họ, bảo vệ bạn bè và gia đình của họ”.

Các cuộc tập trận quân sự ở Yorkshire, một thung lũng xanh và vàng – không giống như thảo nguyên ở đông nam Ukraine, nơi các phần của cuộc tấn công dự kiến ​​sẽ diễn ra – là nhiệm vụ mới nhất trong một nhiệm vụ lớn: huấn luyện gần 15.000 tân binh trong năm qua.

Công việc này được giao cho quân đội Anh và Na Uy, những người gần đây đã bắt đầu chỉ cho các tân binh Ukraine cách vô hiệu hóa máy bay không người lái – một hành động khẳng định tầm quan trọng ngày càng tăng của chúng trên chiến trường, đặc biệt là trong chiến tranh chiến hào đã trở thành dấu ấn của cuộc giao tranh giữa bộ binh Nga và Ukraine.

Trung úy Turton, người đã trải qua khóa đào tạo cơ bản cách đây không lâu, cho biết các tân binh Ukraine đều rất ham học hỏi.

“Thành thật mà nói, khi nhìn lại giai đoạn này trong quá trình đào tạo của tôi trước đây, tôi thấy họ giỏi hơn tôi rất nhiều”, anh nói.

Chỉ hơn sáu tuần trước, một trong những người nhập ngũ và tới đây huấn luyện, Ihor, đang làm thợ xây đá ở Lviv. Anh cho biết vợ và hai con của mình đã bị sốc khi anh tuyên bố sẽ tình nguyện nhập ngũ.

“Và khi họ bình tĩnh lại, họ hiểu”, Ihor sinh năm 1990 – năm cuối cùng mà Ukraine còn là một phần của Liên Xô, nói. Ihor cho biết, mặc dù dân chủ và các lý tưởng phương Tây khác luôn là một phần giá trị của anh, nhưng phải đến những năm gần đây, anh mới bắt đầu coi nước Nga là một mối đe dọa.

“Tuyên truyền của Nga nói rằng chúng tôi là các quốc gia anh em”, Ihor nói. “Nhưng một người anh em không đến thăm một người anh em với vũ khí trong tay”.