Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Ai là “tấm gương” gây “hiệu ứng bắt chước” nhảy lầu?

 

Ai là “tấm gương” gây “hiệu ứng bắt chước” nhảy lầu?

Chu Mộng Long

Theo ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT), MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng có hình ảnh em bé mồ côi nhảy lầu tự tử do cùng quẫn, không ai chia sẻ. Đó là hình ảnh "tiêu cực, gây tác hại lớn", cần xử phạt. Nhiều người đồng tình, vì cho rằng, hình ảnh ấy có thể gây "hiệu ứng bắt chước" ở rất đông trẻ em thần tượng Sơn Tùng.

Nhiều người nói, Sơn Tùng ảnh hưởng mạnh ở trẻ, hình ảnh nhảy lầu tự tử trong MV là tấm gương cho trẻ noi theo. Cái lý này mà đúng thì các tấm gương anh hùng đều có hại?

Với cái lý tự tử thành tấm gương cho trẻ noi theo khiến tôi muốn truy từ "gốc", trong cái nghĩa như họ đưa ra, là ai làm gương đầu tiên? Đơn giản là "gốc" của những vụ nhảy lầu gần đây. 

Tôi thử tra Google, trong 0,35 giây, có 430.000 kết quả thông tin về cán bộ và trẻ em nhảy lầu tự tử.

Vụ đầu tiên ầm ĩ gây hiệu ứng mạnh nhất trong dư luận và báo chí nhà nước là vụ Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Hải An nhảy (té ngã?) từ tầng 8 văn phòng bộ. Chính xác vào ngày 17 tháng 10 năm 2019. Tiếp theo là hàng loạt từ cán bộ cấp trung ương đến cấp phường, từ giảng viên cấp học viện đại học đến trẻ em cấp trung học. Một Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo lẽ nào không có ảnh hưởng mạnh hơn thằng nhóc Sơn Tùng? 

Nếu nói ảnh hưởng kém hơn thì khác nào ngành giáo dục tự thú sự bất lực trong định hướng tích cực lẫn tự thú những nội dung và phương pháp dạy học tiêu cực! Cả một hệ thống giáo dục với đội ngũ tinh hoa đồ sộ mà không đáng xách dép thằng nhóc làm MV?

Báo chí và dư luận ầm ĩ vụ này với những mô tả tiêu cực có gây tác hại lớn không?

Trong khi MV “There’s No One At All” của Sơn Tùng chỉ mới xuất hiện vào tối 28/04/2022. Hàng ngàn người xem nhưng chưa có vụ nào học tập và làm theo nhân vật để gọi là gây tác hại lớn. Lạ là không ai xem các vụ nhảy lầu thật của cán bộ, giảng viên là tấm gương mà lại lấy MV Sơn Tùng với hình ảnh ảo ra làm gương cho trẻ bắt chước?

Trái đất đang quay ngược chăng?

C.M.L.

Không có mô tả ảnh.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Chính trị gia Đức nhìn thấy Tập trong 'ngõ cụt'

 

Chính trị gia Đức nhìn thấy Tập trong 'ngõ cụt'

Phan Ba dịch / Deutsche Politiker sehen Xi in der "Sackgasse" / N-TV.DE

Chính phủ liên bang Đức đang lập một chiến lược mới cho Trung Quốc. Và chiến lược này cần phải chú ý đến việc lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ lại có sự phản đối công khai và rõ ràng. Các chính trị gia chuyên về đối ngoại của Đức tin chắc rằng những cuộc biểu tình này không chỉ là nhằm để phản đối các biện pháp nghiêm ngặt chống corona.

Các chính trị gia đối ngoại của Đức nhìn thấy một phẩm chất mới trong các cuộc biểu tình ở Trung Quốc và e ngại một phản ứng gay gắt từ chính phủ ở Bắc Kinh. Chính trị gia chuyên về đối ngoại của đảng SPD Nils Schmid nói rằng chính sách corona cực kỳ nghiêm ngặt ở Trung Quốc chỉ có thể được thực thi bằng quyền lực của một chế độ độc tài và từ lâu đã vượt quá "giới hạn của những gì có thể chấp nhận được". Phó lãnh đạo nhóm nghị sĩ của đảng FDP Alexander Graf Lambsdorff cho biết: "Tôi từ lâu đã tin rằng chính sách không Covid của Đảng Cộng sản Trung Quốc chắc chắn sẽ thất bại. Áp lực trong dân chúng ngày càng tăng như trong nồi hơi và bây giờ đã bộc phát ra ngoài. Trong đó, liên kết giữa những cuộc biểu tình phản đối corona với yêu cầu đòi tự do và dân chủ trong khuôn viên của Đại học Thanh Hoa cho thấy một phẩm chất mới."

Trong Bộ Chính trị và Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều này chỉ có thể được coi là mối đe dọa đối với yêu sách toàn quyền của chính họ, Lambsdorff nói với Thông tấn xã Đức. "Do đó, người ta phải e ngại một phản ứng rất gay gắt từ chế độ. Các cuộc biểu tình vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Sẽ thật ngây thơ khi tin rằng chúng có thể dẫn đến những thay đổi cơ bản ở giai đoạn này." Tại Trung Quốc, chính sách nghiêm ngặt về corona vào cuối tuần đã dẫn đến những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Hàng trăm người biểu tình đã xuống đường ở thủ đô Bắc Kinh và các thành phố triệu dân khác.

"Không có những cuộc biểu tình nào như vậy được biết đến cho đến nay"

Người phát ngôn về chính sách đối ngoại của nhóm nghị sĩ SPD, Schmid, nói: "Các cuộc biểu tình cho thấy nhu cầu có tự do là phổ quát." Người dân Trung Quốc muốn có thể được phát triển tự do như bất kỳ nơi nào khác. "Từ lâu rồi, việc ngoan cố bám chặt vào chính sách cô lập không còn có thể được giải thích chỉ bởi vì Corona, mà nó có tác dụng ngăn cách xã hội Trung Quốc với thế giới và phục vụ cho việc giữ vững quyền lực của Đảng Cộng sản."

Tổng thư ký đảng FDP Bijan Djir-Sarai nói với các tờ báo của nhóm truyền thông Funke: "Cho đến nay người ta không biết đến những cuộc biểu tình nào giống như thế này. Chúng cho thấy mức độ bất mãn hiện tại đối với các chính sách đàn áp của Đảng Cộng sản." Trung Quốc đang phải đối mặt với những thách thức to lớn về chính sách đối ngoại và kinh tế. "Bây giờ cộng thêm vào đó là những khó khăn chính trị lớn trong nước. Chiến lược Trung Quốc của chính phủ Đức phải tính đến điều này."

Chính phủ liên bang Đức hiện đang thiết lập một chiến lược mới đối với Trung Quốc. Theo một hồ sơ đầu tiên, nhân quyền cần nên đóng một vai trò lớn hơn. Ngoài ra, phải giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu, ví dụ như đối với nguyên liệu thô. Quan hệ với Đài Loan cần phải được mở rộng.

Chính trị gia nước ngoài thuộc đảng Xanh Jürgen Trittin giải thích rằng chính sách không Covid do Tập Cận Bình ban hành, cùng với chiến lược tiêm chủng thất bại, đang khiến Trung Quốc đi vào ngõ cụt. "Lần đầu tiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc phải đối mặt với sự chỉ trích một cách rộng rãi chính phủ của họ."

P.B. dịch

Nguồn bản gốc: Deutsche Politiker sehen Xi in der "Sackgasse"

Nguồn bản dịch: FB Phan Ba

Covid 19: Báo chí quốc tế và Việt Nam đưa tin khác nhau về ‘biểu tình ở TQ’?

 

Covid 19: Báo chí quốc tế và Việt Nam đưa tin khác nhau về ‘biểu tình ở TQ’?

BBC tiếng Việt

“Đặc sắc chống Covid-19” của Tập Cận Bình phá sản

Tập duy ý chí, coi thường dân, cứ khăng khăng một mình một kiểu Zero covid, bất chấp sự phẫn uất của dân, không thèm để ý thế giới ra sao. 

Dân đã vùng dậy biểu tình ở nhiều nơi. Nhưng với bàn tay sắt của Tập, dân lại bị dìm trong máu thôi! Biết vậy mà dân vẫn vùng lên đủ thấy lòng dân đã hết mức chịu đựng.

Mạc Văn Trang

China

Người biểu tình giơ cao các tờ giấy trắng như một cách phản đối sự kiểm duyệt của chính quyền TQ. ẢNH: GETTY IMAGES

28 tháng 11 2022

Truyền thông quốc tế đưa tin đều về làn sóng biểu tình phản đối chính sách chống Covid hà khắc của Đảng Cộng sản Trung Quốc nhưng đài báo Việt Nam có vẻ chưa đăng.

Hai ba ngày qua, tin về các cuộc biểu tình lan rộng ra trên 30 đô thị ở Trung Quốc được truyền thông quốc tế loan tải rộng rãi.

Một cuộc biểu tình với vài trăm người Hoa tham gia đã diễn ra trước Đại sứ quán TQ ở London tối Chủ Nhật.

Cùng ngày, chừng 100 người, gồm cả sinh viên TQ đã biểu tình ở  Shinjuku,  Tokyo, lên án Đảng CS TQ về chính sách lockdown.

Mới nhất, trang BBC News sáng thứ Hai 28/11 cho hay phụ nữ và sinh viên “đi đầu trong các cuộc đấu tranh” ở đô thị TQ.

Trung Quốc: Biểu tình phản đối Covid lan rộng, Tập Cận Bình đối mặt thách thức lớn

Người biểu tình Trung Quốc công khai đòi ông Tập Cận Bình từ chức do cách chống Covid

Zero Covid ở TQ: Người biểu tình đụng độ cảnh sát tại nhà máy sản xuất iPhone lớn nhất thế giới

Tin một phóng viên BBC, Ed Lawrence bị tạm giữ ở Trung Quốc khi đưa tin biểu tình cũng được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội toàn cầu, và Bộ trưởng Ngoại giao Anh James Cleverly đã lên tiếng về vụ việc.

Hiện ông Ed Lawrence đã được công an Thượng Hải thả ra.

Còn được gọi là phong trào biểu tình Giấy trắng hay cuộc phản đối A4, nhiều thanh niên Trung Quốc mang theo tờ giấy trắng khổ A4 ghi dòng chữ yêu cầu nhà nước giảm các biện pháp hà khắc triệt đường sống của người dân.

Ed Lawrence

Nhà báo Ed Lawrence của BBC ở Trung Quốc

Theo trang Deutsche Welle của Đức thì việc công khai đòi ông Tập Cận Bình, người vừa “đăng quang” nhiệm kỳ ba sau Đại hội 20 của Đảng Cộng sản từ chức, là dấu hiệu dân Trung Quốc “không thể chịu nổi nữa”, sau ba năm chống dịch theo kiểu của Đảng Cộng sản.

Một nhà báo của BBC Tiếng Trung ở London không nêu tên cho hay người dân Trung Quốc hiểu rõ hơn bức tranh “hết Covid” hoặc sống cùng Covid bình thường khi xem giải World Cup 2022 ở Qatar.

Họ thấy hàng triệu người trên thế giới đã thoát qua đại dịch và có thể thi đấu thể thao, đi lại xem bóng đá bình thường, còn Trung Quốc thì vẫn bị phong tỏa.

Họ cũng thấy truyền hình quốc gia Trung Quốc đăng hình đệ nhất phu nhân Bành Lệ Viện được nước chủ nhà Thái Lan đãi quốc yến (trong kỳ họp APEC ở Bangkok, mà Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự), còn tại Trung Quốc việc tụ tập ăn uống ở nhà hàng chỉ được phép ở những khu vực “không Covid tại một số đô thị”.

Cảm xúc bị đối xử bất công chỉ vì Đảng Cộng sản “mắc bệnh sĩ diện”, cố chứng minh cách chống dịch “đặc sắc Trung Hoa là đúng”, khiến tâm lý xã hội bùng nổ, nhà báo BBC Tiếng Trung giải thích.

Tuy thế, ông cho hay truyền thông Trung Quốc tuyệt đối kiểm soát tin biểu tình và cảnh chiếu các trận bóng đá World Cup đã bị cắt nếu “có hình người trên khán đài không đeo khẩu trang”.

Theo nhà báo này, ba năm chống dịch đang làm "kiệt quệ" ngân sách công của các đô thị ở Trung Quốc.

China

Người dân TQ biểu tình phản đối cách chống dịch Covid của chính quyền nước này. Ảnh : REUTERS

Truyền thông Việt Nam không biết gì về các cuộc biểu tình?

Trang Tuổi Trẻ hôm 28/11 chạy tựa, nhấn mạnh góc nhìn của truyền thông chính thống TQ: “Trung Quốc nhấn mạnh coi trọng sinh mạng người dân trong chống COVID-19”.

Trang này nhấn mạnh ”truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm nay 28/11 thông tin về các điều chỉnh của một số địa phương trong phòng chống COVID-19, nhấn mạnh chính quyền coi trọng mạng sống của người dân và không áp dụng cứng nhắc các biện pháp chống dịch.”

Bài báo không nhắc gì đến các cuộc biểu tình.

Tuy thế, bốn hôm trước, báo Tuổi Trẻ có bài nói về việc phong tỏa ở Trịnh Châu sau cuộc biểu tình nổ ra trong nhà máy FoxConn.

Báo này cũng nhắc, “số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc phá kỷ lục ngày 24/11 với 31.454 ca, cao nhất từ trước đến nay”.

Liên quan đến kinh tế, trang VietStock.vn có bài nói chứng khoán Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi biểu tình.

Chứng khoán Trung Quốc trượt dốc và đồng Nhân dân tệ suy yếu khi các đợt biểu tình phản đối biện pháp kiểm soát COVID nổ ra ở nhiều thành phố, qua đó phủ bóng đen lên triển vọng tái mở cửa của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Vào đầu ngày 28/11, chỉ số Hang Seng China Enterprises – theo dõi các công ty Trung Quốc niêm yết ở Hong Kong – lao dốc hơn 4%. Tuy nhiên, hiện chỉ số này vẫn còn tăng gần 16% so với đầu tháng 11/2022.

Trang VietnamNet đầu tuần không có tin gì về biểu tình phản đối các biện pháp chống Covid hà khắc ở Trung Quốc mà chỉ đăng trong mục Kinh tế thế giới về giá USD tăng so với nhân dân tệ, liên quan đến số ca Covid tăng.

“Số liệu công bố ngày 28/11 cũng đánh dấu đà tăng kỷ lục, kéo dài 5 ngày liên tiếp ở Trung Quốc. Các siêu đô thị như Quảng Châu, Trùng Khánh đang chật vật ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh, trong khi một số thành phố khác cũng ghi nhận hàng trăm ca Covid-19 tăng trong ngày.”

Một nhân chứng tại Hà Nội cho BBC biết rằng tin thời sự của một số đài truyền hình nước ngoài như BBC News, CNN phát trên mạng truyền hình cáp của Việt Nam “thông báo gián đoạn vì tín hiệu vệ tinh” khi bắt đầu phần đáng ra phải là tin và hình biểu tình đả đảo chính quyền Trung Quốc.

Tuy thế, có vẻ như cách đưa tin bài của truyền thông Việt Nam do Ban Tuyên giáo của Đảng CS kiểm soát có thể thay đổi.

China

Sinh viên tại các trường đại học ở Nam Kinh và Bắc Kinh tham gia biểu tình hôm Chủ Nhật 27/11. ẢNH: GETTY IMAGES

Trong ngày 28/11, truyền hình Quốc hội VN có phóng sự đánh giá “tình hình dịch Covid-19 tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp khi những ngày gần đây liên tục ghi nhận số ca mắc mới kỉ lục”. Trong ngôn từ của bộ máy tuyên truyền XHCN, cụm từ “diễn biến phức tạp” thường được dùng để nói về bất ổn có hệ quả chính trị-xã hội.

“Trước tình hình này, chính quyền Trung Quốc cũng đã đưa ra các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt hơn và vẫn tuân thủ chính sách “Zero-covid”. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đã đặt ra rằng liệu đã đến lúc Trung Quốc cần có cách tiếp cận khác trong phòng chống dịch Covid? Đây cũng là nội dung được báo chí thế giới đề cập, phân tích,” trang Truyền hình Quốc hội VN trích các báo tiếng Anh như South China Morning Post và Wall Street Journal để gián tiếp nói về chính sách hà khắc siết chặt sinh hoạt ở TQ vì mục tiêu Zero Covid.

Cùng lúc, trang này cũng trích Tân Hoa Xã nhấn mạnh Trung Quốc có “triết lý riêng” để điều chỉnh việc chống Covid.

Tuy hai nước TQ và VN có thể chế cùng một mô hình nhưng Việt Nam đã thoát ra khỏi tư duy Zero Covid khá sớm và đạt thành quả khả quan trong việc chống dịch giai đoạn sau, sau khi bỏ những biện pháp nặng di sản thời chiến, và mở cửa kinh tế.

vietnam

Việt Nam đã mở cửa với thế giới và đón du khách quốc tế sau khi đã phủ vaccine toàn quốc bằng nhiều loại vaccine, phần nhiều của Anh, Mỹ. ẢNH: GETTY IMAGES

Tháng 8/2022, hãng tin Bloomberg có bài đặt câu hỏi không hiểu ông Tập Cận Bình có biết cách học từ Việt Nam để dần mở cửa nền kinh tế hay không:

“Việt Nam tiêm chủng muộn nhưng đã bắt kịp tốc độ nhanh chóng vào mùa thu năm ngoái, từ đó cho phép đất nước mở cửa hoàn toàn với thế giới vào giữa tháng Ba năm nay," bài viết nhận xét.

Trong khi đó, Trung Quốc vẫn kiên quyết sử dụng vaccine sản xuất trong nước, từ chối nhập khẩu vaccine mRNA hiệu quả hơn và tiếp tục sử dụng các biện pháp đóng cửa trên toàn thành phố khi có ca nhiễm.

"Kết quả là sự tương phản kinh tế giữa hai quốc gia không thể rõ ràng hơn...” bài của tác giả gốc Hoa Ren Shuli trên Bloomberg hè vừa qua viết.

Nguồn: hbbc.com/vietnamese

Trung Quốc: Cái giá của “zero-COVID”

 


Trung Quốc: Cái giá của “zero-COVID”

Hiếu Chân

27 tháng 11, 2022

Người dân Bắc Kinh xuống đường biểu tình phản đối chính sách zero Covid, đòi trả lại quyền tự do cho dân. Người biểu tình giương cao các tờ giấy trắng như một dấu hiệu tố cáo chính sách kiểm duyệt hà khắc của đảng CSTQ. Ảnh chụp ở Bắc Kinh tối Chủ Nhật 27 tháng Mười Một 2022 của Kvin Frayer / Getty Images.

Chuyện phải đến rồi cũng đã đến. Trong hai ngày cuối tuần biểu tình đã bùng ra ở các thành phố và trường đại học trên khắp Trung Quốc do dân chúng ngày càng tức giận với các biện pháp kiểm soát COVID hà khắc của đất nước. Một số người biểu tình ở Thượng Hải thậm chí còn hướng sự giận dữ của họ vào đảng Cộng Sản và lãnh tụ đảng Tập Cận Bình.

Như Saigon Nhỏ đã loan tin hôm qua, tại Thượng Hải, hàng trăm người biểu tình đã phá dỡ rào chắn, đụng độ với cảnh sát vào tối 27 tháng Mười Một khi cảnh sát được phái đến giải tán một đám đông đang thắp nến tưởng niệm những nạn nhân của vụ hỏa hoạn xảy ra ở một chúng cư cao tầng tại thành phố Urumqi, thủ phủ tỉnh Tân Cương hôm thứ Năm 24-11 vừa qua. Một nhóm người thậm chí đã hô to khẩu hiệu “Đả đảo đảng Cộng sản, đả đảo Tập Cận Bình”. Reuters đưa tin cảnh sát đã tống hàng chục người lên xe buýt và đưa họ đi.

Người biểu tình cũng xuống đường tại các thành phố như Vũ Hán, Thành Đô và ở 14 trường đại học trong cả nước, kể cả Đại học Thanh Hoa hàng đầu nước này. Vụ hỏa hoạn ở Urumqi làm chết ít nhất 10 người và chín người khác bị thương chính là giọt nước làm tràn ly, thổi bùng lên ngọn lửa phản kháng của người dân Trung Quốc. Người ta cho rằng, chính sách “không COVID” (zero COVID) với những biện pháp phong tỏa, cách ly nghiêm ngặt đã làm cho các nạn nhân không thể chạy thoát thân khỏi đám cháy và con số tử vong thật sự có thể còn cao hơn rất nhiều.

Nỗi bất mãn ngày càng tăng và đang biến thành hành động phản kháng của đám đông là thử thách nghiêm trọng nỗ lực của ông Tập trong việc duy trì các quy tắc “không COVID”. 

Tuy chưa có dấu hiệu biến thành một Thiên An Môn thứ hai hoặc làm suy yếu sự cai trị chuyên chế của đảng Cộng sản, những cuộc phản kháng của người dân Trung Quốc vẫn chứng tỏ mô hình cai trị độc đảng độc tôn không phải là ưu việt như Bắc Kinh thường xuyên tuyên bố. Cái giá của chính sách “không COVID” của ông Tập không hề rẻ!

Đại dịch COVID-19 khởi phát từ Trung Quốc và trong hai năm đầu của đại dịch, Trung Quốc là mẫu mực toàn cầu về công tác phòng và chống dịch, với số nhiễm bệnh và tử vong thấp một cách đáng kinh ngạc so với các nước phát triển. Nhà cầm quyền Bắc Kinh đã áp dụng triệt để các biện pháp khắc nghiệt như truy vết virus, cách ly, xét nghiệm toàn dân, phong tỏa nhiều thành phố, đô thị. 

Người dân Trung Quốc chấp nhận bị hạn chế về tự do, hoạt động kinh tế xã hội bị ngưng trệ và cuộc sống bị đảo lộn để phòng dịch. Các chuyên gia y tế công cộng coi biện pháp chống COVID của Trung Quốc là giải pháp có hiệu quả hơn, thay cho tình trạng dân chủ lộn xộn của Mỹ và phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc không ngần ngại quảng bá thành công của họ là sự thể hiện tính chất ưu việt rõ ràng của chế độ độc đảng toàn trị so với thể chế dân chủ tự do và khuyến khích các nước nhỏ nên đi theo con đường của Bắc Kinh.

Việt Nam cũng nhập cảng mô hình phòng chống dịch COVID của Trung Quốc, cũng áp dụng biện pháp truy dấu vết, xác định người mang mầm bệnh F0, F1…, cách ly và phong tỏa các thành phố lớn như Sài Gòn, gây biết bao thảm cảnh cho người dân vào giữa năm ngoái 2021.

Nay thì tình hình đảo ngược 180 độ: Trong lúc cả thế giới đã gần như trở lại hoạt động bình thường thì Trung Quốc vẫn loay hoay với những biện pháp “không COVID” bất chấp những hậu quả tai hại về kinh tế xã hội và nỗi bất mãn của người dân sau ba năm bị “giam lỏng”, không được tự do đi lại và tiếp xúc với người thân. Người Trung Quốc ngỡ ngàng khi xem giải bóng đá World Cup đang  được truyền hình khắp thế giới: Những sân vận động hàng vạn người ngồi san sát nhau, gần như không ai phải mang khẩu trang, không phải giữ khoảng cách tối thiểu 1.5 mét. Rồi họ so sánh với hoàn cảnh bị giam lỏng của chính họ và không thể không tức giận.

H.C.

Nguồnhttps://saigonnhonews.com/thoi-su/the-gioi/trung-quoc-cai-gia-cua-zero-covid/

Người dân nhiều thành phố Trung Quốc xuống đường biểu tình và lập ra những điểm tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng oan ức trong vụ hỏa hoạn làm ít nhất 10 người chết ở Tân Cương. Họ cho rằng biện pháp phong tỏa “không COVID” đã khiến các nạn nhân không thể thoát ra khỏi đám cháy. Ảnh một điểm thắp nến tưởng niệm ở Bắc Kinh tối 27-11-2022. Ảnh Kevin Frayer / Getty Images

Trong một năm qua, khi các nhà bào chế cho ra đời các loại vaccine ngừa COVID-19, đặc biệt là các chủng vaccine sử dụng công nghệ mới mRNA, thì COVID không còn khủng khiếp như trước. Các nước làm chủ được công nghệ vaccine, có nguồn thuốc dồi dào, lập tức tổ chức các đợt tiêm chủng trong toàn quốc, bắt đầu từ những nhóm dân có nguy cơ nhiễm bệnh cao như người cao niên, đội ngũ nhân viên y tế, người lao động có sự tiếp xúc rộng rãi với người khác… rồi mở rộng dần sang mọi thành phần dân chúng khác. 

Quan điểm được khoa học công nhận là, việc tiêm chủng đại trà, cùng với một bộ phận dân chúng bị nhiễm virus nhưng đã vượt qua được, sẽ tạo thành cái gọi là miễn dịch cộng đồng – bức tường thành ngăn chặn hiệu quả sự truyền nhiễm của virus. Càng nhiều người dân được tiêm vaccine thì nguy cơ mắc bệnh nặng sẽ giảm. Hơn thế nữa, khi cộng đồng được miễn dịch với coronavirus thì các hoạt động sản xuất kinh doanh, giao thông vận tải có thể được khôi phục; người dân được tự do đi lại, cửa tiệm nhà máy nối lại việc sản xuất kinh doanh, việc làm được tạo ra và thu nhập của người dân được bảo đảm. Thực tiễn ba năm chống dịch cho thấy quan điểm này là đúng và hầu hết các nước đã trở lại bình thường như thời trước đại dịch. Trừ Trung Quốc.

Khi thế giới chuẩn bị kỷ niệm ba năm ngày bùng phát COVID-19 tại Vũ Hán với tiếng thở phào nhẹ nhõm thì Trung Quốc đang báo cáo các ca nhiễm kỷ lục.

Theo dữ liệu của OurWorldInData, hôm thứ Bảy 26 tháng Mười Một, Trung Quốc ghi nhận 25,834 ca nhiễm COVID – chỉ hơn một nửa số ca nhiễm của Mỹ trong cùng ngày, 36,147 ca, nhưng với chính sách “zero-COVID” của Bắc Kinh thì đó đã là một kỷ lục đáng báo động. Hồi tháng Tư, Trung Quốc đã phong tỏa thành phố Thượng Hải – trung tâm tài chính lớn nhất – khi cả nước chỉ ghi nhận 26,469 ca nhiễm. Còn với đợt bùng phát hiện nay, hơn một phần năm đất nước 1.4 tỷ dân này đang bị hạn chế di chuyển, theo ước tính của ngân hàng đầu tư Nomura.

Vấn đề cụ thể của Trung Quốc là chính sách “không COVID” hà khắc đã khiến người dân ít được bảo vệ bằng vaccine hoặc miễn dịch tự nhiên. 

Vì những lý do dân tộc chủ nghĩa, đảng Cộng sản Trung Quốc không chấp nhận vaccine phương Tây, dù các loại vaccine công nghệ mRNA có hiệu quả cao hơn nhiều so với vaccine do chính Trung Quốc sản xuất. Lệnh phong tỏa kéo dài có nghĩa là có ít người tiếp xúc với virus hơn và do đó Trung Quốc không phát triển được khả năng miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng như phần còn lại của thế giới.

Hệ thống y tế của nước này cũng thiếu bệnh viện và giường điều trị tăng cường (ICU) để đối phó với những căn bệnh trầm trọng. Hiện Trung Quốc chỉ có bốn giường ICU phục vụ 100,000 dân. Theo một ước tính, nếu Trung Quốc mở cửa hoàn toàn như các nước khác thì số người nhiễm COVID nặng cần được chăm sóc đặc biệt có thể lên đến 5.8 triệu người. 

Tình trạng yếu kém của hệ thống y tế có thể là một lý do giải thích cho sự cương quyết của đảng Cộng sản trong việc duy trì chính sách “không COVID”, bất chấp bằng chứng toàn cầu cho thấy biện pháp phong tỏa chỉ làm chậm sự lây lan của dịch bệnh trong khi gây ra tác hại lớn về kinh tế và xã hội.

***

Một vấn đề khác của Chủ tịch Tập Cận Bình là chính trị. Một chế độ độc tài luôn muốn làm những việc mà nó làm tốt nhất: Giám sát, theo dõi, ép buộc và phong tỏa. Nhưng nó thiếu một cơ chế để người dân có tiếng nói và thể hiện sự ủng hộ hay phản đối các biện pháp y tế công cộng như COVID-19. Các nền dân chủ, mặc dù có nhiều sự lộn xộn nhưng linh hoạt hơn trong việc thay đổi chính sách và thích nghi khi công chúng và thực tế đòi hỏi.

Ở một đất nước rộng lớn mà người dân không có cách nào để đưa ra các khiếu nại công khai và được chính quyền lắng nghe; bất đắc dĩ người ta phải dùng tới biện pháp phản kháng. Cuộc biểu tình của công nhân vào tuần trước tại cơ sở khổng lồ chuyên sản xuất điện thoại iPhone của tập đoàn Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam là một trường hợp đã được báo chí quốc tế đưa lên trang nhất. Rồi những vụ biểu tình lan rộng khắp Trung Quốc vào cuối tuần này là những sự kiện đã được dự đoán trước.

Các đợt phong tỏa mới sẽ làm chậm nền kinh tế Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế ước tính tăng trưởng của nền kinh tế này sẽ giảm trong quý 4 và cả năm, dưới mức 3%/năm; thấp hơn nhiều so với mục tiêu mà chính phủ Bắc Kinh đặt ra là 5.5%. 

Bài học lớn về biện pháp phòng chống dịch COVID của Trung Quốc là các chế độ độc tài không phải là ưu việt, không phải mẫu mực trong việc bảo đảm lợi ích của đất nước và người dân, đặc biệt là trong lĩnh vực sức khỏe cộng đồng hay bất cứ lĩnh vực nào đòi hỏi sự tham gia ý tưởng của cả nước.

H.C.

Nguồn: saigonnhonews.com

Tác dụng ngược

 

Tác dụng ngược

Mạc Văn Trang

Putin đánh vào các cơ sở quốc phòng của Ukraine không có kết quả; thất bại trên chiến trường quá nặng nề, hắn ta bèn dồn tổng lực đánh phá các hạ tầng cơ sở xã hội, nhất là các cơ sở điện, hòng gây cho dân hoảng sợ, nổi loạn, buộc chính phủ Ukraine phải hoà đàm với Nga. Nhưng dân Ukraine càng chịu tối tăm, rét cóng vì thiếu điện, càng căm ghét Putin đến tột cùng và sẵn sàng chịu khổ cực để thoát hẳn chế độ tàn bạo dã man của đế quốc Nga, gia nhập vào EU...

Vậy là tác động ngược với mưu đồ của Putin, hơn nữa Putin còn hiện nguyên hình là kẻ "tội phạm diệt chủng", "nhà nước khủng bố" trước nhân loại tiến bộ.

FB Phan Châu thành cho biết:

Kyiv và Lviv tiếp tục mất điện sau những đợt tấn công bằng drone tự sát và tên lửa của Nga vào các công trình công cộng.

https://twitter.com/Gerashc.../status/1595864752106143744...

Theo bản đồ của NASA chụp từ vệ tinh đêm 23/11, rất nhiều nơi ở Ukraina đang chìm trong bóng tối.

https://twitter.com/Gerashc.../status/1595839414244098048...

Tuy nhiên, theo thăm dò dư luận mới nhất do BBC tổ chức, có tới 90% người Ukraina chấp nhận sống thiếu điện trong vòng 3 năm, nếu "tương lai có thể gia nhập EU" bởi "càng mất điện, chúng tôi càng nhận rõ bộ mặt thật của Nga" nên "không thể sống cùng với họ".

https://twitter.com/nexta_tv/status/1596141677273653253...

Cầu mong cho dân Ukraine vượt qua mùa đông khắc nghiệt này để đi đến thắng lợi, đạt được ước nguyện của người Dân.

M.V.T.

Nguồn:  FB Mạc Van Trang

Điểm sách: Chủ thuyết tự do và các giới bất mãn

 

Điểm sách: Chủ thuyết tự do và các giới bất mãn

Washington Monthly

Tác giả: John Halpin

Đỗ Kim Thêm dịch

28-11-2022

Sự dịu giọng khi nhân danh tự do không phải là xấu. Sự tách biệt âm thầm trong chủ thuyết phi tự do thuộc phe cánh tả và hữu của Francis Fukuyama.

Trong một hành vi gây hấn đầy tai hại với cuộc xâm lược Ukraine, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đẩy phương Tây trở lui lại một cuộc xung đột ý thức hệ và quân sự mà người Âu – Mỹ nghĩ rằng họ đã bỏ lại phía sau từ nhiều thập niên trước. Mặc dù không phải là sự tái sinh của cuộc Chiến tranh Lạnh nguyên thuỷ chống lại chủ nghĩa Cộng sản toàn cầu đã mà nó kết thúc khi phương Tây chiến thắng vào năm 1991 với sự tan rã của Liên Xô, cuộc xung đột hiện tại đang hình thành một cuộc chiến thế hệ tương tự giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa độc tài.

Một bên là Hoa Kỳ và hầu hết các nước châu Âu. Bên kia là Nga, Trung Quốc và các lực lượng khác nhau của chủ nghĩa phi tự do ngay trong chính nội bộ các quốc gia phương Tây. Để giành chiến thắng trong cuộc xung đột này, những người theo chủ thuyết tự do phải một lần nữa chứng minh với thế giới – với khối óc và sức mạnh cơ bắp – rằng, các trật tự chính trị dựa trên các quyền cá nhân, các nền kinh tế thị trường, các quy tắc hiến định, tinh thần đa nguyên về giá trị, lý trí và sự chuẩn mực cơ bản là vượt trội so với những gì được duy trì thông qua vũ lực, nỗi sợ hãi trong nội bộ và tuyên truyền và tham nhũng lan rộng.

Cuộc đấu tranh trí thức này có vẻ như là một cú đánh úp cho các xã hội tự do vì những thành công của họ trong suốt lịch sử. Các quốc gia tự do đã đánh bại cả chủ thuyết phát xít và Cộng sản, và làm việc trong tinh thần hợp tác để tạo ra nhiều thập niên cho mức tăng trưởng ngày càng gia tăng và sự thịnh vượng mở rộng cho người dân Âu – Mỹ. Nhưng với các phân hoá chính trị nội bộ ngày càng tăng ở các nước chúng ta – được thúc đẩy bởi các lực lượng tuyên truyền bằng kỹ thuật số mới, chủ thuyết cực đoan và thông tin sai lệch – điều không rõ ràng rằng những người ủng hộ cho chủ thuyết tự do được chuẩn bị đầy đủ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến phía trước.

Những người yêu chuộng tự do rõ ràng sẽ cần hiểu rõ hơn và đương đầu với những người chỉ trích nội bộ của họ, cũng như những kẻ ngoại thù như Nga và Trung Quốc, nếu họ muốn bảo vệ một hệ thống tư tưởng và quản trị đã tồn tại kể từ thời kỳ Khai sáng. Những người bảo vệ chủ thuyết tự do ở phương Tây phải đưa ra một trường hợp mạnh bạo cho sự đổi mới tự do khi đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị do mình tự gây ra – những nỗ lực quân sự bị xử lý sai lệch ở Trung Đông, các cuộc khủng hoảng thị trường, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng và phân hoá chính trị. Nếu không, các lực lượng tự do hậu trào ở cánh hữu và cánh tả tìm cách lật đổ hoặc thay thế một hệ thống chính trị dựa trên chủ thuyết đa nguyên, các tự do hiến định và các quyền cá nhân sẽ tiếp tục đạt được sức mạnh.

Nước Mỹ và thế giới sẽ cần những vị tướng giỏi để giúp hướng dẫn mọi người vượt qua những trận chiến ý thức hệ sắp tới, những người được trang bị cái nhìn sâu xa về lịch sử và một cam kết quy phạm thực sự đối với các giá trị tự do cho phẩm giá và các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.

Rất ít người có khả năng để lãnh đạo cuộc chiến trí thức này tốt hơn là Francis Fukuyama.

Cuốn sách mới của Fukuyama, Liberalism and Its Discontents (Chủ thuyết tự do và các giới bất mãn), cung cấp một sự bảo vệ hùng hồn và nhiều nhạy cảm của tinh thần tự do và đa nguyên mà các nhà lãnh đạo và hoạt động trong phạm vi ý thức hệ nên đọc và tranh luận. Cuốn sách lập luận ngắn gọn và được viết một cách trong sáng và lập luận cực kỳ khúc chiết này làm nổi bật việc khảo cứu cả đời của Fukuyama về các lý thuyết chính trị và các hệ thống mà nó định hình cho lịch sử loài người – và rồi chính nó lại được định hình bởi sự phát triển.

Chủ thuyết tự do cổ điển theo định nghĩa của Fukuyama đại diện cho một “cái lều lớn bao gồm một loạt các quan điểm chính trị, dù sao cũng đồng ý về tầm quan trọng nền tảng của các quyền cá nhân, luật pháp và tự do bình đẳng”. Chủ thuyết tự do trong công thức này không phải là những gì mà chúng ta thường nghĩ một cách đặc trưng là phe cánh trung tả, nền chính trị theo đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ hoặc chủ nghĩa tự do cực đoan theo cánh hữu. Đây là một hệ thống tư tưởng và thể chế được đặt ra từ thế kỷ 17, được thiết kế để giải quyết các vấn đề quản lý sự đa dạng của con người mà không có vũ lực và chiến tranh liên tục. Như Fukuyama giải thích:

“Nguyên tắc cơ bản nhất được tôn vinh trong chủ thuyết tự do là khoan dung: bạn không phải đồng ý với đồng bào mình về những điều quan trọng nhất, mà chỉ cần mỗi cá nhân nên quyết định họ là gì mà không có sự can thiệp của bạn hoặc của nhà nước. Chủ thuyết tự do làm giảm nhiệt độ của nền chính trị bằng cách đặt các câu hỏi về các cứu cánh ra khỏi bàn thảo luận: bạn có thể tin những gì bạn muốn, nhưng bạn phải làm như vậy trong cuộc sống riêng tư và không tìm cách áp đặt quan điểm của bạn cho đồng bào bạn “.

Chủ thuyết tự do có thể được hướng dẫn bởi các chuẩn mực khoan dung và lý trí, nhưng nó được thực thi bởi các hiến pháp, luật pháp, quy định và phán quyết của tòa án để duy trì các quyền cá nhân về chính trị và kinh tế để chiều theo ý họ, miễn là họ không can thiệp vào quyền tương tự của người khác trong việc tự quyết. Chủ thuyết tự do trong thời hiện đại đòi hỏi các cuộc bầu cử tự do và công bằng, các cơ quan lập pháp đại nghị, một hệ thống tư pháp công bằng và vô tư, các bộ máy hành chánh trung dung, một nền báo chí và truyền thông độc lập, và một cam kết cho tự do ngôn luận.

Như Fukuyama lập luận một cách chính xác, thật không may, chủ thuyết tự do cổ điển đang bị tấn công đều đặn từ cả phe cánh hữu sặc mùi dân túy và phe cánh tả dựa trên bản sắc.

Các nhà lãnh đạo theo phe cánh hữu ở các quốc gia như Nga, Hungary, Ba Lan, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí ở Mỹ trong thời của Donald Trump, tích cực tìm cách phá hủy các thể chế tự do, loại bỏ các thủ tục kiểm tra về quyền lực, thúc đẩy những lời nói dối và âm mưu, và nắm quyền các cơ quan độc lập trước đây để duy trì quyền lực của họ thường là theo những cách tham nhũng.

Để đánh đổi lại, các phong trào cánh tả phi tự do ở Mỹ và châu Âu tìm cách vượt qua tính cách trung lập hiến định và quyền cá nhân bằng cách thúc đẩy sự phân biệt đối xử dựa trên phe nhóm để cải thiện những bất công thực sự và được cảm nhận trong khi đồng thời kiểm tra các bài phát biểu chính trị và bất đồng chính kiến được coi là sai lệch so với tính chính thống tiến bộ.

Mặc dù các mối đe dọa từ cánh hữu theo cách dân túy có thể thể hiện rõ rệt và trực tiếp hơn, các mối đe dọa đến từ phe cánh tả dựa trên bản sắc cũng góp phần vào sự phân hoá văn hóa mà nó làm suy yếu tinh thần đoàn kết và đồng thuận cần thiết cho các biện pháp tuần tự và thực tiễn để cải thiện các xã hội tự do.

Cuốn sách của Fukuyama không phải là một cuộc bút chiến nhẹ ký chống lại các lực lượng của chủ thuyết phi tự do hay “sự thức tỉnh”. Ông tham gia một cách thành tâm với giới phê bình tự do theo cánh hữu và cánh tả và soi sáng một cách công minh, thuận theo các lập luận của họ.

Ông thừa nhận rằng, sự thái quá trong nội bộ của chính chủ thuyết tự do – được đại diện bởi kinh tế học tân tự do và những biểu hiện không kiềm chế về quyền tự chủ của con người mà nó đe dọa truyền thống tôn giáo và văn hóa – đã giúp tạo ra những trào lưu phản kháng phi tự do này hiện đang đe dọa các nền dân chủ từ bên trong và bên ngoài.

Về các điều khoản trong chương trình nghị sự tân tự do của toàn cầu hóa và bãi bỏ quy định nổi bật trong những năm 1980 và 1990, Fukuyama nói: “Một nhận thức có giá trị về hiệu quả vượt trội của các thị trường đã phát triển thành một cái gì đó của một tôn giáo, trong đó sự can thiệp của nhà nước bị phản đối như một vấn đề nguyên tắc “. 

Mặc dù tình trạng tăng trưởng và thịnh vượng tăng mạnh trong giai đoạn này, tình trạng bất bình đẳng tăng vọt trong khi các cuộc khủng hoảng tài chính gắn liền với những hậu quả tàn khốc ở những nơi như Mexico, một số quốc gia châu Á và cuối cùng ở Hoa Kỳ với sự sụp đổ thị trường tài chánh thứ cấp năm 2008.

Khi chủ thuyết tân tự do phát triển quyền lực trong cuộc cách mạng bảo thủ trong thời Reagan – Thatcher và kỷ nguyên thứ ba trong thời Clinton – Blair, nó đã đem lại các khía cạnh tốt đẹp của các nền kinh tế thị trường đến mức cực đoan, bằng cách phá bỏ các biện pháp bảo vệ và quy định của chính phủ và khuyến khích các đầu cơ và  tình trạng bất ổn.

Sự trì trệ và xuống cấp sau đó của tầng lớp lao động ở nhiều nước phương Tây đã tạo ra một phản ứng dữ dội có thể hiểu được. Phản ứng mang màu sắc dân túy chống lại chủ thuyết tân tự do đến từ cả hai phe cánh hữu và tả, và dựa trên những kinh nghiệm thực tế về an ninh kinh tế bị suy giảm cho giới công nhân và cộng đồng địa phương của họ, và sự tức giận lan rộng hơn đối với các giá trị văn hóa của giới ưu tú thuộc tân tự do thường mâu thuẫn với các chuẩn mực của tầng lớp lao động truyền thống.

Nếu chủ thuyết tân tự do đại diện cho lợi ích kinh tế của các tầng lớp siêu giàu và chuyên nghiệp, ngược lại, phản ứng mang màu sắc dân túy lên tiếng cho sự bất mãn của tầng lớp lao động với các hệ thống tự do về thương mại, nhập cư và bản sắc toàn cầu. Nó tự thể hiện trong các nỗ lực của phe cánh tả như phong trào Occupy năm 2011, và phe cánh hữu với cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh và cuộc bầu cử của Trump ở Mỹ vào năm 2016.

Trên mặt trận văn hóa, Fukuyama lập luận một cách thuyết phục rằng: “Nền chính trị theo bản sắc ban đầu nổi lên như một nỗ lực để thực hiện lời hứa của chủ thuyết tự do, trong đó rao giảng một học thuyết về tinh thần bình đẳng phổ quát và sự bảo vệ đồng đều về phẩm giá con người theo luật pháp”, mà nó bỏ qua sự đối xử tồi tệ đối với người Mỹ da đen, phụ nữ, người đồng tính nam và đồng tính nữ, và các nhóm thiểu số tôn giáo. Điều này dẫn đến những thay đổi lịch sử trong cuộc sống của người Mỹ từ giữa thập niên 1950 cho đến thập niên 1970, thông qua các phong trào dân quyền tự do khác nhau.

Tuy nhiên, theo Fukuyama, trong những thập niên gần đây, sự phát triển của tư tưởng tự do này đã chuyển sang chủ thuyết tự do khi chính trị bản sắc đã được tuyệt đối hóa theo những cách đe dọa đoàn kết xã hội, và trong nhà hoạt động cấp tiến bắt đầu tranh thủ áp lực xã hội và sức mạnh của nhà nước để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chương trình nghị sự của họ.

Ví dụ, thay vì dạy cho sinh viên là tất cả mọi người đều xứng đáng được hưởng phẩm giá và quyền bình đẳng như được nêu trong Bảng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, các lý luận gia phê bình nghiên cứu trong nhiều trường phái và định chế ngày nay dạy rằng “đặc quyền cho giới da trắng” và “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống” ngăn cản bất kỳ cơ hội sống có ý nghĩa nào cho người Mỹ da đen hoặc gốc Tây Ban Nha và khẳng định rằng hầu hết các chính sách và luật pháp củng cố ưu quyền của người da trắng trong lịch sử.

Những lý thuyết gia này cũng thách thức các khái niệm tự do về chế độ sử dụng nhân tài, tính hợp lý và tuân thủ tư tưởng khoa học như là những sức áp bức và quyền lực được che đậy mỏng manh, nó nên được thay thế bằng “kinh nghiệm sống” chủ quan của các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội.

Những ý tưởng này đã trực tiếp dẫn đến những cuộc chiến khốc liệt gần đây về hành động khẳng định và loại bỏ các chính sách tuyển sinh dựa trong cuộc thi cho nhiều trường công lập và đại học dành cho giới ưu tú để ủng hộ các đánh giá chủ quan về sự đa dạng văn hóa và sự chênh lệch dựa trên nhóm.

Cũng tương tự như vậy, với sự trỗi dậy của các phương tiện truyền thông xã hội làm củng cố cho việc phải đạo với ý thức hệ của phe cánh tả phi tự do đã mở rộng theo cả hai cách tinh tế và công khai. Nếu bạn cố thách thức các học thuyết của các giới phê bình hoặc sử dụng các thuật ngữ sai lầm của việc tranh luận như được đặt ra bởi nhiều nhà hoạt động cho công bằng xã hội, bạn có thể sẽ bị đặt trong tầm nhắm trực tiếp là “suy nghĩ sai lầm” và phải đối mặt với điều chê trách tiềm tàng theo thể chế và xã hội.

Đồng thời, những người theo chủ thuyết tự do không sẵn lòng để đúng về phía những người theo cánh tả phi tự do bằng cách họ lập luận về các nguyên tắc bình đẳng và quyền cá nhân đối với các lý thuyết dựa trên nhóm cực đoan mà họ đã nhường phạm vi chính trị cho các lực lượng trong Đảng Cộng hòa, những người đã hứa với cử tri rằng họ sẽ “làm điều gì đó” bằng cách ban hành các lệnh cấm sâu rộng về việc giảng dạy các ý tưởng “khiến mọi người không thuận lòng” và thậm chí cấm một số cuốn sách. Một hành động phi tự do đã bị chống lại bởi một hành động khác, và các người Mỹ không khôn ngoan hơn hoặc tốt hơn cho việc làm này.

Fukuyama cũng nghiên cứu các phê bình theo tinh thần dân tộc về chủ thuyết tự do mà hầu hết họ xuất phát từ giới trí thức bảo thủ “tự do thời hậu trào” như Sohrab Ahmari và Adrian Vermeule, những người có ý tưởng truyền tải các độc thoại hàng ngày của Tucker Carlson và các chủ các phương tiện truyền thông khác mà họ có số lượng khán giả khổng lồ theo cánh hữu (xem Gabby Birenbaum, “Inside Tucker Carlson’s Brain”, trang 30).

Những trí thức này lập luận về một “chủ thuyết hiến định đạo đức có thực chất” mà họ tìm cách đề cao các khái niệm thần học cụ thể trong việc phá thai, đồng tính luyến ái, cấu trúc gia đình và bản sắc giới tính và các mối quan hệ. Họ e dè đến mức phòng thủ về những gì có ý nghĩa thực tế đối với nền dân chủ Mỹ. Nhưng họ gần như ca ngợi các nhà lãnh đạo theo chủ nghiã dân tộc như Thủ tướng Hung Viktor Orbán, người đã nỗ lực thành công để kiềm hãm nền tư pháp độc lập, đóng cửa các tổ chức đối lập phi chính phủ và bịt miệng các phương tiện truyền thông đối lập (thường thông qua việc mua chuộc của các nhà tài phiệt trung thành với ông) mà tổ chức Freedom House đã xếp hạng là đất nước này đạt được một “tự do một phần”.

Giới bảo thủ theo tự do thời hậu trào này đánh giá các giá trị văn hóa tự do – và các quan điểm cởi mở về tự do cá nhân và nhập cư thông thoáng – là các mối đe dọa đối với các gia đình truyền thống, các cộng đồng tôn giáo và các bản sắc dân tộc. Fukuyama lập luận một cách đúng đắn là để đáp lại tinh thần phổ quát về tự do – niềm tin rằng nhân quyền áp dụng cho tất cả mọi người – không cần phải xung đột với bản sắc dân tộc và lòng yêu nước.

Các quyền phổ quát có thể là mục tiêu quy phạm cho tất cả mọi người, nhưng chúng chỉ có thể được thực thi và bảo vệ trong phạm vi các quốc gia.

Được hiểu một các đúng đắn, chủ thuyết tự do bao gồm các bản sắc văn hóa, sắc tộc và tôn giáo và khác nhau và lòng yêu nước. Các giá trị phổ quát tự do cũng có thể giúp xác định một tinh thần dân tộc toàn diện hơn dựa trên các giá trị công dân chung về lòng khoan dung, tự do và lòng tôn trọng sự khác biệt hơn là độc quyền hơn dựa trên chủng tộc, tôn giáo hoặc sắc tộc.

Như Fukuyama lập luận, nếu những người theo chủ thuyết tự do nhượng lại bản sắc dân tộc và lòng yêu nước cho phe cánh hữu, chúng ta sẽ kết thúc với các mô hình cực đoan và loại trừ mà chúng ta thấy ở những nơi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Brazil.

Theo Fukuyama, các lựa chọn thay thế thuộc về tự do thời hậu trào từ phe cánh tả sẽ liên quan đến việc tăng cường rộng lớn các xu hướng hiện nay, nơi mà “những cân nhắc về chủng tộc, giới tính, sở thích ưu tiên giới tính và các loại bản sắc khác sẽ được du nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày và sẽ trở thành những cân nhắc chính cho việc tuyển dụng, thăng chức, có quyền thâm nhập và sử dụng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác“. 

Fukuyama cũng hình dung một phe cánh tả thuộc về tự do hậu trào tiếp tục thay đổi chính sách nhập cư thông qua một “hệ thống tị nạn cởi mở” hoặc tìm cách vượt qua các ràng buộc pháp lý trong nước và trì hoãn nhiều tác nhân quốc tế hơn để giải quyết vấn đề thách thức khí hậu. Tuy nhiên, ông không thấy hầu hết chương trình nghị sự kinh tế của phe cánh tả của Mỹ có khả năng thù địch với chủ thuyết tự do theo truyền thống, thay vào đó coi đó như là việc theo đuổi một nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội phù hợp với những nhà nước ở châu Âu.

Cuối cùng, Fukuyama lập luận rằng trong khi có thể có những khiếm khuyết đích thực trong tư duy tự do, chủ thuyết tự do tự nó là khuôn khổ chính trị duy nhất được chứng minh để bảo vệ tự do của con người và đảm bảo các quyền trong các xã hội đa dạng với những người có niềm tin và nguồn gốc khác nhau.

Nếu chúng ta cố gắng thay thế sự lựa chọn cá nhân và tự do để theo đuổi các mục tiêu của con người được đề cao trong tư tưởng tự do bằng các quan điểm tôn giáo độc đáo hoặc làm chủ một loạt các ý tưởng dựa trên bản sắc theo phe cánh tả trái ngược với các quyền cá nhân như được đưa ra bởi các nhà phê bình tự do thời hậu trào, thì các xã hội đa dạng như Mỹ không thể hoạt động.

Chủ thuyết đa nguyên tự do, tinh thần khoan dung và chủ thuyết hiến định cung cấp các phương tiện được đảm bảo để bảo vệ công dân từ các công dân hoặc các chính phủ, đó là những người có thể cố buộc họ phải quỳ gối theo một cách suy nghĩ cụ thể. Các xã hội không nên vứt bỏ các nguyên tắc và luật pháp này một cách vội vàng vì sự thất vọng với hiện trạng hoặc hoạt động chậm chạp của các nền chính trị dân chủ dựa trên sự đồng thuận tuần tự.

Lời khuyên của Fukuyama về sự tách biệt là một lời yêu cầu đơn giản nhưng mạnh mẽ đối với các xã hội tự do để nắm lấy sự kiềm chế cá nhân và chính trị và thúc đẩy khái niệm của Hy lạp thời xưa về “điều độ”, có nghĩa là không có gì là thái quá: “Nói chung, tình trạng chừng mực không phải là một nguyên tắc chính trị tồi tệ, và đặc biệt là cho một trật tự tự do, có nghĩa là, để làm xoa dịu các niềm đam mê chính trị ngay từ lúc khởi đầu“.

Sự ôn hòa tự nó sẽ không ngăn chặn sự xâm lược của Nga hoặc bảo vệ thế giới tự do thoát khỏi chủ nghĩa độc tài. Nhưng tinh thần ôn hoà trong việc theo đuổi một nền chính trị tốt đẹp hơn có thể là cách duy nhất để giảm căng thẳng trong nội bộ ở Mỹ và châu Âu, đồng thời thuyết phục nhiều người hơn rằng những bất bình chính đáng của họ được giải quyết tốt hơn trong các hệ thống bảo vệ quyền cá nhân và bảo vệ các quan điểm đa dạng hơn là các lựa chọn thay thế độc đoán hoặc hậu tự do dựa trên sự kiểm soát của nhà nước và kiềm chế bất đồng chính kiến và quan điểm thay thế.

Chủ thuyết tự do đối mặt với nhiều người bất mãn. Fukuyama nhắc nhở cho chúng ta rằng, cách tốt nhất để vượt qua những thách thức này là những người chủ trương tự do biết tôn trọng nguyên tắc cải thiện những thái quá trong nội bộ một cách trực tiếp và bảo vệ một viễn kiến tự do được đổi mới như là mô hình chính trị tốt nhất cho việc tôn trọng các quyền cá nhân và cơ hội kinh tế trong các xã hội dị biệt.

________

Liberalism and Its Discontents, Francis Fukuyama, Farrar, Straus and Giroux, 192 pp.

John Halpin là đồng biên tập của “The Liberal Patriot”, một bản tin với chuyên đề chính trị quốc nội và quốc tế.

Bài liên quanCái gì đang phá vở nền dân chủ? — Ai đã phá vỡ nền dân chủ Mỹ?


Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nguy kịch và những bê bối trong chính trường Việt Nam

  

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành nguy kịch và những bê bối trong chính trường Việt Nam

Nông Văn Tiềm 

28-11-2022

Cuối năm 2022, chính trường Việt Nam đang hết sức gay cấn bởi hàng loạt sự kiện diễn ra. Đáng chú ý nhất là trường hợp của Phó thủ tướng Lê Văn Thành. Ông Thành được cho là vắng mặt trên truyền thông của đảng suốt nửa tháng nay, gây nhiều đồn đoán trong dư luận. Liệu ông Lê Văn Thành lâm trọng bệnh, hay đã đào tẩu sang nước ngoài để tránh những thanh trừng khốc liệt trong hàng ngũ cộng sản cấp cao?

Hãy xem lịch công tác trong tháng 11-2022 của ông Thành: Sáng 4-11-2022, tại kỳ họp thứ 4 quốc hội khoá 15, trước khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành có 15 phút tham gia làm rõ thêm một số nội dung liên quan tới việc lập, phê duyệt quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị.

Chân dung ông Lê Văn Thành. Nguồn: Báo Chính phủ

Ngày 5-11-2022, nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã dự và phát biểu trực tuyến tại diễn đàn cấp cao RCEP, Thượng Hải, Trung Quốc.

Ngày 10/11/2022, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chủ trì họp Hội đồng thẩm định Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050.

Lần xuất hiện gần nhất là ngày 12-11-2022, ông Thành đến dự ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại khu dân cư Ấp 8, xã Phước Tân Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Tuy nhiên, theo thông tin nội bộ cho biết, khi trở về Hà Nội, ông Lê Văn Thành liên tục bị ngất xỉu và nôn mửa, được đưa vào cấp cứu tại quân y viện 108, suốt một tuần nhưng không có dấu hiệu thuyên giảm.

Gia đình xin phép Trung ương đưa ông Thành sang Nhật Bản điều trị.

Ngày 20-11-2022, máy bay đưa ông Thành rời Nội Bài, đi Tokyo.

Ngày 21-11-2022, thủ tướng Phạm Minh Chính ký quyết định số phân công cho hai Phó thủ tướng Lê Minh Khái và Vũ Đức Đam tạm thời đảm trách điều hành phần việc của ông Lê Văn Thành tại Chính phủ.

Địa chỉ đầu tiên bệnh nhân Lê Văn Thành đến là National Center for Global Health and Medicine (NCGM), địa chỉ 1-21-1 Toyama, Shinjuku, Tokyo 162-8655, Japan. Tại đây, ông được chẩn đoán ung thư bạch cầu cấp và nhanh chóng được chuyển sang Bệnh viện Ung thư Quốc tế Osaka (OCCI), tại địa chỉ: 3-1-10 Otemae, Chuo-ku, Osaka-shi, Osaka, Japan.

Tuy nhiên bệnh tình ông Lê Văn Thành diễn biến nhanh, phức tạp và quá nặng, nên các giáo sư y khoa hàng đầu tại đây đã phải bó tay. Dự kiến vài hôm nữa, ông Thành sẽ được đưa trở về Việt Nam.

Ảnh: Hai bệnh viện nơi ông Thành đến điều trị. Nguồn: NIRS/ internet

Phó thủ tướng Lê Văn Thành bị “bệnh lạ” hay bị đầu độc phóng xạ như các lãnh đạo cao cấp trước đây, câu hỏi đang còn bỏ ngỏ… Và có lẽ người dân sẽ chẳng bao giờ biết được sự thật, bởi bệnh án của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành (cũng như của các lãnh đạo khác) sẽ không bao giờ được công khai.

Câu hỏi được đặt ra là, trách nhiệm của Ban Bảo vệ Sức khoẻ Trung ương ở đâu, bởi theo Điểm 2 Mục II Quy định 121-QĐ/TW năm 2018, của BCH Trung ương, quy định về các chế độ thăm khám, theo dõi sức khoẻ cán bộ lãnh đạo cấp cao, trong đó có Phó Thủ tướng, được “Bác sĩ theo dõi sức khoẻ thăm khám sức khỏe ít nhất 1 lần/tuần hoặc hằng ngày tùy theo diễn biến sức khoẻ của cán bộ”, nhưng họ đã không phát hiện sức khỏe của Phó Thủ tướng có vấn đề, cho tới khi … nguy kịch?!

Ngày 23-11-2022, trong khi cán bộ đảng viên đang bàn tán về số phận bệnh nhân Lê Văn Thành, thì chính phủ đã làm “động tác giả” để đánh lừa dư luận xã hội. Đó là, ngài thủ tướng Phạm Minh Chính ký Quyết định số 1453/QĐ-TTg phân công ông Lê Văn Thành làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia Chương trình hành động “Không còn nạn đói” ở Việt Nam, giai đoạn 2016 – 2025!

Hai quyết định khó hiểu được ký bởi Thủ tướng Phạm Minh Chính

Ông Lê Văn Thành sinh năm 1962, quê xã Tân Liên, huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng. Ông vào đảng năm 1997, từng giữ chức Chủ tịch UBND, Bí thư Thành uỷ Hải Phòng, Uỷ viên Trung ương khoá 12 và 13.

Cũng cần nói thêm, những bê bối mà ông Nguyễn Văn Thành đã có trong quá khứ thời kỳ ông làm Giám đốc Công ty Xi măng Hải Phòng, kiêm Trưởng Ban quản lý dự án Khu đô thị xi măng Hải Phòng, hiện vẫn còn lưu trữ trong hồ sơ của Bộ Công an, cũng như nhiều sai phạm khác trong thời kỳ ông làm lãnh đạo Hải Phòng, hiện đang được điều tra.

Trong diễn biến mới nhất, hôm 12-11-2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với ông Lê Thành Long – Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, thành viên HĐQT tại Công ty Bao bì Hoàng Thạch. Cùng ngày, Cơ quan điều tra cũng bắt giam Nguyễn Văn Chảng, Chủ tịch HĐQT Bao bì Bỉm Sơn và Thành viên HĐQT Công ty CP Vicem Bao bì Bút Sơn (BBS). Hai nhân vật bị bắt có mối quan hệ với ông Lê Văn Thành.

***

Trong một diễn biến khác, sáng 21-11-2022, ông Nguyễn Văn Hùng, Uỷ viên Trung ương, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra Trung ương đảng khoá 13, được triệu tập ra Hà Nội để họp bất thường. Đến trưa cùng ngày, ông Hùng được cho là đã nhảy qua cửa sổ hội trường UBKT Trung ương (lầu 4 Toà nhà số 7, đường Nguyễn Cảnh Chân, quận Ba Đình, Hà Nội) và đã tử vong tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Hùng sinh năm 1964, quê ở huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông là cựu học sinh trường PTTH Pleiku, niên khoá 1978-1981, tốt nghiệp Đại học Tài chính – Kế toán TPHCM, sau đó ông Hùng có bằng tiến sĩ kinh tế, cử nhân lý luận chính trị.

Trước khi được giữ chức Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương hồi năm 2020, ông Nguyễn Văn Hùng từng nắm giữ các chức vụ như: Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum.

Thông tin rò rỉ cho hay, ông Nguyễn Văn Hùng có nhiều sai phạm trong thời kỳ làm công tác lãnh đạo ở Kon Tum, liên quan đến các dự án của FLC, bán đất cho các doanh nghiệp, cùng một số vấn đề khác. Để làm đẹp bộ mặt của đảng, tuy không bị ra tay tàn độc, giết người diệt khẩu như cách mà đảng CSVN từng làm, nhưng khả năng Phó chủ nhiệm UBKT Trung ương Nguyễn Văn Hùng bị các “đồng chí” của mình bức tử là rất cao.

Cáo phó tại tư gia ông Nguyễn Văn Hùng. Photo Courtesy

***

Còn ông Phạm Bình Minh, đương kim Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực, cũng đang ngồi trên đống lửa.

Trong vụ án “Đưa hối lộ, nhận hối lộ” xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, mỗi chuyến bay giải cứu, trừ chi phí thì lợi nhuận lên tới vài tỷ đồng. Trong khi đó, có gần 2000 chuyến bay, vị chi số tiền cướp của dân xấp xỉ con số 5000 tỷ đồng. Tiền được hối lộ cho gần hai chục quan chức, cán bộ của Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Ban đối ngoại Trung ương đảng…

Thuộc hạ vây cánh của Phạm Bình Minh đang bị bẻ gãy. Hàng loạt nhân sự của Bộ Ngoại giao đã bị bắt, trong đó có cả thứ trưởng Tô Anh Dũng, từng là thư ký riêng của Phạm Bình Minh. Rồi Nguyễn Quang Linh, hàm thứ trưởng, đang giữ chức trợ lý Phó thủ tướng; Nguyễn Hồng Hà cựu Tổng lãnh sự Việt Nam tại Osaka Nhật Bản, cùng các Cục trưởng, Vụ trưởng, chuyên viên… của Bộ Ngoại giao, cũng đều bị bắt.

Một số đại sứ cũng đang bị thẩm tra, sắp bị bắt nay mai như: Vũ Hồng Nam (đại sứ tại Nhật Bản), Ngô Đức Mạnh (đại sứ tại Nga), Nguyễn Sanh Châu (đại sứ tại Ấn Độ), Trần Việt Thái (đại sứ tại Malaysia). Nhờ chủ trương “đánh chuột không vỡ bình”, giữ bộ mặt đẹp đẽ cho đảng của tổng Trọng, nhiều khả năng Phạm Bình Minh không bị mất chức, chấp nhận từ bỏ tham vọng đua vào tứ trụ khoá 14.

Một Phó thủ tướng khác là ông Vũ Đức Đam cũng đang rơi vào vòng xoáy. Vũ Đức Đam phụ trách văn xã, trông coi chung về Khoa học công nghệ, Giáo dục, Y tế, Viện Hàn lâm khoa học quốc gia. Khổ nỗi, những nơi này đều tan nát, tư lệnh ngành thì, kẻ bị bắt giam, người lãnh án kỷ luật, cách chức…

Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, lại để Việt Á móc ngoặc với các quan chức trung ương lẫn địa phương, nâng khống giá kit xét nghiệm COVID-19 lên khoảng 45% và chi “hoa hồng” cho các quan chức khoảng 800 tỉ đồng. Số lãi mà Việt Á thu được nhờ bán test kit gần 4.000 tỷ đồng. Cách đây ít hôm, Nguyễn Văn Trịnh, hàm thứ trưởng, trợ lý của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã bị Cơ quan điều tra Bộ Công an câu lưu để điều tra nghi án “nhận hối lộ” số tiền lên đến mấy trăm ngàn Mỹ kim từ Việt Á.

***

Những thanh trừng phe phái liên tục đã phần nào phơi bày lỗi hệ thống của thể chế chính trị. Một nhà nước ở đó, kẻ có chức quyền dễ làm tiền và rút ruột công quỹ.

Tất cả đều liên quan đến cơ chế lỏng lẻo của nhà nước XHCN như: Soạn luật phục vụ “nhóm lợi ích” lũng đoạn chính sách, đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, hợp tác công tư, xã hội hóa, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, quy hoạch xây dựng…

Khoá 13, nhiệm kỳ 2021-2026 của đảng Cộng sản Việt Nam mới đi được một phần ba đoạn đường nhưng đã bộc lộ nhiều bê bối chưa từng có. Nạn tham nhũng, hối lộ, xem ra đã lan đến thượng tầng chính trị, bệ rạc ngay trong hàng ngũ “tinh hoa” trong BCH Trung ương đảng. Liệu đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kéo dài thêm được bao nhiêu khóa nữa?