Nói chuyện nghiêm túc một chút về World Cup và văn hoá
24-11-2022
Bạn mình hôm qua có đăng một câu hỏi khá thú vị, nhưng đã hạ status đó xuống. Mình thấy thú vị quá nên moi lên lại. Câu hỏi đó là vì sao mới cách đây mấy tháng, dư luận còn lên án một MV ca nhạc có hình ảnh người trầm cảm tự tử, xem đó là hiểm hoạ, nhưng hôm nay thì lại thấy bình thường, thậm chí cười cợt việc thua độ nhảy cầu (cũng là tự tử)? Đây là câu hỏi rất hay. Nó vừa đặt câu hỏi về tính nguyên tắc trong các ứng xử về văn hoá của xã hội, vừa khiến mình đặt câu hỏi rằng liệu xã hội có đang thiếu vắng một la bàn văn hoá để định hướng không? Note này viết ra những suy nghĩ của mình về chủ đề này.
VỀ CÂU CHUYỆN TỰ TỬ
Một xã hội vận hành phải dựa trên nguyên tắc, kể cả khi nó liên quan đến các vấn đề văn hoá. Nếu chúng ta chấp nhận định lý này, cổ vũ việc mọi quyết định phải dựa trên nguyên tắc thì hai hành vi giống nhau và phải chịu xử lý giống nhau, trừ phi có thể chứng minh được có sự khác nhau lớn nào đó.
Đọc lại tình huống cấm MV cách đây mấy tháng, thì có một nguyên tắc sau đây được người phản đối MV đưa ra: vì MV có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, thậm chí là cổ vũ cho người khác, đặc biệt là trẻ vị thành niên tự sát.
Nhưng vì sao định đề đó lại đúng? Người phản đối MV đưa ra thêm hai lập luận: (1) vì MV do một ca sĩ nổi tiếng, có ảnh hưởng biểu diễn (yếu tố ảnh hưởng), và (2) vì MV rơi vào một thời điểm nhạy cảm khi có quá nhiều các vụ tự sát trong giới thanh thiếu niên (yếu tố hoàn cảnh). Vậy thì dựa trên nguyên tắc đó, ta có thể kết luận, một hình ảnh có nội dung tự tử cần phải cấm khi (1) nó có thể gây ảnh hưởng đến người khác, và (2) nó rơi vào hoàn cảnh có thể gây ra nhiều vụ tự tử khác. Để củng cố, người ta đưa ra thêm nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng một sản phẩm giải trí có thể khiến thúc đẩy hành vi tự tử của người khác như thế nào.
Nguyên tắc này nhìn chung hợp lý. Nhưng nếu vậy thì việc đùa giỡn về nhảy cầu cũng đâu khác mấy? Xét về yếu tố ảnh hưởng, cũng chưa chắc MV ca nhạc kia có ảnh hưởng bằng việc rất nhiều người cùng một lúc đùa về việc nhảy cầu (thậm chí có người còn được gắn tick xanh, có page còn có hơn 1 triệu thành viên) cùng lên bài trong một sự kiện cả tỷ người xem hay không. Xét về yếu tố thời điểm thì mỗi kỳ World Cup, Euro… lại xuất hiện khá nhiều các vụ tự tử vì thua cá độ bống đá. Điều này báo chí Việt Nam đưa tin không ít. Ngoài ra, việc đùa giỡn về tự tử cũng là một hành vi bình thường hoá hành vi tự tử. Cũng không thiếu các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa việc này và việc gia tăng tỷ lệ tự tử trên thực tế. Tất nhiên, có nghiên cứu này thì cũng có nghiên cứu kia. Phe ủng hộ và phản đối rồi thì cũng sẽ tìm được nghiên cứu phù hợp cho luận điểm của mình.
Vậy, nếu bỏ qua chuyện các câu đùa nhảy cầu tự tử vì cá độ đá bóng còn bình thường hoá việc cá độ đá bóng – vốn là hành vi bất hợp pháp ở Việt Nam, thì theo mình nó “có thể” có tác hại không kém một MV ca nhạc, nếu xét theo các yếu tố mà các bên đưa ra lúc trước.
DÂN TUÝ VỀ VĂN HOÁ?
Một số người phản biện rằng: MV ca nhạc thì tạo ra “năng lượng tiêu cực”, còn lời nói đùa này chỉ là “cho vui”, tạo “năng lượng tích cực”. Đây có lẽ cũng là suy nghĩ bình thường của mọi người. Tuy nhiên, nếu đây là một dạng tiêu chuẩn, một nguyên tắc, thì nó lại quá mơ hồ, thậm chí nguy hiểm. Diễn nghĩa ra thì tiêu chuẩn này là dạng cái gì tôi thấy thích, thấy vui thì tôi cho rằng nó không nguy hiểm, còn cái gì tôi cảm thấy không thích, cảm thấy không vui thì nó là nguy hiểm, cần cấm. Thực tế các vụ việc phạt vạ gần đây liên quan đến những “hình ảnh phản cảm” này lại đang đi theo hướng như vậy. Một căn cứ gần như mang tính quyết định mà Bộ Thông Tin Truyền Thông thường dựa vào để phạt một sản phẩm văn hoá hay một phát ngôn trên mạng đó là nó “gây bức xúc cho dư luận”. Điều này có thể hiểu rằng ngay cả Bộ khi áp dụng pháp luật cũng chấp nhận rằng một thứ sẽ có vấn đề nếu “dư luận lên án”, còn nếu dư luận không lên án thì nó không có vấn đề. Lúc này thì văn hoá, đạo đức, và pháp luật điều chỉnh nó rốt cuộc là do số đông dư luận quyết định, tuỳ lúc này hay lúc khác.
Nhưng cách tiếp cận này ngoài việc nó rất dân tuý và tuỳ tiện ra thì nó lại vấp phải một vấn đề về mặt thực chứng. Làm sao để biết rằng dư luận nào là đủ lớn để quyết định rằng một ngôn luận là có vấn đề? Nếu trong một xã hội có 10.000 cá nhân, và có 2.000 cá nhân lên án một hành vi, 1.000 cá nhân bảo vệ nó, và 7.000 cá nhân im lặng, không quan tâm thì “dư luận” ở đây thực tế là gì? Một cách hiểu đó chính là đại đa số dư luận “không thấy có vấn đề” cần phải lên án ngôn luận đó, và vì vậy không nên can thiệp. Đó là vấn đề của việc xử lý ngôn luận dựa trên dư luận. Việc dựa vào dư luận như một căn cứ cần phải đảm bảo các nguyên tắc cơ bản như một cuộc bầu cử, đặc biệt là ngưỡng tham gia tối thiểu, chính là vì vậy.
Mình có cảm giác rằng cơ quan Nhà nước cũng phải lựa chọn một phương pháp có vấn đề như vậy chính là vì đang có một sự mất định hướng không nhỏ trong nền tảng đạo đức, văn hoá của xã hội. Trước đây, nếu chấp nhận cách diễn giải của chủ nghĩa tự do coi trọng tự do cá nhân, xem tự do là nguyên tắc và giới hạn là ngoại lệ, dựa trên nguyên tắc gây hại… thì không một ngôn luận nào trong cả 2 ngôn luận nêu trên đáng bị xử lý, ngăn chặn cả. Một ngôn luận tạo ra dư luận trái chiều, hay “có thể” gây hại không phải là một ngôn luận bị cấm, theo diễn giải của chủ nghĩa tự do.
Nhưng trong bối cảnh Việt Nam hiện đang muốn giảm bớt sự ảnh hưởng của nền tảng đạo đức tự do, thì việc lên án cách tiếp cận tự do là dễ hiểu. Cho nên mới có chuyện trong các diễn ngôn chống MV cách đây mấy tháng xuất hiện ngọn cờ đầu là từ các page thúc đẩy phản phương Tây, phản tự do, cho rằng cần phải “chấn hưng văn hoá”. Mục đích này cũng có thể là hợp lý vì nền tảng đạo đức của chủ nghĩa tự do không phải lúc nào cũng đúng, nhất là trong tình cảnh có sự va đập văn hoá. World Cup 2022 là một ví dụ.
Nhưng chống nền tảng đạo đức của chủ nghĩa tự do thì phải đi kèm với việc cổ vũ một nền tảng đạo đức khác có đủ khả năng thay thế, làm la bàn chỉ đường cho các ứng xử trong xã hội. Thực tế thì sự thay thế là không rõ ràng. Nếu để ý thì Hội Nghị Văn Hoá vào tháng 10 năm rồi đã thất bại trong việc đưa ra một la bàn văn hoá cho các ứng xử với nhau trong xã hội. Hội Nghị với tham vọng vẽ ra một chủ thuyết văn hoá cho Việt Nam bằng cách lên án sự xâm nhập của nước ngoài vào, nhưng rốt cuộc lại chỉ dừng ở việc “nêu cao tinh thần yêu nước”, “tự hào dân tộc”, “ý thức tập thể”, “tinh thần cống hiến”, “giữ gìn truyền thống tốt đẹp của văn minh Việt Nam” (trong ngoặc là mình tự tóm tắt, không phải viện dẫn). Không một nguyên tắc nào được đưa ra giúp giải quyết câu chuyện tự tử kia đã. Tinh thần yêu nước không giải quyết được. Văn hoá trọng người lớn tuổi không giải quyết được…
Bản thân các page cổ vũ cho sự chấn hưng văn hoá có vẻ cũng lúng túng. Ngoài chuyện cổ vũ lòng yêu nước, lên án phương Tây ra thì những hành vi văn hoá của họ cũng khiến người ta ngán ngẩm. Đâu thể vừa lên án MV tự tử, nhưng lại ủng hộ việc đùa giỡn về tự tử. Đâu thể vừa lên án việc các đội tuyển không tôn trọng luật pháp nước sở tại, nhưng lại cùng nhau bình thường hoá việc cá độ vốn là vi phạm pháp luật. Và cũng đâu ai muốn con em mình xem thường phụ nữ như VTV đang làm, hay tệ hơn là liên tưởng đến phim người lớn mỗi khi Nhật Bản ra sân. Đó chắc chắn cũng không phải là văn hoá mà những người tham gia Hội Nghị Văn Hoá muốn hướng đến. Nhưng tiếc rằng đó lại là những gì chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên các page năng động nhất trong công cuộc chấn hưng văn hoá, và thậm chí là trên sóng đài truyền hình quốc gia.
Thiếu vắng sự định hướng thay thế như vậy, nên hành động của Bộ Thông Tin Truyền Thông là có thể hiểu được. Thôi thì đành phải để cho người dân tự tranh cãi với nhau, và xem ai lớn tiếng hơn thì sẽ về hùa với định hình văn hoá của nhóm đó. Kết quả có thể sẽ khá khó lường. Hoặc chúng ta sẽ có một xã hội đại văn hoá do người dân làm chủ, hoặc một xã hội không có nguyên tắc và hướng về những thứ tầm thường (banality).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.