Thứ Hai, 28 tháng 11, 2022

Sau G-20, Mỹ có thực sự trở lại và Trung Quốc muốn gì?

 

Sau G-20, Mỹ có thực sự trở lại và Trung Quốc muốn gì?

Bùi Thư

BBC News Tiếng Việt

25 tháng 11 2022

Dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, Mỹ rút khỏi nhiều tổ chức quốc tế để ưu tiên "Mỹ trên hết". Trung Quốc có cơ hội gây ảnh hưởng ở những tổ chức này. Nhưng Tổng thống Biden đã tuyên bố "Mỹ đã trở lại" ở G20. Vậy hai siêu cường sẽ "kỳ phùng địch thủ" ra sao?

clip_image002

Ông Biden đã gặp trực tiếp ông Tập trước đây, khi ông là phó Tổng thống Hoa Kỳ. ẢNH: GETTY IMAGES

Chỉ ba ngày sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump vào ngày 23/01/2017 đã nhanh chóng thực hiện chính sách "Mỹ trên hết" (American First) của mình bằng cách rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

TPP được coi là một phần trong chiến lược xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương dưới thời ông Barack Obama. Đây là thỏa thuận thương mại tự do giữa 12 quốc gia chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu và có cả Việt Nam.

Ông Trump cũng rút vai trò của Mỹ khỏi Hiệp định Paris năm 2015 về ứng phó biến đổi khí hậu. 

Tại Liên Hợp Quốc, ông Trump cũng rời khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa cũng như Hội đồng Nhân quyền của tổ chức quốc tế này.

'Mỹ đã trở lại'

Tới thời ông Biden, chính quyền quay trở lại khẳng định vị trí và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương với tuyên bố "Mỹ đã trở lại", nhằm xóa bỏ những hoài nghi của cộng đồng quốc tế về vai trò của Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump và thuyết phục người Mỹ về giá trị của một cách tiếp cận quốc tế mạnh mẽ.

Đơn cử là việc ông Biden quyết định dự Hội nghị G20 tại Bali vào tuần ông tròn 80 tuổi và ngay sau khi tham dự hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia.

Trả lời BBC News Tiếng Việt ngày 24/11, cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius nhận định:

"Hoa Kỳ đã trở lại bàn đàm phán ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm thông qua Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương do Hoa Kỳ lãnh đạo. Tổng thống Biden, Phó Tổng thống Harris và nhiều quan chức cấp nội các - bao gồm các bộ trưởng Tài chính, Ngoại giao và Quốc phòng, và Đại diện Thương mại Hoa Kỳ - đã đến các nước trong khu vực nội trong tháng này.

Hoa Kỳ đang xuất hiện trở lại và điều đó quan trọng đối với ASEAN. Tổng thống Biden tham dự hội nghị cấp cao ASEAN và G20, trong khi Phó Tổng thống Harris và Bộ trưởng Blinken tham dự Hội nghị cấp cao APEC. Sẽ rất có ý nghĩa nếu Tổng thống Biden có thể đến thăm Việt Nam và thêm bằng chứng về cam kết của Chính quyền Biden-Harris đối với Đông Nam Á.

"Phó Tổng thống Harris và một số quan chức cấp cao đã đến Việt Nam, đây là một tín hiệu rõ ràng rằng Hoa Kỳ đánh giá cao quan hệ đối tác với một quốc gia đang phát triển nhanh và năng động và gần đây đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ bảy của Hoa Kỳ", ông Osius nói.

Việc ông Biden gặp mặt Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng được giới quan sát đánh giá là một nỗ lực nhằm xoa dịu căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung và nỗi lo sợ một "Chiến tranh Lạnh mới".

Ông Ted Osius nói thêm với BBC, các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã hoan nghênh cuộc gặp trực tiếp của Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại Bali.

"Giữa lúc có những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và khủng hoảng lương thực, y tế và năng lượng, việc các nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất tham gia vào cuộc đối thoại thực thụ trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Tận dụng những cơ hội bất kể khi nào có được để cộng tác giải quyết những vấn đề nhức nhối toàn cầu luôn có ý nghĩa cho toàn thế giới. Trong tương lai, Ngoại trưởng Blinken sẽ tiếp tục đối thoại và xây dựng các cơ chế bảo vệ để ngăn chặn sự cạnh tranh chuyển hóa thành xung đột. Việc xử lý mối quan hệ Mỹ-Trung một cách cẩn trọng sẽ có hiệu ứng tác động lên các mối quan hệ khác, trong đó bao gồm bao gồm cả những mối quan hệ với ASEAN", ông Osius nói.

clip_image004

Trung Quốc muốn gì?

Trước đó, nhận xét với BBC News Tiếng Việt, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp từ Hà Nội cho rằng Trung Quốc đang xây dựng một kiến trúc an ninh chống lại thế giới với "Giấc mộng Trung Hoa" luôn muốn mình ở vị trí số một.

Và vì thế, Trung Quốc muốn chung sống hòa bình với Mỹ đến khi Trung Quốc xây dựng xong Pax Sinica (ý nói sự trỗi dậy trong hòa bình, liên hệ tới Pax Americana).

"Trước hết là số một tính ra tiền, rồi sau đó là số một tính bằng đầu đạn hạt nhân. Hai điều này sẽ là chiến tranh với Mỹ. Đến nay Mỹ vẫn là số một, và điều đó đảm bảo hòa bình cho phần đông thế giới, với cái là gọi là Pax Americana. Nhưng Trung Quốc đang muốn có Pax Sinica nhưng sai lầm của Trung Quốc là coi Mỹ đang lụn bại và nghĩ rằng Pax America đang chết. Nhưng thực tế lại khác", tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận xét.

Ông Hợp cũng chỉ ra rằng, trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ nói đến hợp tác với Trung Quốc chứ không đề cập tới những vấn đề về an ninh.

Wen-ti Sung, nhà khoa học chính trị tại chương trình Đài Loan của Đại học Quốc gia Úc, nêu quan sát với BBC về cuộc gặp giữa hai lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới:

"Ông Tập đã giành được thắng lợi khi luôn tươi cười trong cuộc nói chuyện với Biden, cho thấy một sự tự tin và cho thấy rằng ông ta không bị lép vế trước Biden, như thể Trung và Mỹ ngang hàng vậy. Đây là một màn trình diễn trực quan của cái giọng điệu gần đây của ông Tập, khi ông cho rằng Phương Đông đang trỗi dậy và phương Tây đang thoái trào".

"Biden cũng giành được chiến thắng khi ông Tập đã chấp nhận để Mỹ đưa ra cách tiếp cận hoàn toàn mới về Đài Loan trong năm qua. Dù sau tất cả những chuyện đó thì Tập vẫn nghĩ là Biden giữ lời và có thiện chí, và Tập dồn toàn bộ lời đổ lỗi cho hạ cấp của Biden về việc không giữ đúng chính sách Một Trung Quốc của Biden", ông Wen-ti Sung nhận định.

Truyền thông Trung Quốc tường thuật rằng ông Tập đã nhấn mạnh: "Vấn đề Đài Loan là lằn ranh đỏ đầu tiên không được phép vượt qua trong quan hệ Mỹ-Trung".

Ông Biden nói với báo giới ông đã làm rõ với ông Tập rằng "chính sách của chúng tôi đối với Đài Loan hoàn toàn không thay đổi. Đó chính xác là lập trường mà chúng tôi đã có" - tức chính sách "mơ hồ chiến lược" lâu nay của Hoa Kỳ đối với Đài Loan. Theo đó, họ không cam kết bảo vệ hòn đảo này.

Tuy nhiên, ông Biden nhiều lần nói Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu bị Trung Quốc tấn công và các quan chức đã phản bác lại những tuyên bố của ông.

clip_image006

Ý nghĩa G20?

Thông tín viên khu vực Đông Nam Á, Jonathan Head nhận xét rằng, Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra trong một thế giới dường như bị chia rẽ nghiêm trọng và nó khép lại với sự thống nhất hơn rất nhiều so với những gì mà người tham dự dám kỳ vọng.

"Con tàu điều hành thế giới, vốn bị nước tràn vào trên vùng đá ngầm của sự đối đầu giữa các cường quốc, vẫn tiếp tục tiến lên, dù hơi chòng chành", ông Head viết.

Ông Head phân tích thêm rằng, trước cuộc gặp, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã xấu đi đến mức có những đồn đoán về một cuộc Chiến tranh Lạnh mới và vì vậy, kết quả đầu tiên và có lẽ là quan trọng nhất của hội nghị thượng đỉnh này là cuộc gặp giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình.

clip_image008

Chụp lại hình ảnh: Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Indonesia Jokowi tại G20 ở Bali hôm 16/11/2022. ẢNH: GETTY IMAGES

Đồng thời, tuyên bố cuối cùng của G20 có tính cứng rắn một cách đáng ngạc nhiên khi lên án việc Nga xâm lược Ukraine ngay ở đầu tài liệu dài 16 trang.

"Lưu ý rằng, đây là một tuyên bố mà Nga có thể phủ quyết. Điều đó không có nghĩa là có áp lực ngoại giao đáng kể lên ông Lavrov, dù có rất nhiều tranh luận về những gì cuối cùng được đưa vào tuyên bố. Chúng ta hiểu đây là một diễn đàn mà Nga có thể đã hy vọng rằng những quan điểm của họ về cuộc chiến có thể nhận được vài sự đồng cảm, nhưng hóa ra ông Lavrov lại hiện lên đầy đơn độc, thậm chí cả Trung Quốc cũng bóng gió lên án Nga chính trị hóa hoạt động cung cấp lương thực và năng lượng", ông Head phân tích.

Ông Jerome Wirawan, trưởng ban BBC News Tiếng Indonesia nói với BBC News Tiếng Việt rằng, kết quả quan trọng nhất của hội nghị là sau hội nghị G20 là việc các thành viên đồng lòng lên án Nga trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, vốn gây khủng hoảng nhân đạo.

"Thứ hai, chúng ta có một thứ gọi là quỹ ứng phó đại dịch, cơ bản, G20 đồng ý sẽ thành lập một quỹ nhằm ứng phó với đại dịch trong tương lai cũng như là hỗ trợ các nước có thu nhập bình quân thấp và vừa. Hiện tại quỹ đã được cam kết 1,4 tỷ USD do 17 nước thành viên và không phải thành viên của G20 cùng 3 tổ chức từ thiện quốc tế ủng hộ, nhưng còn cách khá xa với con số kỳ vọng là khoảng 31,1 tỷ USD", ông Wirawan nói.

Tuy nhiên, nhà báo Wirawan cũng nhắc lại rằng, rất nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng, điều đó chỉ làm cho Tổng thống Nga trở nên tức giận, và làm trầm trọng thêm tình hình ở Ukraine:

"Vì vậy, rất khó mà cân đo đong đếm được sức ảnh hưởng của tuyên bố cuối cùng của G20, dù nó mang ngôn ngữ cáo buộc Nga mạnh mẽ. Chúng ta thấy Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã rời đi ngay trong đêm đầu của sự kiện, điều đó chứng tỏ tuyên bố này thực sự rất khó để Nga nuốt trôi.

"Trong những tháng trước đây, chúng ta thấy nỗ lực của Tổng thống Joko Widodo để thu hẹp khoảng cách về ngoại giao giữa Nga và Ukraine. Nhưng ta thấy điều đó rất khó khăn và tôi không nghĩ ông Widodo đã đạt được. Indonesia mong muốn có thể tổ chức G20 một cách thành công nhưng thực tế, sự xung đột giữa Nga và Ukraine, Trung Quốc và Mỹ về vấn đề Đài Loan, chi phí sống tăng vọt, quá sức để có thể gồng gánh và những vấn đề này phủ bóng lên G20 nên tôi nghĩ, Indonesia không hẳn đã thành công trong việc giải quyết những vấn đề này với tư cách là Chủ tịch G20.

"Ngay trong nội bộ đất nước, chúng tôi hy vọng G20 sẽ giúp tăng GDP nhưng điều này còn đặt trong nghi vấn vì làm sao có thể chứng minh được. Nhưng mặt khác, G20 thành công ở Bali vì Bali đã phải đóng cửa cả năm vì đại dịch và G20 mang đến sức sống cho du lịch của hòn đảo và tạo lợi nhuận cho người dân địa phương", ông Wirawan kết luận.

B.T.

Nguồn: BBC Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.