Điểm sách: Chủ thuyết tự do và các giới bất mãn
Tác giả: John Halpin
Đỗ Kim Thêm dịch
28-11-2022
Sự dịu giọng khi nhân danh tự do không phải là xấu. Sự tách biệt âm thầm trong chủ thuyết phi tự do thuộc phe cánh tả và hữu của Francis Fukuyama.
Trong một hành vi gây hấn đầy tai hại với cuộc xâm lược Ukraine, nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin đã đẩy phương Tây trở lui lại một cuộc xung đột ý thức hệ và quân sự mà người Âu – Mỹ nghĩ rằng họ đã bỏ lại phía sau từ nhiều thập niên trước. Mặc dù không phải là sự tái sinh của cuộc Chiến tranh Lạnh nguyên thuỷ chống lại chủ nghĩa Cộng sản toàn cầu đã mà nó kết thúc khi phương Tây chiến thắng vào năm 1991 với sự tan rã của Liên Xô, cuộc xung đột hiện tại đang hình thành một cuộc chiến thế hệ tương tự giữa nền dân chủ tự do và chủ nghĩa độc tài.
Một bên là Hoa Kỳ và hầu hết các nước châu Âu. Bên kia là Nga, Trung Quốc và các lực lượng khác nhau của chủ nghĩa phi tự do ngay trong chính nội bộ các quốc gia phương Tây. Để giành chiến thắng trong cuộc xung đột này, những người theo chủ thuyết tự do phải một lần nữa chứng minh với thế giới – với khối óc và sức mạnh cơ bắp – rằng, các trật tự chính trị dựa trên các quyền cá nhân, các nền kinh tế thị trường, các quy tắc hiến định, tinh thần đa nguyên về giá trị, lý trí và sự chuẩn mực cơ bản là vượt trội so với những gì được duy trì thông qua vũ lực, nỗi sợ hãi trong nội bộ và tuyên truyền và tham nhũng lan rộng.
Cuộc đấu tranh trí thức này có vẻ như là một cú đánh úp cho các xã hội tự do vì những thành công của họ trong suốt lịch sử. Các quốc gia tự do đã đánh bại cả chủ thuyết phát xít và Cộng sản, và làm việc trong tinh thần hợp tác để tạo ra nhiều thập niên cho mức tăng trưởng ngày càng gia tăng và sự thịnh vượng mở rộng cho người dân Âu – Mỹ. Nhưng với các phân hoá chính trị nội bộ ngày càng tăng ở các nước chúng ta – được thúc đẩy bởi các lực lượng tuyên truyền bằng kỹ thuật số mới, chủ thuyết cực đoan và thông tin sai lệch – điều không rõ ràng rằng những người ủng hộ cho chủ thuyết tự do được chuẩn bị đầy đủ để giành chiến thắng trong các cuộc chiến phía trước.
Những người yêu chuộng tự do rõ ràng sẽ cần hiểu rõ hơn và đương đầu với những người chỉ trích nội bộ của họ, cũng như những kẻ ngoại thù như Nga và Trung Quốc, nếu họ muốn bảo vệ một hệ thống tư tưởng và quản trị đã tồn tại kể từ thời kỳ Khai sáng. Những người bảo vệ chủ thuyết tự do ở phương Tây phải đưa ra một trường hợp mạnh bạo cho sự đổi mới tự do khi đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng về kinh tế và chính trị do mình tự gây ra – những nỗ lực quân sự bị xử lý sai lệch ở Trung Đông, các cuộc khủng hoảng thị trường, tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng và phân hoá chính trị. Nếu không, các lực lượng tự do hậu trào ở cánh hữu và cánh tả tìm cách lật đổ hoặc thay thế một hệ thống chính trị dựa trên chủ thuyết đa nguyên, các tự do hiến định và các quyền cá nhân sẽ tiếp tục đạt được sức mạnh.
Nước Mỹ và thế giới sẽ cần những vị tướng giỏi để giúp hướng dẫn mọi người vượt qua những trận chiến ý thức hệ sắp tới, những người được trang bị cái nhìn sâu xa về lịch sử và một cam kết quy phạm thực sự đối với các giá trị tự do cho phẩm giá và các quyền bình đẳng cho tất cả mọi người.
Rất ít người có khả năng để lãnh đạo cuộc chiến trí thức này tốt hơn là Francis Fukuyama.
Cuốn sách mới của Fukuyama, Liberalism and Its Discontents (Chủ thuyết tự do và các giới bất mãn), cung cấp một sự bảo vệ hùng hồn và nhiều nhạy cảm của tinh thần tự do và đa nguyên mà các nhà lãnh đạo và hoạt động trong phạm vi ý thức hệ nên đọc và tranh luận. Cuốn sách lập luận ngắn gọn và được viết một cách trong sáng và lập luận cực kỳ khúc chiết này làm nổi bật việc khảo cứu cả đời của Fukuyama về các lý thuyết chính trị và các hệ thống mà nó định hình cho lịch sử loài người – và rồi chính nó lại được định hình bởi sự phát triển.
Chủ thuyết tự do cổ điển theo định nghĩa của Fukuyama đại diện cho một “cái lều lớn bao gồm một loạt các quan điểm chính trị, dù sao cũng đồng ý về tầm quan trọng nền tảng của các quyền cá nhân, luật pháp và tự do bình đẳng”. Chủ thuyết tự do trong công thức này không phải là những gì mà chúng ta thường nghĩ một cách đặc trưng là phe cánh trung tả, nền chính trị theo đảng Dân chủ ở Hoa Kỳ hoặc chủ nghĩa tự do cực đoan theo cánh hữu. Đây là một hệ thống tư tưởng và thể chế được đặt ra từ thế kỷ 17, được thiết kế để giải quyết các vấn đề quản lý sự đa dạng của con người mà không có vũ lực và chiến tranh liên tục. Như Fukuyama giải thích:
“Nguyên tắc cơ bản nhất được tôn vinh trong chủ thuyết tự do là khoan dung: bạn không phải đồng ý với đồng bào mình về những điều quan trọng nhất, mà chỉ cần mỗi cá nhân nên quyết định họ là gì mà không có sự can thiệp của bạn hoặc của nhà nước. Chủ thuyết tự do làm giảm nhiệt độ của nền chính trị bằng cách đặt các câu hỏi về các cứu cánh ra khỏi bàn thảo luận: bạn có thể tin những gì bạn muốn, nhưng bạn phải làm như vậy trong cuộc sống riêng tư và không tìm cách áp đặt quan điểm của bạn cho đồng bào bạn “.
Chủ thuyết tự do có thể được hướng dẫn bởi các chuẩn mực khoan dung và lý trí, nhưng nó được thực thi bởi các hiến pháp, luật pháp, quy định và phán quyết của tòa án để duy trì các quyền cá nhân về chính trị và kinh tế để chiều theo ý họ, miễn là họ không can thiệp vào quyền tương tự của người khác trong việc tự quyết. Chủ thuyết tự do trong thời hiện đại đòi hỏi các cuộc bầu cử tự do và công bằng, các cơ quan lập pháp đại nghị, một hệ thống tư pháp công bằng và vô tư, các bộ máy hành chánh trung dung, một nền báo chí và truyền thông độc lập, và một cam kết cho tự do ngôn luận.
Như Fukuyama lập luận một cách chính xác, thật không may, chủ thuyết tự do cổ điển đang bị tấn công đều đặn từ cả phe cánh hữu sặc mùi dân túy và phe cánh tả dựa trên bản sắc.
Các nhà lãnh đạo theo phe cánh hữu ở các quốc gia như Nga, Hungary, Ba Lan, Brazil và Thổ Nhĩ Kỳ, và thậm chí ở Mỹ trong thời của Donald Trump, tích cực tìm cách phá hủy các thể chế tự do, loại bỏ các thủ tục kiểm tra về quyền lực, thúc đẩy những lời nói dối và âm mưu, và nắm quyền các cơ quan độc lập trước đây để duy trì quyền lực của họ thường là theo những cách tham nhũng.
Để đánh đổi lại, các phong trào cánh tả phi tự do ở Mỹ và châu Âu tìm cách vượt qua tính cách trung lập hiến định và quyền cá nhân bằng cách thúc đẩy sự phân biệt đối xử dựa trên phe nhóm để cải thiện những bất công thực sự và được cảm nhận trong khi đồng thời kiểm tra các bài phát biểu chính trị và bất đồng chính kiến được coi là sai lệch so với tính chính thống tiến bộ.
Mặc dù các mối đe dọa từ cánh hữu theo cách dân túy có thể thể hiện rõ rệt và trực tiếp hơn, các mối đe dọa đến từ phe cánh tả dựa trên bản sắc cũng góp phần vào sự phân hoá văn hóa mà nó làm suy yếu tinh thần đoàn kết và đồng thuận cần thiết cho các biện pháp tuần tự và thực tiễn để cải thiện các xã hội tự do.
Cuốn sách của Fukuyama không phải là một cuộc bút chiến nhẹ ký chống lại các lực lượng của chủ thuyết phi tự do hay “sự thức tỉnh”. Ông tham gia một cách thành tâm với giới phê bình tự do theo cánh hữu và cánh tả và soi sáng một cách công minh, thuận theo các lập luận của họ.
Ông thừa nhận rằng, sự thái quá trong nội bộ của chính chủ thuyết tự do – được đại diện bởi kinh tế học tân tự do và những biểu hiện không kiềm chế về quyền tự chủ của con người mà nó đe dọa truyền thống tôn giáo và văn hóa – đã giúp tạo ra những trào lưu phản kháng phi tự do này hiện đang đe dọa các nền dân chủ từ bên trong và bên ngoài.
Về các điều khoản trong chương trình nghị sự tân tự do của toàn cầu hóa và bãi bỏ quy định nổi bật trong những năm 1980 và 1990, Fukuyama nói: “Một nhận thức có giá trị về hiệu quả vượt trội của các thị trường đã phát triển thành một cái gì đó của một tôn giáo, trong đó sự can thiệp của nhà nước bị phản đối như một vấn đề nguyên tắc “.
Mặc dù tình trạng tăng trưởng và thịnh vượng tăng mạnh trong giai đoạn này, tình trạng bất bình đẳng tăng vọt trong khi các cuộc khủng hoảng tài chính gắn liền với những hậu quả tàn khốc ở những nơi như Mexico, một số quốc gia châu Á và cuối cùng ở Hoa Kỳ với sự sụp đổ thị trường tài chánh thứ cấp năm 2008.
Khi chủ thuyết tân tự do phát triển quyền lực trong cuộc cách mạng bảo thủ trong thời Reagan – Thatcher và kỷ nguyên thứ ba trong thời Clinton – Blair, nó đã đem lại các khía cạnh tốt đẹp của các nền kinh tế thị trường đến mức cực đoan, bằng cách phá bỏ các biện pháp bảo vệ và quy định của chính phủ và khuyến khích các đầu cơ và tình trạng bất ổn.
Sự trì trệ và xuống cấp sau đó của tầng lớp lao động ở nhiều nước phương Tây đã tạo ra một phản ứng dữ dội có thể hiểu được. Phản ứng mang màu sắc dân túy chống lại chủ thuyết tân tự do đến từ cả hai phe cánh hữu và tả, và dựa trên những kinh nghiệm thực tế về an ninh kinh tế bị suy giảm cho giới công nhân và cộng đồng địa phương của họ, và sự tức giận lan rộng hơn đối với các giá trị văn hóa của giới ưu tú thuộc tân tự do thường mâu thuẫn với các chuẩn mực của tầng lớp lao động truyền thống.
Nếu chủ thuyết tân tự do đại diện cho lợi ích kinh tế của các tầng lớp siêu giàu và chuyên nghiệp, ngược lại, phản ứng mang màu sắc dân túy lên tiếng cho sự bất mãn của tầng lớp lao động với các hệ thống tự do về thương mại, nhập cư và bản sắc toàn cầu. Nó tự thể hiện trong các nỗ lực của phe cánh tả như phong trào Occupy năm 2011, và phe cánh hữu với cuộc bỏ phiếu Brexit ở Anh và cuộc bầu cử của Trump ở Mỹ vào năm 2016.
Trên mặt trận văn hóa, Fukuyama lập luận một cách thuyết phục rằng: “Nền chính trị theo bản sắc ban đầu nổi lên như một nỗ lực để thực hiện lời hứa của chủ thuyết tự do, trong đó rao giảng một học thuyết về tinh thần bình đẳng phổ quát và sự bảo vệ đồng đều về phẩm giá con người theo luật pháp”, mà nó bỏ qua sự đối xử tồi tệ đối với người Mỹ da đen, phụ nữ, người đồng tính nam và đồng tính nữ, và các nhóm thiểu số tôn giáo. Điều này dẫn đến những thay đổi lịch sử trong cuộc sống của người Mỹ từ giữa thập niên 1950 cho đến thập niên 1970, thông qua các phong trào dân quyền tự do khác nhau.
Tuy nhiên, theo Fukuyama, trong những thập niên gần đây, sự phát triển của tư tưởng tự do này đã chuyển sang chủ thuyết tự do khi chính trị bản sắc đã được tuyệt đối hóa theo những cách đe dọa đoàn kết xã hội, và trong nhà hoạt động cấp tiến bắt đầu tranh thủ áp lực xã hội và sức mạnh của nhà nước để bịt miệng những tiếng nói chỉ trích chương trình nghị sự của họ.
Ví dụ, thay vì dạy cho sinh viên là tất cả mọi người đều xứng đáng được hưởng phẩm giá và quyền bình đẳng như được nêu trong Bảng Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, các lý luận gia phê bình nghiên cứu trong nhiều trường phái và định chế ngày nay dạy rằng “đặc quyền cho giới da trắng” và “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống” ngăn cản bất kỳ cơ hội sống có ý nghĩa nào cho người Mỹ da đen hoặc gốc Tây Ban Nha và khẳng định rằng hầu hết các chính sách và luật pháp củng cố ưu quyền của người da trắng trong lịch sử.
Những lý thuyết gia này cũng thách thức các khái niệm tự do về chế độ sử dụng nhân tài, tính hợp lý và tuân thủ tư tưởng khoa học như là những sức áp bức và quyền lực được che đậy mỏng manh, nó nên được thay thế bằng “kinh nghiệm sống” chủ quan của các nhóm bị gạt ra bên lề xã hội.
Những ý tưởng này đã trực tiếp dẫn đến những cuộc chiến khốc liệt gần đây về hành động khẳng định và loại bỏ các chính sách tuyển sinh dựa trong cuộc thi cho nhiều trường công lập và đại học dành cho giới ưu tú để ủng hộ các đánh giá chủ quan về sự đa dạng văn hóa và sự chênh lệch dựa trên nhóm.
Cũng tương tự như vậy, với sự trỗi dậy của các phương tiện truyền thông xã hội làm củng cố cho việc phải đạo với ý thức hệ của phe cánh tả phi tự do đã mở rộng theo cả hai cách tinh tế và công khai. Nếu bạn cố thách thức các học thuyết của các giới phê bình hoặc sử dụng các thuật ngữ sai lầm của việc tranh luận như được đặt ra bởi nhiều nhà hoạt động cho công bằng xã hội, bạn có thể sẽ bị đặt trong tầm nhắm trực tiếp là “suy nghĩ sai lầm” và phải đối mặt với điều chê trách tiềm tàng theo thể chế và xã hội.
Đồng thời, những người theo chủ thuyết tự do không sẵn lòng để đúng về phía những người theo cánh tả phi tự do bằng cách họ lập luận về các nguyên tắc bình đẳng và quyền cá nhân đối với các lý thuyết dựa trên nhóm cực đoan mà họ đã nhường phạm vi chính trị cho các lực lượng trong Đảng Cộng hòa, những người đã hứa với cử tri rằng họ sẽ “làm điều gì đó” bằng cách ban hành các lệnh cấm sâu rộng về việc giảng dạy các ý tưởng “khiến mọi người không thuận lòng” và thậm chí cấm một số cuốn sách. Một hành động phi tự do đã bị chống lại bởi một hành động khác, và các người Mỹ không khôn ngoan hơn hoặc tốt hơn cho việc làm này.
Fukuyama cũng nghiên cứu các phê bình theo tinh thần dân tộc về chủ thuyết tự do mà hầu hết họ xuất phát từ giới trí thức bảo thủ “tự do thời hậu trào” như Sohrab Ahmari và Adrian Vermeule, những người có ý tưởng truyền tải các độc thoại hàng ngày của Tucker Carlson và các chủ các phương tiện truyền thông khác mà họ có số lượng khán giả khổng lồ theo cánh hữu (xem Gabby Birenbaum, “Inside Tucker Carlson’s Brain”, trang 30).
Những trí thức này lập luận về một “chủ thuyết hiến định đạo đức có thực chất” mà họ tìm cách đề cao các khái niệm thần học cụ thể trong việc phá thai, đồng tính luyến ái, cấu trúc gia đình và bản sắc giới tính và các mối quan hệ. Họ e dè đến mức phòng thủ về những gì có ý nghĩa thực tế đối với nền dân chủ Mỹ. Nhưng họ gần như ca ngợi các nhà lãnh đạo theo chủ nghiã dân tộc như Thủ tướng Hung Viktor Orbán, người đã nỗ lực thành công để kiềm hãm nền tư pháp độc lập, đóng cửa các tổ chức đối lập phi chính phủ và bịt miệng các phương tiện truyền thông đối lập (thường thông qua việc mua chuộc của các nhà tài phiệt trung thành với ông) mà tổ chức Freedom House đã xếp hạng là đất nước này đạt được một “tự do một phần”.
Giới bảo thủ theo tự do thời hậu trào này đánh giá các giá trị văn hóa tự do – và các quan điểm cởi mở về tự do cá nhân và nhập cư thông thoáng – là các mối đe dọa đối với các gia đình truyền thống, các cộng đồng tôn giáo và các bản sắc dân tộc. Fukuyama lập luận một cách đúng đắn là để đáp lại tinh thần phổ quát về tự do – niềm tin rằng nhân quyền áp dụng cho tất cả mọi người – không cần phải xung đột với bản sắc dân tộc và lòng yêu nước.
Các quyền phổ quát có thể là mục tiêu quy phạm cho tất cả mọi người, nhưng chúng chỉ có thể được thực thi và bảo vệ trong phạm vi các quốc gia.
Được hiểu một các đúng đắn, chủ thuyết tự do bao gồm các bản sắc văn hóa, sắc tộc và tôn giáo và khác nhau và lòng yêu nước. Các giá trị phổ quát tự do cũng có thể giúp xác định một tinh thần dân tộc toàn diện hơn dựa trên các giá trị công dân chung về lòng khoan dung, tự do và lòng tôn trọng sự khác biệt hơn là độc quyền hơn dựa trên chủng tộc, tôn giáo hoặc sắc tộc.
Như Fukuyama lập luận, nếu những người theo chủ thuyết tự do nhượng lại bản sắc dân tộc và lòng yêu nước cho phe cánh hữu, chúng ta sẽ kết thúc với các mô hình cực đoan và loại trừ mà chúng ta thấy ở những nơi như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Brazil.
Theo Fukuyama, các lựa chọn thay thế thuộc về tự do thời hậu trào từ phe cánh tả sẽ liên quan đến việc tăng cường rộng lớn các xu hướng hiện nay, nơi mà “những cân nhắc về chủng tộc, giới tính, sở thích ưu tiên giới tính và các loại bản sắc khác sẽ được du nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống hàng ngày và sẽ trở thành những cân nhắc chính cho việc tuyển dụng, thăng chức, có quyền thâm nhập và sử dụng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục và các lĩnh vực khác“.
Fukuyama cũng hình dung một phe cánh tả thuộc về tự do hậu trào tiếp tục thay đổi chính sách nhập cư thông qua một “hệ thống tị nạn cởi mở” hoặc tìm cách vượt qua các ràng buộc pháp lý trong nước và trì hoãn nhiều tác nhân quốc tế hơn để giải quyết vấn đề thách thức khí hậu. Tuy nhiên, ông không thấy hầu hết chương trình nghị sự kinh tế của phe cánh tả của Mỹ có khả năng thù địch với chủ thuyết tự do theo truyền thống, thay vào đó coi đó như là việc theo đuổi một nhà nước phúc lợi dân chủ xã hội phù hợp với những nhà nước ở châu Âu.
Cuối cùng, Fukuyama lập luận rằng trong khi có thể có những khiếm khuyết đích thực trong tư duy tự do, chủ thuyết tự do tự nó là khuôn khổ chính trị duy nhất được chứng minh để bảo vệ tự do của con người và đảm bảo các quyền trong các xã hội đa dạng với những người có niềm tin và nguồn gốc khác nhau.
Nếu chúng ta cố gắng thay thế sự lựa chọn cá nhân và tự do để theo đuổi các mục tiêu của con người được đề cao trong tư tưởng tự do bằng các quan điểm tôn giáo độc đáo hoặc làm chủ một loạt các ý tưởng dựa trên bản sắc theo phe cánh tả trái ngược với các quyền cá nhân như được đưa ra bởi các nhà phê bình tự do thời hậu trào, thì các xã hội đa dạng như Mỹ không thể hoạt động.
Chủ thuyết đa nguyên tự do, tinh thần khoan dung và chủ thuyết hiến định cung cấp các phương tiện được đảm bảo để bảo vệ công dân từ các công dân hoặc các chính phủ, đó là những người có thể cố buộc họ phải quỳ gối theo một cách suy nghĩ cụ thể. Các xã hội không nên vứt bỏ các nguyên tắc và luật pháp này một cách vội vàng vì sự thất vọng với hiện trạng hoặc hoạt động chậm chạp của các nền chính trị dân chủ dựa trên sự đồng thuận tuần tự.
Lời khuyên của Fukuyama về sự tách biệt là một lời yêu cầu đơn giản nhưng mạnh mẽ đối với các xã hội tự do để nắm lấy sự kiềm chế cá nhân và chính trị và thúc đẩy khái niệm của Hy lạp thời xưa về “điều độ”, có nghĩa là không có gì là thái quá: “Nói chung, tình trạng chừng mực không phải là một nguyên tắc chính trị tồi tệ, và đặc biệt là cho một trật tự tự do, có nghĩa là, để làm xoa dịu các niềm đam mê chính trị ngay từ lúc khởi đầu“.
Sự ôn hòa tự nó sẽ không ngăn chặn sự xâm lược của Nga hoặc bảo vệ thế giới tự do thoát khỏi chủ nghĩa độc tài. Nhưng tinh thần ôn hoà trong việc theo đuổi một nền chính trị tốt đẹp hơn có thể là cách duy nhất để giảm căng thẳng trong nội bộ ở Mỹ và châu Âu, đồng thời thuyết phục nhiều người hơn rằng những bất bình chính đáng của họ được giải quyết tốt hơn trong các hệ thống bảo vệ quyền cá nhân và bảo vệ các quan điểm đa dạng hơn là các lựa chọn thay thế độc đoán hoặc hậu tự do dựa trên sự kiểm soát của nhà nước và kiềm chế bất đồng chính kiến và quan điểm thay thế.
Chủ thuyết tự do đối mặt với nhiều người bất mãn. Fukuyama nhắc nhở cho chúng ta rằng, cách tốt nhất để vượt qua những thách thức này là những người chủ trương tự do biết tôn trọng nguyên tắc cải thiện những thái quá trong nội bộ một cách trực tiếp và bảo vệ một viễn kiến tự do được đổi mới như là mô hình chính trị tốt nhất cho việc tôn trọng các quyền cá nhân và cơ hội kinh tế trong các xã hội dị biệt.
________
Liberalism and Its Discontents, Francis Fukuyama, Farrar, Straus and Giroux, 192 pp.
John Halpin là đồng biên tập của “The Liberal Patriot”, một bản tin với chuyên đề chính trị quốc nội và quốc tế.
Bài liên quan: Cái gì đang phá vở nền dân chủ? — Ai đã phá vỡ nền dân chủ Mỹ?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.