Thế nào là ‘đúng pháp luật’ trong… rừng luật và quy định?
Trân Văn
22-11-2022
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện thượng cấp công khai khuyến khích thuộc cấp đừng để qui định “trói chân, trói tay”, bất chấp “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật” vẫn được khẳng định là nền tảng của “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Tuần rồi, ông Trần Sỹ Thanh – Chủ tịch Hà Nội – khuấy động dư luận khi hối thúc thuộc cấp: “Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!” (1). Bởi công chúng đã bàn luận về chuyện mang tính từ “trong veo” dán cho “công bộc” (2) nên kẻ viết bài này xin phép bỏ qua “trong veo” để nêu vài thắc mắc về chuyện thượng cấp khuyến khích thuộc cấp cứ làm những chuyện họ thấy cần làm, đừng sợ dù… không đúng qui định pháp luật!
Ông Thanh phát biểu như vừa dẫn khi khoác áo đại biểu quốc hội (ĐBQH) đi gặp cử tri ở hai huyện Sóc Sơn và Mê Linh để báo cáo về Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa này (vừa kết thúc hôm 15/11/2022). Tại đó, sau khi nghe cử tri huyện Mê Linh than phiền về việc chính quyền huyện này chần chừ giao “đất dịch vụ” cho những gia đình từng bị thu hồi hơn 30% diện tích đất mà họ có trong giai đoạn từ 1997 – 2008, ông Thanh bảo các viên chức hữu trách ở huyện Mê Linh rằng họ phải… “cố gắng”, đừng… “so đo mấy câu, mấy chữ suốt mấy chục năm” vì như thế là… “không ổn”. Do Mê Linh là một huyện thuộc Hà Nội nên ông Thanh phủ dụ cả lãnh đạo những sở, ngành có liên quan của Hà Nội là… “nếu không có quyền lợi trong việc giao ‘đất dịch vụ’ thì phải quyết tâm làm, trả ‘đất dịch vụ’ cho dân”. Ông Thanh nhấn mạnh, “thế hệ lãnh đạo đương nhiệm thuận lợi hơn “vì là thế hệ sau, không dính dáng gì cả” thành ra nên “dũng cảm mà làm”. Nguôn gốc “Mình chẳng dính dáng gì mình không sợ! Mình trong veo thì sợ cái gì!” là từ đó!
***
Có lẽ chỉ ở Việt Nam mới có chuyện thượng cấp công khai khuyến khích thuộc cấp đừng để qui định “trói chân, trói tay”, bất chấp “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật” vẫn được khẳng định là nền tảng của “pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Nếu các viên chức hữu trách thật sự không cần… “so đo mấy câu, mấy chữ” miễn là… “không có quyền lợi”hoặc thuộc… “thế hệ sau, không dính dáng gì cả” thì nên giải tán cả quốc hội – nơi ban hành các văn bản lập pháp, lẫn chính phủ và hệ thống chính quyền cấp thấp hơn – những nơi ban hành các văn bản lập quy! Cần chú ý, trên thực tế, có nhiều… “ông” không chỉ khuyến khích như ông Thanh mà còn… “chỉ đạo” làm trái qui định. Hồi trung tuần tháng 9 năm nay, khi họp với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trên toàn quốc, trước tình trạng hoạt động của hệ thống y tế gần như tê liệt vì thiếu đủ thứ, ông Phạm Minh Chính đã lấy tư cách Thủ tướng ra lệnh: “Cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định, vì thiếu trách nhiệm mà để thiếu thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế kéo dài” (3).
Dường như nhận thấy chừng đó chưa đủ để thiên hạ hoang mang, lúc ấy, ông Chính – người có học hàm Phó Giáo sư, học vị Tiến sĩ Luật – chú thích thêm: “Ai làm sai thì phải xử lý, kỷ luật nhưng không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”. Có động não tới… nhũn não cũng không thể hiểu tường tận ý của ông Chính. Tại sao đã “cương quyết, dứt khoát”không để “thủ tục hành chính” và “quy định” cản trở khiến “thuốc, sinh phẩm, vật tư y tế” khiếm hụt rồi trở thành “thiếu trách nhiệm”, mà… “làm sai thì phải xử lý, kỷ luật”? Tại sao đã “làm sai thì phải xử lý, kỷ luật” mà còn đòi hỏi “không để vì xử lý, kỷ luật mà để ảnh hưởng tới việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân”? Tại sao những người vừa góp mặt trong cơ quan ban hành văn bản lập pháp (ĐBQH), vừa đứng đầu các cơ quan hành pháp (Thủ tướng, Chủ tịch thành phố) như ông Chính, ông Thanh lại đặt ra các quy phạm pháp luật gây “vướng mắc” nhưng thay vì bãi bỏ, sửa đổi lại khuyến khích thuộc cấp nên “dũng cảm” làm ngược lại?
***
Văn minh nhân loại đã giúp ngạn ngữ pháp lý (legal maxim) “công dân được phép làm mọi thứ luật pháp không cấm” (everything which is not forbidden is allowed) phát triển thêm vế sau “công chức chỉ được làm những điều mà luật pháp cho phép” (for the individual citizen, everything which is not forbidden is allowed; but for public bodies, and notably government, everything which is not allowed is forbidden) để ngăn chặn sự lạm quyền. Luật pháp của nhiều quốc gia được xây dựng trên nền tảng này (3). Tuy né tránh đề cập đến quan điểm vừa nêu nhưng Cộng hòa XHCN Việt Nam xiển dương “sống và làm việc theo hiến pháp, pháp luật”. Dù hoạt động lập pháp, lập quy hết sức rầm rộ, tốn kém nhưng kết quả là quy định, thủ tục vừa tạo ra đủ thứ “kẽ hở, lỗ hổng” để kẻ gian khai thác, vừa tạo ra đủ loại “vướng mắc” và văn minh pháp lý đã tiến đến mức phần còn lại của nhân loại chưa thể theo kịp, đó là đủ loại thượng cấp khuyến khích đủ loại thuộc cấp hãy “dũng cảm”, đừng “so đo mấy cấu, mấy chữ”…
Nếu vi diệu là không thể dùng tri thức cũng như ngôn ngữ thông thường để diễn giải thì những chỉ đạo kiểu như… “cương quyết, dứt khoát không vì thủ tục hành chính, vì vướng mắc quy định…” rõ ràng là hết sức… vi diệu. Sự… vi diệu ấy chỉ có ở Việt Nam và sau nhiệu thập niên ra sức xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, ra sức xây dựng “xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, hành vi… “xé rào” vẫn còn tương lai bởi hết sức cần thiết cho dù luôn bị trừng phạt trước và… ca ngợi sau!
Chú thích
(1) https://vtc.vn/chu-tich-ha-noi-tran-sy-thanh-minh-trong-veo-thi-so-cai-gi-ar714223.html
(2) https://www.voatiengviet.com/a/lay-trong-dan-cho-cong-boc-la-dai-/6843176.html
(3) https://en.wikipedia.org/wiki/Everything_which_is_not_forbidden_is_allowed
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.