Vai trò của luật sư trong các vụ án chính trị
22-11-2022
Trong vụ án xử blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, dàn luật sư có thể được coi là hùng hậu nhất thời bấy giờ – có tới 6 luật sư, trong đó có những luật sư là cựu quan chức như LS Trần Văn Tạo (nguyên Phó Giám đốc Công an TP.HCM), LS Trần Quốc Thuận (nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội). Với ngần ấy luật sư, blogger Ba Sàm vẫn bị tạm giam tới hơn hai năm mới đưa ra xử. Và như một điều hiển nhiên, mọi lời bào chữa của các luật sư trong phiên tòa chẳng có ý nghĩa gì đối với hội đồng xét xử. Phiên tòa diễn ra mang tính hình thức là chính.
Tôi ngộ ra điều này từ rất sớm, nên thực sự không hy vọng tý gì về tác dụng của luật sư trong các vụ án chính trị. Không phải tôi chê trình độ luật sư ở VN kém, mà thực sự họ không thể làm gì được. Cho dù có thể thuê luật sư giỏi nhất thế giới sang VN cãi, họ cũng phải bó tay. Bản thân các luật sư cũng không có khả năng bảo vệ bản thân, làm sao bảo vệ cho thân chủ? Nhiều người phản đối, rằng có luật sư vẫn hơn chứ? Thì tôi có nói không cần luật sư đâu. Nhưng cần luật sư để làm gì thì phải cụ thể, và đừng ảo tưởng về việc các luật sư sẽ có cơ hội bảo vệ được công lý.
Bởi vậy khi một ai đó bị bắt, tôi cho rằng chỉ nên thuê duy nhất một luật sư. Và thuê luật sư không phải để bào chữa, mà chỉ để làm các thủ tục hành chính, thông tin liên lạc giữa thân chủ và gia đình của họ, phản ánh trung thực quá trình xét xử trong phiên tòa. Luật sư làm được thế là tốt lắm rồi, không mong gì hơn. Tôi rất ngạc nhiên khi phiên sơ thẩm xử Đoan Trang, có tới 6 luật sư. Tại sao phải cần nhiều luật sư đến vậy? Cứ bảo Lê Anh Hùng tâm thần, chứ tôi thấy cậu ta rất tỉnh, khi cuối cùng cũng từ chối luật sư sau hơn 4 năm bị giam cầm mới được đem ra xử.
Tôi là người thực tế, ngoài việc cho rằng một hay sáu luật sư tác dụng cũng không hơn gì nhau, thì tiền công trả cho luật sư cũng là một vấn đề. Với giá thuê luật sư trung bình là 30 triệu cho một luật sư/một phiên xử, chưa kể tiền xăng, xe đi lại trả riêng, thì số tiền thuê luật sư cũng khá lớn. Tiền của gia đình, hay của ai giúp đỡ thì cũng là tiền, không nên cho nó là một loại tiền chùa.
Luật sư cũng phải sống, nên không thể có chuyện bào chữa miễn phí mãi được. Khi họ nhận những vụ án chính trị, bản thân họ cũng là đối tượng bị các thế lực ngầm quấy nhiễu, đàn áp, cũng gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng… lại là chữ nhưng, nếu luật sư chỉ thực hiện yêu cầu của thân chủ, là không cần bào chữa, chỉ đưa tin trung thực về phiên tòa, đảm bảo thông tin giữa thân chủ và gia đình họ, thì chắc cũng không gặp rắc rối gì nghiêm trọng?
Tôi chắc đề cập đến chuyện này, sẽ gây thù chuốc oán với nhiều người, hoặc nhiều người không đồng tình. Chỉ là thấy việc làm không có tác dụng, mà không chịu thay đổi, rút kinh nghiệm, cũng thấy bức xúc chớ bộ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.