Chính sách “Zero Covid” và sự bất mãn của người dân Trung Quốc
27-11-2022
Dân Trung Quốc biểu tình tại Bắc Kinh và Thượng Hải để phản đối chính sách “zero Covid” của nhà cầm quyền.
Người dân xem Cúp bóng đá tại Qatar, mới tá hoả thấy thế giới tự do, không còn bị cấm đoán, phòng ngừa Covid gì cả. Vài chục ngàn người không khẩu trang, ca hát và cổ vũ các đội tuyển cứ như thể Covid chỉ còn là một dĩ vãng buồn.
Trong khi đó, dân Trung Quốc vẫn còn bị phong toả tại nhiều nơi và bị bắt buộc phải làm xét nghiệm Covid. Tại siêu đô thị Trịnh Châu, Hà Nam, gần 6 triệu người bị phong toả trong vòng 5 ngày khiến mọi sinh hoạt kinh tế, lao động của người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đa số là người lao động nghèo, vất vả sẽ bị rơi vào tình trạng thất nghiệp bắt buộc trong một quốc gia mà luật lao động bị chà đạp bởi nhà cầm quyền. Ai sẽ tranh đấu cho quyền lợi của họ? Chẳng có ai cả khi chế độ chỉ biết lao đầu vào các chính sách phong toả khắc nghiệt nhằm đưa Trung Quốc thành quốc gia “Zero Covid”. Một chính sách không tưởng và quái đản!
Tại Thượng Hải và Tân Cương, người dân cũng xuống đường biểu tình bày tỏ sự bất bình và phản đối nhà cầm quyền. “Tập Cận Bình từ chức”, người biểu tình hét to để phản đối nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc. Đó là điều chưa từng thấy trong suốt thời gian Tập cầm quyền.
Bất chấp sự đàn áp tàn bạo của bộ máy an ninh, ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc can đảm và dũng cảm xuống đường để đương đầu với nhà cầm quyền.
Urumqi, thủ phủ khu tự trị Tân Cương bị đóng cửa và bị cô lập với thế giới bên ngoài trong suốt 110 ngày. Một khoảng thời gian dài kinh khủng đối với người dân Duy Ngô Nhĩ, vốn luôn bị đàn áp, khủng bố và thanh trừng sắc tộc bởi Bắc Kinh. Phải chăng, nhà cầm quyền lợi dụng các chính sách phòng chống Covid để bóp chết mọi tư tưởng đấu tranh của cộng đồng thiểu số Hồi giáo tại đây?
Chính Tân Cương là quả bom nổ chậm cho các xung đột sắc tộc và mọi bất an trong lòng xã hội Trung Quốc.
Bắc Kinh có thể đã quá tự tin vào sự cam chịu và qui phục của người dân nên cứ tiếp tục “chơi với lửa”, với sức chịu đựng của họ. Trong các cuộc biểu tình, giới trẻ đã hô to: “Chúng tôi muốn tự do, muốn dân chủ và muốn có tự do ngôn luận và báo chí”. Từ sự phản đối các chính sách phòng ngừa Covid, người dân đã kêu gọi những quyền tự do căn bản và phổ quát khác. Những giá trị mà bất cứ một chế độ độc tài toàn trị nào cũng cố tình không đề cập đến.
Và dĩ nhiên, nhà cầm quyền đã nhanh chóng ra tay kiểm soát và kiểm duyệt mọi thông tin, hình ảnh về các cuộc xuống đường tại các thành phố trên. Các lời kêu gọi “tiến về Urumqi” của người biểu tình đã bị ngăn chặn và xoá bỏ trên mạng xã hội Weibo.
Nhưng sự ngăn chặn, kiểm duyệt và khủng bố quyền tự do ngôn luận của bộ máy an ninh sẽ kéo dài được bao lâu nếu sự bất mãn và bất phục của người dân ngày càng gia tăng?
Ngày hôm nay, chủ nhật, có khoảng 300 sinh viên đại học Thanh Hoa nổi tiếng, tại Bắc Kinh, đã biểu tình. Họ hát Quốc ca Trung Hoa, Quốc tế ca và hô vang “sự Tự do sẽ chiến thắng”.
Sinh viên các trường đại học khác tại nhiều thành phố như Nam Kinh, Quảng Châu và Vũ Hán cũng bắt đầu hưởng ứng lời kêu gọi của sinh viên Thanh Hoa.
“Thế giới bên ngoài Tự do, chúng ta lại bị giam cầm, ngăn cản quyền được sống trong gần 3 năm qua”. Phải chăng đó chính là sự nhận thức căn bản của người dân Trung Quốc mà chế độ độc tài đã cố tình, hay vô tình, xem nhẹ, lờ đi?
Trái bóng tròn tại Qatar với hàng chục ngàn người reo hò, nhảy nhót và ca hát lại có thể mang đến những chuyển biến quan trọng, khó lường trong lòng một xã hội khổng lồ và tàn bạo như Trung Quốc.
Một Trung Quốc thật sự tự do, dân chủ và nhân bản chính là tiền đề cho hoà bình thế giới.
Hy vọng lắm thay!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.