Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Kiev khó chấp nhận đàm phán với Nga vì đang có ưu thế trên chiến trường

 

Kiev khó chấp nhận đàm phán với Nga vì đang có ưu thế trên chiến trường

Thụy My

22/11/2022 

clip_image002

Một thiếu nữ trong hàng người chờ lãnh thực phẩm cứu trợ sau khi quân Nga rút khỏi Kherson, với chiếc khăn quàng cổ mang dòng chữ «Crimée thuộc về Ukraina». Ảnh chụp ngày 17/11/2022. REUTERS - MURAD SEZER

Liệu Ukraina có thể chấp nhận đàm phán với Nga trong lúc đang ở thế mạnh trên chiến trường? Nga liên tục phạm tội ác chiến tranh tại Ukraina. Khai mạc Cúp bóng đá thế giới 2022 tại Qatar. Đó là những chủ đề nổi bật trong làng báo Pháp hôm nay, 21/11/2022.

Kherson trước nỗi lo bị Nga oanh kích

Đặc phái viên La Croix cho biết về «Nỗi sợ bị trả đũa sau khi Kherson được giải phóng». Một tuần sau khi quân đội Ukraina tiến vào thành phố chiến lược Kherson, chấm dứt 8 tháng chiếm đóng, niềm vui vẫn rộn ràng nơi người dân Kherson, nhưng xen lẫn với mối lo nay trở thành tiền tuyến. Một số cư dân tìm cách rời thành phố. Một người dân nói: «90% cư dân di tản theo Nga trước đây vì tin rằng nếu quân Nga rút qua bên kia sông Dniepr, Matxcơva sẽ cho oanh tạc Kherson và thành phố sẽ trở thành Mariupol thứ hai». Cùng ngày, hỏa tiễn Nga đã tấn công vào xưởng đóng tàu của thành phố và một làng gần đó làm năm người bị thương.  

Với 90.000 dân, Kherson là thành phố lớn nhất được tái chiếm, so với Izyum chỉ 17.000 dân. Hiện nay Kherson không có xăng dầu, điện nước, chỉ có một ít khí đốt. Hôm 06/11, chỉ bốn ngày trước khi đơn vị đầu tiên của Ukraina tiến vào, quân Nga đã phá hủy hai trạm biến điện 250 tấn ở trung tâm thành phố, khiến Kherson chìm trong bóng tối. Một số dịch vụ như bưu điện được tái lập và sáng sớm 19/11 đã có chuyến xe lửa đầu tiên nối Kiev với Kherson. Mùa đông đang đến gần, cả nước đang bị đe dọa mất điện, chính phủ Ukraina nay đứng trước thách thức quản lý một thành phố có mấy chục ngàn dân sinh sống cần khẩn cấp cứu trợ nhân đạo, và đang trong tầm bắn của pháo binh địch.

Không có internet, thực phẩm cứu trợ đến chậm

Tương tự, đặc phái viên Le Figaro ở Kherson nhận thấy cư dân đang phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống thường nhật. Hàng ngàn người dân hôm 12 và 13/11 đã vui mừng tập hợp hát những bài ca yêu nước. Bốn ngày sau, những con người mệt mỏi, run rẩy vì lạnh, xếp những hàng dài trong nhiều tiếng đồng hồ để chờ đợi được sạc điện thoại hay xe chở hàng cứu trợ. Do không có internet, giờ giấc và địa điểm phát hàng nhân đạo chỉ được truyền miệng, có khi không chính xác. Việc kiểm soát gắt gao ngõ vào thành phố khiến xe của các tổ chức cứu trợ chỉ có thể vào nhỏ giọt, các cửa hàng thực phẩm không được giao hàng từ hai tuần qua và không có điện để bảo quản đồ tươi.

Ngược lại, hệ thống xe buýt công cộng trong đó có 21 chiếc model mới bị quân Nga trưng dụng, bắt đầu hoạt động trở lại. Việc chuyển đổi từ đồng rúp sang đồng tiền quốc gia hrivna dễ dàng vì quân Nga chưa bao giờ kiểm soát được ngân hàng, máy chủ đặt ở Kiev. Tờ báo cho biết một phụ nữ phụ trách quỹ hưu bổng đã giấu được một số lượng lớn tiền mặt, bất chấp nguy hiểm, và nhiều người dân đã đến đổi số tiền thưởng bằng rúp của Kremlin thưởng ra đồng hrvina, tặng một phần cho quân đội Ukraina – một hành động kháng chiến.  

Vết tích trại giam kinh hoàng ở Kherson

Le Monde nói về tình hình ở bệnh viện Tropinka ở Kherson trong thời gian quân Nga chiếm đóng. Trong giai đoạn đầu, bác sĩ giám đốc Leonid Remiga vẫn điều hành bệnh viện, chữa trị cho thường dân và vài lính Nga. Nhưng đến ngày 07/06, Nga bổ nhiệm những kẻ nằm vùng thân Nga lên phụ trách lãnh vực y tế, họ hống hách hơn nhiều so với binh sĩ Nga. Bác sĩ Remiga vì từ chối ký giấy tuyên thệ trung thành với Matxcơva nên bị còng tay để tống giam, nhưng đúng lúc đó ông Remiga lên cơn đau và trở thành bệnh nhân trong chính bệnh viện mình. Các đồng nghiệp cố kéo dài thời gian chữa trị để ông không bị bắt vào tù.

Gần hai tháng sau, bác sĩ Remiga trốn thoát nhưng bị gài bẫy bắt được, bị nhốt vào trại giam số 3 đường Teploenerhetikiv, hàng ngày bị thẩm vấn và đánh đập. Nhờ chữa trị cho các tù nhân, ông được vào các xà lim khác và được biết đã có nhiều người bị tra tấn đến chết, và theo lời đồn đãi thì xác của họ bị quăng xuống sông Dniepr. Bác sĩ Remiga nhớ lại trong một buổi thẩm vấn ông đã từng bị đe dọa «sẽ chết tại đây, xác bị liệng xuống dòng sông Dniepr và không ai có thể tìm thấy».

Những người làm việc ở bệnh viện Tropinka và siêu thị gần đó là nhân chứng cho nạn tra tấn trong nhà tù này. Đặc phái viên Libération có bài viết mang tựa đề «Chúng tôi nghe thấy những tiếng kêu la: Tại Kherson, tám tháng khủng bố». Những tù nhân sống sót kể lại cụ thể việc quân Nga hành hạ vô cùng dã man người tù, những câu chuyện khiến người nghe phải rùng mình vì sự tàn ác của quân chiếm đóng.

Quay lại ranh giới trước 24/02: Quá trễ, Nga đã gây quá nhiều tội ác!

Trong bài «Ukraina: Không thể nào đạt được thỏa thuận», Les Echos nhận định chiến thắng Kherson cách đây hai tuần giúp Ukraina tiến lại gần Crimée hơn, còn Nga thấy giấc mơ chiếm Odessa rời xa. Đó là bước ngoặt chiến lược mang tính biểu tượng, với những hình ảnh gợi nhớ ngày giải phóng Paris tháng 8/1944. Tuy nhiên không có nghĩa là thời điểm đàm phán đã đến.

Cho tới khi tái chiếm Kherson, vẫn còn có thể mong chờ một sự thương thảo về lãnh thổ, trên cơ sở quay lại với nguyên trạng trước ngày 24/02. Nhưng giờ đây khả năng này không còn nữa. Đối với Kiev, cái mốc phải là tháng 1/2014, trước khi Matxcơva dùng thủ đoạn và vũ lực xâm chiếm Crimée.

Trong 9 tháng chiến tranh với gần 100.000 nạn nhân ở mỗi bên, hàng triệu người Ukraina phải di tản, những thành phố bị oanh kích, cơ sở hạ tầng bị phá hủy, Nga liên tục phạm tội ác chiến tranh nếu không muốn nói là tội ác chống nhân loại. Không đọ sức nổi với lực lượng Ukraina đông hơn, trang bị tốt hơn (nhờ viện trợ của phương Tây) và nhất là quyết tâm hơn, Matxcơva bèn ra sức làm cho thường dân Ukraina sống trong đói rét và chia rẽ các đồng minh của Kiev.

Đến nay, chiến lược này tỏ ra phản tác dụng. Sau khi Kherson sụp đổ và hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, Nga không chỉ bị cô lập trên thế giới, mà người ta còn nghiêm túc tự hỏi bản thân Putin có bắt đầu bị cô lập ở Matxcơva hay không. Trung Quốc và Ấn Độ đã đứng ra xa hơn.

Dù bất đồng với Putin, người Nga vẫn giữ tâm lý nước lớn

«Chiến dịch quân sự đặc biệt» của Putin sẽ lưu lại trong biên niên sử như là một phản mô hình hoàn hảo, một bản tổng kết tất cả những gì không nên làm, đặc biệt khi là một bạo chúa - rất dễ sụp đổ trong trường hợp bị bại trận. Putin muốn nhập Ukraina vào vòng kiềm tỏa của Matxcơva, để tránh xu hướng thân phương Tây ảnh hưởng đến mô hình toàn trị của Nga. Nói cách khác, người Ukraina lại phải trở thành «Nga» để người Nga sau này không bỏ phiếu cho dân chủ như người Ukraina.

Tuy nhiên thực tế không đơn giản. Tác giả bài viết, Dominique Moisi cách đây vài ngày đã ăn tối với những người Nga di tản sang Latvia, đối với họ Putin hết sức tồi tệ, là hiện thân của Stalin. Nhưng về Ukraina, họ tỏ ra nhập nhằng: việc tái chiếm Kherson chỉ là «triệt thoái chiến thuật», như tuyên truyền của Kremlin. Rõ ràng không có chuyện Nga từ bỏ mọi tham vọng thống trị.

Sự gắn bó của người Nga với bản sắc đế quốc, là sức mạnh đồng thời là điểm yếu của Putin, và là chướng ngại vật trên con đường đàm phán. Đòi hỏi Nga quay lại với đường biên giới năm 1991 – khi Ukraina độc lập – như Zelensky đã nói, không khác nào đặt điều kiện cho hòa bình là Putin phải ra đi. Liệu có nhà lãnh đạo Nga nào có thể tại vị nếu «mất Crimée, nếu không phải là cả Ukraina»? Nhưng nhà lãnh đạo nào của Ukraina có thể tự bằng lòng với đường biên trước 24/02, sau những hy sinh vô bờ bến và những chiến thắng ngoạn mục đã đạt được?

Không thể có thỏa thuận nào làm hài lòng cả đôi bên

Một thỏa thuận về lãnh thổ theo kiểu Triều Tiên năm 1953 không thể được Kiev chấp nhận, và quay lại với biên giới 1991 cũng bất khả đối với Matxcơva. Nga không ở cùng tình cảnh của Đức quốc xã hồi năm 1945, cho dù cách xử sự không mấy khác. Nga là cường quốc nguyên tử, Đức thời đó không có, và Matxcơva có thể trông cậy vào Trung Quốc dù Bắc Kinh ngày càng lạnh nhạt hơn.

Các đồng minh của Kiev giờ đây phải tôn trọng hai nguyên tắc thực tiễn. Thứ nhất, và quan trọng nhất, là duy trì bằng mọi giá và không giới hạn thời gian chủ trương viện trợ cho Ukraina và trừng phạt Matxcơva. Tương lai của châu Âu còn là tương lai thế giới. Không thể chấp nhận việc một quốc gia, hơn nữa còn là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, vi phạm luật pháp quốc tế qua việc dùng vũ lực sửa đổi các biên giới. Ông Moisi cho rằng rất sai lầm khi một số người nói rằng cuộc chiến tranh này không phải của chúng ta, và giúp Ukraina là phục vụ cho lợi ích của Mỹ. 

Thứ hai, cần hiểu tính chất sâu xa của quyền lực Nga. Không thể tìm cách đối thoại cho bằng được với một con người như Putin, vốn chỉ biết đến sức mạnh.

Làm thế nào có được một giải pháp ngoại giao mang lại cho Ukraina cảm giác «chiến thắng», và với Nga là cảm giác không «thất bại»? Nhiệm vụ chừng như bất khả thi. Trong khi chờ đợi, trước những khiêu khích liên tục của Nga, tác giả cho rằng Ukraina và các đồng minh cần phải kiên nhẫn, bình tĩnh.

Gáo nước lạnh trong sa mạc cho Qatar

Ngoài tình hình Ukraina, hội nghị COP27 và World Cup là các đề tài được chú ý nhất hôm nay. Libération nhận thấy sau lễ khai mạc vắng bóng những người nổi tiếng, nước chủ nhà thua ngay trong trận mở màn (0-2) trước Ecuador, dù đây chỉ là đội bóng thứ 44 (theo xếp hạng của FIFA. Số thẻ vàng còn nhiều hơn những cú sút vào gôn, sáu tháng tập dượt ở nước ngoài của đội Qatar chẳng thay đổi được gì. Khán đài trong hiệp đầu được cứu vãn với sự hiện diện của 5.000 người Ecuador, đến hiệp hai trở nên hoàn toàn thưa thớt vì cổ động viên Qatar bỏ về từ phút thứ 60.

Tuy vậy trước khi bước vào sân cỏ, ngày mà Qatar chờ đợi từ 12 năm qua đã bắt đầu rất tuyệt vời. Từ đầu giờ chiều, métro Doha bắt đầu chuyển thành nhiều màu sắc, tất nhiên là màu áo vàng của đội Qatar nhưng cả những màu áo đội Achentina, Úc, Hà Lan… Đến trạm cuối, cổ động viên được trung chuyển đến sân vận động cách đó 50 km, hơn 100 xe buýt hoạt động không ngơi nghỉ. Cỏ xanh ngút mắt tại một đất nước chỉ có mưa khoảng 9 ngày trong năm. Buổi lễ khai mạc là một màn trình diễn ngoạn mục, nhưng cuộc thi đấu của các cầu thủ Qatar lại tệ hại.

Macron đề nghị «con đường thứ ba» với Châu Á-Thái Bình Dương

Les Echos và Le Monde cùng đề cập đến việc Pháp muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong khu vực. Phát biểu trước các chủ doanh nghiệp lớn họp lại cuối tuần qua ở Bangkok nhân Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC), tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng cạnh tranh chiến lược giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc có nguy cơ gây thiệt hại cho các nước khác. Ông ví von: «Trong rừng có hai con voi lớn ngày càng bị kích động, có thể bắt đầu gây chiến, ảnh hưởng đến muông thú» và kêu gọi «những loài thú khác như cọp, khỉ… hãy hợp tác với nhau».

Paris không có ý định dẫn đầu một liên minh các nước không liên kết, nhưng có thể giúp các quốc gia mới nổi đi theo «con đường thứ ba» giữa hai khối, tránh đối đầu. Cũng trong logic này, Pháp tiếp xúc trở lại với Úc về vấn đề tàu ngầm. Thủ tướng Úc nói rằng không có ý định đặt lại vấn đề về đối tác với Mỹ, đại cường quân sự duy nhất có thể đối mặt với Trung Quốc. Quân đội Mỹ có 93.000 quân nhân và 86.000 thủy quân lục chiến, hàng trăm phi cơ và mấy chục chiến hạm trong khu vực, còn Pháp chỉ có 8.000 quân. Điện Élysée cho biết sắp tới Paris sẽ gia tăng quân số tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Joe Biden, tổng thống 80 tuổi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ

Nhìn sang bên kia bờ đại dương, La Croix lưu ý «Hoa Kỳ lần đầu tiên có một tổng thống 80 tuổi». Ông Joe Biden ở tuổi 80 vào ngày 20/11, nhưng buổi lễ duy nhất tại Nhà Trắng mà người Mỹ được nghe vào cuối tuần này lại là lễ cưới của Naomi, cháu gái ông.

Tổng thống già nhất trong lịch sử Hoa Kỳ không muốn thu hút sự chú ý vào tuổi tác của ông, là nguồn gốc những lo ngại và tranh cãi, vào lúc Biden cân nhắc ra tranh cử tiếp năm 2024. Trong trường hợp tái đắc cử, khi kết thúc nhiệm kỳ, Joe Biden sẽ 86 tuổi, vượt quá kỷ lục của Ronald Reagan đến 9 năm. Theo thăm dò của CNN, 67% cử tri Midterms không muốn ông ứng cử tiếp, trong số đó đa số cử tri Dân Chủ cho biết lo lắng nhất là về tuổi của ông.

Joe Biden có thói quen đáp trả bằng câu «Watch me!» («Hãy nhìn tôi xem!»). Vấn đề là người Mỹ không an tâm trước những gì họ nhìn thấy. Nhiều video với những cảnh ông Biden nhầm lẫn, quên trước quên sau, vấp té... được đối thủ Cộng Hòa khai thác. Một trong những tình huống phiền toái nhất xảy ra hồi tháng Chín trong một cuộc họp ở Nhà Trắng. Tổng thống cảm ơn cử tọa và đưa mắt tìm kiếm một dân biểu Cộng Hòa là Jackie Walorski, đã qua đời cách đó một tháng. «Jackie có ở đây không? Jackie đâu rồi? Có lẽ bà ấy vắng mặt». Cú lỡ bộ này được giới truyền thông bảo thủ đưa tin rộng rãi, trong khi phát ngôn viên Nhà Trắng vất vả bênh vực ông sếp.

T.M.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.