Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

NATO mở rộng và nguyện vọng chính đáng của Ukraine

 

NATO mở rộng và nguyện vọng chính đáng của Ukraine

Nguyễn Đức Thành

27-1-2022

NATO là liên minh quân sự nhằm ngăn chặn đe dọa về anh ninh cho các nước Tây Âu. Sự đe dọa này chủ yếu đến từ Nga, và nếu có thể là các vùng khác như từ thế giới Ả rập hoặc lâu dài hơn có thể là Trung Quốc.

Nếu nhìn vào bản đồ của NATO thì ta thấy là xu hướng mở rộng NATO đến sát biên giới Nga là một xu hướng của văn minh, tiến bộ. Vì các nước ở mép phía Đông của châu Âu rõ ràng không muốn bị Nga đe dọa và cưỡng bức. Và Nga vốn là một nước có nền văn hóa thấp kém nhất ở châu Âu, thường ứng xử một cách thô bạo với các nước láng giềng, vô cùng tàn nhẫn với các sắc dân thiểu số. Vì vậy, nhu cầu được bảo vệ an ninh bởi khối NATO là một nhu cầu chính đáng của các nước Đông Âu. Chỉ những nước nào chưa thoát khỏi quỹ đạo của Nga – như Belarus, thì mới chưa bộc lộ ý nguyện vào NATO mà thôi.

Ngoài việc gia nhập NATO, các nước này còn tự động được gia nhập EU. Đó là thị trường. Đó là phúc lợi kinh tế. Là khoa học công nghệ. Là nhân văn, là dân chủ. Tóm lại, đó là hướng tới văn minh. Là đi từ bóng tối ra ánh sáng. Vì thế, gia nhập NATO và EU là nguyện vọng chính đáng của các nước châu Âu, trong đó có Ukraine.

Vậy mà Putin lại ra tối hậu thư đe dọa Ukraine ngăn cản gia nhập NATO, và yêu cầu NATO không được kết nạp Ukraine.

Như vậy là ngang ngược can dự vào công việc nội bộ của nước khác. Vi phạm nguyên tắc quyền dân tộc tự quyết.

Putin có thể nói hành động của Ukraine đe dọa an ninh của Nga. Nhưng còn hành động của Putin có đe dọa an ninh của Ukraine hay không? Nếu như anh có nhu cầu được an toàn, thì người khác cũng có nhu cầu không khác gì anh. Sao anh lại dùng sức mạnh đe dọa người ta, bắt người ta tiếp tục duy trì trạng thái bất an để mình được an toàn?

Đó là cách ứng xử rất côn đồ. Rất kém văn minh.

Người dân Ukraine mà đánh nhau với Nga thì thua rồi. Nhưng không phải cứ thua trên chiến trận là thua mãi mãi. Vì tinh thần quả cảm và tự do của người Ukraine là vĩ đại. Bản thân người Ukraine đã quá hiểu sự tàn bạo của người Nga trong lịch sử, mà gần đây nhất là cuộc diệt chủng do Stalin cố ý thực hiện với người nông dân Ukraine dưới thời Xô Viết.

Con đường đi tới tự do, an ninh, thịnh vượng của nhân dân Ukraine còn nhiều chông gai, còn nhiều gian khó. Nhưng rồi họ sẽ thành công. Bởi vì họ đã bước ra ánh sáng và không bao giờ từ bỏ ánh sáng.

Dù mỗi chúng ta không giúp được gì nhiều cho người Ukraine, nhưng chúng ta cần biết điều gì là đúng đắn. Số phận của Ukraine thực ra rất giống của Việt Nam bên cạnh Trung Quốc. Với sự đồng cảm ấy, chúng ta tin vào sự nghiệp kiên cường, chính nghĩa của nhân dân Ukraine.

Tuyên bố về vụ đại án Việt Á

 

Tuyên bố về vụ đại án Việt Á

27-1-2022

I. Tóm tắt vụ việc

Vào ngày 17.2.2020, thời điểm toàn quốc chỉ có 9 ca nhiễm Sars Covi-2, Bộ Khoa học & Công nghệ cấp cho Học viện Quân y 18,9 tỉ đồng để nghiên cứu chế tạo bộ xét nghiệm (test kit) Covid 19. Ngày 3.3.2020 Bộ này nghiệm thu test kit do Học viện Quân y và Công ty Việt Á sản xuất. Ngày 4.4.2020 Bộ Y tế có văn bản chấp thuận cho lưu hành toàn quốc, đồng thời hạn chế nhập khẩu để Việt Á độc quyền cung cấp test kit, ra văn bản chỉ đạo các cơ quan phòng chống dịch bệnh toàn quốc mua test kit của Việt Á với giá cả cụ thể. Cùng thời gian đó Bộ Khoa học & Công nghệ loan tin test kit Covid 19 của VN sản xuất đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng nhận cho phép lưu hành và đã được một số nước châu Âu đặt mua, trong đó có Vương quốc Anh.

Tiếp đó là một chiến dịch quảng cáo rầm rộ do Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin truyền thông phát động, có sự tham gia cả của đài Truyền hình Trung ương, báo Nhân Dân, báo Quân Đội Nhân Dân (các báo do Trung ương Đảng trực tiếp quản lý chỉ đạo). Hòa theo đó Ban Thi đua Khen thưởng cùng Văn phòng Chủ tịch nước làm văn bản trình Chủ tịch nước khen thưởng Huân chương Lao Động hạng ba cho Công ty Việt Á, được Chủ tịch nước phê chuẩn và ban hành.

Theo chiến lược chống Covid-19 bằng Chỉ thị 16 rồi 16+ của Chính phủ, đi cùng với phương châm “Thần tốc xét nghiệm diện rộng”, “Chống dịch như chống giặc”, “Đi từng cửa gõ từng nhà ngoáy thử truy cùng diệt tận”, bất chấp ý kiến phản biện tâm huyết của các nhà khoa học cả trong lẫn ngoài nước, nhiều khu cách ly và bệnh viện dã chiến đã mọc lên gom F0, F1 vào một chỗ như các trại tập trung thiếu điều kiện vệ sinh cần thiết, gom rồi mà không có thuốc men điều trị cũng chẳng biết làm gì, tạo môi trường lây nhiễm chéo để dịch bệnh bùng phát mạnh đến mức không còn kiểm soát nổi.

Thành phố Hồ Chí Minh trở nên thành phố chết, một số tỉnh thành lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An… là những nơi tập trung rất nhiều khu công nghiệp lâm vào khủng hoảng. Nhiều chợ bị đóng cửa, các chuỗi cung ứng hàng hóa liên tỉnh thành bị đứt, gây nên tình trạng thiếu hụt các loại nhu yếu phẩm, giá hàng tăng cao 3-4 lần so với lúc bình thường. Chính phủ kêu gọi “ai ở đâu ở đó”, các trạm kiểm dịch mọc lên như nấm, khiến toàn dân bị “cầm tù” tại gia.

Trong khi đó, lời hứa của Chính phủ về việc cung ứng gạo, tiền và các loại nhu yếu phẩm lại không được thực hiện một cách đồng đều khiến cho hàng trăm ngàn gia đình người lao động lâm vào cảnh thiếu đói. Sau 3 tháng chịu đựng, hàng triệu người lao động đã phải dìu dắt nhau bỏ chạy về quê trong những điều kiện hết sức nguy hiểm để vừa tránh dịch vừa tránh đói, hậu quả là dịch bệnh lan tràn khắp các vùng miền Tây Nam bộ và nhiều nơi khác thuộc Trung, Bắc bộ.

Ban đầu, khi chưa phát hiện ra vụ Việt Á, ai cũng trách Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 phạm sai lầm gây nên cái chết đau thương của trên 30 ngàn người dân là do lúng túng, chủ quan, quan liêu, thiếu kinh nghiệm và hiểu biết. Giờ đây, sau khi phát hiện vụ Việt Á, mọi người mới vỡ lẽ ra rằng thành tích của chiến dịch “Thần tốc” đè dân ngoáy mũi trên diện rộng rất có thể là để tiêu thụ nhiều test kit Việt Á trong thời gian ngắn nhất, là âm mưu rất thâm độc lợi dụng dịch bệnh để kiếm lợi hàng ngàn tỉ đồng rút từ ngân sách nhà nước, không chỉ của Công ty Việt Á mà còn của một số bộ, ngành liên quan, đặc biệt Bộ Y tế, Bộ Khoa học & Công nghệ, Học viện Quân y, với sự tiếp tay đắc lực của các cơ quan truyền thông nhà nước dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Cho đến tháng 12.2021 Bộ Công An khởi tố vụ án, bắt Phan Quốc Việt và các phần tử liên quan về tội nâng giá test kit thử Covid 19 và đưa nhận hối lộ, thì đã có 62 tỉnh thành mua test kit của công ty Việt Á với tổng số tiền lấy từ ngân sách các địa phương lên tới 4000 (bốn ngàn) tỉ đồng; giá cung cấp thấp nhất là 470.000 đồng (bốn trăm bảy chục ngàn đồng) cho mỗi test kit, cao gấp nhiều lần so với giá mua là 21.560 đồng mà Việt Á thừa nhận với cơ quan điều tra. Mức “lại quả” (một hình thức đưa/ nhận hối lộ) trong mỗi thương vụ như vậy dành cho bên mua là các sở y tế, trung tâm kiểm soát dịch bệnh (CDC), bệnh viện của 62 địa phương được khai ra là khoảng 20% trên doanh số bán.

Cũng vào thời điểm nêu trên, Bộ Khoa học & Công nghệ đã phải gỡ bỏ bản tin giả do chính Bộ này đưa ra trước đây cho báo chí loan truyền để quảng cáo cho test kit của Công ty Việt Á.

II. Nhận định 

1- Lợi dụng lúc đất nước rơi vào đại họa, nhân dân khốn đốn lầm than, một số tổ chức, cá nhân trong và ngoài nhà nước đã cấu kết chặt chẽ thành một liên minh có hệ thống để làm giàu bất chính bằng thủ đoạn gian dối, buôn lậu, đẩy nhân dân và đất nước chìm sâu vào thảm họa. Đó là hành vi mang tính bán nước, diệt chủng. Đây không chỉ là vụ án tham nhũng lớn mà còn là tội đại ác có một không hai trên đất nước Việt Nam trong thế kỷ 21.

2- Các thế lực tham nhũng bất chấp mọi thủ đoạn, đã hành động không chút kiêng dè (như hối lộ công khai bằng phương thức chuyển khoản, thay vì đưa lén bằng tiền mặt…), không còn mang tính riêng lẻ cục bộ mà đã hình thành tổ chức rất tinh vi chặt chẽ ăn sâu vào các bộ, ngành trong hệ thống chính quyền, để tham nhũng trục lợi bằng cách cướp thời cơ đồng loạt, hành động nhịp nhàng theo kế hoạch đã được hoạch định toàn diện đến từng chi tiết. Đây là một kế hoạch tham nhũng cực lớn mang tầm vóc lũng đoạn nhà nước.

3- Thể chế độc tài toàn trị tạo thế độc quyền cho các cơ quan, tổ chức nhà nước trong mọi hoạt động liên quan đến đời sống dân sự, trong khi đó lại trấn áp mọi tiếng nói phản biện của nhân dân và các giới nhân sĩ trí thức, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân làm hư hỏng bộ máy cầm quyền, khiến cho mọi tầng lớp cán bộ nhà nước từ thấp lên cao thay vì phục vụ nhân dân lại chủ động hình thành băng nhóm thông đồng nhau để xà xẻo tiền ngân sách tức là tiền thuế do nhân dân đóng góp.

III. Yêu cầu

1. Vụ án Việt Á là tội ác tày trời của các nhóm lợi ích câu kết, hình thành sự lũng đoạn nhà nước rất nghiêm trọng, vẽ nên hình ảnh suy thoái cực độ của thể chế chính trị hiện hữu, phải được coi là một vụ trọng án của trọng án, đặc biệt của đặc biệt. Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức tự cho mình quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện đất nước, phải có báo cáo chuyên đề trước toàn Đảng toàn dân về biến cố mang tính chính trị nghiêm trọng này.

2. Công khai hóa mọi sự kiện liên quan đến vụ test kit Covid 19 Việt Á. Công khai trả lời nhân dân: Nguồn gốc xuất xứ và nhất là chất lượng thực sự của nó ra sao? Vì sao kết quả của một nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư lại được giao cho một công ty tư nhân nhỏ bé đưa vào sản xuất kiếm lời riêng? Vì sao sản phẩm này được vội vã công nhận và tạo mọi lợi thế dẫn đến độc quyền lưu hành toàn quốc với giá cao cực phi lý?

3. Truy cứu trách nhiệm và xử lý theo đúng quy định pháp luật mọi cá nhân, tổ chức liên quan, đặc biệt là Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Y tế, Học viện Quân y, Bộ Thông tin truyền thông, Văn phòng Chủ tịch nước, Cơ quan kiểm soát dịch bệnh CDC và các bệnh viện của 62 tỉnh thành trên cả nước.

4. Việc truy cứu trách nhiệm và truy tố tội phạm phải được tiến hành một cách thật sự nghiêm minh, không có vùng cấm, không có vùng tránh, không kiêng nể cấp cao nhất hoặc liên quan nước ngoài nếu có, không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào của cá nhân hoặc tổ chức làm méo mó vụ án, như lời hứa chắc nịch của các nhà lãnh đạo cao nhất với nhân dân trong những ngày tháng gần đây.

5. Giải quyết tận gốc vấn đề bằng việc khẩn trương cải cách thể chế chính trị, không chỉ loay hoay “đốt lò” trên ngọn như lâu nay; nếu không, bọn tham nhũng vẫn sẽ tiếp tục hoành hành bằng đủ loại mưu ma chước quỷ biến hóa thiên hình vạn trạng, sớm muộn cũng dẫn đến ngày tàn của chế độ và đẩy đất nước vào con đường diệt vong.

Ngày 27 tháng 1 năm 2022

Các tổ chức xã hội dân sự

1. Nhóm Lập Quyền Dân. Đại diện: Nhà nghiên cứu văn hoá Nguyễn Khắc Mai

2. Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập. Đại diện: Nhà văn Nguyên Ngọc

3. Diễn Đàn Xã Hội Dân Sự. Đại diện: Tiến sĩ Tin học Nguyễn Quang A

4. Câu lạc bộ Di Sản Nguyễn Trọng Vĩnh: Giáo sư Nguyễn Đình Cống

5. Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Đại diện: Nhà hoạt động xã hội Lê Thân

6. Diễn đàn Bauxite Vietnam. Đại diện: Giáo sư Phạm Xuân Yêm & Giáo sư Nguyễn Huệ Chi

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và biến cố Bát Nhã năm ấy

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh và biến cố Bát Nhã năm ấy

Đan Thanh 

27-1-2022

Những ngày qua, báo “lề đảng” đồng loạt đưa tin thiền sư Thích Nhất Hạnh viên tịch. Từ lâu, đảng CSVN đã trở mặt với thiền sư, nhưng có lẽ để mị dân và làm đẹp Giáo hội Phật giáo “quốc doanh”, đảng buộc phải cho phép truyền thông than khóc nỉ non, tôn vinh chừng mực về đạo hạnh của một sư ông nổi tiếng thế giới.

Tuy vậy, nhân sĩ, trí thức hai miền Nam – Bắc và những ai có lương tri chắc sẽ không quên sự việc cách đây hơn chục năm, về những gì mà chế độ cộng sản cầm quyền đã hành xử đối với thiền sư Thích Nhất Hạnh và Pháp môn Làng Mai mà ông sáng lập.

Pháp nạn tu viện Bát Nhã 

Sau khi Thượng toạ Thích Đức Nghi xin hiến chùa cho thiền sư Thích Nhất Hạnh để truyền dạy Pháp môn Làng Mai ở Việt Nam, chùa Bát Nhã được mở rộng làm nơi tu tập cho môn sinh theo Pháp môn Làng Mai tu học từ năm 2005. Đến giữa năm 2008, trụ trì chùa Bát Nhã là Thượng toạ Thích Đức Nghi bị nhà cầm quyền gây sức ép, buộc rút lại bảo lãnh trước đó, đồng nghĩa việc từ chối các môn sinh Làng Mai tu học ở đây, để rồi sóng gió ập lên đầu môn đồ cửa Phật.

Vì đâu mà nhà nước cộng sản Việt Nam quay 180 độ, trong khi trước đó các lãnh đạo cấp cao của đảng như chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ… đã từng hoan nghênh chào đón, hội kiến cùng thiền sư Thích Nhất Hạnh và cho phép Pháp môn Làng Mai hoạt động ở Đà Lạt, Lâm Đồng?

Từ thư mời chào, đến huỷ bỏ của Thượng toạ Thích Đức Nghi. Photo Courtesy

Mọi người đều biết rằng, thể chế cộng sản đương quyền luôn quản lý, siết chặt tôn giáo, hòng phục vụ cho việc cai trị. Đảng đẻ ra Ban Tôn giáo Chính phủ thực chất là cơ quan mật vụ, do một tướng công an cầm đầu phụ trách. Vu khống, chụp mũ, bôi bẩn… là những thủ đoạn mà công an, tuyên giáo và bộ máy truyền thông sử dụng để quy kết, nhục mạ bất cứ những ai dám lên tiếng tranh đấu cho tự do tín ngưỡng, dân chủ và phẩm giá con người.

Quay lại biến cố ở chùa Bát Nhã năm 2009, gần 400 tu sĩ và môn sinh học tu tại đây đã bị chính quyền địa phương ra lệnh trục xuất khỏi tu viện với những lý lo hết sức mập mờ. Công an và chính quyền sở tại đã sử dụng côn đồ, “đầu gấu” đóng giả môn sinh Làng Mai, trà trộn, gây kích động bạo lực, tấn công tu sĩ chùa Bát Nhã và đập phá tu viện. Chưa hết, công an “chìm” còn gây xáo trộn, hiềm khích giữa tu sĩ Pháp môn Làng Mai và tăng ni, phật tử chùa Bát Nhã, thuộc Giáo hội Phật giáo Lâm Đồng, để đổ lỗi cho bạo động từ “mâu thuẫn nội bộ” của môn sinh Làng Mai và tăng ni, Phật tử chùa Bát Nhã.

Văn bản đổi ý “xoành xoạch” của Ban Tôn giáo Chính phủ do trưởng ban Nguyễn Thế Doanh ký.

Ông Nguyễn Thế Doanh, Nguyên Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ tại một buổi lễ. Nguồn: TCTCNN
Ông Nguyễn Thế Doanh được tuyên dương ngày 30-9-2009. Nguồn: Báo Giác Ngộ

Suốt ba tháng, từ tháng 6 đến tháng 9-2009, tu sĩ và môn sinh liên tục bị gây khó khăn và sách nhiễu, như bị cắt điện nước, ngăn cản tiếp tế lương thực, đe dọa khủng bố, phá nơi thờ cúng và chỗ ở, lấy cắp đồ thờ cúng, tư trang và hành hung, các tu sĩ và tu sinh bị đuổi ra khỏi tu viện. Mọi kêu cứu đều vô vọng, khi chính quyền và công an đều nhắm mắt làm ngơ. Toàn bộ gần 400 tu sĩ và tu sinh Pháp môn Làng Mai bị đuổi hết ra khỏi chùa, rồi chạy nạn, lánh sang chùa Phước Huệ, thị xã Bảo Lộc tạm trú.

Vẫn không yên, lực lượng công an bao vây chùa Phước Huệ và ráo riết xua đuổi, đánh đập họ, buộc họ ra khỏi chùa. Công an ép các tu sinh lên xe, trở về địa phương cư trú. Ở Trung ương, Bộ Ngoại giao ra công hàm trục xuất những người có quốc tịch nước ngoài ra khỏi Việt Nam.

Chưa hết, báo An Ninh Thế Giới, phụ trương của báo CAND, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an đã đăng nhiều bài viết tấn công thiền sư Thích Nhất Hạnh và miệt thị Pháp môn Làng Mai bằng tên “giáo phái Làng Mai”, trong đó mô tả thiền sư Thích Nhất Hạnh “vi phạm pháp luật” và có “ý đồ chính trị”.

Trái ý đảng

Bỏ qua một số tranh cãi về ý kiến cho rằng thiền sư Thích Nhất Hạnh từng đứng ở “bên này” hay “bên kia”, chúng tôi chỉ nhắc lại sự kiện Bát Nhã để thấy rằng nhà cầm quyền Việt Nam chỉ vì không lợi dụng được thiền sư Thích Nhất Hạnh, nên gán cho Pháp môn Làng Mai ở Bát Nhã là mối đe dọa cho an ninh quốc gia và phải giải tán cho bằng được. Cách mà chính quyền vô sản và bộ máy công an “vì dân phục vụ” đã làm là thủ đoạn mượn côn đồ ra tay, vu khống, lừa gạt, giở đủ trò bỉ ổi để đe doạ tu sĩ và các môn sinh. Biến cố Bát Nhã gây chấn động trong và ngoài nước thời bấy giờ.

Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tổ chức họp báo quốc tế ngày 8/10/2009. Tại đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nguyễn Phương Nga lươn lẹo rằng, “không có cái gọi là Việt Nam ép 400 người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã”, rằng thông tin “đã xảy ra đụng độ giữa các ‘sư thầy’, ‘sư cô’ tại tu viện Bát Nhã và chính quyền làm một số người bị thương và bị nhiều người bị bắt là hoàn toàn sai sự thật”.

Văn bản chỉ đạo triệt phá môn đồ Làng Mai tại Bát Nhã của công an Bảo Lộc, Lâm Đồng

Một số thông tin cho biết, vụ thiền sư Thích Nhất Hạnh đối thoại với các nhân vật cấp cao của đảng cộng sản đã làm đảng phật ý. Kể từ khi ông đưa Làng Mai về Việt Nam, ông có dịp trao đổi thẳng thắn với các lãnh đạo cộng sản, rằng nên tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị, nên thôi cái gọi là “Ban tôn giáo Chính phủ” và công an xin hãy thôi quản chế, theo dõi, can dự và điều khiển người tu hành, xuất gia. Hơn nữa, việc thiền sư không muốn Làng Mai dính dấp đến Giáo hội Phật giáo và chịu sự sai khiến của đảng, nhà cầm quyền xem ông và Làng Mai như một cái gai cần phải nhổ.

Ngoài ra, sự kiện cầu siêu ngày 16/3/2007 tại chùa Vĩnh Nghiêm, khi đảng CSVN thông qua Hoà thượng Thích Trí Quảng, Trưởng ban Trị sự giáo hội Phật giáo thành Hồ (nay đang giữ chức Quyền Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Trung ương) truyền đạt, yêu cầu thiền sư Thích Nhất Hạnh biết nội dung buổi lễ cầu siêu dành cho những “liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”. Tuy nhiên, cả ba buổi cầu siêu tại đây, thiền sư vẫn giữ quan điểm cầu nguyện cho mọi nạn nhân đã “thiệt mạng vô duyên cớ” trong chiến tranh, trong đó có cả các binh sĩ Mỹ, binh sĩ VNCH và cả tù nhân bị cải tạo và thuyền nhân vượt biên bỏ mạng.

Trước khi lên máy bay cùng tăng thân Làng Mai rời Việt Nam về Pháp, thiền sư Thích Nhất Hạnh công khai tuyên bố, khẳng định “Pháp môn Làng Mai là một giáo hội độc lập với GHPGVN, việc nội bộ của Làng Mai không thuộc thẩm quyền của Nhà nước và GHPGVN“…

Thiền sư Thích Nhất Hạnh nhập cõi Niết Bàn, trong dòng hồi tưởng về ông, chúng tôi viết những dòng này như ký ức đau thương của Phật pháp trong biến cố Bát Nhã năm nào. Nhắc lại Bát Nhã với pháp nạn Làng Mai năm ấy, để hiểu rõ rằng, tôn giáo nào trên thế giới cũng cùng chung mục đích hướng con người làm điều thiện, tránh điều ác, sống hoà hợp, giàu nhân nghĩa và biết yêu thương.

Việc nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp tôn giáo, kêu án, bỏ tù những tu sĩ hoặc môn đồ của Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Tin lành, Hoà Hảo, Cao Đài… khi không sai khiến, áp đặt được những người tu hành, xuất gia như trong quá khứ và cả hiện tại, đảng đang tiếp tục việc làm nhức nhối lương tri nhân loại, tận cùng của vô đạo và bất nhân.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Những thất bại của ông thầy tu nhỏ thó

 

Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Những thất bại của ông thầy tu nhỏ thó

Thục Quyên

27-1-2022

Từ ngày 22-1-2022, ngày viên tịch của Thiền sư Thích Nhất Hạnh, các cơ quan truyền thông Việt Nam cũng như quốc tế, đồng loạt loan tin về ông và mức thành công của ông trong việc đưa đạo Phật nhập thế đến khắp năm châu bốn biển.

Không ai có thể phủ nhận được vì kết quả những việc làm của ông được ghi nhận bằng giấy bút, khắc trên bảng đồng, đúc thành tượng, nhưng hiển nhiên hơn hết là hàng chục triệu người đã học ông trực tiếp trong những khoá tu hay qua cả trăm đầu sách của ông, và đã thay đổi cách cảm nhận, cách suy nghĩ, cách sống, để góp tay xây dựng hòa bình cho nhân loại, bảo tồn môi trường sống cho mọi sinh vật, cỏ cây hoa lá.

Nhưng có một bài học rất quan trọng của ông có vẻ không được nhắc tới, đó là không có rác thì không có hoa. Có khả năng thì nhìn sâu vào rác sẽ thấy hoa, và nhìn kỹ hoa sẽ thấy rác.

Những thành công được ca tụng là vĩ đại của Thiền sư Nhất Hạnh cũng lại chính là kết quả của những thất bại đau đớn vô cùng của một con người, đặc biệt là một ông thầy tu Phật giáo nhỏ thó trong một đất nước Việt Nam đáng lý xanh tươi ấm áp, nhưng lại tan nát đói rách vì những tình thế khắc nghiệt gây ra bởi sự mù quáng của con người.

Lá thư chia buồn đầu tiên gửi tới tay các môn đồ của ông là của Đức Đạt Lai Lạt Ma (1) , người đã gọi ông là bạn, là anh em trong đạo của mình, và kêu gọi mọi người nên nối tiếp con đường của Thiền sư. Gần như tất cả các bài viết, bài phát thanh, khi nhắc tới Thiền sư và Đức Đạt Lai Lạt Ma đều có sự so sánh người số một kẻ số hai, người có sách in nhiều hơn, được đem vào các đại học giảng dạy nhiều hơn v.v…

Nhưng Đức Đạt Lai Lạt Ma đã mô tả chính xác trong thư: Họ đơn giản là hai người, như hai anh em vì cùng chí hướng chuyển hóa tâm thức cộng đồng, lấy chánh niệm và từ bi chế tác chất liệu bất bạo động để xây đắp hoà bình.

Họ là hai con người sanh ra và lớn lên trong cảnh lầm than của hai quốc gia nhỏ bé đã và đang bị Trung Quốc và ảnh hưởng của Trung quốc đe dọa xóa sổ, là hai ông thầy tu Phật giáo vững lòng tin tưởng vào sự thành công của một cuộc tranh đấu bất bạo động, tin rằng tình thương có thể làm mọi đồ tể buông dao.

Phải là những người hàng ngày cố gắng thực hiện những điều mình mong ước thì họ mới cảm nhận được cái đau của nhau, của tất cả những người đang thực tình tranh đấu cho nhân bản và hoà bình, khi có những ngày đứng trước những thất bại tưởng như đẩy mình tới bờ tuyệt vọng.

Phải thoát khỏi những bùn lầy của sự tham độc, sân hận, thì mới vươn lên được sự hiểu biết: Kẻ thù của ta không phải là người, mà là cuồng tín, hận thù, tham vọng và bạo động… Không bao giờ oán hờn lên tiếng đối đáp được sự tàn bạo của con người.

Phải lăn xả giữa hai lằn đạn quốc Cộng Việt Nam để phát cơm, băng bó vết thương cho dân, thì mới hiểu bằng cả tim óc của mình để lên tiếng kêu cứu trước Quốc tế : Dân chủ, không cộng sản, nhưng để làm gì nếu tôi đã chết?

Phải chứng kiến tháng này qua năm khác những người tu trẻ Tây tạng bị tra tấn, chém giết, thì mới có thể nói lời cam kết trước kẻ thù: Chúng tôi không đòi tự trị.

Chỉ những nỗi khổ của những con người bằng xương bằng thịt bất cứ nơi đâu trong chiến tranh mới là nỗi đau quay quắt của những người tu chân thật, thúc đẩy họ hành động vì muốn bảo vệ kẻ yếu chứ không phải vì thù oán kẻ ác.

Nay Thiền sư Nhất Hạnh đã bước vào “Đường xưa, Mây trắng”, Đức Đạt Lai Lạt Ma hẳn cảm thấy chút cô đơn. Nhớ khi xưa, (2) người anh em trong đạo của Ngài trả lời truyền hình Ý:

“Dân chúng Tây Tạng và Phật tử Trung Quốc cần được thấy nhân cách của đức Đạt Lai Lạt Ma, và dù chỉ giảng dạy Phật pháp và khuyến khích bảo tồn di sản văn hóa Tây Tạng mà không cần nói đến chính trị, ngài cũng đã có thể đem lại rất nhiều hạnh phúc cho dân chúng và quê hương ngài rồi.

….

 Phật tử Tây Tạng đừng nên tuyệt vọng bởi vì Việt Nam ngày xưa tuy bị nội thuộc Trung Quốc gần 1000 năm nhưng cuối cùng cũng đã dành được độc lập cho mình“.

Ít ai biết những câu căn dặn phật tử Tây Tạng và Trung Quốc này của Thiền sư Nhất Hạnh đã khiến Tu viện Bát Nhã bị bức tử, và từ hoang tàn đổ nát đó nở ra đóa hoa “Trung tâm Làng Mai Quốc tế Thái Lan”.

Nhìn Việt Nam, nhìn Tây Tạng, nhìn cái ác và sự vô đạo đức có vẻ vẫn lên ngôi, thì cả người chết lẫn người còn sống, Thiền sư Nhất Hạnh hay Đức Đạt Lai Lạt Ma, biết rằng mình chưa thành công, chưa tới đích. Thất bại vẫn vây quanh.

Nhưng để dựa vào lời Thiền sư dạy “Hạnh phúc là con đường”, những người hiểu và đang tiếp nối con đường của Thầy biết rằng con đường đang là hoa và rác, thành công, thất bại đan quyện vào nhau, và sẽ tùy thuộc ở mình, con đường có là an lạc và hoà bình hay không.

_________

(1) https://www.dalailama.com/news/2022/condolences-in-response-to-the-death-of-venerable-thich-nhat-hanh

Tiếng Việt: https://langmai.org/cuoc-doi-thien-su-thich-nhat-hanh/thu-chia-buon-tu-cong-dong-quoc-te/dien-thu-tu-duc-dat-lai-lat-ma/

(2) https://langmai.org/cong-tam-quan/thich-nhat-hanh/thien-su-thich-nhat-hanh-tra-loi-truyen-hinh-y-ve-van-de-tay-tang/

Phiếm Hổ Phú

 

Phiếm Hổ Phú

Cao Bồi Già

27-1-2022

Kìa thấp thoáng không khí xuân về;

Đà râm ran tạch đùng pháo nổ.

Tống tiễn năm Trâu;

Nghinh chào niên Hổ.

Mừng xuân tân kỷ, mạo bàn tếu táo muôn sự thế chuyện đời;

Nhân tết Nhâm Dần, lạm phiếm tào lao về họ miêu nhà Hổ.

Đời lắm tên gọi: Nào Ông Ba Mươi rồi Kễnh – Khái – Dần;

Người đặt nhiều danh: Đây Chúa Sơn Lâm hoặc Hùm – Cọp – Hổ.

Tộc dòng Mão, nhưng bơi lội thực tài;

Nòi giống mèo, nhưng trèo leo vụng dở.

Dũng mãnh nòi chi sánh Hùm;

Dữ dằn giống nào hơn Hổ.

Lang thang bơi lội quanh đầm nước sông hồ;

Sinh sống rập rình khắp rừng xanh đồng cỏ.

Ông Ba mươi vốn ung dung dạo khắp núi rừng;

Chúa Sơn Lâm ắt uy nghiêm quản riêng lãnh thổ.

Giương oai xua loài beo gấu, hề đoái chi lũ cáo bầy lang;

Khoái khẩu xơi bọn hươu nai, chứ thèm chi đùi gà thịt thỏ.

Vì nỗi tan tành núi đỏ, khiến Hùm – Cọp đau thương lâm cảnh rỗng ruột tiệt nòi;

Bởi người phá nát rừng xanh, nên Kễnh – Dần tức giận về làng tha trâu bắt chó.

Nay chỉ tồn sinh vài chốn rừng sâu;

Giờ đang dẫn đầu trên trang sách đỏ.

Tiệt nòi tiệt giống, hoang vắng trên cõi Đông Dương;

Đông họ đông hàng, thoải mái quanh vùng Ấn Độ.

Là biểu tượng của lắm đoàn quân;

Là Lôgo của nhiều lãnh thổ.

“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”, ông hổ sa cơ quặn nỗi nhớ rừng; (1)

Ôm bao mối muộn sầu chốn thành đô, gã hùm thất thế buông lời than thở.

Truyền thuyết rằng:

Xưa ngạo chê trâu, cam để lão người khiển, mãi kéo ách bừa xác nhọc mỏi ê; (2)

Rồi nằm cuộn chão, hòng thấy cái trí khôn, nên hứng lửa thiêu lông thành vằn vọ.

Truyện Thủy Hử, chỉ vài thế tuyệt chiêu, đấm vỡ đầu cọp, thật nổi danh tài cự phách là gã Võ Tòng;

Sử nước Nam, với đôi tay dũng mãnh, đòn gãy cổ hùm, kém thua chi sức phi thường có Ngài Như Hổ. (3)

Ca dao lắm ngữ luận kim;

Tục ngữ nhiều câu bình cổ:

Duyên cần giữ, “nữ thực như miêu”;

Sức để cầy, “nam xực như Hổ”.

Ba cô đập chột một chàng;

Quần hồ cắn nhừ mãnh hổ (4).

Liều lĩnh “vuốt râu hùm”;

Dại dột “sờ dái ngọ”.

“Ky cóp cho Cọp nó xơi”;

Khoe khoang cho trộm nó thó.

Đời chẳng lạ, gan sứa mà múa miệng Hùm; (5)

Đời cũng hay, tài còm lại cong mồm nổ.

“Cọp chết để da”, ngai rồng một mảnh, còn phủ rạng sắc vằn;

“Người chết để tiếng”, bia miệng ngàn năm, mãi truyền trơ nỗi hổ (6).

Hùm thiêng thất thế cúi hèn; (7)

Quân tử sa cơ tất bó.

“Rung cây nhát khỉ”, đòn tâm lý cao thủ giỏi bày;

“Điệu hổ ly sơn”, mưu kế xưa tướng tài khéo trổ.

Chớ vênh kiêu như “cáo đội lốt hùm”;

Rồi khốn nạn như “khỉ ngồi lưng hổ”.

Phiếm chuyện Hổ xọ sang chuyện đời:

Có lắm kẻ vênh râu cáo, bởi mượn oai hùm;

Lại nhiều gã hiếp người đời, khi ngồi ngai hổ.

Hùm đói không xơi xác thúi, ấy lắm quan ăn bẩn mới kinh;

“Hổ dữ chẳng ăn thịt con”, vậy mà người phá thai sao nỡ?

Người có biết leo lên ngôi chẳng xứng, kỳ “dễ tựa tróc Hùm”;

Kẻ có hay thoái lui mạng muốn toàn, lại “nan tuồng phóng Hổ”.

Giữa lúc tranh giành, lắm kẻ vì phần thua miếng thắng, liền giở thói cáo cáo cầy cầy;

Trong cơn kích động, nhiều anh chửa tường lời đúng lẽ sai, vội xử sự hùm hùm hổ hổ.

Hóa hư bột hư đường;

Đâm mẻ đầu mẻ cổ.

Chữ xưa rằng:

Biết người biết mặt, chứ làm sao hiểu tận lòng người;

Họa dáng họa bì, rõ nan chi vẽ tường cốt Hổ (8).

Cọp trong chuồng tựa hồ trong chảo, dễ nấu cao giỏi gì mà khoe;

“Tửu nhập lâm như hổ nhập tâm”, tránh xa bợm cớ chi phải hổ (9).

Bả lợi danh, chớ tham lam vét phần vơ miếng, kẻo rồi rơi tõm miệng Hùm;

Đường quan lộ, đừng mưu mẹo leo ghế chạy quyền, coi chừng lâm thế cỡi hổ.

Tin chẳng mới, đã dăm năm đọc nghe muốn nhàm;

Chuyện không đùa, thật trăm phần đến xem thì rõ:

Nuôi hổ như nuôi mèo;

Sát cọp tuồng sát chó.

Chuyên kiếm mối lợi, làng Đô Thành lớn mật nấu cao;

Chẳng gờm di họa, dân Nghệ An to gan dưỡng Hổ (10).

Đem nấu cốt, món quan ông lắm mộng thòm thèm;

Lột lấy da, thứ đại phú muôn tiền ham hố.

Ai chê kiểu cách sinh kế liều;

Ai bĩu mô hình kinh tế nhỏ?

Năm mới năm me:

Hình tượng Hổ, tạo uy dũng cánh “Mai Lộc” khoe vàng;

Chậu gốm Hùm, tăng cốt cách gốc “Đào Phai” thắm đỏ (11).

Lên bìa lên lịch, phô tính cách kiêu hùng Chúa Sơn Lâm tỏ vương quyền đế vương;

Tràn báo tràn phim, khoe dáng vẻ oai lẫm Ông Ba Mươi không hổ danh nhà Hổ.

Tiễn Sửu Vương thoái vị, mong trời cuốn sạch sành sanh dịch họa tai ương;

Nghinh Hổ Đế đăng quang, vọng đời tràn ẵm ăm ắp phúc tài lộc thọ.

Nhắn Hùm Vương:

Ngai tới lượt, phân sao tỏ phường nịnh tôi trung;

Cờ đến cơ, phất sao đặng xứng đầu đáng mỏ.

Tha hết phường tham nhũng quẳng kho;

Vồ sạch bọn quỷ ma ăn cỗ.

Cho xã hội công bằng;

Để đồng bào đỡ khổ.

Mang cơm no áo ấm, lạc nghiệp muôn nhà;

Trị quốc thái dân an, ấm yên trăm họ.

Năm Sửu năm Ngưu khứ, muôn họa phắn chiều lòng, trăm họ tết an khang;

Niên Dần niên Hổ lai, vạn sự hanh như ý, muôn nhà xuân hạnh ngộ.

Chúc thương gia buôn bán đắt hàng;

Chúc nông gia bội thu đầy khố.

Dân lao động, đều sống thừa dư;

Người công nhân thoát đời nghèo khó.

Nụ cười tươi nở môi người;

Tiếng hát hoan tràn xóm ngõ.

Chúc kẻ kẻ năng động hơn Hùm;

Chúc người người sức cường như Hổ.

Đáo hội đáo hè, phiếm linh tinh vớ vẩn, đôi điều nghe lóm đó đây ;

Vui xuân vui tết, bàn tếu táo tào lao, mươi chuyện nhặt gom kim cổ.

______

Ghi chú:

(1): Câu đầu trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ.

(2): Truyện cổ tích xưa kể rằng: Hổ thấy trâu cứ phục tùng nông dân kéo cầy, nên chê trâu là dại, sao lại sợ lão người nhỏ bé kia. Trâu nói rằng người tuy bé nhỏ, nhưng có trí khôn hơn muôn loài. Hổ gặp người và đòi cho xem cái trí khôn, người bảo đang để cái trí khôn ở nhà. Hổ bảo người về lấy cho ta xem. Người nói lỡ ta về mi chạy trốn thì sao. Hổ bảo cứ trói ta lại rồi về lấy, ta làm gì phải trốn. Thế là hổ để người trói mình lại và người nông dân đã đốt lửa thiêu hổ rồi nói đó trí khôn của ta đó. Hổ đau quá vùng vẫy khiến dây đứt rồi chạy vào rừng. Từ đó lông hổ thành vằn vện do lửa chưa bén vào các chỗ thừng trói.

(3): Lê Như Hổ là biệt danh của Lê Văn Khôi, người con nuôi của Tả quân Lê văn Duyệt.

(4): Từ câu tục ngữ “mãnh hổ nan địch quần hồ”

(5): Từ câu tục ngữ “gan sứa miệng hùm”.

(6): Từ câu tục ngữ “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.

(7): Từ câu tục ngữ “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

(8): Từ câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm”.

(9): Từ câu “Tửu nhập tâm như hổ nhập tâm”.

(10) Ở làng Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, dân xây chuồng nuôi hổ như heo để bán thịt da, cao cốt.

(11): Năm nay hoa mai và đào được trưng bày trong các chậu gốm hình Hổ dáng cọp.

Chiến lược ba quả đấm của Mỹ

 

Chiến lược ba quả đấm của Mỹ

Lê Minh Nguyên

26-1-2022

Chúng ta thử khảo sát cách nhìn của giới học giả Trung Quốc về chiến lược mà Tiến sĩ Zhang Jiadong thuộc Fudan University gọi là ba quả đấm của Mỹ để đấu với Trung Quốc. Bởi vì nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược chống đỡ theo đề nghị của vị học giả này thì Trung Quốc sẽ đi vào con đường dân chủ hoá, và điều này có thể là đảng Cộng sản Trung Quốc không dám làm.

Nhưng nếu Trung Quốc không làm thì chế độ cộng sản ở Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ trong cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai này, và nó có thể kéo theo sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam.

Cộng sản Việt Nam có hai chọn lựa: Hoặc không làm gì cả, cứ ù lì tiếp tục tham nhũng để nhận hệ luỵ tất nhiên này, hoặc thay đổi theo chiều hướng dân chủ hoá, đi bước trước Trung Quốc để chạy nhanh hơn cơn sóng dữ và tồn tại trong một thể chế chính trị mới.

***

Theo TS Zhang Jiadong thuộc Đại học Fudan: “Cuộc chiến của các cường quốc không phải là cuộc chiến đánh xáp lá cà, mà là cuộc cạnh tranh lâu dài để phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng suất lao động“. Ông liệt kê “ba con bài” mà Mỹ đang chơi để kiềm chế TQ và cách mà TQ chống lại để chiến thắng.

Theo ông Zhang, lá bài đầu tiên là Mỹ nỗ lực cô lập TQ về mặt đạo đức. Như đã được minh chứng trong Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ đầu tiên vào tháng 12/2021, các giá trị dân chủ là “một trong những công cụ hữu ích nhất” mà Mỹ có, để tập hợp các đồng minh của mình đằng sau mục tiêu này.

Con bài thứ hai nhằm mục đích kiềm chế TQ một cách chiến lược. Mỹ đang củng cố các liên minh truyền thống (Ví dụ: Bộ tứ, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) đồng thời “sáng tạo” ra các liên minh mới (như AUKUS với Úc và Anh).

Lá bài thứ ba nhằm mục đích cô lập TQ về mặt kinh tế, ví dụ, bằng cách sử dụng chiến lược “Sân nhỏ, Hàng rào cao”, ngăn cản không cho TQ có được công nghệ cốt lõi và thiết lập các khuôn khổ kinh tế và thương mại chiến lược để giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Mỹ và đồng minh với TQ (CPTPP, JP-EU FTA , TTIP…).

Ông Zhang nói: “Không quốc gia nào có thể bắt buộc TQ vào thế cô lập chiến lược mà Liên Xô cũ từng bị trước đây, trừ khi người dân TQ chọn như vậy”.

“Tuy nhiên, nếu tình hình hiện tại kéo dài thì TQ có thể tiếp tục bị Mỹ và phương Tây xa lánh trong các lĩnh vực như thương mại, kinh tế, công nghệ và chiến lược, và chi phí cho việc TQ tham gia vào lưu thông kinh tế toàn cầu sẽ tăng cao.

“Điều này sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế TQ và khiến nền kinh tế TQ gặp bất lợi trong cạnh tranh chiến lược. Do đó, chúng ta phải duy trì tư duy quốc tế nhất quán, đồng thời hành động một cách năng nổ và kiên quyết để cải cách và mở cửa nội bộ”.

Sau đây là giải pháp mà ông Zhang đề xuất:

“Đầu tiên, chúng ta phải có lập trường vững chắc đối với hệ thống liên minh chống TQ của Mỹ. Vòng tròn chống TQ do Mỹ hình thành càng lớn thì áp lực đối với TQ càng lớn…”

“Thứ hai, tích cực thúc đẩy sự phát triển của chính trị dân chủ. Dân chủ không phải là nền tảng của một hệ thống chính trị. Cái gốc là hình thức sở hữu các phương tiện sản xuất và sinh kế, tức là sở hữu công cộng hay tư nhân…”

“Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, cả hai đều có thể tạo ra chế độ dân chủ hoặc chế độ chuyên chế. TQ có thể đáp ứng “lá bài” này bằng cách tăng cường một cách có hiệu quả tất cả các khía cạnh của nội trị, bao gồm các định chế dân chủ”.

“Tất nhiên, TQ hiện nay tự tin rằng họ có thể tiếp tục chống lại các cuộc tấn công chính trị và những lời vu cáo của Mỹ và phương Tây về những thành tựu của “dân chủ toàn tiến trình của nhân dân” TQ”.

“Thứ ba, vận động cho một đại chiến lược quốc gia toàn diện. Mỹ có ý định chống lại TQ bằng cách hình thành các nhóm chiến lược nhỏ. TQ không cần phải làm như vậy, và cũng không có khả năng ứng phó với Mỹ theo cùng một cung cách…”

“Do đó, TQ phải rút khỏi chiến trường do Mỹ vẽ ra và tránh hiện thực hóa hy vọng của Mỹ, rơi vào bẫy ‘đối đầu giữa các khối’ của họ. Một chiến lược quốc gia toàn diện đối với TQ là khả thi và có thể đạt được”.

“Cuối cùng, các nỗ lực cải cách và mở cửa của TQ phải được đẩy mạnh. Điều này sẽ hạn chế mạnh mẽ khả năng kiềm chế TQ về mặt kinh tế của Mỹ. Cuộc chiến của các cường quốc không phải là chiến đấu xáp lá cà, mà là cạnh tranh lâu dài để phát triển kinh tế bền vững và năng suất lao động”.

“Dựa trên kinh nghiệm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một hệ thống kinh tế tự do và mở cửa là thuận lợi nhất cho sản suất, cạnh tranh, cùng sự phát triển và vươn lên của đất nước”.

Đọc sách “Tháng Ngày Qua” của Nguyễn Tường Nhung

 

Đọc sách “Tháng Ngày Qua” của Nguyễn Tường Nhung

Trần Thị Nguyệt Mai

26-1-2022

Ảnh bìa sách “Tháng ngày qua” của Nguyễn Tường Nhung

Tôi rất hân hạnh được là một trong những độc giả đầu tiên khi cuốn sách “Tháng Ngày Qua”– Hồi ức của Nhà văn Nguyễn Tường Nhung, chỉ mới là những trang bản thảo rời. Tác giả là trưởng nữ của Nhà văn Thạch Lam và cũng là phu nhân của Trung tướng Ngô Quang Trưởng, một trong những vị tướng lãnh xuất sắc và trong sạch của Quân Lực VNCH.

Cuốn sách hé mở cho chúng ta rõ hơn không chỉ về thân thế của hai gia đình rất nổi tiếng – Thạch Lam và Ngô Quang Trưởng – mà còn như một cuốn phim quay lại hình ảnh xã hội thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp và chiến tranh Việt Nam cận đại, hiển hiện nỗi khổ đau tận cùng khi mất mát cả tài sản lẫn những người thân yêu nhất trong đời, nỗi lo âu của người vợ lính khi chồng ra chiến trận và phút giây lãng mạn hạnh phúc khi chinh nhân trở về… Những ngày Tết Mậu Thân năm 1968 kinh hoàng thảm thương ở Huế cũng được ghi lại một cách sống động.

Khi viết về văn chương Thạch Lam, nhà văn Mai Thảo đã dùng những lời ngợi khen đẹp nhất: “Bút pháp chuốt lọc, trong sáng và chính xác nhất của văn xuôi tiền chiến” (1). “Bút pháp chính xác ông mãi mãi là một vinh dựcho tiếng Việt, theo ý tôi” (2). “Những trang tiểu thuyết đôn hậu và chứa chan tình cảm của Thạch Lam (3) đã đi vào và ở mãi trong tâm hồn người đọc với Gió Lạnh Đầu Mùa, Nhà Mẹ Lê, Hai Đứa Trẻ v.v… Đọc “Tháng Ngày Qua” càng thấy rõ hơn “văn chính là người”, để càng yêu mến Ông hơn.

Trong đậm sâu trí nhớ của tác giả ngày ấy, khi còn là một cô bé 6 tuổi, vẫn còn hiện rõ hình ảnh Bố Thạch Lam: “Bố tôi rất cao, da trắng hồng trông như lai Tây vậy. Ông hay mặc bộ vét màu kem nhạt may bằng hàng vải đũi, đầu luôn đội cái mũ phớt, chân đi giày tây, lúc nào cũng bóng loáng. Quần áo của bố tôi lúc nào cũng phải là thẳng tắp. Bố tôi rất ngăn nắp, thứ tự và rất quý sách. Ông có một tủ sách bìa mạ chữ vàng được xếp rất ngăn nắp (trang 20).

Và Mẹ, bà Thạch Lam, người vợ mà Ông rất yêu thương: “Mẹ tôi hơn bố tôi vài tuổi. Bà tuy hơi thấp so với bố tôi, nhưng bà rất đẹp và rất khéo chiều bố tôi. Bà hiểu rõ rất tỉ mỉ từng chi tiết, những sở thích của bố tôi và tôn trọng tất cả những gì mà bố tôi quyết định. Cà phê mà bố tôi uống mỗi buổi sáng phải chính tay mẹ tôi pha” (trang 22).

Cô vẫn nhớ như in sở thích ăn uống rất giản dị của Bố: “Thức ăn bố tôi không đòi hỏi phải nhiều thịt, cá hay thịnh soạn, nhưng món gì cũng phải thật tinh khiết, sạch sẽ, bày cho gọn và đẹp mắt. Bố tôi thích những món ăn thanh như canh giò sống nấu rau ngót, cải xanh nấu cá rô, rau muống luộc, đậu hũ chiên tẩm hành lá hay cá chép rán vàng, và tuyệt đối không bao giờ được dọn món ăn mà đã dọn ăn ngày hôm trước” (trang 23).

Cộng thêm thói quen đơn sơ nhưng rất hạnh phúc của Ông sau bữa cơm chiều: “Ăn cơm xong bố tôi có thói quen ra ngồi ngoài hiên trước nhà để ngắm cảnh. Tuy đã về chiều nhưng cũng còn một vài chiếc thuyền, trên chở những cặp tình nhân. Họ chèo thật chậm nhìn ngắm mặt trời lặn và thủ thỉ những lời âu yếm. Bố tôi lúc nào cũng rủ mẹ tôi ra cùng ngồi và trò chuyện tâm tình cùng mẹ. Bố tôi ít nói, nhưng khi nói thì đã diễn tả hết ý mình” (trang 22).

Đặc biệt là tính thương người vô cùng tận của Ông, để thấy tại sao văn chương Thạch Lam cũng giống như người:  “Bố tôi rất khó tính và ít khi cười nhưng lại rất thương người. Có thời gian nhà có một anh phu xe để kéo xe cho bố tôi đi làm hàng ngày. Nhưng khi trời mưa thì bố tôi bảo mưa ướt tội nghiệp, khi nắng thì bố tôi cũng bảo nóng quá kéo xe mệt, và thấy anh kéo xe đổ mồ hôi thì cũng không đành. Rút cuộc bố tôi lại đi xe ngoài để đi làm” (trang 23).

Nhà văn Thạch Lam mất rất sớm lúc mới ngoài 30 tuổi, khi văn tài đang vào độ sung mãn. Ngày ấy tác giả chỉ mới 6 tuổi, có hai em trai, một lên 3 và một mới sinh được 3 ngày. Đang từ một cô bé được bố rất yêu chiều: “Tối nào sau khi ăn cơm xong bố tôi cũng gọi tôi vào phòng sách chỗ bố tôi ngồi hàng đêm để viết văn. Trên bàn viết của bố tôi ngoài những giấy, bút, đặc biệt có một lọ kẹo tây. Những viên kẹo đủ màu sắc hồng lạt, đỏ, xanh, trắng, đựng trong chiếc lọ bằng thủy tinh trông thật đẹp mắt và thật là muốn ăn. Bố tôi mở nắp lọ, mùi kẹo bay thật thơm. Bố tôi lấy ra cho tôi một cái…” (trang 23 & 24).

Cô trở thành đứa trẻ mồ côi cha. Sau đám tang vài tháng, bà nội tôi cho người lên Hà Nội đón mẹ và ba chị em chúng tôi về trại Cẩm GiàngTrại rộng hai mẫu tây, khang trang, nằm cách ga tàu hỏa khoảng hơn cây số. Hai cánh cổng chính của trại khá to, sơn màu xanh, giàn hoa tỉ muội màu hồng nhạt leo chung quanh(trang 27).

Từ đây, gia đình cô rời bỏ “căn nhà nhỏ nhưng rất thơ mộng ở tại đầu làng Yên Phụngay cạnh hồ Tây có cây liễu rủ, tàn liễu sà xuống gần mặt nước hồ... Đường từ ngoài vào làng toàn lót bằng gạch đỏ. Trên đường đi chỗ nào cũng nhìn thấy nước hồ... Đi sâu vào trong làng rất đẹp, hai bên là những hàng rào trồng bằng cây duối, được cắt thật bằng phẳng. Khi tới mùa quả duối chín vàng trông xa như những sợi tơ tằm óng ánh… Từ đó tôi chưa có dịp trở về lại làng Yên Phụ nữa (trang 25).

Hình ảnh Bà Nội, người Mẹ hiền sinh ra những người con thuộc nhóm khai sáng Tự Lực Văn Đoàn đã góp công rất lớn trong việc hiện đại hóa xã hội Việt Nam vào đầu thế kỷ XX qua báo chí và tiểu thuyết, với “tôn chỉ” được công bố trên báo Phong Hóa số 101 ngày 8 tháng 6 năm 1934 gồm 10 điểm, đúc kết lại trong nội dung: “Lúc nào cũng mới, trẻ, yêu đời, có chí phấn đấu và tin ở sự tiến bộ. Theo chủ nghĩa bình dân, không có tính cách trưởng giả quý phái. Tôn trọng tự do cá nhân. Làm cho người ta biết đạo Khổng không hợp thời nữa. Đem phương pháp Thái Tây áp dụng vào văn chương An Nam” (4):

“Bà Nội dáng người cao to, nước da trắng hồng, gò má hơi cao, đôi mắt sáng, sâu, trông như lai, toát ra một vẻ oai nghiêm cương nghị. Bà rất nghiêm khắc và ít khi cười. Nhưng khi bà cười thì nụ cười thật tươi, lộ hàm răng đen. Bà nói giọng Huế nghe hay hay và lạ. … Bà ăn uống cầu kỳ, kiểu cách. Bát ăn bằng men xanh trắng viền chỉ vàng, đũa ngà, mâm bằng đồng thau sáng loáng. Khi ăn phải từ tốn, thức ăn cũng phải sắp thứ tự, rau muống luộc để ra đĩa, cọng và lá không lẫn lộn, cắt ra làm hai, khi chấm chỉ vừa đụng vào nước chấm, cơm chỉ được xới một nửa bát (trang 30 & 31)

Bà rất kiên cường, thật giỏi, can đảm. Khi ông mất bà còn rất trẻ, chưa tới 40. Một tay bà phải chăm sóc mẹ chồng và bảy người con còn niên thiếu mà vốn liếng chỉ là một tiệm tạp hóa nhỏ, bán những thứ lặt vặt như kim chỉ, muối, đường, diêm, nến, vài lọ kẹo bột, kẹo gừng, v.v… lời lỗ chẳng được bao nhiêu. Nhưng nhờ vào việc cân gạo, cứ mỗi sáng sớm tinh mơ, những dân ở các làng lân cận đem gạo lên bán, từng gánh hoặc thúng có khi chỉ mươi đấu đựng trong cái bị đan bằng cói. Bà gom mua lại để bán lẻ, khách hàng là những gia đình nghèo sống rải rác quanh phố chợ. Nhờ tài quán xuyến bà đã cho các con ăn học… (trang 32 & 33). “Một tay bà đã gây dựng được một gia đình làm rạng danh cho dòng họ, những văn tài đã để lại cho những thế hệ nối tiếp” (trang 46). “Sau này, khi các con trai đã thành danh, bà xuống tóc xuất gia cửa Phật và ít khi về lại trại (trang 33).

Cuộc sống êm đềm yên ả chẳng bao lâu thì loạn lạc xảy ra, chiến tranh Việt – Pháp bùng nổ. Năm 1946, một đêm phố chợ Cẩm Giàng bùng lên bốc cháy, khói bay mù mịt cả một góc trời (trang 82). Giữa đêm đang ngủ, U (là vú em, người nuôi cậu em kế) lay cô dậy để cùng Mẹ, hai em và U gánh gồng đi lánh nạn, đến tạm cư ở Xóm Đìa, cách Nhã Nam khoảng 5, 7 cây số, một xóm rất nghèo, chỉ có khoảng mươi căn, phần đông đều lợp bằng lá, và sống bằng ruộng nương nhưng là ruộng thuê lại gọi là cấy rẽ (trang 35). Đến đây, U từ biệt về quê. Và cuộc đời của cô bắt đầu lật sang một trang mới với rất nhiều vất vả, khó khăn.

 “Khi đến Xóm Đìa, vài nhà quanh xóm cũng đã có mấy người tản cư tá túc. Chúng tôi được chủ nhà tên Nhâm cho ở nhờ. Ông cho dọn dẹp cho chúng tôi ở nhờ trong cái kho nhỏ, thường để chứa những dụng cụ nhà nông như cuốc, xẻng, cày, bừa, dao liềm, v.v… và chỗ nằm của con vện đen. Cái kho lợp bằng rạ, vách trát bùn trộn rơm đã cũ, vách có nhiều lỗ thủng, cửa là cái phên đan bằng nứa có gắn một thanh tre để chống lên chống xuống. Bên trong, vẻn vẹn chỉ có một cái giường bằng gỗ vừa đủ cho bốn mẹ con nằm, bên cạnh giường kê ba hòn gạch chụm lại gọi là ông đồ bếp (theo ngôn ngữ lúc đó) để thổi nấu. Tắm rửa hàng ngày thì ra ngoài ao. Nước uống và nước thổi cơm thì phải vào tận cuối xóm gánh về; cả xóm đều dùng nước giếng ấy (trang 35). “Những ngày đầu thật bỡ ngỡ. Một khung cảnh quá cách biệt. Chúng tôi như rơi vào một cơn ác mộng. Căn nhà kho chứa đồ vật dụng bẩn thỉu, chật hẹp, một chỗ thua cả chuồng chó ở trại Cẩm Giàng của gia đình chúng tôi”(trang 64). “Mùa đông đến đem theo hơi lạnh, gió rét của miền rừng núi. Bốn mẹ con co ro trên một cái phản gỗ, đắp một cái chiếu cũng đã cũ. Mẹ đầu bên này, tôi đầu bên kia, kéo qua kéo lại. Con ấm thì mẹ lạnh và ngược lại. Hai cậu em thì còn nhỏ ngủ vô tư” (trang 69).

Những năm đầu Mẹ còn có chút tiền đem theo, chúng tôi có cơm gạo trắng, có chút ít thịt, cá (trang 64). Đến khi hết tiền và bán đi tất cả những thứ đã mang theo, thì Mẹ sắp xếp cho tôi theo mấy cô trong xóm đi buôn cà chua và su hào, mỗi tuần hai phiên chợ ngoài thị trấn Nhã NamPhải dậy từ sáng tinh mơ vào vườn cà chua hoặc su hào họ đã hái sẵn rồi tùy sức của mỗi người gánh được nhiều hay ít… tiền lãi cũng tạm để mua gạo có cơm trộn khoai hay sắn. Các em thì vào rừng nhặt củi khô và nấm hạt dẻ (trang 36).

Thấy con quá vất vả mà chẳng kiếm được bao nhiêu, nên khi được chủ nhà cho mượn toàn bộ đồ nghề và có người cho mua thóc chịu, hai mẹ con chuyển qua nghề làm hàng xáo, tức là xay thóc, sàng bỏ trấu đi. Sau đó bỏ vào cối giã rồi vần, sảy cho cám và tấm rớt ra (trang 67) cũng cực nhọc nhưng “lãi được tấm để ăn, cám bán lấy tiền mua rau, muối, tương, cà. Nếu được thóc tốt thì thừa ra một ít gạo.Những lần như vậy mấy mẹ con mừng lắm, nhưng cũng phải độn thêm khoai hoặc sắn. Khi mùa gặt đến chúng tôi đi mót lúa… Thỉnh thoảng tôi đi theo mấy đứa bạn đi hôi cá… Từ khi mẹ hết tiền chưa hôm nào được ăn no và được ăn không độn. Thịt lợn, thịt bò thì xa lánh hẳn, gặp mùa gà bị toi là lúc mới thấy mùi gà.

Ngày tháng vẫn trôi qua. Mẹ tôi không dám tự mình hồi cư vì mịt mù tin tức, sợ bị Tây bắt. Thấm thoắt đã gần ba năm, chị em chúng tôi mỗi người chỉ có hai bộ áo quần đã rách tả tơi(trang 37).

Trong lúc ấy, Bà Nội rất lo lắng vì từ khi chạy tản cư đã gần ba năm mấy mẹ con chúng tôi biệt vô âm tín, nên thuê người đi tìm mẹ con chúng tôi (trang 38). Bà Nội đã giữ gìn cho các cháu: Nếu không có Bà Nội có thể tôi đã là một nữ cán bộ và các em có thể là bộ đội hay bệnh hoạn vùi thây nơi rừng thiêng nước độc này! (trang 39).

Về lại Phố Chợ Cẩm Giàng, gặp lại bạn cũ, cũng là lúc cô thật ngỡ ngàng không thể tin được. Một trang trại rộng lớn đẹp như thế … bây giờ chỉ là bãi đất hoang.” Bạn cô cho biết,“Khi Việt Minh rút đi họ đã đốt, đập phá hủy tất cả những dinh thự họ gọi là tiêu thổ kháng chiến. Nghe nói vậy tôi ngẩn ngơ vì không hiểu tại sao Việt Minh lại làm như vậy. Phá mất đi một trang trại nổi tiếng là đẹp, nên khi những chuyến tàu chạy ngang đây có nhiều người giơ máy chụp ảnh, và tôi không còn được ở đây nữa (trang 41).

 “Bắt đầu từ khi rời khỏi trại Cẩm Giàng, líu ríu dắt ba đứa con chạy tản cư, hồi cư về thành, cơ nghiệp không còn gì. Mẹ rất nghèo, nhờ Bà Nội giúp một phần, mẹ tần tảo, bươn chải nuôi con ăn học (trang 92). Và năm 1953 Bà Nội đã “đích thân đến nhà ông Thám (Tổng Giám đốc Bưu điện Việt Nam) để xin cho mẹ tôi một việc làm Lương tuy thấp nhưng cũng đủ sống cả mấy mẹ con và lại có nhà ở hai buồng nhỏ, có bếp, bể chứa nước, trong cư xá Bưu điện đằng sau Nhà Hát Lớn, trước cửa Nhà Bác Cổ Hà Nội (trang 46 & 47).

Sau này, người thiếu nữ ấy gặp Trung úy Ngô Quang Trưởng và khi kết hôn với nhau thì ông đã lên chức Đại úy, Tiểu đoàn phó tiểu đoàn 5 Nhảy Dù. Cuốn sách đã chia sẻ cuộc đời binh nghiệp của ông Ngô Quang Trưởng bắt đầu từ lúc này. “Anh tham gia trận chiến nhiều hơn làm việc ở văn phòng. Mỗi lần đi hai tới ba tuần mới trở lại đơn vị. Khi trở về anh đã gầy lại gầy hơn, mặt sạm đen, đôi khi bị nổi ngứa khắp cả người” (trang 130). Sau đó, được “đổi về Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn đóng ở Sài Gòn”(trang 139). Khoảng thời gian này anh không phải ra trận liên miên như khi còn ở Tiểu Đoàn. Chỉ đi thị sát, và đôi lần anh phải bay ra miền Trung để cùng chỉ huy tham dự những trận đánh do quân Bắc Việt tấn công (trang 140).

Hơn một năm sau, “khoảng đầu năm 1966, ngay tại thành phố Huế, tình hình khá gay cấnDân chúng biểu tình chống đối chính quyền bằng cách đem bàn thờ Phật để ngoài đường phố Anh được Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (UBHPTU) bổ nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1/BB, Bộ Tư Lệnh đóng tại Thành Nội Huế” (trang 150)

Ở Huế 5 năm, Ông được bổ nhiệm làm Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ và “rất bận rộn, thời gian ở trên trực thăng nhiều hơn dưới đất. Chỉnh đốn lại Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, thăm các tỉnh, các quận, đồn bót, v.v… (trang 196).

Sau hơn hai năm trấn nhậm ở miền Nam hiền hòa, Anh nhận được lệnh thuyên chuyển không dự tính, không báo trước Tổng Thống bổ nhiệm làm Tư Lệnh Vùng 1 đóng ở Đà Nẵng… Đây là lần thứ tư đổi chỗ ở trong khoảng năm năm (trang 201 & 202).

Tác giả đã ghi lại những diễn biến trong hai tháng cuối cùng của nền Đệ Nhị Cộng Hòa mà bà là một chứng nhân. Qua người tùy viên, chúng ta thấy được hình ảnh của Trung tướng Ngô Quang Trưởng trong ngày cuối trước khi mất Đà Nẵng:

Giờ phút cuối ở Đà Nẵng, chỉ có anh và chú đi bộ ra bên bờ biển Sơn Trà lặng vắng, mỗi người trên mình độc nhất chỉ một khẩu súng(trang 263). Theo lời người tùy viên kể lại ngày cuối tại Đà Nẵng, anh và chú đã đứng tại chỗ này định kết thúc bằng viên đạn (trang 252).

Đọc những trang sách nói về cuộc đời binh nghiệp của Tướng Ngô Quang Trưởng, độc giả có thể dễ dàng nhận thấy, tuy là tướng lãnh của một vùng, nhưng Ông thể hiện tác phong quân kỷ rất nghiêm chỉnh:

Anh thức dậy sớm rất đúng giờ. Những cư dân trên con đường anh đến Bộ Tư Lệnh mỗi ngày có tiếng đồn không cần xem đồng hồ, mỗi lần thấy xe Tư Lệnh chạy ngang là biết đúng giờ đó anh di chuyển, không bao giờ có xe còi hụ, không người hộ vệ, chỉ có một tùy viên” (trang 263).

Thời gian ở Huế và Đà Nẵng, những ngày cuối tuần hay ngày lễ anh không bao giờ nghỉ. Tôi và các con không có bữa ăn trưa cùng anh. Những bữa cơm tối anh thường về muộn, các con ăn trước, ôn bài vở để đi ngủ sớm. Tuy sống cùng một nhà nhưng chúng chỉ gặp chào anh trước khi đi ngủ” (trang 264).

Những hành xử của Ông trong việc thi hành lệnh quân đội không vị tình riêng, không kết bè, vây cánh để tạo ảnh hưởng riêng: “… Từ Sài Gòn đổi ra Huế đảm nhận chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh chỉ có một người tùy viên đi theo, ngoài ra không một người thân, ... Chuyện chỗ ở, phương tiện, người giúp việc cho gia đình anh cũng để tùy văn phòng họ sắp xếp, tôi cũng không đòi hỏi, không lựa chọn (trang 266).

Ông luôn luôn sát cánh, chia sẻ với thuộc cấp trong từng nhiệm vụ: Mỗi khi ra lệnh cấm trại anh luôn luôn cùng ở trong trại với các anh em” (trang 151).

Ông cũng không bao giờ lạm dụng chức vụ hay quyền thế để làm ảnh hưởng đến công quỹ nhà nước: “Mùa hạ khi ở Huế, tôi hay đưa các con ra bãi biển Thuận An. Trên đường xe chạy ngang những khu vườn xanh tươi cây trái hoa quả ẩn hiện thấp thoáng những căn nhà lợp ngói đỏ đã phai màu, không gian có vẻ thanh bình, các con thường mong anh đi cùng. Chúng hay hỏi sao Ba không đi, anh chỉ trả lời một câu, ‘Ba bận làm việc’. Tuổi thơ vô tư chúng không thắc mắc. Tôi biết nếu anh đi, phải có hộ tống, phải lo sắp đặt an ninh. Chỉ một lần vui chốc lát mà bao người phải lo như vậy, lạm dụng công sức của quân đội, một chuyện không thể có ở anh” (trang 268).

Và sống rất khiêm nhường, giản dị: “Anh với chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 1 ở Huế, Tư Lệnh Quân Đoàn 4 ở Cần Thơ, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 ở Đà Nẵng, phương tiện di chuyển của tôi cũng chỉ là chiếc xe Jeep cũ mang bảng số dân sự. Thời gian làm Tư Lệnh vùng Một ở Đà Nẵng, người Mỹ có cho một xe du lịch Huê Kỳ màu đen khá rộng để gia đình sử dụng nhưng anh bảo tôi nhường xe ấy cho gia đình Tư Lệnh phó… (trang 267 & 268).

Điều quan trọng nhất là Ông giữ gìn rất nghiêm mật đức tính thanh liêm, trong sạch của mình. Còn nhớ “trong thập niên 1960 tại Miền Nam, trong dân gian đã truyền tụng câu: ‘Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng’ nói lên lòng ngưỡng mộ của người dân đối với bốn vị tướng lãnh này của QLVNCH” (5).

“… một điều quan trọng là không nhận quà biếu của bất cứ ai” (trang 157).

“… quan niệm sống của anh, anh dứt khoát không giúp một ai dù là người thân thích. Anh nói người nào cũng có gia đình, cũng có bố mẹ, cũng có con cái, trong thời chiến trận mình lo cho người thân về chỗ yên lành như vậy còn gì là kỷ luật và còn ai bảo vệ quê hương. Anh đã bị họ hàng thân thích trách hờn (trang 297).

Khi còn ở VN, sau bữa cơm tối ra ngồi ngoài sân, anh phân tách những sự việc, những thâm hiểm, những đòn phép của con người khó thể biết được mà vì vô tình hay vì sự tham lam, mình sẽ bị cạm bẫy. Nếu mình phạm vào một lần sẽ có cớ để họ gây khó dễ, họ ăn mười mình ăn một nhưng tiếng tăm mình lãnh hết và gây khó dễ cho công việc anh làm (trang 271).

Sau đây là một ví dụ:Anh ăn giản dị không đòi hỏi nhưng tôi biết ý anh thích những món mặn theo cách chế biến của miền Nam. Hai đứa nhỏ nhất thì thích nấu theo kiểu Huế, còn tôi vẫn thích những món thanh nhẹ của miền Bắc... Tôi thường phụ với chú đầu bếp luôn tiện dạy cho chú cách nấu những món của miền Nam và miền Bắc. Món thịt gà là món mọi người ưa thích nhất, nhưng giá một con gà khoảng hơn một nghìn cho cả nhà không đủ, mà mua hai con thì nhiều tiền quá. Tiền chợ mỗi ngày đã chỉ định chỉ có một ngàn, vì vậy món thịt gà thường vắng bóng trongnhững bữa ăn. Tướng Tư Lệnh một vùng mà thức ăn hàng ngày cũng phải tính toán vì còn phải để dành một ít. Thời gian ở miền Tây thực phẩm rẻ và có nhiều lựa chọn, đặc biệt là hải sản và rau củ trái cây, nhờ vậy thức ăn đầy đủ hơn. Tuy vậy, chú bếp cũng không vui, than phiền. Chú nói người tư lệnh trước đưa tiền chợ nhiều gấp hai mà lại ít người hơn, gạo ngon có người cung cấp, nước tương nước mắm họ biếu cả thùng, v.v… và v.v… Với tiền chợ tôi đưa gồm cả gạo mắm muối, chú phải tính mua những món ít tiền mới đủ mặc dù tôi nói chúng tôi không cần những thức ăn cầu kỳ đắt tiền (trang 265, 266).

Thêm một ví dụ khác: Qua nhiều lần nói chuyện với Hòa, có những việc rất nhỏ làm tôi áy náy tự cảm thấy như thiếu bổn phận làm vợ. Chú nói hai thầy trò thường nhịn đói không có bữa ăn trưa. Bữa ăn sáng của anh là một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm. Tôi có nói để mua một tô bún bò hay phở mì, anh hỏi giá bao nhiêu rồi nói mắc quá và mất công đi mua… Hàng ngày anh đến văn phòng rồi lên trực thăng thăm các tiền đồn, chỗ đóng quân, có khi đáp xuống một vài nơi đúng giờ ăn trưa họ mời nhưng không bao giờ anh ở lại ăn. Chú cho biết hôm nào Trung tướng ăn một hộp trái cây thì Hòa ăn một hộp thịt. Những món đồ hộp thường có để một ít trên máy bay nhưng ít khi ăn vì vậy tùy viên cũng nhịn theo (trang 264).

Tướng lãnh của một vùng mà bữa điểm tâm chỉ là “một bát cháo trắng với muối đường và một ly nước trà nóng pha đậm” thì đủ hiểu được con người chân chính, thanh liêm của Ông đến bậc nào.

Bằng một văn phong nhẹ nhàng, trong sáng và chân thật, thừa hưởng từ bố Thạch Lam, tác giả Nguyễn Tường Nhung đã chia sẻ về gia đình mình sau khi Nhà văn Thạch Lam mất cũng như về Trung tướng Ngô Quang Trưởng,“một người chồng đầy tình cảm lãng mạn, một người cha nhiều trách nhiệm, đã sống một cuộc đời khiêm nhường, khép kín nhưng có lẽ thật bình yên, hạnh phúc khi trở thành một di dân tị nạn tại Hoa Kỳ…” như lời giới thiệu của Nhà xuất bản Thạch Ngữ ở bìa sau sách.

Hy vọng Tháng Ngày Qua sẽ góp thêm tài liệu cho những bạn trẻ hoặc những nhà viết sử tương lai khi muốn tìm hiểu về hai gia đình này hay thời kỳ chiến tranh Việt – Pháp và chiến tranh Việt Nam.

Cuốn sách cũng có thể dựng thành phim ảnh vì nói đến xã hội và con người Việt Nam ở một thời kỳ vô cùng nhiễu nhương. Có đầy đủ tình tiết của chết chóc, đau khổ lẫn vui tươi, sum họp… Có những phân đoạn thương cảm khiến lệ tràn mi mà cũng có những phân đoạn vui tươi với nụ cười hạnh phúc.

_____

Ghi chú:Tháng Ngày Qua – Hồi ức của Nguyễn Tường Nhung được phát hành qua Nhà xuất bản Barnes and Noble: https://www.barnesandnoble.com/w/thang-ngay-qua-nhung-nguyen-tuong/1140528038?ean=9798765508541

Tham khảo:

(1) Mai Thảo – Phượng Hoàng Gẫy Cánh – Khởi Hành số 60 ngày 2-7-1970 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(2) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 35 – ngày 9-6-1966 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(3) Mai Thảo – Tuần báo Nghệ Thuật số 3ngày 16-10-1965 – Trần Hoài Thư sưu tập.

(4) Mặc Lâm – Tìm hiểu về nhóm Tự Lực Văn Đoàn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/AcknowledgeOfTuLucVanDoan_MLam-20070826.html

(5) Nhứt Thắng, nhì Chinh, tam Thanh, tứ Trưởng: https://books9046.rssing.com/chan-61128279/all_p18.html