Dư luận xung quanh vụ việc Tịnh Thất Bồng Lai (TTBL) và những câu hỏi chưa có lời đáp
20-1-2022
Những ngày gần đây khi thông tin về việc công an khởi tố 4 cá nhân trong TTBL khiến mạng xã hội Facebook dậy sóng vì nhiều luồng dư luận trái chiều – kẻ bênh – người chống. Khá nhiều người đặt câu hỏi và thậm chí yêu cầu tôi viết bài hệ thống lại vụ việc này vì tôi theo dõi từ cuối năm 2019 và có kha khá tư liệu về từng cá nhân và cả các nhân vật giấu mặt thao túng thông tin vụ TTBL.
Để trả lời cho câu hỏi thứ nhất: Vì sao là Tịnh Thất Bồng Lai lại là một vụ án mang xu hướng chính trị?
Với mạng xã hội Facebook, có thể không nhiều người biết về TTBL, nhưng trên Youtube đây là một nhóm khá nổi bật vì có nhiều cá nhân tài năng và nổi tiếng đặc biệt từ chương trình Thách Thức Danh Hài sau khi nhóm 5 Chú Tiểu Bồng Lai đạt giải quán quân hai mùa 2019 – 2020. Trong bối cảnh người Việt quốc nội chọn cách tiếp cận thông tin và giải trí qua Youtube ngày càng nhiều, TTBL là một hot trend của mạng xã hội (MXH) trong suốt 3 năm qua.
Trước khi được biết đến với tên gọi TTBL, thì nơi đây đã từng có 3 cá nhân Lê Thanh Huyền Trân, Lê Thanh Hoàn Nguyên, Lê Thanh Nhất Nguyên nổi tiếng với tài năng ca hát. Huyền Trân là Á quân The Voice Kid 2014, Hoàn Nguyên – Nhất Nguyên đình đám với chương trình Tuyệt đỉnh song ca. Ở thời điểm này, họ là các cá nhân được nhìn nhận là tu tại gia.
Năm 2017, khi chương trình Tuyệt đỉnh song ca buộc phải ngừng phần thi của Hoàn Nguyên – Nhất Nguyên vì lùm xùm về truyền thông, họ đã tìm đến Chùa Giác Ngộ, gặp ông Trần Ngọc Thảo (tức Thích Nhật Từ) để nhờ tư vấn. Và lời hướng dấn của ông Thảo là hãy quy hàng về với Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Tuy nhiên các cá nhân trong TTBL không hồi đáp lời kêu gọi này.
Tháng 10/2019, TTBL nổi đình đám khi Võ Thị Diễm My (22 tuổi) bỏ ra đi. Cha mẹ của cô gái này là Võ Văn Thắng – Đoàn Thị Tuyết Mai đã cho rằng TTBL dụ dỗ con mình “đi tu” tại đây. Ông Thắng kéo một nhóm côn đồ kéo tới xông vào TTBL với lý do kiếm con để tạo cớ gây hấn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho công an huyện Đức Hòa vào cuộc.
Đây là một kế hoạch được bày binh bố trận, sắp đặt kỹ lưỡng với chiến lược “xông vào hang cọp mới bắt được cọp” do nhà báo và luật sư vẽ lên cho ông Thắng và công an là người hậu thuẫn cho ông. Tôi để mắt tới vụ việc ở thời điểm này và phát hiện sau đó, Thích Nhật Từ đã lập tức đăng đàn hướng dẫn TTBL một lần nữa hãy quy hàng Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) bằng cách hiến đất, xây chùa, tu theo đảng để được thừa nhận.
TTBL trở thành cái gai trong mắt GHPGVN khi dám định nghĩa lại khái niệm “tu” và có quá nhiều ảnh hưởng trên MXH khi nhận được tiền, quà của các mạnh thường quân (MTQ) từ nước ngoài đổ về. Từ vụ TTBL, Thích Nhật Từ đã bị mất rất nhiều ảnh hưởng trên MXH nên cái bóng GHPGVN được đem ra để quy chụp rằng TTBL làm xấu hình ảnh Phật giáo, ảnh hưởng đến giáo hội. Và đó chính là lý do để vụ án TTBL trở thành vụ án có xu hướng chính trị khi bốn cá nhân bị quy chụp vào tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích Nhà nước, tổ chức, cá nhân”.
TTBL trở thành một vụ án chính trị vì hội đủ 3 yếu tố, bị GHPGVN nhòm ngó, là cái gai trong mắt nhà cầm quyền (khi trưởng công an xã Hòa Khánh Tây bị đẩy lên đường vì đòi 300 triệu làm CMND cho Huyền Trân, Hoàn Nguyên, Nhất Nguyên năm 2018), và là mục tiêu mà vợ chồng ông Võ Văn Thắng phải xóa bỏ vì họ cho rằng, do TTBL mà họ mất con.
Quan điểm của tôi, bất kỳ một công dân nào có kiến thức tối thiểu về Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam đều biết “mọi công dân đều có quyền bất khả xâm phạm về nơi cư trú, và quyền nhân thân”. Nếu công dân nước CHXHCN Việt Nam làm sai quy định của luật pháp thì họ đều bị xử lý theo quy định. Vậy cớ gì nhà cầm quyền lại không tuân thủ luật pháp mà phải sử dụng luật rừng?
Trong suốt 3 năm qua, tôi chờ đợi xem nhà cầm quyền sử dụng luật pháp để trừng trị TTBL cho ra ngô ra khoai, nhưng cuối cùng cũng chỉ là những trò định hướng dư luận, đánh bài cào trên MXH mà không hề có một cuộc điều tra, hay phiên tòa nào xét xử họ ngoài vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra trong khi Võ Văn Thắng chủ mưu kéo người đến gây rối tại TTBL. Và quan trọng hơn hết, những đứa trẻ trong TTBL là vô tội, lý do nào để đám người lớn có thể thoải mái chà đạp, nhục mạ chúng trong suốt thời gian qua bằng hết cách này đến cách khác?
Câu hỏi thứ 2: Chiến thuật của nhà cầm quyền trong vụ TTBL là gì?
Đấu tố tập thể – làm nhục trên MXH để làm giảm ảnh hưởng, đồng thời đe dọa và tấn công bất cứ cá nhân nào ủng hộ TTBL. Chiến thuật này đã được sử dụng trong suốt 3 năm qua trên Youtube và nay là đến báo lề đảng. Khởi đầu từ các cá nhân có địa vị trong GHPGVN như Thích Nhật Từ, Thích Minh Thiện… đến những cái loa lề đảng như Nguyễn Sin, Nguyễn Phương Hằng…
Kéo theo sau là hàng trăm Youtuber là những người đã từng đến hợp tác, làm việc, trợ giúp như LS Trần Quốc Dũ, Nguyễn Trường Gian[g], TrangVina, thậm chí bên Mỹ còn có luôn các cá nhân đã từng lợi dụng TTBL để gây quỹ trục lợi, câu view kiếm tiếng như Quốc Võ, Dương Trung Hiếu… Họ không hề chí công vô tư vạch trần sai phạm của TTBL như cái mác “chính nghĩa” tự xưng mà tất cả đều xoay quanh một chữ tiền (ngoại trừ các nhân vật phát ngôn theo định hướng). Hot trend TTBL đã khiến bản chất của nhiều người vì tiền bất chấp tất cả bị phơi bày trên MXH.
Võ Văn Thắng (cha Diễm My) không ngại ngần dùng tiền “hợp tác với chính quyền” “mua công an dư sức” để đẩy TTBL vào tù. Nhà cầm quyền cũng chẳng ngại ngần để dùng nghiệp vụ đưa các cá nhân trong TTBL đi “cách ly COVID” hồi tháng 7/2020 rồi dùng Nguyễn Sin định hướng dư luận rằng cách ly là để “giám định DNA”.
Người quan sát như con thiêu thân sẵn sàng chấp nhận một Lê Thanh Minh Tùng, nhân vật được em gái ông Lê Tùng Vân (người đứng đầu TTBL) nhận nuôi từ bé là “sản phẩm loạn luân” trong khi không hề có bằng chứng?
Lê Thanh Minh Tùng với xuất phát điểm là một kẻ có tiền án cướp của (đập đầu xe ôm cướp xe) sau khi lên mạng xã hội tự dán banner, đăng thông cáo kiếm cha mẹ ruột để truy tìm tung tích, nghiễm nhiên trở thành con ông Vân? Những điều vô lý như thế vẫn được chấp nhận vì người ta muốn tin vào điều họ nghĩ chứ không cần phải tốn thời gian tìm hiểu cho ra lẽ ai là ai!
Vu khống trên MXH và cả bằng phóng sự báo chí truyền hình từ tháng 9/2020 đến đầu năm 2022 mà vẫn không thể làm giảm sức ảnh hưởng của TTBL khi kênh Youtube của họ tiếp tục tăng subcribers, fan hâm mộ từ nước ngoài liên tục gửi quà, gửi tiền về hỗ trợ họ, cuối cùng ngày 4/1/2022, 4 cá nhân trong TTBL bị kết tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” – thứ quyền mà họ không thể sử dụng trong suốt thời gian qua bằng cách tuân thủ luật pháp, đâm đơn khiếu nại, khiếu kiện các cá nhân làm nhục mình!
Vụ bắt giữ này là vô tiền khoáng hậu, bởi vì dàn dựng tạo cớ nên từ “bắt quả tang nhận tiền tài trợ” mới có chuyện khởi tố tội “lợi dụng quyền tự do”. Thậm chí việc làm nhục công khai tiếp tục được tổ chức có chiến lược bằng cách định hướng dư luận sẽ khởi tố với 3 tội danh như lừa đảo – lợi dụng quyền tự do – loạn luân.
Tung hư chiêu thông tin loạn luân, nhà cầm quyền không chỉ hạ nhục TTBL mà còn có ý định dập tắt luôn sự phản biện của những người ủng hộ với lý do đạo đức.
Không ai ủng hộ một kẻ xâm phạm luân thường đạo lý, nếu có tội loạn luân, tội đó phải được chứng minh đúng quy trình tố tụng thậm chí cả giám định độc lập để có sự thật khách quan, bảo đảm công bằng và danh dự cho cả nạn nhân và thủ phạm trong vụ này.
Những người kết tội TTBL loạn luân đến nay không chấp nhận được thực tế là ông Lê Tùng Vân không (chưa) hề bị khởi tố tội danh này. Họ không chấp nhận được sự thật họ bị báo lề đảng xỏ mũi. Đương nhiên chẳng ai chịu nhận mình dại bao giờ!
Ai đó bảo rằng Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh định hướng thông tin trong vụ TTBL và bênh vực những kẻ phạm tội? Tôi đang thực hiện đúng nghĩa vụ của một nhà hoạt động – bảo vệ sự thật, thu thập chứng cứ, tìm kiếm thông tin và cung cấp cho người xem một góc nhìn khác trong ma trận này.
Mấy trăm tờ báo, truyền hình cùng hàng loạt kênh Youtube đã chống TTBL chẳng lẽ không có tác dụng hay sao mà sợ tôi định hướng người khác? Muốn kết tội một công dân với các tội danh cụ thể, nhà cầm quyền phải chuẩn bị đầy đủ chứng cứ và tuân thủ quy trình tố tụng chứ không thể bày trò nhục mạ họ rồi định tội bằng một điều luật mơ hồ như điều 331.
Và câu hỏi cuối cùng: Vì sao tôi dành thời gian cho vụ việc này?
Trong vai trò là một nhà hoạt động, tôi quan sát, đánh giá chiến thuật của cộng sản trong đợt bày binh bố trận với TTBL lần này chính là một đợt thử nghiệm trên, trong, ngoài mạng xã hội để tạo các đợt tấn công, áp lực nhắm vào một đối tượng, nhóm, hội đoàn nào đó mà cộng sản cho rằng họ đối đầu với cộng sản, chống đối cộng sản… để từ đó rút ra được kim chỉ nam hành động cho cái gọi là “chiến lược tấn công” trong tương lai để áp dụng cho các nhà hoạt động nhân quyền, các nhóm xã hội dân sự v.v… tại Việt Nam. Nếu lần này trong khi tổ chức làm nhục có hệ thống, chà đạp Hiến pháp, xâm phạm nhân quyền của các cá nhân trong TTBL mà gặp phải trở ngại thì nhà cầm quyền sẽ rút tỉa ra các chiêu thức và chiến lược / chiến thuật hành động để áp dụng cho tương lai.
Những khuất tất, những nghi vấn trong vụ TTBL còn rất nhiều và dài, nhưng người trả lời các câu hỏi đó sẽ là các luật sư – những người có đủ thẩm quyền để tiếp cận hồ sơ vụ án. Riêng cá nhân tôi, ngày nào nhà cầm quyền còn sử dụng luật rừng đầy man rợ, ngày đó tôi vẫn sẽ lên tiếng để bảo vệ quyền con người!
Bất cứ ai có nhã ý phản biện, bốc phốt tôi xin cứ vui lòng thoải mái vào đây tranh luận – tôi chỉ có một yêu cầu duy nhất, văn minh và tử tế, đừng chụp mũ tả – hữu quàng xiên loạn xạ trong này. Vì đây là một vụ án xâm phạm quyền tự do căn bản của con người tại Việt Nam, quốc gia mà không có tả, chẳng có hữu, chỉ có cộng sản mà thôi!
Ảnh minh họa là đoạn thông báo kiếm cha mẹ ruột của Lê Thanh Minh Tùng trên trang cá nhân nhân vật này. Sau một thời gian kết nối được với các MTQ đủ mạnh đổ tiền về. Tùng trở thành con ông Lê Tùng Vân đầy mầu nhiệm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.