Thứ Tư, 19 tháng 1, 2022

Mỹ có khả năng tham gia một lúc hai mặt trận hay không?

 

Mỹ có khả năng tham gia một lúc hai mặt trận hay không?

Trương Nhân Tuấn

19-1-2022

Cựu Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh: Rferl.org

Cựu tổng thống Ukraine Porochenko vừa “hồi hương” thì bị cảnh sát Ukraine bắt giam. Ông này đã “tị nạn” ra nước ngoài hơn tháng nay sau khi bị tình nghi phạm tội “phản bội tổ quốc”.

Trở về trong lúc này để làm gì?

Từ nhiều tháng nay hàng trăm ngàn quân Nga dàn ra ở biên giới. Putin không muốn NATO “bành trướng ảnh hưởng” tới sát biên giới của mình. Putin dọa sẽ đánh nếu Ukraine gia nhập NATO. Phe ủng hộ Ukraine biện luận rằng NATO là một liên minh “phòng thủ”, không có mục tiêu tấn công bất kỳ một quốc gia nào. Nhưng nếu đặt mình ngồi trong ghế tổng thống của Putin. Khi Ukraine ngả về phía Mỹ thì Moscou tức thì bị đe dọa.

Porochenko hồi hương là có mục đích. Putin cần một “lý do chính đáng” để “xâm lược” Ukraine. Lời kêu gọi “can thiệp” của Porochenko có thể trở thành một lý do “hợp pháp”, jus ad bellum, kiểu tổng thống Tokaïev của Kazakhstan kêu gọi Nga giúp đỡ để trấn áp cuộc “cách mạng màu” hồi 2 tháng Giêng 2022.

Vài ngày qua các chuyên gia địa chiến lược quốc tế có những nhận định Mỹ không thể cùng lúc mở hai mặt trận. Một ở Châu Âu với Nga. Hai ở Châu Á với TQ. Thách thức lớn nhứt về chiến lược của Mỹ hiện nay là TQ chớ không phải Nga. Ngân sách quốc phòng của Nga chỉ bằng 1/10 ngân sách của Mỹ. Cán cân lực lượng nghiêng về phía nào đã quá rõ. Trong khi quốc phòng TQ, cùng với những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, và nhứt là nền kinh tế năng động của nước này, TQ sắp sửa hất chân Mỹ để “làm con chim đầu đàn” ở Châu Á.

Mỹ hội đàm với Nga kết quả “nghe báo chí thuật lại” là “thất bại”. Trong cuộc hội đàm này khối Châu Âu bị gạt đứng bên ngoài. Thực tế thì Châu Âu đã được Nga và Mỹ đặt trên bàn thương thuyết.

Lính Nga dàn sẵn ở biên giới chờ lịnh của Putin để “tràn ngập” Ukrain. Thì ở eo biển Đài loan, chắc chắn Tập Cận Bình sẽ không bỏ qua “không gian cơ hội” để “thống nhứt” Đài loan bằng vũ lực.

Chiến tranh nổ ra ở Ukraine các quốc gia Châu Âu nhiều xác suất là bình an vô sự. Chiến trường Ukraine có thể làm cho Nga “chảy máu tới chết”. Vấn đề là Putin có dám sử dụng kho hỏa tiễn nguyên tử của mình để làm áp lực hay không?

Còn khi eo biển Đài loan dậy sóng, chắc chắn Nhật sẽ lâm trận để bảo vệ Đài loan. Nhật quá lệ thuộc vào nước ngoài, từ kinh tế cho tới các nguồn năng lượng và tài nguyên khoáng chất. TQ chiếm Đài loan Nhật sẽ lâm vào thế bị bao vây, tương tự tình trạng bị “cấm vận” trước Thế chiến thứ II.

Mỹ có khả năng tham gia một lúc hai mặt trận hay không?

Kết quả những gì “bàn trong bóng tối” giữa Nga và Mỹ mới là yếu tố quyết định “có chiến tranh hay không” và phe nào có nhiều xác suất để thắng trận.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.