Quan trí nhà Sản
Phạm Nguyên Trường
(Nhàn đàm nhân vụ án Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội)
David Hawkins, trong tác phẩm Power vs. Force dùng hình ảnh cái thang để nói về thành tích của một đời người: “Cái thang thành công dường như có ba bậc chính. Ở bậc thứ nhất, những cái chúng ta “có” là quan trọng; địa vị của chúng ta phụ thuộc vào của cải có thể nhìn thấy được. Khi thăng lên, người ta giành được địa vị thông qua công việc người ta “làm”, chứ không phải bằng những thứ người ta có. Ở nấc thang này, vị trí và hoạt động mang đến cho người ta địa vị xã hội cao, nhưng mức độ hấp dẫn của vai trò xã hội mất đi vẻ hào nhoáng khi người đó đã trưởng thành và trở thành bậc thầy; lúc đó thành tựu trở thành quan trọng. Cuối cùng, người đó chỉ còn quan tâm đến con người mà mình sẽ trở thành, tức là quan tâm tới kết quả của những trải nghiệm trong cuộc đời của mình”.
Theo dõi các phiên toà xét xử các quan chức nhà Sản, có thể thấy, tất cả bọn họ đều vẫn nằm ở bậc thứ nhất: “những cái chúng ta ‘có’ là quan trọng; địa vị của chúng ta phụ thuộc vào của cải có thể nhìn thấy được”. Họ chưa hề nghĩ tới nấc thang thứ hai, tức là không hề trăn trở về việc với chức vụ này mình đang mang lại điều gì cho xã hội, cho dân chúng. Đáng lẽ ra những người như ông Nguyễn Đức Chung, những quan chức từ tỉnh trưởng bộ trưởng trở lên phải là những người mong ước “bảng vàng, bia đá”, khi về hưu có thể tự hào mà nói rằng nhiệm kỳ vừa qua chúng tôi đã xây dựng được cái này, cái kia… Nhưng không hề có chuyện như thế. Tư duy nhiệm kỳ đối với họ là trong nhiệm kỳ này khởi động hay hoàn thành công trình nào để có thể đút túi bao nhiêu, còn kỳ sau tiếp tục như thế nào hay có tác dụng gì với xã hội không phải là điều họ quan tâm. Đầy túi và hạ cánh an toàn là mục tiêu tối thượng.
Có quyền lực, thậm chí là quyền lực vô hạn độ (một bị cáo nói, năm 2016 ông Nguyễn Đức Chung như ông Trời con) mà tâm trí chỉ mới ở nấc thang cuối cùng thì khi đi ra đường họ nhìn thấy tất cả những thứ họ muốn. Họ nhìn thấy chiếc xe họ muốn; người đẹp họ muốn; địa vị, chức vụ và tòa nhà họ muốn. Họ thất vọng vì những khao khát, thèm muốn bất tận và hàng triệu đô la đều không mang lại hạnh phúc. Thực tế là 50 triệu đôla hay 100 triệu đôla cũng không có ích gì, vì khao khát và muốn có thêm quyền lực là vô độ, không thể nào thỏa mãn được.
Trong cái môi trường toàn những kẻ đứng ở nấc thang cuối cùng với những thèm khát bất tận như thế, một người có tham vọng “bảng vàng bia đá”, ví dụ như ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Viện tim Hà Nội (người viết tin rằng ông này có tham vọng như thế, nếu không, ông không thể đủ tài để được đề cử và đủ sức lãnh đạo một cơ sở quan trọng như thế), chắc chắn cũng sẽ bị họ lôi xuống.
Xem xét từ quan điểm của Tháp nhu cầu Maslow, có thể nói rằng người ta đã lật ngược nó: những thứ hạ đẳng trở thành đỉnh cao, còn tinh hoa thì bị vùi dập. Làm gì còn đức hạnh trong môi trường như thế?
Với những vụ án xử các quan chức Hà Nội, Sài Gòn, xử Giám đốc Pharma và Kit Test Việt Á sắp tới, có thể nói rằng không phải tụt hậu bao nhiêu năm hay bao nhiêu tiền đã biến thành cát bụi mà SUY THOÁI ĐẠO ĐỨC mới là di họa khủng khiếp nhất mà Sản để lại cho những thế hệ mai sau.
P.N.T.
Nguồn: FB Phạm Nguyên Trường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.