Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Thành tích của Biden sau một năm tại nhiệm

 

Thành tích của Biden sau một năm tại nhiệm

Vũ Ngọc Yên

25-1-2022

Trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 3/11/2020, liên danh Dân chủ Joe Biden – Kamala Harris đã chiến thắng và Joe Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ vào ngày 20 tháng 1 năm 2021.

Trong diễn văn nhậm chức, Biden đã nhấn mạnh những trọng tâm của chương trình cầm quyền: Chấm dứt đại dịch, phục hồi nền kinh tế và khôi phục lòng tin của người dân vào nền dân chủ Hoa Kỳ, cũng như tái khẳng định vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ trên thế giới. Ông cũng long trọng cam kết sẽ thực hiện những lời hứa trong cuộc tranh cử: Hiện đại hóa hạ tầng cơ sở, tạo thêm hàng triệu việc làm mới, nâng cao phúc lợi xã hội, giảm thiểu hệ quả biến đổi khí hậu, đại dịch Corona và thúc đẩy sự đoàn kết quốc gia… Nay sau một năm, công luận muốn biết bao nhiêu lời hứa to lớn đó đã được chính quyên Biden – Harris thực hiện.

Trong cuộc họp báo ở Toà Bạch Ốc hôm thứ Tư, ngày 19-1-2022, Biden đã trình bày tổng quát về những thành quả và những trở ngại cho những dự án chưa thực hiện được và đưa ra kết luận “năm qua là một năm đầy thách thức, nhưng cũng đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc”.

Kềm chế đại dịch Corona đạt hiệu quả

Ngay từ đầu nhiệm kỳ của mình, Biden đã thực hiện tốt lời hứa tranh cử đắt giá với kế hoạch giải cứu người Mỹ (American Rescue Plan) trị giá 1,9 ngàn tỷ USD nhằm làm giảm hậu quả của đại dịch đối với công dân, thành phố và tiểu bang. Trong kế hoạch này, mỗi người Mỹ nhận được 1.400 USD.

Chiến dịch tiêm chủng ở Mỹ nhanh chóng tăng tốc sau ngày Biden nhậm chức. Khoảng 209 triệu người (63%) được tiêm mũi thứ hai và 81 triệu người (39%) đã nhận mũi tiêm mới bổ sung.

Hoa Kỳ cũng là nước tiên phong trong việc phê duyệt vaccine cho trẻ em và nghiên cứu thuốc corona. Một loại “vaccine mới” do Quân đội Hoa Kỳ phát triển và có hiệu quả chống lại một số biến thể hiện đang làm dấy lên nhiều hy vọng.

Gần đây số ca nhiễm mới với virus corona ở Hoa Kỳ đã tăng lên mức trung bình 700.000 người mỗi ngày do biến thể omicron dễ lây lan. Theo cơ quan y tế CDC, trung bình khoảng 1.750 người chết mỗi ngày liên quan đến bệnh Covid-19. Vào đỉnh điểm của đại dịch năm ngoái, có thời điểm hơn 3.000 người chết mỗi ngày. Trước tình trạng Corona còn ở mức độ đe dọa xã hội, Biden vẫn tin tưởng có thể kiềm chế đại dịch. Biden khẳng định, vào một thời điểm không xa Corona sẽ không còn làm phiền cuộc sống hàng ngày của người dân và sẽ không còn là lý do cho một cuộc khủng hoảng.

Khôi phục kinh tế, tăng phúc lợi xã hội và bảo vệ khí hậu

Sáu triệu việc làm mới đã được tạo ra trong thời gian cầm quyền của Biden. Tỷ lệ nghèo và tỷ lệ thất nghiệp giảm trong khi tiền lương đã tăng lên cùng lúc. Với tỷ lệ thất nghiệp chỉ 3,9%, gần như đã trở lại mức trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng Corona.

Vào tháng 11, Biden đã ký một trong những gói cơ sở hạ tầng chính phủ lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. 1,2 ngàn tỷ USD đầu tư vào các dự án đường xá, cầu cống, hải cảng, sân bay, đường sắt, kết nối internet và hệ thống cung cấp nước. Chương trình cải thiện hạ tầng cơ sở cũng là sự thực hiện lời hứa đối với cử tri Mỹ.

Biden đã hứa với cử tri của mình một chính sách khí hậu có trách nhiệm hơn so với thời người tiền nhiệm Donald Trump. Ngay trong ngày tuyên thệ nhậm chức, ông đã ký quyết định trở lại hiệp định khí hậu Paris.

Biden có tham vọng thực hiện các khoản đầu tư lớn, rất cần thiết để bảo đảm Hoa Kỳ có một nền kinh tế năng lượng sạch, không phát thải vào năm 2050. Để làm được điều này, ông đã đưa ra một chương trình “Xây dựng trở lại tốt hơn” (Build Back Better) ban đầu dự chi 3,5 ngàn tỷ USD cho giáo dục, xã hội và khí hậu. Nhưng bây giờ đã giảm đáng kể xuống còn 1,75 nghìn tỷ USD. Riêng ngân sách dự chi bảo vệ khí hậu vẫn còn ở mức 555 tỷ USD.

Cùng với gói đầu tư vào cơ sở hạ tầng đã được quyết định, gói phúc lợi xã hội và bảo vệ khí hậu là những dự án quan trọng trong chương trình cầm quyền của Biden. Các biện pháp bao gồm đầu tư năng lượng sạch, trợ cấp cho ô tô điện và cải tạo năng lượng, sẽ giảm đáng kể lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và giúp Mỹ đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris năm 2015.

Bất chấp thái độ chống đối của đảng Cộng hòa, Biden vẫn hy vọng các gói đầu tư cho xã hội và khí hậu dù đã bị chặn ở Thượng viện sẽ được thông qua trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11.2022.

Sự phân hóa đất nước còn tồn tại

Trong cuộc họp báo vào ngày 19-1-2022, Biden thừa nhận những nỗ lực đoàn kết quốc gia đã không đạt được kết quả như mong đợi. Ông nhìn nhận đã đánh giá thấp sự chống đối cứng rắn của đảng Cộng hòa đối với các chính sách của ông. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa đã ngăn chặn dự luật cải cách bầu cử và chương trình “Xây dựng trở lại tốt hơn”.

Theo nhận xét của các nhà phân tích chính trị, đảng Cộng hòa đã chống Biden vì cho rằng đường lối cầm quyền của Biden chịu nhiều ảnh hưởng của cánh tả trong đảng Dân chủ, mặc dù Biden đã nhiều lần khẳng định “Tôi không phải là một người xã hội chủ nghĩa”. Thêm vào đó, cựu Tổng thống Trump tiếp tục vu khống kết quả của cuộc bầu cử. Hai điều đó thực sự đã khiến Biden gặp rất nhiều khó khăn trong việc hàn gắn quốc gia.

Thành quả đối ngoại bị lu mờ

Sự thắng cử của Biden đã dấy lên niềm tin rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ nối lại hợp tác quốc tế và đối phó các chính quyền độc tài. Tổng thống Biden đã hứa hẹn quay trở lại ngoại giao, chủ nghĩa đa phương và một chính sách đối ngoại dựa trên giá trị hơn.

Những hy vọng này được phản ánh trong khẩu hiệu “Nước Mỹ đã trở lại”. Trong năm đầu tại nhiệm, Biden đã đưa Mỹ trở lại hiệp định khí hậu Paris, hợp tác với Tổ chức Y tế Thế giới, thực hiện hội nghị thượng đỉnh đa quốc gia ủng hộ dân chủ và tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán để giải quyết các cuộc khủng hoảng khu vực. Biden coi sự mạnh lên của các quốc gia độc tài như Trung Quốc và Nga là một thách thức quan trọng cho hoà bình thế giới và cam kết đưa phương Tây lại gần nhau. Chính quyền Biden cũng đã có những quyết định đơn phương đối với các đối tác trong khu vực, chẳng hạn việc rút khỏi Afghanistan và Iraq, sự can dự ở Syria hoặc chính sách di cư của Mỹ đối với các nước Mỹ Latin.

Vào ngày 31 tháng 8 năm 2021, chỉ hơn hai tuần sau khi chính phủ ở Kabul sụp đổ, Joe Biden đã đưa ra lời biện hộ nhiều cảm xúc về việc Hoa Kỳ rút khỏi Afghanistan: “Đối với những người yêu cầu một thập niên chiến tranh thứ ba ở Afghanistan, tôi hỏi: Lợi ích quốc gia quan trọng là gì?

Ông tiếp tục: “Nghĩa vụ cơ bản của một Tổng thống, theo quan điểm của tôi, là bảo vệ nước Mỹ –  không phải chống lại các mối đe dọa của năm 2001, mà là chống lại các mối đe dọa của năm 2021 và ngày mai”.

Quyết định của Biden chấm dứt cuộc chiến dài nhất trong lịch sử Hoa Kỳ là đúng, nhưng cuộc di tản hỗn loạn khỏi Afghanistan khiến công luận trong và ngoài nước Mỹ bị sốc, làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của Mỹ và hình ảnh của Biden. Cũng lỗi lầm tương tự, Chính quyền Biden đã hy vọng thỏa thuận AUKUS (Úc – Vương quốc Anh – Hoa Kỳ), trong đó Hoa Kỳ tạo điều kiện thuận lợi cho việc bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Anh cho Úc, sẽ thể hiện cam kết của Mỹ trong việc xây dựng quan hệ đối tác mạnh mẽ hơn ở châu Á – Thái Bình Dương. Nhưng mặt tích cực của thỏa thuận này đã bị lu mờ bởi sự đổ vỡ ngoại giao với Pháp. Ngay sau khi AUKUS được công bố, Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận, nước này chấm dứt hợp đồng mua 12 tàu ngầm của Pháp trị giá 66 tỷ USD. Động thái này khiến Paris tức giận. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng, đây là “sự phản bội và không phải là cách các đồng minh đối xử với nhau”. Biden sau đã lên tiếng nhận lỗi, hối tiếc về vụ này.

Những vấn đề trước mắt

Tuần cuối cùng trước ngày kỷ niệm nhậm chức, công luận đã nhận thấy tầm ảnh hưởng của tổng thống Mỹ đang bị hạn chế và những thách thức mà Biden sẽ phải đối mặt trong năm thứ hai.

Sự xuất hiện của ông trong cuộc họp của khối thượng nghị sĩ Dân chủ vào 13-1-2022 cũng không thể thay đổi suy nghĩ của Joe Manchin và Kyrsten Sinema sẽ bỏ phiếu ủng hộ cho các dự án của chính quyền chưa được thông qua tại Thượng viện.

Cùng lúc, Biden đã thất bại trước Tối cao Pháp viện. Tòa án đã dừng lệnh tiêm vaccine bắt buộc cho các công ty có hơn 100 nhân viên và quỹ dành cho nhân viên y tế do nhà nước tài trợ vẫn được duy trì. Tòa án này với nhiều chánh án bảo thủ do Trump bổ nhiệm sẽ còn gây nhiều khó khăn cho việc điều hành của chính quyền Biden trong tương lai.

Trump đã tập hợp được nhiều đảng viên Cộng hoà đến nay vẫn tin vào “Lời nói dối lớn” (Big Lie) vu khống cuộc bầu cử gian lận và đã thành công trong việc kích động những người ủng hộ chống lại Biden, khiến ông không thể đoàn kết đất nước như đã hứa. Biden bây giờ dường như cảm thấy mệt mỏi về vấn đề này.

Đại dịch đã bùng phát lại, tỷ lệ lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm và số di dân ở biên giới phía nam nước Mỹ còn nhiều, đang là những lý do mà đảng Cộng hoà sử dụng để chỉ trích chính quyền Biden.

Theo các cuộc thăm dò của Gallup, mức độ tín nhiệm cho Tổng thống Biden đã giảm từ 57% xuống 43% trong năm qua. Dư luận phỏng đoán “Nếu Hạ viện và Thượng viện rơi về tay đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2022, Biden chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc điều hành.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.