Thứ Tư, 26 tháng 1, 2022

Thuốc đắng giã tật và bài toán giữ chân nhà đầu tư

 

Thuốc đắng giã tật và bài toán giữ chân nhà đầu tư

Lưu Minh Sang (*)

(KTSG) – Thuốc đắng giã tật? Số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết đến 31-12-2021 có 4,27 triệu tài khoản giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, tăng 55,27% so với cùng thời điểm năm 2020, và tăng 83,26% so với năm 2019. Những con số trên đã thể hiện rất rõ nét sự gia tăng sức hút của thị trường chứng khoán (TTCK) nước ta đối với dân chúng trong suốt thời gian qua.

Sự gia tăng này, một mặt trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường nói chung, mặt khác lại trở thành “miếng mồi ngon” cho những tiêu cực, lũng đoạn xảy ra trên thị trường. Hàng loạt hội nhóm được lập ra trên các nền tảng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram, Viber,… quy tụ hàng ngàn nhà đầu tư dưới sự điều hành của một nhóm người để “phím hàng”, hô hào mua mã cổ phiếu này, bán cổ phiếu kia.

Thị trường chứng khoán Việt Nam, sau hơn 20 năm vận hành, vẫn vắng bóng những tổ chức độc lập bảo vệ nhà đầu tư. Ảnh: THÀNH HOA

Hệ quả là rất nhiều cổ phiếu tăng nóng, bất chấp mọi quy luật thị trường, rời xa giá trị thực của doanh nghiệp. Lòng tham được kích động với những cơ hội kiếm tiền nhanh chóng. Để rồi, khi giá cổ phiếu được bơm lên quá mức, chỉ cần một hành vi tiêu cực hay một tin xấu được lan truyền cũng có thể trở thành một quả bom với tính sát thương cao độ gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư mới (F0) chưa kịp trang bị sức đề kháng. Tài sản bị thiệt hại, niềm tin bị lung lay là tình trạng của rất nhiều nhà đầu tư hiện nay. Trong đó không ít nhà đầu tư đã buộc phải rời khỏi thị trường và có thể không đủ niềm tin để quay trở lại một lần nữa.

Có quan điểm cho rằng, tình trạng này là hệ quả tất yếu đối của sự tham lam và tình trạng thiếu hiểu biết của một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư. Cần xem những cú đánh úp như vừa qua như là một liều thuốc đắng và thuốc đắng mới có thể giã tật. Qua đó, buộc tất cả nhà đầu tư phải tự nhận thức và điều chỉnh lại hành vi đầu tư của chính mình.

Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ quản lý thị trường, những gì đang diễn ra cho thấy những lỗ hổng trong các chính sách liên quan đến nhà đầu tư, ngay từ giai đoạn gia nhập thị trường cho đến lúc xảy ra những gian lận, tiêu cực.

Lấp đầy khoảng trống của cơ chế bảo vệ

Vụ việc “bán chui” cổ phiếu của một lãnh đạo công ty đại chúng vừa qua tiếp tục dấy lên những lo ngại về tính minh bạch và công bằng trên thị trường. Mức xử phạt theo quy định hiện hành không tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi cũng như nguồn thu khổng lồ có được từ hành vi vi phạm nếu trót lọt. Chính sự bất cập trong quy định về trách nhiệm pháp lý đã khiến cho những hành vi tiêu cực lặp đi lặp lại nhiều lần gây thiệt hại nặng nề cho các nhà đầu tư. Mặc dù cơ chế xử lý hành vi vi phạm đã có nhiều cải cách theo hướng thực tế hơn nhưng vẫn thiếu sự toàn diện vì không thể giải quyết được thỏa đáng quyền lợi của nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư F0 đã lao vào thị trường như một canh bạc may rủi, không có bất kỳ kiến thức gì về thị trường và cũng không biết tìm đến đâu để trang bị những kiến thức đó.

Điển hình như vụ việc “bán chui” cổ phiếu vừa qua, hàng ngàn nhà đầu tư bị thiệt hại và thiệt hại không có dấu hiệu dừng lại, thế nhưng vấn đề bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư dường như chưa được đặt ra trong các phương án xử lý được công bố chính thức từ các cơ quan quản lý thị trường.

Pháp luật hiện hành cũng thiếu cơ chế pháp lý để nhà đầu tư thực hiện quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại. Giá chứng khoán chịu sự tác động đa chiều của nhiều yếu tố. Do đó, việc tính toán thiệt hại trong đầu tư chứng khoán do một hành vi vi phạm nào đó sẽ rất khó khăn nếu thiếu những quy định mang tính minh thị về công thức tính toán thiệt hại và nghĩa vụ chứng minh. Ngoài ra, cơ chế khởi kiện tập thể trong việc yêu cầu bồi thường thiệt hại của nhà đầu tư cũng chưa được các nhà làm luật dự liệu. Vì vậy, xây dựng một cơ chế riêng biệt về bồi thường thiệt hại trên thị trường chứng khoán dành cho các nhà đầu tư là điều cấp thiết trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam, sau hơn 20 năm vận hành, vẫn vắng bóng những tổ chức độc lập bảo vệ nhà đầu tư. Khi tiến hành soạn thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), đã có nhiều ý kiến đề xuất về việc định danh Quỹ bảo vệ nhà đầu tư và thành lập một tổ chức độc lập để quản lý quỹ này cũng như tiến hành các hoạt động khác vì quyền lợi của nhà đầu tư. Tuy vậy, sau quá trình lấy ý kiến nhiều bên, quy định về Quỹ bảo vệ nhà đầu tư đã bị đưa ra khỏi Luật Chứng khoán 2019, chỉ còn lại hai quỹ: Quỹ hỗ trợ thanh toán và Quỹ bù trừ. Đây là một điều vô cùng đáng tiếc. Sự vắng bóng của những hoạt động bảo vệ nhà đầu tư được tiến hành bởi những tổ chức độc lập có thể hiểu được trong một thị trường sơ khai.

Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đã trải qua 20 năm, mục tiêu đang hướng đến là thoát khỏi thị trường cận biên để ghi tên vào nhóm thị trường mới nổi thì việc thiếu vắng một tổ chức bảo vệ nhà đầu tư – một định chế bảo vệ trực tiếp cho nhà đầu tư – là một khoảng trống rất lớn trong cơ chế bảo vệ dành cho nhà đầu tư.

Phổ cập giáo dục tài chính – “áo giáp” cho nhà đầu tư

Giáo dục và bảo vệ nhà đầu tư là hai nhân tố trụ cột đối với sự phát triển bền vững của TTCK các quốc gia. Chính vì vậy mà Tổ chức quốc tế các Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) đã tạo nên sáng kiến tổ chức “Tuần lễ nhà đầu tư thế giới” trên phạm vi toàn cầu với mục đích làm nổi bật tầm quan trọng của việc giáo dục và bảo vệ nhà đầu tư trong tương quan với mục tiêu phát triển TTCK.

Qua thực tiễn tại các nước thể hiện trong báo cáo của IOSCO về các sáng kiến giáo dục tài chính (1), có thể thấy vai trò nòng cốt thực hiện việc này thuộc về cơ quan quản lý TTCK của các quốc gia. Cơ quan này sẽ chủ trì việc tổ chức các hoạt động chuyên biệt về giáo dục tài chính và gia tăng hiểu biết cho nhà đầu tư thông qua cơ chế phối hợp với các thành viên thị trường như mạng lưới các công ty chứng khoán, chuyên gia độc lập, trường đại học, hiệp hội ngành nghề, tổ chức bảo vệ nhà đầu tư,…

Hình thức giáo dục cũng được tiến hành đa dạng, như thông qua trang web, mạng xã hội, hội thảo, tọa đàm, hội chợ, đặc biệt là chuỗi sự kiện về Tuần lễ Nhà đầu tư hay Tháng nhà đầu tư. Qua đó, nhà đầu tư được cung cấp những kiến thức, thông tin về các cơ hội đầu tư; kỹ năng quản trị tài chính cá nhân; những nguyên tắc, phương pháp thực hiện đầu tư; quyền và nghĩa vụ; cách nhận biết và đối phó với hành vi gian lận trên thị trường; cách tự bảo vệ và sử dụng cơ chế pháp lý để bảo vệ quyền lợi…

Tuy vậy, người viết cho rằng vấn đề này chưa thật sự được xem trọng tại Việt Nam. Dường như những nhà đầu tư cá nhân thiếu một địa chỉ đáng tin cậy để có thể tra cứu, học tập các kiến thức cơ bản về đầu tư, về tài chính. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư F0 đã lao vào thị trường như một canh bạc may rủi, không có bất kỳ kiến thức gì về thị trường và cũng không biết tìm đến đâu để trang bị những kiến thức đó.

Hiện tại, hoạt động giáo dục tài chính ở Việt Nam cũng đã xuất hiện nhưng thiếu tính hệ thống, hình thức và phạm vi tác động không cao. Người viết cho rằng, đã đến lúc Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở giao dịch Chứng khoán Việt Nam cần nhanh chóng xúc tiến việc xây dựng và thực hiện chính sách phổ cập giáo dục tài chính cho các nhà đầu tư cá nhân, cần xem nhiệm vụ này là trọng yếu trong chiến lược phát triển TTCK. Sáng kiến về một trang web, một mạng xã hội dành riêng cho việc phổ cập giáo dục tài chính và việc tổ chức “Tuần lễ nhà đầu tư” cần được nghiên cứu và triển khai ngay.

Về lâu dài, người viết cho rằng cần thành lập một tổ chức độc lập về bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và đảm đương luôn nhiệm vụ về giáo dục tài chính cho nhà đầu tư cá nhân.

L.M.S.

(*) Trường Đại học Kinh tế – Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Xem thêm tại: https://www.iosco.org/library/pubdocs/pdf/IOSCOPD662.pdf

Nguồn: Thesaigontimes

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.