Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Chiến lược ba quả đấm của Mỹ

 

Chiến lược ba quả đấm của Mỹ

Lê Minh Nguyên

26-1-2022

Chúng ta thử khảo sát cách nhìn của giới học giả Trung Quốc về chiến lược mà Tiến sĩ Zhang Jiadong thuộc Fudan University gọi là ba quả đấm của Mỹ để đấu với Trung Quốc. Bởi vì nếu Trung Quốc áp dụng chiến lược chống đỡ theo đề nghị của vị học giả này thì Trung Quốc sẽ đi vào con đường dân chủ hoá, và điều này có thể là đảng Cộng sản Trung Quốc không dám làm.

Nhưng nếu Trung Quốc không làm thì chế độ cộng sản ở Trung Quốc có nguy cơ sụp đổ trong cuộc chiến tranh lạnh lần thứ hai này, và nó có thể kéo theo sự sụp đổ của chế độ cộng sản Việt Nam.

Cộng sản Việt Nam có hai chọn lựa: Hoặc không làm gì cả, cứ ù lì tiếp tục tham nhũng để nhận hệ luỵ tất nhiên này, hoặc thay đổi theo chiều hướng dân chủ hoá, đi bước trước Trung Quốc để chạy nhanh hơn cơn sóng dữ và tồn tại trong một thể chế chính trị mới.

***

Theo TS Zhang Jiadong thuộc Đại học Fudan: “Cuộc chiến của các cường quốc không phải là cuộc chiến đánh xáp lá cà, mà là cuộc cạnh tranh lâu dài để phát triển kinh tế bền vững và nâng cao năng suất lao động“. Ông liệt kê “ba con bài” mà Mỹ đang chơi để kiềm chế TQ và cách mà TQ chống lại để chiến thắng.

Theo ông Zhang, lá bài đầu tiên là Mỹ nỗ lực cô lập TQ về mặt đạo đức. Như đã được minh chứng trong Hội nghị Thượng đỉnh về Dân chủ đầu tiên vào tháng 12/2021, các giá trị dân chủ là “một trong những công cụ hữu ích nhất” mà Mỹ có, để tập hợp các đồng minh của mình đằng sau mục tiêu này.

Con bài thứ hai nhằm mục đích kiềm chế TQ một cách chiến lược. Mỹ đang củng cố các liên minh truyền thống (Ví dụ: Bộ tứ, chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương) đồng thời “sáng tạo” ra các liên minh mới (như AUKUS với Úc và Anh).

Lá bài thứ ba nhằm mục đích cô lập TQ về mặt kinh tế, ví dụ, bằng cách sử dụng chiến lược “Sân nhỏ, Hàng rào cao”, ngăn cản không cho TQ có được công nghệ cốt lõi và thiết lập các khuôn khổ kinh tế và thương mại chiến lược để giảm sự phụ thuộc về kinh tế của Mỹ và đồng minh với TQ (CPTPP, JP-EU FTA , TTIP…).

Ông Zhang nói: “Không quốc gia nào có thể bắt buộc TQ vào thế cô lập chiến lược mà Liên Xô cũ từng bị trước đây, trừ khi người dân TQ chọn như vậy”.

“Tuy nhiên, nếu tình hình hiện tại kéo dài thì TQ có thể tiếp tục bị Mỹ và phương Tây xa lánh trong các lĩnh vực như thương mại, kinh tế, công nghệ và chiến lược, và chi phí cho việc TQ tham gia vào lưu thông kinh tế toàn cầu sẽ tăng cao.

“Điều này sẽ có tác động tiêu cực lâu dài đến nền kinh tế TQ và khiến nền kinh tế TQ gặp bất lợi trong cạnh tranh chiến lược. Do đó, chúng ta phải duy trì tư duy quốc tế nhất quán, đồng thời hành động một cách năng nổ và kiên quyết để cải cách và mở cửa nội bộ”.

Sau đây là giải pháp mà ông Zhang đề xuất:

“Đầu tiên, chúng ta phải có lập trường vững chắc đối với hệ thống liên minh chống TQ của Mỹ. Vòng tròn chống TQ do Mỹ hình thành càng lớn thì áp lực đối với TQ càng lớn…”

“Thứ hai, tích cực thúc đẩy sự phát triển của chính trị dân chủ. Dân chủ không phải là nền tảng của một hệ thống chính trị. Cái gốc là hình thức sở hữu các phương tiện sản xuất và sinh kế, tức là sở hữu công cộng hay tư nhân…”

“Chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, cả hai đều có thể tạo ra chế độ dân chủ hoặc chế độ chuyên chế. TQ có thể đáp ứng “lá bài” này bằng cách tăng cường một cách có hiệu quả tất cả các khía cạnh của nội trị, bao gồm các định chế dân chủ”.

“Tất nhiên, TQ hiện nay tự tin rằng họ có thể tiếp tục chống lại các cuộc tấn công chính trị và những lời vu cáo của Mỹ và phương Tây về những thành tựu của “dân chủ toàn tiến trình của nhân dân” TQ”.

“Thứ ba, vận động cho một đại chiến lược quốc gia toàn diện. Mỹ có ý định chống lại TQ bằng cách hình thành các nhóm chiến lược nhỏ. TQ không cần phải làm như vậy, và cũng không có khả năng ứng phó với Mỹ theo cùng một cung cách…”

“Do đó, TQ phải rút khỏi chiến trường do Mỹ vẽ ra và tránh hiện thực hóa hy vọng của Mỹ, rơi vào bẫy ‘đối đầu giữa các khối’ của họ. Một chiến lược quốc gia toàn diện đối với TQ là khả thi và có thể đạt được”.

“Cuối cùng, các nỗ lực cải cách và mở cửa của TQ phải được đẩy mạnh. Điều này sẽ hạn chế mạnh mẽ khả năng kiềm chế TQ về mặt kinh tế của Mỹ. Cuộc chiến của các cường quốc không phải là chiến đấu xáp lá cà, mà là cạnh tranh lâu dài để phát triển kinh tế bền vững và năng suất lao động”.

“Dựa trên kinh nghiệm sau Chiến tranh thế giới thứ hai, một hệ thống kinh tế tự do và mở cửa là thuận lợi nhất cho sản suất, cạnh tranh, cùng sự phát triển và vươn lên của đất nước”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.