Thứ Năm, 27 tháng 1, 2022

Phiếm Hổ Phú

 

Phiếm Hổ Phú

Cao Bồi Già

27-1-2022

Kìa thấp thoáng không khí xuân về;

Đà râm ran tạch đùng pháo nổ.

Tống tiễn năm Trâu;

Nghinh chào niên Hổ.

Mừng xuân tân kỷ, mạo bàn tếu táo muôn sự thế chuyện đời;

Nhân tết Nhâm Dần, lạm phiếm tào lao về họ miêu nhà Hổ.

Đời lắm tên gọi: Nào Ông Ba Mươi rồi Kễnh – Khái – Dần;

Người đặt nhiều danh: Đây Chúa Sơn Lâm hoặc Hùm – Cọp – Hổ.

Tộc dòng Mão, nhưng bơi lội thực tài;

Nòi giống mèo, nhưng trèo leo vụng dở.

Dũng mãnh nòi chi sánh Hùm;

Dữ dằn giống nào hơn Hổ.

Lang thang bơi lội quanh đầm nước sông hồ;

Sinh sống rập rình khắp rừng xanh đồng cỏ.

Ông Ba mươi vốn ung dung dạo khắp núi rừng;

Chúa Sơn Lâm ắt uy nghiêm quản riêng lãnh thổ.

Giương oai xua loài beo gấu, hề đoái chi lũ cáo bầy lang;

Khoái khẩu xơi bọn hươu nai, chứ thèm chi đùi gà thịt thỏ.

Vì nỗi tan tành núi đỏ, khiến Hùm – Cọp đau thương lâm cảnh rỗng ruột tiệt nòi;

Bởi người phá nát rừng xanh, nên Kễnh – Dần tức giận về làng tha trâu bắt chó.

Nay chỉ tồn sinh vài chốn rừng sâu;

Giờ đang dẫn đầu trên trang sách đỏ.

Tiệt nòi tiệt giống, hoang vắng trên cõi Đông Dương;

Đông họ đông hàng, thoải mái quanh vùng Ấn Độ.

Là biểu tượng của lắm đoàn quân;

Là Lôgo của nhiều lãnh thổ.

“Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt”, ông hổ sa cơ quặn nỗi nhớ rừng; (1)

Ôm bao mối muộn sầu chốn thành đô, gã hùm thất thế buông lời than thở.

Truyền thuyết rằng:

Xưa ngạo chê trâu, cam để lão người khiển, mãi kéo ách bừa xác nhọc mỏi ê; (2)

Rồi nằm cuộn chão, hòng thấy cái trí khôn, nên hứng lửa thiêu lông thành vằn vọ.

Truyện Thủy Hử, chỉ vài thế tuyệt chiêu, đấm vỡ đầu cọp, thật nổi danh tài cự phách là gã Võ Tòng;

Sử nước Nam, với đôi tay dũng mãnh, đòn gãy cổ hùm, kém thua chi sức phi thường có Ngài Như Hổ. (3)

Ca dao lắm ngữ luận kim;

Tục ngữ nhiều câu bình cổ:

Duyên cần giữ, “nữ thực như miêu”;

Sức để cầy, “nam xực như Hổ”.

Ba cô đập chột một chàng;

Quần hồ cắn nhừ mãnh hổ (4).

Liều lĩnh “vuốt râu hùm”;

Dại dột “sờ dái ngọ”.

“Ky cóp cho Cọp nó xơi”;

Khoe khoang cho trộm nó thó.

Đời chẳng lạ, gan sứa mà múa miệng Hùm; (5)

Đời cũng hay, tài còm lại cong mồm nổ.

“Cọp chết để da”, ngai rồng một mảnh, còn phủ rạng sắc vằn;

“Người chết để tiếng”, bia miệng ngàn năm, mãi truyền trơ nỗi hổ (6).

Hùm thiêng thất thế cúi hèn; (7)

Quân tử sa cơ tất bó.

“Rung cây nhát khỉ”, đòn tâm lý cao thủ giỏi bày;

“Điệu hổ ly sơn”, mưu kế xưa tướng tài khéo trổ.

Chớ vênh kiêu như “cáo đội lốt hùm”;

Rồi khốn nạn như “khỉ ngồi lưng hổ”.

Phiếm chuyện Hổ xọ sang chuyện đời:

Có lắm kẻ vênh râu cáo, bởi mượn oai hùm;

Lại nhiều gã hiếp người đời, khi ngồi ngai hổ.

Hùm đói không xơi xác thúi, ấy lắm quan ăn bẩn mới kinh;

“Hổ dữ chẳng ăn thịt con”, vậy mà người phá thai sao nỡ?

Người có biết leo lên ngôi chẳng xứng, kỳ “dễ tựa tróc Hùm”;

Kẻ có hay thoái lui mạng muốn toàn, lại “nan tuồng phóng Hổ”.

Giữa lúc tranh giành, lắm kẻ vì phần thua miếng thắng, liền giở thói cáo cáo cầy cầy;

Trong cơn kích động, nhiều anh chửa tường lời đúng lẽ sai, vội xử sự hùm hùm hổ hổ.

Hóa hư bột hư đường;

Đâm mẻ đầu mẻ cổ.

Chữ xưa rằng:

Biết người biết mặt, chứ làm sao hiểu tận lòng người;

Họa dáng họa bì, rõ nan chi vẽ tường cốt Hổ (8).

Cọp trong chuồng tựa hồ trong chảo, dễ nấu cao giỏi gì mà khoe;

“Tửu nhập lâm như hổ nhập tâm”, tránh xa bợm cớ chi phải hổ (9).

Bả lợi danh, chớ tham lam vét phần vơ miếng, kẻo rồi rơi tõm miệng Hùm;

Đường quan lộ, đừng mưu mẹo leo ghế chạy quyền, coi chừng lâm thế cỡi hổ.

Tin chẳng mới, đã dăm năm đọc nghe muốn nhàm;

Chuyện không đùa, thật trăm phần đến xem thì rõ:

Nuôi hổ như nuôi mèo;

Sát cọp tuồng sát chó.

Chuyên kiếm mối lợi, làng Đô Thành lớn mật nấu cao;

Chẳng gờm di họa, dân Nghệ An to gan dưỡng Hổ (10).

Đem nấu cốt, món quan ông lắm mộng thòm thèm;

Lột lấy da, thứ đại phú muôn tiền ham hố.

Ai chê kiểu cách sinh kế liều;

Ai bĩu mô hình kinh tế nhỏ?

Năm mới năm me:

Hình tượng Hổ, tạo uy dũng cánh “Mai Lộc” khoe vàng;

Chậu gốm Hùm, tăng cốt cách gốc “Đào Phai” thắm đỏ (11).

Lên bìa lên lịch, phô tính cách kiêu hùng Chúa Sơn Lâm tỏ vương quyền đế vương;

Tràn báo tràn phim, khoe dáng vẻ oai lẫm Ông Ba Mươi không hổ danh nhà Hổ.

Tiễn Sửu Vương thoái vị, mong trời cuốn sạch sành sanh dịch họa tai ương;

Nghinh Hổ Đế đăng quang, vọng đời tràn ẵm ăm ắp phúc tài lộc thọ.

Nhắn Hùm Vương:

Ngai tới lượt, phân sao tỏ phường nịnh tôi trung;

Cờ đến cơ, phất sao đặng xứng đầu đáng mỏ.

Tha hết phường tham nhũng quẳng kho;

Vồ sạch bọn quỷ ma ăn cỗ.

Cho xã hội công bằng;

Để đồng bào đỡ khổ.

Mang cơm no áo ấm, lạc nghiệp muôn nhà;

Trị quốc thái dân an, ấm yên trăm họ.

Năm Sửu năm Ngưu khứ, muôn họa phắn chiều lòng, trăm họ tết an khang;

Niên Dần niên Hổ lai, vạn sự hanh như ý, muôn nhà xuân hạnh ngộ.

Chúc thương gia buôn bán đắt hàng;

Chúc nông gia bội thu đầy khố.

Dân lao động, đều sống thừa dư;

Người công nhân thoát đời nghèo khó.

Nụ cười tươi nở môi người;

Tiếng hát hoan tràn xóm ngõ.

Chúc kẻ kẻ năng động hơn Hùm;

Chúc người người sức cường như Hổ.

Đáo hội đáo hè, phiếm linh tinh vớ vẩn, đôi điều nghe lóm đó đây ;

Vui xuân vui tết, bàn tếu táo tào lao, mươi chuyện nhặt gom kim cổ.

______

Ghi chú:

(1): Câu đầu trong bài thơ Nhớ Rừng của Thế Lữ.

(2): Truyện cổ tích xưa kể rằng: Hổ thấy trâu cứ phục tùng nông dân kéo cầy, nên chê trâu là dại, sao lại sợ lão người nhỏ bé kia. Trâu nói rằng người tuy bé nhỏ, nhưng có trí khôn hơn muôn loài. Hổ gặp người và đòi cho xem cái trí khôn, người bảo đang để cái trí khôn ở nhà. Hổ bảo người về lấy cho ta xem. Người nói lỡ ta về mi chạy trốn thì sao. Hổ bảo cứ trói ta lại rồi về lấy, ta làm gì phải trốn. Thế là hổ để người trói mình lại và người nông dân đã đốt lửa thiêu hổ rồi nói đó trí khôn của ta đó. Hổ đau quá vùng vẫy khiến dây đứt rồi chạy vào rừng. Từ đó lông hổ thành vằn vện do lửa chưa bén vào các chỗ thừng trói.

(3): Lê Như Hổ là biệt danh của Lê Văn Khôi, người con nuôi của Tả quân Lê văn Duyệt.

(4): Từ câu tục ngữ “mãnh hổ nan địch quần hồ”

(5): Từ câu tục ngữ “gan sứa miệng hùm”.

(6): Từ câu tục ngữ “cọp chết để da, người ta chết để tiếng”.

(7): Từ câu tục ngữ “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

(8): Từ câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt/ Tri nhân tri diện bất tri tâm”.

(9): Từ câu “Tửu nhập tâm như hổ nhập tâm”.

(10) Ở làng Đô Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, dân xây chuồng nuôi hổ như heo để bán thịt da, cao cốt.

(11): Năm nay hoa mai và đào được trưng bày trong các chậu gốm hình Hổ dáng cọp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.