Nghĩ về giải Vin Future
21-1-2022
Hôm nay, giải thưởng Vin Future đã được chính thức trao nhận cho những người đạt giải. Tính về giá trị tiền bạc, đây là một trong những giải thưởng hàng năm có nhiều tiền nhất. Tổng giá trị lên tới khoảng 4,5 triệu đô la Mỹ, trong đó giải thưởng chính lên đến 3 triệu đô la Mỹ, còn ba giải đặc biệt khác chia nhau mỗi giải 500 ngàn đô la Mỹ. Trong khi đó, giải Nobel năm vừa rồi chỉ ở mức 10 triệu Krona, tương đương 1,1 triệu đô la Mỹ.
Nhưng tiền thưởng nhiều không có nghĩa là cái giải nó danh giá. Một giải thưởng danh giá nó cần ít nhất là 5 yếu tố.
Thứ nhất là tổ chức đứng sau giải đó. Sở dĩ giải Nobel đem lại sự vinh dự của người nhận giải vì phía sau nó là Viện Hàn lâm Khoa học của Thuỵ Điển, tổ chức gồm những nhà khoa học hàng đầu của châu Âu và thế giới, và phía sau nó nữa là chính phủ Thuỵ Điển và Hoàng gia Thuỵ Điển.
Thứ hai là cá nhân của người đứng ra sáng lập giải đó. Người sáng lập giải Nobel là Alfred Nobel, một người nói được 6 thứ tiếng, một nhà khoa học, một nhà sáng chế với 355 bằng sáng chế đã đăng ký, một doanh nhân thành công, và một nhà từ thiện. Ông giàu có nhờ thương mại hoá thành công các sáng chế của mình mà một trong số đó là thuốc nổ dynamite, một chất được dùng trong khai mỏ, phát triển hạ tầng giao thông, và cả trong vũ khí.
Thứ ba là đất nước nơi giải đó khởi phát. Một giải thưởng danh giá nó phải gắn liền với một đất nước văn minh. Văn minh bao gồm nhiều khía cạnh. Đầu tiên, nó phải là một nước phát triển về khoa học công nghệ nếu là một giải về công nghệ, hoặc nó phải là một nước giàu có về văn hoá nếu nó là một giải về văn hoá. Và trên hết nó phải là một nước văn minh trong cách đối xử giữa người và người. Đó là lý do mà giải thưởng được trao ở một nước có truyền thống dân chủ, xiển dương hoà bình, nó sẽ có giá trị khác so với một giải thưởng tương tự được phát ở một nước độc tài, độc đoán. Thuỵ Điển từ rất lâu đã được xem như là một nước trung tâm của khối Bắc Âu nơi mà các giá trị về dân chủ, tự do, và hoà bình được xiển dương. Giải Nobel đi kèm với nó là một thông điệp vì hoà bình và thịnh vượng của nhân loại. Người nhận giải tự hào vì được ghi nhận có công đóng góp vào sự phát triển của nhân loại, và sự ghi nhận đó được công khai bởi những người thuộc giới tinh hoa đương đại.
Thứ tư là quy trình trao giải và số tiền thưởng. Từ rất lâu, giá trị của giải Nobel dao động trong khoảng 1 triệu đô và được uỷ ban trao giải điều chỉnh hàng năm. So với các giải khác, đây là một số tiền thưởng rất lớn. Nhưng quan trọng hơn là cách mà người ta chọn ra người để nhận giải: đó phải là những người được đề cử bởi những nhân vật ưu tú nhất, thuộc tầng lớp tinh hoa trong xã hội của các nước khác nhau trên thế giới, mà chủ yếu ở phương Tây. Một khi được đề cử và được chọn trao giải, đó là một sự công nhận rằng người nhận giải là những người ít ỏi thuộc nhóm tinh hoa của nhân loại. Họ sẽ được mời ăn tối với hoàng gia Thuỵ Điển và những người thuộc giới quyền quý của phương Tây hàng năm. Món tiền quan trọng, nhưng vị trí xã hội và cái danh nó còn lớn hơn. Chính vì cái danh nó lớn như vậy cho nên khi bị bệnh, Leo Max Lederman đã bán cái mề đai Nobel bằng vàng được tới 765 ngàn đô trong khi lượng vàng của cái mề đai nặng 175 gram chỉ có giá chưa tới một ngàn đô la Mỹ.
Và cuối cùng là thời gian. Một giải thưởng uy tín nó cần có thời gian để nuôi dưỡng và chứng tỏ sự nghiêm túc của nó.
***
Nhìn lại cả 5 yếu tố trên để thấy cái giải thưởng Vin Future thực ra không rơi vào một tiêu chí nào cả, ngoại trừ số tiền thưởng.
Thứ nhất, tổ chức đứng sau giải đó là một nhóm các nhà khoa học được nhóm của ông Phạm Nhật Vượng mời. Những nhà khoa học này có một vị trí trong giới nghiên cứu của họ. Nhưng họ chưa đủ để tạo nên một uy danh cho một tổ chức danh tiếng.
Thứ hai, cá nhân người đứng sau sáng lập ra giải Vin Future là ông Phạm Nhật Vượng. So với những tiêu chuẩn của giới tinh hoa phương Tây, ông Vượng hoàn toàn không có, nếu không muốn nói là ngược lại. Sự giàu có của ông Vượng trong mắt nhiều người là do có được từ sự thông đồng với giới quan chức nhằm chiếm lấy những khu đất đắc địa. Không thấy ông có một phát minh nào, cũng như là những đóng góp nào làm nên sự tiến bộ của nhân loại trước khi ông sáng lập ra giải Vin Future này.
Thứ ba, chẳng có gì hãnh diện khi người ta nhận một giải thưởng xuất phát từ một nước cộng sản, độc đoán, nếu số tiền của nó không lớn. Người ta đến nhận tiền hơn là nhận giải. Và họ càng cảm thấy ái ngại hơn khi nhận phần thưởng từ một ông thủ tướng của một chính phủ tàn bạo và tham nhũng — một chính phủ mà liên tục bỏ tù những ai mà mình không thích lấy cớ là xâm hại an ninh; một chính phủ sẵn sàng cướp đất của dân nghèo để trao cho những đại gia và sẵn sàng bắn bỏ nếu chống; một chính phủ thất bại trong chống dịch và cấu kết với đại gia nhằm móc túi ngân sách quốc gia; và quan trọng nhất là một chính phủ duy trì quyền lực bằng bạo lực và khủng bố chứ chẳng phải là một chính phủ do dân bầu một cách chính danh và trong hoà bình.
Thứ tư, nếu người nhận giải được mời đi dạ tiệc hàng năm chẳng hạn thì ai sẽ là người chiêu đãi? Phạm Nhật Vượng hay Phạm Minh Chính? Như đã nói ở trên, những người nhận giải Nobel được chiêu đãi bởi Hoàng gia Thuỵ Điển họ thấy vinh dự vì họ được “thăng hạng” hay “công nhận” vào tầng lớp tinh hoa của thế giới. Điều này không có ở Vin Future nếu không muốn nói là ngược lại.
Và cuối cùng, đây là một giải mới. Còn rất lâu mới có thể tạo nên một uy tín.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.