Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Chuyện kể về cuộc phản công Kharkiv của Uk, mà đã khiến Putin choáng váng và định hình lại cuộc chiến (Phần 3)

 

Chuyện kể về cuộc phản công Kharkiv của Ukraine, mà đã khiến Putin choáng váng và định hình lại cuộc chiến (Phần 3)

Washington Post

Cù Tuấn, dịch

29-12-2022

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Kharkiv đã cho người Ukraine cơ hội để mở ra một cánh cửa. Kherson đã cho thấy nó là một bức tường khá vững chắc.

Trong nhiều tháng chiếm đóng, quân Nga đã đào chiến hào và xây dựng hệ thống phòng thủ lớn tại đây. Đất nông nghiệp của Ukraine cung cấp rất ít nơi trú ấn tự nhiên cho một lực lượng tấn công và một mê cung kênh dẫn nước đóng vai trò chướng ngại vật. Matxcơva cũng đã mang đến đây những đội quân tinh nhuệ nhất của mình.

“Những bãi mìn mà họ gài ở đó – thực tế chính họ cũng không biết mình đã gài được bao nhiêu. Mọi người đến đó đều thay đổi chúng và bổ sung thêm các bãi mìn mới”, Thiếu tướng Andriy Kovalchuk, người được giao nhiệm vụ chỉ huy cuộc phản công Kherson, cho biết. “Chúng tôi không có cách nào để tiến quân được nhanh chóng.”

Để quyết định cách tiến hành chiến dịch, các chỉ huy Ukraine đã đến Đức vào tháng 7 năm ngoái để tham gia một phiên thảo luận chiến tranh với các đối tác Mỹ và Anh của họ.

Vào thời điểm đó, quân Ukraine đang xem xét một cuộc phản công rộng lớn hơn trên toàn bộ mặt trận phía nam, bao gồm cả một cuộc tấn công vào bờ biển ở khu vực Zaporizhzhia nhằm cắt đứt “cây cầu trên đất liền” mà Matxcơva đã dùng để nối lục địa Nga với Crimea, bán đảo mà đã bị sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014.

Trong một căn phòng đầy bản đồ và bảng tính, người Ukraine tiến hành “bài tập trên bàn” của riêng họ, mô tả thứ tự trận chiến – họ sẽ sử dụng đội hình nào, các đơn vị sẽ đi tới đâu và theo thứ tự nào – và phản ứng có thể xảy ra của quân Nga.

Các cao thủ quen thi đấu chiến trận của Mỹ và Anh đã chạy các mô phỏng của riêng họ bằng cách sử dụng các đầu vào giống nhau nhưng với phần mềm và phân tích khác nhau. Họ không thể tìm thấy chiến thắng.

Căn cứ vào số lượng binh sĩ Ukraine và kho dự trữ đạn dược sẵn có, các nhà lập kế hoạch kết luận rằng quân Ukraine sẽ cạn kiệt khả năng chiến đấu trước khi đạt được các mục tiêu của cuộc tấn công.

Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ, giống như những người khác trong bài báo này, đã trả lời phóng viên với điều kiện giấu tên để có thể thảo luận về kế hoạch quân sự nhạy cảm. “Và lời khuyên của chúng tôi là, ‘Này, các bạn Ukrane, các bạn đang cắn miếng thịt quá to và sẽ không nhai nổi. Vụ này sẽ không suôn sẻ đâu.’”

Ngoài nguy cơ cạn kiệt sức chiến đấu, một cuộc tấn công vào Zaporizhzhia có thể đẩy lực lượng Ukraine vào thế khó mà người Nga có thể bao vây quân Ukraine tại đó bằng quân tiếp viện được gửi theo hai trục, từ Crimea và Nga.

“Các chỉ huy của chúng tôi nghĩ rằng các tướng lĩnh Ukraine tỏ ra khá quyết tâm, rằng dù sao thì họ cũng sẽ làm vụ này – chỉ là có rất nhiều áp lực phải làm vụ này thật hoành tráng”, quan chức quốc phòng nói.

Nhà Trắng nhắc lại phân tích của quân đội Mỹ trong các cuộc đàm phán với văn phòng của Zelensky.

Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã nói chuyện với chánh văn phòng của tổng thống Ukraine, Andriy Yermak, về các kế hoạch cho một cuộc phản công quy mô lớn ở phía nam, theo những người quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Các tướng lĩnh Ukraine đã chấp nhận lời khuyên và đồng ý tiến hành một chiến dịch hẹp hơn, tập trung vào thành phố Kherson, nằm ở phía tây của sông Dnieper, tách biệt với lãnh thổ do Nga nắm giữ ở phía đông.

“Tôi đánh giá cao người Ukraine”, quan chức quốc phòng này nói. “Họ cho phép thực tế dẫn dắt họ đến một loạt mục tiêu có quy mô hạn chế hơn ở Kherson. Và họ đủ nhanh nhẹn để khai thác cơ hội tấn công ở phía bắc. Thế là làm được rất nhiều rồi.”

Kovalchuk bắt đầu chia đôi khu vực do Nga chiếm đóng ở phía tây của Dnepr và chuẩn bị gài bẫy quân Nga. Ông nói: “Nhiệm vụ của tôi không chỉ là giải phóng lãnh thổ. Nhiệm vụ của tôi ngay từ đầu là phong tỏa và tiêu diệt lực lượng Nga này. Tức là không để chúng rút đi hoặc còn tồn tại.”

Nếu không tiêu diệt được, mục tiêu là buộc cánh quân này phải chạy trốn. 25.000 quân Nga ở khu vực đó của Kherson, bị ngăn cách với đường tiếp tế của họ bằng một con sông rộng, đã được đặt vào một vị trí rất dễ bị tổn thương. Ông Kovalchuk cho biết nếu gây đủ áp lực quân sự lên cánh quân này, quân Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc rút lui.

Nga phải trang bị và cung cấp lương thực cho lực lượng của mình thông qua ba điểm giao cắt: Cầu đường bộ Antonovsky, cầu đường sắt Antonovsky và đập Nova Kakhovka, một phần của công trình thủy điện có đường bộ chạy trên đỉnh đập.

Hai cây cầu trên đã được Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 do Hoa Kỳ cung cấp – tên khác là HIMARS, có tầm bắn 50 dặm – tập trung bắn phá, và chỉ trong thời gian ngắn xe ô tô không thể đi qua hai cây cầu này.

Kovalchuk nói: “Có những lúc chúng tôi đã cắt đứt hoàn toàn các đường tiếp tế của họ, nhưng quân Nga vẫn cố gắng xây dựng các điểm giao cắt. Họ ra sức bổ sung đạn dược… Cuộc chiến tại đây là rất khó khăn.”

Kovalchuk xem xét việc tạo ra lũ lụt trên con sông Dniepr. Ông nói, quân Ukraine thậm chí đã tiến hành một cuộc tấn công thử nghiệm bằng bệ phóng HIMARS vào một trong những cửa xả lũ ở đập Nova Kakhovka, tạo ra ba lỗ dò trên cánh cửa đập để xem liệu nước của sông Dniepr có thể dâng lên đủ để cản trở các ngăn xe của quân Nga đi qua, nhưng không gây lũ lụt cho các làng mạc gần đó hay không.

Kovalchuk cho biết cuộc thử nghiệm đã thành công nhưng kế hoạch tạo lũ này chỉ là phương án cuối cùng. Ông rốt cuộc đã không dùng đến nó.

***

Khi bắt đầu cuộc tấn công Kherson, các lực lượng Ukraine đã tấn công xuyên qua tuyến phòng thủ tuyến đầu của Nga. Sau đó, họ gặp phải sự kháng cự quyết liệt.

Một đại đội trưởng 32 tuổi tên là Yurii thuộc Lữ đoàn thủy quân lục chiến số 35 của Ukraine đã lãnh đạo các trung đội của mình vào đầu tháng 9 băng qua một con sông nhỏ dưới làn đạn, và phải đối mặt với tuyến phòng thủ thứ hai được đào sẵn bên ngoài làng Bruskynske, cách thành phố Kherson khoảng 50 dặm về phía đông bắc. Người Nga đã ở khu vực này trong nhiều tháng, tạo nền cho các chiến hào bằng bê tông và giấu xe tăng trong các rãnh sâu trong lòng đất.

Tại đó, người của Yurii cảm nhận được toàn bộ sức mạnh của không quân Nga. Máy bay quân sự Nga đã thả bom FAB có sức nổ lớn xuống đơn vị của anh, vốn không có bất kỳ vũ khí nào để tự vệ hoặc nhắm bắn máy bay.

“Đây là loại vũ khí mà sẽ không để lại một cái gì”, Yurii nói. “Vụ nổ của bom đó, làn sóng xung kích đó – dù ở cách xa 200 mét, bạn sẽ cảm nhận được nó rất rõ ràng. Nó đẩy bạn ngã ngửa… Khi chúng tôi dính phải bom FAB trực tiếp, người của chúng tôi chết không còn lại một ai.”

Quân Ukraine trong khu vực đã cố gắng tiến về phía nam để chia đôi lãnh thổ do Nga chiếm đóng ở phía tây sông Dnieper và lọt vào tầm bắn của pháo binh tại đập Nova Kakhovka.

Tổn thất của Ukraine nhanh chóng tăng lên. Với số lượng xe bọc thép bị phá hủy hoặc ngừng hoạt động ngày càng tăng, các nhân viên y tế phải sử dụng xe bán tải để đưa những người lính bị thương, thường xuyên là do quân Nga bắn trúng. Sau đó, họ sử dụng một chiếc ô tô do Nga sản xuất để chuyển thương bệnh binh.

“Trong lần sơ tán tiếp theo đó, một người lính quân y chiến đấu của tôi bị dính mảnh đạn xuyên qua cửa sổ đâm thẳng vào xe”, Yurii nói. “Trong hai tuần đó, không còn một cửa sổ nào trong xe. Tất cả mọi thứ đã bị các mảnh đạn pháo xé nát. Nhưng các cuộc di chuyển thương bệnh binh vẫn diễn ra.”

Đến tháng 10, Ukraine đã bắt đầu ổn định tình hình và Yurii được cử đến ngôi làng Davydiv Brid gần đó. Ở đó, anh trèo lên một cấu trúc kim loại màu đỏ, vỡ òa trong hạnh phúc, và chụp lại trên máy ảnh để chứng minh rằng ngôi làng này đã được giải phóng.

Gió giật rất mạnh. “Chúng tôi long trọng treo một lá cờ quốc kỳ xanh-vàng của Ukraine trên đầu làng Davydiv Brid”, anh hét lên trong cơn gió mạnh. “Vinh quang cho Ukraine!”

***

Trở lại Kyiv, sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng.

Kovalchuk tiếp tục khẳng định việc quân Nga rút lui chỉ là vấn đề thời gian – lá cây sắp rụng, sông sẽ đóng băng vào mùa đông, quân Nga sẽ cạn kiệt nguồn cung cấp.

Nhưng đối với chính quyền Kyiv, Kovalchuk tỏ ra không tấn công đủ nhanh. Ông được thay thế bằng tướng Oleksandr Tarnavsky, phó tướng của Syrsky trong chiến dịch Kharkiv.

Một quan chức cấp cao của chính phủ Ukraine, người phát biểu với điều kiện giấu tên vì họ không được phép thảo luận công khai về vấn đề này, cho biết Kovalchuk “đã không hoàn thành công việc”.

Tuy nhiên, quan chức này cho biết, sự thay đổi này không được công bố công khai để không cho Nga bất kỳ chiến thắng tuyên truyền nào. Người Mỹ đã được thông báo về việc này.

Một quan chức quân sự cấp cao của Mỹ cho biết: “Tôi nghĩ rằng có những người có lẽ đã mất kiên nhẫn với chiến dịch tấn công ở miền nam. Khởi đầu chiến dịch là rất tốt và sau đó nó gần như đình trệ.”

Tarnavsky, vị chỉ huy mới, cho biết ông đã áp dụng một số nguyên tắc mà ông và Syrsky đã sử dụng ở Kharkiv, tấn công vào nơi mà người Nga ít ngờ tới nhất.

Tarnavsky nói rằng ông đã chỉ ra vùng lãnh thổ giữa Mykolaiv và Kherson – vùng đất nông nghiệp bằng phẳng với ít cây cối và kênh tưới tiêu bằng bê tông cản trở – là nơi thực hiện cuộc tấn công chính. “Theo tính toán”, Tarnavsky nói, “đây sẽ là vị trí tấn công mà kẻ thù không ngờ tới rằng chúng ta sẽ đánh vào.”

Trách nhiệm chiến đấu tại đoạn mặt trận khó khăn đó, phía tây bắc Kherson, thuộc về Đại tá Vadym Sukharevsky, chỉ huy Lữ đoàn bộ binh cơ giới 59.

Lính của Sukharevsky đã lao qua tiền tuyến của Nga, khắc phục tổn thất và chống lại sự kháng cự dữ dội của quân Nga để tiến lại đủ gần để có thể tấn công các điểm vượt sông vào Kherson bằng pháo binh. Hỏa lực pháo binh này cũng sẽ khiến các chuyến tiếp tế của Nga bằng sà lan gần như không thể thực hiện được. Quân Ukraine đã tiến sát gần bờ sông. “Đó thực sự là một cuộc chiến trên từng mét đất”, Sukharevsky nói.

Đối đầu với các đơn vị tấn công không quân tinh nhuệ của Nga, đội quân ít kinh nghiệm hơn của Sukharevsky buộc phải tham gia vào cái mà ông gọi là “nghệ thuật dân gian” trên chiến trường.

Họ đã sửa đổi pin trong máy bay không người lái DJI Mavic có sẵn để thiết bị này có thể bay xa hơn gấp bốn lần, lên đến 13 dặm. Họ đã thu được một chất phụ gia được sử dụng để tạo mùi cho khí tự nhiên và phóng mùi hôi thối này vào chiến hào của quân Nga. Họ tiếp nhận máy bay không người lái từ những người chuyên buôn lậu thuốc lá và biến chúng thành những thiết bị bay mang chất nổ tự sát.

Sukharevsky nói: “Quân đội của chúng tôi đã quen với việc chiến đấu bằng các phương tiện tùy cơ ứng biến.”

Một trong những chỉ huy trung đội của ông, Trung đội trưởng Yevhen Ignatenko, chủ sở hữu của một doanh nghiệp vận chuyển ngũ cốc lớn ở Kherson và là một chính trị gia trong khu vực này, đã giải thích cách tốt nhất để phá hủy các sà lan của chính doanh nghiệp của anh, mà quân Nga đã lấy đi để vận chuyển quân lính và hàng tiếp tế qua sông Dniepr.

Ignatenko đã tận dụng kiến thức địa phương tích lũy trong cả đời của mình – những con đường nhỏ ít ai đi, kênh rạch, trạm bơm – để tìm ra cách vượt qua địa hình khó khăn. Anh cũng thu thập thông tin về các hoạt động của quân Nga từ một mạng lưới những người quen nằm sau chiến tuyến của kẻ thù.

Sukharevsky cho biết vào đêm ngày 9 tháng 11, lữ đoàn của ông đã áp sát Zelenyi Hai, một ngôi làng đặt Kherson trong tầm bắn của pháo binh. Ông nói, người Ukraine bắt đầu chuẩn bị bắn pháo để hạn chế quân Nga qua sông. Nhưng quân Nga đã bắt đầu rút lui vài ngày trước đó.

Sukharevsky cho biết, ông tin rằng chiến thắng của Ukraine một phần là nhờ các hệ thống pháo binh, đạn dẫn đường và bệ phóng tên lửa tầm xa do phương Tây gửi đến, những thứ cuối cùng đã tiêu diệt quân Nga, vốn đã cạn kiệt đạn dược và đang phải vật lộn với các tuyến đường chở hàng tiếp tế.

Áp lực từ quân đội Ukraine buộc quân Nga phải rút lui, nhưng họ đã không thể tấn công hoặc tiêu diệt quân Nga đang chạy trốn. Các bãi mìn, trong một số trường hợp các quả mìn được đặt cách nhau một mét, xếp thành ba hàng hoặc gài thành các dải thưa trên đường, đã ngăn cản quân Ukraine có thể đuổi theo.

“Họ đã không hề nương tay”, Sukharevsky nói. “Họ đặt mìn theo đủ kiểu, kể cả theo những cách mới mà chúng tôi chưa từng biết đến.”

***

Khi Tổng thống Zelensky đến thăm Izyum vào giữa tháng 9, vài ngày sau cuộc tấn công vào Kharkiv của Ukraine, các quan chức đi cùng ông rất căng thẳng, mặc dù vị trí Zelensky đến vẫn còn cách chiến tuyến khoảng 12 dặm. Nhưng một chuyến viếng thăm thành phố Kherson, với các tay súng bắn tỉa Nga ở ngay bên kia sông, sẽ gây ra rủi ro lớn hơn nhiều.

Tuy nhiên, Zelensky đã không chùn bước.

Tarnavsky là người đã đứng bên cạnh Zelensky trên quảng trường trung tâm của Kherson. Tarnavsky nói: “Tôi rất ngạc nhiên trước những người mà tôi nhìn thấy. Trên tất cả khuôn mặt của họ chỉ có niềm vui.”

Và sau đó Zelensky kéo cờ Ukraine trên Kherson, một thành phố được giải phóng lần thứ hai trong hai tháng và mô tả thời điểm này là “thời điểm bắt đầu kết thúc cuộc chiến”.

Ignatenko, chính trị gia khu vực và ông trùm vận tải biển Kherson phục vụ trong Lữ đoàn 59, đã gửi một máy bay không người lái qua sông và tìm thấy một trong những chiếc sà lan của anh bị chìm một nửa gần Cầu Antonovsky, và những chiếc sà lan còn lại đã mất tích.

“Chúng tôi sẽ tìm thấy chúng”, Ignatenko nói. “Và nếu chúng tôi không tìm thấy chúng, chúng tôi sẽ làm ra vài cái mới. Không sao đâu. Ít nhất Ukraine của chúng tôi sẽ là một đất nước tự do.”

Chuyện kể về cuộc phản công Kharkiv của Uk, mà đã khiến Putin choáng váng và định hình lại cuộc chiến (Phần 2)

 

Chuyện kể về cuộc phản công Kharkiv của Ukraine, mà đã khiến Putin choáng váng và định hình lại cuộc chiến (Phần 2)

Washington Post

Cù Tuấn, dịch

29-12-2022

Tiếp theo Phần 1

Vào ngày 6 tháng 9, vào lúc hơn 3:30 sáng, đại đội của Oleh gồm khoảng 100 binh sĩ, thuộc Lữ đoàn tấn công đường không số 25, bắt đầu tiến công theo từng nhóm nhỏ gồm ba xe chiến đấu bộ binh mỗi nhóm. Trong nhiều giờ trước khi họ bắt đầu di chuyển, các pháo binh Ukraine đã tấn công các vị trí phòng thủ của Nga bằng hệ thống tên lửa phóng loạt M270 do Mỹ sản xuất.

Các chốt chỉ huy. Kho đạn dược. Kho lưu trữ nhiên liệu. Pháo bắn không ngừng. Trên khắp mặt trận, các quan chức quân sự Ukraine sau đó cho biết, binh lính Nga hoặc lực lượng quân ly khai của họ đã phải vật lộn để nhận lệnh hoặc phối hợp với các lực lượng gần đó khi tên lửa Ukrane trút xuống. Một số đơn vị quân Nga bắt đầu rút lui.

“Chúng tôi đã phá nát chiến tuyến, và kẻ thù bắt đầu hoảng loạn,” Oleh nói, nói với điều kiện không nêu họ của anh vì người thân của anh đang sống trong lãnh thổ do Nga chiếm đóng. “Họ hoảng loạn vì chúng tôi tấn công tất cả các vị trí tiền tuyến cùng một lúc – bản thân toàn bộ tiền tuyến là rất dài – và ở đâu cũng có pháo kích”.

Vào cuối ngày đầu tiên đó, đại đội của Oleh đã tiến được khoảng 11 dặm (17km) mà không gặp chút kháng cự nào, đến rìa Volokhiv Yar, một thị trấn đẹp như tranh vẽ nằm trong một khe núi. Chiếm được ngã ba quan trọng này sẽ cho phép quân Ukraine chặn được hai đường cao tốc chính dẫn vào Izyum và Balakliya.

Sáng hôm đó, Evhenii Andrushenko thức dậy với bốn chiếc xe tăng Nga đậu trước nhà ông ở Volokhiv Yar. Ông nói rằng những người lính đang ngồi trên một tháp pháo bên cạnh hàng rào nhà ông. “Họ đang ngồi đó uống bia”, Andrushenko nói. “Và bàn luận nên bỏ chạy về địa điểm nào.”

Oleh và đại đội của anh đã tiến vào thị trấn này sau đó. Họ đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên của mình. Và họ nhanh chóng tiếp tục chạy tiếp về phía đông nam trong vài ngày liên tục, với hầu như không có kháng cự, khi họ tấn công vào những khoảng trống bị quân đội Nga bỏ mặc.

Theo kế hoạch chiến đấu ban đầu, vào ngày thứ 7, đại đội này sẽ chiếm một vị trí trên sườn núi phía bắc Izyum, cách điểm xuất phát của cuộc tấn công khoảng 40 dặm. Nhưng ngày hôm trước, Oleh được triệu tập cùng với các chỉ huy đại đội khác đến một cuộc họp. “Một nửa số đơn vị quân Nga ở Izyum, thậm chí có thể là phần lớn quân Nga, đơn giản là đang cắm cổ chạy”, chỉ huy tiểu đoàn của họ cho biết. “Vì vậy, chúng ta sẽ tiến thẳng vào Izyum.”

Đại đội của Oleh đã đi trước và tiến vào trạm kiểm soát đầu tiên của Nga bên trong thành phố này. Trong vòng vài phút, một chiếc xe ô tô Zhiguli hình hộp chật ních quân lính có gắn cờ và sơn chữ “Z” – biểu tượng của những kẻ xâm lược – đang lao trên đường về phía họ.

Nếu chiếc xe này đang cố chạy trốn, thì nó đã đi sai hướng.

“Đi lối này nhé, em yêu”, Oleh nói.

Một người lính nâng khẩu tên lửa phóng lựu lên, ngắm bắn và chiếc xe nổ tung.

“Kẻ thù đã bị tiêu diệt”, anh nói.

Ở phía xa, quân Ukraine có thể nhìn thấy các đoàn xe khác của Nga đang đi đúng hướng – chạy ra khỏi thành phố theo hướng ngược lại với họ.

Syrsky nói: “Chúng tôi kỳ vọng rằng chúng tôi sẽ hoàn thành tất cả các nhiệm vụ của chiến dịch. Nhưng chúng tôi không ngờ tới việc quân Nga sẽ sụp đổ hàng loạt theo kiểu domino thế này.”

Khi đại đội của Oleh tiến vào trung tâm Izyum, mà không phải chịu một tổn thất nào, quân Ukraine đã chết lặng trước những gì trước mắt họ: Những chiếc xe tăng Nga đang hoạt động tốt, sẵn sàng xuất kích. Những khẩu pháo bị bỏ rơi, sẵn sàng khai hỏa. Xe chở nhiên liệu “đầy đến tận ngọn”. Hàng tấn đạn dược và vũ khí hạng nhẹ.

Quân đội Nga đã có mọi thứ họ cần để có thể phòng thủ nghiêm túc, Oleh nghĩ, ngoại trừ ý chí chiến đấu và rõ ràng là không có đủ quân số. Ngay cả các đơn vị tinh nhuệ nhất của Nga còn lại trong khu vực cũng bỏ chạy, sau khi nhận ra rằng Matxcơva sẽ không gửi quân tiếp viện.

Anton Chornyi, trung sĩ trưởng 36 tuổi trong đại đội này cho biết: “Khi chúng tôi bước vào Izyum, một cảm giác nào đó trỗi dậy, giống như hương vị của chiến thắng. Dường như mọi người đều tận hưởng sự khởi đầu của việc kết thúc chiến tranh.”

Oleh kích hoạt internet vệ tinh Starlink của mình và thực hiện một cuộc gọi điện. Cách nơi anh đứng khoảng 75 dặm về phía đông, cha mẹ anh đang sống dưới sự chiếm đóng tại thành phố Starobilsk thuộc vùng Luhansk.

“Chúng mày định làm cái quái gì ở chỗ đó vậy?” cha Oleh hỏi. Ông nói rằng, các lực lượng Nga ở Starobilsk vừa rút chạy và các chiến binh ly khai hiện đang kiểm soát các chốt ra vào thành phố.

Oleh nói với cha rằng họ đã chiếm được Izyum và đuổi quân Nga ra khỏi hàng trăm dặm vuông lãnh thổ chỉ trong vài ngày.

“Tốt lắm! Tốt lắm!” cha Oleh nói.

“Đừng lo”, Oleh nói. “Chúng con sẽ sớm tấn công đến Starobilsk.”

Oleh không hoàn toàn đùa giỡn. Có vẻ như anh sẽ sớm được về nhà gặp gia đình.

***

Đòn tấn công bất ngờ ở khu vực Kharkiv đã làm rung chuyển Moscow.

Việc Tổng thống Putin từ chối không tổng động viên trên toàn nước Nga, vì ông không chấp nhận rủi ro về mặt chính trị trong nhiều tháng đã dẫn đến những hậu quả tai hại.

Không còn lựa chọn nào khác, Putin phải tuyên bố điều mà ông gọi là “tổng động viên từng phần” để lấy tới 300.000 tân binh, bước leo thang lớn nhất và rủi ro nhất của ông kể từ khi bắt đầu cuộc chiến. Hàng trăm nghìn đàn ông Nga đã chạy trốn khỏi đất nước một cách ồ ạt.

Trong một bài phát biểu, ông Putin mô tả việc tổng động viên là một bước đi cần thiết để chống lại các quốc gia phương Tây muốn tiêu diệt Nga. Putin cũng gợi ý rằng ông có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.

“Đây không phải là một trò bịp đâu”, ông Putin nói.

Putin đã đẩy nhanh các kế hoạch thôn tính của mình, tuyên bố các khu vực Donetsk, Luhansk, Zaporizhzhia và Kherson của Ukraine là một phần của Nga mặc dù Nga không có toàn quyền kiểm soát đối với các vùng này.

“Tôi muốn chính quyền Kiev và những ông chủ thực sự của họ ở phương Tây hãy lắng nghe tôi, để họ ghi nhớ điều này,” Putin nói trong một bài phát biểu. “Những người sống ở Luhansk và Donetsk, Kherson và Zaporizhzhia đang trở thành công dân của chúng tôi. Mãi mãi.”

Vào ngày 8 tháng 10, Putin cũng chỉ định tướng Sergei Surovikin là chỉ huy duy nhất đầu tiên lãnh đạo cuộc chiến của Nga trên toàn bộ các mặt trận.

Với một đường dây trực tiếp nối đến Surovikin, Putin bắt đầu có được một góc nhìn rõ ràng hơn về các vấn đề trên chiến trường, theo hai nguồn tin quen thuộc với vấn đề này. Họ nói rằng trước đây Putin đã được các quan chức quốc phòng hàng đầu của mình che mắt với các đánh giá quá lạc quan.

Nguy cơ Putin mất kết nối với thực tế chiến trường là quá rõ ràng. Zelensky đã mạo hiểm thực hiện một chuyến đi để đứng ở quảng trường trung tâm của Izyum.

***

Sau thành công của đại đội, những người lính của Oleh đã ở lại khoảng một tuần ở Izyum vào giữa tháng 9, tận hưởng ý nghĩ rằng chiến tranh đã gần kết thúc. Sau đó, họ tiếp tục tiến về phía đông nam, băng qua khu vực Donetsk theo lệnh chỉ huy để chiếm lại thành phố Lyman.

Thực tế tàn khốc đã xuất hiện trên đường đi.

Trong một hàng cây gần làng Korovii Yar, đại đội của Oleh bị ba xe tăng Nga bắn. Theo một trung đội trưởng, năm người lính của đại đội Oleh đã thiệt mạng. Mười hai người bị thương, trong đó có một chỉ huy trung đội đã đứng ra chỉ huy anh em trong trung đội của mình trong bốn giờ sau khi mảnh đạn pháo đã phá nát quai hàm của anh ta. Quân Ukraine cuối cùng đã chiếm được ngôi làng này, Oleh nói, nhưng cuộc đua để tiến lên phía trước đã bị đình trệ vì một thứ gì đó khó khăn hơn và chậm hơn.

Tiến quân theo hướng Lyman tỏ ra rất khó khăn.

Oleh chỉ mới 13 tuổi vào năm 2014 khi chiến tranh xảy đến với vùng Luhansk quê hương anh. Điện Kremlin đã châm ngòi cho một cuộc xung đột ly khai, buộc Kiev phải chiến đấu để giành vùng lãnh thổ này, vốn chủ yếu nói tiếng Nga và ở phía đông Ukrane. Nhưng ngay cả trong một khu vực mà trong lịch sử có sự đồng cảm với nước Nga, chàng trai trẻ Oleh luôn chắc chắn về lập trường của mình.

“Tôi không đi theo bầy đàn, và tôi không có ai chăn dắt”, anh nói. “Tôi sinh ra và lớn lên ở một đất nước độc lập. Tôi có ý kiến ​​riêng của mình, mà ở Ukraine này, tôi có quyền sống và tồn tại. Tôi không biết ở Nga thì thế nào.”

Sau khi học xong lớp 9, Oleh đến một trường quân sự địa phương, sau đó đăng ký vào Học viện quân sự Odessa trong khoa lực lượng tấn công trên không. Ba năm rưỡi sau, chỉ còn nửa năm nữa là anh sẽ tốt nghiệp, chiến tranh nổ ra. Các sinh viên được đưa thẳng ra mặt trận. Oleh cuối cùng trở lại miền đông Ukraine, đầu tiên với tư cách là chỉ huy trung đội và sau đó là chỉ huy đại đội, lãnh đạo những người lính có khi còn lớn hơn anh nhiều tuổi.

Sau Korovii Yar, đại đội của Oleh tiến xa hơn về phía nam, chiếm một vị trí bên ngoài Lyman. Người Nga trong thành phố này gần như bị bao vây, nhưng không giống như đồng bào của họ ở Izyum, họ đã chiến đấu chống lại quân Ukraine.

Oleh nói: “Có quá nhiều hỏa lực pháo binh của kẻ thù – mọi thứ họ có, tất cả pháo binh họ có, xe tăng, mọi thứ, đang trút xuống chúng tôi, vào chúng tôi, vào chúng tôi. Con đường duy nhất ra khỏi Lyman dành cho người Nga là một con đường không có cây cối gì che phủ. Cuối cùng, vào một đêm nọ, đại đội Ukraine nghe thấy tiếng ầm ầm của một đoàn xe lớn và pháo binh bắn ồ ạt, chặn hết lối thoát của quân Nga từ con đường này.

Lyman cuối cùng cũng đã thất thủ.

Trong những ngày kể từ đó, đại đội của Oleh đã tiến được 17 dặm về phía đông, vừa vặn chớm qua biên giới của vùng Luhansk, nơi Nga đang triển khai tân binh bằng xe tải đưa lên tiền tuyến, cách quê hương của anh 36 dặm.

“Vẫn còn một chặng đường dài để có thể đến thành phố của tôi”, Oleh nói. “Nhưng mỗi ngày gia đình chúng tôi lại gần nhau hơn. Tôi không thể đợi được nữa.”

Chuyện kể về cuộc phản công Kharkiv của Uk, mà đã khiến Putin choáng váng và định hình lại cuộc chiến (Phần 1)

 

Chuyện kể về cuộc phản công Kharkiv của Ukraine, mà đã khiến Putin choáng váng và định hình lại cuộc chiến (Phần 1)

Washington Post

Cù Tuấn, dịch

29-12-2022

KHARKIV, Ukraine – Sau nhiều tuần chiến đấu để tranh giành lãnh thổ trên mặt trận đẫm máu nhất của cuộc chiến, Oleh, một đại đội trưởng 21 tuổi người Ukraine, bất ngờ được triệu tập vào tháng 8 năm ngoái, cùng với hàng ngàn binh sĩ khác, đến một điểm hẹn ít người biết đến trên chiến trường tại vùng Kharkiv.

Ở vị trí tác chiến cuối cùng của Oleh, hỏa lực pháo binh không ngừng của Nga đã nã xuống khắp nơi ngay cạnh anh ta. Nhưng ở đây, trong một vùng làng mạc, đất nông nghiệp và nhiều sông suối ở phía đông bắc Ukraine, sự yên tĩnh thật đáng sợ. “Sự im lặng làm tôi khó chịu nhất”, Oleh nói. “Có vẻ như mọi sự đã ngừng hoạt động. Làm sao có thể như vậy được?”

Đáng lo ngại hơn nữa là mệnh lệnh mà cấp trên của Oleh đã truyền lại: phải tấn công xa tới 40 dặm vào lãnh thổ của kẻ thù với tốc độ cao trong một cuộc phản công táo bạo, tuyệt mật – trực tiếp đánh thẳng vào vùng giữa thành trì Izyum do Nga chiếm đóng và vùng Belgorod của Nga với các căn cứ quân đội rải rác. “Nghe có vẻ phi lý thế nào ý. Một kiểu chiến dịch rất đáng ngại”, Oleh nói.

Nhưng sau một mùa hè với thương vong nặng nề của Nga và việc Tổng thống Vladimir Putin từ chối tăng viện, quân đội của Điện Kremlin đã suy kiệt nghiêm trọng. Việc chuyển các đơn vị về phía nam – để bảo vệ thủ phủ khu vực Kherson đã chiếm được trong bối cảnh có tin đồn về một cuộc tấn công lớn của Ukraine ở đó – đã khiến khu vực Kharkiv bị hở sườn.

Đó là một lỗ hổng đáng kinh ngạc, được các đội trinh sát Ukraine và máy bay không người lái nhỏ xác nhận. Và Kyiv sẽ khai thác nó để thay đổi động lực của cuộc chiến và đạt được mục tiêu của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky: vẽ lại bản đồ chiến trường trước mùa đông.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2, quân đội Ukraine, dù có số lượng ít hơn và được trang bị kém hơn, đã buộc quân Nga phải rút lui khỏi Kyiv, kết thúc giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Bị cản trở trong việc chinh phục thành phố thủ đô, Nga tập trung hỏa lực ở phía nam và phía đông, nã pháo dồn dập vào quân Ukraine cho đến khi các vũ khí mới, tầm xa hơn đến từ Mỹ và Châu Âu đã giúp ngăn chặn bước tiến của quân Nga. Ukraine đã sống sót nhưng sau nửa năm chiến tranh, một phần tư lãnh thổ của họ vẫn bị chiếm đóng và quân đội của nước này đã không thể hiện được rằng họ có thể tiến hành một cuộc tấn công để chiếm lại những vùng đất quan trọng.

Đã đến lúc cần có những thay đổi.

Vào đầu tháng 9, quân Ukraine đã xua quân tràn lên trên một diện tích hàng trăm dặm vuông, đè bẹp quân Nga và khiến chính họ cũng phải bất ngờ. Cuộc tấn công Kharkiv đã bộc lộ sự bất lực của một đội quân thiếu binh sĩ và thiếu trang bị của Nga mà phải chiếm giữ lãnh thổ trên một mặt trận rộng lớn. Thất bại này đã gây sốc cho Điện Kremlin, và nó đã chứng minh cho những người ủng hộ Ukraine thấy rằng họ không lãng phí hàng tỷ đô la vũ khí và viện trợ kinh tế.

Tổng thống Nga Putin đã buộc phải tổng động viên hàng trăm nghìn người, khiến người dân Nga phải trả giá đắt cho cuộc chiến, dù cho trước đây họ đã không bị liên quan đến “chiến dịch quân sự đặc biệt” của nhà lãnh đạo. Việc huy động tân binh đã gây ra tình trạng bất ổn nhưng đã quá muộn để ngăn chặn đà tiến quân của Ukraine lan rộng về phía nam đến Kherson. Sau những trận chiến cam go và tổn thất đáng kể, quân của Kyiv vào tháng 11 đã chiếm lại Kherson, thủ phủ khu vực duy nhất mà Putin đã chiếm giữ kể từ khi bắt đầu chiến tranh.

Việc dựng lại chi tiết của các cuộc phản công ở Kharkiv và Kherson này dựa trên các cuộc phỏng vấn với hơn 35 người, bao gồm các chỉ huy Ukraine, các quan chức ở Kyiv và các binh sĩ chiến đấu, cũng như các quan chức chính trị và quân sự cấp cao của Mỹ và Châu Âu.

Điểm nổi bật là các tình tiết của việc tăng cường hợp tác với các cường quốc NATO, đặc biệt là Mỹ, đã cho phép các lực lượng Ukraine – được hỗ trợ bởi vũ khí, thông tin tình báo và lời khuyên – giành thế chủ động trên chiến trường, vạch trần những tuyên bố thôn tính Ukraine của Putin như là một điều viển vông, và xây dựng niềm tin ở trong nước và bên ngoài Ukraine, rằng Nga có thể bị đánh bại.

Thượng tướng Oleksandr Syrsky, người chỉ huy cuộc tấn công Kharkiv cho biết: “Mối quan hệ của chúng tôi với tất cả các quốc gia ủng hộ đã thay đổi ngay lập tức. Họ thấy rằng chúng tôi có thể có được chiến thắng — và tiền tài trợ mà họ cung cấp cho chúng tôi đang được sử dụng có hiệu quả.”

Trong những ngày cuối tháng 8, Srsky gặp gỡ các phụ tá hàng đầu và các chỉ huy lữ đoàn chủ chốt của Ukraine trong một phòng tác chiến lớn ở miền đông Ukraine. Trước mặt họ là một bản đồ địa hình in 3D rộng 520 foot vuông của khu vực Kharkiv do Nga chiếm đóng.

Mỗi chỉ huy được phân công một con đường tấn công theo kế hoạch của đơn vị mình được vạch ra giữa các sa bàn với thành phố, đồi và sông. Họ đang mô phỏng việc thực hiện nhiệm vụ của mình và thảo luận với nhau về phối hợp tác chiến, các tình huống dự phòng và tình huống xấu nhất. Các sĩ quan đã sử dụng đèn laser để làm nổi bật các điểm cần tranh luận.

“Đó là một công việc khó khăn”, Syrsky nói.

Kể từ ít nhất là vào mùa xuân, Syrsky đã coi khu vực Kharkiv và các thành phố chiến lược Balakliya và Izyum là những điểm dễ bị tấn công đối với quân Nga.

Syrsky bắt đầu nghĩ về cách tiến hành một cuộc tấn công bằng cách tiến sâu vào lãnh thổ do Nga nắm giữ từ một địa điểm bất ngờ ở phía bắc của hai thành phố, cắt đứt quân Nga khỏi lực lượng quân dự bị ở biên giới gần đó và đặt cả Balakliya và Izyum vào nguy cơ bị bao vây.

Vị trí địa lý và vị trí của quân Nga đã thuyết phục ông rằng điều đó có thể được hoàn thành chỉ bằng một đòn đánh nhanh chóng – lý tưởng là nhanh đến mức Nga sẽ không thể tập hợp quân lại một cách kịp thời.

Khi Bộ Tổng tham mưu Ukraine ra lệnh vào mùa hè năm ngoái yêu cầu các chỉ huy nghĩ ra các chiến dịch nghi binh khả thi để kéo quân Nga ra khỏi tuyến phòng thủ Kherson, Syrsky biết rằng ông có thể đề xuất một kế hoạch khác hẳn.

“Kẻ thù… nghĩ rằng, bởi vì có quá nhiều quân tạp trung ở Izyum và nhiều quân hơn nữa đang đóng trên biên giới Nga ở vùng Belgorod, ‘thì chỉ có thằng điên mới đưa quân vào và cố gắng tấn công ngay vào vị trí ở giữa hai thành phố đó và chia cắt cả hai”, Syrsky nói. “Nhưng đã có ý nghĩ về việc tấn công như vậy.”

Trong giai đoạn đầu của cuộc chiến, Nga đã biến Izyum thành một thành trì quân sự, coi thành phố này là căn cứ cho các đợt chuyển quân gọng kìm bao vây các lực lượng Ukraine ở phía đông. Theo Syrsky, ở giai đoạn chuẩn bị đỉnh điểm, Nga đã tập hợp 24 nhóm chiến thuật cấp tiểu đoàn – khoảng 18.000 quân – tại Izyum và các thị trấn xung quanh, cùng với các kho dự trữ vũ khí và đạn dược.

Đến tháng 8, nhờ các tin tức tình báo chi tiết được Mỹ cung cấp, Syrsky nhận ra rằng số tiểu đoàn lính Nga tại Izyum đã chỉ còn một nửa, khi Nga chuyển hàng loạt các đơn vị thiện chiến nhất của họ tới Kherson.

Syrsky nói: “Trong lịch sử các cuộc chiến tranh, đã có nhiều trường hợp một cuộc tấn công vào chỗ nghi binh – tức là mặt trận phụ – chuyển thành nơi tấn công chính. Triển vọng như vậy là có, bởi vì… kẻ thù hoàn toàn không ngờ rằng chúng tôi sẽ tấn công vào đúng nơi chúng tôi coi là mặt trận chính.”

Syrsky tính toán rằng Ukraine không thể gánh chịu những tổn thất có thể xảy ra khi tấn công trực diện vào các thị trấn và thành phố. Thay vào đó, ông lên kế hoạch cho quân Ukraine chạy rất nhanh đi sâu vào hậu cứ đối phương, bao vây các trung tâm dân cư và buộc kẻ thù phải rút lui.

Tốc độ là điều cần thiết. Nếu Nga kịp thời chuyển các lực lượng dự bị từ bên kia biên giới sang, một lượng lớn binh lính Ukraine có thể bị cắt đứt lối về, và bị kẹt lại sau chiến tuyến của kẻ thù.

Syrsky nói: “Mọi thứ phụ thuộc vào ngày đầu tiên – liệu chúng tôi có thể vượt qua một chặng đường dài bao nhiêu. “Chúng tôi càng đi được xa, Nga càng ít cơ hội phản công, các đơn vị của họ càng bị cắt rời và trở nên cô lập dưới áp lực tâm lý.”

Đến tháng 8, người Ukraine gần như đã hết đạn thời Liên Xô được sử dụng cho hầu hết pháo binh của họ. Các đồng minh phương Tây đang ra sức gửi đến các hệ thống pháo và đạn dược tiêu chuẩn của NATO – nhưng thế vẫn chưa đủ.

Trong một quyết định mạo hiểm, Ukraine đã rút một số hệ thống vũ khí có giá trị nhất của phương Tây ra khỏi các điểm nóng hơn ở mặt trận phía đông. Các chỉ huy cho biết mỗi lữ đoàn tấn công được trang bị ít nhất 8 khẩu lựu pháo M777. Trong một số trường hợp, những chiếc M777 đến các trại tập trung quân vào đêm trước khi cuộc tấn công bắt đầu. Các máy bay không người lái bổ sung cũng được đưa vào để đảm bảo rằng các lữ đoàn pháo này có thể xác định chính xác mục tiêu và có thể sử dụng ít đạn dược hơn.

Thiếu tướng Andriy Malinovsky, người đứng đầu lực lượng huấn luyện tên lửa và pháo binh của quân đội Ukraine, vẫn cho rằng lực lượng pháo binh này có thể cần tới hơn 100.000 quả đạn. Quân Ukraine chỉ có hàng chục nghìn quả đạn pháo – không đủ cho một chiến dịch dài ngày. (Cuối cùng, Malinovsky nói, họ đã bắn hết khoảng 32.500 quả đạn trong thời gian 5 ngày).

Tình báo Mỹ đã giúp phân phối hợp lý đạn dược thông qua việc nhắm mục tiêu chính xác. Sau nhiều tháng, theo các quan chức Mỹ và Ukraine, hai đối tác đã vạch ra một chế độ quản lý theo thời gian thực: Quân Ukraine sẽ phác thảo ra danh sách các loại các mục tiêu có giá trị cao mà họ đang tìm kiếm trong một khu vực nhất định, và Mỹ sẽ sử dụng các thiết bị tình báo không gian rộng lớn của mình để cung cấp cho Ukraine các vị trí chính xác của các mục tiêu này.

Tuy nhiên, người Mỹ không tham gia sâu vào việc lên kế hoạch cho cuộc tấn công Kharkiv và biết về nó tương đối muộn, theo các quan chức Mỹ và Ukraine.

Bất chấp những nỗ lực giữ bí mật, quân Nga cuối cùng nhận ra rằng quân Ukraine đang âm mưu điều gì đó.

Syrsky nói, nhờ bộ máy quan liêu của Nga, thông tin trên “không đến được với bất kỳ ai hoặc nó không được coi là đủ quan trọng.”

Tại Lầu Năm Góc, các quan chức Mỹ cho rằng giới lãnh đạo Nga đã không nhận ra hết những lỗ hổng trên mặt trận Kharkiv vì các chỉ huy chiến trường đã nói dối cấp trên. Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, một giả thuyết khác là Nga đã nhìn thấy một cuộc tấn công dữ dội sắp xảy ra nhưng không có đủ quân số để ngăn chặn nó.

Quân Ukraine di chuyển cầu phao theo vòng tròn, hy vọng đánh lừa quân Nga về một cuộc tấn công trực tiếp vào Izyum, chứ không phải là một cuộc xâm nhập sâu vào lãnh thổ cách đó khoảng 30 dặm về phía tây bắc.

Vào giữa tháng 8, Syrsky tự tin rằng kế hoạch sẽ thành công – nhưng ông cần phải thuyết phục Zelensky. Syrsky mô tả cho Zelensky thấy nhiệm vụ này là một cơ hội để giải phóng một vùng lãnh thổ rộng lớn với nguồn lực và tổn thất tối thiểu.

Zelensky, vốn luôn khao khát một chiến thắng lớn trên chiến trường, đã phê duyệt cuộc tấn công này.

(Còn nữa)

Bạn có thể yêu Putin hay nước Nga – không thể cả hai

 

Bạn có thể yêu Putin hay nước Nga – không thể cả hai

FAZ

Tác giả: Michael Martens từ Belgrade 

 Vũ Ngọc Chi chuyển ngữ

26-12-2022

140.000 người Nga đã bỏ nước đến Serbia kể từ tháng Hai. Dòng người này đã đặc biệt thay đổi Belgrade nói riêng – cũng như hình ảnh kỳ quặc về nước Nga mà nhiều người Serb có trong cuộc sống hàng ngày.

Trong vài tháng qua, Belgrade đã thay đổi với tốc độ có lẽ chưa từng có trong lịch sử lâu đời của nó, ít nhất là kể từ khi nhà cầm quyền bạo lực Slobodan Milosevic (1) bị lật đổ 22 năm trước. Lý do cho điều này là cuộc chiến ở Ukraine. Chính xác hơn, lý do là một số lượng lớn người từ Nga đã định cư tại thủ đô của Serbia kể từ cuộc xâm lược Ukraine gần đây của Nga.

Họ đến qua hai làn sóng. Làn sóng đầu tiên đến Belgrade ngay sau ngày 24 tháng 2, khi cuộc xâm lược mới nhất của Nga vào Ukraine bắt đầu. Nó bao gồm chủ yếu là những người Nga kiên quyết chống đối, những người không thể hoặc không muốn hòa giải lương tâm của họ với việc tiếp tục sống ở đất nước của những kẻ tội phạm.

Những người khác chủ yếu đến vì lý do kinh doanh, vì họ không muốn mất khả năng tiếp cận thị trường và các ngân hàng có mạng lưới quốc tế. Lợi ích thực dụng và ác cảm đạo đức đối với chế độ Nga thường được kết hợp với nhau. Họ phải duy trì hoạt động của công ty và không muốn con trai mình phải lớn lên trong xã hội phát xít mà Putin đã tạo ra ở Nga, một cặp vợ chồng thành công trong lĩnh vực CNTT cho biết. Hầu hết người Nga ở Belgrade không lo lắng về tài chính sống còn. Một số người Serb giờ đây phải lo lắng như vậy, vì dưới ảnh hưởng của nhiều người Nga nhập cư, giá thuê nhà ở Belgrade đã tăng lên gấp bội, ít nhất là ở những vị trí trung bình và tốt hơn.

Làn sóng nhập cư của người Nga thứ hai bắt đầu sau khi Putin tuyên bố động viên vào ngày 21 tháng 9. Nó hiện vẫn chưa giảm đi, mà trái lại còn gia tăng. Số lượng công dân Nga đăng ký tại Serbia đang tăng lên mỗi ngày. Theo Bộ Nội vụ Serbia, hơn 140.000 công dân Nga đã đăng ký thường trú tại Serbia chỉ riêng từ tháng 2 đến tháng 10, hầu hết mọi người trong số đó định cư ở Belgrade. Theo số liệu của Bộ Nội vụ, cũng có gần 23.000 người Ukraine và khoảng 5.500 người Belarus, hầu hết đều nói tiếng Nga. Tuy nhiên, gần 170.000 người này – hiện tại có thể nhiều hơn – không phân bố đều trên toàn thành phố và các vùng phụ cận với khoảng hai triệu dân. Họ chủ yếu ở trung tâm và những khu vực tốt hơn.

Đóng góp hào phóng, nhưng ẩn danh

Ví dụ, ở khu phố Vračar, gần Nhà thờ St. Sava, không thể không nghe thấy sự hiện diện của họ. Trong các cửa hàng, quán cà phê, trên đường phố, tiếng Nga được sử dụng ở khắp mọi nơi. “Một nửa số khách hàng là người Nga”, theo ước tính của một nhân viên thu ngân tại một siêu thị trên đường Ranke, nơi có thể dễ dàng được đặt tên Lenin hoặc Tolstoy thay vì nhà sử học Đức, tiếng Nga được nghe thấy rất nhiều ở đây. Nó đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của Belgrade và người Nga là dân tộc thiểu số lớn nhất của thành phố.

Một hình vẽ từ truyện tranh của Gleb Puschew. Nguồn: Michael Martens

Việc Air Serbia tiếp tục thực hiện nhiều chuyến bay hàng ngày đến Moscow và nhiều chuyến bay hàng tuần đến Saint Petersburg, Kazan và Sochi đang góp phần vào sự phát triển của cộng đồng người Nga hải ngoại ở đây. Nói chung, tương đối dễ dàng để đến Serbia từ Nga. Tuy nhiên, các chuyến bay thường được đầy chỗ từ lâu.

Làn sóng thứ hai, bắt đầu sau lệnh động viên của Putin, được coi là ít mang tính chính trị hơn. Trong số họ có một số người Nga có lẽ ít chống Putin hơn là phản đối tác động của các chính sách của ông đối với cuộc sống của họ. Trong mọi trường hợp, họ không có ý định hy sinh mạng sống của mình trên chiến trường cho Putin.

Đôi khi có sự thù địch giữa những người di cư của làn sóng thứ nhất và thứ hai ở Belgrade. Những người Nga hoạt động chính trị của làn sóng đầu tiên cảm thấy phiền lòng trước chủ nghĩa cơ hội được cho là của đồng bào họ, những người ít hoặc hoàn toàn không phản đối rõ ràng. Nhưng chủ nghĩa cơ hội không phải lúc nào cũng là lý do cho sự dè dặt. Một nhà tổ chức của cộng đồng người Nga hải ngoại tường thuật rằng, một số người Nga đã hào phóng quyên góp cho các cuộc biểu tình của phe đối lập chống Putin nhưng cẩn thận không xuất hiện công khai vì họ vẫn còn người thân hoặc lợi ích kinh doanh ở Nga.

Vì cơ quan mật vụ của Serbia gần đây do Aleksandar Vulin đứng đầu, một chính trị gia rõ ràng thân Nga và là người ủng hộ trung thành của Tổng thống Aleksandar Vučić, nên sự thận trọng của họ là điều dễ hiểu. Họ không muốn bộc lộ quan điểm ở một đất nước mà người dân đã mở rộng vòng tay chào đón họ nhưng chính sách chính trị của họ thì chập chờn. Nhiều người Nga đã hiểu đủ tiếng Serbia để nắm bắt được những khẩu hiệu công khai ủng hộ Putin cũng như những giọng điệu ủng hộ Điện Kremlin liên tục trên các phương tiện truyền thông thân chính phủ của Serbia.

Truyện tranh để giảng giải

Mặc dù tác động lâu dài của dòng người Nga đến Serbia vẫn chưa được nhìn thấy, nhưng rõ ràng là nó có tác động. Một bức chân dung của nhà thơ quốc gia Ukraine Lesya Ukrainka đã được trưng bày tại trung tâm thành phố Belgrade vào ngày 15 tháng 12. Đó là một tác phẩm graffiti lớn hơn ngoài đời thực, được thực hiện bởi Anja Gladischev và Gleb Pushev, một cặp nghệ sĩ kết hôn từ Saint Petersburg, đến Belgrade trong làn sóng đầu tiên.

Vì những kẻ côn đồ người Serbia (hay những kẻ phát xít, như Gladishev nói) đã vẽ lên một bức vẽ trước đó, nên phiên bản thứ hai hiện được bảo vệ đằng sau một tấm chắn Plexiglas để mọi hình vẽ bậy có thể được nhanh chóng xóa sạch. Tuy nhiên, với các dụng cụ thích ứng, hình ảnh này cũng có thể bị phá hủy và sẽ không có gì ngạc nhiên nếu đó chính xác là điều sẽ xảy ra trong một sớm một chiều.

Cặp nghệ sĩ này cũng coi tác phẩm của chính họ là hình ảnh đối lập với nhiều bức chân dung của tội phạm chiến tranh người Serbia Ratko Mladić (2) trang trí các bức tường của Belgrade, một số trong số đó có lẽ không chỉ được thực hiện với sự hỗ trợ của nhà nước, mà ít nhất với sự khoan dung của nhà nước còn được bảo vệ khỏi bị tô vẽ. Giống như các nhà hoạt động Nga khác ở Belgrade, cả hai coi nhiệm vụ của họ là, nếu không chỉnh sửa, thì ít nhất nêu ra các câu hỏi về hình ảnh kỳ quặc về nước Nga mà nhiều người Serbia có trong các cuộc trò chuyện hàng ngày.

Gleb Puschew muốn giác ngộ người dân bằng truyện tranh. Nguồn: Michael Martens

Họ kiên tâm làm điều này. Nhiều người Nga ở Belgrade kể lại những cuộc gặp gỡ mà họ được chào đón một cách vui vẻ với những biểu lộ rằng, Serbia yêu Nga và Putin. Gleb Puschev sau đó thản nhiên trả lời rằng anh ta ghét Putin. Khi anh ta nói về nhà độc tài của Nga bằng những lời lăng mạ thô thiển (từ tiếng Nga có nghĩa là “phân”, mà anh ta thích sử dụng trong ngữ cảnh này, giống như trong tiếng Serbia, chỉ khác ở cách nhấn mạnh), điều này thường dẫn đến sự khó chịu. Pushev thường xuyên giải thích với những người đối thoại Serbia, rằng một người có thể yêu Putin hoặc Nga, nhưng không thể yêu cả hai.

Câu chuyện làm bối rối những người theo chủ nghĩa dân tộc

Bây giờ anh ấy ghi lại những trải nghiệm của mình với người dân địa phương trong truyện tranh. Trong một trong những câu chuyện bằng hình ảnh về sự nhạy cảm giữa Nga và Serbia này, anh mô tả cuộc gặp gỡ tình cờ với một sĩ quan Serbia trong một nhà hàng bán thức ăn nhanh. Trong khi hai người đàn ông đang đợi món pleskavica (một loại bánh mì kẹp thịt của người Serbia), họ bắt chuyện. “Tôi cố gắng giải thích cho mọi công dân Serbia rằng Putin là cái loại khốn kiếp nào”, Pushev viết dưới một trong những bức tranh anh vẽ cho cuộc đối thoại này.

Ông giải thích với người quân nhân Serbia, Putin là kẻ thù lớn nhất của người Nga. Khi viên sĩ quan trả lời rằng có Nazis ở Ukraine, Pushev, người đã sống ở Odessa một thời gian, đối đáp rằng tất nhiên có những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ukraine, giống như mọi nơi khác trên thế giới, và hỏi lại: “Ở Belgrade có hàng trăm graffiti với Ratko Mladić trên tường – điều đó có nghĩa là Serbia đã bị phát xít chinh phục?

Những câu chuyện và câu hỏi như vậy khiến những người Serb theo chủ nghĩa dân tộc bối rối, chúng làm suy yếu thế giới quan của họ, trong đó người Mỹ là xấu xa, người Nga là tốt và chính họ là nạn nhân. Tiếng Serbia của Pushev và Gladischev vẫn còn rất vụng về và thô thiển, giống như hầu hết người Nga ở Belgrade, nhưng bước nhảy vọt từ ngôn ngữ Slav này sang ngôn ngữ Slav khác không quá lớn, và nhiều người Belgrad mới đã nỗ lực dự các lớp học. Chắc chắn họ sẽ sớm tiến bộ. Gladischev và Puschev sau đó có lẽ sẽ giải thích cho những người đối thoại Serbia của họ bằng ngôn ngữ của họ rằng, Putin không phải là anh hùng mà là tội phạm. Và những gì người Nga nói có trọng lượng đặc biệt đối với nhiều người Serb.

_________

Chú thích:

(1) Slobodan Milosevic là tổng thống của Serbia trong Nam Tư từ năm 1989 – 1997 và là tổng thống Cộng hòa Liên bang Nam Tư (bao gồm Serbia và Montenegro) từ năm 1997 tới 2000. Năm 2001, ông bị bắt và bị cho dẫn độ đến Den Haag, nhưng trước khi bị kết án, ông đã chết năm 2006 trong nhà tù của Tòa án Tội phạm chiến tranh quốc tế cho cựu Nam Tư.

(2) Ratko Mladić, thượng tướng chỉ huy quân đội Serb Bosnia, bị chính quyền Serbia bắt năm 2011 và cho dẫn độ đến Den Haag, nơi ông bị Tòa án Tội phạm chiến tranh quốc tế cho cựu Nam Tư năm 2017 kết tội vi phạm tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và diệt chủng và bị kết án tù chung thân.

Bình thường cho những điều bình thường

 

Bình thường cho những điều bình thường

Huy Đức

29-12-2022

Ảnh: FB tác giả

Mặc dù vẫn có những truyện ngắn, thơ và phỏng vấn rất đặc sắc, tôi không điểm Viết & Đọc số Mùa Đông 2022 như thường kỳ.

Cách đây vài tuần, một giáo sư nói chuyện với tôi với tâm trạng rất bức xúc khi “tổ văn” của chị không thể đấu tranh để giữ trong sách giáo khoa tác phẩm của một số nhà văn nhà thơ [nằm trong một danh sách nào đó].

Và, hôm nay, tôi nhìn thấy tên 3 trong số họ trong Viết & Đọc [Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng & Nguyễn Quang Lập]. Không thể không lặng đi trong giây lát khi đọc một bài nghiên cứu đầy tính học thuật với tựa đề: Nguyên Ngọc Vẫn Đang Trên Đường Chúng Ta Đi.

Bức xúc của các thầy cô giáo không phải cho các tác giả đó [Ngành giáo dục chưa bao giờ trả đồng nhuận bút nào cho họ], với nhiều tác phẩm, nếu đưa ra khỏi sách giáo khoa là thiệt thòi to lớn cho các thế hệ học sinh. Lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị văn chương nhất cho sách giáo khoa tưởng như là một điều bình thường, ở Việt Nam, không phải lúc nào cũng trở nên bình thường.

Hình ảnh nhà văn Vũ Thư Hiên xuất hiện ở Sài Gòn tuần qua cũng gợi rất nhiều suy nghĩ. Tác phẩm của ông đã từng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ người Việt. Những Bông Hồng Vàng (dịch), Miền Thơ Ấu… và cả Đêm Giữa Ban Ngày, dù xuất bản chính thức hay không, vẫn được bạn đọc trong nước thường xuyên tìm đọc. Nhưng, tác giả của chúng, nhà văn Vũ Thư Hiên, thì 30 năm nay phải sống ở nước ngoài.

Nhà văn Vũ Thư Hiên mới trở về Việt Nam. Ảnh trên mạng

Trong một quốc gia bình thường, những nhà báo, nhà văn nói lên sự thật như Vũ Thư Hiên chắc chắn sẽ được sống và tự do đi lại. Và trong một không gian ngôn luận bình thường, các tác phẩm có giá trị chắc chắn sẽ được báo chí và các nhà xuất bản tìm kiếm, công bố. Sự trở về của nhà văn Vũ Thư Hiên hay việc Viết & Đọc tuyên bố, Nguyên Ngọc Vẫn Trên Đường Chúng Ta Đi, đơn giản chỉ là những tín hiệu cho thấy, chúng ta đang từng bước được sống như bình thường ở trên chính quê hương mình.

Một số nhận thức nhầm về đảng và Mác – Lênin (Phần 2)

 

Một số nhận thức nhầm về đảng và Mác – Lênin (Phần 2)

Nguyễn Đình Cống

29-12-2022

Tiếp theo phần 1

4. Đảng và dân tộc

Có ý cho rằng đảng từ dân tộc sinh ra. Nói điều này là dựa trên việc gần như toàn bộ đảng viên là người Việt. Đó là một nhận thức nhầm. Đảng Cộng sản là một tổ chức ngoại nhập. Trước nó đã có những tôn giáo và học thuyết ngoại nhập như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa, Đạo Nho, Đạo Lão…

Khi ví dân tộc Việt như một cây chủ thì ĐCSVN như cành tầm gửi bám vào cây đó, và rồi từ vị thế sống dựa, tầm gửi dần dần biến thành thống trị nhờ việc chiếm được ngọn cây và cắm chặt được các nốt hút vào thân cây, khống chế toàn bộ cành và lá cây.

Sau 80 năm bị đô hộ, nhiều người Việt yêu nước khát khao được đấu tranh giành độc lập. Những người truyền bá CS đã biết lợi dụng điều đó. Họ tuyên bố sẽ đi đầu và lãnh đạo cuộc đấu tranh này, vì thế lôi kéo được nhiều người ưu tú vào tổ chức.

Thực ra đấu tranh giành độc lập và sau này là thống nhất đất nước chỉ là mục tiêu trước mắt, tạm thời của CSVN. Mục đích chính, lâu dài của CS (CS thế giới, cũng như CSVN) là nắm được chính quyền trong tất cả các nước (trước mắt là trong một số nước) nhằm thiết lập chế độ vô sản chuyên chính để thực hiện chủ thuyết do Mác vạch ra về thế giới đại đồng, do vô sản làm chủ. Độc lập và thống nhất là cho đảng chứ không phải cho dân.

Khi chưa có chính quyền họ vận động nhân dân đóng góp tài sản, sức lực, xương máu để giúp họ giành cho được chính quyền. Ngoài mồm họ nói vì độc lập, thống nhất, nhưng sâu xa họ nghĩ đến sự thống trị trên toàn cõi. Khi đã ở vị trí thống trị, họ vẫn nói chính quyền của dân, nhưng trong đầu họ kiên định chính quyền là của đảng.

Họ tạo ra Quốc hội đảng cử dân bầu. Họ kiên quyết bảo vệ sự thống trị bằng mọi cách, sẵn sàng kết tội những ai dám phê phán, phản biện việc làm sai trái của chính quyền, họ trừng phạt người ta bằng việc vu cho những người đó là ‘thế lực thù địch’, chống chế độ rồi bắt bỏ tù hoặc đuổi sang nước khác. Họ tạo ra những nhóm lợi ích để chia chác quyền và lợi chiếm được. Họ tuyên truyền rằng, ngoài lợi ích của dân tộc họ không còn lợi ích nào khác. Đó là lời nói dối trắng trợn mà chỉ những người quá ngu muội mới bị họ lừa.

Tại các đại hội đảng họ đặt ra những chỉ tiêu về phát triển kinh tế. Đặt như vậy chỉ là trò hình thức, duy ý chí còn sót lại từ nền kinh tế theo kế hoạch chứ thực tế chẳng có ý nghĩa gì trong nền kinh tế thị trường. Đề ra các chỉ tiêu chủ yếu để chứng tỏ đảng quan tâm đến phát triển kinh tế. Nhiều người nhận nhầm rằng, như thế là đảng thực sự chăm lo đến đời sống nhân dân. Thực ra thì không phải. Nói đảng chăm lo đến dân chỉ là cái che đậy. Đảng sống và hoạt động chủ yếu dựa vào ngân sách, nghĩa là dựa vào tiền thuế của dân. Dân có phát triển, đóng thuế thì đảng mới có nhiều tiền để tiêu xài, quan chức mới có của để tham nhũng. Hình như tiền ngân sách chi cho đảng là bí mật quốc gia mà Quốc hội và chủ tịch nước cũng không được biết.

Người ta ra sức tuyên truyền, tẩy não để mọi người cho rằng đảng đứng trên cả dân tộc. Thà chịu mất nước chứ không để mất đảng.

Nghe đồn rằng, tổng bí thư đảng Nguyễn Văn Linh từng nói, Việt Nam theo Trung cộng có thể mất nước nhưng giữ được đảng. Sẽ là quá ngu khi một người dân nghĩ như vậy.

Nhiều người nghĩ rằng, mặc dù Chủ nghĩa Mác – Lê nin (CNML) phạm sai lầm cơ bản, nhưng dù sao dân tộc Việt Nam cũng đã nhờ nó mà có những thắng lợi trong hai cuộc chiến tranh (chống Pháp và nội chiến). Chưa bàn đến bản chất của chiến tranh, lợi và hại của nó, có thể tránh được hay không và tránh bằng cách nào. Cứ tạm xem rằng chiến tranh là tất yếu và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thắng lợi. Suy luận như sau: VNDCCH do ĐCS vận dụng CNML để lãnh đạo, đạt thắng lợi. Vậy rõ ràng có thắng lợi là nhờ CNML. Suy luận như vậy tưởng là chặt chẽ, nhưng thật ra nó ẩn chứa ngụy biện tinh vi. Cho rằng nhờ CNML thì cụ thể nhờ vào cái gì của nó và vận dụng như thế nào.

Hỡi những người có lương tri! Hãy dẹp bỏ mọi lời truyên truyền một chiều, dẹp bỏ mọi điều đã bị nhồi sọ. Hãy suy nghĩ bằng đầu óc tỉnh táo của mình, không bị chi phối bởi bất kỳ ai, bất kỳ cái gì, rồi trả lời câu hỏi rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thắng trong chiến tranh vừa qua nhờ cái gì của CNML?

Tôi đã suy nghĩ nhiều và rút ra kết luận là không nhờ cái gì trực tiếp của CNML cả. Thế nhờ vào cái gì? Sai lạc chủ yếu là nhờ vào lòng yêu nước, đức hy sinh của đại bộ phận nhân dân, nhờ khả năng chỉ đạo tài tình, khôn khéo của các tướng lĩnh quân đội, mà khả năng đó là từ truyền thống chống ngoại xâm của ông cha, từ phẩm chất tự có của họ chứ không liên quan gì đến CS và CNML. Từ đó nhân dân có được lòng tin vào chiến thắng. Ngoài ra là nhờ vào sự giúp đỡ của bè bạn năm châu, đặc biệt là Liên xô, Trung quốc và phe XHCN.

Riêng trong cuộc nội chiến Bắc – Nam mà quân Mỹ vào giúp Việt Nam Cộng Hòa nhằm ngăn chặn họa cộng sản thì ĐCSVN nhờ kích động tinh thần dân tộc, khi tuyên truyền rằng Mỹ xâm lược nước ta, bắt dân ta làm nô lệ, nên kêu gọi mọi người đứng lên “chống Mỹ cứu nước”. Toàn dân đã  được tuyên truyền sai lạc và nhầm mà nghe theo.

Có ý kiến cho rằng Liên Xô, Trung Quốc, phe XHCN giúp VNDCCH vì theo CNML, cùng ý thức hệ. Điều này đúng một phần nhỏ và là gián tiếp. Các nước giúp VNDCCH chủ yếu vì nhân đạo. Riêng Trung Quốc, họ giúp VN rất nhiều nhưng không phải với chân tình trong sáng mà với nhiều mưu mô, lợi dụng. Liên Xô giúp cũng không phải là VN theo CNML mà chủ yếu là để VN làm xung kích cho phe XHCN.

Thế trong lúc tiến hành chiến tranh, VNDCCH có thực hiện những điều gì của CNML hay không. Có thực hiện một số điều vì chịu áp lực của Nga Xô và Trung Cộng. Lãnh đạo VNDCCH phải nghe theo họ, chịu sự chi phối của họ để nhận viện trợ mà tiếp tục chiến tranh. Nhưng thực hiện CNML thì càng đẩy dân tộc vào tai họa. Đó là cải cách ruộng đất, hợp tác hóa nông nghiệp, cải tạo công thương nghiệp tư nhân, lập các tập đoàn kinh tế nhà nước. Rồi vì để thực hiện CNML, cần kiên trì ý thức hệ và ghi sâu thù hận giai cấp mà giam cầm oan trái hàng trăm vạn người của bên thua cuộc, mà đẩy hàng triệu người bỏ nước ra đi trong những điều kiện éo le, khắc nghiệt, tạo ra vết thương lớn của dân tộc, rất khó hàn gắn.

Một điều nhầm từ truyền thông lan rộng ra toàn quốc là gán cho đảng việc mà họ không làm bao giờ. Đó là khen tặng. Mỗi lần đưa tin các đơn vị, cá nhân được tặng huân chương, danh hiệu cao quý, giải thưởng lớn, thông tin đại chúng thường trình bày là được Đảng và Nhà nước trao tặng. Tôi đã tìm hiểu và tin rằng trong việc này, về pháp lý, về văn bản chính thức thì Đảng không tham dự. Thí dụ trong quyết định của chủ tịch nước về khen tặng không có một căn cứ nào từ phía Đảng.

Thế thì kể Đảng vào cùng Nhà nước để làm gì? Phải chăng là để cho oai, cho người nhận và toàn dân phải ghi nhớ công ơn Đảng? Có người phản biện, cho rằng Đảng lãnh đạo toàn diện nên thực tế việc khen thưởng cũng phải được lãnh đạo của Đảng xét duyệt. Đó có thể là sự thật, nhưng thiếu thuyết phục. Nếu việc xét khen thưởng phải được sự đồng ý của Đảng thì trong quyết định nên ghi thêm câu “Được sự đồng ý của ông/ bà X Y bên Đảng”. Nhưng không thể viết, vì như vậy sẽ lộ rõ bộ mặt của chủ tịch nước là không có thực quyền. Đây là một nghịch lý khó khắc phục. Đã thế thì tốt nhất là đừng nhắc đến.

5. Nhầm của lãnh đạo

Những việc sau đây, lãnh đạo cấp cao vẫn truyền dạy cho cấp dưới, vì vậy xem là họ nhầm. Có khá nhiều, chỉ xin tạm trình bày năm việc.

Đầu tiên là vai trò và tổ chức đảng. Về điều này, đã viết một đoạn ở mục 1, đó là nhầm của nhiều người, mục này viết về nhầm của lãnh đạo.

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa: Đảng là nhóm người kết với nhau để hoạt động đối lập với những người hoặc nhóm người có quan điểm hoặc mục đích khác với mình.

Có thể chia đảng là một tổ chức xã hội dân sự ra hai loại: đảng chính trị và đảng cách mạng. Nhóm người được nói đến cần có chung quan điểm, cùng mục đích là chủ yếu. Tùy vào đặc điểm của từng đảng mà có thể thêm vào vài tiêu chuẩn nào đó.

ĐCS nói chung là đảng cách mạng kiểu mới của vô sản theo tiêu chuẩn do Lênin vạch ra. Tuy vậy trong quá trình tồn tại và phát triển nhiều ĐCS đã có những thay đổi cơ bản về tổ chức và đường lối, một số không ít chuyển thành đảng chính trị, tham gia vào hệ thống đa đảng.

Điều lệ ĐCS Liên Xô trước năm 1956 viết rằng, Đảng CS là của giai cấp công nhân. Khi Khrushchev (TBT từ năm 1956) sửa rằng, ĐCS Liên Xô là đảng của toàn dân thì bị phản đối, bị chửi rủa, cho là tên xét lại nguy hiểm. Càng ngày càng rõ rằng ĐCSVN thực chất không phải là đảng của giai cấp công nhân mà chỉ là theo mô hình đó, nhưng trong điều lệ cứ cố giữ và đưa ra định nghĩa: “Đảng cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của toàn thể dân tộc Viêt Nam”.

Định nghĩa như vậy đã tách công nhân ra khỏi nhân dân lao động, tách cả công nhân và nhân dân lao động ra khỏi toàn thể dân tộc. Định nghĩa như vậy là ngụy biện, không đúng thực tế, nhưng lãnh đạo ĐCSVN vẫn cố giữ và bắt toàn đảng công nhận. Chỗ này, nếu cho như thế là đúng thì phải chăng đã phạm lỗi vô minh. Khi tự biết là sai mà cố giữ thì phải chăng là dối trá. Hình như giữ như vậy chỉ để làm hài lòng một vài người cố chấp, bảo thủ, mê muội.

Trong khi ĐCSVN cố giữ cho bằng được “đội tiên phong của giai cấp” thì Trung Cộng, từ năm 2002 đã vứt bỏ nó và thay bằng thuyết ba đại diện. ĐCS Trung quốc là đại diện cho: Lực lượng sản xuất tiên tiến, Nền văn hóa tiên tiến và Lợi ích của nhân dân Trung Quốc.

Thứ hai là nguyên tắc tập trung dân chủ. Văn kiện của đảng viết rằng, Tập trung dân chủ là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của đảng, là nguyên tắc thống nhất, không tách rời, không có sự đối lập giữa tập trung và dân chủ.

Thực hiện nguyên tắc này như sau: Ở cuộc họp tổ chức đảng cơ sở đảng viên có quyền phát biểu, đề đạt ý kiến. Đó là dân chủ. Các ý kiến được gửi lên cấp trên, cấp trên nữa cho đến Bộ Chính trị và Tổng Bí thư. Đó là tập trung. Nguyên tắc rõ ràng, nhưng cách làm linh động. Mỗi một lần tập trung là một lần sàng lọc, chỉ giữ lại những thứ trên sàng, mà càng lên cao thì lỗ sàng càng rộng, chỉ còn lại những điều mà cấp trên thích nghe chứ không được để sót lại thứ không thích nghe, mặc dầu rất cần nghe. Như thế phải chăng không có đối lập giữa tập trung và dân chủ. Thực chất dùng nguyên tắc này để loại bỏ hết mọi ý kiến của đảng viên không vừa ý cấp trên. Và nếu lãnh đạo hiểu đúng như vậy thì không phải họ bị nhầm mà cố tình lừa dối.

Thứ ba là dùng vũ khí phê bình và tự phê bình. Một thứ vũ khí không biết ban đầu sắc bén đến đâu, hiệu quả cỡ nào, nhưng bây giờ đã bị mẻ, bị cùn, thế mà vẫn được ca ngợi hết lời là rất tốt, vẫn được đưa ra để doạ nhau.

Tự phê bình khác với tự tu dưỡng. Rất nên đề cao việc tự tu dưỡng và tự do ngôn luận với những phản biện, phê phán của công luận.

Thứ tư là tổ chức thi đua. Phong trào thi đua yêu nước được Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động năm 1948 với mục đích diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm. Phong trào đã có tác dụng rất to lớn bằng việc động viên tinh thần mọi người, mọi nhà, mọi ngành. Từ phong trào đã bình bầu và khen thưởng nhiều cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc, phong tặng danh hiệu anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc. Tuy vậy, càng về sau trong phong trào càng xuất hiện một số tiêu cực mà nhiều người thấy rõ, đặc biệt là để được khen thưởng mà sinh ra việc chạy theo thành tích dỏm với nhiều thủ đoạn dối trá. Nhà nước tạo ra danh hiệu gì thì người ta cố “chạy” cho được danh hiệu đó. Mặt trái của thi đua thể hiện rõ nhất, gây ra tai họa nhiều nhất trong các trường học phổ thông.

Trong khi kinh tế còn khó khăn, thi đua là biện pháp có hiệu quả động viên tinh thần để người ta làm tốt công việc. Để đánh giá cần dựa vào sự bình bầu của tập thể và xét duyệt của các Ban Thi đua. Nhưng thi đua không phải là biện pháp tốt nhất. Khi nền kinh tế đã phát triển thì biện pháp chủ yếu để kích thích người lao động bình thường là trả công xứng đáng theo kết quả công việc. Nhưng để làm được việc này cần có người đánh giá có trình độ, có lương tâm. Trong các cơ sở tư nhân, đó là các ông chủ giỏi. Trong các cơ sở nhà nước, đó phải là các thủ trưởng giỏi và có quyền. Nhưng gặp vấn nạn là thủ trưởng như vậy quá hiếm.

Xét về hiệu quả thì thi đua ngày nay lợi ít hại nhiều, đáng dẹp bỏ từ lâu, nhưng lãnh đạo đảng lại tìm cách mở rộng, không những là phong trào mà trở thành thường xuyên, có luật đàng hoàng. Phải chăng trong các tổ chức nhà nước, không có ai đánh giá được kết quả công việc của cán bộ, công nhân viên, không ai có thể trả lương hoặc thưởng dựa vào kết quả công việc nên buộc phải duy trì thi đua để dùng tập thể bình bầu.

Đây là một giải pháp kém trí tuệ, vì rằng còn duy trì thi đua thì có thể không cần tìm và vận dụng biện pháp khác hiệu quả cao hơn, (thậm chí còn cản trở các việc đó). Các lãnh đạo cao cấp không thể nghĩ ra được cái gì hay hơn thi đua, đành ôm lấy nó. Họ không chịu nhìn ra thế giới. Nhưng phải chăng đang có một số người cố duy trì thi đua vì lợi ích cá nhân. Còn phần lớn các cơ sở tổ chức thi đua là phải làm theo chỉ thị của cấp trên, dù có nghĩ ra cách hay hơn cũng không dám làm.

Trước khi tìm ra cách có thể thực hiện trả lương theo kết quả công việc thì nên tạm để cho các đơn vị cơ sở tự chọn hình thức động viên mà không bắt buộc phải thi đua. Rất nhiều nước chẳng có thi đua mà xã hội vẫn ổn định và phát triển tốt, đặc biệt về văn hóa, giáo dục, đạo đức.

Thứ năm là lồng nhốt quyền lực. Đây lại là một nhận thức ngô nghê, non kém. Ở đoạn trên đã viết sơ qua. Cái cần nhốt, cần hạn chế không phải là quyền lực mà là sự lạm dụng nó. Lạm dụng quyền để tham nhũng, để thực hiện ‘cửa quyền’. Đó là những tật xấu, là tội ác của những tên cơ hội đã được thế lực trên cao lựa chọn, nâng đỡ, bằng quy hoạch, chống lưng, chia chác của phi nghĩa chiếm được. Với những người trung thực, liêm chính, tài năng, sáng tạo thì tại sao phải nhốt quyền của họ, trái lại cần tạo cho họ mở rộng quyền lực. Đó là sự ủy quyền, sự phân quyền trong những tổ chức mạnh.

Người ta nghĩ ra “Lồng nhốt quyền lực” và cho rằng đó là sản phẩm của một đầu óc sáng tạo, rồi thi nhau ca ngợi, tâng bốc, họ cố tình không chịu nghe, không chịu học để biết rằng thế giới đã tìm ra biện pháp ngăn chặn, hạn chế sự lạm dụng quyền lực đã trên hai trăm năm nay và bây giờ gần khắp thế giới vẫn dùng có hiệu quả. Đó là cơ chế Tam quyền phân lập.

Viết đến đây, tôi bỗng liên hệ tới Định luật về Entropy của Nhiệt động học. Entropy là sự rối loạn, sự mất trật tự. Định luật nói rằng: “Trong một hệ vật lý khép kín thì Entropy tăng theo thời gian”. Định luật nói rõ là Hệ Vật lý, nhưng tôi liên tưởng đến tổ chức chính trị-xã hội. Một tổ chức chính trị mà khép kín (không nhận sự phản biện từ ngoài) thì Entropy cũng tăng theo thời gian. Điều này nếu đúng thì chắc rằng các lãnh đạo của đảng không thể dự đoán, không thể biết trước. Mà có biết chắc cũng không chịu từ bỏ sự khép kín để níu giữ độc quyền.

Riêng chủ tịch Hồ Chí Minh có chỗ nhầm về vai trò của mình và của ĐCSVN khi viết trong di chúc, mong muốn ĐCSVN giúp ĐCS Liên Xô và Trung quốc giải quyết mâu thuẫn, củng cố đoàn kết phe XHCN. Phải chăng đây là ảo tưởng.

(Còn tiếp)