Thứ Sáu, 23 tháng 12, 2022

Loạn giá trị thì lo chấn chỉnh chứ “xây dựng” gì nữa?

 

Loạn giá trị thì lo chấn chỉnh chứ “xây dựng” gì nữa?

Chu Mộng Long

20-12-2022

Hệ giá trị vừa kế thừa tinh hoa truyền thống vừa phát triển chứ không phải “xây dựng” theo ý thức chủ quan của một nhóm quyền lực mang nhãn tuyên giáo hay giáo sư tiến sĩ.

Chỉ mới đọc cái tiêu đề Hội thảo: “Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa trong thời kỳ mới“, tôi đã khó chịu. Nếu các bậc tiền bối cách mạng còn sống, ắt cũng khó chịu như tôi.

Hệ giá trị là cái gì mà phải “xây dựng” chỉ trong một hội thảo của một nhóm người tai to mặt lớn?

“Hệ giá trị” là hệ thống các chuẩn mực được nhân loại và các dân tộc kiến tạo xuyên suốt qua các thời kỳ lịch sử. “Hệ giá trị quốc gia”ra đời gắn liền với các kiểu nhà nước: nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản, nhà nước xã hội chủ nghĩa, thậm chí là nhà nước tôn giáo kiểu Hegel. “Hệ giá trị văn hóa” ra đời gắn liền với điều kiện môi trường tự nhiên, cộng đồng xã hội, kể cả gắn liền hình thái nhà nước, tức “hệ giá trị quốc gia”. Chẳng phải “Hệ giá trị quốc gia” do Khổng Tử kiến tạo đã sản sinh ra “Hệ giá trị văn hóa” phong kiến đó sao?

Sự thay đổi “hệ giá trị” xuất phát từ các cuộc cách mạng khi các nhà tư tưởng tiên phong và cả nhân loại thức tỉnh và nhận ra, rằng các kiến tạo cũ đã lỗi thời, lạc hậu, cần phải thay đổi. Chẳng hạn như Cách mạng Phục hưng, Cách mạng Khai sáng, Cách mạng toàn cầu hóa… Thực chất, chính những cuộc cách mạng văn hóa này là cha đẻ của các cuộc cách mạng chính trị chứ không phải ngược lại.

Các ông bà, tạm xem như những “nhà tư tưởng”, trong Hội thảo trên đòi xây dựng lại “Hệ giá trị quốc gia”, “Hệ giá trị văn hóa”, hoặc chỉ có thể là lâu nay chưa có hệ thống các giá trị nào, hoặc chỉ có thể là đang mưu toan một cuộc cách mạng làm thay đổi hệ thống giá trị cũ?

Trong khi xem toàn bài, “Hệ giá trị” cốt lõi được xác định như sau: 1) Hệ giá trị quốc gia gồm các thành tố: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc. 2) Hệ giá trị văn hóa gồm các thành tố: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học. Chẳng có điều gì mới mẻ cả. Tất cả đều là những khẩu hiệu, những cụm từ từng có trong Tuyên ngôn độc lập, trong Hiến pháp 1946, và cả Hiến pháp đã sửa đổi qua các thời kỳ và hiện nay.

Đến các “hệ giá trị bộ phận”, “hệ giá trị cụ thể”, “hệ giá trị phái sinh” cho sát hợp hơn với từng đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi trong xã hội” mà các “nhà tư tưởng” trên đã khơi ra, cũng chẳng có gì mới, nếu không nói là rối rắm, lủng củng, vẽ rắn thêm chân. Tôi đọc trước tác của các lãnh tụ cộng sản như Marx, Engels, Lenin, Hồ Chí Minh, thấy các cụ nói còn chi tiết hơn, rõ ràng hơn cho các đối tượng, thành phần, ngành nghề, lứa tuổi, kể cả đạo đức, lối sống cho từng thành phần, nghề nghiệp, và cho cả quan hệ giữa cán bộ và nhân dân, cha mẹ và con cái trong hệ thống pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Theo tôi, điều mà chúng ta đang đối mặt không phải thiếu hệ giá trị hay giá trị lỗi thời mà đang loạn giá trị. Loạn do đâu? Một là, loạn do nhận thức, cụ thể là râu Không Tử cắm cằm ông Marx, dẫn đến làm cách mạng lộn ngược, bảo thủ hơn cả thời phong kiến. Hai là, nói một đằng làm một nẻo, cuối cùng làm theo lối sống bản năng hoang dã hơn là tiến bộ văn minh. Ba là, khi chính trị, đạo đức, văn hóa bị đảo lộn, giáo dục như cái não rỗng bị nhồi sọ, con người rơi vào hoặc bị rối loạn nhân cách hoặc bị lệch lạc. Thực trạng này cần chấn chỉnh theo hệ giá trị vừa kế thừa tinh hoa truyền thống vừa phát triển theo tinh thần cách mạng chứ không phải “xây dựng” theo ý thức chủ quan của một nhóm quyền lực mang nhãn tuyên giáo hay giáo sư tiến sĩ.

Một cách tổng quát, cần dẹp ngay những khẩu hiệu lòe loẹt, phi thực tế và trở thành bịp bợm. Như Marx từng phê phán chủ nghĩa tư bản, rằng hàng hóa với bao bì lòe loẹt chỉ để che đậy chất lượng kém cỏi. Như Hồ Chí Minh từng phê phán thực dân, rằng “Thế mà hơn 80 năm nay…” tóm lại là chúng toàn làm ngược “những lẽ phải không ai chối cãi được”. Những “lẽ phải” đó, cứ truy ngược lại Tuyên ngôn độc lập với những luận điểm: “Về chính trị”, “Về kinh tế”, “Về văn hóa”, “Về độc lập, tự do và bình đẳng” mà làm. Còn ở đây, tôi chỉ nói đến những vấn đề nóng cần chấn chỉnh:

Không có “Hệ giá trị quốc gia” hay “Hệ giá trị văn hóa” chung chung. Các giá trị quốc gia hay giá trị văn hóa gắn liền với con người: con người chính trị, con người văn hóa – đạo đức, kể cả con người kinh tế – khoa học. “Hệ giá trị quốc gia” hay “Hệ giá trị văn hóa” tách khỏi con người chỉ còn là cái vỏ rỗng.

Về chính trị, thực hiện dân chủ triệt để bằng cách cho dân có quyền quyết định trong ứng cử, bầu cử. Quyền lực chỉ để phục vụ chứ không phải để thống trị. Dẹp ngay cái tư tưởng mỗi ông quan là “vua” hay “ông cố nội” của dân với những thôn tính, chiếm đoạt của dân, từ đất đai đến thuế má. Đặc biệt dẹp ngay những thứ nhân danh các hệ giá trị sáo rỗng để chụp mũ, phán xét, kết tội tiếng nói khác. Chuẩn mực cao nhất của nhà chính trị là như một nhạc trưởng, biết hòa điệu những tiếng nói khác biệt.

Về kinh tế, thực hiện nguyên tắc cạnh tranh tự do và bình đẳng giữa các doanh nghiệp, giữa các thành phần kinh tế và nghề nghiệp. Không có nghề nào “cao quý” hơn nghề nào. Kinh tế phát triển hài hòa giữa lợi ích cá nhân và cộng đồng, xóa chênh lệch thu nhập bình quân, chứ không ưu tiên cho bất cứ thành phần kinh tế hay nghề nghiệp nào. Dẹp ngay tư tưởng hình thành các tập đoàn hay đế chế độc quyền làm lũng đoạn chính trị và phá hoại tài nguyên, môi trường của đất nước. Dẹp ngay các sân sau của các quan chức. Chuẩn mực cao nhất của nhà nước hiện đại không phải là làm kinh tế để biến thành những “quả đấm thép” khoét rỗng ngân sách, thôn tính và làm tan tành các doanh nghiệp tư nhân. Nhà nước hiện đại phải là trọng tài kinh tế, điều khiển cán cân kinh tế một cách công bằng.

Về văn hóa – đạo đức, thực hiện triệt để một nền giáo dục khai phóng, bằng cách phát huy bản lĩnh và tài năng cá nhân trong sự tương tác, điều chỉnh những giá trị truyền thống. Văn hóa – đạo đức cao nhất là “tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình” như Marx nói, “tự do và bình đẳng về quyền lợi” như Hồ Chí Minh nhắc lời Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Dẹp ngay lối giáo dục nhồi sọ, học và làm theo mẫu, đặc biệt là dẹp ngay cái trò khôi phục và hình thành thêm các lễ nghi ngợi ca quyền lực. Dẹp ngay cái tư tưởng cắt xén một chiều “mình vì mọi người” bắt người khác phải hy sinh cho mình để phát huy những đòi hỏi chính đáng của tư cách công dân tự chủ. Dẹp ngay hành vi “tước đoạt” vô tội vạ tài sản làm bằng xương máu của người khác, dù đó là nhà tư sản, doanh nghiệp hay một anh nông dân khai hoang. Dẹp ngay các tôn giáo nhân danh văn hóa – đạo đức để trục lợi, kinh doanh. Dẹp các hoạt động nhân danh văn hóa nhưng vô đạo đức đến man rợ như chém heo, đâm trâu, tranh cướp, buôn ấn. Dẹp ngay các giải thưởng, các danh hiệu, học hàm học vị không đúng thực chất đã sinh ra bệnh thành tích, bệnh háo danh. Tinh thần “Mình vì mọi người, mọi người vì mình” mà Hồ Chí Minh nói là chuẩn mực cao nhất của đạo đức – văn hóa hiện đại.

Lối sống cá nhân, gia đình, dòng họ cũng sẽ từ những chấn chỉnh quyết liệt trên mà thay đổi theo. Kiến tạo xã hội tốt, ắt cá nhân, gia đình, dòng họ sẽ tốt theo hoặc ngược lại. Một guồng máy xấu, ắt tắt nghẽn vì thành phần rác rưởi. Làm gì có chuyện cá nhân hay gia đình là “tế bào của xã hội” thì nó phải quyết định tất cả. Nhấn mạnh vào “các tế bào” để đổ lỗi cho dân và rắp tâm che đậy một hệ thần kinh quyền lực điều hành sai lạc chăng? Xin thưa, hệ thần kinh sai lạc, dẫn đến rối loạn nội tiết, thì “các tế bào” chỉ làm chức năng gây bệnh ung thư hoặc… đái tháo đường thôi.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.