Nghĩa trang tên lửa Nga tại Kharkiv, đông Ukraine
Tác giả: Vasilisa Stepanenko
Cù Tuấn, dịch
24-12-2022
KHARKIV, Ukraine (AP) — Thành phố Kharkiv ở miền đông Ukraine có một “nghĩa trang” đặc biệt, khiến người dân nhớ lại một số thiệt hại nặng nề nhất kể từ cuộc xâm lược của Nga: đó là các phần sót lại của tên lửa được sử dụng để tấn công thành phố này và người dân của nó.
Nghĩa trang này có hơn một nghìn tên lửa, hoặc một phần của chúng. Chính quyền địa phương hy vọng họ có thể giúp cung cấp thông tin cho bất kỳ vụ truy tố nào chống lại chính quyền và binh lính Nga. Và một ngày nào đó, có thể, chúng sẽ trở thành một phần của viện bảo tàng về những tội ác tại Ukraine.
Những khối trụ màu xanh lam được xếp thành hàng theo kích thước, tạo nên một cảnh tượng ấn tượng nếu nhìn từ trên không.
Dmytro Chubenko, phát ngôn viên của Văn phòng Công tố khu vực Kharkiv, nói rằng tên lửa đã được thu thập kể từ các cuộc tấn công đầu tiên và sau một thời gian, các quan chức thành phố đã quyết định sắp xếp chúng theo loại.
“Đây là những bằng chứng mà tòa án hình sự quốc tế sẽ sử dụng”, ông nói trong chuyến thăm nơi này. Ông kể rằng một số chuyên gia đã đến thành phố này để phân tích tài liệu.
Chubenko nói thêm, các tên lửa đã được sử dụng để tấn công một số khu dân cư quan trọng, như Bắc Saltivka và Oleksiivka. Ông nói rằng các nhà chức trách ước tính, ít nhất 1.700 người đã thiệt mạng do pháo kích ở Kharkiv và các vùng lân cận, trong đó có 44 trẻ em.
Vào mùa hè, các tòa nhà ở những khu vực như Saltivka bị hư hại nghiêm trọng, một số bị chuyển màu đen và số khác tự đổ sập. Thực tế tại đây không có hoạt động nào, với các cửa hàng đóng cửa và các căn hộ bị phá hủy. Mùa đông chưa cải thiện được gì.
Anna, một cư dân tại Bắc Saltivka đã rời đi nhiều tháng trước và không cho biết họ của mình vì lý do an ninh. Cô nói: “Chúng tôi đã mất tất cả và không rõ chúng tôi có thể mong đợi điều gì trong tương lai“.
Ihor Deshpetko, 44 tuổi, vẫn sống ở Kharkiv, bất chấp những gì ông phải gánh chịu.
“Nhà tôi không có hệ thống sưởi, (và) đáng tiếc là sẽ không có cho đến tận cuối mùa đông”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng hiện ông có xu hướng gọi khu vực mình sống là “khu phố đen”.
Trở lại “nghĩa trang” tên lửa, Chubenko, từ văn phòng công tố, nói rằng họ sẽ giữ những tên lửa này miễn là cần thiết để bất kỳ chuyên gia hoặc công tố viên nào cũng có thể lấy thông tin họ cần làm bằng chứng chống lại người Nga.
Và sau đó?
“Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo”, ông nói. “Có lẽ chúng tôi sẽ làm một viện bảo tàng.”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.