Bình thường cho những điều bình thường
29-12-2022
Mặc dù vẫn có những truyện ngắn, thơ và phỏng vấn rất đặc sắc, tôi không điểm Viết & Đọc số Mùa Đông 2022 như thường kỳ.
Cách đây vài tuần, một giáo sư nói chuyện với tôi với tâm trạng rất bức xúc khi “tổ văn” của chị không thể đấu tranh để giữ trong sách giáo khoa tác phẩm của một số nhà văn nhà thơ [nằm trong một danh sách nào đó].
Và, hôm nay, tôi nhìn thấy tên 3 trong số họ trong Viết & Đọc [Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng & Nguyễn Quang Lập]. Không thể không lặng đi trong giây lát khi đọc một bài nghiên cứu đầy tính học thuật với tựa đề: Nguyên Ngọc Vẫn Đang Trên Đường Chúng Ta Đi.
Bức xúc của các thầy cô giáo không phải cho các tác giả đó [Ngành giáo dục chưa bao giờ trả đồng nhuận bút nào cho họ], với nhiều tác phẩm, nếu đưa ra khỏi sách giáo khoa là thiệt thòi to lớn cho các thế hệ học sinh. Lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu, có giá trị văn chương nhất cho sách giáo khoa tưởng như là một điều bình thường, ở Việt Nam, không phải lúc nào cũng trở nên bình thường.
Hình ảnh nhà văn Vũ Thư Hiên xuất hiện ở Sài Gòn tuần qua cũng gợi rất nhiều suy nghĩ. Tác phẩm của ông đã từng góp phần nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao thế hệ người Việt. Những Bông Hồng Vàng (dịch), Miền Thơ Ấu… và cả Đêm Giữa Ban Ngày, dù xuất bản chính thức hay không, vẫn được bạn đọc trong nước thường xuyên tìm đọc. Nhưng, tác giả của chúng, nhà văn Vũ Thư Hiên, thì 30 năm nay phải sống ở nước ngoài.
Trong một quốc gia bình thường, những nhà báo, nhà văn nói lên sự thật như Vũ Thư Hiên chắc chắn sẽ được sống và tự do đi lại. Và trong một không gian ngôn luận bình thường, các tác phẩm có giá trị chắc chắn sẽ được báo chí và các nhà xuất bản tìm kiếm, công bố. Sự trở về của nhà văn Vũ Thư Hiên hay việc Viết & Đọc tuyên bố, Nguyên Ngọc Vẫn Trên Đường Chúng Ta Đi, đơn giản chỉ là những tín hiệu cho thấy, chúng ta đang từng bước được sống như bình thường ở trên chính quê hương mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.