Thứ Năm, 29 tháng 12, 2022

Một công thần bị chôn vùi (Phần 3)

 

Một công thần bị chôn vùi (Phần 3)

Nguyễn Thông

29-12-2022

Tiếp theo Phần 1 và Phần 2

Về sau, từ lời kể những người trong cuộc, từ con cháu Chu công, nhiều sự đã được phơi bày. Sau khi cách tuột hết cả chức vụ của ông Chu Văn Tấn, người ta ngầm lệnh cho báo chí truyền thông phải “quên” ông (cũng như sau này suốt gần chục năm người ta áp dụng triệt để đối với ông Giáp). Nếu bị cách làm thứ dân thì đã là may, đằng này người ta triệu tập ông tới “làm việc”, rồi an trí ông trong bệnh viện (Việt Xô, nơi dành riêng cho cán bộ cao cấp), như một dạng giam lỏng. Bốn năm ròng rã bị cách ly với gia đình, người thân, bạn bè, đồng đội, chỉ thỉnh thoảng con cái được vào trò chuyện đôi ba câu. Năm 1984, thượng tướng Chu Văn Tấn qua đời tại cái nhà tù không tên ấy, không một người thân nào bên cạnh khi hữu sự, giây phút cuối. Thật thê thảm. “Khi sao ong bướm rủ là/Giờ sao tan tác như hoa giữa đường”.

Từ trường hợp thượng tướng Chu Văn Tấn, thấy cứ na ná số phận bi thảm của Lưu Thiếu Kỳ, Bành Đức Hoài bên Tàu, Trosky, Bukharin bên Liên Xô. Bi kịch cộng sản, những vết bùn khó rửa trên thượng tầng.

Nhà chức việc báo gia đình tới nhận xác đem về chôn. Tất nhiên không có suất Mai Dịch, thậm chí vợ con xin chồng cha mình được đặt tại khu cán bộ trung-cao ở Văn Điển cũng bị khước từ. Thân nhân đành chôn ông vào khu bình dân nơi nghĩa trang Văn Điển bởi định đem về quê cũng không được phép. Mộ danh tướng lừng lẫy một thời, vị Phó chủ tịch Quốc hội nhiều khóa, người đứng đầu khu tự trị Việt Bắc, giờ nằm chen giữa những nấm mồ đám cần lao, kể cả xích lô ba gác phu phen. Thập niên 80, tôi đã từng tới Văn Điển, lần mò tới bên mộ ông Trần Huy Liệu (một trong ba người thay mặt Trung ương vào kinh thành Huế tước ấn kiếm của vua Bảo Đại) cũng bị “đày” ra đây, rồi ra mộ tướng quân Chu Văn Tấn, giữa cái thế giới đầy âm khí ấy càng ngậm ngùi về sự ghẻ lạnh độc ác vô đạo của những kẻ nắm quyền. Sau có nghe nói thân nhân gia đình Chu công đã cải táng, rước ông về quê nhà, yên nghỉ trên đất của dòng họ.

Từ 1980 tới lúc này đã 42 năm ròng, nhà cầm quyền (mà ông Chu Văn Tấn đã góp phần công sức lớn tạo dựng nên) vẫn dửng dưng lạnh lùng không một lời giải thích về số phận bi thảm của vị công thần. Nếu Chu công chỉ là người của đoàn thể (đảng) thì đảng muốn xử lý thế nào mặc lòng, nhưng ông là bậc tướng quân, Phó chủ tịch Quốc hội, người đứng đầu một đơn vị hành chính lớn gồm 6 tỉnh thì ông thuộc về dân về nước, sự xử lý công tội đúng sai hay dở phải theo pháp luật, theo lòng dân, không thể tùy tiện, dấm dúi, mập mờ, để lâu cứt trâu hóa bùn. Không thể để danh dự một con người, bậc công thần, một dòng họ cứ bị đeo bám bởi những u ám, tai tiếng, xì xào, lời ra tiếng vào, đồn đoán, nửa tin nửa ngờ của dư luận, kiểu như “thân Tàu, có quan hệ với tên phản động Hoàng Văn Hoan, định làm vua một cõi, định đi trốn, vượt biên sang Trung Quốc…”. Không thể cấm được mồm thiên hạ, nhất là khi nhà cai trị còn có ý định lợi dụng những cái mồm ấy phát ngôn không chính thức thay cho mình. Nếu đảng đúng, ông Tấn sai, cứ bạch hóa công khai, làm sao lại phải mù mờ giấu diếm. Còn ông Tấn vô tội, phải cúi đầu xin lỗi, phục hồi danh dự và quyền lợi cho ông, đừng để con cháu Chu công mãi ngậm ngùi trong sự tủi hổ, thiệt thòi, hờn oán.

Tra tìm trên Gu gồ (Google), tên của thượng công Chu Văn Tấn chỉ có lần duy nhất lạc lõng giữa hàng vạn hàng triệu tên đường tên phố ở xứ này, nhưng lại đem đầy cảm xúc: đường Chu Văn Tấn ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Không nhẽ vùng cao nguyên có một danh nhân trùng tên với Chu công. Sực nghĩ, thời những năm 60, tỉnh Lạng Sơn được chính quyền Bắc Việt ghép kết nghĩa với tỉnh Đắc Lắc (hồi đó viết chữ c chứ không phải k) trong miền Nam. Năm xa ấy, sự kết hôn địa lý ăn vào đầu lứa chúng tôi, ví dụ quê tôi tỉnh Kiến An thì “lấy” Gò Công, đi đâu cũng thấy câu khẩu hiệu “Kiến An – Gò Công quật khởi”, TP Hải Phòng lấy TP Đà Nẵng “sánh vai cùng Đà Nẵng yêu thương”, Nghệ An lấy Quảng Ngãi nên trong sách tập đọc có bài “Vườn cây An Ngãi” đứa nào cũng thuộc, Thái Bình “đất ăn chơi” nên lấy cùng lúc hai bà Vĩnh Long – Trà Vinh, gọi là Vĩnh Trà, bất cứ nơi nào trên đất lúa mà thấy cái tên Vĩnh Trà là do vậy… Ông Chu Văn Tấn quê huyện Võ Nhai, tỉnh Lạng Sơn, về sau huyện này bị cắt sáp nhập sang tỉnh Thái Nguyên, nên không ít người cứ nghĩ ông là người tỉnh Thái Nguyên.

Có nhẽ bộ phim tài liệu về Chu công với những nhìn nhận đánh giá lại một cách công bằng được phát công khai trên kênh truyền hình chính thống của nhà nước (kênh Quốc hội) hôm 23.12 vừa rồi là tín hiệu, bật đèn xanh về sự phục thiện của bộ máy cầm quyền đương thời đối với thượng tướng Chu Văn Tấn chăng. Như nữ đạo diễn Nguyễn Thị Xuân Phượng (nay đã 93 tuổi, người rất hiểu về ông Tấn), phát biểu ở cuối phim, “những gì của thượng tướng Chu Văn Tấn cần phải trả lại cho ông”. Nếu vậy thì vẫn là quá muộn, nhưng muộn còn hơn không. Bậc công thần không thể bị vùi dập một cách vô đạo mãi, khi sự tử tế của con người chưa mất hẳn.

Nghĩ về Chu Văn Tấn, lại nhớ tới bài thơ ngắn ngủn của thi sĩ Phùng Cung (nạn nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm): Lênh đênh muôn dặm/nước non/Dạt vào ao cạn/vẫn còn lênh đênh”.

Và không chỉ riêng với Chu công, những nạn nhân oan khuất khác của chế độ cũng phải được đối xử đàng hoàng như vậy.

Nói hay nói tốt thì trẻ con cũng nói được, nhưng làm được việc tốt phải là người tử tế. Thứ người này trên thượng tầng đang rất hiếm, dường như không có.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.