Về một cuốn sách lạ
Nguyễn Đình Cống
23-12-2022
Đó là cuốn “Chống Bầu Cử: Biện hộ cho dân chủ”, (Against Elections: The Case for Democracy) của David Van Reybrouck, do Liz Waters dịch sang tiếng Anh và Penguin Random House xuất bản trong năm 2016 từ nguyên bản “Tegen Verkiezingen” được De Bezige Bij xuất bản năm 2013, TS Nguyễn Quang A dịch ra tiếng Việt năm 2022.
Nó là cuốn thứ 62 của tủ sách SOS (Các cuốn trước cũng đã được ông Nguyễn Quang A dịch). Xin giứi thiệu cuốn sách cho những ai quan tâm.
Cuốn sách này lạ ở đầu đề “Chống Bầu Cử”, trong lúc đại đa số nhân loại cho rằng, bầu cử là phương tiện TỐT để thực hành dân chủ.
Cách chọn người bằng bầu cử bắt đầu từ cách mạng Mỹ năm 1776 và cách mạng Pháp năm 1789, dựa theo Khế ước Xã hội của Rousseau. Trước đó, trong nền cộng hòa Athen người ta thực hành dân chủ, chọn người bằng biện pháp rút thăm từ danh sách những người tự ứng cử.
Bầu cử, hoặc rộng ra là bỏ phiếu, đã phát huy tác dụng tốt trong vài trăm năm, trong nhiều sự kiện, nhưng rồi cũng lộ ra nhiều bất cập, gặp phải sự lợi dụng và đánh tráo. Nền dân chủ đang bị tàn phá. Có người gọi là “Hội chứng mệt mỏi dân chủ”. Đã có một số đề xuất cải cách, phối hợp vài biện pháp để khắc phục các nhược điểm, để hoàn thiện phương pháp. Đề xuất được quan tâm là cơ chế Hai đại diện, với Thượng viện gồm những người được rút thăm và Hạ viện gồm những nghị sĩ được bầu.
Về rút thăm, nhiều người cho đó ngẫu nhiên, may rủi. Thưc ra có cách hiểu và làm với niềm tin để hạn chế may rủi. Đó là niềm tin vào tâm linh. Tôi đoán là khi dân Athen làm việc rút thăm, cũng như khi thề họ có làm lễ cầu thần linh chứng giám.
Nhân giới thiệu sách Chống Bầu Cử (Chống bỏ phiếu), xin kể vài chuyện xưa và nay để tham khảo.
Chuyện 1: Xưa. Học trò hỏi Khổng Tử: Có một việc mà đại đa số dân trong vùng cho là đúng, là hay (hoặc sai) thì việc đó đã đúng và hay (hoặc sai) chưa ạ.
Khổng Tử trả lời : Chưa chắc. Còn phải xem ý kiến của các bậc hiền tài trong vùng đánh giá như thế nào.
Như vậy, để đánh giá một việc, nếu dựa vào ý kiến số đông thì tổ chức bỏ phiếu là xong. Nhưng Khổng Tử không hoàn toàn dựa vào số đông (chỉ để tham khảo) mà chủ yếu dựa vào những người có trí tuệ. Với nhiều người, khi hỏi ý kiến từng người ở nhiều nơi khác nhau thì có khả năng biết được họ nghĩ gì, còn khi họ tập họp lại thì dễ bị ảnh hưởng của tâm lý đám đông, (dựa dẫm vào nhau). Lúc này nhiều khi lẽ phải thuộc về số ít, là những người có trí tuệ.
Chuyện 2: Xưa. Được tin nước láng giềng kéo đến gây hấn, vua Sở thân chinh đem quân ra biên giới. Trong nhiều ngày, quân hai bên gầm ghè nhau mà không bên nào dám khai chiến (vì biết sẽ bị thiệt hại nặng mà không chắc thắng). Quan và tướng Sở kẻ đòi đánh, người muốn hòa. Vua cho họp 15 người có chức vị cao nhất để hỏi ý kiến với hình thức bỏ phiếu công khai. Vua công bố kết quả 9 người muốn đánh, 6 người muốn hòa và vua quyết định hòa với giải thích như sau:
Những người muốn đánh, gồm có A, B, C… chủ yếu là các tướng mà số đông mới ra trận lần đầu, ít có kinh nghiệm chiến tranh. Phải chăng họ muốn đánh chủ yếu là để thử sức. Những người muốn hòa gồm có X, Y, Z… là những đại thần đáng tin cậy, thường đề xuất những điều hay lẽ phải.
Trong chiến dịch ấy, đầu tiên hai bên giữ thế, nhưng về sau tình hình biến chuyển, hai bên lại đánh nhau kịch liệt.
Chuyện 3: Nay. Bỏ phiếu ở Quốc hội Việt Nam
Để thiết kế nhà máy thủy điện Sơn La cần chọn phương án đập cao hay thấp. Làm đập cao tuy gặp một số khó khăn về kỹ thuật và cần vốn lớn, nhưng có nhiều lợi về kinh tế. Theo số liệu thủy văn thu thập được trong gần một trăm năm thì nước của sông Đà đủ để làm đập cao và địa chất cũng đảm bảo làm đập cao.
Các chuyên gia Việt Nam đã bỏ nhiều công sức làm nghiên cứu và báo cáo (BC 1) vạch ra những ưu, nhược của từng phương án và tổ chức khá nhiều hội thảo, tiêu tốn nhiều trăm tỷ, nhằm chọn phương án khả thi. Trong từng hội thảo riêng biệt, nơi này chọn cao, nơi kia chọn thấp, kết quả gần ngang nhau. Không một ai trong những người có trách nhiệm về dự án dám quyết định chọn phương án nào. Đành đẩy trách nhiệm lên cho Chính phủ và Bộ Chính trị. Nhưng rồi hai nơi này cũng không quyết được.
Phải nhờ cố vấn Liên Xô. Đoàn chuyên gia làm việc trong nhiều tháng, viết được một tập báo cáo khá dày với những ý kiến gần giống BC 1, nghĩa là họ chỉ có thể nghiên cứu, phân tích, chỉ ra cho hết các ưu và nhược điểm của từng phương án để chủ nhà có căn cứ mà chọn. Họ không chọn hộ.
Thế là mất thêm một số tiền và công sức để chẳng được gì quan trọng.
Có lẽ Liên Xô ngại hoặc chưa đủ trình độ. Thế thì thuê thêm chuyên gia Pháp. Lặp lại gần như mọi việc và nhận được một tập báo cáo mới với phân tích những điều lợi và hại do từng phương án mang lại, những điều cần đặc biệt quan tâm khi thực hiện từng phương án. Nó có nội dung cũng gần giống như hai báo cáo trước. Việc chọn phương án nào vẫn là trách nhiệm của chính phủ Việt Nam. Lại mất thêm không những tiền của, công sức, mà cả thời gian.
Làm sao bây giờ? Đành đưa ra Quốc hội, nơi mà các đại biểu sẵn sàng bỏ ra một giây để ấn nút bỏ phiếu mà không biết được hệ quả của nó. Đa số đại biểu tán thành phương án cao, họ chọn thế phải chăng vì vài lần nghe nói đê chữ lợi.
Nhưng rồi công trình được thiết kế và thi công theo phương án thấp. Tại sao lại như vậy?
Nguyên do là thông tin từ Quốc hội như một luồng sét đánh vào đầu những chuyên gia phương án thấp. Họ choáng váng, hốt hoảng. Họ khẳng định rằng phương án thấp tuy có vài nhược điểm nhưng đều có thể khắc phục được. Vấn đề quan trọng là làm đập cao, hồ lớn, rất tốn kém, nhưng rồi có đủ nước để chứa hay không. Làm đập cao là dựa vào số liệu thúy văn gần trăm năm cho đến bây giờ. Còn sắp tới sẽ như thế nào. Chắc chắn là nước sông Đà về đến Sơn La sẽ giảm nhiều vì bị Trung Quốc chặn lại.
Họ gặp nhau từng nhóm, bàn tán, phân chia người đi đến những lãnh đạo cao cấp của đảng, chính phủ và quốc hội, dù cho phải quỳ xuống, chỉ để nói một câu rằng làm phương án cao, cái lợi chỉ mới là dự kiến, chưa chắc chắn, mọi nhược điểm có thể khắc phục, nhưng có một điều cốt tử chưa ai chịu để ý. Đó là gần toàn bộ nước của sông Đà là trên đất Trung quốc. Nếu họ chặn lại thì hồ nước tạo ra chỉ đủ để chăn vịt trong phần lớn thời gian.
Không nghe nói Quốc hội có thảo luận và bỏ phiếu lại hay không. Việc Trung quốc chặn đầu nguồn sông Cửu Long là thực tế trước mắt.
Chuyện 4: Nay. Trưng cầu dân ý.
Thỉnh thoảng có những việc quan trọng của quốc gia, dân tộc. Một số người hăng hái muốn tổ chức trưng cầu dân ý hoặc họp Hội nghị Diên Hồng như đời Trần. Tôi khuyên không nên, tổ chức như thế chỉ có hại vì chưa tổ chức đã biết trước kết quả. Nó cũng giống như bầu cử. Tôi bị phản bác vì người ta cho rằng bầu cử và trưng cầu khác nhau. Tôi nói, nếu trưng cầu dân ý hoặc Hội nghị Diên Hồng vẫn do Đảng lãnh đạo, Mặt trân chủ trì, thì rồi trên 95% người được hỏi sẽ nói theo hướng dẫn. Họ vặn lại, thế các tổ chức xã hội dân sự để làm gì. Thưa rằng, những người hoạt động tích cực trong các tổ chức XHDS đang bận ngồi tù.
Tái bút: Chuyện 3 – Bỏ phiếu ở Quốc hội. Tôi biết chuyện này vì có tham gia vài hội thảo do Phan Đình Đại, Vụ trưởng – Bộ Xây dựng, chủ trì, nay kể lại để nhớ về một thời hoạt động. Viết theo ký ức và sự việc cũng đã lâu, nên có thể có chỗ nhớ chưa chính xác. Vị nào phát hiện chỗ sai xin đính chính dùm.
______
Xin bấm vào link này để tải sách: https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2022/12/David-Van-Reybrouck-Chong-Bau-cu_Bien-ho-cho-Dan-chu.pdf
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.