Một số nhận thức nhầm về đảng và Mác – Lênin (Phần 1)
Nguyễn Đình Cống
28-12-2022
1. Ai nhận thức nhầm?
Rất nhiều. Từ những người như Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Lê Hồng Phong, cho đến Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng, từ những cán bộ cao cấp và trí thức lớn đến đảng viên thường hoặc người dân. Sự nhầm lẫn ở mỗi người là khác nhau. Người nhầm chỗ này, kẻ nhầm chỗ kia, người này nhầm ít, người khác nhầm nhiều. Nguyên nhân trực tiếp gây ra nhầm quy nạp về một mối là sự vô minh.
Nhưng không phải tất cả người Việt đều nhầm, chỉ là một số rất đông, gồm nhiều thành phần, nhiều trình độ. Có thể kể ra một số như sau:
Thứ nhất là những người chưa có được khả năng phân biệt đúng/ sai trong trường hợp phức tạp, chưa biết nhận ra những điều bị che giấu. Họ rất mong ước điều tốt đẹp nhưng vì còn thiếu kinh nghiệm sống nên dễ bị nhầm, dễ bị cảm tính chi phối. Họ là những người trẻ tuổi ưu tú, có bản lĩnh hoặc là những người có học vấn nhưng thật thà, dễ tin vào những điều hứa hẹn tốt đẹp.
Thứ hai là những người ít suy nghĩ, có thói quen nghe theo lời của người tỏ ra có hiểu biết. Gần hết trẻ con giữ lại cho đến già những điều được dạy bảo từ rất bé. Với người lớn, họ bị người ta đem những lợi ích vật chất làm mồi nhử để lôi kéo, họ đang rất thiếu và thèm khát những thứ này. Thêm nữa là những người vì sợ mà không dám nghĩ khác những điều bị tuyên truyền, nhồi sọ.
Thứ ba là người không có nhận thức gì cả, họ không suy nghĩ, chỉ nói theo người khác mà không hiểu nói gì.
Thứ tư là bọn người cơ hội. Trong thâm tâm có thể họ hiểu đúng nhưng nói theo người khác nhằm lợi dụng để kiếm chác một thứ gì đó.
Xét về quyền lợi do cách mạng đem lại, chia dân Việt ra làm hai. Dân được lợi và dân bị hại (như ông Võ Văn Kiệt từng nhận xét). Đa số những người được cách mạng (CM) mang lại quyền lợi, tin vào tuyên truyền của đảng, họ không dám nghĩ tới việc đã bị nhầm mà còn hết sức bảo vệ cho những điều đã được nghe. Cũng có một số tuy được hưởng lợi từ CM, nhưng nhờ có lương tri, có trí tuệ mà nhận ra nhầm lẫn.
Những người Việt không bị nhầm về cộng sản có nhiều loại. Thứ nhất là đa số những người bị thiệt hại do CM mang lại. Thứ hai là những người có hiểu biết và suy nghĩ sâu sắc về cách ứng xử của con người trong chính trị và khi có quyền lực. Những người này nhờ kiến thức và kinh nghiệm mà thấy được những chiếc đinh nhọn ẩn trong tấm thảm dẫn đến bữa tiệc bánh vẽ. Thứ ba là những người biết dùng thực tế để kiểm chứng lời tuyên truyền. Số này lúc còn trẻ bị nhầm, khi lớn tuổi mới tỉnh ngộ. Họ âm thầm hoặc công khai “tự diễn biến, tự chuyển hóa”.
Nhiều người nhận ra nhầm lẫn, nhưng chỉ những người có dũng khí mới dám nói ra hoặc có hành động thể hiện đã bị nhầm. Họ đã và đang bị CS bắt chịu các số phận khác nhau, người bị giết, kẻ bị tù đày hoặc bị khủng bố, số khác phải tìm cách ra nước ngoài. Khi ra được nước ngoài, khá nhiều người đạt thành công lớn.
Còn muốn giữ yên cho bản thân và gia đình nơi quê cha đất tổ thì phải im hơi lặng tiếng, chỉ chăm lo đến miếng cơm, manh chiếu và thì thầm với bạn bè những nhận thức về thời cuộc.
2. Về vai trò và tổ chức của đảng
Đảng CSVN được thành lập do hợp nhất ba tổ chức. Giống như mọi đảng khác trên thế giới, mỗi tổ chức do một người nghĩ ra, vận động vài bạn cùng chí hướng sáng lập rồi phát triển dần. Tổ chức trở thành phương tiện giúp cho và cùng với những người sáng lập thực hiện các ý đồ của họ. Như vậy đảng là công cụ của một người hoặc của một nhóm người làm chính trị chứ không phải là một tổ chức siêu phàm, thần thánh.
Khi Nguyễn Ái Quốc hợp nhất ba tổ chức thành một đảng thì đã đưa mô hình đảng công nhân kiểu mới của Lê nin áp đặt vào. Đó là đảng cách mạng. Nhưng đảng không làm cách mạng một mình mà phải tập hợp, vận động, lãnh đạo quần chúng. Để lôi kéo nhiều người tham gia, ủng hộ, họ tuyên truyền rằng đảng là tổ chức thiêng liêng, lãnh tụ của đảng là vĩ đại, là siêu phàm, là tuyệt vời thông minh và đạo đức, là cứu tinh của dân tộc, gần như một vị thánh sống.
Khi đảng đã có chính quyền, người ta tuyên truyền, đề lên rất cao sự vinh dự to lớn, niềm hạnh phúc nhất đời khi được kết nạp đảng. Điều đó đúng một phần vì đảng viên có quyền hành, có điều kiện tiến thân. Người ta phân biệt đảng viên và quần chúng với cách nhìn thiên lệch, Đã có thời kỳ khá dài bí thư chi bộ hành xử như là thiên sứ, như là vua của một khoảnh.
Về vai trò của ĐCSVN, theo họ nói thì vừa lãnh đạo, vừa cầm quyền. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện. Cầm quyền là nắm giữ chính quyền.
Theo như thực trạng hiện nay thì ĐCSVN vượt quá xa lãnh đạo và cầm quyền mà thực chất là Thống trị. Đó là nắm và sử dụng bộ máy chính quyền để điều khiển, quản lý, chi phối tất cả. ĐCSVN thực hành Đảng trị. Phương châm đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, nhân dân làm chủ là một ngụy biện bậc cao nhằm hợp thức hóa tổ chức ba tầng của nhà nước: Đảng – Chính quyền – Mặt trận, một loại tổ chức quái dị, chồng chéo, dẫm đạp lên nhau, rất kém hiệu quả.
Sự lãnh đạo của đảng thể hiện rõ trong lúc làm cách mạng, còn khi đã giành được chính quyền thì vai trò lãnh đạo giảm xuống, vai trò thống trị tăng lên, chiếm gần như toàn phần.
Đảng lớn tiếng rằng chính quyền của dân, do dân, vì dân. Nhưng trong thực tế chính quyền là của đảng. Vậy phải chăng đảng đã cướp quyền của dân. Trong thể chế dân chủ thì đảng có thể được dân tín nhiệm, lựa chọn, trao cho việc cầm quyền. Khi đảng hợp lòng dân thì có thể cầm quyền lâu dài. Nếu không hợp thì dân có quyền chọn đảng khác. ĐCSVN tự khẳng định sẽ cầm quyền mãi mãi, thế thì cần gì quan tâm đến việc có hợp lòng dân hay không.
Mong được cầm quyền lâu dài cũng là thường tình, nhưng muốn được như thế thì phải làm những việc hợp Đạo Trời, thuận lòng người. Singapore đang là hình mẫu như vậy.
Hội đồng lý luận rất cần nghiên cứu chuyên đề về lãnh đạo và cầm quyền giống và khác nhau như thế nào. Từ một đảng cách mạng chuyền thành đảng cầm quyền cần có thay đổi gì về tổ chức và công việc. Khi vai trò đã đổi, tình hình thực tế đã khác, đúng ra đảng phải thay đổi về tổ chức cho phù hợp. Cố giữ và mở rộng tổ chức cũ là cách làm không những kém hiệu quả mà còn làm hại. Theo tôi phải cải cách về tổ chức từ cơ sở đến trung ương, thay đổi cách bầu chọn và tổ chức đại hội.
3. Đảng viên và cán bộ
Đảng, đảng viên và cán bộ là ba khái niệm, trong nhiều trường hợp cần phân biệt, nhưng thường bị dùng lẫn lộn.
Đảng, khi chỉ gồm một nhóm ít người, kết nối với nhau thì dễ nhận thấy và phân biệt. Nhưng khi số đảng viên rất đông, ở rải rác khắp nơi, không thể họp toàn đảng lại với nhau thì trong nhiều trường hợp khái niệm đảng có phần trừu tượng. Thí dụ, nói “đảng lãnh đạo làm việc nọ, việc kia”. Lãnh đạo là đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, động viên thực hiện.
Đề ra chủ trương là việc của một người (rồi thảo luận trong một nhóm nhỏ) chứ không lẽ là việc của toàn đảng gồm hàng triệu người. Tổ chức thực hiên chủ yếu là việc của cán bộ các cấp, còn toàn đảng chỉ tham gia vào việc động viên.
Quan trọng của một đảng là chính cương, đường lối, điều lệ. Tuy vậy dân Việt Nam ít biết đến chính cương, điều lệ của ĐCSVN. Người dân chủ yếu nhìn vào hoạt động và ứng xử của đảng viên để đánh giá về đảng.
Hoạt động và ứng xử đến từ hai nguồn, tự có và thu nạp. Tự có là những phẩm chất, tính cách của người đảng viên đó, phần lớn đã được hình thành trước khi vào đảng. Thu nạp là những tiếp nhận được từ chính cương, đường lối, nghị quyết của đảng. Hai nguồn có thể bổ sung cho nhau hoặc hạn chế lẫn nhau. Câu nhận xét “Người ấy là đảng viên nhưng mà tốt” ẩn chứa tác dụng khác nhau của hai nguồn.
Nhận xét cho rằng đảng trước đây (của Hồ Chí Minh) tốt hơn đảng bây giờ. Hình như đó là hai đảng khác nhau. Đây là một nhận thức nhầm vì đã đồng nhất bản chất của đảng với hoạt động của đảng viên. Bản chất của đảng do chính cương, đường lối, điều lệ quy định, mà những thứ này cơ bản không thay đổi. Chỉ có đảng viên trước đây tốt hơn đảng viên bây giờ, hay là đảng viên bây giờ kém hơn trước đây. Sự tốt hơn không phải do thu nạp mà nhờ tự có. Ngược lại sự kém hơn chính là do thu nạp trên một nền tự có yếu kém.
Đảng hiện nay xấu hơn đảng trước đây là đúng thực tế, vì rằng một số người đã biến đảng thành tổ chức của các nhóm lợi ích. Có ý kiến đề xuất đổi mới tổ chức thành “Một đảng của dân tộc”. Đó là một dạng nhận thức nhầm, vì rằng nếu đảng là của dân tộc thì sẽ dễ nhanh chóng trở thành độc quyền, độc tôn, không chấp nhận đa nguyên hoặc tự đặt cao hơn các đảng chính trị khác, lãnh đạo, chi phối các đảng khác (giống như ba đảng trước đây).
Tại sao đảng viên bây giờ có phẩm chất kém. Đó là do phạm sai lầm khi lựa chọn người để kết nạp. Đáng ra phải xuất phát từ điều kiện cần (làm cho đảng vững mạnh, trong sạch) và bổ sung bởi điều kiện đủ (đạt được các tiêu chuẩn), nhưng đại đa số các chi bộ làm ngược lại. Họ quan tâm và xuất phát từ tiêu chuẩn mà không hoặc rất ít quan tâm đến điều kiện cần. Ở các cuộc họp xét kết nạp đảng viên mới, câu hỏi chủ yếu là đã đủ tiêu chuẩn hay chưa. Cách làm như vậy tạo sơ hở lớn cho những kẻ cơ hội vào đảng.
Hồi tôi còn trẻ (giữa thế kỷ 20) nhiều bạn đoàn viên thanh niên đặt kế hoạch phấn đấu vào đảng. Các bạn khác cho rằng, đặt như thế dễ rơi vào cơ hội. Họ đặt kế hoạch học tâp, tu dưỡng thành người chân chính, chuyên môn giỏi, đạo đức tốt, thế rồi đảng có kết nạp họ hay không là tùy yêu cầu của đảng. Những người như thế bị quy là xem nặng chuyên hơn hồng, rất ít người được chi bộ cho trở thành cảm tình và đối tượng.
Cho rằng đảng viên thoái hóa, biến chất làm suy sụp đảng chỉ đúng về hình thức, là nguyên nhân gần, trực tiếp. Nguyên nhân cơ bản, sâu xa nằm ngay trong tổ chức và chủ trương của đảng. Vì đường lối tổ chức sai lầm nên bọn cơ hội mới lợi dụng để chui vào được. Vào được rồi chúng mới dựa vào thể chế độc quyền đảng trị để leo cao. Lên được càng cao thì thu lợi càng lớn. Thế thì làm gì có trong sạch, có liêm chính.
Vì quan niệm và cách làm sai trong việc chọn đảng viên, vì chủ trương độc quyền, không dân chủ ngay từ trong đảng nên những người tài giỏi, trung thực đang là đảng viên thì tìm cách từ bỏ, chưa là đảng viên thì xa lánh, để đảng lại cho bọn cơ hội thao túng. Không hoàn toàn giống như nhận xét, rằng thanh niên “nhạt đảng, khô đoàn” vì lo chạy theo đồng tiền. Nếu nói chạy theo tiền thì chính bọn cơ hội trong đảng chạy mạnh nhất. Mà kiếm tiền một cách chân chính cũng đáng được khuyến khích chứ.
Đảng có vững mạnh mới có khả năng lãnh đạo toàn diện. Mạnh do số lượng và chất lượng. Số lượng cũng cần, nhưng để lãnh đạo thì chất lượng quan trọng hơn, có tính quyết định hơn. Bài học của Singapore là không cần thật nhiều đảng viên mà rất quan tâm đến chất lượng. Họ ưu tiên tìm những người giỏi đã từng phê phán chủ trương và việc làm của đảng. Hình như đảng của họ không lo gì đến việc củng cố và làm trong sạch tổ chức.
Lãnh đạo ĐCSVN tự hào vì đã vạch ra một đường lối cán bộ hoàn hảo, một quy hoạch cán bộ chặt chẽ, đã kiến tạo được “Lồng nhốt quyền lực” đã nêu ra được khẩu hiệu mạnh mẽ “Triệt để chống chạy chức chạy quyền, chống ham hố quyền lực”, đã quy định được 19 điều cấm đảng viên, đã có nghị quyết đảng viên không được ứng cử. Họ tưởng đấy là sản phẩm bậc cao của những đầu óc thông tuệ. Họ không chấp nhận sự góp ý, phản biện của bất kỳ ai. Thực ra, những điều trên đây phạm vào lỗi rất nặng về phản dân chủ, phản khoa học, phản tiến bộ, phi logic. Vận dụng chúng chủ yếu tìm được bọn cơ hội thiếu thông minh, kém trung thực mà nhiều âm mưu, lắm thủ đoạn. Còn những người tài giỏi và trung thực sẽ tránh xa hoặc bị loại ngay vòng đầu.
Quy hoạch cán bộ là một cách giữ chỗ cho tay chân thân tín, thường kém tài đức. Cứ kiểu này thì trình độ cán bộ càng ngày càng thoái hóa. Tổng bí thư hết sức chống đối tam quyền phân lập để giữ cho được độc tài toàn trị của đảng. Chống chạy chức chạy quyền, mới nghe tưởng là liêm chính, nhưng ẩn chứa nội dung ngụy biện.
Chạy chức chạy quyền là sự vu cáo trá hình việc tự vận động hoặc nhờ vận động để cho mình thắng cử hoặc được giao làm một việc gì đó quan trọng. Chống chạy chức chạy quyền phải chăng chức quyền là thứ xấu xa, bỉ ổi. Không phải như thế. Vì quá vô minh mà đã nhận nhầm. Cái rất cần chống là lạm dụng quyền lực để mưu lợi riêng chứ không phải chống ý muốn có quyền lực. Quyền lực có bản chất trung tính, nó có thể làm tha hóa bọn người này, đẩy chúng vào tội lỗi, đồng thời nó có sức mạnh giúp đỡ những người thiện chi, có tài năng và đạo đức thực hiện những tư tưởng tốt đẹp, những dự án ích nước lợi dân.
Chủ trương chống ham hố quyền lực là sản phẩm của một trí tuệ thấp kém, không phân biệt được hai mặt của quyền lực. Ham muốn là một động lực giúp thành công. Bầu Quốc hội, giả sử có ứng viên nói rằng không ham muốn làm nghị sĩ thì mọi người không nên bầu cho hắn. Không chỉ bầu Quốc hội mà bầu chức vụ gì cũng nên như thế.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.