Các vị lãnh đạo nghĩ gì? Một hệ thống do dân, vì dân hay sẵn sàng ăn thịt dân?
Tiếp nối việc các tỉnh thành đua nhau mua kit xét nghiệm của Việt Á với giá cao để hưởng lợi là việc các chuyến bay “giải cứu” bà con đang bị kẹt ở nước ngoài về Việt Nam với giá cao. Có người phải về nước bằng cách qua Campuchia, dù vất vả nhưng rẻ hơn, tầm 44 triệu đồng thay vì 170 tới 240 triệu đồng cho một vé máy bay từ Mỹ về Việt Nam. Theo tiến sỹ Lương Hoài Nam, so với những chuyến bay giải cứu thời kì đầu thì giá tăng lên 3 tới 6 lần.
Cái văn hoá chặt chém này từ đâu ra? Ai phải chịu trách nhiệm về cái văn hoá “ăn thịt” đồng loại này và ai nên thấy xấu hổ?
Xin thưa, tất cả là do hệ thống này sinh ra và những người đứng đầu hệ thống nên thấy đấy là trách nhiệm của mình và nên thấy xấu hổ. Văn hoá Việt Nam luôn đề cao tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “một con ngựa đau cả tầu bỏ máng” hay “chị ngã em nâng”. Mùa dịch, có biết bao tấm lòng người dân giúp đỡ nhau, các doanh nhân bỏ tiền tỉ ra mua quà, nấu những bữa ăn tri ân các cán bộ y tế đang chống dịch hay an ủi những bà con khốn khó thì những người trong hệ thống tận dụng cơ hội này để “ăn thịt” đồng loại.
Chính cái hệ thống hô hào đốt lò này lại là một cỗ máy hoàn hảo sản xuất ra củi. Đã nói tới tham nhũng thì chỉ có cán bộ trong hệ thống chứ dân thì làm gì có cơ hội nào mà tham với nhũng?
Một hệ thống luôn đề cao “do dân vì dân” nhưng hở ra là “ăn thịt” dân. Tôi nghĩ các cuộc điều tra nên làm sâu vấn đề ai là người đưa ra chủ trương chọc mũi dân lao động với giá cao liên tục như vậy. Đành rằng là chống dịch nhưng liệu đằng sau việc hô hào ngoáy một cách thần tốc ấy còn có động cơ gì nữa không?
Văn hoá là một quá trình xây dựng lâu dài và ảnh hưởng của bộ máy cầm quyền tới văn hoá là rất lớn bởi nhà dột từ nóc. Thử nghĩ xem, sự việc mua kit xét nghiệm giá cao hay bóp chẹt giá vé hồi hương của đồng bào xa xứ liệu có xảy ra ở một nước như Nhật Bản hay không?
Mặc dù nước nào cũng có tham nhũng nhưng ở họ không trở thành quốc nạn như ở Việt Nam. Đây là một hệ thống tham nhũng có hệ thống, đây là một căn bệnh ung thư di căn toàn hệ thống. Đấy chỉ là những ngành liên quan tới dịch bệnh nhưng khi có cơ hội thì tôi tin rằng những ngành khác cũng sẽ bộc lộ sự bẩn thỉu ra một cách tràn lan không kém.
Một bộ máy bị ung thư tham nhũng di căn khắp nơi thì đấy là một thảm hoạ cho đất nước, cho dân tộc. Nó sẽ làm yếu đi mọi mặt. Quân sự, kinh tế, lòng tin của dân vào bộ máy lãnh đạo và vào tương lai.
Trẻ em khi biết những điều này, chúng sẽ cảm thấy xã hội mà chúng chuẩn bị bước chân vào là một xã hội bẩn thỉu, chúng sẽ tìm cách làm việc, sinh sống ở nước ngoài khi có cơ hội. Niềm tự hào của chúng về đất nước sẽ không còn.
Tôi cứ tự hỏi liệu những vị lãnh đạo cao cấp có cảm thấy vấn đề này rất nghiêm trọng, rất đáng xấu hổ, đáng báo động và cần thay đổi không?
Một xã hội có nhiều vấn đề như vậy nhưng liên tục bỏ tù những người đấu tranh cho dân oan, cho dân chủ, nhân quyền. Vậy toàn dân nên biến thành một lũ cừu, không được ho he gì về những sai trái của bộ máy cầm quyền hay sao?
Tin tôi đi, rồi đây sẽ còn rất nhiều những be bét được bung ra trong những ngành khác. Không có một loại thuốc nào chữa được ung thư đã di căn, trừ khi những người đứng đầu có một tầm nhìn nhìn thấu đáo vấn đề và đưa ra những cải cách cần thiết. Điều trước tiên cần làm là hãy cho phép dân mở miệng, lắng nghe và động viên những ý kiến phản biện. Làm thế không những hạn chế được tham nhũng mà còn có tác dụng thúc đẩy tư tưởng tiến bộ từ thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước.
Tư tưởng tiến bộ, cởi mở, cách nhìn thẳng thắn vào những vấn đề của xã hội giống như luồng ánh sáng hồng ngoại soi rọi vào những ổ bệnh tối tăm bẩn thỉu, sẽ giúp xã hội tốt dần lên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.