Thứ Bảy, 15 tháng 1, 2022

Về Tịnh Thất Bồng Lai

 

Về Tịnh Thất Bồng Lai

Đất nước thống nhất đã gần 50 năm, nhưng Phật giáo vẫn chưa “thống nhất”. “Thống nhất” ở đây có thể là dưới danh xưng một “Giáo hội” duy nhất hoà hợp, hay cũng có thể chẳng cần “Giáo hội” nào đại diện cho ai cả, chỉ cần đúng nghĩa Phật giáo Việt Nam thôi. Bởi vốn dĩ ngoài “Giáo hội” vốn là truyền thống của các tông môn, sơn môn, dòng tu, hệ phái…

Ở Việt Nam hiện nay tồn tại 2 Giáo hội Phật giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất có trước 1975 và Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước cho thành lập năm 1981.

Đã nằm trong danh nghĩa “Giáo hội” thì đừng bỏ nó ra ngoài khái niệm “chính trị”. Tôn giáo (Giáo hội) và chính trị là sự kết hợp, thúc ước lẫn nhau khi mạnh khi yếu giữa thế quyền và thần quyền trong cùng một bộ máy cai trị.

Thời Phật còn tại thế không gọi là “giáo hội” mà gọi là Tăng đoàn. Tăng đoàn cũng không ra ngoài sự ủng hộ hay ngăn cản từ các vị quốc chủ (quốc vương). Nhưng cho dù được ủng hộ hay không thì Tăng đoàn cũng được thiết lập trên các nguyên tắc căn bản của giới luật.

Sau khi Phật nhập diệt thì lấy giới luật làm Thầy. Cho dù mang danh xưng Giáo hội nào thì căn bản tu hành vẫn là giới luật. Việc công nhận của nhà nước nào đó với một giáo hội, có giấy chứng nhận Tăng Ni hợp pháp hay không cũng không làm thay đổi bản chất của những giới luật mà một người xuất gia thọ nhận (5 giới, 10 giới cho đến 250 giới).

Một tu sĩ tu theo Giáo hội nào cũng được miễn biết là tuân thủ và giữ gìn các giới luật đã được truyền trao. Việc tu sĩ có bằng cấp Phật học hay thế học cao thấp đến đâu chỉ là chuyện ứng thế nhập thế, nó không bao giờ thay thế được giới luật.

Do đó, xin nhắc lại, dù theo Giáo hội nào (được nhà nước công nhận hay không) thì căn bản vẫn theo truyền thống giới luật. Giới luật còn thì Phật pháp còn. Giáo hội có thể mất hay thay đổi danh xưng nhưng Phật pháp vẫn lưu truyền trên nguyên tắc giới luật được kế thừa truyền trao từ các dòng tu, tông môn, sơn môn, hệ phái…

Chính vì thế không thể có người tự xưng tu sĩ Phật giáo mà chưa từng thọ nhận giới luật Phật giáo (chú tiểu giữ 5 giới, sa đi giữ 10 giới, tỳ kheo giữ 250 giới).

***

Nói dài dòng như vậy để liên hệ một chút đến tịnh thất Bồng Lai.

Cần xác định rõ, những thành viên Tịnh thất Bồng Lai không phải tu sĩ đạo Phật dù tự nhận hay không xét trên căn bản việc thọ nhận và truyền trao giới luật.

Chính vì vậy Giáo hội Phật giáo chỉ cần xác nhận họ không thuộc tăng sĩ Giáo hội quản lý là được, không cần bàn việc vi phạm giới luật hay không vì họ có phát nguyện giữ giới đâu mà bàn chuyện họ phạm giới.

Ảnh ông Lê Tùng Vân và các đệ tử trên Internet

Cũng cần nói thêm, họ không phải tăng sĩ theo truyền thống giới luật Phật giáo, nhưng họ là những người thờ Phật, tu Phật (dù tu tại gia cũng là tu).

Tu Phật có nhiều đường lối, phương pháp, đặc biệt đặt trong bối cảnh vùng đất Nam Bộ khi có rất nhiều “đạo nội sinh” thờ Phật, tu Phật như Hoà Hảo, Tịnh độ Cư sĩ hay ít nhiều liên quan đến giáo lý Phật giáo như Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa…

Đặc biệt một nhánh “tăng sĩ” mang hình tướng tăng sĩ nhưng tu theo phái Cổ Sơn môn, họ cũng lập chùa, cạo đầu, đắp y áo như tăng sĩ nhưng có vợ, có con, đôi khi cả gia đình cùng cạo đầu đi tu. Nếu không y cứ giới luật mà chỉ nhìn hình thức bên ngoài thì họ không khác gì các tăng sĩ Phật giáo hiện nay.

Từ những liên hệ trên cho thấy, ông Lê Tùng Vân và các thành viên trong gia đình không nhận mình là tu sĩ Phật giáo, còn việc họ tự tu tại gia theo Phật với cách nào là quyền tự do của họ, miễn là họ không xúc phạm các tôn giáo khác. Thực tế, qua hình ảnh, ông Lê Tùng Vân có cạo đầu, từng mặc áo hậu vàng, nhưng chưa thấy ông đắp y sa di hay tỳ kheo bao giờ. Việc cạo đầu tự tu ở Nam Bộ rất phổ biến. Còn các vị khác mặc áo nâu ngắn hay dài cũng là các bộ đồ người tu sĩ Phật giáo, người Phật tử tại gia hay người bình thường thường mặc.

Nhà nước cũng chưa có một văn bản luật nào cấm người dân bình thường ăn mặc hay giả dạng tu sĩ các tôn giáo, vì thế giáo hội chỉ có thể nêu vấn đề chứ không có căn cứ xử lý trong các tình huống giả dạng cụ thể. Việc giả dạng tu sĩ đi khất thực xưa nay vốn là một vấn đề nan giải ảnh hưởng không nhỏ tới hình ảnh tăng sĩ Phật giáo.

Những cáo trạng làm căn cứ khởi tố vụ Tịnh thất Bồng Lai ở khía cạnh “loạn luân” hay “lợi dụng tôn giáo trục lợi” thì phải xem chứng cớ sai phạm đến đâu, sự thật ra sao. Khi chưa bị toà tuyên án, cần tôn trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Còn tội “lạm dụng quyền tự do dân chủ…”, thì xin lỗi một cụ già 90 và các đệ tử, con cháu trong gia đình họ so với một “bà doanh nhân” ra rả suốt ngày nào đó thì thật oan ức cho họ ở cái tội danh này.

***

Ở một góc nhìn cá nhân, thật sự đồng cảm và thấy đáng thương cho một gia đình mà đa số các thành viên có kỹ năng ca hát, gây được tiếng vang. Bản thân tôi cũng từng nghe các “thầy” đó hát, họ hát hay và truyền cảm…

Một gia đình vui vẻ như thế bỗng cái con tan tác, không khỏi xót xa. Rồi những đứa trẻ sẽ lớn lên như thế nào khi đối diện với những tội danh gắn lên gia đình họ.

Đời người ai không lầm lỗi, nhưng chỉ cần có tâm tu Phật, một cái cúi đầu trước Phật cũng đã kết một thiện duyên vô ngã, niết bàn.

Lại nhớ câu chuyện trong kinh Phật kể, một tên thợ săn vì muốn đoạt được bộ lông vàng qúy giá trên mình con hổ mà đắp y giả dạng thầy tu ngồi trong rừng. Khi thấy con hổ đi ngang, hắn lén lấy cung tên ra bắn. Con hổ bị trọng thương, tuy nhiên sức của nó còn rất mạnh, có khả năng vồ chết tên kia. Dù đã phân biệt được thầy tu giả nhưng nó kịp nhớ ra hàng ngày ngồi nghe các vị tăng thuyết pháp trong rừng sâu, giờ nó có thể vồ chết tên thợ săn nhưng nó không thể làm tổn thương hình bóng chiếc y mà tên kia đang khoác, vì đó là chiếc y giải thoát. Rồi người ta không rõ sẽ nói con hổ vồ chết thầy tu…

Con hổ còn tha mạng cho kẻ giả tu, thì người tu sĩ Phật giáo cũng không cần lên tiếng kết tội tùy tiện, dồn họ vào đường cùng. Chuyện họ vi phạm pháp luật đến đâu chờ xem bằng chứng xét xử trước toà có thỏa mãn dư luận hay không.

Đức Phật dạy:

Mọi người sợ hình phạt,

Mọi người sợ tử vong.

Lấy mình làm ví dụ,

Không giết, không bảo giết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.