Thứ Hai, 30 tháng 12, 2019

Di sản Nguyễn Trọng Vĩnh

Di sản Nguyễn Trọng Vĩnh

Lê Văn Tâm
Cụ Nguyễn Trọng Vĩnh đã từ biệt chúng ta, ra đi về hàng ngũ của những người từng ưu tư, hành động, hy sinh cho đất nước trường tồn.
Cụ đã sống một cuộc đời dữ dội, nhưng cuộc sống riêng tư thì giản dị, cá tính hiền hòa, lúc nào cũng ưu tư, lo lắng cho tình hình đất nước và dân tộc. Cụ ra đi, để lại cho dân tộc Việt Nam nhiều tài sản đồ sộ:
1. Tư tưởng hãy sống vì dân vì nước đến khi cả tuổi cao, sức yếu;
2. Nhận thức rõ và gọi thẳng tên kẻ thù Trung Quốc xâm lược và kêu gọi nhân dân cảnh giác, chuẩn bị đề kháng;
3. Dũng cảm khi phản đối, khi kêu gọi nhà cầm quyền chấm dứt hay thay đổi các chính sai trái, đặc biệt là các chính sách đối với Trung Quốc xâm lược, tư tưởng thủ cựu, giáo điều, độc đoán;
4. Sống một cuộc đời đơn giản, nhưng kiên trì cá tính và phẩm giá của mình;
5. Ôn hòa, hòa đồng với mọi người, lúc nào cũng muốn xã hội tươi đẹp hơn.
Theo tôi, di sản lớn nhất mà cụ để lại cho người dân Việt Nam là tấm gương tự phá xiềng xích trói buộc suy tư của mình. Cụ là người yêu nước nồng nàn và do thời cuộc và hoàn cảnh lịch sử, cụ đã tham gia chiến đấu cho độc lập Tổ quốc với tư cách một đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhưng bối cảnh xã hội Việt Nam và thế giới thay đổi, nhận thấy chế độ độc tài đảng trị, tư tưởng bảo thủ, giáo điều là nguy cơ cho dân tộc, cụ kêu gọi trở về đường lối Dân tộc và Dân chủ. Dân chủ phải là người dân trực tiếp bầu người lãnh đạo, người đại diện cho mình. Dân chủ phải là công bằng và minh bạch, xã hội được quản lý bằng pháp luật. Người làm ra luật (Quốc hội), người thi hành luật (Chính phủ), người kiểm tra luật có được thi hành nghiêm chỉnh không (Tư pháp) phải được phân quyền rõ ràng thì mới có công bằng và minh bạch. Người Việt Nam, các dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam rất ưu tú. Khi có công bằng và minh bạch, tức là khi có cơ hội bình đẳng như nhau, đất nước Việt Nam sẽ tiến bộ vượt bực. Dùng chữ Hán, thì gọi là “tam quyền phân lập”. Vì có những thế lực bảo thủ mẫn cảm với từ tam quyền phân lập, nên bức thư mà cụ tham gia ký tên kêu gọi trở về Dân tộc và Dân chủ. Dân tộc và Dân chủ là khát vọng thiêng liêng của người dân Việt Nam.
Tự phá bỏ xiềng xích trói buộc suy tư của mình, tự thay đổi suy tư của mình cho phù hợp với trào lưu của thời đại, để thay đổi Tổ quốc theo hường tốt đẹp hơn, phải chăng là tấm gương của cụ đối với đồng chí và đồng bào của mình.
Một số người không có dịp đọc lịch sử Nhật Bản có thể nghĩ Minh Trị Thiên Hoàng là một bậc anh quân làm nên sự nghiệp thần kỳ là Duy tân nước Nhật. Thật ra đó là sự nghiệp của giới sĩ phu, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có kiến thức trong giới bình dân của Nhật. Họ cũng phải trải qua những suy tư đơn thuần là diệt trừ người nước ngoài trên đường phố Nhật, đốt phá lãnh sự quán của nước ngoài, họ đảo chánh lẫn nhau… Nhưng rồi họ cũng thấy đường lối ấy không phù hợp, phải thay đổi suy tư và họ đã cùng nhau nhận thức là phải học tập các kiến thức của các nước Âu Mỹ để bảo vệ Tổ quốc và đuổi kịp các cường quốc thời ấy. Sự thay đổi suy tư ấy dẫn đến việc đánh đổ chế độ thủ cựu Mạc Phủ ở Tokyo và thực hiện công cuộc Minh Trị Duy Tân.
Người Nhật gọi những người thực hiện công cuộc duy tân lớn lao ấy là các chí sĩ.
Tôi xin được gọi cụ Nguyễn Trọng Vĩnh là một chí sĩ. Một chí sĩ lớn của Việt Nam.
Và xin đề nghị các cựu chiến binh mà cụ đã một thời làm đại diện, những người trẻ Việt Nam, các bậc thức giả, mọi người Việt Nam cùng theo gương cụ Nguyễn Trọng Vĩnh thay đổi suy tư, tiến đến con đường Dân tộc và Dân chủ, đưa Đất nước và Dân tộc Việt Nam đến một tương lai tươi sáng.
Theo gương cụ, phải chăng là cách tri ân và từ biệt một chí sĩ lớn của dân tộc.
L.V.T.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.