Thứ Tư, 25 tháng 12, 2019

Vai trò của giới chóp bu trong các cuộc cách mạng hậu Cộng sản (Phần 1)

Vai trò của giới chóp bu trong các cuộc cách mạng hậu Cộng sản (Phần 1)

24-12-2019
Tác giả: Paul D’Anieri
Minh Tâm biên dịch
TÓM TẮT:
Từ năm 1999, các quốc gia hậu cộng sản đã chứng kiến một loạt các nỗ lực nhằm lật đổ các chế độ bán độc tài, trong đó các cuộc cách mạng thành công được biết đến với tên gọi “Các cuộc cách mạng màu”. Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc nổi dậy đều thành công. Bài báo này sẽ tìm cách giải thích sự đa dạng của các kết quả. Luận điểm trung tâm ở đây là giới chóp bu. Đặc biệt là các lực lượng vũ trang, đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc cách mạng. Quan trọng hơn nhiều so với những gì từng được khẳng định trước đó.
Hành động của giới chóp bu đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy các cuộc biểu tình đạt tới “điểm ngưỡng”, điểm mà tại đó số lượng người tham gia biểu tình tự động tăng lên tới mức khiến chế độ độc tài sụp đổ. Luận điểm này sẽ được kiểm chứng thông qua khảo sát, so sánh giữa hai phong trào thất bại trong việc lật đổ chế độ độc tài thông qua các cuộc biểu tình đường phố (ở Serbia 1996-1997 và Ukraine 2001) với hai phong trào thành công (ở Serbia 1999 và Ukraine 2004).
GIỚI THIỆU
Bắt đầu với Serbia năm 1999 và gần đây hơn là Kyrgyzstan năm 2005, một loạt các cuộc cách mạng đã xảy ra trong thế giới hậu cộng sản, trong đó các chế độ bán độc tài – hậu toàn trị (trước đó nằm dưới sự cai trị của các chế độ cộng sản toàn trị) đã bị lật đổ thông qua các cuộc biểu tình quần chúng lớn trên đường phố. Các học giả, nhà báo và các nhà làm chính sách đã dành nhiều công sức để giải thích các cuộc cách mạng này, với hi vọng có thể tìm ra một ‘công thức’ để lật đổ các chế độ độc tài.
Nghiên cứu này cũng hướng đến mục đích như vậy, trong đó nhấn mạnh vào vai trò của giới chóp bu trong chính quyền, đặc biệt là lực lượng vũ trang. Trong khi mọi người thường nhấn mạnh đến ‘sự huy động tự phát quy mô lớn’ của người dân đối với thành công của cách mạng, họ đã không nhận thấy rằng, chính giới chóp bu trong chính quyền mới là tác nhân quyết định liệu sự huy động/nổi dậy đó có lớn mạnh và thành công, hay sẽ suy yếu và thất bại.
Trong các trường hợp của Serbia năm 1999, Georgia năm 2003 và Ukraine năm 2004, giới chóp bu (trong chính quyền) không đơn thuần bỏ rơi những người lãnh đạo nhằm tránh một cuộc đổ máu, mà họ đã tích cực hỗ trợ các cuộc biểu tình. Họ không chỉ từ chối thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc biểu tình từ sớm (nhằm giữ cho các cuộc biểu tình chỉ ở quy mô nhỏ), mà còn khuyến khích người biểu tình bằng việc cho thấy rằng họ sẽ không sử dụng vũ lực để đàn áp. Chính vì vậy mà những cuộc biểu tình này đã nhanh chóng đạt đến ‘điểm ngưỡng’, điểm mà mọi người cảm thấy an toàn khi tham gia biểu tình, và vì vậy đã khiến cho cuộc biểu tình ngày càng lớn hơn, đến mức nhà lãnh đạo độc tài không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ quyền lực.
Trong các trường hợp khác, như ở Serbia năm 1997, Ukraine năm 2001, và Azerbaijan năm 2003, giới chóp bu vẫn trung thành với tổng thống, và lực lượng vũ trang đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn không cho các cuộc biểu tình đạt tới ‘điểm ngưỡng’, điều này khiến cho các cuộc biểu tình nhanh chóng xẹp xuống và thất bại.
Vì vậy, rõ ràng rằng sự thành công của các cuộc cách mạng hậu cộng sản có vai trò quan trọng của giới chóp bu trong chính quyền.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT
Lý thuyết biểu tình và cơ chế ngưỡng
Một trong những lý thuyết phổ biến dùng để giải thích biểu tình và cách mạng là ‘mô hình ngưỡng’. Mô hình này tập trung vào giải thích tại sao một số cuộc biểu tình ngày càng trở nên lớn hơn, trong khi một số khác thì không thể đạt được như vậy, chỉ gia tăng tới một điểm nào đó rồi xẹp xuống.
Mô hình này dựa trên hai ý tưởng cơ bản:
– Thứ nhất, các cá nhân sẽ đắn đo cân nhắc khi quyết định có tham gia biểu tình hay không. Các cá nhân khác nhau có ‘ngưỡng’ khác nhau – tức là mức chịu đựng khác nhau khi quyết định tham gia biểu tình;
– Thứ hai, những cân nhắc này sẽ phụ thuộc vào số lượng người đang tham gia biểu tình. Khi có nhiều người hơn tham gia, thì khả năng người biểu tình bị đàn áp giảm xuống, và vì vậy sẽ có nhiều người hơn nữa tham gia, và cơ hội thành công sẽ tăng lên.
Câu hỏi đặt ra là khi nào tiến trình này đạt “điểm ngưỡng”, tức thời điểm cuộc biểu tình tự động tăng lên?
Khi có thêm một người tham gia vào, khả năng thành công tăng lên đồng nghĩa với việc ngưỡng của những người biểu tình khác cũng tăng lên, và vì vậy họ sẽ tham gia vào cuộc biểu tình. Và cứ tiếp tục như thế với những người khác. Hay là việc thêm vào một người sẽ không thay đổi cơ hội thành công đủ để khiến cho chuỗi phản ứng trên diễn ra?
Cơ chế vận hành này có thể được minh họa thông qua câu nói của Oleksandr Omelchenko, thị tưởng thành phố Kyiv, với phụ tá của Viktor Yushchenko vào lúc khởi đầu của Cách mạng Cam: “Nếu bạn mang cho tôi 100.000 người, thì tôi sẽ tham gia với bạn, và chúng ta sẽ có cơ hội giành được quyền lực. Nếu chỉ có 99.000, tôi sẽ không tham gia”.
Từ trên, ta thấy hai dạng chu kì tự củng cố có thể xảy ra:
– Khi triển vọng tăng, nhiều người hơn sẽ tham gia vào biểu tình. Điều này tăng cơ hội thành công, và vì vậy nhiều người hơn nữa tham gia, cứ như thế.
– Trái lại, nếu mọi người hoài nghi về sự thành công, họ sẽ không tham gia. Điều này giảm đi cơ hội thành công, vì vậy chính những người tham gia cũng sẽ từ bỏ, và cứ như thế.
Theo chu kỳ này, các cuộc biểu tình cuối cùng sẽ xẹp xuống hoàn toàn, như từng xảy ra ở Serbia năm 1996-1997 và Ukraine năm 2001.
Từ viễn cảnh trên, câu hỏi chính ở đây là liệu người tổ chức biểu tình có thể gia tăng sự tham gia đến “điểm ngưỡng” mà ở đó cuộc biểu tình sẽ tự củng cố, hay liệu chính quyền có thể giữ cho sự tham gia ở bên dưới ngưỡng.
Trong bài viết này, để hiểu sự thành công và thất bại của các cuộc cách mạng hậu cộng sản, chúng ta sẽ tìm hiểu tại sao ngưỡng lại có thể đạt được trong một số trường hợp, trong khi không đạt được trong những trường hợp khác.
Thời cơ chính trị và huy động
Đối với những nhà cách mạng thì việc huy động đủ người bất mãn cho đến khi đạt được điểm ngưỡng là một thách thức, vì sau đó cuộc biểu tình sẽ tự động gia tăng. Để làm được như vậy, trước tiên chúng ta tìm hiểu hai khái niệm: Năng lực huy động và thời cơ chính trị.
– “Năng lực huy động” liên quan đến khả năng (về mặt tổ chức) của phong trào trong việc thuyết phục người dân tham gia biểu tình, phối hợp các hoạt động, cũng như hỗ trợ vật chất cho cuộc biểu tình.
– “Thời cơ chính trị” là thời cơ mà việc huy động để có thể thành công. Thường liên quan đến cả mức độ đàn áp (sự an toàn khi tham gia biểu tình) lẫn các sự kiện hay chính sách cụ thể khiến cho (người dân tức giận, sẵn sàng tham gia) việc huy động trở nên dễ dàng hơn. Và gian lận bầu cử là một ví dụ về thời cơ chính trị.
“Năng lực huy động” tốt rõ ràng là một yếu tố quan trọng trong các cuộc ‘cách mạng màu”. Trong các trường hợp thành công, phe đối lập với ngân sách và tổ chức tốt, có thể tổ chức để nhiều người xuống đường hơn, duy trì biểu tình lâu dài và tiến hành các hoạt động thách thức chế độ hữu hiệu hơn. Tại Georgia năm 2004, cũng như ở Ukraine và Serbia trước đó, khả năng tổ chức biểu tình đã làm ngạc nhiên cả các nhà quan sát lẫn chính quyền.
Tương tự, “thời cơ cách mạng” đóng vai trò quan trọng. Trong các cuộc cách mạng thành công kể trên, gian lận bầu cử tạo điều kiện cho phe đối lập tập trung sự chú ý của người dân vào hành vi sai trái này của chính quyền, thổi bùng sự tức giận của họ. Rõ ràng rằng, gian lận bầu cử đã cung cấp một “thời cơ chính trị” lý tưởng.
Vai trò trụ cột của giới chóp bu
Giới này không chỉ bao gồm lãnh đạo của lực lượng vũ trang, vốn cực kì quan trọng, mà còn bao gồm các nhân vật quan trọng khác trong chính quyền (ví dụ: Các bộ trưởng), giới doanh nhân, chủ của các cơ quan truyền thông,… tất cả họ góp phần khiến cho các cuộc biểu tình đến gần hơn hay ra xa hơn điểm ngưỡng, qua đó ảnh hưởng đến thành công cũng như thất bại của chúng.
Chẳng hạn, thị trưởng và hội đồng thành phố Kyiv, đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Cam năm 2004, khi phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống vòng hai. Điều này không chỉ làm xói món tính chính danh của chính quyền, mà còn khiến cho những người biểu tình tiềm năng thấy rằng chính quyền thành phố sẽ ủng hộ, hoặc ít nhất, không ngăn cản họ, khiến cho họ sẵn sàng tham gia biểu tình.
Rõ ràng rằng, giới chóp bu đóng vai trò quyết định trong việc cuộc biểu tình có đạt “điểm ngưỡng” hay không, và qua đó quyết định sự thành công của biểu tình.
“Điểm ngưỡng” trong các cuộc cách mạng màu
Nhìn chung, để thành công, phe đối lập phải làm được hai điều này:
– Thứ nhất, phải huy động được số lượng người biểu tình đủ lớn và duy trì được họ đủ lâu để tạo áp lực lên chính quyền;
– Thứ hai, biến các cuộc biểu tình này trở thành yếu tố chi phối trong tính toán của người cầm quyền, khiến cho họ đi đến quyết định rằng tốt hơn hết là từ bỏ quyền lực. Nói cách khác, phe đối lập phải có khả năng dứt điểm cuộc chơi.
Việc thất bại của các cuộc biểu tình chống lại Milosevic vào năm 1996-1997 cho thấy, nếu chỉ huy động hàng ngàn người xuống đường trong thời gian dài sẽ không tự động buộc người cầm quyền từ bỏ quyền lực. Kẻ cầm quyền chỉ làm như vậy khi nhận thấy việc từ bỏ quyền lực sẽ tốt hơn việc chờ đợi với hi vọng người biểu tình sẽ bị đàn áp hoặc tự giải tán. Điều này đòi hỏi phe đối lập phải tạo ra những răn đe thực sự, như bắt giữ, bỏ tù hoặc giết chết nếu người cầm quyền từ chối từ bỏ quyền lực; kết hợp với những khuyến khích như miễn truy tố, chia sẻ quyền lực, hay đối thoại bàn tròn nếu kẻ cầm quyền chịu từ bỏ quyền lực.
CÁC TRƯỜNG HỢP
“Gian lận bầu cử” đã dẫn đến nhiều cuộc biểu tình lật đổ chế độ ở khắp nơi trên thế giới, bắt đầu với cuộc cách mạng ‘quyền lực nhân dân” lật đổ chế độ độc tài của Marcos vào năm 1986 tại Philippines. Trong thế giới hậu cộng sản, có ít nhất 8 nỗ lực cách mạng như vậy; trong đó 4 cuộc cách mạng thành công, được biết đến với tên gọi là “các cuộc cách mạng màu”; đồng thời cũng có một số nỗ lực khác không thành công trong việc sử dụng các cuộc biểu tình đường phố nhằm lật đổ các nhà lãnh đạo độc tài:
– Serbia, 1996-1997: Tức giận với các gian lận trong cuộc bầu cử địa phương, người dân Nam Tư đã biểu tình ở nhiều thành phố. Các cuộc biểu tình này kéo dài nhiều tháng và gia tăng về quy mô, tuy nhiên, đã không buộc được Milosevic từ bỏ quyền lực. Đến đầu năm 1997, các cuộc biểu tình suy yếu và chấm dứt.
– Serbia, 2000: Sau kết quả bầu cử tổng thống gian lận, biểu tình gia tăng đã buộc tổng thống Milosevic từ chức.
– Ukraine, 2001: Sau một loạt những bí mật bị tiết lộ về các hành vi sai trái của tổng thống Leonid Kuchma, một phong trào có tên gọi “Ukraine không Kuchma” đã tổ chức các cuộc biểu tình đường phố, tuy nhiên phong trào nhanh chóng thất bại.
– Georgia, 2003: Sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận, người Georgia biểu tình, và thành công trong việc buộc tổng thống Eduard Shevardnadze từ chức.
– Azerbaijan, 2003: Sau cuộc bầu cử tổng thống gian lận, người biểu tình đổ ra đường để buộc Ilham Aliyev từ bỏ quyền lực. Các cuộc biểu tình bị lực lượng vũ trang ngăn chặn và cuối cùng chấm dứt.
– Ukraine, 2004: Sau cuộc bầu cử gian lận, các cuộc biểu tình buộc chính quyền đồng ý một điều khoản bao gồm tổ chức lại cuộc bầu cử tổng thống vòng hai cũng như thay đổi hiến pháp (và lãnh đạo phe đối lập đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử này).
– Kyrgyzstan, 2005: Sau cuộc bầu cử quốc hội được cho là không công bằng, các cuộc biểu tình đường phố buộc tổng thống Askar Akayev từ chức và rời khỏi đất nước.
– Uzbekistan, 2005: Sau vụ bắt giữ một doanh nhân nổi tiếng ở Andijan, người Uzbeks xuống đường biểu tình, sau đó mở rộng yêu cầu của mình bao gồm phóng thích mọi tù nhân chính trị. Tuy nhiên, họ bị đàn áp bằng bạo lực, khoảng 700 người đã bị giết.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.