Công ty Quốc doanh PV Power Dám Tàn phá Châu thổ Mê Kông
Tác giả: David Brown
Dịch giả: Phạm Long
23-12-2019
Quán tính và bản chất không thích nghe phản hồi của một nhóm lãnh đạo độc tài đang đưa Việt Nam vào thảm hoạ kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, không quá trễ để nhóm lãnh đạo cấp cao (nói chung là Bộ Chính trị) bác bỏ kế hoạch xây dựng đập thủy điện khổng lồ của công ty quốc doanh PetroVietnam trên sông Mekong.
Nếu được xây lên, dự án thuỷ điện Luang Prabang không phải là đập đầu tiên trên dòng chính Mekong trên lãnh thổ Lào; biệt danh này đã thuộc về một con đập phía trên của một tập đoàn Thái Lan xây tại Xayaburi. Và còn ba đập khác do các công ty Trung Quốc tài trợ và xây dựng, có thể sẽ hoạt động trước dự án của PV Power, chi nhánh của PetroVietnam.
Dự án Luang Prabang tiên liệu sẽ là một thảm trạng chính trị của Việt Nam, trừ khi có sự xét lại vào giờ cuối. Chính nhóm lãnh đạo Việt Nam cho phép dự án này tiến hành. Khi bị chất vấn, đại diện Việt Nam đề cập đến việc phải tôn trọng ràng buộc quốc tế, và có thể thật, PetroVietnam đã có thoả hiệp với Lào vào năm 2007.
Từ đó, các đập trên sông Mekong và các phụ lưu của nó đã gây ra thảm trạng môi sinh và kinh tế cho hạ lưu Mekong, vùng thấp này là nơi sinh kế của 20 triệu nông, ngư dân Việt và 10 triệu dân Khơ me, một điều rõ ràng và không thể phủ nhận. Những tác động đó không còn là phỏng đoán.
Vì khi bị đói phù sa và chất dinh dưỡng hàng năm, tính màu mỡ vốn có của đồng bằng sông Cửu Long đang bị thoái hoá. Nguồn di ngư ở đây vốn được cho là nguồn cung cấp ngư sản trên đất liền lớn nhất thế giới, nhưng bây giờ di ngư (bị chặn bởi các đập) không thể trở về những nơi chúng sinh sản, nên số lượng suy giảm nhanh. Năm nay, vùng này bị trận đại hạn hán tiếp nối sau là lụt lội kỷ lục. Biến đổi khí hậu là một phần nguyên nhân, nhưng theo chuyên gia Việt Nam, việc trữ và xả nước không điều hợp của các hồ thuỷ điện thượng nguồn đã biến đổi dao động mùa bình thường mà sinh kế nông, ngư dân cần phải có.
Tháng 6, 2019, PetroVietnam xác nhận, sẵn sàng chủ trì Luang Prabang và kêu gọi chính phủ Việt Nam thiết lập “khung chính sách” cho dự án. Theo báo cáo, PV Power có 38% khẩu phần, chính phủ Lào 20%, và phần còn lại thuộc sở hữu của các nhóm “đầu tư tư nhân”, sau đã bạch hóa là từ các công ty quốc doanh của Lào. Một tháng sau, Lào thông báo chủ đích của họ cho Mekong River Commission (MRC), và tháng 10 MRC tuyên bố khai mạc tiến trình tham vấn 6 tháng cho bất cứ nước nào trong lưu vực, Thái, Lào, Cam Bốt hay Việt Nam cơ hội phản đối dự án.
Tiến trình tham vấn chưa bác bỏ một dự án nào trong bốn dự án thủy điện dòng chính đã đệ nạp, và dù các tổ chức NGO và tổ chức bán chính quyền, như Mạng Lưới Sông ngòi Việt Nam, nhanh chóng phản đối dự án, giới thông thạo tình hình cho rằng, sẽ không có thành viên MRC nào bác bỏ dự án Luang Prabang. Đến giờ này, họ đã đều đúng. Thêm vào đó, có một vài chuyên gia Việt phát biểu quanh co, chấp nhận rằng, chuỗi hồ thủy điện ở thượng nguồn sớm muộn họ cũng xây, nên chiến lược hay nhất cho Việt Nam là giảm thiểu thiệt hại bằng cách điều hành dự án với ít thiệt hại nhất cho nông ngư dân. Họ còn viện dẫn là khi Việt Nam rút ra, Trung Quốc sẽ thay thế.
Đem yếu tố Trung Quốc vào chắc chắn sẽ gây căng thẳng cho quần chúng Việt Nam. Nhưng ngân hàng và công ty Trung Quốc có thật sự thay thế khi Việt Nam rút ra không?
Về phía Trung Quốc, Sinohydro, Datang International và China Power đều là các công ty quốc doanh, đã nắm bài chủ trong việc khai thác Mekong và các phụ lưu của nó. Giờ đây, địa điểm tốt để khai thác thủy điện tại Trung Quốc không còn nữa. Họ có ảnh hưởng rất lớn đối với chính phủ Lào. Hoạt động của họ phù hợp rất tốt với chiến lược “Nhất đái nhất lộ” xây dựng hạ tầng cơ sở của Bắc Kinh để nối kết Trung Quốc với Âu – Á. Viễn tượng Trung Quốc chiếm lĩnh dự án Luang Prabang đang làm các chiến lược gia Hà Nội có chủ trương giữ Lào trong quỹ đạo của Việt Nam băn khoăn lo lắng.
Tuy thế, có lý do tốt khiến các đập dự trù trên Luang Prabang, Pak Lay, Pak Beng bên Lào hay Sambor và Stung Treng bên Campuchia sẽ không thực hiện bởi Trung Quốc, Việt Nam hay nước nào cả. Lý do này không liên quan đến phúc lợi cho dân cư vùng thấp hạ vực, mà chỉ vì độ khả thi kinh tế của chính những dự án năng lượng khổng lồ. Đơn giản vì là chi phí sản xuất điện mặt trời giảm nhanh hơn cả tưởng tượng, nhờ tiến bộ kỹ thuật và công nghệ sản xuất. Nhanh đến nỗi đầu tư của các ngân hàng vào những dự án thủy điện lớn trên Mekong đang bị ngờ vực.
Xét dự án Pak Lay trên dòng chính Mekong, được cho phép tiến hành năm ngoái. Sinohydro dự tính bắt đầu xây năm 2022 và hoàn tất năm 2029. Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc cung cấp ngân quỹ chính cho dự án ứng trước 1,7 tỉ USD (chi phí ngoại vi không được tính). Theo đánh giá kinh tế nộp cho MRC, Sinohydro sẽ bán điện với giá 8,2 xu/kWh suốt 30 năm tuổi đời dự án và trả hết nợ cho ngân hàng xuất nhập khẩu Trung Quốc vào năm thứ 18.
So với giá điện mặt trời có thể cung cấp với giá 7 xu/kWh, (chi phí ngoại vi xem như không có) có thể nhân thêm công suất tuỳ theo nhu cầu, và làm tại các hồ thủy điện đã có sẵn, dự án như Pak Lay trở thành con khủng long kinh tế tiền sử.
Có điều đáng chú ý, có lẽ Trung Quốc không nên quan tâm nếu việc xây đập bỗng ngừng lại vì nước này dẫn đầu thế giới công nghệ sản xuất thiết bị điện mặt trời. Thực tế xét ra, việc cạnh tranh tiến hành thủy điện Lào của Trung Quốc có quán tính đáng kế. Những công ty quốc doanh Trung Quốc có lẽ đã nhúng chân quá sâu sẽ cố gánh chịu khi mặc dù nhu cầu thủy điện Lào bị thu nhỏ.
Còn mức đầu tư của Việt Nam vẫn tương đối thấp. Tuy dự định sắp ký kết một đầu tư lớn vào dự án Luang Prabang, cho đến nay Việt Nam chưa bỏ nhiều vốn vào thủy điện ở Lào. Do đó, nước này – tứ là công ty quốc doanh PetroVietnam – vẫn có thể rút lại lời hứa với Lào vào năm 2007, dựa vào một nguyên tắc được thiết lập vững chắc của luật quốc tế và luật hợp đồng: Là khi gặp phải “hoàn cảnh không lường trước được, thay đổi căn bản”(Việt Nam) có thể được miễn nghĩa vụ ghi trong hiệp ước hoặc hợp đồng đã ký kết.
Thực vậy, căn bản của tình cảnh đã biến đổi ở hai phương diện:
Thứ nhất, tác động của đập thủy điện Mekong và các phụ lưu không rõ rệt như bây giờ. Thời trước thủy điện được xem như năng lượng tái tạo vô hại, chuyên gia chưa làm nghiên cứu về những tác động xấu của chúng trên môi trường và sinh kế dân cư.
Thứ nhì, đến lợi ích kinh tế và chi phí môi sinh của thủy điện so với các nguồn năng lượng khác đã hoàn toàn thay đổi. Năng lượng mặt trời năm 2007 còn rất đắt, thậm chí được xem là kỹ thuật phôi thai phải còn rất lâu mới có thể đóng góp một phần nhỏ vào bảng cân bằng năng lượng cho thế giới.
Ngày nay những trang trại điện mặt trời tiện ích có thể xây và hoạt động nhanh chóng nhân thêm dần, sát theo nhu cầu, và chi phí thấp hơn dự án thủy điện ngang năng suất(ngay khi các chi phí ngoại vi về mất mát sinh kế, suy thoái sản phẩm không kể vào). Thay vì cho xây thêm đập, chiến lược hiệu quả nhất cho Lào là phát triển các trang trại điện mặt trời nổi trên mặt hồ, bổ túc cho những dự án thủy điện có sẵn.
Thật vậy, khi Thái Lan và Việt Nam tái lập hệ thống điện năng để chuyển hướng sang điện gió và mặt trời, mức nhập cảng năng lượng từ Lào của họ sẽ sụt giảm là một cơ nguy rất lớn cho Lào.
Lời kết là gì?
Nếu Việt Nam cố bảo lãnh cho PV Power tham gia dự án Luang Prabang, Việt Nam có lẽ sẽ trở thành chủ nhân của một dự án đầu tư rất đắt và thua lỗ. Khi việc này xảy ra, nhóm lãnh đạo Hà Nội thiếu trách nhiệm không chỉ với dân cư Đồng bằng sông Cửu Long, mà còn với các công dân Việt đóng thuế nữa.
_____
Tác giả: David Brown là người đóng góp bài vở thường xuyên cho Asia Sentinel. Ông là cựu viên chức ngoại giao Hoa Kỳ, có nhiều kinh nghiệm về các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Việt Nam.
Mời đọc thêm: Năng lượng mặt trời sẽ nổi trên sông Mê Kông?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.