Thứ Hai, 28 tháng 2, 2022

Những sự thật về mối quan hệ giữa NATO và Nga (Phần 2)

 

Những sự thật về mối quan hệ giữa NATO và Nga (Phần 2)

NATO

Thục Quyên, phỏng dịch

27-2-2022

Tiếp theo phần 1

III/ Những luận điệu hoang tưởng của Nga về sự cộng tác giữa NATO và Nga:

Hoang tưởng 8: NATO phá hoại an ninhbằng cách đình chỉ hợp tác thực tế với Nga.

Sự thật: Năm 2014, NATO đã đình chỉ mọi hợp tác thực tế với Nga để đáp trả các hành động gây hấn của họ ở Ukraine. Sự hợp tác này bao gồm các dự án ở Afghanistan, chương trình chống khủng bố và hợp tác khoa học. Các dự án này đã mang lại kết quả theo thời gian, nhưng việc tạm dừng chúng không làm suy yếu an ninh của Liên minh hoặc giảm khả năng chống lại các thách thức như khủng bố.

NATO đã nói rõ vẫn tiếp tục tìm kiếm một mối quan hệ mang tính xây dựng với Nga. Nhưng sự cải thiện trong quan hệ giữa NATO và Nga phụ thuộc vào sự thay đổi rõ ràng và mang tính xây dựng trong các hành động của Nga – một hành động thể hiện sự tuân thủ luật pháp quốc tế và các cam kết quốc tế của Nga.

IV/ Những luận điệu hoang tưởng của Nga về sự bành trướng của NATO

Hoang tưởng 9: Nga có quyền yêu cầu bảo đảm rằng Ukraine và Georgia sẽ không gia nhập NATO

Sự thật: Mọi quốc gia có chủ quyền đều có quyền lựa chọn các thỏa thuận an ninh cho mình. Đây là nguyên tắc cơ bản của an ninh châu Âu và là nguyên tắc mà Nga cũng đã ký kết chấp thuận (xem Đạo luật cuối cùng của Helsinki) (1).

Khi ký Đạo luật Căn bản NATO – Nga, Nga cũng cam kết duy trì “tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia và tôn trọng quyền tự nhiên của họ trong việc lựa chọn các phương tiện để bảo đảm an ninh của mình“. Ukraine và Georgia có quyền lựa chọn liên minh của mình và Nga, theo những thỏa thuận do chính Nga nhiều lần ký kết, không có quyền ra lệnh cho lựa chọn đó phải theo ý của Nga.

NATO bác bỏ mọi ý tưởng tạo lại những vùng ảnh hưởng ở Âu châu – chúng đã là một phần của lịch sử và nên thuộc về lịch sử.

Hoang tưởng 10: NATO có căn cứ trên khắp thế giới 

Sự thật: Cơ sở hạ tầng quân sự của NATO bên ngoài lãnh thổ của các nước Đồng minh chỉ giới hạn trong các khu vực mà Liên minh đang tiến hành các sứ mạng. Thí dụ, NATO có các cơ sở quân sự ở Kosovo để thực hiện sứ mạng của KFOR (Kosovo Force) là gìn giữ hòa bình.

NATO cũng có các văn phòng liên lạc dân sự ở các nước đối tác như Georgia, Moldova, Ukraine và Nga. Đây không thể được coi là “căn cứ quân sự”.

Các nước trong Liên minh có riêng các căn cứ ở nước ngoài trên cơ sở các thỏa thuận song phương và nguyên tắc đồng ý của nước chủ nhà, trái ngược với các căn cứ của Nga trên lãnh thổ Moldova, Ukraine và Georgia.

V/ Những luận điệu hoang tưởng của Nga về thái độ của NATO đối với Nga

Hoang tưởng 11: NATO thổi phồng sự sợ hãi về các cuộc tập trận của Nga 

Sự thật: Mọi quốc gia đều có quyền tiến hành các cuộc tập trận, nhưng điều quan trọng là chúng phải được tiến hành một cách minh bạch và phù hợp với các nghĩa vụ quốc tế. Để thúc đẩy tính minh bạch, các thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác tại Âu châu OSCE, bao gồm cả Nga, cam kết tuân thủ các quy định của Văn kiện Vienna. Nếu một cuộc tập trận có sự tham gia của ít nhất 9.000 nhân viên, thì cuộc tập trận phải được thông báo, và nếu nhân sự từ 13.000 trở lên, thì các quan sát viên của OSCE phải được mời tham dự cuộc tập trận.

Những lo ngại của NATO về các cuộc tập trận của Nga là kết quả trực tiếp của sự thiếu minh bạch của Nga. Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Nga chưa bao giờ chấp nhận sự quan sát những cuộc tập trận theo đúng tiêu chuẩn của Văn kiện Vienna.

Nga cũng đã thực hiện các cuộc tập trận nhanh và lớn, bao gồm hàng chục ngàn quân, để đàn áp tinh thần các nước láng giềng. Cách hành xử này làm tăng căng thẳng và xói mòn lòng tin. Cuộc tấn công của Nga vào Georgia năm 2008 và việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014 đã được che đậy như là các cuộc tập trận chớp nhoáng.

Hoang tưởng 12: NATO là một dự án địa chính trị của Hoa Kỳ 

Sự thật: NATO được thành lập vào năm 1949 bởi mười hai quốc gia có chủ quyền: Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Iceland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Na Uy, Bồ Đào Nha, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ.

Kể từ đó, NATO đã phát triển và hiện nay có 30 nước đã tự quyết định tham gia vào tổ chức. Tất cả các quyết định trong NATO đều được thực hiện bởi sự đồng thuận, có nghĩa là một quyết định chỉ có thể được đưa ra nếu mọi nước Đồng minh chấp thuận nó.

Tương tự, quyết định cho bất kỳ quốc gia nào tham gia vào các hoạt động do NATO dẫn đầu hoàn toàn tùy thuộc quốc gia đó và theo các thủ tục pháp lý của riêng quốc gia đó. Không thành viên nào của Liên minh có thể quyết định việc triển khai bất kỳ lực lượng nào của một nước Đồng minh khác.

Hoang tưởng 13: NATO đã cố gắng cô lập hoặc loại trừ Nga

Sự thật: Trong hơn ba thập niên, NATO đã không ngừng nỗ lực xây dựng mối quan hệ hợp tác với Nga.

NATO bắt đầu tiếp cận, đề nghị đối thoại thay vì đối đầu, tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở London vào tháng 7 năm 1990 (2). Những năm tiếp theo, Liên minh đã thúc đẩy đối thoại và hợp tác bằng cách thành lập Quan hệ Đối tác vì Hòa bình (PfP Partnership for Peace) và Hội đồng Đối tác Euro – Đại Tây Dương (EAPC Euro – Atlantic Partnership Council), cho toàn châu Âu tham dự, bao gồm cả Nga.

Năm 1997, NATO và Nga đã ký Đạo luật Sáng lập về Quan hệ , Hợp tác và An ninh, thành lập Hội đồng Liên hiệp Thường trực NATO-Nga. Vào năm 2002, hội đồng này đã được nâng cấp thành Hội đồng NATO – Nga (NRC, NATO – Russia Council) (3).

NATO chủ tâm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Đôi bên đã cộng tác về các vấn đề, từ chống ma tuý và chống khủng bố, đến cứu hộ tàu ngầm và lập kế hoạch khẩn cấp dân sự. Tuy nhiên, vào tháng 3/2014, trước những hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, NATO đã đình chỉ hợp tác thực tế với Nga. Nhưng song song, NATO vẫn mở các kênh liên lạc với Nga. Hội đồng Nga – NATO vẫn là một nền tảng quan trọng để đối thoại. Đó là lý do tại sao Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã mời tất cả các thành viên của Hội đồng NATO – Nga tham dự một loạt các cuộc họp nhằm cải thiện an ninh ở châu Âu.

Hoang tưởng 14: NATO lẽ ra phải giải tán sau Chiến tranh Lạnh 

Sự thật: Tại Hội nghị thượng đỉnh London năm 1990, các nhà lãnh đạo NATO đã nhất trí: “Chúng ta cần tiếp tục sát cánh cùng nhau, để kéo dài nền hòa bình lâu dài mà chúng ta đã có được trong 4 thập niên qua”. Đây là sự lựa chọn của những nước có chủ quyền và hoàn toàn phù hợp với quyền phòng vệ tập thể theo Hiến chương Liên Hiệp quốc.

Kể từ đó, 16 quốc gia khác đã chọn gia nhập NATO. Liên minh đã thực hiện các nhiệm vụ mới và thích ứng với những thách thức mới, đồng thời tiếp tục tuân theo các nguyên tắc cơ bản về an ninh, phòng thủ tập thể và ra quyết định bằng sự đồng thuận.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels vào tháng 6 năm 2021, NATO đã đồng ý cùng tăng cường để hiện đại hóa và thích ứng hóa Liên minh, vạch ra lộ trình cho thập niên tới và sau đó. Khái niệm “Chiến lược tiếp tục” của NATO sẽ là kế hoạch chi tiết cho sự thích ứng này. Vào thời điểm cạnh tranh toàn cầu gia tăng, Âu châu và Bắc Mỹ tiếp tục cùng nhau đứng vững trong NATO. Những thách thức an ninh mà Liên minh phải đối mặt quá lớn và không quốc gia hoặc châu lục nào có khả năng một mình gánh vác.

Cùng với nhau, các nước trong NATO sẽ tiếp tục nhiệm vụ bảo vệ hơn 1 tỷ người.

VI/ Những luận điệu hoang tưởng của Nga về Hoạt động của NATO

Hoang tưởng 15: Hoạt động của NATO ở Afghanistan là một thất bại 

Sự thật: NATO đang tiến hành đánh giá trung thực và rõ ràng về sự can dự tại Afghanistan, xem xét lại điều gì đã có hiệu quả và điều gì không hiệu quả. Ngoài ra, còn có những câu hỏi khó cần đặt ra cho cộng đồng quốc tế rộng lớn hơn.

NATO đã dẫn đầu các nỗ lực quân sự ở Afghanistan trong nhiều năm, nhưng không chỉ riêng nỗ lực quân sự. Các chính phủ quốc gia, Liên minh châu Âu và Liên Hiệp quốc, cũng đã đầu tư rất nhiều vào việc cố gắng phát triển và xây dựng một Afghanistan tốt đẹp hơn. Tất cả chúng ta đều đang đối diện những câu hỏi khó trả lời.

Đồng thời, cũng nên ghi nhận những thành tựu đáng kể đã đạt được. NATO đã ngăn Afghanistan trở thành nơi trú ẩn an toàn cho chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Từ năm 2001, không có cuộc tấn công khủng bố nào từ Afghanistan chống lại các quốc gia Âu – Mỹ. Cộng đồng quốc tế, được hỗ trợ bởi sự hiện diện quân sự của NATO, cũng đã giúp tạo điều kiện đẩy mạnh các tiến bộ kinh tế và xã hội đáng kể.

Không thể dễ dàng đảo ngược những lợi ích này mà chúng ta có thể thấy từ vai trò của thế hệ trẻ, phụ nữ và các phương tiện truyền thông tự do hiện nay tại Afghanistan. Tuy NATO không còn quân đội hiện diện, cộng đồng quốc tế vẫn có đòn bẫy đối với Taliban, bao gồm các công cụ tài chính, kinh tế và ngoại giao. NATO sẽ tiếp tục buộc Taliban giải trình về những trường hợp khủng bố, và về vấn đề tự do và nhân quyền.

Hoang tưởng 16: Hoạt động của NATO tại Libya là bất hợp pháp

Sự thật: Chiến dịch do NATO lãnh đạo đã được khởi động theo thẩm quyền hai Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (UNSCR), 1970 và 1973. Cả hai đều chiếu theo Chương VII của Hiến chương LHQ và cả hai đều không bị Nga phản đối.

UNSCR 1973 ủy quyền cho cộng đồng quốc tế “thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết” để “bảo vệ thường dân và các khu vực dân cư bị đe dọa tấn công”. Đó là những gì NATO đã làm, với sự hỗ trợ chính trị và quân sự của các quốc gia trong khu vực và các thành viên của Liên đoàn Ả Rập.

Sau xung đột, NATO đã hợp tác với Ủy ban Điều tra Quốc tế của LHQ về Libya. Cơ quan này không phát hiện có vi phạm UNSCR 1973 hoặc luật pháp quốc tế, mà thay vào đó kết luận “NATO đã tiến hành chiến dịch với độ chính xác cao và chứng minh quyết tâm tránh thương vong cho dân chúng”.

Hoang tưởng 17: Hoạt động của NATO tại Kosovo là bất hợp pháp 

Sự thật: Chiến dịch của NATO tại Kosovo xảy ra sau hơn một năm nỗ lực ráo riết của Liên Hiệp quốc và Nhóm Liên lạc (Contact Group), trong đó Nga là thành viên, nhằm mang lại một giải pháp hòa bình.

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc nhiều lần đánh giá cuộc thanh trừng sắc tộc tại Kosovo và con số ngày càng cao những người tị nạn là mối đe dọa cho nền hòa bình và an ninh quốc tế. Một chiến dịch của lực lượng Đồng minh NATO được khởi động nhằm ngăn chặn các làn sóng vi phạm nhân quyền và giết hại dân thường theo quy mô lớn và kéo dài.

Sau chiến dịch không kích, Liên Hiệp quốc ủy nhiệm (UNSCR) (4) cho lực lượng KFOR của NATO, ban đầu bao gồm cả Nga, trọng trách bảo vệ Hoà bình, tạo dựng một môi trường an toàn và an ninh tại Kosovo.

______

(1) https://www.osce.org/helsinki-final-act

(2) https://www.nato.int/cps/en/natolive/official_texts_23693.htm

(3) https://www.nato.int/cps/en/natolive/official_texts_25468.htm

(4) https://www.un.org/en/ga/search/view_doc.asp?symbol=S/RES/1244(1999)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.