Đảng vận
Nguyễn Đình Cống
26-2-2022
Đảng vận dùng theo nghĩa là vận động Đảng làm việc gì đó. Đảng có ‘Dân vận’ thì dân có ‘Đảng vận’. Đứng đầu Ban Dân vận của Đảng trước đây là các ông như Xuân Thủy, Vũ Oanh, Nguyễn Văn Linh, Phạm Thế Duyệt, Nguyễn Minh Triết v.v… nhưng gần đây toàn là các bà như Tòng Thị Phóng, Hà Thị Khiết, Trương Thị Mai, Bùi Thị Minh Hoài.
Bài này chỉ bàn đến Đảng vận, không bàn đến Ban Dân vận. (Trước đây tôi đã có bài về ban này).
Đảng vận là hoạt động của Dân. Chưa có Ban Đảng vận nào cả. Hiện nay, xin đề nghị Quốc hội lập ra một Ban như vậy gồm một số đại biểu quốc hội là người ngoài Đảng, mời thêm một số đại diện của các Tổ chức Xã hội dân sự và các cá nhân tiêu biểu.
Nếu Quốc hội không lập được thì Mặt trận Tổ quốc đứng ra lập. Khi mà cả hai nơi này không lập được thì các Tổ chức Xã hội dân sự, các nhân sĩ trí thức cùng nhau hoạt động Đảng vận. Mà dù có một ban như vậy thì sự hoạt động của xã hội dân sự về Đảng vận vẫn rất cần thiết. Song song với nâng cao Dân trí thì hoạt động Đảng vận nhằm nâng cao ‘Quan trí’.
Đảng vận chủ yếu nhằm vận động những lực lượng tích cực, tiến bộ trong Đảng thực hiện tốt nghĩa vụ đối với Dân tộc trong việc xây dựng Đất nước Hòa bình, Thống nhất, Độc lập, Dân chủ, Giàu mạnh, Văn minh nhằm đem lại Tự do, Hạnh phúc cho toàn dân và cho mỗi người. Những việc này được ghi rõ trong Hiến pháp, trong Nghị quyết các Đại hội của Đảng.
Trước hết là chọn thể chế Pháp quyền hay Đảng quyền.
Cần phân biệt thể chế Đảng quyền với Đảng Cầm quyền hoặc Đảng Lãnh đạo. Đảng quyền mang tính toàn trị mà chỉ có “đảng thống trị’ mới chủ trương, còn Đảng Lãnh đạo và Đảng Cầm quyền thì không.
Từ trước đến nay, Tuyên truyền của Đảng vẫn công khai tuyên bố rằng Đảng chủ trương xây dựng Nhà nước Pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Nhưng thực chất Nhà nước Việt Nam trong thời gian qua vẫn mang nặng tính chất Đảng quyền. Đảng vận trước hết là vận động lãnh đạo Đảng trả lại quyền cho Dân để Dân xây dựng chế độ Pháp quyền. Trả quyền cho Dân chủ yếu bằng cách để cho Dân bầu ra một Quốc hội thực sự đại diện được trí tuệ và quyền lợi của họ.
Lâu nay chưa ai nêu ra khái niệm ‘Đảng vận’, nhưng hoạt động đó vẫn tồn tại. Xét về hình thức thì lãnh đạo có quan tâm đến hoạt động của Dân trong việc xây dựng Đảng, ví như Tổng Bí thư kêu gọi mọi người, đặc biệt là trí thức làm phản biện giúp Đảng, ví như mỗi kỳ đại hội của Đảng thì Mặt trận Tổ quốc vẫn thu thập ý kiến đóng góp của nhân dân để phản ánh cho Đảng. Rồi các cuộc họp tiếp xúc cử tri, ngoài các ý kiến đóng góp cho Quốc hội và Chính phủ thì cũng có đóng góp cho Đảng. Nhưng tất cả những hoạt động vừa kể chủ yếu để tuyên truyền, ít có thực chất. Phải làm sao để hoạt động Đảng vận có thực chất, có được kết quả như mong muốn của Đảng và của Dân.
Về phía Dân, đã có khá nhiều góp ý, những phản biện, nhằm giúp Đảng biết được sự thật, thấy được những việc cần làm và cần tránh, nhưng phần lớn những góp ý như vậy bị quy cho là thù địch, là chống đối và không ít người góp ý bị bắt bớ, giam cầm.
Gần đây nhiều vị lãnh đạo cấp cao của Nhà nước có những phát biểu về Nhà nước pháp quyền của dân. Ông Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quan tâm đến Đại đoàn kết toàn dân, thu thập được ý kiến, nguyện vọng của dân. Ông Thủ tường Phạm Minh Chính quan tâm đến việc để cho các địa phương, các cá nhân phát huy thế mạnh, quan tâm đến việc học thật, làm thật, ông Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tuyên bố phải làm ngay những việc dân đang rất cần và trông đợi, ông Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên phát biểu về xây dựng nền báo chí với bốn không v.v… Và rất nhiều lãnh đạo thảo luận về một nền tư pháp độc lập, chỉ tuân theo pháp luật. Phát biểu như thế nhưng rồi làm được những gì thì còn chờ xem.
Đảng vận chủ yếu nhằm vào việc thực hiện những điều tốt đẹp mà Đảng đã tuyên bố công khai, nhưng chưa làm được. Tiến hành việc này là từ Dân mà đại diện là tầng lớp tinh hoa, đặc biệt là những người có dũng cảm, còn kết quả như thế nào lại phụ thuộc vào sự thành tâm, sự lương thiên của Đảng mà chủ yếu là của các lãnh đạo cấp cao.
Việc quan trọng đầu tiên là xây dựng một chính thể dân chủ thực sự với chính quyền của dân, do dân vì dân. Muốn vậy thì Đảng phải từ bỏ độc quyền toàn trị, từ bỏ việc đặt mình cao hơn Hiến pháp và pháp luật, trả lại quyền lực chính trị cho Dân bằng cách để Dân bầu chon một Quốc hội thực sự đại diện cho họ chứ không phải là Quốc hội do Đảng cử Dân bầu. Trong các chức năng đại diện thì đại diện cho trí tuệ là quan trọng nhất.
Đảng vận có nhiều việc, sẽ xin bàn đến dần dần và xin mời các vị đại diện cho trí tuệ của Dân, các vị “Thất phu hữu trách” đóng góp ý kiến. Trước mắt, vấn đề cấp thiết có lẽ là về Quốc hội. Luật về Quốc hội hiện nay có nhiều điều không thích hợp để cho dân bầu chọn người đại diện. Vấn đề cần là sửa đổi các luật đó với một số điều quan trọng sau đây.
Thứ nhất, đại biểu quốc hội không thể đồng thời là thành viên của cơ quan hành pháp (trừ một vài vị trí quan trọng do luật định rõ ràng). Những người đang ở trong cơ quan hành pháp có thể ứng cử, nhưng khi đã trúng cử thì phải tạm ngừng làm việc hành pháp.
Thứ hai, bãi bỏ việc Mặt trận có toàn quyền hiệp thương để quyết đinh danh sách ứng viên và tổ chức họp cử tri. Bề ngoài là Mặt trân, nhưng thực chất vẫn là Đảng. Ở mỗi đơn vị bầu cử không hạn chế số người ứng cử.
Thứ ba, người ứng cử phải làm chương trình tranh cử, họ được tổ chức các cuộc vận động và phải có nghĩa vụ chứng minh sự ủng hộ của một số đông cử tri bằng cách thu thập được một số lượng chữ ký.
Thứ tư, đổi mới, đơn giản hóa việc làm hồ sơ ứng cử, bãi bỏ việc hồ sơ phải được xác nhận của Chính quyền địa phương.
Chỉ mới tạm đề ra một số điều như vậy. Các vị có lòng yêu nước, quý trọng và thương Dân, xin các vị suy nghĩ và đề xuất tiếp. Đây là một phép thử đối với thiện chí của lãnh đạo. Một việc như thế này mà không chịu làm, không làm được thì “Mọi lời nói dù cho có hay đến đâu cũng chỉ là trò bốc phét, để gió bay”. Lúc đó thì Dân không hy vọng vào Đảng vận nữa mà chọn con đường đấu tranh tích cực hơn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.