Hồi ức của một trí thức cũ trong xã hội mới sau 1975 (Phần 8)
18-2-2022
Tiếp theo Phần 1 — Phần 2 — Phần 3 — Phần 4 — Phần 5 — Phần 6 và Phần 7
4) FICONIMEX, SỰ KHÉP LẠI MỘT TRANG ĐỜI
Giữa lúc đó thì một biến cố lớn xảy đến với công ty Ficonimex và gia đình ông Nguyễn Xuân Hòe. Ông bị đột tử ngay trong một phiên họp của đảng bộ công ty! Cái chết bất ngờ của ông gây bàng hoàng cho nhiều người, tất nhiên trong đó có tôi. Dẫu gì, ông và tôi cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ từ những năm 1970, trong đó có bài thơ ông họa lại thơ tôi mà sau 1975, cả ông và tôi đều làm thất lạc. Khi nghe tin, tôi chỉ còn kịp đến nhà ông trên đường Bạch Đằng, Gia Định, gần rạp hát Cao Đồng Hưng, để thắp cho ông nén hương tiễn biệt.
“Đối thủ” của ông Phó Giám đốc tổ chức không còn, câu chuyện bảo lãnh dành cho tôi tạm lắng một thời gian. Lúc bấy giờ, một nhân vật mới xuất hiện tại công ty Ficonimex, và xuất hiện cả trong cuộc đời của tôi, dù là ngắn ngủi. Ông là Hồ Sỹ Ch., một đảng viên kỳ cựu, người gốc Quảng Trị. Được biết, cũng như dòng họ Thân Trọng, Nguyễn Khoa, Hồ Đắc ở Huế, dòng họ Hồ Sỹ ở Quảng Trị thuộc vào tầng lớp “quý phái”, song điều đó không quan trọng bằng việc nghe đâu khi trước, ông Ch. từng hoạt động gần gũi với ông Tố Hữu.
Tôi biết ông Ch. lần đầu khi có dịp đọc một tài liệu do ông đích thân soạn thảo với tư cách Chủ tịch Hội đồng trọng tài kinh tế TP.HCM, nêu những nhận xét về ưu khuyết điểm trong hoạt động xuất nhập khẩu của công ty Ficonimex. Tôi ngạc nhiên về những phân tích và nhận định sắc bén của ông, rất khác với trình độ của những người cùng thời với ông đang tại chức.
Vì thế, tôi không bất ngờ khi được biết sau khi vừa về hưu, ông Ch. đã được ông Đinh Xáng, Giám đốc công ty XNK công tư hợp doanh Ficonimex mời về cộng tác với công ty, với cương vị Trưởng ban Kiểm tra kiêm Chánh văn phòng, thay thế nhân số ông Nguyễn Xuân Hòe vừa qua đời. Quá trình của ông là một đảm bảo khá vững chắc cho mối quan hệ giữa công ty và các cơ quan có thẩm quyền trong thành phố. Khi ông Phan Văn Khải còn làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch thành phố thì ông Ch. là Phó Chủ nhiệm; vào năm 1982, khi ông Khải đã là Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách mảng kinh tế, XNK, thì ông Ch. đã về hưu.
Theo cơ chế và tập quán làm việc lúc bấy giờ, mối quan hệ cá nhân có một tầm mức quan trọng chi phối không ít đến sự thành bại trong hoạt động của một công ty, vì thế sự hiện diện của ông Ch. tại Ficonimex sẽ tạo nhiều thuận lợi cho mối quan hệ giữa công ty và UBNDTP.
Thật thế, khi chính thức làm việc cho công ty Ficonimex, ông Ch. nhận được sự vị nể của chính ông Ba Nam, Chủ tịch Ban liên lạc công thương, cơ quan chủ quản của công ty Ficonimex, được sự trọng vọng của ông Giám đốc Đinh Xáng, và tất nhiên, sự “kính nhi viễn chi” của các Phó Giám đốc. Ngoài chức vụ Trưởng ban Kiểm tra, ông còn kiêm nhiệm chức Chánh văn phòng do ông Hỏe để lại, mà người nhân viên cơ hữu duy nhất là tôi. Ngay trong ngày nhận chức đầu tiên của ông Ch., ngoài tôi đã có sẵn, Phòng Tổ chức còn cử đến cho ông hai người trẻ khác, trong đó, một người thuộc dòng Hồ Sỹ với ông Ch.
Buổi tiếp xúc đầu tiên giữa ông Chất với ba người khá vui vẻ, ông gợi ý mỗi anh em viết ít dòng nhận xét về cơ quan và nêu những đề nghị cần thiết nếu có, để ông tham khảo. Tôi cứ tưởng cả ba đã là nhân viên thuộc quyền ông, không ngờ đó là một hình thức thử việc được ngụy trang dưới một công việc bình thường. Hai ngày sau, ông trả hai người kia về Phòng Tổ chức, chỉ giữ lại mình tôi.
Tại công ty Ficonimex, có vài người nguyên là nhân viên của ông Ch. tại Hội đồng trọng tài kinh tế thành phố. Họ thường nói với nhau về sự thẳng thắn và lòng đôn hậu của ông, và tôi cũng nhận thấy như thế. Song, chỉ một thời gian không lâu sau thì vấn đề của tôi lại nổi lên. Ngày nọ, sau khi họp giao ban với ban Giám đốc, trở về phòng, ông nói với tôi:
– Họ đòi ông phải có người bảo lãnh, tôi nói với họ, tôi bảo lãnh ông.
Nếu người nói câu đó là ông Hòe thì tôi ngạc nhiên, song với ông Ch., tôi không ngạc nhiên. Đó là vì vị thế của hai người rất khác nhau. Ông Ch. là một đảng viên kỳ cựu đã về hưu, những bất trắc do tôi gây ra, nếu có, cũng sẽ không dễ gì làm suy xuyển ông. Vốn là người nghĩ xa, tôi cũng cho rằng ông Ch. muốn qua câu nói ấy, nhắn nhủ với tôi rằng “tôi bảo lãnh ông đó, ông liệu mà có cách xử sự để không làm hại đến tôi!”. Thêm một lần nữa, mình lại là kẻ chịu hàm ơn!
***
Như tôi đã trình bày ở hai bài đầu, Ficonimex là một trong mấy công ty được thành lập thử nghiệm dưới hình thức công tư hợp doanh, sử dụng một phần vốn, cơ sở sản xuất của các nhà “tư sản dân tộc” nên ngoài bộ phận tổ chức dưới quyền một ông Phó Giám đốc là đảng viên, các ông Phó Giám đốc còn lại và một vài trưởng phòng là những người hoạt động kinh tế tại Sài Gòn trước 1975. Phó Giám đốc sản xuất – kinh doanh là ông Trần Văn B., Giám đốc xí nghiệp đông lạnh Việt Long; Phó Giám đốc Kế hoạch là ông Phùng VQ, Giám đốc nhà máy sứ Thiên Thanh.
Với kinh nghiệm của những nhà quản lý XNK lâu năm này, nhất là ông Trần VB, doanh số và lợi nhuận của công ty ngày một gia tăng. Song, bù lại, sự rạn nứt trong nội bộ lãnh đạo công ty ngày một lộ rõ, một phần vì chức vụ Trưởng ban Kiểm tra kiêm Chánh văn phòng của ông Ch. thấp hơn các ông Phó Giám đốc, song vị thế thật sự của ông Ch. đối với ông Giám đốc Đinh Xáng lại cao hơn các vị kia! Mọi ý kiến, đề xuất của ông Ch. đều được ông Xáng nghe theo và sự nứt rạn dẫn đến sự kình chống rõ rệt giữa hai phe.
Tình hình căng thẳng dễ dẫn đến sự hiểu lầm đáng tiếc. Và một sự hiểu lầm tai hại đã bộc phát khi trong một buổi họp sôi nổi, ông Giám đốc người Quảng Ngãi đã nói dỗi bằng câu: “Tôi nghỉ, để cho bọn anh làm”.
Theo vốn hiểu biết về ngôn ngữ địa phương có giới hạn của tôi, thì với người Quảng Nam, Quảng Ngãi, hai cụm từ “bọn anh, bọn tôi” cũng gần đồng nghĩa với hai cụm từ “các anh, tụi tôi”, không nhằm miệt thị người nghe. Song nhiều người trong phiên họp không hiểu, hay không chịu hiểu như vậy, họ kịch liệt lên án ông Xáng là đã xúc phạm mọi người.
Một cái ly đầy nước mà cứ nhỏ thêm nước vào thì ly phải tràn thôi. Những bất đồng gay gắt đã không được hóa giải mà còn chất chồng thêm.
Tháng 7.1983, người ta bắt đầu triển khai quyết định 113 (1982) của Phó Thủ tướng Tố Hữu, sau đúng một năm được ký và phổ biến. Xin nhắc lại nội dung chính của văn bản này là chính phủ không chấp thuận mô hình “công tư hợp doanh xuất nhập khẩu”. Công ty (công tư hợp doanh) Ficonimex bị giải thể, công nhân viên biên chế được chuyển về Tổng công ty XNK thành phố Imexco mới được thành lập, nhân viên hợp đồng được cảm ơn và trợ cấp 1.000 đồng, cho về nhà tùy nghi kiếm sống.
Công việc cuối cùng phải giải quyết là thành lập ban thanh lý công ty, ban này tiếp tục làm việc cho đến khi hoàn tất việc thanh lỳ. Không ngờ chuyện lập danh sách đưa người vào ban này lại gây ra một cuộc đấu tố nhau không một sự kìm chế hay nhân nhượng nào. Một ông Phó Giám đốc có lẽ không được tham khảo, đã coi danh sách này là một cuộc “đảo chánh”. Khi danh sách ban thanh lý công ty được đọc lên, có tên tôi! Thêm một lần nữa, mình nằm trong thành phần những người bị người ta mang ra để đấu tố nhau.
Ngày hôm sau, ông Phùng VQ, Phó Giám đốc kế hoạch, người chủ trì việc thực hiện các thủ tục thanh lý công ty, nhắn người gọi tôi ra làm việc, song tôi thông báo quyết định không tiếp tục công việc nữa.
Cuốn sổ đời tôi khép lại vĩnh viễn với trang Ficonimex và lật sang một trang mới, có cái thoang thoảng của mùi phân chuồng và cái thi vị của ruộng rẫy, bờ ao.
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.