Thứ Bảy, 26 tháng 2, 2022

Những người Cô-dắc (Cossack)

 

Những người Cô-dắc (Cossack)

Ảnh: Phim “Taras Bulba” năm 1962 của J. Lee Thompson (UK)

Ostap trở về từ Kyiv, bị người cha Taras Bulba châm chọc về trang phục, đ… má, chàng trợn mắt, hai ba con mình lâu rồi không gặp nhau, đ… má, đánh nhau cái nào.

Hồi bé đọc “Taras Bulba”, rất thích thế giới của những người Cô-dắc ở phương trời xa lạ đó nhưng không có kinh nghiệm để hiểu họ.

2) Và hôm qua, trên hòn đảo nhỏ xíu ngoài khơi Odessa của Ucraina, 13 lính Cô-dắc (12 nam, 1 nữ) đang canh gác:

“- Đây là chiến hạm Nga. Hãy đầu hàng.

– Đ… má tụi bây. Đầu hàng cái con c… Cút đi.”

Các chiến binh Ucraina ấy tử trận, nhưng làm cho người ta hiểu tinh thần Cô-dắc trong “Taras Bulba” 200 năm trước không phải là hư cấu.

3) Một vài anh chị em thành Đại La mỉa mai gốc gác diễn viên hài của Tổng thống Zelenskyy. Tinh thần của những bạn này thật đáng thương.

Zelenskyy là không diễn hài nhảm nhí. Ông đến với chính trị vì trước đó ông diễn hài chính trị, vai một thầy giáo trung thực, chẳng may bị bầu làm tổng thống, xoay sở một cách khôi hài giữa thế giới chính trị đầy xảo quyệt.

Người Ucraina bầu cho ông một phần vì đã hiểu quan điểm qua những pha châm biếm chính trị của ông trong nhiều năm.

4) Những người Cô-dắc hài hước và can trường sẽ không mỉa mai một xã hội chưa từng dám châm biếm chính trị, chưa từng dám quật người cha uy nghiêm của mình xuống đất như chàng Ostap. Họ chỉ cười nhạt rồi cho qua.

Những kẻ có đời sống tinh thần tầm thường rất thích dùng những từ cao sang như “tổ quốc”. Lãnh tụ Cô-dắc Taras Bulba trong truyện của Gogol mà nghe mấy người này nói, ông sẽ cười nhạt, đ… má, đám này hiểu cái con c… gì về “tổ quốc” để mà yêu? Rồi không quan tâm nữa.

5) Mất hai ngày đại quân Nga mới tới ngoại ô Kyev. Họ chậm hơn tôi hình dung ban đầu. Tôi đã tưởng hoả lực Nga sẽ quét sạch toàn quân Ucraina trong vài giờ, giống như hoả lực Mỹ đã quét sạch các sư đoàn Iraq trên sa mạc 1991.

Ucraina đã dùng chiến thuật phân tán lực lượng thành từng đơn vị nhỏ, không tập trung quân lực vì sẽ bị hoả lực Nga tiêu diệt sạch sẽ trong vài giờ.

Khi phân tán lực lượng, các chiến binh Cô-dắc đã tự do chiến đấu mà không cần chỉ huy thống nhất.

Chỉ huy chỉ cần nói một câu “Hãy gây thương vong tối đa cho kẻ thù”.

Và những chiến binh đầy ngẫu hứng trong “Taras Bulba” đã gây cho Nga thương vong lớn đến bất ngờ.

Facebook của Bộ Tổng Tham mưu Ucraina vẫn rất hài hước khi kể về các chiến công mấy ngày qua. Bạn thấy họ hài hước dù chỉ đọc qua bản dịch tự động.

Đã thêm một ngày nữa trôi qua nhưng đại quân Nga vẫn chưa thể vào Kyev. Những chiến binh Cô-dắc rồi đây sẽ bại trận, tổng thống của họ sẽ bị bắt vì ông từ chối di tản.

“Diễn viên hài” không bỏ chạy mà mặc áo giáp xuống chiến hào động viên tướng sỹ. Ác mộng của Putin chưa thực sự bắt đầu.

Cơn ác mộng cho kẻ diễn vai anh hùng trên bàn giấy trong cung điện ở Moscow chỉ thực sự bắt đầu khi nó giết “Tổng chỉ huy” của những người Cô-dắc.

6) Biểu tình chống cuộc xâm lăng của Putin đã nổ ra ngay lập tức, đồng loạt trên 53 thành phố của nước Nga. Đến nay, gần 2.000 người bị bắt.

Xem những lương tâm của nước Nga trên đường phố Saint Peterburg, tôi chỉ mất vài giây là nhận ra những cô gái Nga nào có mái tóc màu hạt dẻ. Tôi sẽ không giải thích vì sao.

7) Điều đáng thương nhất của các anh chị thành Đại La là họ cuồng Nga nhưng chưa từng cảm nhận được tâm hồn Nga, mỉa mai Ucraina nhưng chưa từng chạm vào tinh thần Cô-dắc, dù chỉ là qua văn chương.

Họ chỉ nói ngôn từ của người khác, yêu ghét bằng cảm xúc của người khác.

Người Cô-dắc không quan tâm đến họ nhưng tôi vẫn phải viết vài dòng về họ. Bởi vì chúng ta là một. Dù sinh ra bên bờ sông Đà, Thừa Thiên, hay Ngũ Quảng, Trấn Tây Thành, chúng ta đều ra đi từ Thăng Long thành cũ. Vẻ đẹp của Tràng An đã mất sẽ trở về trong tương lai.

8) Tâm lý cuồng Nga của một số người ở thành Đại La bắt nguồn từ tinh thần của họ: Họ chỉ có một bên, đó là Bên thắng cuộc.

Mang tinh thần đó vì chưa tách mình khỏi tự nhiên, như Darwin mô tả trong “Nguồn gốc của các loài”, thế giới tự nhiên chỉ chọn những cá thể có tiềm năng sống sót.

Ngô Phù Sai thắng thì Tây Thi theo Phù Sai, Phù Sai bị giết thì theo Phạm Lãi. Suốt nhiều thiên niên kỉ, phụ nữ bị ngăn cản tiếp cận giáo dục và tài sản thừa kế, không còn khả năng tự lập và tạo thêm tài sản cho riêng mình, chỉ có một cách là chọn Bên thắng cuộc.

Đời sống đô thị thế kỉ 20 lần đầu tiên cho người phụ nữ được đi theo hệ giá trị mà tinh thần của mình ấp ủ. Họ chọn giá trị chứ không chọn con người.

Người phụ nữ hiện đại nhìn thắng và thua ở góc độ hệ giá trị chứ không còn thô sơ như “lựa chọn” của Tây Thi (Nàng không được chọn).

Taliban là Bên thắng cuộc nhưng rất nhiều phụ nữ chạy khỏi Kabul. Họ không cần phải yêu những kẻ mình sợ hãi để sống sót. Họ có thể thích ứng những không gian mới.

Chúng ta gặp rất nhiều người phụ nữ như thế ở các đại đô thị châu Á.

Ở Việt Nam, thành Đại La chỉ là một đại đô thị gần đây thôi. Hãy kiên nhẫn. Cần có thời gian. Vẻ đẹp của Thăng Long thành cũ sẽ phục sinh một ngày nào đó.

Dù bạn ở Đà giang tả ngạn, Thừa Thiên, Ngũ Quảng hay Trấn Tây Thành, mỗi chúng ta đều yêu vẻ đẹp của thành Tràng An đã mất.

Cuộc phục sinh của dân tộc Việt Nam (nếu có) cần đến vẻ đẹp của Tràng An đã mất, như xứ Phù Tang phục sinh vẻ đẹp Heian của Kyoto cho cuộc Duy tân thuở nào.

Đ… má, mất 20 phút đánh máy rồi. (Cho em chửi thề tí, cho giống các chiến binh Cô-dắc).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.