GSTS: Gà sống thiến sót!
19-2-2022
Cư dân mạng xã hội Facebook vừa nêu đích danh PGS Nguyễn Minh Tuấn có bài báo “Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay“, đăng trong một tạp chí chuyên về giáo dục toán học và máy tính của Thổ Nhĩ Kỳ khi xét chức danh giáo sư năm 2021.
Nhưng tệ hại hơn đó là một tạp chí giả, cướp danh một tạp chí khác, và cái loại đồ giả ăn cướp này do mấy tay bất hảo Việt Nam làm.
Báo Thanh Niên cho biết: “GS Ngô Việt Trung nêu đích danh là ông Ng.M.T (báo này viết tắt tên Nguyễn Minh Tuấn), ứng viên GS Hội đồng liên ngành triết học – chính trị học – xã hội học. Theo GS Trung, ứng viên này đã công bố công trình của mình trên các tạp chí quốc tế mạo danh. Chẳng hạn, ông Ng.M.T có công trình “Preventing and Combating Political Opportunists in Vietnam Today” (Phòng chống những kẻ cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay) đăng trên tạp chí Turkish Journal of Computer and Mathematics Education (Giáo dục toán học và máy tính Thổ Nhĩ Kỳ) 12, no. 10 (2021), viết tắt là Turcomat. Kiểm tra sơ bộ cho thấy HĐ biên tập tạp chí này chỉ có 4 người, đứng đầu là TS Đinh Trần Ngọc Huy (tự xưng là GS về ngân hàng và tài chính ở TP.HCM), 3 người còn lại có chuyên môn kỹ thuật hoặc tài chính, không liên quan gì đến giáo dục toán học và máy tính, và tất cả đều không làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi nêu thêm một số yếu tố có tính chuyên môn khác nữa, GS Ngô Việt Trung khẳng định: ‘Rõ ràng đây là một tạp chí mạo danh’.
Hoặc với một công trình khác, ông Ng.M.T đăng trong tạp chí PalArch về khảo cổ học ở Ai Cập và Ai Cập học, một tạp chí có tổng biên tập và phó tổng biên tập đều là người Thái Lan, một người có chuyên môn về quản trị kinh doanh, người kia về hành chính công (và ghi địa chỉ làm việc ở Trường ĐH D.T). Toàn bộ các bài báo của số báo mà ứng viên Ng.M.T đăng bài không liên quan gì đến khảo cổ. Dựa vào các dữ liệu này, GS Ngô Việt Trung khẳng định đó là một tạp chí mạo danh. Ngoài ra, ứng viên Ng.M.T còn đăng bài trên một số tạp chí “quốc tế” có nguồn gốc không rõ ràng và không có ban biên tập“.
Trong khi đó trả lời trên báo Tuổi Trẻ, tay này trơ trẽn: “Tôi là ứng viên, khi lần đầu viết trên tạp chí quốc tế cũng lúng túng. Mình cũng không nặng nề, phấn đấu năm nay không được giáo sư thì sang năm phấn đấu“.
Đúng là một loại gà sống (trống) thiến sót (GSTS)!
***
Về sự kiện này, TS Chu Mộng Long bình luận rằng, đó là test kit của ngành giáo dục. Ông viết:
“Ta tự đưa ra chuẩn thật cao: giáo sư, tiến sỹ phải có bài báo quốc tế. Kết quả, không tạp chí quốc tế nào đăng bài cho thì ta tự tạo ra tạp chí quốc tế.
Có làm như vậy thì mới dễ kiếm tiền, móc ngân sách và móc túi lẫn nhau.
Điều này cũng giống như các Hội thảo khoa học quốc tế. Chỉ cần mời một thằng Lào vào dự cũng gọi là quốc tế. Có lẽ là họ học từ cái gọi là đá bóng quốc tế. Chỉ đá giao hữu với Lào đã có thế là trận đấu quốc tế. Trong khoa học và giáo dục, ta tự tạo sân quốc tế luôn.
Trong giáo dục thì hoạt động như vậy đã thành toàn tập. Cải cách giáo dục cho ngang tầm quốc tế bằng cách nâng chuẩn lên cao hơn các quốc gia nhiều bậc. Ở phổ thông thì ta cứ tạo ra chuẩn cao hơn thế giới 2, 3 lớp, nhồi nhét cả những thứ khó trẻ em không thế tiếp cận được để bán sách mẫu, dạy thêm học thêm. Học sinh không đạt được thì ta cứ mua bán điểm, cấy điểm, toàn khá và giỏi. Muốn cải cách căn bản và toàn diện thì ta nâng lên 5 phẩm chất, 10 năng lực cho mỗi em thành một Thượng đế toàn năng. Không có Thượng đế thật thì ta tạo ra Thượng đế giả.
Đối với giáo viên thì ta nâng chuẩn đại học rồi cao học. Rồi đòi hỏi chứng chỉ tin học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ giữ hạng, nâng hạng. Ta đặt ra chuẩn không thế giới nào làm nổi rồi tự hào giáo dục ta chưa bao giờ rực rỡ như bây giờ. Và cứ thế mua bán, kiếm tiền và móc túi nhau đến muôn năm.
Ông cứ làm giả ăn thật đấy, đứa nào lên tiếng phản đối, ông không thấy nhục mà dày mặt ra kết tội phản động, chống phá!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.