Thứ Tư, 23 tháng 2, 2022

Putin đã bỏ mặt nạ xuống và chuyện gì có thể xảy ra?

 

Putin đã bỏ mặt nạ xuống và chuyện gì có thể xảy ra?

Spiegel

Tác giả: Georg Ismar và Christoph von Marschall

Hiếu Bá Linh, chuyển ngữ

Tổng thống Nga Wladimir Putin. Nguồn: DPA/ALEKSEY NIKOLSKYI/SPUTNIK

Trong một bài phát biểu lạnh lùng trên truyền hình Nga, Putin coi Ukraine là một phần của Nga. Ông cáo buộc nước này âm mưu chiến tranh hạt nhân. Những đội quân đầu tiên của Nga có thể đã ở trên lãnh thổ của Ukraine. Ông ta có kế hoạch xâm lược cả nước?

Vladimir Putin phát biểu trước người dân của mình trên truyền hình vào tối thứ Hai, ngày 21-2. Đó là một bài phát biểu đen tối. Tổng thống Nga quay trở lại lịch sử Nga, với những sai lầm của Stalin, của Lenin và ông nhấn mạnh: “Ukraine là một phần không thể tách rời trong lịch sử của chúng ta”. Ông coi nước này ngày nay chỉ là một công trình kiến ​​trúc.

Nó dường như là một lời tuyên chiến – cũng gửi đến phương Tây. Trong bài phát biểu, Putin đã tự lột trần động cơ thực sự của mình. Bất cứ ai vẫn còn nghi ngờ về những điều này nên xem qua bài phát biểu. Các nhà sử học sẽ còn phải bận rộn với nó.

Chỉ vài giờ sau đó, ông ta ra lệnh tiến quân vào miền đông Ukraine với cớ là để bảo đảm hòa bình ở đó.

Như thể đoán trước được những gì Putin giải thích trong bài phát biểu, Thủ tướng Đức Olaf Scholz vào cuối tuần rồi đã nhớ lại một bài tham luận của Putin hồi năm ngoái. Ông Scholz nói hôm 15-2-2022: “Putin đã làm việc như một nhà sử học và viết các bài tham luậnĐiều đó cũng đóng một vai trò lớn trong cuộc hội đàm với ông ấy“.

Trong bài tham luận này, Putin coi người Nga, Ukraine và Belarus về mặt lịch sử là “một dân tộc” và sự sụp đổ của Liên Xô là một thảm họa đối với ông. Và Putin đề cập đến một mô tả về Kiev là “mẹ của tất cả các thành phố của Nga“.

Bài phát biểu truyền hình có lời lẽ và giọng điệu rất giống như thế. Theo đó, Putin không quan tâm đến Hiệp định Minsk hay việc đòi hỏi không cho Ukraina gia nhập NATO mà thay vào đó, ông ta tuyên bố Ukraine là một phần lịch sử của Đế chế Nga vĩ đại.

Cốt lõi của bài phát biểu là gì?

Trong ngày thứ Hai 21/2 mọi thứ đã trở nên căng thẳng hơn. Putin đã triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia của mình. Cuộc họp này có vẻ như một cuộc dàn dựng ở Điện Kremlin để thông qua chương trình hành động của ông ấy mà rõ ràng đã được lên kế hoạch từ lâu. Bài phát biểu đóng vai trò như một sự biện minh lịch sử cho những gì có thể xảy ra. Dưới đây là những đoạn ấn tượng nhất và có lẽ là đáng lo ngại nhất đối với phương Tây:

– Phong trào dân chủ Maidan đã dẫn Ukraine vào một cuộc nội chiến. Ukraine là một đất nước bị chia cắt, hàng triệu người đã phải chạy ra nước ngoài để tìm việc làm. Đói nghèo và chia rẽ là hậu quả của phong trào Maidan.

– Đất nước này đã không thành công trong việc trở thành một quốc gia ổn định và độc lập. Nói cách khác, nước này cần Nga như một cường quốc bảo vệ. Di sản của Đế chế Nga đã bị phản bội. Người dân đã bị lừa dối, họ đã được hứa hẹn với những cảnh đẹp rực rỡ.

– Putin coi giới lãnh đạo nhà nước ở Kiev là “chế độ bù nhìn” của phương Tây. “Mọi thứ đều tuân theo các tổ chức nước ngoài”, cựu đặc vụ KGB với vẻ ngoài lạnh lùng nói. Công việc ở các tòa án do phương Tây chỉ đạo.

– Và ông cáo buộc Ukraine muốn chế tạo vũ khí hạt nhân với sự giúp đỡ của phương Tây. Putin nói rằng, điều này tương tự như việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào Nga. Ukraine nắm bí quyết hạt nhân từ thời Liên Xô. Nếu Ukraine có được vũ khí hủy diệt hàng loạt, tình hình toàn cầu sẽ thay đổi mạnh mẽ.

Đó là một sự xuyên tạc sự thật, xâu chuỗi lại, phải nói là một sự dối trá. Việc này từng xảy ra nhiều lần trong lịch sử khi nhà cầm quyền tìm những lý do biện minh cho chiến tranh để nói với dân chúng.

Hậu quả đầu tiên là gì?

Putin ký sắc lệnh công nhận các tỉnh ly khai ở miền đông Ukraine, ông ta công nhận các Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk trên lãnh thổ Ukraine là các quốc gia độc lập.

Putin đang cố gắng chính thức tách các khu vực này khỏi Ukraine, giống như Crimea, và cam kết hỗ trợ quân sự trên thực tế nếu Ukraine không chấp nhận điều này.

Ông cũng ký một hiệp ước hợp tác và hữu nghị với các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine. Đài truyền hình nhà nước Nga phát sóng buổi lễ với sự tham dự của các đại diện phe ly khai.

Nó trông có vẻ như một màn hợp tấu. Nhưng những tuyên bố của ông cho thấy rằng, ông thực sự có thể nhắm tới một cuộc xâm lược quy mô lớn, với hơn 150.000 binh sĩ Nga ở biên giới không chỉ là một màn đe dọa để áp lực phương Tây ký thỏa thuận không cho Ukraina gia nhập NATO.

Sau khi công nhận các khu vực Luhansk và Donetsk, Nga đang đe dọa Ukraine bằng những hậu quả trong trường hợp có các hành động khiêu khích quân sự. Kiev có “kế hoạch quân sự” và sẽ tấn công, và khiêu khích Luhansk và Donetsk. Sau sự công nhận độc lập từ Moscow, có thể “xảy ra những hậu quả cực kỳ nguy hiểm“, Đại sứ Nga tại LHQ Vasily Nebensia cho biết tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ ở New York. “Chúng tôi không có ý định cho phép một cuộc tắm máu sẽ xảy ra ở Donbass“.

Có vẻ như một sự can thiệp lớn đang được kích động. Tình hình vẫn còn phần nào đó không rõ ràng. Xe quân sự lăn bánh trên các con phố ở ngoại ô thành phố Donetsk vào sáng sớm thứ Ba hôm nay. Trong số đó có một số xe tăng không được đánh dấu là của nước nào, như một nhân viên của Reuters đưa tin. Có thể là sự trùng hợp – cuộc xâm lược Gruzia của Nga do Putin ra lệnh, bắt đầu vào ngày 88-2008, ở miền đông Ukraine có thể bắt đầu vào ngày 2222022.

Tại cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ, đặc phái viên Hoa Kỳ Linda Thomas-Greenfield gọi tuyên bố của ông Putin – rằng quân đội Nga triển khai ở miền đông Ukraine là lực lượng gìn giữ hòa bình – là “vô nghĩa“. Việc Putin công nhận các khu vực ly khai là một nỗ lực tạo cớ cho một cuộc xâm lược khác vào Ukraine. Động thái của ông ta đã “xé nát Hiệp định Minsk ra từng mảnh“.

Putin muốn khôi phục Đế chế Nga vĩ đại?

Người ta gần như phải có ấn tượng rằng, Putin chỉ chơi trò chơi với Scholz, Macron und Biden. Tất cả các cuộc trò chuyện kéo dài hàng tiếng đồng hồ, thông báo về việc rút một phần quân đội vốn không diễn ra, giờ đây đã xuất hiện dưới một ánh sáng khác. Liệu Putin có muốn thực hiện sứ mệnh lịch sử mà ông coi là khôi phục Đế chế Nga vĩ đại?

Trên thực tế, Belarus đã là một quốc gia vệ tinh của Nga, nhà lãnh đạo Alexander Lukashenko chỉ còn nắm quyền nhờ sự giúp đỡ của Putin và ông đã phải để cho hàng chục nghìn binh sĩ Nga đồn trú.

Sáng ngày 21/2 vẫn còn có hy vọng – Macron một ngày trước đó đã điện đàm hàng tiếng đồng hồ với Putin và Tổng thống Mỹ Biden, cố gắng giàn xếp một cuộc gặp giữa hai nguyên thủ.

Macron đã nói chuyện với Putin hai lần vào Chủ nhật và ông cũng nói chuyện với Biden qua điện thoại. Tổng thống Mỹ đã đồng ý “trên nguyên tắc” một cuộc họp, “nhưng chỉ với điều kiện là Nga không xâm lược Ukraine trước“. Điện Kremlin từ chối với lý do cuộc gặp như vậy là “quá sớm“. Nó đã thể hiện rõ ràng những gì sẽ đến.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và đồng nghiệp Hoa Kỳ Antony Blinken đã đồng ý sẽ gặp mặt trực tiếp tại Geneva vào thứ Năm tới. Nhưng liệu có diễn ra không?

Phương Tây sẽ phản ứng như thế nào?

Ngay sau khi Putin ký sắc lệnh, EU và Mỹ đã công bố các biện pháp trừng phạt đối với những người có liên hệ, chẳng hạn như làm ăn với các nước Cộng hòa Nhân dân vừa mới được Nga công nhận.

Lằn ranh đỏ do Chính phủ Liên bang Đức vạch ra cũng có thể đã bị Putin vượt qua, tất nhiên sẽ dẫn đến sự kết thúc của đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2. Tổng thống Mỹ Biden đã nói rằng, nếu xe tăng Nga lăn bánh qua biên giới thì sẽ không còn Nord Stream 2 nữa.

Những người bênh vực Nga, chẳng hạn như cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder hiện có khả năng gặp khó khăn trong việc giải thích mọi chuyện – Thủ tướng Đức Scholz gần đây đã vạch ra một lằn ranh giới hạn đối với Schröder, người dự kiến sẽ tham gia Hội đồng giám sát của tập đoàn Gazprom.

Cho đến nay, sự kết hợp giữa ngoại giao và đe dọa trừng phạt không có tác dụng đối với Putin. Bài phát biểu của ông ấy, những cáo buộc chống lại phương Tây và việc Nga vắng mặt tại Hội nghị an ninh ở Munich (Đức), diễn đàn quan trọng nhất thế giới về những vấn đề này, là những dấu hiệu cho thấy một cuộc xung đột Đông-Tây mới.

NATO sẽ đưa binh sĩ hỗ trợ cho Kiev?

Hành động của Putin sẽ dẫn đến những thay đổi nghiêm trọng, bao gồm tái vũ trang ở châu Âu, và mối lo sợ của các nước Baltic và Ba Lan có thể sẽ gia tăng sâu sắc. Scholz đã tuyên bố tăng chi tiêu quốc phòng của Đức. Ông đã tham khảo ý kiến ​​một lần nữa với Macron và Tổng thống Mỹ Biden vào buổi tối sau bài phát biểu của Putin. Tuy nhiên, việc đưa binh sĩ vào Ukraine hỗ trợ đã bị loại trừ cùng với Hoa Kỳ.

Bước này sẽ không đi đến hồi đáp“, ba nguyên thủ quốc gia và chính phủ nhấn mạnh sau khi điện đàm với nhau. “Thủ tướng Đức, Tổng thống Mỹ và Tổng thống Pháp bày tỏ tình đoàn kết với Ukraine và ghi nhận phản ứng thận trọng mà Ukraine đã thể hiện cho đến nay dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Volodymyr Zelensky“.

Nhưng liệu phương Tây có thể ngăn cản Putin mở một cuộc chiến tranh lớn ở Ukraine và liệu sau bài phát biểu này ông ấy đã hài lòng với hai vùng đất ở miền đông Ukraine hay chưa? Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev cho biết, Nga nhận thức được rằng động thái này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trước các biện pháp trừng phạt mà phương Tây đe dọa. Nhưng điều đó cũng sẽ hạ nhiệt trở lại và phương Tây sẽ dịu lại.

Cuộc đấu tranh cho một trật tự mới, một sự xác định lại phạm vi ảnh hưởng của Nga, đã bắt đầu sau 32 năm khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.