Sai lầm, nửa sự thật và sự dối trá hoàn toàn của Putin
Tác giả: Anika Zeller, Muriel Kalisch và Johannes Eltzschig
Vũ Ngọc Chi, chuyển ngữ
23-2-2022
Bài phát biểu của Vladimir Putin tối 21-2, công nhận các “nước cộng hòa nhân dân” Luhansk và Donetsk, cho thấy, thế giới quan thô thiển của nhà cầm quyền Điện Kremlin. Nó đã gây ra nỗi kinh hoàng trên khắp thế giới – bởi vì nó chứa vô số thông tin sai lệch.
Từ nhiều tháng nay, Moscow và các đồng minh của Điện Kremlin đã tung ra những cáo buộc chống lại phương Tây và Ukraine. Họ có ý định tiếp tục làm nóng thêm cuộc xung đột ở Đông Âu và đưa ra những lời biện minh cho hành động gây hấn của Nga. Các cáo buộc bao gồm, từ cáo buộc lính biên phòng Ukraine bắn vào người tị nạn từ Belarus, lính đánh thuê Mỹ sản xuất vũ khí sinh hóa học tấn công ở Ukraine, cho đến cáo buộc “diệt chủng” ở Donbass. Thông tin này một phần được phát tán trên mạng, một phần do các hãng thông tấn nhà nước lan truyền. Trong bài phát biểu công nhận các nước cộng hòa ly khai ở miền đông Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin một lần nữa lan truyền thông tin sai lệch.
Trong khi Putin vẫn đang phát biểu tối thứ Hai, các bình luận trên mạng xã hội đã bắt đầu ập đến. Lời kêu gọi kiểm tra sự thật nhanh chóng nảy sinh. Đối với một số người, đề xuất này chưa đủ. Nhà khoa học chính trị Eugene Finkel viết trên Twitter: “Bài phát biểu này cần một phân tích tâm lý, không phải kiểm chứng sự thật”. Và Steven Seegel, một giáo sư tại Đại học Texas, tự hỏi: “Tôi thậm chí phải bắt đầu từ đâu?”
Bài phát biểu của Putin chứa đựng nhiều thông tin sai lệch và bóp méo sự thật. Trong phần xác minh tính xác thực của SPIEGEL, chúng tôi kiểm tra các câu quan trọng nhất – bạn có thể đọc các đoạn trích từ bài phát biểu tại đây bằng bản dịch tiếng Đức.
Chủ đề: lịch sử
Tuyên bố: “Tôi sẽ bắt đầu với sự thật là Ukraine hiện đại được tạo ra hoàn toàn bởi Nga, cụ thể hơn là bởi Bolshevik, nước Nga cộng sản“.
Đánh giá: Điều này là sai. Putin sử dụng lịch sử để hợp pháp hóa các yêu sách lãnh thổ của mình.
Lý do: Một phần lớn bài phát biểu của Putin được dành cho các vấn đề lịch sử. Điều đó không có gì ngạc nhiên, kể từ mùa hè năm ngoái, ông đã xuất bản một bài bình luận giật gân, trong đó ông đề cập sâu sắc đến lịch sử Ukraine và Nga. Trong bài phát biểu của mình, lý luận của Putin dựa vào bài bình luận này. Trên thực tế, nhận xét của ông rút ra từ một tuyên bố cốt lõi: Ukraine không có quyền có nhà nước riêng cho mình, sự tồn tại duy nhất của Ukraine độc lập là một sai lầm lịch sử.
Khi Putin nói Ukraine được tạo ra bởi Nga, ông ấy đang phớt lờ lịch sử và quá trình xây dựng đất nước của Ukraine.
Không thể bàn cãi rằng, Nga và Ukraine có nguồn gốc chung. Lịch sử của cả hai quốc gia bắt đầu từ cái gọi là Kievan Rus’, một đế chế thời trung cổ hình thành vào thế kỷ thứ 9. Tuy nhiên, từ thế kỷ 13, người Nga và người Ukraine đã đi theo con đường riêng của họ trong một thời gian dài.
Phần lớn Ukraine ngày nay đã từng nằm dưới sự cai trị của Đại công quốc Litva và Vương quốc Ba Lan. Giai đoạn phân kỳ này kéo dài đến thế kỷ 17. Do đó, phần lớn của Ukraine ngày nay nằm dưới ảnh hưởng của phương Tây trong vài thế kỷ. Kết quả là, ý tưởng quốc gia đã phát triển rất sớm ở Ukraine. Quá trình trở thành một quốc gia tiếp tục trong thế kỷ 19 và cuối cùng đạt đến đỉnh cao là việc tuyên bố độc lập “Cộng hòa Nhân dân Ukraine” vào cuối năm 1917 và “Cộng hòa Nhân dân Tây Ukraine” một năm sau đó.
Lịch sử tách biệt này của Ukraine với Nga, cũng như quá trình xây dựng đất nước của người Ukraine, bị Putin hoàn toàn phớt lờ. Thay vào đó, ông tuyên bố rằng, những người Bolshevik xung quanh Lenin mới tạo ra Ukraine vào năm 1917. Điều này sai.
Chủ đề: Tham nhũng ở Ukraine
Tuyên bố: “Tham nhũng, chắc chắn là một thách thức và là một vấn đề đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả Nga, đã vượt quá mức thông thường ở Ukraine. […] Tham nhũng đang phát triển mạnh hơn bao giờ hết”.
Đánh giá: Tham nhũng là một vấn đề không thể bàn cãi ở Ukraine. Tuy nhiên, đánh giá của Putin về tầm quan trọng là sai lầm.
Lý do: Theo Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Ukraine đứng thứ 122/180 trong bảng xếp hạng tham nhũng quốc tế (để so sánh: Đức đứng thứ 10). Điều đó là không tốt, nhưng tuyên bố rằng tham nhũng đã vượt quá “mức thông thường” vẫn chưa được chứng tỏ. Ngoài ra, đất nước đã được cải thiện đáng kể. Nhiều biện pháp được thực hiện để chống tham nhũng trong những năm gần đây đang có tác dụng. Cái gọi là giá trị chỉ số – trong đó áp dụng theo: càng cao, càng tốt – là 23 vào năm 2003, chín năm sau là 26 và bây giờ là 32.
Trong khi tham nhũng là một vấn đề ở Ukraine, nó đang giảm dần hàng năm. Tuyên bố của Putin rằng tham nhũng đang phát triển mạnh “hơn bao giờ hết” là sai. Đặc biệt xảo trá: Nga thậm chí còn kém hơn trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế. Tất nhiên, Putin không đề cập đến điều đó.
Chủ đề: Phòng thủ tên lửa toàn cầu
Tuyên bố: “Là một phần trong dự án của Hoa Kỳ nhằm tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, các vị trí cho tên lửa đánh chặn đang được xây dựng ở Romania và Ba Lan. Ai cũng biết rằng các bệ phóng đóng tại đó có thể được sử dụng bởi tên lửa hành trình Tomahawk – hệ thống tấn công hung hãn“.
Đánh giá: Nhận định không đúng.
Lý do: Đó là dự án NATO thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Một yếu tố của lá chắn tên lửa này là hệ thống trên đất liền của Mỹ “Aegis Ashore”, đã hoạt động ở Deveselu, Romania từ năm 2016 và sẽ sớm được kích hoạt tại Redzikowo, Ba Lan. Về nguyên tắc, các thiết bị phóng Mk-41 “cũng có thể bắn tên lửa hành trình Tomahawk“. Tuy nhiên, các bệ phóng đóng tại Romania (và được lên kế hoạch cho Ba Lan) được thiết kế để phóng tên lửa đánh chặn.
Để phóng tên lửa hành trình, cần phải có thêm công nghệ và phần mềm, mà theo thông tin từ phía Mỹ, những thứ này không có ở đó. Sự khác biệt không thể nhìn thấy từ bên ngoài. Tuy nhiên, trước những yêu cầu của Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraine, chính quyền Mỹ đề nghị thảo luận về các phương án kiểm soát các hệ thống ở Ba Lan và Romania.
Chủ đề: Vũ khí hạt nhân
Tuyên bố: “Như chúng ta đã biết, ngày hôm nay đã có thông báo rằng Ukraine có ý định phát triển vũ khí hạt nhân cho riêng mình, và đây không chỉ là sự khoe khoang”.
Đánh giá: Không có bằng chứng nào cho tuyên bố của Putin.
Lý do: Khi Liên Xô tan rã năm 1991, một phần lớn vũ khí hạt nhân (trước đây là Liên Xô) nằm trên lãnh thổ Ukraine. Ukraine bất ngờ trở thành cường quốc hạt nhân lớn thứ ba trên thế giới. Để Ukraine đồng ý giao lại các vũ khí hạt nhân này, Ukraine đã nhận được sự bảo đảm từ Mỹ, Anh và Nga trong Bản ghi nhớ Budapest năm 1994, rằng chủ quyền và biên giới hiện có của họ sẽ được bảo vệ. Vào ngày 1 tháng 6 năm 1996, Ukraine trả lại đầu đạn hạt nhân cuối cùng, và một ngày sau đó, Tổng thống Ukraine khi đó, Leonid Kuchma, tuyên bố đất nước không có vũ khí hạt nhân.
Ngày nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Ukraine đang nỗ lực thay đổi tình trạng này. Trong một cuộc phỏng vấn gần một năm trước, Đại sứ Ukraine tại Đức, Andriy Melnyk, đã nghĩ đến “tình trạng hạt nhân” của Ukraine. Tuy nhiên, không có kế hoạch cụ thể hoặc thậm chí bằng chứng về một sự phát triển bí mật.
Chủ đề: Dân chủ
Tuyên bố: “Maidan đã không đưa Ukraine đến gần hơn với dân chủ và tiến bộ”.
Đánh giá: Putin đã sai.
Lý do: Một số chỉ số được thiết lập để đo lường mức độ dân chủ trên toàn thế giới. Một trong những chỉ số được biết đến nhiều nhất là Chỉ số Dân chủ của The Economist, tiếp theo là Chỉ số của Freedom House. Cả hai đều đi đến một kết luận tương tự: Ukraine còn lâu mới có một “nền dân chủ đầy đủ”, nhưng kể từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014, điểm số của nước này đã được cải thiện. Ngoài ra: Các giá trị của Nga còn kém xa Ukraine. Việc chính Putin cáo buộc Ukraine thiếu dân chủ là một trò hề.
Chủ đề: Lời hứa của NATO 1990
Tuyên bố: “Khi việc thống nhất nước Đức được thảo luận vào năm 1990, Hoa Kỳ đã hứa với lãnh đạo Liên Xô rằng, phạm vi hoặc sự hiện diện quân sự của NATO sẽ không được mở rộng thêm một inch về phía Đông và việc thống nhất nước Đức sẽ không dẫn đến việc NATO mở rộng quân sự về phía Đông”.
Đánh giá: Tuyên bố của Putin không đúng sự thật.
Lý do: Câu hỏi này đã được đặt ra trong nhiều năm: Liệu có lời hứa với Liên Xô vào năm 1990 là không mở rộng NATO về phía đông không? Trong một số trường hợp, Putin đã tuyên bố rằng có một lời hứa như vậy và cáo buộc phương Tây phản bội Nga. Có một điều chắc chắn là không có và không có hiệp định pháp lý quốc tế nào trong đó các đại diện của NATO hoặc Hoa Kỳ đưa ra lời hứa như vậy.
Câu hỏi duy nhất là liệu có sự bảo đảm bằng lời nói hay không. Và ngay cả câu hỏi này cũng không dễ trả lời, bởi vì, như Klaus Wiegrefe gần đây đã viết trên tờ SPIEGEL: “Ký ức của những người có liên quan không khớp nhau“. Người này nói thế này, người kia nói thế kia, đôi khi một người nói thế này và đôi khi thế kia (như Mikhail Gorbachev).
Tóm lại, người ta có thể nói: Có một số bằng chứng, bao gồm cả các tài liệu còn sót lại, cho thấy những người tham gia cuộc đàm phán vào thời điểm đó có thể đã đưa ra những lời hứa bằng lời nói – nhưng không có lời hứa bằng văn bản và ràng buộc nào được thực hiện. Năm 1997, cả hai bên đã ký “Đạo luật thành lập NATO – Nga”: Đạo luật này đặt ra các quy tắc ràng buộc cho mối quan hệ giữa NATO và Nga – bao gồm việc tất cả các quốc gia được phép thực hiện các biện pháp để bảo đảm an ninh của mình. Và rằng sự toàn vẹn lãnh thổ của tất cả các quốc gia phải được bảo đảm – Nga đã vi phạm điều sau trong cuộc chiến năm 2008 ở Gruzia và năm 2014 với việc sáp nhập Crimea.
Lần mở rộng cuối cùng về phía đông của NATO diễn ra vào năm 2004.
Chủ đề: Toàn vẹn lãnh thổ
Tuyên bố: “Nga đã làm mọi thứ có thể để bảo tồn sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.
Đánh giá: Tuyên bố của Putin là một lời nói dối trắng trợn.
Lý do: Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, làm hoàn toàn ngược lại với những gì người ta có thể gọi là duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ. Ngay cả khi bỏ qua Crimea và chỉ nhìn vào thời gian kể từ hiệp định Minsk hồi tháng 2 năm 2015, lời khai của Putin là không có cơ sở. Nga đã cung cấp hỗ trợ tài chính và quân sự rất nhiều cho phe ly khai tại các “nước Cộng hòa Nhân dân” kể từ năm 2014. Mặc dù Moscow luôn phủ nhận điều này trong những năm gần đây, nhưng không có nghi ngờ gì nghiêm trọng về điều này. Bằng cách hỗ trợ phe ly khai, Nga đang làm mọi cách để gây bất ổn cho Ukraine và phá hoại sự toàn vẹn lãnh thổ của nước này.
Chủ đề: Diệt chủng
Tuyên bố: “Cái gọi là thế giới văn minh, trong đó các đồng nghiệp phương Tây của chúng tôi tự tuyên bố là đại diện duy nhất, không muốn nhìn thấy điều này, như thể sự kinh hoàng và diệt chủng mà gần bốn triệu người phải chịu, đã không tồn tại”.
Đánh giá: Sai.
Cơ sở lý luận: Công ước Liên Hiệp quốc định nghĩa thuật ngữ “diệt chủng” là “một hành động được thực hiện với ý định tiêu diệt toàn bộ hoặc một phần quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc nhóm tôn giáo”. Thuật ngữ này gợi lên ký ức về những vụ diệt chủng ở Rwanda hoặc Srebrenica. Nó có nghĩa là một việc diệt sạch một nhóm dân cư có mục tiêu, tàn bạo. Theo định nghĩa này, cáo buộc rằng một “cuộc diệt chủng” đang diễn ra ở miền đông Ukraine là hoàn toàn vô căn cứ.
Vâng, nhiều người đã chết ở miền đông Ukraine. Ở đó đã xảy ra chiến tranh từ năm 2014. Hai bên đang đối đầu với nhau trong cuộc chiến này: Một bên là quân đội Ukraine, được hỗ trợ bởi các hiệp hội tình nguyện, bên ki là lực lượng ly khai thân Nga, được hỗ trợ bởi Nga. Hơn 14.000 người đã chết trong cuộc chiến này kể từ năm 2014 – và ở cả hai bên.
Cả hai bên cũng đã nhiều lần vi phạm lệnh ngừng bắn đã được ghi trong Thỏa thuận Minsk. Theo tổ chức nhân quyền Amnesty International, cả hai bên đều phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh. Thực tế đơn thuần là ở “Cộng hòa Nhân dân” Luhansk và Donetsk, người dân – bao gồm cả thường dân – đang chết do các hành động chiến tranh, không có cách nào để biện minh cho các cáo buộc diệt chủng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.