Thứ Năm, 17 tháng 2, 2022

Chuyện buồn, nhân dịp tưởng niệm 43 năm cuộc chiến chống quân xâm lược

 

Chuyện buồn, nhân dịp tưởng niệm 43 năm cuộc chiến chống quân xâm lược

Dương Tự Lập

17-2-2022

Ba năm trước, tôi gửi bài viết đăng trên Tiếng Dân : “Thiên thu định luận” và người bạn sử học của cha”. Ngay hôm sau, báo mạng Điện tử của Đảng Cộng sản Việt Nam vội gỡ bỏ trang ảnh giới thiệu ở mục cá nhân: Các Ủy viên Trung ương Đảng – Đồng chí Hoàng Văn Hoan.

Đồng chí Hoàng Văn Hoan.
Họ và tên: Hoàng Văn Hoan
Tên gọi khác: Hoàng Ngọc Ân
Ngày sinh: 1905
Quê quán: xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Ảnh chụp màn hình: Thông tin về ông Hoàng Văn Hoan đăng trên báo Đảng CSVN đã bị gỡ bỏ trước ngày 26-2-2019

Báo Đảng đăng lên như vậy chẳng khác nào tập đoàn Đảng Cộng sản Việt Nam giơ tay tát thẳng vào mặt ông cố Tổng Bí thư Lê Duẩn và quẳng vào sọt rác bản án tử hình vắng mặt Hoàng Văn Hoan năm 1979 ngày đó của Lê Duẩn. Tự hiểu Đảng Cộng sản Việt Nam ngầm báo cáo với “Thiên triều” Trung Nam Hải, rằng chúng tôi thề tuyệt đối trung thành cùng tập đoàn Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cho dù Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam.

Ngay một tuần sau, dì Hồ Thúy, vợ chú Hoàng Nhật Tân, nhà sử học, con trai cựu Ủy viên Bộ Chính trị Hoàng Văn Hoan tìm đến gia đình tôi làm ầm ĩ, đòi gặp để đập bể mặt tôi. Các em tôi không hiểu chuyện gì đã xảy ra, làm cho dì Thúy nóng giận đến vậy.

Dì có kể lại cho gia đình tôi rằng, con dì đọc được bài viết của tôi trên Tiếng Dân, nói hỗn ông nội chúng nó. Dẫu sao cũng chỗ họ hàng thân thiết, người làng với nhau phải biết bảo vệ nhau chứ. Anh con trưởng Hoàng Thái của dì thì nhất quyết không tha tội tôi, nếu gặp mặt.

Dì Hồ Thị Thúy, vợ chú Hoàng Nhật Tân, con dâu ông Hoàng Văn Hoan có tên thật ở làng Quỳnh Đôi là Hồ Thị Hiệng. Dì là người con thứ 6 trong số 14 người con của ông Hồ Như Tuân, còn gọi ông Cửu Tuân, ông Tuân dữ có tiếng trong làng. Muộn hơn một chút, năm 1955 ông Tuân bị quy oan địa chủ (ông bị bắt cho đủ số lượng cấp trên quy định) và bị đám dân quân làng xông tới đốt nhà rồi trói mang đi giam.

Gia đình kể rằng, nửa đêm thấy bọn chúng ngủ gà ngủ gật, ông còn quát lớn:

– Tụi bay ngủ quên để tau chạy thoát ra ngoài thì tau xẻo đứt c*c tụi bây. Vài ngày sau, ông Cửu Tuân bị chúng đem ra bắn ngoài rìa làng.

Mang máu hờn căm dữ tợn của người cha nên dì Thúy cũng gớm ghê đáo để có hạng. Khi lấy chú Hoàng Nhật Tân rồi ra Hà Nội, dì mới đổi tên Hồ Thị Thúy mà chúng tôi chỉ nghe quen chú Tân gọi tình cảm Hồ Thúy.

Sau cuộc chiến biên giới tháng 2 đầu năm 1979, cả dân tộc đánh bọn bành trướng Bắc Kinh cướp nước, đòi dạy Việt Nam một bài học. Ông Hoan bỏ nước chạy sang Bắc Kinh theo hẳn giặc Tàu.

Việc ông theo giặc khiến gia đình chú Tân liêu xiêu điêu đứng gần chục năm trời. Không khí trong nhà chú Tân ngày đó ở 29 phố Nguyễn Gia Thiều lúc nào cũng nặng nề u ám như đưa đám. Vợ chồng chú Tân – dì Thúy thường xuyên lủng củng, xảy ra xô xát, cãi vã lẫn nhau.

Nếu rơi vào hoàn cảnh đấy thì quả thực gia đình nào cũng vậy cả thôi, tránh sao khỏi, nhưng lại còn bị mang tiếng là gia đình theo giặc, suốt ngày công an chìm nổi dòm ngó, rình rập.

Cả nhà chú Tân – dì Thúy và ba người con là anh Hoàng Thái, chị Hoàng Thơ, anh con út Hoàng Thông, cũng bị thôi việc cơ quan, thất nghiệp ngồi nhà, xơ vơ xẩn vẩn. Nỗi dằn vặt, khổ tâm, không may của gia đình chú Tân lại rơi vào giai đoạn đói kém khốn khó nhất của đất nước thời bao cấp tem phiếu.

Phía sườn Tây thì phải đỡ thằng Campuchia quấy phá. Phía Bắc ra sức chống thằng giặc gian hiểm Trung Quốc cướp đất giết dân. Trên trường quốc tế bị cả thế giới cô lập, phong tỏa Việt Nam vì đưa quân đội vào trấn giữ Phnôm Pênh.

Người dân Việt Nam mất hết lòng tin vào sự tiên đoán xằng bậy, nhảm nhí của ông cố Tổng Bí thư Lê Duẩn tuyên bố ở Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV năm 1976: “Chúng ta sẽ đuổi kịp Nhật Bản trong vòng 15, 20 năm và nhân dân ta sẽ đi trên thảm vàng“.

Sau bốn năm cầm súng đi đánh giặc bành trướng Bắc Kinh sống sót, tôi ra quân năm 1982. Những lần đến chơi, nghe dì Thúy kể lại chuyện đã qua mới kinh hãi sự gớm ghê, đáo để của dì, nhất là khi nóng giận, dì đỏ mặt, trợn mắt, phồng má:

– Mấy ngày sau khi ông Hoan bỏ sang Trung Quốc, tao phải bắt chú Tân mày đạp xe tới nhà ông Xuân Thủy, ở 36 Lý Thường Kiệt, hỏi cho ra nhẽ. Vì ông Thủy được bọn nó bố trí cho đi cùng chuyên cơ, thực chất để kèm ông Hoan tới Cộng hòa Dân chủ Đức chữa bệnh. Chúng không ngờ ông Hoan cao mưu hơn chúng.

Dì kể tiếp:

– Chú Tân mày về bảo, ông Thủy cáo mệt không tiếp! Mệt cứt gì, lão ta sợ liên lụy vào thân thì có. Ít lâu sau lại có bọn mang thang, xô thùng, chổi sơn, đòi vào nhà dì quét vôi tường, sơn cửa sổ, tu sửa định kỳ. Dì tống cổ chúng nó đi hết, dì nói thẳng mặt bọn chúng nó, tao có hai thằng con trai khỏe mạnh làm được việc này không cần nhờ tới chúng mày, bọn chúng cắp đít bỏ đi cả.

– Mấy chục năm ở Hà Nội có bao giờ chúng ngó ngàng tới mà giờ đến nhà bà đòi tu với sửa. Mả cha chúng nó, nó cứ tưởng dì không biết bọn chúng là ai? Bọn công an giả dạng thợ chuyên nghiệp để vào nhòm ngó săm soi, lục lọi, chụp ảnh, ghi âm, lấy cắp những gì chúng tưởng ông Hoan còn để lại ở nhà này. Cái nhà tầng hai đối diện bên kia đường nhà mình kia kìa, trước đây cửa sổ phía sau chủ nhà cũ lúc nào cũng mở. Nay gia đình thằng công an mới về thế vào, thì khép hờ hờ để đủ cái khe hở nhòm sang nhà tao. Nó nhòm tao ỉa đấy, tiên sư bố nhà nó chứ, quân mất dạy.

– Cháu biết không? Mấy năm nay ngôi biệt thự 68 Phan Đình Phùng của ông Hoan vẫn bỏ trống, phân cho đứa Trung ương nào vào đó ở chúng nó cũng từ chối vì sợ điềm xui, dớp ông Hoan để lại. Tao thề không bao giờ cho ba đứa con tao được đi theo nghiệp chính trị như ông nội chúng nó. Đi vào con đường này người ta dễ đổi lòng thay dạ, lật lọng tráo trở cắn nhau ác hơn hoang thú, nhẫn tâm lắm cháu ạ.

Tôi nghĩ bụng, dì nói thế mà không sợ động chạm tới ông bố chồng.

***

Tiếng cười và niềm vui hạnh phúc chỉ thực sự trở lại ngôi nhà 29 Nguyễn Gia Thiều của chú Tân – dì Thúy vào năm 1990. Khi cựu Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh mở đường đồng ý cho gia đình chú được phép sang Trung Quốc thăm cha đẻ Hoàng Văn Hoan của mình hơn mười năm cách biệt.

Bốn tháng sau khi ở chơi thăm cha trở về thì một tuần sau, ngày 16-8-1990, chính ông Nguyễn Văn Linh lại phải nhờ chú Hoàng Nhật Tân cầm thư tay đến Đại Sứ quán Trung Quốc ở 46 Hoàng Diệu, trao cho Đại Sứ đặc mệnh toàn quyền là Trương Đức Duy.

Chú Tân không bao giờ ngờ tới lá thư mà mình đang giữ trong tay của ông Linh kia chỉ ít ngày sau đó sẽ đưa cả vận mệnh dân tộc Việt ngoặt sang một ngã rẽ khác với quỷ oán ma hờn, thần nguyền thánh rủa. Bức thư ác hiểm bất lương ấy đã đem Đảng Cộng sản Việt Nam tới Trung Nam Hải dự Mật ước Thành Đô lưu manh gian trá. Nghiễm nhiên cả dân tộc từ đây nằm trong dây thòng lọng của Trung Hoa tàn độc.

Một sự thật trần trụi từ sau cuộc gặp để mặc cả, ngã giá ở Thành Đô, tới nay Đảng Cộng sản Việt nhũn như con chi chi, nhân dân Việt Nam dở mếu dở máo, điêu đứng như con gì với thằng bạn vàng khốn kiếp láng giềng “nước lạ” này.

Từ “lạ” cũng bắt đầu được dùng rất phổ biến sau Mật ước Thành Đô năm 1990. Nhìn ra biển người ta chỉ thấy “tàu lạ” đâm vào tàu Việt, “máy bay lạ” bay vào vùng trời Việt. Người “nước lạ” bắn giết người nước Việt.

Mấy thằng cha Chủ tịch nước, Ủy viên Trung ương chết không kịp ngáp cũng vì nguyên nhân lạ, bệnh lạ, vi rút lạ. Bọn phía Bắc tràn qua biên giới vào đất Việt, vào cửa Đà Nẵng, nhập cảng Sài Gòn bất hợp pháp, bị bắt cũng gọi “người nước lạ”. Trong Quốc hội mới chỉ thấy nêu có kẻ dùng hai Quốc tịch. Nếu khui ra thì nội các chóp bu Đảng chắc cũng khối kẻ gốc gác “nước lạ” không chừng.

Khi ông Hoan chạy theo “giặc lạ”, anh Hoàng Thái, con trai trưởng của chú Tân – dì Thúy đang là sĩ quan quân đội trong Nha Trang, buộc phải xuất ngũ. Trở về một thời gian dài, nằm nhà nhàm chán, anh luyện rèn thân thể, tập dượt khí công đạt tới thượng thặng.

Có lần đang tập thể thao ngoài hồ Ha-le (hồ Thiền Quang), nhóm thanh niên ngổ ngáo đánh nhau, anh chưa kịp can thì một thằng trong bọn giật đòn gánh của bà hàng rong phang thẳng vào đầu anh, anh né người gồng cánh tay đỡ nhưng mặt vẫn bình thản, cây đòn gánh trong tay thằng côn đồ văng xa mấy mét. Biết vấp phải cao thủ bọn chúng xanh mặt chạy mất dép. Nội công anh thâm hậu như vậy nếu gặp tôi mà vả mặt có lẽ cái mặt tôi nát bấy như bát cháo tiết.

Đang băn khoăn, tới đây nếu gặp dì Thúy và anh Thái không biết sự thể tính mạng mình sẽ ra sao, thì có tin cậu em họ ngoại Hoàng Duy Việt báo: Người làng Quỳnh Đôi theo dõi bài anh viết về các nhân vật của quê mình rất sát sao đấy anh ạ. Chị Dương Thị An, chị họ bên nội nhà anh và anh Hoàng Đình Ân, cháu gọi bà Hồ Thị Thúy, vợ ông Tân, bằng dì ruột cũng phải thừa nhận, anh viết đúng.

Tôi trả lời Việt:

– Anh không có tài viết hay, nhưng với anh viết hay chưa hay bằng viết đúng. Mình cứ viết cho đúng sự thật đã là hay lắm rồi.

Nói chuyện với Việt xong, tôi bùi ngùi nhớ tới nhà sử học Hoàng Nhật Tân. Những lúc vui với bạn bè, tôi thường đem chú Hoàng Nhật Tân, người bạn tâm giao của cha mẹ tôi và chú nhạc sỹ Phạm Tuyên, người hàng xóm nhà tôi ngoài Hà Nội sau này, ra trắc nghiệm.

Một người có cha Hoàng Văn Hoan, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Việt Nam, theo giặc Trung Quốc, nhưng vẫn viết hồi ký “Thiên thu định luận” để bênh vực bảo vệ cho cha tới cùng, đó là chú Hoàng Nhật Tân.

Một người thì cha có công dựng xây Văn chương Quốc ngữ nước nhà, ông chủ bút báo Nam Phong – Phạm Quỳnh, nổi tiếng, lại bị Việt Minh sát hại, thủ tiêu tàn ác. Nhưng con đẻ Phạm Tuyên vẫn một lòng tôn thờ đi theo Đảng Cộng sản để viết nên những bài hát, lời ca cao vút: “Đảng cho ta một mùa xuân”; “Đảng đã cho ta sáng mắt, sáng lòng”; “Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng”; “Màu cờ tôi yêu”… Trong hai người này chúng ta trọng ai? Chắc chắn lời khen được ngả về người con có hiếu Hoàng Nhật Tân.

Bình sinh, mẹ tôi thường ca ngợi lòng hiếu thảo của chú Tân với cha mẹ đẻ của mình. Ngày ông Hoan chạy sang Tàu cư trú, bà Phan Thị Uyển, vợ ông lâm bệnh, lúc tỉnh, khi mê, bỏ nhà ra vườn hoa Canh Nông tìm ông quanh tượng Lê Nin nhưng không thấy. Rồi bà bước đến Đại sứ quán Trung Quốc cạnh đó, nhổ nước bọt phì phì, đòi trả lại chồng.

Chú Tân đi tìm, thấy mẹ, phải cõng bà về, đâu có tiền để thuê xe xích lô. Ngày được sang Trung Quốc thăm ông cũng như trở về Việt Nam khi qua cửa khẩu Trung – Việt, chú lại cõng bà, trước sự giám sát chứng kiến của cảnh sát hai nước. Mọi người cúi đầu tỏ ý kính trọng đối với chú.

Phần đánh giá cho công bằng hai con người sử học Hoàng Nhật Tân và nhạc sĩ Phạm Tuyên, xin nhường độc giả. Tôi chỉ nhắc lại câu nói của cổ nhân: “Phụ thù bất cộng đái thiên”. (Thù cha không đội trời chung).

Chị Dương Thị An, con bác họ tôi năm nay 77 tuổi. Chị sống tình cảm và rất thương bọn tôi hồi nhỏ đói khổ. Chị tốt nghiệp thạc sĩ tại nửa phần nước Đức Cộng sản năm 1973. Cha chị là ông Dương Văn Lan, khi xưa cũng thoát ly, đi hoạt động cùng ông ngoại tôi Hoàng Văn Hợp, các ông Hồ Tùng Mậu, Hoàng Văn Hoan, Hồ Viết Thắng…

Ta phải thừa nhận lớp người xa xưa ấy họ sống có ước mơ lý tưởng của cá nhân mình. Họ cuồng nhiệt, cuồng say đi theo cách mạng, hy sinh không tiếc thân. Khi ông ngoại tôi cầm đầu phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh bị tử hình năm 1931, bác họ tôi vào ngồi tù Lao Bảo, thì ông Hoan đã sang Xiêm (Thái Lan).

Trong Bộ Chính trị đồng trang lứa, riêng ông Hoan chưa một ngày biết ngồi tù của đế quốc thực dân. Hoàng Văn Hoan được cử làm Đại sứ đầu tiên của Việt Nam tại Trung Quốc gần chục năm, từ năm 1950. Điều đó rất ảnh hưởng lối sống, cách sinh hoạt đặc Tàu của ông Hoan.

Rồi bác Lan tôi bị đày ra Côn Đảo sau các ông Phạm Hùng, Lê Văn Lương. Ngô Gia Tự, lúc đó vừa vượt Côn Đảo trở về đất liền, thì bị mất tích trên biển. Thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bác được sang điều trị ở Liên Xô cũ. Năm 1966, khi dạo chơi thành Moscow để hôm sau về nước, có người từ phía sau, chạy lên, đứng trước mặt, khoanh tay chào thầy, bác tôi nhận ra tướng Nguyễn Chí Thanh, cũng đang đi dạo cùng nhóm sĩ quan Việt Nam trên Quảng trường đỏ.

Năm 1970, bác nghỉ hưu với các chức vụ đã qua như: Bí thư Tỉnh ủy Quy Nhơn – Bình Định; Hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương Hà Nội; Giám đốc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam. Trung ương cho người đem Huân chương Độc lập hạng Ba đến trao tặng cá nhân bác, thì bác từ chối không nhận. Họ cầm về, ít lâu sau mang đến Huân chương Độc lập hạng nhất. Chuyện nghe vui như con trẻ nô đùa.

Khi bác mất, chị họ tôi cất bằng Huân chương này rất cẩn thận. Chị bảo, đến đời con thằng Quang, cái Thủy, mà thất cơ lỡ vận, đem bán cho hiệu đồ cổ, chắc may ra cũng mua được gói xôi vừng, xôi xéo chứ chẳng chơi.

Hồi biết tin ông Hoàng Văn Hoan chạy sang Trung Quốc, bác tôi giận dữ chửi:

– Thằng Hoan này có ra chó gì, chạy đâu không chạy, lại đâm đầu theo Tàu, nhục thật là nhục. Nhục cho cả làng Quỳnh Đôi. Cái thằng Tàu này vốn dĩ là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc, nó vừa đánh mình trên biên giới, đổ máu xương đồng bào ta. Súc sinh gì đâu.

Bác là chuyên viên cao cấp, lão thành Cách mạng thứ thiệt, cùng một lò với Trường Chinh, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, mà còn hằn trong đầu thù giặc Tàu truyền kiếp. Người đời cứ chửi Lê Duẩn cho sướng mồm sướng miệng, chứ kỳ thực bọn hậu sinh cắn cứt cho Duẩn không xong. Thằng khốn kiếp Tàu nào mà loạng quạng mò vào biển Đông, xông đất biên ải thì bác Ba Duẩn cứ là đánh cho đứt dái, teo chim, hết tìm đường về quê mẹ.

Năm vừa rồi, chị có nghe chuyện gia đình chú Hoàng Nhật Tân lên tiếng đe dọa tôi. Chị gọi điện động viên tôi, rồi thút thít:

– Hơn bốn mươi năm trước, lúc chị tiễn cậu đi đánh bọn giặc bành trướng Bắc Kinh. Không dám nói ra nhưng nhìn thân hình gầy gò nhỏ bé non nớt của cậu, chị cứ nghĩ dại… Ông bà nhà ta linh thiêng phù hộ để cậu trở về lành lặn. Xa xưa, đối mặt với giặc Tàu còn không sợ, thì nay sợ gì mấy cái tiểu tiết vụn vặt đó hả em. Chị nghĩ gia đình anh Tân – chị Thúy cũng là những người tử tế. Em cứ viết đúng như em đã viết. Chị đọc thấy thích, tức là dân làng Quỳnh Đôi thích. Chị sẽ gửi em tấm hình bố chị chụp chung cùng ông Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Hồ Viết Thắng, khi bố chị cùng các ông ấy đi dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 2 năm 1951”.

Chị hỏi:

– Thế giờ này đang bận gì mà em chưa ngủ?

– Em đang ngồi trước máy để học bài.

– Học gì vậy?

– Em ngồi chờ thằng Bành trướng Trung Quốc dạy cho Việt Nam một bài học qua on lai (online).

Bên kia tiếng chị cười trong nước mắt, giọng chùng xuống:

– Thằng em họ Dương của chị tính nết vẫn lất ngất ẩm ương như ngày nào, rõ chán.

____

Các lão thành Cách mạng làng Quỳnh Đôi (từ trái qua): Hồ Viết Thắng, Hoàng Văn Hoan, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chấn, Dương Văn Lan (áo đen, bìa phải). Nguồn ảnh: Bà Dương Thị An gửi cho tác giả Dương Tự Lập.
Hoàng Thông, đứng trong cùng, sát bia mộ ông nội Hoàng Văn Hoan tại Quỳnh Đôi. Nguồn: Hoàng Duy Việt
Thạc sĩ Dương Thị An, con ông Dương Văn Lan. Nguồn: Hoàng Duy Việt
Ông Hoàng Đình Ân cháu gọi bà Hồ Thị Thúy bằng dì ruột. Nguồn: Hoàng Duy Việt
Ông ngoại tôi Hoàng Văn Hợp có tên trong cuốn: “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam”. Nguồn: Hoàng Duy Việt

Bốn ảnh cuối của ông Hoàng Duy Việt, cháu họ ngoại ông Hoàng Văn Hoan, cung cấp cho tác giả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.