Thứ Năm, 26 tháng 11, 2020

Chuyện thái tử đảng và những “hạt giống đỏ” của đại hội XIII

 

Chuyện thái tử đảng và những “hạt giống đỏ” của đại hội XIII

Thu Hà

20-11-2020

Cụm từ “thái tử đảng” xuất hiện đã lâu, hiện nay nó tồn tại một cách hiển nhiên ở các nước cộng sản, độc tài toàn trị. Bằng cách không chính thức, tầng lớp “con ông cháu cha” này, luôn được hưởng nhiều đặc ân của đảng và nhà nước.

Họ có nhiều cơ hội để được “quy hoạch” để làm lãnh đạo tương lai, dù hình thức bên ngoài vẫn thể hiện qua các “nguyên tắc dân chủ” như bầu cử. Cũng có một số thái tử né quan trường, tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, tích lũy khối tài sản khổng lồ mà những người dân thường không thể nào có được.

Đảng cộng sản Việt Nam công khai cụ thể hoá việc “con vua thì được làm vua” của chế độ phong kiến, theo cách ma mãnh hơn, thông qua cái gọi là “Quy hoạch cán bộ cấp chiến lược” nhằm đưa con cháu nguyên lão, khai quốc công thần, Uỷ viên Bộ chính trị, Uỷ viên Trung ương đã về hưu hoặc đương chức, vào những vị trí lãnh đạo tỉnh, thành, ban, bộ, ngành, chuẩn bị cho họ con đường tiến thân, leo lên vị trí cao hơn ở các kỳ đại hội đảng.

Trước năm 1975, hầu hết các thái tử đảng ở miền Bắc được gởi sang Liên Xô, Trung Cộng và các nước Đông Âu du học để tránh chiến tranh chết chóc. Ngược lại, con cái dân đen, kể cả hàng chục ngàn sinh viên đang theo học tại các trường đại học, đều bị huy động để ném vào chảo lửa chiến trường miền Nam.

Tương tự, thái tử đảng gốc miền Nam thì được gửi ra miền Bắc để trốn trong các “Trường học sinh miền Nam”, nhằm duy trì đội ngũ lãnh đạo kế cận để đấu với quân lực VNCH.

Thế hệ thái tử đảng “đầu đời” tham chính phải kể đến:

– Lê Hãn, sinh năm 1929, đại tá quân đội, cựu Tư lệnh bảo vệ lăng Hồ Chí Minh, con trai cố Tổng bí thư Lê Duẩn.

– Đặng Xuân Kỳ (1931-2010) Ủy viên Trung ương khoá VI, VII, cố viện trưởng Viện Mác Lê Nin, con trai cố Tổng bí thư Trường Chinh.

– Hồ Đức Việt (1947-2013), Ủy viên BCT khoá XI, Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cháu nội Hồ Tùng Mậu, con trai Hồ Mỹ Xuyên, cố Phó bí thư tỉnh uỷ Nghệ An.

– Phạm Sơn Dương, sinh năm 1951, thiếu tướng quân đội, con trai cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

Các thái tử đảng. Hàng trên: Đặng Xuân Kỳ (trái), con trai Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh và Lê Hãn, con trai Lê Duẩn. Hàng dưới: Thiếu tướng Phạm Sơn Dương, con trai Phạm Văn Đồng

Công bằng mà nói, lớp thái tử đảng thế hệ đầu tiên chỉ được quan tâm, tạo điều kiện ra nước ngoài học, còn lại là sự phấn đấu của họ, bằng năng lực thật sự để được ghi nhận và tiến thân.

Đến thế hệ thứ hai, sau đổi mới 1986, các thái tử bắt đầu được nâng đỡ ra mặt, họ ngang nhiên bước lên đỉnh cao quyền lực, tiền tài và danh vọng:

– Phạm Hoàng Hà, sinh năm 1956, cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, con trai cố Thủ tướng Phạm Hùng.

– Phan Thanh Nam, sinh năm 1952, cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Tracodi, con trai cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (tức Phan Văn Hòa).

– Lê Mạnh Hà, sinh năm 1956, cựu Phó chánh Văn phòng Chính phủ, con trai cố Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

– Nông Quốc Tuấn, sinh năm 1963, Ủy viên Trung ương khoá XI, Phó chủ nhiệm UB dân tộc, con trai cựu Tổng bí thư Nông Đức Mạnh.

– Nguyễn Chí Vịnh, sinh năm 1957, Ủy viên Trung ương khoá XII, thượng tướng, Thứ trưởng BQP, con trai cố Bí thư Trung ương cục miền Nam, đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

– Phạm Bình Minh, sinh năm 1959, Ủy viên BCT khoá XII, Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ ngoại giao, con trai cố Ủy viên Bộ chính trị, bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch.

– Trần Tuấn Anh, sinh năm 1962, Ủy viên Trung ương khoá XII, Bộ trưởng Bộ công thương, con trai cựu Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

– Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1961, Ủy viên BCT, Bí thư trung ương Đảng khoá XII, con trai cựu Phó thống đốc ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Chuẩn.

– Lê Minh Hưng, sinh năm 1970, Ủy viên Trung ương khoá XII, Chánh VP Trung ương đảng, con trai cố Ủy viên BC – Bộ trưởng BCA Lê Minh Hương.

– Lê Anh Tuấn, sinh năm 1966, thứ trưởng bộ GTVT, con trai cựu Bộ trưởng GTVT Lê Ngọc Hoàn. Một người em trai của Tuấn là Lê Anh Sơn, sinh năm 1971, Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.

Hàng trên: Nông Quốc Tuấn (trái) và Lê Mạnh Hà (phải). Hàng dưới: Phan Thanh Nam (trái) và Trần Tuấn Anh (phải).

Thế hệ thứ ba, thái thử đảng là những cậm ấm sinh ra vào những năm chiến tranh hai miền Nam – Bắc sắp kết thúc và thời điểm sau năm 1975. Các thái tử đảng này nhanh chóng được chọn làm “hạt giống đỏ”.

Lớp thái tử đảng này có mặt ở đâu, thì mọi thứ phải khác và sẽ khác. Bệ phóng từ truyền thống gia đình buộc thể chế cộng sản phải dành cho các thái tử đảng này những đặc ân quan trọng, đến mức gần như những “hạt giống đỏ” đã được cha chú cõng vào quan trường…

– Lê Khánh Hải, sinh năm 1966, Phó chủ nhiệm VP chủ tịch nước, cháu nội ông Lê Duẩn, con trai ông Lê Hãn.

– Nguyễn Duy Hưng, sinh năm 1971, cựu Phó chánh VP Chính phủ, Phó bí thư tỉnh uỷ Hưng Yên, con trai cựu Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu. Hưng còn có chị gái là Nguyễn Thị Phương Hoa, sinh năm 1966, là thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường.

– Nguyễn Sỹ Hiệp, sinh năm 1974, Phó chánh VP chính phủ, con trai cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An.

– Nguyễn Thanh Nghị, sinh năm 1975, Ủy viên Trung ương khoá XII, cựu Bí thư tỉnh uỷ Kiên Giang, thứ trưởng Bộ xây dựng. Nghị là con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Nghị còn có em trai là Nguyễn Minh Triết, sinh năm 1983, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Trưởng ban Thanh niên trường học, Phó Chủ tịch Thường trực Hội sinh viên Việt Nam.

– Nguyễn Xuân Anh, sinh năm 1975, cựu Ủy viên Trung ương khoá XII, Bí thư thành uỷ Đà Nẵng, đã bị kỷ luật tước bỏ các chức vụ vào năm 2017. Xuân Anh là con trai Nguyễn Văn Chi, cựu Ủy viên BCT khoá X – Chủ nhiệm UB Kiểm tra trung ương.

Xuân Anh có hai em trai là Nguyễn Xuân Ánh, sinh năm 1980, là tham tán phụ trách Kinh tế – Thương mại Đại sứ quán VN tại Canada và Nguyễn Xuân Ảnh, sinh năm 1983, cựu thư ký của ông Đinh La Thăng. Xuân Ảnh hiện giữ chức Cục phó Cục đường bộ Việt Nam.

– Đặng Quốc Khánh, sinh năm 1976, Ủy viên Trung ương dự khuyết khoá XII, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang, con trai Đặng Duy Báu, cựu Ủy viên trung ương – Bí thư Nghệ An.

– Vũ Đại Thắng, sinh năm 1975, Ủy viên Trung ương dự khuyết khoá XII, Bí thư tỉnh uỷ Quảng Bình, con rể Ngô Văn Dụ, cựu Ủy viên BCT- Chủ nhiệm UBKT Trung ương.

– Nguyễn Phú Trường, sinh năm 1978, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền, Ban Tuyên giáo Trung ương, con trai Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

– Trần Quốc Bình, sinh năm 1982, Phó trưởng ban Tổ chức Liên đoàn lao động VN, con trai Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư khoá XII.

– Nguyễn Sinh Nhật Tân, sinh năm 1978, Cục trưởng Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Bộ Công Thương, con trai cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.

– Phạm Quang Thanh, sinh năm 1981, cựu TGĐ cty Du lịch Hà Nội, Bí thư huyện uỷ Sóc Sơn, Hà Nội; con trai Phạm Quang Nghị, cựu Ủy viên BCT khoá XI, Bí thư thành uỷ Hà Nội.

– Lê Trương Hải Hiếu, sinh năm 1981, Chủ tịch UBND quận 12, TP HCM; con trai Lê Thanh Hải, cựu Ủy viên BCT khoá XI, Bí thư thành uỷ TP HCM.

– Trương Tấn Sơn, sinh năm 1984, cựu phó TGĐ cty Du lịch Sài Gòn, Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP HCM, con trai cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

– Nguyễn Thiện Nghĩa, sinh năm 1984, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin – Bộ TT&TT, Phó Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử Quốc gia, con trai Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ chính trị khoá XII, cựu Bí thư thành uỷ TP HCM.

Hàng trên: Nguyễn Phú Trường (trái), con trai Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Thanh Nghị (phải), con trai Nguyễn Tấn Dũng. Hàng dưới: Trương Tấn Sơn, con trai Trương Tấn Sang.

Đó là chưa kể đến hàng loạt thái tử đảng dính chàm vì tham nhũng, hư hỏng, suy đồi về đạo đức và lối sống, đến nỗi bị bắt giam hoặc phế bỏ như:

– Trịnh Xuân Thanh, sinh năm 1966, Tỉnh uỷ viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, con ông Trịnh Xuân Giới, cựu Phó ban Dân vận Trung ương.

– Nguyễn Bá Cảnh, sinh năm 1983, Thành uỷ viên, Phó ban Dân vận thành uỷ Đà Nẵng, con trai Nguyễn Bá Thanh, cố Trưởng ban Nội chính Trung ương.

– Lê Phước Hoài Bảo, sinh năm 1983, Tỉnh uỷ viên, GĐ sở Kế hoạch đầu tư Quảng Nam, con trai Lê Phước Thanh, từng là Bí thư tỉnh uỷ Quảng Nam…

Rất nhiều thái tử đảng, con những quan chức cấp bộ trưởng, thứ trưởng, Bí thư, phó bí thư, chủ tịch các tỉnh thành… cũng được chui vào chốn quan trường. Có lẽ bọn họ nhận thức được rằng, trong giai đoạn nền kinh tế “lẫu chè” Kinh tế thị trường XHCN này, không có con đường nào giàu nhanh, “ngồi mát ăn bát vàng” bằng hoạn lộ cán bộ của Đảng.

– Mai Thành Chung, sinh năm 1984, con trai bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, cũng đã kịp ngồi ghế Phó Bí thư huyện uỷ Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

– Lê Hoàng Quân, cựu chủ tịch thành Hồ, tội đồ của dân Thủ Thiêm, cũng nhét được con trai Lê Hoàng Ngân, sinh năm 1982, vào ghế Phó hiệu trưởng đại học An ninh.

– Lưu manh chính trị Nguyễn Văn Đua, cựu Phó bí thư thường trực thành Hồ, cũng kịp bố trí cho con trai Nguyễn Việt Quế Sơn, sinh năm 1984, nắm giữ chức vụ Phó bí thư quận uỷ quận Bình Tân…

Nhiều, nhiều lắm những “hạt giống đỏ” đã, đang và sẽ tiếp tục được ươm trồng trong vườn ươm của Đảng, khó có thể thống kê cho hết.

***

Dưới thời phong kiến, một cậu bé chăn trâu trở thành Trạng Nguyên, một anh thợ cày thi đậu Bảng Nhãn, hoặc một chú tiều phu đề danh Thám Hoa là điều rất đỗi bình thường. Người nào giỏi giang, cứ ra ứng cử khoa bảng để giúp đời, giúp nước, giúp dân.

Lịch sử Việt Nam đã có bao nhiêu đại quan được truyền tụng, cũng có xuất thân từ nông dân chân lấm tay bùn. Vua chúa thời đó trọng nhân tài, con quan mà lười biếng, học dốt cũng chịu, không ai nâng đỡ được.

Nhà nước cộng sản rao giảng “hiền tài là nguyên khí quốc gia”, nhưng rào cản lý lịch luôn khép kín và chính sách thu hút người tài vẫn bỏ ngõ. Họ hô hào “hy sinh, cống hiến”, nhưng thực chất họ dành quyền lực, địa vị xã hội và lầu son gác tía cho con cháu của mình. Họ bổ nhiệm người thân, thậm chí cả người… hầu vào ngồi ghế lãnh đạo.

Những kẻ hôm qua còn là bảo vệ, thư ký, trợ lý… hôm nay bỗng chốc được xướng tên là lãnh đạo đảng và nhà nước. Bất tài nhưng ngồi vào vị trí quyền lực thì chắc chắc sẽ là mầm mống tai ương, đại họa cho thiên hạ. Cách làm nhân sự dốt nát và liều lĩnh của đảng CSVN sẽ đẩy dân tộc này đến đâu?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.