Sau 15 năm hoạt động, Tạp chí VHNA ra số cuối cùng
28-11-2020
Tiếng nói trung thực không thể chết: Đi tìm biến hình mới của Tạp chí Văn hóa Nghệ An
TIẾC NUỐI
Tin chấm dứt phát hành Tạp chí Văn hoá Nghệ An (VHNA) như một luồng gió lạnh làm rùng mình không chỉ những người sáng lập và xây dựng nên Tạp chí VHNA. Đó là một tin buồn cho chính người Nghệ An yêu văn hoá xứ sở khi mất đi một phương thức trình diễn văn hoá xứ sở. Hơn thế nữa, vượt qua biên giới Nghệ An, đó còn là sự tiếc nuối của tất cả những ai yêu Văn hoá Nghệ An trên khắp mọi miền đất nước, vì thiếu vắng một đồng hành trụ cột truyền tải tiếng nói văn hoá trung thực từ xứ Nghệ – vào thời điểm nao núng của nền văn hoá nước nhà.
Không phải nói ngoa. Không phải nói đẹp khi chia tay. Chỉ những ai yêu tiếng nói văn hoá trung thực mới cảm nhận được sự tiếc nuối này.
ĐƯỢC TIN CẬY VÀ QUÝ TRỌNG
Ấy là bởi ở Tạp chí VHNA, dẫu chưa trọn vẹn, nhưng lúc trầm lúc bổng được cất lên tiếng nói văn hoá trung thực.
Người Nghệ An trung thực, lại phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt nên khí chất thay đổi mà trở thành nổi danh cương trực. Con người cương trực thì hơi thở cương trực, tiếng nói cương trực. Cho nên, như con người nhờ ôxy mà sống, Tạp chí VHNA nhờ cất lên tiếng nói văn hoá trung thực mà được tin cậy.
Không riêng gì ở Nghệ An, kẻ sĩ cương trực có ở khắp mọi miền đất nước. Họ cần có nơi để cất lên tiếng nói cương trực. Tạp chí VHNA là địa chỉ vô cùng hiếm hoi để kẻ sĩ có thể cất lên tiếng nói cương trực. Vì thế Tạp chí VHNA được kẻ sĩ mọi miền quý trọng.
SỨ MỆNH
“Lửa thử vàng” – trong khó khăn mới kiểm nghiệm được bản lĩnh, trong nguy nan mới được tin giao sứ mệnh hệ trọng. Tạp chí VHNA, vào thời điểm đổi mới đường đi cho đất nước, nơi ngã ba đường, đã cất lên tiếng nói chỉ đường khác biệt.
Chính điều này đã làm cho Tạp chí VHNA hứng chịu nhiều sóng gió, mà nếu không có sự dũng cảm di truyền của người Nghệ An thì đã phải gục ngã đầu hàng. Nhưng tiếng nói khác biệt mới là vàng mười. Tiếng nói khác biệt chỉ cho ta con đường mới, dẫn ta đến những phát minh bản lề, mở ra cho ta những chân trời mới.
Ở điểm cốt lõi này, Tạp chí VHNA đã thực thi một sứ mệnh mà khó có tờ báo nhà nước nào khác hiện nay có thể so sánh. Đó là điều tự hào cho tất cả những ai đã tham gia xây dựng và nuôi dưỡng Tạp chí VHNA.
GỬI GẮM
Dẫu phải chấm dứt ở trạng thái báo giấy, thì Tạp chí VHNA vẫn phải được tồn tại ở dạng báo mạng. Dẫu phải chấm dứt ở trạng thái độc lập, thì trong hình hài của Tạp chí Sông Lam, Tạp chí VHNA phải có được một không gian trọn vẹn.
Người đứng đầu Tạp chí Sông Lam, không vì tên gọi, không vì nguồn gốc từ vùng miền nào, trước hết phải là người có tầm Văn hoá Nghệ An rộng lớn. Thì lúc đó mới xứng với Văn hoá của người Nghệ An. Và lúc đó Tạp chí VHNA sẽ có một biến hình mới trọn vẹn trong Tạp chí Sông Lam.
Đừng quên rằng thần cốt của Văn hoá Nghệ An là văn hoá trung thực. Ở Tạp chí Sông Lam được cất lên tiếng nói văn hoá trung thực, thì đấy là Văn hoá Nghệ An. Người Nghệ An cương trực. Không có tiếng nói văn hoá trung thực không phải là Văn hoá Nghệ An.
BIẾN HÌNH
Không có hiện tượng nào tồn tại mãi mãi. Sinh Diệt là quy luật của tạo hoá. Nhưng Diệt của một hiện tượng là cội nguồn Sinh của một hiện tượng khác.
Văn hoá Nghệ An tồn tại cùng con người Nghệ An. Có người Nghệ An là có Văn hoá Nghệ An. Bởi vậy, sự kết thúc của Tạp chí VHNA trong hình thức hiện nay sẽ làm nảy sinh một biến thể của Tạp chí VHNA trong một hình thức khác.
Những người đã sinh ra và nuôi dưỡng Tạp chí VHNA có thể tự hào về vai trò của Tạp chí VHNA cho đến thời điểm hiện tại. Những người tiếp quản biến hình mới của Tạp chí VHNA có trách nhiệm làm toả sáng hơn nữa Văn hoá Nghệ An cho xứng với tầm vóc người Nghệ An.
Văn hoá Nghệ An là một thành tố quan trọng cấu thành nên Văn hoá Việt Nam. Đến lượt mình, Văn hoá Việt Nam cùng với Văn hoá của các dân tộc khác tạo nên nền Văn hoá của nhân loại. Người đời sau sẽ còn mãi nhận thấy bóng dáng của Tạp chí VHNA thời nay, qua những liên tiếp biến hình Sinh Diệt của Tạp chí VHNA.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.